Hôm nay,  

30 Tháng Tư: Cái Lủng... Đi Mỹ

19/05/201000:00:00(Xem: 151068)

30 Tháng Tư: Cái Lủng... Đi Mỹ

Tác giả: Tô Vũ
Bài số 2894-28194-vb4051910

Tác giả là một cư dân cao niên vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài mới nhất của ông là một chuyện đổi đời, với nhiều chi tiết sống động, bắt đầu từ 30 tháng Tư.

*

"Em lạy các anh mờ! (mà). Cho em về đi, em còn có chồng và con ở nhà...mờ..."!
Tiếng van lơn khóc lóc nài nỉ của cái Lủng oang oang át  cả tiếng máy xình xịch của chiếc tàu kéo (tug boat) đang nặng nề rề rà kéo chiếc xà lan chở đầy nhóc những con người chạy loạn vào chiều 30 tháng tư năm 75 ở bến tàu Saigon. Chiếc xà lan (một loại phà không máy) của hãng Caric bên kia sông đã cặp bến từ xế trưa, giờ nay chất đầy trên đó hằng mấy trăm sinh mạng mặt mũi còn mang đầy nét hoảng hốt sợ sệt. Một số người đứng, số còn lại đang cố ngồi im trên sàn trong lúc người tài công chiếc tàu kéo đàng trước xoay người dùng hai bàn tay chụm lại trên miệng la lối rát cả cổ:
"Bà con cô bác ơi! làm ơn đứng vô trong một chút kẻo rớt hết xuống sông đó".
Chiếc xà lan chở đã khẳm chỉ còn cách mặt nước vài ba tấc đang lắc la lắc lư như người say ruợu, nếu chỉ chở thêm vài chục người nữa có thể sẽ chìm xuống lòng sông ngay. Lủng đang bán chè đậu trên bờ cạnh chiếc xà lan cặp cuối đường Nguyễn Huệ ấy thì bị đoàn người đông như kiến chen lấn và xô đẩy Lủng lên xà lan luôn. Cầm cái đòn gánh trên tay Lủng khều khều cái dây buộc mong kéo chiếc phà lại hầu nhảy lên bờ, nhưng chợt nghe cánh tay trái đau nhói như có ai đang nắm chặt kéo Lủng lại. Lủng thất vọng la toáng lên nhưng chẳng có ma nào thèm nhìn đến nó. Lủng chán nãn lặng nhìn con phà rẽ nước theo chiếc tàu kéo mà lắc đầu chịu trận, đôi dòng lệ tuôn tràn trên vẻ mặt còn đầy nét thảng thốt. Lủng nhìn chiếc phà từ từ tách bến mà trong ruột thì nóng nảy bồi hồi chẳng biết làm sao. Nó đứng đó bất động, một tay buông thỏng làm rơi chiếc đòn gánh xuống sàn. Con tàu và chiếc xà lan nặng nhọc từ từ tiến ra giữa giòng sông Saigon vào một chiều tháng tư đen đầy náo động, và trong lòng những người ở trên xà lan bấy giờ cũng như đám người còn lại trên bờ cũng giao động không kém!
Những chiếc máy bay trực thăng di tản của hạm đội thứ Bảy Hoa Kỳ cùng toán trực thăng của không quân Việt Nam Cộng hòa rộn rịp bay sà sà bên trên ngọn cột cờ Thủ ngữ hướng về phía biển. Tiếng cánh quạt trực thăng đập xoành xoạch làm kinh hãi đoàn chim chiều đang đậu trên các cây sao gần đấy, chúng hoảng sợ bay túa ra mỗi con đi mỗi ngã. Một chiếc trực thăng khác bay trờ qua trên đầu chiếc xà lan, chở đầp ắp những người di tản đang lắc lư chao mình qua lại. Đám người dưới xà lan hoảng hốt hỗn loạn một số ngồi thụp xuống né tránh số còn lại ngước mắt nhìn lên, có kẻ lại cố dòm tìm trong đám đông trên trực thăng xem có ai là bà con hay thân nhân quen biết. Nhưng chiếc trực thăng vội bẻ hướng lướt lên cao thật nhanh về phía Thủ thiêm rồi mất dạng dưới rặng dừa nước. Lủng nhìn theo thấy bóng hai người đàn ông đang cố bám chặt vào hai cái càng đáp của chiếc trực thăng bên cạnh anh xạ thủ đại liên người Mỹ. Một người cố ôm như muốn cuộn tròn người vào cái thanh sắt đó trong lúc tiếng gió của chong chóng trực thăng quạt nghe phành phạch làm tung cả chiếc áo trắng đã đứt hết khuy của y nhưng hãy còn dính lại một phần bên vai trái. Lủng lại gào lên khản cả tiếng nhưng chẳng có ai thèm đáp! Ai ai cũng đang ở trong tình trạng hoảng hốt nhọc mệt vì chen lấn và nỗi sợ sệt nhìn thấy rõ nét trên những gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì rồi không biết mình sẽ đi về đâu và sẽ ra sao" Họ chỉ biết nhanh chân rời bỏ cái thành phố này cái đã, cái thành phố thân yêu mà có thể ngày mai ngày mốt đây sẽ là những ngày đầy bất trắc !. Thân ai nấy lo hơi đâu ai mà để ý đến tiếng khóc la của một cô gái nhỏ một tay đang ôm chặc cái nồi nhôm.
Có tiếng "tỏm" lớn như tiếng một vật gì nặng vừa rơi xuống sông, mọi người đứng ở góc đó nhớn nhác hẵn lên, nhốn nháo hỏi han rồi lại ngồi xuống vì sợ xà lan lật. Cũng có mấy người đàn ông dạn dĩ đứng phắt lên nghễn cổ dòm xuống giòng sông đầy lục bình trôi với ánh mắt tìm kiếm. Bỗng có tiếng người đàn ông đứng gần lan can khóc ré lên:
"Trời ơi, trời... cứu dùm con tôi với bà con ơi! nó mới rớt xuống sông rồi, tôi không biết lội bà con ơi!".. 
Mọi người ngó chăm chăm vào người đàn ông mặc chiếc áo trắng đã ngã màu cháo lòng đang run rẫy như cầy sấy mặt cắt không còn chút máu, rồi lại nhìn nhau xem có ai nhảy xuống tiếp cứu không. Nhưng đám đông hoàn toàn im lặng, ai ngồi đâu ngồi đó, ai đứng đâu đứng đó, thoáng vài giây có mấy tiếng chép miệng thở dài lẫn những ánh mắt lấm lét nhìn nhau sợ sệt. Tiếng người đàn ông khóc con lại rú lên nghe áo não giữa ban chiều vang dội cả một khúc sông, tiếp đến có tiếng đấm ngực thình thịch của ông, rồi soạt một cái- tiếng khóc im bặt, chỉ nghe thêm một tiếng Ùm nữa dưới sông! Mọi người hoảng hốt nhốn nháo đứng lên. Một người đàn bà cất tiếng chửi đổng: Mẹ cha chúng nó, đàn ông thanh niên cả đám mà chết nhác hết chẳng có đứa nào cứu dùm người ta! Có tiếng chửi thề của một thanh niên mặc mỗi chiếc quần xà lỏn đen vai để trần nhễ nhại bực dọc đáp lại một cách bặm trợn:
"Đ.m. thân ai nấy lo bà ơi, bà có giỏi thì nhảy xuống cứu đi!"
Lủng cũng ngồi trong đám người đó lấm lét nhìn xuống dòng sông một cách sợ hãi, tay chân run rẫy chứng kiến thảm cảnh vừa mới xảy ra mặt mày xanh như tàu lá chuối non. Nó im bặt ngay không dám khóc nữa, nhưng trong miệng vẫn còn lúng búng những tiếng rên ư ử như con heo vừa mới bị cắt tiết. Lủng quay qua nhìn người đàn ông ngồi cạnh mình, bây giờ Lủng mới nhận rõ là anh ta độ trên dưới ba mươi, khuôn mặt khắc khổ với chiếc cằm hơi bạnh, trên người khoác một chiếc áo thun màu cứt ngựa đã sờn rách bỏ ra ngoài chiếc quần dài rằn ri. Lủng đoán anh ta là lính chi đó và anh ta đang cố nắm chặt cánh tay phải của Lủng. Lủng dằng mạnh cánh tay cố giật ra và kêu tiếp:
"Ông ơi, đừng có nắm tay tui nữa, nắm chặt đau quá đi, tui không có nhảy xuống sông đâu mà ông sợ."
Nãy gìờ từ lúc anh chàng này cố đẩy Lủng từ dưới bến tàu lên xà lan bấy giờ mới lên tiếng:
"Thôi, im mẹ nó đi, đừng có la khóc, tối rồi sắp qua kinh Cần giờ đó, tụi VC mà nó nghe được là nó pháo cho chết cả đám đó mẹ!"
Lác đác có vài tiếng súng rời rạc cuối kho năm, Lủng ngước mắt nhìn về phía kho, người là người chen chúc nhau bên cạnh cầu tàu. Tiếng la, tiếng kêu khóc râm ran cả một góc trời. Có tiếng ca nô rẽ nước chạy vụt qua bên phải chiếc xà lan bắn tung toé nước lên làm một số bà con ngồi cạnh bìa ướt như chuột lột. Lủng ngồi yên, hai tay bấy giờ ôm chặt nồi chè còn một nửa. Chiếc đòn gánh đã lót dưới đít tự bao giờ để khỏi ướt chiếc quần lãnh đen còn mới. Lủng vẫn còn hậm hực, thút thít phân bua: Tui có muốn đi đâu, tui đang bán chè trên bờ mờ!..., mấy người ai đi thì đi chớ sao lại đẩy tui rồi kéo tui lên đây mần chi...hu hu...chồng ơi, con ơi!.
Tiếng than van của Lủng bây giờ lại bị át bởi tiếng xình xịch của chiếc tàu kéo. Bà con ai nấy mệt nhoài, có người tìm được một chỗ nằm dài trên sàn ngoẹo đầu như ngất xỉu chỉ còn thấy lồng ngực là còn thoi thóp.
Bảy giờ tối, trời đã chạng vạng rãi trên giòng sông làm khó nhìn thấy rõ mặt người. Xà lan đang đi vào một khúc sông nhỏ hai bên dày đặc những đám ô rô và dừa nước. Anh thanh niên ngồi kế Lủng quay mặt lại hướng mắt nhìn về phía Saigon lần chót. Saigon đèn đuốc vẫn sáng choang một góc trời, anh ta chậm chạp lắc đầu thở dài thọc tay vào túi quần móc gói thuốc Salem lấy ra một điếu đưa lên miệng. Tiếng bật lửa zippo trên tay anh kêu nghe đánh "tách", một vệt sáng loé lên anh vội đưa ngọn lửa vào điếu thuốc thì có tiếng thổi phà như ai vừa thổi cho tắt ngọn lửa. Một giọng nói sợ sệt vừa đủ nghe của một người đàn ông đứng tuổi ngồi kế bên:
"Trời ơi cha nội! bộ muốn chết hết cả đám hay sao mà bật lửa hút thuốc vậy cha" Tụi VC mà nó thấy ánh sáng là nó pháo cho một quả chết tươi hết bà con sao""
Tiếng cằn nhằn vừa dứt thì có tiếng Lủng thay vào...
"Ông ơi ông, phà nầy đi đâu dzậy"
Tiếng anh thanh niên cằn nhằn đáp:
"Thì kéo ra Cần giờ rồi ra biển tìm tàu Mỹ để đi chớ đi đâu mà hỏi." 
Lủng lại nức nở: Cha mẹ ui, tui có muốn đi Mỹ đâu, tui đang bán chè mờ, tối nay chồng con tui không thấy tui về nó chờ chết thôi...chời ơi là chời...! sau đó chỉ nghe tiếng Lủng rên ư ử lùng bùng trong miệng và như có bàn tay ai đang bụm miệng nó lại.

 *
Sau một ngày làm việc mệt nhọc vì phải di chuyển nhiều, Phong vừa về đến nhà vội vàng vất chiếc cặp da đựng giấy tờ trên bàn viết, tụt ngay đôi giày và để nguyên cả aó quần lăn đùng lên giường đánh một giấc cho đến gần nửa đêm. Hạnh, vợ Phong phải đi làm ca đêm từ 6 giờ chiều đến 1 giờ sáng mới về. Trước khi đi nàng cũng đã lo cơm nước buổi tối sẵn sàng cho chồng để khi Phong về thì chỉ có việc lôi trong tủ lạnh ra hâm lại mà ăn. Các con của Phong đứa gái phải đi babysit cho đám con ông bà sponsor ở làng kế cận và hai cậu con trai thì phải đi học lớp đêm ở Đại học cộng đồng cách nhà ba blocks đường. Hôm nay là ngày Phong phải ra phi trường Cleveland từ sáng sớm để đón thêm ba gia đình người Việt di tản nữa mới đến định cư tại thành phố này sau khi họ đã hoàn tất thủ tục tại trại tị nạn Indiangap tiểu bang Pennsylvania miền Đông Hoa kỳ. Lo thông dịch và gìới thiệu cho bà con với các sponsors mới của họ. Sau đó Phong lại phải đi đón một số bà con khác đã hết hạn ở với sponsors để đưa họ ra thuê phòng trong những chung cư rẻ dưới phố. Rồi đến việc phải chở họ đi làm các thủ tục giấy tờ, giới thiệu các công tư sở đã nhận họ vào làm. Ngần ấy việc trong ngày đã là ngất ngư, nên mỗi chiều tan sở về đến nhà là Phong mệt nhoài chả thiết ăn uống gì chỉ lên giường mong đánh một giấc cho đã con mắt.


Phong nhận công tác Field Rep. của thị xã Cleveland bang Ohio này từ đầu tháng 10 năm 75, đúng 6 tháng sau khi rời VN sang Mỹ cùng với gia đình. Thật ra công việc cũng chẳng lấy gì làm khó khăn cho lắm, chỉ là cái phải di chuyển nhiều nên lắm lúc Phong cũng không có cả thì giờ dừng lại đâu đó để ăn trưa nên mỗi trưa vừa lái xe vừa cạp hamburger và tu (uống) soda là chuyện thông thường. Nhưng hôm nay đặc biệt có một gia đình hai vợ chồng trẻ mới đến song chưa có sponsor nên Phong phải lo liệu cho họ ngay một chỗ ở trong căn chung cư nửa là hotel nửa apartment sáng nay ở dưới phố. Người chồng là một quân nhân cấp úy và cô vợ, chồng giới thiệu là vợ mình nhưng cô vợ thì cố gạt ra và luôn bảo rằng tôi chỉ là bạn di tản cùng ông ấy chớ không phải vợ con chi hết. Phong chưa hết ngạc nhiên thì cô "vợ" nói tiếp:
"Ông này là thiếu úy Phụng, còn tui tên là cái Lủng, mấy bà Bắc kỳ di cư xóm tui hay gọi tui là: cái Lủng bán chè đậu (cười). Mấy tui là bạn di tản chớ không phải là dzợ chồng, nhưng đi đâu ông này cũng cứ giới thiệu tui là dzợ của ổng ....nghe kỳ woá!"
Trong khoảng thời gian làm công việc tái định cư cho đồng bào bà con người Việt mình, Phong cũng đã gặp nhiều trường hợp tương tự như vậy nên cũng không mấy ngạc nhiên cho lắm. Dẫu vậy nhiều đám sau một thời gian ngắn ở chung với nhau, đôi khi chỉ một vài tháng thì họ cũng thành chồng thành vợ, hoặc chung sống như đôi tình nhân già nhân nghĩa non vợ chồng. Nghĩ đến đó nên Phong phần vì tôn trọng quyền tự do riêng tư của họ, phần thì cũng không muốn hiểu thêm những chuyện rắc rối đó làm chi đôi khi làm cho họ khó xử và cũng lẫn cho mình nên ít khi Phong hỏi thêm, nhưng trường hợp này có dính dáng tới vấn đề nhận lãnh tiền trợ cấp chung (welfare) nên Phong định bụng để đó đến ngày mai sẽ hỏi rõ hơn vì bấy giờ đã chiếu tối rồi.
Sau khi lục tủ lạnh hâm đồ ăn tối, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Phong nhấc máy nghĩ bụng chắc Hạnh hôm nay lại được về sớm nên gọi mình đển đón . Nhưng không, đầu giây bên kia là tiếng một nhân viên trực ở Sở Cảnh sát địa phương:
- Thưa, có phải ông Phong ở văn phòng Human Relations không ạ"
- Dạ chính tôi đây..! có việc gì đó thưa ông"
- Xin ông vui lòng đến sở Cảnh sát ngay vì chúng tôi đang có một việc cần nhờ ông giải quyết và thông dịch dùm gấp..
- Vâng ạ, tôi sẽ đến ngay, nhưng ông vui lòng cho biết việc gì đấy ạ"
- Có một cặp vợ chồng Việt nam vừa đánh lộn với nhau trong chung cư A số.. đường....lúc 11 giờ tối nay, chúng tôi được người quản lý chung cư gọi đến, song chúng tôi đều không biết lý do và cũng không biết rằng tại sao họ lại đánh nhau, vì cả hai vợ chồng đều không biết nói tiếng Anh...họ chỉ cho chúng tôi địa chỉ và điện thoại của ông và ra dấu xin gọi cho ông.
- Vângï, tôi sẽ có mặt trong 10 phút nữa, chào ông.
Phong gác máy vơ vội khúc bánh mì thịt nguội, xỏ đôi giày chạy vội ra xe, sau khi nguệch ngoạc cho vợ vài chữ: "vì có việc gấp anh phải xuống Ty Cảnh sát địa phương giải quyết một vụ hai vợ chồng VN đánh lộn nên em cứ đi nghỉ trước, đừng chờ anh sẽ về ngay".
Đến Ty Cảnh sát Phong ngạc nhiên khi nhìn thấy Lủng và ông Phụng ngồi mỗi người mỗi nơi mặt mũi hai người đều có dấu vết trầy trụa và riêng cái Lủng (từ đây xin gọi tên cô ta là "cái Lủng" như cô ta đã tự giới thiệu) thì bó gối ngồi thút thít một mình. Thấy Phong đến cái Lủng đứng phắt dậy chạy đến định ôm Phong phân bua gì đó, nhưng Phong vội nhẹ nhàng đỡ lấy tay cô và dìu xuống chiếc ghế kế bên. Vị cảnh sát trực bắt tay Phong và tự giới thiệu cấp bực của mình. Phong cũng tự giới thiệu là nhân viên Field Rep. của thị xã chuyên lo về việc tái định cư cho những người Việt Nam mới đến Mỹ.
Sau những lời chào hỏi xã giao, vị sĩ quan trực cho biết rằng tối nay có một cú điện thoại từ chung cư A xin Cảnh sát đến ngay vì có đám đánh lộn. Hóa ra là ông Phụng và cái Lủng! Ông Phụng thấy Phong thì có vẻ như xấu hổ, mặt cúi gầm xuống và không nói lời nào chỉ biết vo ve điếu thuốc trong tay khi nghe Lủng đang dài dòng phân bua:
"Thưa thầy, ông này quá lắm thầy ơi, tui hết chịu nổi rồi thầy. Ổng kéo tui lên xà lan đậu trước bến tàu Sè goòng bắt tui đi theo ổng di tản qua đây, chớ tui đâu phải là dzợ con chi của ổng đâu"! Tui đâu có muốn đi Mỹ! Tui đang bán chè mờ!...tự nhiên ngừời ta xô đẩy nhau lên xà lan gồi (rồi) ông này (Lủng chỉ thẳng vào ông Phụng) ổng kéo tui theo đẩy tui tuốt lên trển luôn"!...(lại khóc) Ông Phụng ngắt lời:
"Tui đâu có kéo bà", tại bà làng chàng trước mặt tui không trèo lên được xà lan nên tui tưởng bà cũng đi tui đẩy bà lên chớ bộ!"
Dừng một chút lấy hơi, Lủng lại hu hu kể tiếp:
"Tui có nói gồi chớ!, tui kêu khóc khản cả cổ mà ông cứ núm tay tui lợi, không cho tui nhảy lên bờ, ngừ chi mà ác độc dzậy!", tui còn chồng còn con ở nhà mờ!!"...(lại khóc hu hu).
Phong thấy tình cảnh quá thương tâm bèn định an ủi cả đôi bên thì Lủng lại kể tiếp:
“Thầy biết hôn"! Tối hôm nay ổng còn đòi ngủ mí tui, tui hổng chịu, ổng tát tui đau wá, tui tát lại ổng, dzậy là ổng thượng cẳng chân hạ cẳng tay làm tui đau quá chời tui la làng la xóm may nhờ mấy thầy phú lít này tới cản chớ không ổng giết tui gồi.. cha wơi, mẹ wơi! hu hu..."
Tiếng cái Lủng thút thít bắt đầu kể lể lại cuộc di tản bất đắc dĩ với một giọng rền rền liên tục đôi khi xen lẫn tiếng nấc. Phong ngồi yên lắng nghe mà hồn để tận đâu đâu. Tiếng cô gái như tiếng kinh kệ đều đều vang vọng từ xa. Phong cố gắng lắm nhưng đôi mắt chàng bắt đầu nặng trĩu, hai mí mắt như muốn sập xuống phải cố gắng lắm mới ngồi yên được...
"Em lạy các anh mờ!...Cho em về đi, em còn...co...có.. chồng...chồng....và con ở nhà mờ!...."

*

Los Angeles, California...
Phong đang bận đóng mấy cái đinh để treo mấy tấm hình trong quán ăn của mình thì bất ngờ một người đàn bà trạc 23-24 tuổi đẩy cửa bước vào. Cô ta vận trên mình một chiếc T-shirt màu vàng nhạt bỏ trong cái mini-jupe màu xanh đậm ngắn củn cởn cao lên quá đầu gối nom thoáng như một cô học trò trường bà xơ nhưng đã quá lứa tuổi học sinh mặc đồng phục. Phong định mở miệng cho biết quán ăn chưa mở cửa, nhưng người đàn bà đã nhanh nhẩu mở lời trước.
"Dạ thưa thầy...có phải thầy là thầy Phong không""
Phong ngạc nhiên nhíu mày cố lục tìm trong trí nhớ xem mình đã gặp cô gái trẻ này ở đâu"
Chưa kịp lên tiếng thì cô ta đã đon đả tiếp:
"Thầy không nhớ ra em sao" Em là cái Lủng đây nè, cái Lủng bán chè đậu di tản qua Ohio 3 năm trước đây mà thầy!..."
Phong trố mắt nhìn người đàn bà reo lên một tiếng thật to. - Ồ, cô Lủng..!
Hạnh, vợ Phong trong bếp nghe có tiếng người nói léo nhéo đàng trước phòng ăn vội chạy ra xem. Phong kéo chiếc ghế định mời cô ta ngồi thì Hạnh chạy lại nhìn chồng và cô gái. Phong cười, xoay mặt qua phía vợ giới thiệu người đàn bà vừa mới vào:
"Đây là cô Lủng, cô Lủng mà 3 năm trước ở Cleveland đó em có nhớ không" Cô gái mà ông thiếu úy Phụng cứ nhận là vợ... mà.. mà cái đêm hai anh chị đánh nhau anh phải đi thông dịch dưới Ty Cảnh sát Cleveland đó..."
Hạnh nhớ ra và reo lên:
"À.. em nhớ ra rồi, phải cái đêm anh về nhà với xe cảnh sát còi hụ làm em hết hồn tưởng chuyện gì xảy ra cho anh đó mà!"
Hạnh gật gật cái đầu vui vẻ chào cô gái và mời cô ta dùng nước hay cà phê xong nàng quay qua nói với chồng:
"Anh ngồi tiếp cô ta nghe, để em bảo người làm lấy cà phê vì em phải vào ngay trong bếp xem nồi phở kẻo nó cạn nước."
Phong nhìn vợ gật đầu từ từ quay mặt lại tươi cười nhìn cô gái từ đầu đến chân rồi chép miệng vừa cười vừa nói thật to:
"Trời đất ơi! cô mà không xưng tên thì tôi cứ tưởng là bà đầm xòe nào ấy chớ, đâu ngờ là cô Lủng, cái Lủng .."  Phong hạ thấp giọng tiếp trong tiếng cười:
"Cái Lủng bán chè đậu đây mờ..!"
Phong cố kéo dài tiếng mờ.. và cả hai người nhìn nhau cùng cười dòn tan.
"Thế bây giờ cô làm gì ở đâu" Ủa có còn ở với ông Phụng không" Xuống đây tự bao giờ"
Lủng đáp: "dạ em xuống đây từ hai năm gồi, ở chung nhà với cô bạn gái và đi làm ắt xâm ly (assembly) cho hãng cà phe Mất wèn (Maxwell) đó thầy.
"Tại sao cô biết tôi ở đây mà tới thăm""
"Dạ, cô bạn làm chung sở có đến đây ăn phở và về nói cho em biết, cô cũng nói tên thầy nữa nên em định tới coi có đúng thầy không, nào ngờ đúng chóc..!"
"Vậy hả, trái đất tròn he!" Phong đáp.
"Thầy chờ chút nghe, em ra xe kéo nó dzô thăm thầy lwuôn.. Khoe với thầy em mới sắm chiếc Toyota mới để mai chiều em tới chở thầy cô đi chơi..."
Nói xong Lủng cười ngặt nghẻo đủng đa đủng đỉnh lắc lắc xâu chìa khoá vừa đi ra phía cửa hai chân nhảy con sáo. Phong nhìn theo cô gái lắc đầu lòng bàng hoàng ngỡ ngàng. Chỉ mới 3 năm trước đây Lủng còn là một cô gái quê mùa hiền lành như thôn nữ, dáng dấp hồn nhiên mắt còn đầy vẻ rụt rè e lệ khóc lóc khi kể lại cho Phong nghe chuyện di tản bất đắc dĩ của mình. Vậy mà mới có 3 năm, nay đã thoát xác thành một cô gái khác nhí nha nhí nhảnh chảnh choẹ hơn đầm. Ngẫm nghĩ Phong cười lên thành tiếng. Hạnh ở trong bếp nghe tiếng cười của chồng hỏi với ra:
"Uả" cô ta còn đó không mà anh cười to thế""...
Phong không đáp vì có tiếng cô gái mở cửa dắt vào thêm một cô bạn mới.. Sau những lời chào hỏi xã giao, Phong hỏi Lủng tiếp:
"Thế còn ông Phụng thì sao" Cô còn ở với ông ta không""
"Gỗ gá cặp lợi mà thầy! Chớ có dziên nợ gì đâu"" (Rổ rá cặp lại mà thầy chớ có duyên nợ gì đâu")
Đang vui nghe Phong hỏi mặt Lủng bỗng chùng xuống và nàng lại bất đầu kể lể thiên tình sử bất đắc dĩ "cái Lủng bán chè đậu", mà đã một lần chính người trong cuộc ngân nga nay cũng với cái giọng rền rền vang vang như kinh nhật tụng về chiều. Câu chuyện năm xưa đã một lần Phong cố gắng vừa nghe vừa cố mở hai con mắt thật lớn để chống lại cơn buồn ngủ sau một ngày dài làm công việc - và mỗi lần sau đó khi nhắc đến là Phong lại mỉm cười và nhớ ngay đến cái lọ dầu cù là Mac Phsu trong túi.
"Tôi ấy à" Bây giờ tôi làm cái việc đi xoa dầu cù là cho bà con di tản mới đến!
Đó là câu trả lời ưng ý nhất của Phong cho các bạn bè sau khi tay bắt mặt mừng gặp lại trên xứ Mỹ. Phong vừa khôi hài vừa muốn nhắc đến cái quãng thời gian bất đắc dĩ của một cán sự xã hội Field Rep. ở xứ Cleveland, cái xứ sở lạnh lùng quanh năm mùa Đông tuyết giá.
Tô Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,659,720
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến