Hôm nay,  

Một Nơi Hai Lần Đến

08/06/201000:00:00(Xem: 186050)

Một Nơi Hai Lần Đến

Tác giả: Khanh Vũ
Bài số 2913-28213-vb2060710

Tác giả đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Ông là một chuyên gia kỹ thuật của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, từ 1953 đã du học Pháp, sau đó hai lần được tái huấn luyện tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài   viết mới nhất của ông.

***
Tôi đến Florida hai lần cách nhau gần bốn mươi năm, mỗi lần trong một trường hợp khá đặc biệt đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Lần đầu tiên đến đây là năm 1972 trong một dịp sang Mỹ du học thời VNCH, từ thành phố Montgomery, Alabama, tôi lái xe xuôi nam hướng về "Tiểu bang nắng ấm" (Sunshine State) nổi tiếng này của Xứ cờ hoa. Bạn đồng hành là một thân hữu mới từ Pháp sang thăm được vài ngày cũng rất thích đi chơi xa, cả hai dự định sẽ ở chơi đây trọn tuần tôi được nghỉ học. Chúng tôi đều ở tuổi trên dưới 35, sức khoẻ còn sung mãn, nên đã tận dụng lúc nhàn rỗi để rong chơi, thưởng ngoạn một số thắng cảnh trải dài suốt từ Bắc chí Nam của Florida.
Ba mươi bẩy năm sau, năm 2009, là người tị nạn ở Mỹ đã khá lâu tôi từ Orange County, California có dịp trở lại thăm tiểu bang Florida khi tuổi đời đã ngoài bẩy mươi cùng với "bầu đoàn thê tử" vợ con và cả một cháu ngoại nhỏ. Thời gian ở đây cũng một tuần lễ và chương trình do gia đình đứa con gái mời chúng tôi đi sắp xếp, dự tính chỉ lẩn quẩn đi chơi ở thành phố Orlando để xem Walt Disney World và sau đó là nghỉ ngơi tại một nơi gần biển.
      
* LẦN ĐẾN THỨ NHẤT
Năm đó tôi đang làm việc tại một đơn vị quân đội tại Tân sơn Nhất thì được đề cử đi Mỹ học một khoá tu nghiệp. Sau khi hoàn tất các thủ tục xuất ngoại, đến giữa năm tôi đáp máy bay sang đây. Khoá học gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu học khoàng ba tháng thì cả lớp được nghỉ một tuần để chờ vào tiếp giai đoạn hai cũng là lúc kết thúc khóa học, tôi nảy ý tận dụng thời gian nghỉ giữa khoá này làm chuyến du ngoạn xa cho thoải mái tinh thần, tạm quên đi mọi sự căng thẳng trong những tháng ngày vừa qua.
Tôi rời VN giữa lúc tình hình quân sự và chính trị trong nước đang sôi động, với "Mùa hè đỏ lửa", khiến tâm trí không khỏi băn khoăn trước những biến động xảy ra trên đất nước. Tuần lễ nghỉ không, tôi nghĩ phải đi đâu đó cho hết thời giờ để đầu óc khỏi nghĩ ngợi lan man.  Sau khi tìm hiểu và suy tính xa gần, điều kiện khà thi, tôi chọn mục tiêu là Florida nổi tiếng với các nơi như Disney World, phố biển Miami, thành phố cực Nam của lục địa Mỹ Key West.
Muốn đến Florida khởi đi từ thành phố Mongomery, Alabama là nơi đang ở, tôi phải đi về hướng Nam vượt biên giới tiểu bang này. Chuyến đi xa lại xuyên bang đầu tiên trên đất Mỹ quả là chuyến đi khá mạo hiểm nhưng vào lúc tuổi còn trẻ tôi xem nhẹ chuyện này, chỉ nghĩ nếu đi xa một mình thì dễ có những lúc buồn nản trên đường trường. Tôi nghĩ ngay đến M mới sang du lịch Mỹ trước đó mấy hôm và rủ bạn đi cùng, may mắn sao bạn tôi vui vẻ đồng ý ngay.
M là bạn thời còn trẻ ở Sàigòn những năm 1960, nhỏ hơn tôi vài tuổi và nhờ thế lực gia đình đã sang Pháp du học trong lúc tôi gia nhập quân đội VNCH. Chúng tôi liên lạc thư từ trao đổi tin tức được đôi ba năm thì mất liên lạc cho mãi đến đầu năm 1972 trong chuyến M về VN thăm gia đình đầu tiên sau khi đã thành đạt chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Sau thời gian ở VN, M trở lại Pháp tiếp tục làm việc còn tôi sau đó mấy tháng thì sang Mỹ tu nghiệp. Do biết tôi đã ỡ Mỹ và cũng muốn du lịch xứ này nên M đã thu xếp công việc để sang thăm tôi đồng thời viếng đất nước Mỹ đã từng mơ ước bấy lâu. Riêng tôi có bạn đồng hành thì ngoài cảnh khỏi phải "độc hành" trên những xa lộ dài hun hút lại còn có người để chuyện gẫu hay hỗ trợ khi cần, xem ra còn gì thú vị hơn.
Để có phương tiện di chuyển, tôi đi mua một cái xe Wolsvagen kiểu cho gia đình tương đối rộng rãi, loại xe xài rồi nhưng còn chạy tốt. Về bằng lái xe tôi đã lấy được bằng khi đến trường được vài tuần nhân dịp trường kết hợp với DMV địa phương tổ chức cho khoá sinh ai muốn lấy bằng thì nộp đơn dự thi. Chúng tôi bàn bạc những nơi sẽ đến và lộ trình đi để sao trong một tuần có thể thăm viếng được cành nhiều nơi càng hay. Chuẩn bị quần áo, các thứ cần thiết lặt vặt khác chất lên xe xong là chúng tôi khởi hành ngay, không quên mua vài cái bản đồ để tìm đường đi lúc ghé trạm đổ xăng.
Thời bấy giờ chưa có máy chỉ đường GPS như những năm gần đây, trước khi đi chúng tôi phải dở bản đồ ra vạch sẵn lộ trình, lúc đi thì một người lái xe, người ngồi kế bên canh chừng để tránh chạy lạc. Sau khi vào ranh giới Florida, chúng tôi phải vượt qua ba xa lộ dài (I-10 E, I-75 S và FL-91 S) trước khi đến được nơi đầu tiên đã định là thành phố Orlando.Chúng tôi dự tính dừng chân tại đây để vào xem Walt Disney World là nơi mà chúng tôi được biết là khu vui chơi nổi tiếng mới được khánh thành cuối năm 1971 trước khi tôi đến đây chưa đầy một năm.
Khu du lịch này ra đời sau Disneyland ở California mười sáu năm, Disneyland được mở cửa cho khách vào xem từ năm 1955. Tuy nơi đây nổi tiếng thế giới từ lâu nhưng từ Alabama mà đến khu vui chơi này quá xa, muốn đến ắt phải đi máy bay, tốn kém nhiều mà thời gian nghỉ của tôi lại có hạn, nên chúng tôi chọn Walt Disney World, Florida. Khoảng cách từ nơi chúng tôi ở đến khu vui chơi này xa độ 500 miles, lái xe phải mất khoảng 10 tiếng không kể thời gian nghỉ dọc đường.
Rong ruổi trên những xa lộ dài giờ này qua giờ khác chúng tôi có dịp hàn huyên hỏi han nhau về nhiều việc trong quá khứ. M kể lại chuyện xa nhà học hành gần chục năm ở Paris đã chẳng dễ dàng, khi tốt nghiệp (dược sĩ) đi xin việc làm bị kỳ thị ra sao nhưng may mắn rồi cũng có được chỗ làm tốt. Ở Paris có nhiều đồng hương, ra đường dễ gặp được người VN còn từ hôm đến đây đã cả tuần mà chẳng thấy đồng hương nào. Mà đúng vậy thời M du học (1960) có khá đông người Việt ở Pháp nhất là ở Paris và các vùng phụ cận. Bởi từ rất lâu trước đó do ảnh hưởng nhiều của văn hoá Pháp, học sinh sinh viên VN đi du học thường hầu hết là sang Pháp, họ đến đây học hành xong rồi lập nghiệp ở lại ngoại trừ một số nhỏ trở về nước.Thêm vào đó trong thành phần người Việt gia nhập quân đội Pháp trong thế chiến, một số đã ở lại định cư ở Pháp sau khi chiến tranh chấm dứt, họ lấy vợ sinh con tạo ra các thế hệ tiếp nối.  Còn ở Mỹ chỉ từ những năm sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước thì mới có nhiều du học sinh mà đa số là sang đây để được đào tạo thành chuyên viên và sĩ quan các ngành cho quân đội VNCH. Đến đầu những năm 1970 số người Việt lập nghiệp ở đây vẫn là con số rất nhỏ, nên đến tiểu bang Alabama vào thời điểm này gặp được một người Việt là chuyện hiếm có.
Tôi cũng kể qua quãng đời trong quân ngũ gần chục năm qua và cái may được đi du học Mỹ hai lần mà đây là lần thứ nhì. Lần trước năm 1969 đến học ở một thành phố thuộc tiểu bang Texas, trong một lần đi vào cửa hàng BX trong căn cứ tôi tình cờ có duyên may gặp một cặp vợ chồng Mỹ Việt (vợ Việt). Lại gần thì hóa là quen nhau cả, anh chồng là T và cô vợ là L, thôi thì tay bắt mặt mừng chào hỏi rối rít. Mấy năm trước anh chồng là một thiếu tá Mỹ đến Sàigòn làm cố vấn ở một phòng cạnh phòng tôi, cô vợ là thư ký đánh máy trong phòng anh. Khi mãn nhiệm kỳ họ dắt nhau về Mỹ sau khi đã cưới nhau không lâu trước đó. Qua thăm hỏi trao đổi một lúc họ đã khẩn khoản vui vẻ mời hôm sau lại nhà họ chơi. Hôm sau đúng hẹn tôi lại nhà không quên đem theo một món quà nhỏ, được đón tiếp niềm nở, đãi cơm VN và trao đổi chuyện cũ chuyện mới rất thân mật. Không "tha hương ngộ cố tri" quá vui mà tha hương gặp đồng hương cũng vui không kém.
Lần đến Mỹ này thì cho đến giờ ra ngoài đường phố tôi cũng chưa gặp được đồng hương nào ngoài mấy anh VN đến tu nghiệp ở đây trong cùng căn cứ. Mải nói chuyện thời gian dường như qua mau, tuy nhiên chúng tôi cũng phải lái xe kể cả những lần nghỉ dọc đường mất trọn ngày mới đến được thành phố Orlando.
Sau một đêm nghỉ ngơi, hôm sau chúng tôi đến Walt Disney World (WDW) mua vé vào xem. Dựa theo Disneyland ở Cali nhưng trên một diện tích đất rộng hơn nhiều, khu giải trí này chỉ có một nơi vui chơi (theme park) là Magic Kingdom với diện tích 107 acres. Từ chỗ đậu xe ở ngoài cổng đến khu Magic Kingdom cách xa cả mile, khách vào phải đi xe monorail của WDW để đến nơi. Toàn khu này có trên hai mươi chỗ hấp dẫn đáng vào xem mà sau này tôi được biết hầu hết đều giống như Disneyland bên Cali, trong số những điểm tương tự có Cinderella Castle (Sleeping beauty castle ở Disneyland), The haunted mansion, Jungle cruise...
Chúng tôi háo hức từ lâu muốn biết những cái mới lạ được thu gọn trong một khu giải trí mà nay lần đầu tiên trong đời bây giờ mới có dịp đến chơi. Trên thế giới vào thời điểm này (1972) ngoài Disneyland ở Cali và Walt Disney World ở Florida (Mỹ) chưa nước nào có khu giải trí vĩ đại tương tự. Mãi sau này mới có Disneyland Paris, Pháp, mở cửa năm 1992, Tokyo Disneyland, Nhật, 1983 và Hong Kong Disneyland, Hồng Kông, 2005. Thế nên chúng tôi đã bỏ ra trọn ngày để lang thang đi xem hết chỗ này đến chỗ khác, nơi nào chúng tôi cũng thấy mới lạ, thích thú, cho đến khi mỏi rã chân mới ra về. Trên đường về lại khách sạn tôi bỗng chợt nhớ ra cả ngày trong khu vui chơi lớn WDW chúng tôi chẳng gặp được một người đồng hương nào. Tôi đâm ra thắc mắc có phải vì khu vui chơi này mới mở, người Việt không có ai dến du lịch nơi đây hay tại mình đến không trùng ngày trùng lúc với họ. "Hoá ra chỉ có mình là du khách VN thăm viếng Disney World hôm nay !" tôi thắc mắc chia sẻ ý nghĩ này với người bạn đồng hành.
Buổi tối đến chúng tôi bàn tính đến chỗ đi ngày hôm sau, rồi tìm đường trên bản đồ, ước tính khoảng cách và thời gian lái xe. Sáng hôm sau chúng lên đường đi Miami Beach, một thành phố biển đẹp nổi tiếng thuộc Miami-Dade county, nằm trên đảo chắn (barrier island) giữa vịnh Biscayne Bay và Đại Tây Dương. Từ Orlando đến Miami Beach xa độ 250 miles, chạy xe mất khoảng 4 tiếng. Chúng tôi phải chạy qua nhiều xa lộ, dài nhất là xa lộ FL91S. Trên đường đi có những nơi dọc bên đường là bạt ngàn vườn cam, trái chín vàng nhìn được từ xa trông thật đẹp mắt. Quả đúng như người ta cho biết, Florida là tiểu bang trồng nhiều cam nhất nước Mỹ, mức sản xuất cam đứng hàng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Ba Tây (Brazil).
Đến mộ quãng xa lộ nọ, tôi cho xe chạy chậm lại tạt vào một ngã rẽ rồi ngừng trước một quán nhỏ bán cam và nước uống nằm trước một vườn cam lớn, giá cả ở đây khá rẻ so với các tiệm hay chợ trong thành phố. Vừa nghỉ ngơi hít thở không khí thoáng mát, vừa uống nước cam xay ngọt ngào mát rượi tại chỗ lại được ngắm cảnh những vườn cây rộng mênh mông trải dài xa mút tầm mắt, với cảnh những trái cam chin vàng chi chit trên cây nổi bật trên nền lá xanh mướt và quanh các gốc lốm đốm những trái cam vàng rơi rụng. Sau đó chúng tôi lại trở ra xa lộ chạy hướng về phía Nam, chúng tôi đến Miami Beach trời còn sớm, cho xe chạy chậm chậm để xem quang cảnh gần biển nhìn ra Đại tây dương.
Dọc theo bờ biển là san sát các khách sạn sang trọng lớn nhỏ, tuy vậy vẫn còn nhiều bãi biển công cộng dành cho mọi người. Bãi biển ở đây cũng như các bãi khác ở Florida được cho là thuộc loại bãi biển đẹp nhất trên thế giới. Vì không tắm nên chúng tôi chỉ chú tâm rong chơi "cỡi ngựa xem hoa" những nơi đặc biệt của khu phố ven biển này, đến ngắm cả khu bãi biển đẹp ở phía Nam mà các giai nhân tài tử màn bạc thường hay đến vui chơi.
Ngày hôm sau chúng tôi tìm đường đi tiếp xuống phía Nam, đến miền cực Nam của Florida là Key West, một thành phố thuộc Monroe County nằm cách Miami Beach 180 miles về phía Nam, lái xe mất độ 4 giờ.
Để đến nơi chúng tôi đi xa lộ US1, và vượt qua 42 cái cầu trong số có một cái dài nhất là Cầu Bảy Dậm (Seven Mile Bridge). Lái xe ngày nắng nóng, quay cửa xuống hết lúc chạy trên cầu rồi nhìn ra hai bên là biển trời mênh mông mới cảm nhận hết được cái đẹp của quang cảnh nơi này, qua làn nước trong xanh, thấy được những đám san hô ẩn hiện đây đó dưới mặt nước, hít thở không khí thoáng có vị mặn, là biết mình đã đến một nơi khác lạ. Chúng tôi chạy xe đến điểm cuối cùng của xa lộ US1 là điểm cực Nam của thành phố Key West cũng là điểm cực Nam của lục địa Hoa Kỳ, nơi đây chỉ cách Cuba 81 hải lý. Lúc chúng tôi đến thời bấy giờ điểm cực Nam đươc ghi nhận bằng một bảng chú thích nhưng sau đó từ 1983 đã được xây thành một trụ mốc kiên cố có sơn mầu với mấy hàng chữ lớn Southernmost Point, Continental USA. Chính tại trụ mốc này các du khách từ những phương xa đến Key West thường đến thăm viếng và chụp ảnh nhiều nhất.
Nơi đây còn có di tích nổi tiếng là căn nhà của đại văn hào Ernest Hemingway, tác giả nhiều tác phẩm danh tiếng mà nhiều người VN thích đọc sách trước 1975 thường biết đến như The old man and the sea, For whom the bell tolls, A farewell to arms... Chúng tôi đi dạo chơi ở thành phố biển này chẳng mấy chốc mà trời đã ngả chiều đành nghĩ đến tìm chỗ ăn rồi nghỉ ngơi qua đêm. Chúng tôi vào một nhà nghỉ sát biển thuê phòng, sau nhà có cầu tầu nhô ra biển trên đó có kê vài ghế nằm dài cho khách thư giãn.
Buổi chiều đẹp trời, gió mát hiu hiu nằm đây mà ngắm cành hoàng hôn xuống dần, mặt trời từ từ lặn xuống biển sau lằn ngang chân trời mãi tít xa, cảnh vật thật lý tưởng! Trong khoảnh khoắc tĩnh lặng tôi chợt liên tưởng đến những buổi chiều tương tự nơi quê nhà ngày nào ở Vũng Tầu, Nha Trang mà giờ đây không biết không khí chiến tranh có đã len lỏi đến làm mất đi bao nhiêu cái vẻ đẹp thơ mộng của những bãi biển này. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến một miền Nam hiền hòa không may đã triền miên bao năm nay phải đối diện với những hành động phá hoại, tấn công gây tang tóc, những mưu toan xâm lấn của cộng sản Bắc Việt. Rồi chúng tôi không ai bảo ai bỗng bàn đến đường về, sáng mai đây chúng tôi sẽ rời nơi này trở lại nơi xuất phát ở Alabama, tính toán đi sao cho về đến đây càng sớm càng tốt để còn kịp thời vào khoá học kế tiếp. Riêng tôi đã thoáng mường tượng đến ngày trở về VN sau khoá học, đến công việc chờ đợi ở đơn vị. Rất may chúng tôi đã an toàn trở lại thành phố Montgomery như dự tính, chấm dứt cuộc du hành xa đầu tiên trên đất Mỹ với nhiều kỷ niệm êm đẹp.
Một điều tôi không thể quên là dù trong tuần lễ rong ruổi hơn ngàn dậm đường xuôi ngược Florida, không hẳn lúc nào cũng hoàn toàn vui vẻ mà cũng có những khi nhớ lại hoàn cảnh bản thân, nhớ đến tình trạng chiến tranh nơi quê nhà, đến gia đình, bạn bè, tự nhiên thấy lòng bỗng chùng xuống, bao nhiêu niềm vui thoáng chốc vụt tan biến.
          
* LẦN ĐẾN THỨ HAI 
Lần đi nghỉ hè năm 2009 đầy háo hức đối với gia đình đứa con gái bởi chúng còn trẻ rất ham thích được đến những nơi xa để biết những điều hấp dẫn mới lạ, còn riêng tôi trong lòng chỉ thấy nôn nao với ý nghĩ sẽ được gặp lại bạn thân thiết ngày nào hiện đang cư ngụ tại đây.
Nếu chỉ tính từ ngày định cư ở California sau biến cố 4-1975 mất nước đến nay thì cũng đã gần hai mươi năm, tôi mới có dịp lại bay sang miền Đông. Lần trước,  là để dự tiệc cưới của con một anh bạn cố tri ở Virginia cách nay mấy năm và lần này là đi cùng gia đình sang Florida.
Sau gần năm giờ bay, máy bay bắt đầu xuống thấp dần rồi luợn quanh trên vùng trời Orlando để chuẩn bị đáp, nhìn xuống thấy rất nhiều ao hồ và những rừng cây xanh khác xa với quang cảnh gần phi trường Los Angeles; Chẳng mấy chốc sau máy bay hạ cánh nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Orlando nằm về phía Tây Nam và cách không xa trung tâm thương mại chính của thành phố. Trời đã về chiều nhưng vẫn còn cảm được cái nóng oi bức của khí hậu mùa hè nhiệt đới, khác hẳn cái nóng ở Cali.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục ở phi cảng, chúng tôi lấy xe chạy về nơi ở, là một khu nhà nghỉ có Water Park ở thành phố Kissimmee cách phi trường độ nửa giờ lái xe. Đã thắm mệt, cả gia đình nghĩ đến chuyện đi ăn rồi nghỉ nghơi. Nhờ có máy chỉ đường cũng như đã tìm sẵn chi địa điểm trên internet, con tôi lái xe thẳng ra khu có nhà hàng VN cách nơi ở cũng khá xa có đến gần tiếng đồng hồ. Đó là một khu phố trên đường Colonial Dr. Lúc đó trời đã nhá nhem tối. chúng tôi dừng lại trưóc khu có các bảng hiệu nghe quen thuộc như Little Saigon, Ánh Hồng. Cả nhà bàn với nhau nên kiếm tiệm phở ăn đại khái cho xong để còn về nghỉ ngơi, chúng tôi vào quán Ánh Hồng. Thực khách khá đông, đơi một lúc thì chúng tôi cũng gọi được thức ăn. Giải quyết cái nợ bao tử xong về đến nhà cũng đã gần mười giờ tối. Thế là chuẩn bị đi ngủ chấm dứt ngày đầu đến Florida.
Vì lạ chỗ cũng như lớn tuổi nên dù mệt tôi cũng không ngủ được nhiều, thức giấc rất sớm nhưng tôi cứ nằm im, suy nghĩ lan man. Đối với vợ và gia đình đứa con đi cùng đây là lần đầu tiên trong đời đến Florida nhưng với tôi là lần thứ hai. Lần thứ nhất tôi sang học ở tiểu bang Alabama, nhân dịp nghỉ chờ khóa học mới tôi đã có dịp lái xe sang Florida, vào chơi Walt Disney World (khai trương 1971), xuống Miami và đi tuốt xuống Key West. Hai tuần vui chơi thời trai trẻ ở các nơi này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm êm đềm khó quên. Tôi chợt nhận ra đây là mình trở lại thăm Florida và trong hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt với lần đến trước kia, hi vọng biết những thay đổi mới lạ ở nơi đây cũng như có dịp hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ và nhất là sẽ gặp gỡ được một vài bạn bè ngày nào.
Ý nghĩ sẽ gặp lại bạn cũ khiến tôi vui hẳn lên. Thế nên thay vì tính đến chương trình đi chơi ngày hôm sau ở các khu giải trí, tôi nghĩ ngay đến mấy anh bạn cũ đang sống ở tiểu bang này với ý định sẽ đến thăm, đặc biệt đối với các bạn trước đây đã từng sang Cali thăm tôi mà tôi xem đây như là cơ hội tốt nhất để đáp lễ.
Sáng hôm sau, gia đình con gái với đứa cháu ngoại sáu tuổi cùng vợ tôi đi xem khu Magic Kingdom, một trong các khu vui chơi của Disney World. Trước đó vợ chồng đứa con gái đã đề nghị vợ chồng tôi cùng đi chơi cho biết nhưng tôi viện lý do đã biết qua chỗ này rồi trong lần đến Mỹ trước 1975, muốn ở lại thăm hỏi mấy ông bạn già ở đây. Về sau tôi được biết Magic Kingdom ngày nay có hơn bốn mươi hạng mục hấp dẫn dành cho khách đến xem, hơn hẳn ngày xa xưa lúc tôi đến. Nếu muốn xem hết những nơi này, thưởng thức hết những trình diễn ở đây thì phải bỏ ra rất nhiều thời giờ, dành trọn một ngày cũng chưa thấm vào đâu. Thế là tôi ở lại khách sạn một mình, lấy mảnh giấy ghi sẵn số điện thoại của ba anh bạn ở Florida ra xem.
Người đầu tiên tôi muốn gọi là anh chị Xuân ở thành phố Longwood cách Orlando không bao xa. Anh Xuân là người bạn thân học cùng khoá SQ với tôi ngày trước, cả hai chúng tôi lại có thời gian cùng làm việc khá lâu tại một đơn vị tại Tân Sơn Nhất. Khi biến cố 4/1975 xảy ra anh chị đã may mắn đến được Mỹ sớm còn tôi sau đó mười mấy năm cũng đến được đây; tuy kẻ ở Đông người ở Tây của nước Mỹ rộng lớn nhưng chúng tôi đã có nhiều dịp gặp lại nhau. Nhớ nhất là mới cách nay vài năm anh chị đã từ Florida sang dự đám cưới đứa con trai út của tôi ở Cali, thật là cử chỉ thân tình khiến tôi nhớ mãi. Khi tôi gọi cả hai anh chị chẳng biết vô tình hay không đều bắt máy một lượt, tôi nghe cả cùng lên tiếng, giọng tỏ vẻ vừa vui vừa ngạc nhiên khi nghe tôi xưng tên và ngỏ lời chào. Anh chị ngạc nhiên cũng phải bởi trước khi sang đây tôi đã cố ý không gọi báo trước, vì sợ làm phiền anh chị vả cũng muốn gây chút bất ngờ (mà sự bất ngờ nào cũng thường đem lại ít nhiều thích thú). Sau khi vừa nói chuyện qua lại một lúc, biết tôi còn ở khách sạn trong lúc con cháu đã đi chơi hết, anh chị cho hay sẽ đến đón tôi ngay để cùng đi chơi.


Chẳng mấy chốc sau đó anh chị đã đến khách sạn tôi ở. Sau đó anh chị đưa tôi đến khu thương mại chính của người Việt ở Orlando nằm trên đường Colonial Dr. Khu này tối hôm trước cả gia đình tôi đã đến nhưng vì gấp gáp nên không có thì giờ quan sát, hôm nay tôi mới thấy rõ, chỉ trải dài độ vài ba khu phố, rải rác một số nhà hàng ăn, tiệm bán hàng hoá thực phẩm, văn phòng bác sĩ, tiệm nail ... Cũng có cửa hàng, phiá trước có tượng ba ông Phước Lộc Thọ làm tôi nhớ đến khu Phước Lộc Thọ ở Cali nhưng không thể so sánh khu buôn bán ở đây với phố Bolsa ở Orange County, Cali vì người Việt ở Florida ít hơn nhiều so với bên Cali.

Tôi có khoe với anh chị Xuân gia đình chúng tôi tối qua đã ăn phở ở quán A.H trên đường Colonial này. Đến khoảng trưa anh chị mời tôi vào nhà hàng VN có tên là Lạc Việt nằm đối diện với cửa hàng buôn bán Phước Lộc Thọ và cách quán phở A.H không bao xa. Khu thương mại ở đây nhỏ bé do phục vụ cho số dân cư VN không nhiều, nhà hàng Lạc Việt có lẽ thuộc hạng khá nhất ở Orlando, cả về khung cảnh trang trí nội thất, cách tiếp đãi lẫn phẩm chất món ăn. Ngoài L.V còn có một nhà hàng VN khác là Little Saigon, nơi nghe nói thưòng được bà con người Việt dùng làm nơi họp mặt thân hữu bạn bè khi có dịp. Anh chị Xuân gọi một bữa cơm VN với rau muống xào tỏi, canh chua, cá kho..., vừa ăn chúng tôi vừa hàn huyên chuyện mới chuyện cũ, không khí thật ấm cúng vui vẻ.
Sau đó anh chị bảo đưa tôi về nhà cho tôi biết nơi anh chị sinh sống bấy lâu nay đồng thời có dịp cùng nhau chuyện trò tiếp. Đường về nhà phải qua vài xa lộ với lượng xe chạy thưa thớt trước khi đến con đưòng dài mà hai bên rất nhiều cây cao lá xanh mướt như vượt qua khu rừng dẫn đến một khúc quanh xe phải chạy chậm một lúc thì vào đến khu nhà ở.
Xe đậu trước cửa ga-ra nhà anh chị, tôi xuống xe nhìn quanh, nhà nào trông cũng tươm tất đẹp mắt, thấp thoáng cây lá xanh tươi, toàn cảnh toát lên vẻ rất thanh tịnh rất thích hợp cho cuộc sống người lớn tuổi. Tôi thầm nghĩ về hưu mà đưa nhau về đây dưỡng già có khác nào đưa nhau tìm "động hoa vàng". Thật là lý tưởng cho những người cao niên, những cặp vợ chồng già muốn hưởng trọn thú yên tĩnh, không khí trong lành của vùng đất xa vắng cách biệt hẳn các nơi đô thị.
Ở ngoài còn cái nóng oi bức cuối hè, nhưng vào trong nhà thì mát mẻ dễ chịu." Vào mùa này là phải để máy lạnh liên tục mới chịu được" chị Xuân cho hay khi chúng tôi vừa bước vào nhà. Nhìn ra ngoài nơi phía sau phòng khách là khu sân nhỏ với ít chậu hoa lan làm cây cảnh. Chị cho biết sở dĩ chọn ở chỗ này là do sự thuận tiện đi đến sở lúc còn đi làm chứ lúc ấy chưa nghĩ đến chuyện về hưu, nay thì cả hai vợ chồng đã về hưu ở luôn đây nghĩ ra cũng thuận tiện.
Chúng tôi tản mạn chuyện xưa chuyện nay, nhắc đến các bạn bè thân quen, kể lại cho nhau biết về những bạn đồng khoá sĩ quan ngày xưa hiện sống tản mác nơi này nơi kia. Chúng tôi nhắc đến gia đình anh Giang, một bạn cùng khoá với chúng tôi và tình trạng bệnh lẫn Alzheimer của anh đã đến thời kỳ gây khó khăn vất vả cho người chăm sóc là chị Giang, đến đức tính kiên nhẫn chịu đựng đáng phục của chị. Anh chị Giang di tản sang Mỹ từ 4/1975, đi làm suốt thời gian dài và đã về hưu, mấy đứa con anh chị đều trưởng thành, học hành thành đạt và đi làm xa ở các tiểu bang khác. Tôi còn nhớ hình ảnh anh chị Giang ngày đến dự đám cưới cháu trai út của tôi trong một dịp anh chị từ Ohio sang Cali thăm gia đình cách đây mới mấy năm. Ngày ấy theo chị cho biết anh đã chớm bệnh lẫn trí nhưng tình trạng sức khoẻ của anh còn tương đối khá, anh còn có thể tự săn sóc bản thân chứ không như hiện nay tất cả đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của chị.
Chiều đến anh chị Xuân đề nghị đi ra biển hóng gió đại dương cho mát. Sau độ một giờ lái xe thì đến một vùng bờ biển New Smyrna Beach, nơi anh chị cho hay thỉnh thoảng vẫn ra đây đem theo ghế dù nằm nghỉ ngơi, hưởng không khí biển. Vào ngày giữa tuần nên nơi đây vắng người đến, khá vắng vẻ, chúng tôi không xuống bãi mà chỉ đứng quanh quẩn cạnh lan can trên thế đất cao mà nhìn ngắm cảnh quan xa gần môt lúc khá lâu và chụp một số hình lưu niệm trước khi ra về. Vừa trở lại nhà anh chị Xuân thì tôi được điện thoại của cháu gái cho hay đã đi Disney World về khách sạn và cả nhà đang chờ tôi. Thế là tôi đành xin phép kiếu từ anh chị Xuân, cám ơn anh chị đã cho tôi ngày đầu tiên đi chơi ở đây rất vui vẻ, đúng ý tôi hằng ước ao.
Trước khi ra xe đưa tôi về, chị còn gói ghém đem theo một xách tay thức ăn gởi tôi đem về nhà cho các cháu. Sau khi về nhà mở ra mới biết là cả một khay bánh cuốn, kèm theo một bánh chả cá thìa là với một hộp nước mắm làm sẵn, lại thêm cả bó đũa mới, thật quá chu đáo. Trong một lần liên lạc về sau tôi thật tình hỏi chị làm sao có bánh cuốn nhiều mà cho chúng tôi như vậy, lại chả cá thìa là rất đặc biệt nữa, chẳng lẽ chị mua sẵn mấy thứ này từ hồi nào hay sao thì chị cho hay hôm tôi đến nhà chơi giữa lúc anh Xuân và tôi ngồi chuyện trò ở phòng khách thì ở nhà bếp kế bên chị đã làm bánh cuốn còn chả thì cũng chính do chị đã làm trước đó. Nghe vậy tôi phục tài đầu bếp của chị quá xá và thầm mừng cho anh bạn Xuân của tôi có bà hiền thê nấu ăn tuyệt vời.
Lúc kể lại chuyện đi chơi Disney World trong ngày, con gái tôi vui mừng khoe đã gặp và làm quen được một cô gái VN bán đồ lưu niệm ở đây, cô là nhân viên của khu giải trí này. Tôi nghe qua cũng thấy mừng, đoán chừng thế là dân VN ta đến lập cư ở quanh đây chắc cũng khá đông rồi, chẳng như khi tôi đến đây ngày xưa, đã chẳng may mắn gặp một đồng hương nào!
Hai ngày kế tiếp tôi đi chơi với gia đình, cả nhà đồng ý đi xem một số khu vui chơi còn lại như Epcot, Animal Kingdom và Hollywood Studios. Trước tiên đi khu Epcot của Disney World theo gợi ý của tôi. Sở dĩ tôi muốn đi xem khu này vì đây là khu mới lạ đối với tôi, vả lại ngày hôm trước lúc ở nhà anh chị Xuân tôi có nghe chị nói nếu đến Disney thì nên thăm Epcot, sẽ thấy nhiều cái mới lạ chưa nơi nào có. Năm 1982 mới có khu giải trí Epcot. Sau đó có thêm hai khu nữa là Hollywood Studios (cải danh từ MGM Studios) (1989) và  Animal Kingdom (1998). Mỗi khu đều có một kiến trúc nghệ thuật biểu tượng đặc biệt như Magic Kingdom thì có Cinderella Castle (Lâu đài Cinderella), Epcot có Spaceship Earth (Trái đất phi thuyền không gian), Hollywood Studios có The sorcerer s hat (Cái nón của Phù thủy) và  Animal Kingdom có The tree of life (Cây đời sống). Ngoài bốn khu vui chơi chính này còn một số khu giải trí, khách sạn và thương mại liên hệ khác, tổng diện tích của cả Disney World vào thời cao điểm lên đến gần 30.000 mẫu tương đương 120 cây số vuông, gần bằng diện tích của thành phố San Francisco, Cali hay gấp đôi khu Manhattan của NewYork City.
Bước vào cửa Epcot là đến trước một quả cầu tròn rất lớn mầu trắng, biểu tượng đặc trưng Spaceship Earth của Epcot. Khu này rộng gấp đôi Magic Kingdom và có hai chủ đề chính là Thế giới Tương lai (Future World) và Thế giới Thu hẹp (World Showcase), được thể hiện qua hơn hai mươi mục hấp dẫn du khách như ở Thế giới Tương lai thì có Spaceship Earth, Mission: Space, Innoventions, Soarin ...., ở Thế giới Thu hẹp thì có những đặc điểm của 11 quốc gia: Mễ tây cơ, Na Uy, Đức, Pháp... Người vào xem các nơi này có thể trải nghiệm một số những tiến bộ kỹ thuật tương lai của thế giới, biết được phần nào về nghệ thuật, kiến trúc và văn hoá của một số quốc gia trên thế giới với những kiến trúc mang sắc thái của từng quốc gia cùng với một số biểu tượng, phim ảnh, sinh hoạt đặc biệt của mỗi nước.
Đi xem một vài nơi đã gần đến trưa vì có nơi phải nối hàng chờ đợi khá lâu bởi số du khách quá đông đặc biệt như ở khu xem Soarin , chúng tôi phải chờ cả nửa tiếng mới vào xem được. Thực ra cũng đáng công chờ đợi bởi "màn diễn" này rất đặc sắc, có cảm giác lúc thích thú lúc hồi hộp như mình đang ngồi trên máy bay hay chính mình là chim bay đang bay hay đang lượn sát với tốc độ cao trên một số thắng cảnh của Mỹ như vịnh San Francisco với cầu Golden gate, thành phố Los Angeles về đêm, núi đá hùng vĩ của vùng Grand Canyon...
Đến trưa chúng tôi dừng chân tại khu nước Pháp và vào nhà hàng nơi đây ăn trưa. Sau đó chúng tôi bàn nhau dành thì giờ còn lại đi xem khu Animal Kingdom; chúng tôi ra cửa lên xe bus (cũng của Disney) chạy qua khu này bởi hai khu cách nhau rất xa, không thể đi bộ trong chốc lát mà đến được.
Animal Kingdom chiếm một khu đất 500 mẫu cũng có trên hai mươi mục hấp dẫn để xem như nơi trưng bày ốc đảo (Oasis exhibits), vùng khung cảnh rừng Phi Châu, hành trình Everest ...Số thú vật trong khu du lịch này lên đến 1700 con gồm 250 chủng loại khác nhau. Với toàn cảnh của Animal Kingdom to lớn và phong phú như thế mà chỉ dành ra có nửa ngày nên chúng tôi xem chẳng được mấy nơi. Chúng tôi đi xem qua vài chỗ kể cả "Cây đời sống" là biểu tượng của Animal Kingdom. Có một chỗ chúng tôi đến xem và ấn tượng nhất ở đây là vùng đất hoang dã như ở Phi Châu. Để đến vùng này chúng tôi được hướng dẫn lên một xe (safari vehicle) loại dành cho du khách ngắm cảnh trong rừng như thường thấy trong phim ảnh. Xe thông thoáng xung quanh giúp người ngồi có thể quan sát tứ bề thoải mái. Xe chạy chậm qua những đường mòn lúc lên đồi xuống dốc, lúc uốn lượn quanh co, đôi lúc cảm thấy xóc do đường gập ghềnh tuy nhiên cảnh vật xung quanh luôn biến đổi, mải nhìn ngắm cây cối hoang dã lạ mắt hoặc lúc thì thấy con nai ngơ ngác, lúc con voi lững thững, lúc con cá sấu đang trườn mình bên bờ ao lạch cạn... nên quên mọi cảm giác khó chịu do đường xấu gây ra. Khi đi ngang khu rừng gần những bụi tre gìa, những cây cối  um tùm tôi lại nhớ lại hình ảnh thời gian còn trong tù ở rừng núi Việt Bắc, những ngày dài phải băng rừng lội suối để đốn tre, đẵn gỗ rất khổ ải, mói thấy quả như một giấc mộng hãi hùng không sao quên được.
Ngày hôm sau thay vì đi xem Seaworld với gia đình đứa con gái và bà xã thì tôi ở lại phòng và gọi điện thoại liên lạc thăm hỏi hai anh bạn V Q M và N M K. Anh M đã có thời gian dài cùng cảnh ngộ tù đày với tôi trước khi sanh Mỹ định cư vào những năm đầu 1990, anh ở thành phố Gainesville cách khách sạn tôi đang trú khoảng 3 giờ lái xe, anh thuộc hạng lão gia không thể lái xe đi xa mà tôi cũng thế nên đồng ý với nhau là dù rất muốn đến gặp mặt nhau nhưng vì lý do bất lực (không thể lái xe xa) thôi đành điện đàm hàn huyên trao đổi cho vui vậy. Còn anh K, bạn học cùng khóa ngày xưa thì ở thành phố Deland không xa chỗ tôi ở nhưng vì còn đang đi làm (anh là bác sĩ làm việc cho một cơ quan của chánh phủ) nên tôi chờ tối mới gọi lại anh và đã cùng nhau chuyện trò thân mật khá lâu. Tôi còn nhớ cách nay không lâu tôi đã có dịp gặp gỡ anh K ỏ Quận cam, Cali nhân dịp anh sang thăm gia đình con trai cư ngụ tại đây. Tuy nhiên tôi vẫn tiếc đã không đến thăm được anh và gia đình trong chuyến đi ít ngày này.
   Ngày hôm sau chúng tôi đi tua thuyền gió (Airboat ride) lâu một giờ trong hồ Tohopekaliga, hồ rộng mênh mông khoảng gần 20 mẫu, cách Kissimmee nơi chúng tôi ở độ 30 phút lái xe về hướng Nam. Ý tưởng đi tua này là do từ khi còn ở Cali xem một băng hình của Trung Tâm Vân Sơn trong đó có phần giới thiệu về đi airboat mà gia đình các con tôi rất ham thích. Muốn đi tua này phải gọi điện thoại đặt chỗ ngày hôm trước.
Hôm sau đúng giờ hẹn chúng tôi lái xe đến đây thì đã thấy chiếc thuyền gió với người thuyền trưởng đợi sẵn ở bến đậu. Điều đặc biệt tôi nhận thấy theo cách điều hành ở đây, mỗi lần và mỗi giờ chỉ có một chiếc tầu chạy trong hồ này. Cả gia đình năm người lên ngồi hai băng trước của thuyền, băng sau là của thuyền trưởng; ngay sau lưng người này là một động cơ có ráp môt quạt gió lớn, toàn bộ được che chắn an toàn và đặt hổng trên mặt nước. Chính quạt gió này khi quay nhanh tạo ra lực đẩy gió về phía sau giúp thuyền di chuyển theo nguyên tắc vận hành của một động cơ máy bay cánh quạt. Thuyền dài 18 bộ, ngang 8 bộ, được trang bị động cơ có sức mạnh trên 400 mã lực. Hình dáng chiếc thuyền khá đặc biệt với đáy phẳng, mũi bằng (có thể gập xuống sát bãi cho khách đi lên) và đuôi cũng phẳng chứ không nhọn như thuyền bình thường, hai hàng ghế trước dành cho khách được thiết kế như ghế ngồi trong sân vận động hay rạp hát tức ghế sau hơi cao hơn ghế trước, ghế dành cho người lái cũng thế cao hơn hàng ghế của khách.
Thuyền gió đã được phát minh từ đầu thế kỷ trước, đến năm 1920 thì xuất hiện ở Florida và đến 1930 thì cả Louisiana cũng có. Và cũng từ năm này tại Florida thuyền gió được đem vào làm phong phú thêm ngành giải trí với các tua du ngoạn trên các vùng có hồ hay đầm lầy rộng có hệ sinh thái hấp dẫn. Thuyền gió qua thời gian đã được biến cải và có rất nhiều kiểu dáng khác nhau, tuy nhiên kiểu mẫu căn bản vẫn là không mui che và đáy phẳng (flat bottom). Nhớ thời chiến tranh Việt Nam vào những năm 1966-68, bộ binh Mỹ có một đơn vị duy nhất (2nd airboat platoon) xử dụng một loại thuyền gió Hurricane airboat trong các hoạt động quân sự tại những vùng đồng ruộng, đầm lầy của miền Nam. Mỗi chúng tôi ngồi vào ghế được cho mang một áp phao an toàn tự động phồng khi hữu sự, một bộ ống nghe để chụp vào tai có luôn micro nhỏ trước miệng để trao đổi nghe-nói với thuyền trưởng.
Khi mọi người đã sẵn sàng, quạt gíó thuyền được khởi động và tăng tốc dần đưa thuyền từ từ rời khỏi bến đậu và bắt đầu chuyến du hành trên hồ. Trời xế trưa trong cao quang đãng, nắng dịu và không khí mát mẻ. Thuyền chạy có lúc qua vùng nước trong hoàn toàn không có cây cỏ, có lúc chạy đè lên bạt ngàn cây cỏ hoang dại. Dù quạt gió thổi rất mạnh đẩy thuyền chạy băng băng trên mặt nước nhất là lúc lướt tràn lên cây cỏ rậm rạp, âm thanh nghe rào rào thật to nhưng tai vẫn nghe tiếng nói của thuyền trưởng dẫn giải về quang cảnh sinh thái chung quanh như vài loại chim thường đến đây, một số cây đặc biệt ở vùng nước này, vài loại thú vật hoang dã thường gặp, mỗi khi thấy một chú cá sấu lẩn khuất cạnh lùm cây cao thấp nào đó, người lái cho thuyền chạy chậm lại và nói cho biết để chúng tôi quan sát. Cho đến khi nghe tiếng động mạnh đến gần, chú cá sấu vụt lặn biến mất, vài con chim đâu đó cũng vụt bay vút lên cao xa dần, thuyền lại tiếp tục hành trình đưa chúng tôi đi xem những nơi kế tiếp trong không khí gió mát nắng trong êm đềm. Đôi lúc có cảm tưởng nghe được âm điệu mơ hò của một miền đầm lầy hoang dã. Hoặc mơ màng tưởng đến cảnh ngồi thuyền ngao du trên một vùng sông nước hay đồng ruộng ở Việt nam một thời thanh bình xa xưa.
Rồi một giờ với thuyền gió cũng hết, chúng tôi được trả lại bến để ra về, lòng còn vương vấn hình ảnh một đầm lầy xa lạ với nhiều gợi nhớ dễ thương.
Đến ngày thứ tư thì chúng tôi rời thành phố Kissimmee di chuyển về phía đông-bắc để đến Smyrna Beach thuộc Volusia County, sau độ hơn một giờ lái xe. Chúng tôi ở Coconut Palms Beach Resort, một khu nhà nghỉ sát bên bãi biển; phòng của chúng tôi nằm trên từng lầu ba, từ cửa phòng có thể nhìn ra hai bên là bãi tắm chạy dài tít tắp, biển nước trời mây mênh mông, xa xa là chân mây mờ trên Đại tây dương. Chúng tôi dự trù ở đây ba ngày rồi sẽ từ giã Florida về lại Cali.
Được ỏ cạnh biển dù biết có vài ngày cũng làm tôi thích thú, dù không tắm như con cháu mà chỉ ngồi nhìn hay đi bộ dài trên bãi. Bờ biển nơi dây có điểm đặc biệt là nền cát trắng rất mịn màng đi không dính chân, lại thêm rắn chắc không lún nên xe du khách đến tắm có thể xuống đậu gần nơi mình tắm sau khi đóng chút lệ phí nơi cổng xuống bãi. Dĩ nhiên bãi tắm rất sạch sẽ, nước biển thì lại không lạnh như thường gặp ở các bãi biển tắm bên Cali như Dana Point, Huntington beach, Newport beach...
Cách không xa chỗ ở có khu buôn bán nhỏ, ngoài vài cửa hàng bán quần áo tắm, các trang thiết bị bơi lội, quà lưu niệm còn có đôi ba quán ăn trong số có nhà hàng ăn nhỏ, giá cả rất phải chăng nếu không muốn nói là rẻ ở khu du lịch bãi biển như thế này; nhà hàng có tên Beacon restaurant với nhân viên phục vụ lịch sự mà thức ăn cũng ngon miệng. Từ phòng ở chúng tôi đi bộ chừng mười phút là đến khu thương mại này, nên việc ăn uống cũng khá thuận tiện. Ngoài những lần tắm biển thỏa thích, gia đình con gái lại rủ nhau trở lại Orlando để đi xem SeaWorld, cho cháu nhỏ cùng vui chơi cho bõ công một lần đi xa.
Riêng tôi vì lâu lắm mới lại có dịp sống gấn biển vài ngày liên tục nên thời gian ở đây những lúc rảnh rỗi tôi chỉ thích ra bãi, ngồi hóng gió mát hoặc đi lang thang dọc theo bờ biển ngắm sóng nước và nhìn thiên hạ. Lúc để chân trần chậm rãi bước trên nền cát mịn, nhìn những dấu chân bị sóng tràn lên bất giác tôi liên tưởng dến bài tình ca lãng mạng nổi tiếng "Les feuilles mortes" của J.Prévert mà lời ca giọng hát trầm ấm của Yves Montand như âm vang quanh đây: "..Et la mer s’efface, sur le sable, des pas des amants désunis"; liên tưởng dến những chuyện tình buồn mà trong đó đôi tình nhân đã phải xa nhau vì éo le của cuộc đời, những dấu chân kỷ niệm của họ trên cát cũng bị sóng biển xoá nhoà đi...
Giây phút thoáng mơ màng qua nhanh. Có thể phần do lớn tuổi tôi không còn muốn ngồi xe đi đây đó nhiều như đám trẻ mà chỉ muốn được thảnh thơi hoàn toàn để hưởng trọn vẹn không khí biển trong lành đồng thời có thời gian hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày nào ở những nơi gần biển mà mình đã trải qua. Đối với tôi lúc này thật là thú vị, được nằm một mình ngắm cảnh trời nước mênh mông, bên tai rì rào tiếng sóng vỗ bờ nhè nhẹ, mặc cho dòng suy tư trôi giạt về quá khứ. Hình ảnh các bãi biển ở VN chập chờn hiện về trong trí tôi, trong đó Nha Trang là rõ nét nhất vì nó đã lưu lại trong ký ức nhiều hình ảnh, sự việc khó quên; chính thành phố Nha Trang đã cầm chân tôi hơn một năm trong một quân trường nằm sát biển, đêm đêm nghe tiếng sóng biển vọng về thân quen đến độ trở thành âm thanh ru ngủ tôi hằng đêm. Bãi biển Nha Trang nổi tiếng với cát trắng mênh mông thơ mộng, chẳng thế mà đã có bài hát ca tụng thành phố này rất dễ thương : "Nha Trang là miền quê hưong cát trắng, Có những đêm nghe vọng lại, Ầm ầm tiếng sóng xa đưa... Nha Trang quê hưong dịu dàng, Ngàn đời lòng tôi mến thương".
Năm tôi ở quân trường (1958) miền Nam và đặc biệt là Nha Trang còn đang được sống trong cảnh thanh bình, nhưng nhiều năm sau đó tình hình an ninh ngày càng xấu đi nhất là lúc tôi sang Mỹ lần thứ nhì vào năm 1972 thì tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Rồi từ sau ngày cộng sản Bắc Việt chiếm trọn miền Nam 4-1975 đến nay, ngày còn trong nước cũng như lúc đã sang tị nạn tại Mỹ, tôi chưa bao giờ đặt chân trở lại Nha Trang, không biết thành phố biển của tôi ngày nào nay thay đổi ra sao. Dù thế nào ký ức một thời trai trẻ trong quân trường nằm sát thành phố biển vẫn lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai. Bây giờ nằm đây trên bãi biển Smyrna Beach, Florida trong không khí thoải mái của buổi chiều êm ả, lòng tôi lại không khỏi bùi ngùi nghĩ về quê hưong thân yêu đã bất hạnh rơi vào tay cộng sản.
Đến Florida một lần thời cỏn trẻ rồi trở lại đây lúc tuổi già, hai thời điểm cách nhau quá xa với biết bao thay đổi ở cả con người lẫn ngoại cảnh khiến tôi không khỏi bâng khuâng mỗi khi nhớ lại. Biết bao ký ức khó quên qua hai lần đi, những niềm vui khám phá cái mới lạ, thưởng ngoạn những thắng cảnh lần đầu đến tiểu bang nắng ấm rồi đến những cảm nhận vui sướng vô cùng trong lần trở lại nơi đây, gặp lại bạn thân cũ ngày nào, gặp được người đồng hương cùng cảnh ngộ di dân tuy không quen nhưng sao thấy như gần gũi, nhìn lại được những con đường, thành phố đã có lần thăm viếng khi xưa nay trông khác lạ vì những xây dựng kiến trúc mới bên những cảnh đẹp thiên nhiên mãi còn đó.
Tuy có những sự liên tưởng, nghĩ về, những hoài niệm về quê hương cũ cùng với những hi vọng mong đợi, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc khi tuổi đời đã về chiều nhưng may mắn còn đủ sức khoẻ đến thăm lại được một nơi xa xôi mà khi còn trẻ từng có lần đã đặt chân đến.
KHANH VŨ

Ý kiến bạn đọc
16/07/202111:19:30
Khách
This year turned out to be very difficult. But we have optimized and reduced the cost of our products!
It is almost impossible to find prices lower than ours, the sale is at the cost price level.
Watch and be surprised by our super low prices https://is.gd/72jG3I
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,244,839
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây là bài mới của bà trong mùa Lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Nhạc sĩ Cung Tiến