Hôm nay,  

Một Chuyến Về Lại Phan Rang

03/06/201000:00:00(Xem: 164142)

Một Chuyến Về Lại Phan Rang

Tác giả: Huyên Chương Quí
Bài số 2908-28208-vb4060210

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Tình Người", kể về một thời từng lỡ bước thành người homless tại San Francisco, với nhiều kinh nghiệm quí và chi tiết sống thực. Ông thuộc lớp tuổi trên 50, định cư tại Mỹ cuối tháng 4/ 1982. Hiện là cư dân quận Cam, làm nghề bảng hiệu. Sau khi tuyên thệ làm công dân Mỹ với tên mới là Khải Huy, tác giả đã có dịp về thăm lại quê nhà. Bài viê1át sau đây của ông gồm nhiều chi tiết vừa sống thực vừa hư cấu. Tên của hai nhân vật nữ trong truyện là tưởng tượng.

*

- Anh Hai ơi, mía ghim đi anh
- Chú. Chú mua giùm vài ổ bánh mì. Bánh mì Sài Gòn ngon lắm chú.
- Nước trà đá đi anh
- Chôm chôm đây... Cậu mua vài ký cho gia đình nhen cậu
   Tôi cứ phải cười cười và lắc đầu trước những lời chào mời của nhiều người bán hàng rong đi qua lại ở ngoài cửa sổ xe. Yên yên chút lại có một cô bán sách lên tận xe mời tôi:
- Anh. Mua giúp vài cuốn sách nha anh. Không chờ tôi trả lời, cô ấn ngay vào tay tôi ba cuốn sách, nói tiếp: - Truyện tình của các tác giả ngoại quốc, hay lắm. Ngồi xe đường xa vời vợi, anh đọc sách sẽ qua nhanh thời giờ.
Thấy không thể từ chối, tôi chọn một cuốn:
- Cô bán sách nên nói chuyện có vẻ văn hoa quá ha. Một cuốn đủ rồi. Bao nhiêu vậy cô"
- Hai chục thôi
- Ủa, sao rẻ vậy" Cô giữ luôn tờ mười ngàn này đi.
- Hai chục là hai chục ngàn đó anh Hai. Người mình bây giờ hay nói tắt vậy. Chắc anh là Việt kiều mới về lần đầu nên không biết phải hông"
- Vâng. Vậy mà tôi cứ tưởng rẻ quá. Thêm một tờ mười nữa đây. Cảm ơn cô.
- Tới giờ xe chạy rồi, xuống đi má non. Anh lơ xe đi tới vừa nói vừa bẹo vào má cô gái.
- Anh Chín sún, đừng chọc tui nhen. Tui về mét má cho coi. Cô bán sách cười cười rồi quay người đi ra cửa xe. Anh Chín nói vói theo:
- Má xấp nhỏ về lo cho mấy con ăn uống đàng hoàng, chờ tối anh về ấy ấy nhen
- Quỷ sứ anh...

  Xe đò rời bến, chạy chầm chậm trong các khu phố quận Thủ Đức. Nhiều xe Honda chạy dọc, ngang trên các đường phố không theo một phép tắc nào. Thành phố hình như không có luật lệ giao thông"! Sống ở Mỹ nhiều năm, quen với luật lệ, trật tự rồi, giờ về lại quê hương, thấy cảnh xe cộ chạy loạn cào cào, tôi thấy chóng mặt. Lúc muốn đi bộ băng qua đường ở một ngã tư, tôi cũng thấy sợ sợ. Trời tháng sáu nóng bức. Ngồi trên xe chật chội hành khách, tôi càng bức rức, khó chịu. Anh Chín cho biết bốn giờ chiều mới tới Phan Rang. Tôi sẽ phải chịu đựng cái không khí ngột ngạt này hơn sáu tiếng đồng hồ !.
Qua khỏi cầu Sài Gòn, xe chạy nhanh hơn. Những cơn gió lùa vào xe, lướt trên mặt, thấy mát rượi. Tôi mở sách ra đọc. Không biết bao lâu, xe ngừng lại đón khách ở dọc đường. Anh Chín đưa một người đàn bà khoảng trên 50 tuổi đến bên hàng ghế tôi:
- Anh ngồi xích vào trong cho chị này ngồi với.
- Chổ chật thế này sao ngồi"! Người đàn bà nhăn nhó.
- Chỉ còn chổ này thôi. Trả tiền luôn đi chị. Ba chục.
- Sao ba chục" Mọi lần đi có hai chục. Tôi chỉ còn hai chục thôi.
- Xe nào lấy hai chục thì chị chờ đi xe đó. Xe tôi ba chục.  
Người đàn bà đứng yên cầm tờ hai chục ngàn, gương mặt hiện lên nét khổ sở. Anh Chín lơ xe gắt gỏng:
- Không đủ tiền thì xuống xe đi.
- Tôi trả tiền giùm cho chị.
Vừa nói, tôi vừa rút bóp lấy ba chục đưa cho anh Chín. Xe tiếp tục lăn bánh rồi vụt chạy nhanh trên quốc lộ. Người đàn bà ngồi xuống ghế, nói:
- Cảm ơn anh. Xin gửi lại anh hai chục
- Không có gì đâu. Chị cất lại tiền đi.
  Người đàn bà ngần ngừ một lúc rồi cất tờ hai chục vào túi, phân bua:
- Tôi cứ tưởng giá hai chục như mọi lần nên còn bao nhiêu tiền thì cho đứa con gái hết, chỉ giữ lại bấy nhiêu đi xe thôi. May gặp anh tốt quá. Chắc anh là Việt kiều phải không"
- Sao chị đoán ra vậy"
- Thì trông anh trắng trẻo, lại rộng rãi. Người ở trong nước không ai tự dưng bỏ tiền giúp người khác vậy đâu.
- Cảm ơn chị. Nhưng tôi nghĩ, ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Tại chị chưa gặp thôi. Khu này là đâu chị"
- Huyện Hàm Thuận Nam. Sắp tới Phan Thiết rồi. 
- Vậy là qua khỏi Xuân Lộc quá xa. Tôi mãi đọc sách nên không để ý.
- Anh có ai ở Xuân Lộc"
- Mấy năm thời thiếu niên tôi sống với gia đình chú thiếm ở Xuân Lộc. Giờ thì còn mấy đứa cháu ở đó. Định đi Phan Rang thăm mộ ba má xong sẽ về thăm Xuân Lộc. 
- A...Tôi là dân Phan Rang nè. Anh sinh đẻ ở Phan Rang hả"
- Vâng. Phan Rang là quê hương có nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tôi. Khi vào Sài Gòn ở, tôi có về thăm lại Phan Rang một lần năm 1974. Đến nay 24 năm rồi. Thấy nhớ quá, nên vừa về nước là tôi ra bến xe đi ngay chuyến xe này.
- Anh là dân vượt biên hay đi theo diện đoàn tụ"
- Tôi vượt biên đường bộ cuối năm 1980, vào Mỹ giữa năm 1982.
- Xa quê lâu quá thì nhớ là phải rồi. Tôi mỗi tháng vào Hàm Thuận thăm con gái và cháu ngoại. Chơi với tụi nó một tuần, tôi đã thấy nhớ nhà ở Phan Rang. Thành ra cứ đi đi, về về vậy.
- Ai cũng có tình quê hương. Ở trong nước, dù sống nơi địa phương nào khác cũng luôn nhớ quê hương sinh đẻ. Tôi ở nước ngoài thì nhớ tới hai quê hương. Nỗi nhớ nhân đôi.
- Quê hương nào mà tới hai"
- Một quê hương lớn là nước Việt. Trong quê hương lớn có quê hương "chôn nhau cắt rún" của mình. Nhiều khi muốn hồi hương, nhưng...
Tôi định nói thêm: "vì còn cái chế độ cộng sản gian ác này nên tôi không muốn về ở luôn". Nhưng kịp ngưng lại vì đang trên xe đông người, lại không biết người đàn bà này thuộc diện dân nào. Rủi là người của Việt cộng thì phiền lắm. Thấy tôi chợt lặng im không nói tiếp, người đàn bà nhìn qua tôi, mỉm cười:
 - Tôi biết anh đang nghĩ gì. Đừng lo. Rồi chị ghé gần tai tôi nói nhỏ: - Chồng tôi là sĩ quan chế độ cũ, bị chúng tù đầy đến chết. Vì chúng mà gia đình tôi sống cơ cực từ tháng tư bảy lăm tới giờ. Tôi chán ghét cái tụi Việt cộng lắm rồi. Nhưng chẳng biết làm gì, phải rán mà sống, tới đâu hay tới đó.
 - Vậy, tôi yên tâm. Nếu có dịp gặp lại chị, chúng ta sẽ nói thêm. 
 - Vâng. Tôi tên Loan. Khi về tới Phan Rang, tôi đưa anh địa chỉ nhà, mời anh đến chơi.
 - Cảm ơn chị Loan.
Tôi mở sách đọc tiếp. Khoảng một tiếng sau, xe ngừng lại trước một dãy hàng quán ở ven đường. Tiếng anh Chín lơ xe:
 - Tới Phan Thiết rồi nhen. Tất cả mọi người đều phải xuống xe, vào quán ăn trưa. Nửa tiếng sau xe chạy tiếp.
Tôi mời chị Loan cùng vào tiệm ăn cơm trưa. Nhiều trẻ em mặt mày lem luốc trong những bộ quần áo rách rưới xúm quanh tôi xin tiền. Tôi cho mỗi em 20 ngàn. Có một anh mặc áo lính chế độ cũ, cụt một chân, chống nạn gỗ, đứng xa xa nhìn tôi. Tôi đi đến biếu anh tờ 100 ngàn. Tôi xót xa khi nhìn thấy cảnh bất hạnh của người dân nơi đây. Trong khả năng tôi hiện giờ chỉ giúp được vậy. Trở lại bàn, tôi và chị Loan chỉ kịp ăn nhanh nhanh cho xong bữa. Thấy anh Chín và tài xế ngồi bàn kế bên ăn xong là đi thẳng ra xe, tôi hỏi chị Loan:
 - Quý không thấy tài xế và lơ xe trả tiền ăn"
 - Họ được chủ tiệm biệt đãi. Tất cả quán cơm dọc quốc lộ này đều móc nối với các chủ xe. Xe đò đem hành khách đến cho quán nào, thì quán đó bao đãi cơm cho tài xế và lơ xe.
 - Cách làm ăn đôi bên cùng có lợi.
 - Người Việt mình nhiều mánh lới lắm. Dân thường với nhau là như vậy. Còn nạn hối lộ, tham nhũng trong chính quyền với dân đã thành bệnh dịch tràn lan cả nước, từ trung ương đến địa phương. Lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ. Hết thuốc chữa !
 - Nước Việt mình không khá nỗi khi còn cái chế độ Việt cộng này. Quý ở nước ngoài nhưng lòng lúc nào cũng nghĩ đến quê hương. Nhìn đám trẻ em ăn xin vừa rồi, Quý thấy tội nghiệp quá. Ở bên Mỹ, tất cả trẻ em được coi trọng và được chính phủ cấp dưỡng cho ăn học đến năm 18 tuổi. 
Có tiếng anh Chín báo xe sắp chạy. Tôi và chị Loan cùng hành khách lục tục lên xe. Chiếc xe lại chạy bon bon trên quốc lộ. Chị Loan nhìn qua tôi:
 - Cảm ơn anh nhiều lắm. Anh trả tiền xe cho tôi còn đãi tôi ăn. Khi đến nhà tôi chơi, cho tôi được đãi lại anh nhé.
 - Cảm ơn chị. Quý rất vui được quen một đồng hương Phan Rang như chị, có cùng Quý mối đồng cảm  về thời thế. Quý 44 tuổi, chắc nhỏ hơn chị Loan. Gọi Quý bằng tên đi.
 - Vâng. Quý có biết Ninh Chữ không" Quê tổng thống Thiệu đó.
 - Hồi nhỏ Quý có đi theo gia đình má nuôi tắm biển Ninh Chữ vài lần. Chị Loan ở đó hả."
 - Vâng. Tôi đang sống với má và đứa con gái út. Nhà chỉ có ba phụ nữ.
Tôi cười cười:
 - Là âm thịnh dương suy.
Chị Loan cười khúc khích sau câu đùa của tôi rồi hỏi: 
 - Quý còn ai ở Phan Rang"
 - Tất cả người thân ruột thịt của Quý đều mất hết trong chiến tranh. Chỉ còn vài người quen biết thời nhỏ. Quý về thăm mộ ba má là chính, và muốn nhìn lại những đường phố, mái trường xưa. Nhất là thăm làng Tấn Tài B, nơi Quý được sinh ra.
 - Ô... Làng Tấn Tài B hả" Thời con gái còn đi học, tôi nhiều lần đến Tấn Tài B lắm.
 - Chị có ai quen trong làng"
 - Những người bạn thân của tôi cùng học trường Duy Tân niên khóa 1963   1964.
 - Thời gian đó, Quý có tên thường gọi là Chít, sống với má nuôi là cô Ba Tình. Chị có biết má nuôi của Quý không"
Chị Loan quay qua nhìn tôi chăm chú rồi lẩm bẩm "Trời ơi.. Trời!..." Tôi ngạc nhiên hỏi:
 - Sao thế chị" Mặt Quý có lọ nghẹ hở"
 - Quý ! Phải cô Ba Tình sản xuất nước mắm và nhà có vườn rất rộng ở cuối làng"
Không đợi tôi kịp trả lời, chị Loan hỏi tiếp:
 - Cô Ba Tình có người con trai út tên Thành, đúng không" Có phải thời gian 1963, 1964, nhà cô Ba Tình có hai thanh niên khác tên là Khánh và Sinh ở trọ không"  
Đến lượt tôi nhìn chị chăm chăm:
 - Vâng. Hồi đó anh Thành và anh Khánh thương Quý lắm. Nhất là anh Khánh, thường chở Quý đi ăn tối, đi hội chợ đêm, đi xem lễ Phật đản. Mà...chị là ai lại biết rõ gia đình má nuôi Quý vậy"
 - Quý không nhớ ra chị Loan sao" Chị thường hay đến nhà cô Ba Tình thăm các bạn học là Khánh, Thành, Sinh. Những khi anh Khánh chở Quý đi ăn tối, thường hẹn gặp chị cùng đi ăn luôn. Nhớ không"
 - A...Chị...chị Loan !... Tôi bật kêu lên rồi nắm chặt bàn tay chị, nói tiếp: - Em nhớ rồi. Chị là người yêu của anh Khánh. Hồi đó, chị Loan cũng thương em lắm, mỗi khi đến nhà thăm anh Khánh, chị thường đem quà cho em.
Chị Loan nhoẽn miệng cười:
 - Thiệt là trái đất tròn. Đi đâu rồi cũng gặp nhau đây.
 - Em mừng quá. Mừng như được gặp lại chị ruột của em. Cũng 34 năm rồi hở chị.
 - Ngồi bên nhau từ sáng đến giờ mới nhận ra người thân.
 - Em nhớ hồi trẻ chị đẹp lắm.
 - Bây giờ chị già rồi. Còn đâu thời học trò son trẻ
 - Chị khoảng 51 hay 52 tuổi thôi mà. Vẫn còn nét đẹp.
 - Đẹp lão... Chị Loan cười khúc khích sau khi đùa rồi nói tiếp: - Hồi đó, Quý mới chín, mười tuổi. Trông dễ thương lắm. Tên Chít nghe cũng ngộ ngộ.
 - Em thấy bồi hồi khi nhắc lại tên Chít thời nhỏ của mình. Tuổi hoa niên bao giờ cũng tràn ngập những tình thương của người lớn dành cho. Ước gì được sống lại thời thơ ấu hở chị.
 - Chị nhớ mỗi khi thấy chị đến nhà, Chít thường chạy đến ôm lấy chị.
 - Phải nịnh chị vậy mới có quà chớ. Vậy, người chồng sĩ quan đã mất của chị là anh Khánh sao"
 - Hổng phải. Là người khác. Còn anh Khánh là mối tình đầu thời học trò của chị. Năm đó, chị và anh Khánh cùng học lớp 12 Duy Tân. Chị yêu ảnh vì tánh hiền hậu, hay thương người của ảnh.
 - Anh Khánh tốt thiệt đó. Ảnh thấy em mồ côi nên rất thương em, ngoài chuyện hay chở em đi chơi tối, ảnh còn cho em nhiều sách vở và tiền tiêu vặt trong năm em học lớp ba trường tiểu học Phan Rang. Chị yêu ảnh vậy sao không lấy ảnh."
 - Vì tánh tốt của ảnh nên nhiều cô cùng trường đeo theo ảnh. Biết ảnh thật tình yêu chị, nhưng chị lại hay ghen. Mỗi khi thấy ảnh giúp đỡ một cô bạn học nào chuyện gì đó là chị nổi cơn, giận ảnh suốt cả tuần không nói chuyện. Hết giận rồi hòa. Hòa rồi lại giận. Cứ vậy. Tình yêu mà hay ghen hờn, cải lẫy thì không bền đâu.
 - Rồi chia tay hở chị" Vào lúc nào"
 - Ảnh rất chìu chị. Nhưng với tánh xấu của chị thì có là Thánh cũng không chịu nổi. Đến cuối niên học, chị với ảnh cải nhau to tiếng lắm. Chị tức giận nằm nhà, bỏ cả việc thi cử. Ảnh thi đậu Tú Tài xong, có đến nhà thăm chị, năn nỉ chị quay lại với ảnh. Chị không chịu. Ảnh buồn, bỏ vào Sài Gòn. Chị nghe lời mẹ, đi lấy chồng.
- Chị sống với chồng có hạnh phúc không"
- Mới đầu, vì giận anh Khánh mà lấy chồng theo mối mai nên chị không thấy yêu chồng. Một, hai năm sau, chị mới yêu. Ảnh cũng tốt như Khánh, lại còn là một sĩ quan can trường, dũng cảm. Lấy chồng là chiến binh luôn xông pha chiến trường, thời gian được gần nhau không nhiều, nên chẳng mấy khi có chuyện để giận với hờn. Nói chung, chuyện vợ chồng, ai cũng có lúc vui vẻ, lúc cắn đắng nhau. Biết thương yêu, nhường nhịn nhau thì có hạnh phúc. Gia hòa vạn sự yên.
 - Không biết hiện nay anh Khánh ở đâu để em đi thăm ảnh.
 - Từ ngày ảnh vào Sài Gòn thì chị không biết tin tức ảnh nữa. Thời loạn ly, chắc ảnh phải vào lính như bao đời trai khác, không biết còn sống hay chết rồi. Nếu còn sống, biết đâu ảnh cũng đang ở Mỹ như Quý.
 - Hy vọng vậy. Khi trở lại Mỹ, em sẽ đăng báo tìm ảnh. Nhắc đến anh Khánh, em cũng nhớ anh Thành nữa. Ảnh không may, đã hy sinh vì đất nước khi tuổi còn quá trẻ.
 - Ngày nghe tin Thành tử trận, chị khóc quá chừng. Khánh, Thành, Sinh... những bạn thân thiết thời học trò của chị, mỗi người một hoàn cảnh xa chị biền biệt. Rồi cả người chồng thân yêu cũng bỏ chị mà về với cát bụi. Giọng chị Loan trở nên nghẹn ngào: - Chồng chị kiêu hùng lắm. Trong tù, ảnh luôn chống lại tụi quản giáo nên cứ bị biệt giam, tay chân bị cùm hết. Sau bảy năm bị hành hạ, ảnh bệnh nặng, chúng không chữa trị, để cho ảnh chết dần trong phòng tối.
Tôi nắm chặt tay chị Loan khi thấy mắt chị có ngấn lệ. Chị im lặng một hồi lâu rồi khẻ nói:
- Tất cả là quá khứ xa lắc lơ, nhưng nhắc lại thấy nhớ họ quá. Buồn quá Quý ơi. 
- Em cũng buồn như chị. Đất nước điêu linh vì chiến tranh, con người sống trong sinh ly, tử biệt hàng ngày. Cả những ngưòi thân ruột thịt của em cũng đã mất hết rồi!... Thôi, mình đừng nói chuyện buồn trên xe nữa. Nhắm mắt thư giãn chút đi chị...
 Khoảng bốn giờ rưởi, xe chạy qua cầu Đạo Long. Phan Rang đã hiện ra trước mắt tôi với hai dãy phố chạy dài ở hai bên con đường huyết mạch dẫn vào thị xã. Tôi thấy bồi hồi trong lòng. Dù chỉ còn một thân, một mình, tôi vẫn có cái cảm giác của một người đi xa nhiều năm về nhà gặp lại người thân. Xe ngừng lại ở ngã ba gần cầu. Tiếng anh Chín lơ xe:
- Ai xuống đây thì xuống nhen.
- Ủa, bến xe đây hở chị"  Tôi hỏi chị Loan
- Chưa. Còn chạy vô trong nữa. Chị Loan vừa ngáp vừa trả lời. Tôi chỉ tay về hướng rạp hát:
- Rạp hát Thanh Bình vẫn còn kia. Hồi bảy tuổi, em thường leo lên cửa sắt tuốt trên cao để xem "cọp" cải lương. Nhìn thấy lại Phan Rang em vui quá chị Loan ơi.
Xe chạy tiếp nhưng không chạy theo con đường chính thị xã mà quẹo phải chạy về hướng Tấn Tài B. Chị Loan cho biết đường này là Ngô gia Tự, mới mở mấy năm nay, kéo dài tới bến xe. Những ngôi nhà trông rất khang trang nối tiếp nhau ở hai bên đường. Mọi cảnh vật đã thay đổi rất nhiều. Còn đâu cảnh cũ, những mái nhà xưa ! Mười lăm phút sau, xe tới bến. Tôi mời chị Loan đi ăn nhưng chị nói phải lo đón xe về Ninh Chữ. Chị viết địa chỉ nhà cho tôi và dặn ngày mốt đến chơi, chị sẽ đãi các món đặc sản biển.


 Từ giã chị Loan, tôi kéo vali tìm một khách sạn gần bến xe. Giá phòng khá rẻ, 20 đô một ngày. Tắm, rồi ngủ một giấc bù đường xa mệt mõi, tôi thức dậy lúc trời đã tối. Ra khỏi khách sạn, tôi đi bộ dọc theo con đường chính thị xã, giờ có tên đại lộ Thống Nhất. Xe cộ chạy tấp nập trên đường. Hàng quán, cửa tiệm san sát hai bên đường vẫn còn mở cửa. Đèn chớp chớp đủ màu cùng tiếng nhạc xập xình ở các tiệm bán đồ điện tử, nhà hàng, quán cà phê, thật vui mắt, vui tai. Phan Rang tôi đây, có vẻ phồn hoa, đô hội hơn xưa nhiều. Hồn tôi lâng lâng. Người tôi nhẹ hẫng. Tôi bước đi như bay bay. Ngang qua trường tiểu học Phan Rang, tôi dừng lại, nhìn mãi vào ngôi trường trước mặt. Hình như có bóng dáng chị Mùi thân yêu dẫn tôi đến trường ngày mới nhập học, hay ngày tôi được lãnh thưởng cuối năm. Thày Chuyên vui vẻ, cô Năm nghiêm khắc, cô Trừ hiền hậu, bạn Dũng, bạn Vọng cùng tôi chơi bắn bi, tạt bao thuốc... tất cả như đang đứng trong sân trường chào đón tôi. Biết bao nhiêu hình ảnh thời học trò thơ dại hiện lên trong đầu. Hơn tiếng đồng hồ sau, tôi mới chậm rãi bước đi về hướng chợ. 
Quảng trường Phan Rang gần bên chợ vẫn là nơi ăn đêm của nhiều người như ngày tôi tuổi nhỏ. Người đứng, ngồi lố nhố bên các hàng bún, phở, hủ tiếu, bánh xèo, cháo lòng, cháo vịt, xe chè, xe trái cây...Thấp thoáng như có anh Phùng, anh Thiện ruột thịt của tôi đang ở trong đám người. Hồi tôi sáu, bảy tuổi, thường được hai anh dẫn đi ăn nơi này. Cảnh cũ đây, người xưa mất rồi !...Ngẩn ngơ một lúc, tôi ngồi thụt xuống trước hàng cháo vịt...
Ăn no, uống say, về lại khách sạn, tôi ngủ luôn một giấc tới chín giờ sáng hôm sau. Hôm nay, việc chính là thăm mộ ba, má. Tôi bao xe xích lô trọn ngày giá 60 ngàn. Người đạp xích lô là một cậu trai khoảng 16 tuổi. Vài người xích lô khác xì xầm: " Thằng Tâm trúng mánh rồi, được trả bằng hai ngày nó đạp rã cẳng". Tôi suy ra, mỗi ngày, dân xích lô chỉ kiếm được khoảng 30 ngàn; chỉ bằng hai đô. Trong khi người lao động tại Mỹ, lương thấp nhất cũng phải 50 đô một ngày. Thiệt tội cho người dân Việt ! Mua trái cây, nhang, đèn tại chợ xong, Tâm chở tôi đến nghĩa trang Phật giáo. Tôi hồi hộp. Đã 36 năm rồi, không biết mộ má còn không" Tôi vừa chạy tứ tung trong nghĩa trang đầy cỏ dại, vừa khấn lầm thầm: "Má ơi, má...Má ơi...Má linh thiêng chỉ cho con thấy mộ má... Má ơi, má...". May quá, tôi tìm ra mộ má. Tấm bia còn nguyên vẹn với những hàng chữ còn rõ nét: Nguyễn Thị Ngọ, sinh 1918, mất ngày 12 / 7 âm lịch, 1962. Trưởng nữ Lý Thị Mùi xây mộ. Tôi mừng chảy nước mắt. Hình ảnh mẹ hiền như hiện ra trước mặt. Tôi quỳ sụp xuống khóc sụt sùi bên mộ má.
 Bày trái cây, đốt đèn cày, thắp nhang cúng má xong, tôi bứng sạch tất cả cỏ dại xung quanh mộ. Tâm cũng giúp tôi một tay. Ngồi trầm tư hơn tiếng nữa, tôi quỳ lạy trước mộ má lần cuối rồi vào chùa thắp nhang kính Phật, và kính biếu Sư trụ trì 300 ngàn. Rời nghĩa trang, trời đã trưa. Nắng chói chang, nóng như đổ lửa. Tôi đãi Tâm ăn cơm, rồi nhờ Tâm chở đi tìm mộ ba. Trong trí tôi còn hiện rõ hình ảnh ngôi mộ ba trên một khu đất cao ở đồng cỏ hoang, gần làng Tấn Tài B. Nhưng vật đổi, sao dời, cánh đồng hoang bây giờ trở thành khu dân cư đông đúc nhà cửa. Tìm đâu ra mộ ba"! May ra anh Hùng, anh Dũng ở làng Tấn Tài B biết dấu tích mộ ba. Tâm lại chở tôi về đầu làng. Trả tiền và cảm ơn Tâm xong, tôi lững thững đi đến góc đường Cái quan và Ngô gia Tự. Ngày xưa, mỗi sáng, tôi hay ra ngồi chồm hổm ăn bánh căn ở nơi này. Món bánh đổ bằng bột gạo trắng. Rất đơn giản nhưng ăn lúc nóng với nước cá hay mắm nêm rất ngon.
Đi lần vào trong làng, tim tôi đập thình thịch. Làng quê tôi đây, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời, cảnh vật không thay đổi mấy. Ngôi chùa giữa làng trông bề thế, uy nghi hơn. Hồi tôi sáu tuổi, ba mất, má mang nợ nần phải bán nhà rồi đưa sáu má con vào tá túc trong gian nhà tranh dột nát sau chùa. Mỗi khi mưa lớn, má và các anh, chị, em, tôi phải ngồi túm tụm lại một góc nhà vì nước mưa tuôn xối xả xuống giữa nhà. Tôi đứng tần ngần một hồi rồi lại lững thững đi tiếp. Bên phải, nhà chú Tư. Bên trái, nhà bác Năm. Tôi muốn đi thăm nhà má nuôi trước, nhưng nhớ ra má nuôi và anh Thành đã mất, chị Hương ở Úc, có đến cũng chỉ là người xa lạ, nên tôi đi vào nhà bác Năm.
Tháng 4 / 1975, anh Hùng, anh Dũng có gặp tôi tại nhà anh chị Hồ Đấu ở cư xá Hải quân Cửu Long, Thị Nghè. Hai anh vẫn còn nhớ mặt tôi. Chúng tôi tay bắt, mặt mừng. Chờ tôi thắp nhang cho bác Năm xong, anh Hùng giới thiệu tôi với vợ con của anh. Chuyện trò râm ran khoảng tiếng, tôi hỏi hai anh chuyện tìm mộ ba tôi. May, anh Dũng biết chổ mộ mới ba tôi. Khi người ta cất nhà, đã dời mộ ba ra khu nghĩa địa Cà Đú, cách thị xã khoảng năm cây số. Tôi thuê hai Honda ôm chở tôi và anh Dũng đi mua trái cây, nhang, đèn rồi chạy thẳng ra Cà Đú.
Mộ mới của ba được đắp đất cao, gần núi. Thấy mộ ba đơn sơ, lạnh lẽo giữa nghĩa địa hoang vu, lòng tôi quặn thắt. Nhìn tấm bia ghi rõ tên ba: Lý Thúc Huyên, sinh năm 1899, mất ngày 2 / 11 âm lịch, 1960, nước mắt tôi ràn rụa. Tôi bày lễ vật, thắp nhang, quỳ lạy trước mộ ba thật lâu. Tôi nguyện hứa, có dịp về lần sau, tôi sẽ xây mộ ba cho đẹp như mộ má. Trời đã về chiều, mặt trời dần khuất sau đỉnh núi. Tôi quỳ lạy lần nữa trước mộ ba rồi ngậm ngùi rời nghĩa địa, cùng anh Dũng về lại thị xã.
Ngày hôm sau, tôi đi Ninh Chữ thăm chị Loan. Nhà chị vách ván, mái tôn trong một khu bình dân gần biển. Khí hậu buổi trưa nhờ gió biển nên khá mát mẻ. Cửa nhà mở sẵn, đứng bên ngoài tôi đã nhìn thấy hai người phụ nữ đang ngồi trên bộ ván kế bên cái bàn gỗ. Một người là chị Loan. Chị vội đứng dậy ra đón tôi:
 - Chị chờ từ sáng đến giờ. Vào nhà ngay em. Thức ăn đã làm sẵn hết chờ khách quý.
Tôi cười cười bước vào nhà:
 - Em là dân kỳ long nhong có gì mà quý hở chị.
 - Thì em tên Quý mà. Bậc cha mẹ đặt tên thế nào là mong con mình được như vậy... Quỳnh ơi, khách quý đã tới, lo dọn thức ăn đi cháu.
Người phụ nữ trẻ dạ một tiếng rồi đứng dậy cúi đầu chào tôi. Chị Loan giới thiệu hai bên:
 - Đây là Quý, mợ đã nói với cháu sáng giờ... Còn đây là Quỳnh, cháu chồng của chị.
 - Hân hạnh được biết cô Quỳnh.
Quỳnh nhoẽn miệng cười rồi đi xuống bếp. Quỳnh có khuôn mặt chữ điền xinh xắn, đôi mắt lá răm rất đẹp, và dáng vóc mảnh mai, thon thả. Nhìn Quỳnh, tôi có cảm giác như đã quen ở đâu. Tôi hỏi chị Loan:
 - Quỳnh có gia đình chưa"
Chị Loan mỉm cười:
 - Chưa có ai lọt vào mắt xanh của "nàng".
 - Cổ đang ở đâu"
 - Nó là giáo sư lớp 11 ở Đà Lạt. Nhân dịp nghỉ hè xuống chơi với chị mấy hôm nay.
 - Còn bác và con gái út của chị"
 - Má chị đi thăm bà con ở Tháp Chàm. Con gái út đi chơi với bạn rồi. Quý uống bia nhen. Chị đã mua sẵn mấy chai để đãi Quý, chứ nhà đàn bà không, hổng ai biết uống bia.
 - Dạ. Nếu chị đã mua rồi thì em không khách sáo.
Nhìn cảnh nhà đơn sơ, tôi biết chị Loan nghèo, nhưng thức ăn chị đãi tôi thật thịnh soạn: tôm hấp, cua luộc, cá chiên sốt chua ngọt. Cả ba người cùng ngồi vào bàn. Tôi cảm động nói:
 - Chị đãi em các món này, tốn tiền chị lắm. Một món thôi, cũng đủ rồi. 
Chị Loan cười:
 - Phải ăn mừng chứ em. Đâu dễ gì có kỳ ngộ với em... Quỳnh ơi, mợ không uống bia được, cháu còn trẻ, tiếp một chai với Quý đi.
 - Phải đó. Tôi uống bia một mình không thú vị. Cô Quỳnh cùng uống với tôi nhé.
 - Dạ. Em cũng phải chìu ý anh với mợ cho vui. Nhưng chỉ rán được một chai thôi. Còn bao nhiêu anh Quý phải thầu hết.
 - Vâng. Cụng ! Mừng ngày gặp lại chị Loan. Mừng được quen cô Quỳnh.
- Mời Quý.
- Mời anh.
  Chị Loan và Quỳnh liên tục tiếp thức ăn cho tôi. Không khí bửa ăn thật thân vui. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện về cuộc sống của mỗi người. Đến khi nghe chị Loan cho biết tên họ đầy đủ của Quỳnh, tôi như muốn nhảy cẫng cả người lên:
 - Uyên Diễm Quỳnh ! Trời!. Là Uyên Diễm Quỳnh thiệt sao"
Quỳnh mở to mắt nhìn, ngạc nhiên:
 - Sao thế anh" Em có gì đắc tội với nhà nước hở"
 - Không phải với nhà nước mà với tôi.
 - Ủa. Nãy giờ nói chuyện thân vui, có gì đắc tội với anh"
Tôi không trả lời ngay câu hỏi của Quỳnh mà nói một hơi:
 - Tên Uyên Diễm Quỳnh đặc biệt lắm, không lầm được. Không có người thứ hai có tên này. Má Quỳnh là Lê thị Ngọc. Ba là trung tá Uyên văn Cảnh. Nhà Quỳnh ở Đà Lạt trước tháng 4 / 1975 là căn biệt thự trên đồi cao phía trước có vườn hoa hồng rất đẹp. Đúng không"
Quỳnh càng mở to mắt hơn:
 - Đúng. Đúng hết. Sao anh biết rõ vậy"
Tôi reo lên:
 - Là em rồi, Diễm Quỳnh ! Bất giác tôi nắm chặt bàn tay Quỳnh, nói tiếp: - Anh là anh Quý quen em vào mùa hè 1973. Em nhờ anh ngắt cho em mấy nhánh hoa Dã quỳ lúc cùng anh đi lên đồi thông, rồi dẫn anh đến làm quen với má em. Sau đó, chúng ta đi ăn phở buổi trưa ở chợ Hòa Bình, rồi má em mời anh đến nhà chơi, còn đãi anh ăn cơm chiều nữa. Em nhớ không"
Nói xong, tôi chợt nhận ra mình đang nắm tay Quỳnh, nên vội buông ra. Quỳnh nhìn tôi, có vẻ thẹn thùng:
- Không ngờ... là anh Quý!... Rồi cô mỉm cười, quay qua chị Loan: - Mợ, cháu nhớ hồi đó lúc hái hoa cho cháu, ảnh gọi cháu là "em bé" đó.
  Tôi cười ha hả:
- Ai lúc còn nhỏ cũng đều muốn làm người lớn. Bị gọi "em bé" hổng chịu, đi mét mẹ, bây giờ còn mét lại với chị Loan.
Chị Loan cười tươi, nói với Quỳnh:
- Năm đó, cháu mới bảy tuổi, còn Quý là thanh niên. Gọi cháu là "em bé" phải rồi. Mợ không ngờ, mợ cháu mình với Quý có duyên tái ngộ lạ lùng.  
Quỳnh thắc mắc:
- Vừa rồi biết tên em, anh nói em đắc tội với anh là tội gì"
- Vì hồi đó Quỳnh hứa khi cùng với má đi Sài Gòn đón ba từ Mỹ về sẽ ghé thăm anh, nhưng rồi "bặt vô âm tín".
- Thì ra thế. Tại ba hối má con em về lại Đà Lạt ngay để ba trình diện đơn vị. Anh cũng có tội với em vậy.
- Tội gì"
- Anh nói sẽ quay lại năm sau để cùng em ngắm cảnh đẹp mùa thu Đà Lạt. Mà có thấy đâu.
- A... Anh nhớ rồi. Thiệt đắc tội. Bây giờ xin lỗi em cũng không muộn. Đời sống vô thường, nhiều chuyện nói trước thiệt không linh. Cũng như có ai ngờ, miền Nam binh hùng, tướng mạnh thế lại bị Việt cộng nó chiếm mất. Chỉ vì người Mỹ nửa chừng quay lưng, cắt đứt mọi viện trợ cho miền Nam để xơi tái miếng thịt thị trường béo bở của Tàu cộng.
Sau vài phút vui mừng gặp lại "em bé" Quỳnh, câu nói của tôi vô tình xoay qua đề tài chính trị. Quỳnh nói với giọng buồn:
 - Cũng vì vậy mà biết bao gia đình ở miền Nam nhà tan, cửa nát. Gia đình mợ Loan đang sống khá giả trở nên suy sụp. Chồng mợ là cậu của em chết trong tù. Còn ba má em, anh biết rồi đó, là gia đình giàu có, đời sống thật yên vui. Dưng đâu tai họa ập đến, Việt cộng vào lấy hết nhà cửa, má con em phải sống nghèo ở khu "kinh tế mới". Ba em sau chín năm tù "cải tạo"về, cũng bệnh hoạn rồi chết trong buồn tủi.
Chị Loan chép miệng, nói:
- Chúng gọi tiếng là "cải tạo" cho hoa mỹ, thật ra chỉ là cách trả thù hèn mọn. Nói gì sĩ quan bị tù đày, cả văn nghệ sĩ, tu sĩ cũng bị chúng bắt đi tù không biết ngày về. Người dân làm ăn lương thiện tạo nên tài sản cũng bị chúng chiếm đoạt hết. Bây giờ, bọn "cán cộng", tên nào cũng giàu sụ nhờ ăn cướp của dân.
  Quỳnh tiếp lời chị Loan:
- Việt cộng giàu lên thành "tư bản đỏ"; người dân thì lần lần chỉ còn cái quần xà lỏn rách. Cái chế độ quốc doanh, bao cấp của chúng làm cho kinh tế nước nhà suy kiệt. Hơn mười năm qua mở cửa cho thị trường tự do, nhưng đất nước chẳng khá được bao nhiêu.
Tôi tiếp lời Quỳnh:
- Theo thống kê Liên hiệp quốc, Việt Nam vẫn còn là một trong vài nước nghèo nhất thế giới. Nhiều năm qua, đọc tin trên báo, anh biết đại đa số người dân trong nước vẫn đang phải cam chịu kiếp sống cơ hàn, đói khổ. Bây giờ về, anh thấy rõ thêm, địa phương nào cũng có từng đàn trẻ em không được học hành, phải lang thang bán vé số hay ăn xin sống qua ngày. Người già neo đơn ngủ đầu đường, xó chợ đầy dãy ra đó. Nhiều con gái nhà nghèo đua nhau xếp hàng làm dâu Đài Loan, dù là phải lấy những ông già ế vợ hay tàn tật, còn bị khinh rẽ, thậm chí bị anh em trong nhà chồng cưỡng hiếp rồi bán cho động mãi dâm. Đường xá, cầu cống trong nước hư nát hết không được sửa sang, xây dựng lại. Vì "cán cộng" chỉ lo tham ô làm giàu cho cá nhân và gia đình. Chúng là băng đảng tội ác chứ không phải là một chính quyền lo cho quyền lợi quốc gia, dân tộc.
Chị Loan thở dài:
- Nhiều khi chị muốn chạy ra đường hét to lên: "Tất cả dân nghèo đoàn kết lại, vùng lên làm cách mạng, đánh đổ tụi Việt cộng ác ôn đi". Nhưng rồi chị không có can đảm. Chị cũng yếu đuối như mọi người dân. Lại cũng phải giả vờ cười cười, nói nói những lời tốt đẹp khi có chuyện tiếp xúc với "cán cộng".
- Vâng. Lúc em còn ở trong nước, cũng như chị Loan thôi. Thời thế đổi thay, con người tự vong thân với chính mình khi phải sống trong gian dối, trong sự ức chế, đè nén bản ngã của mình chỉ vì cái cuồng ngông, bạo ác của thế lực phi nhân phủ chụp lên đầu mình !.
Chị Loan lại thở dài:
- Chị ước gì được vượt thoát ra khỏi cái dòng xoáy nghiệt ngã này. Được như Quý vầy là may phước lắm. Chị có mấy lần ra đi, nhưng không thành. Vàng bạc dần cạn, đành chịu an phận với số mạng. 
Cả ba người chúng tôi cùng nhìn nhau, cảm thông cho nỗi niềm của nhau. Im lặng hồi lâu, Diễm Quỳnh tỉ tê kể chuyện:
- Trường em dạy hiện nay cách nhà em ở Đà Lạt mấy chục cây số. Vừa rồi, em dự tính xin chuyển về dạy ở thành phố. Mười mấy năm qua em không nghĩ tới điều này. Nhưng nay có người anh của cô bạn hứa giúp. Em hy vọng nhiều lắm. Nhưng khi vô cuộc rồi, em nhận ra thực tế, mình không phải là ruột thịt, và người anh của bạn em cũng không trực tiếp quyết định mà phải nhờ người khác. Thường thì có hai con đường để giải quyết chuyện gì đó trong chế độ này: Thứ nhất là "thân quen", thứ hai là "tiền". Muốn theo con đường tiền thì cũng phải có người quen lo giúp mới đúng đường. Trước đây, em quan niệm nếu phải "đút lót" để xin chuyển trường, em sẽ không làm như vậy. Nhưng bây giờ thấy người anh cô bạn nhiệt tình muốn giúp, em cũng thử coi. Tuần trước, em ghé nhà một chị bạn để tâm sự việc này. Chị cho biết chắc chắn, muốn xin chuyển về Đà Lạt phải tốn từ 25 đến 45 triệu đồng, và phải do thân quen lắm mới được; có khi còn "tiền mất, tật mang". Em lúc đó như bừng tỉnh, thấy rõ sự bất công, phi lý và đành chịu "thua cuộc". Em chỉ là cô giáo nghèo, làm sao có tiền nhiều như vậy!...Quỳnh chợt im lặng một lúc, uống ngụm nước rồi nói tiếp với giọng buồn buồn: - Thật ra, chuyện đút lót số tiền có khi lớn gấp nhiều lần như vậy em đã biết từ lâu. Nhưng vừa rồi em như người ngủ mơ, trong mơ thấy mình loay hoay xin chuyển trường, và chợt tỉnh giấc thì giấc mơ không còn!...Có mấy chục triệu người trong nước hiện nay ở mọi ngành nghề cũng sống trong mơ và tan vỡ giấc mơ như em vậy !...
  Nghe xong tâm sự của Quỳnh, tôi đã ngà ngà say nên bạo dạn nắm tay Quỳnh, quên là đang có chị Loan bên cạnh. Tôi nói trong xúc động:
- Diễm Quỳnh. Nghe tâm sự buồn của em, anh...anh thương em lắm...
Quỳnh để yên bàn tay cô cho tôi nắm, im lặng nhìn tôi với ánh mắt long lanh... 
 Một chuyến về lại Phan Rang, ngoài việc thăm mộ ba má, tôi có được tình yêu với Diễm Quỳnh. Trong những ngày đi chơi vui vẻ bên nhau, tâm đầu, ý hợp, dù không hứa hẹn gì, nhưng lòng tôi đã quyết, Quỳnh sẽ là người vợ để tôi yêu thương, trân trọng suốt đời.
Tôi sẽ về Việt Nam lần nữa để gặp má Quỳnh xin làm đám cưới với Quỳnh. Nhưng chuyện đời không như là mơ. Ngày  trở lại Mỹ, tôi viết thư cầu hôn Quỳnh thì nhận được thư hồi âm của cô cho biết, cô tuy rất yêu tôi nhưng không thể lấy tôi để rồi phải đi Mỹ, vì má cô hay bệnh hoạn ở tuổi già, cần có cô bên cạnh chăm sóc.
Và rồi ngày tháng dần trôi qua. Biết bao nhiêu đổi thay. Cho tới nay, tôi vẫn chưa thể gặp lại Quỳnh. Cả lời nguyện hứa sẽ xây lại mộ ba cho đẹp, tôi cũng chưa thể làm được. Nhưng tôi tin, mọi nhân quả đều có báo ứng theo luật Trời. Cái "thiện" được tôn vinh. Cái "ác" sẽ bị tiêu diệt. Sẽ có một ngày quê hương được hoàn toàn tự do, cho toàn dân Việt đều được sống trong một xã hội an bình, công bằng, bác ái. Đó cũng là niềm vui, hạnh phúc cho chính tôi, khi những ý nguyện riêng tư được thành toàn, viên mãn bên người tôi yêu thương: Uyên Diễm Quỳnh ! 
Huyên Chương Quý

Ý kiến bạn đọc
02/06/201902:29:03
Khách
những cái tên họ hay quá , y như tên Hồng kông
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,978,297
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến