Hôm nay,  

Chuyện Kể Sáng Ba Mươi

03/05/201000:00:00(Xem: 997062)

Chuyện Kể Sáng Ba Mươi

Tác giả: Phan
Bài số 2880-28180-vb2050310

Giải thưởng đã nhận bài cho năm thứ 11, nhưng trang báo này còn tiếp tục phổ biến thêm một số bài góp cho nam thứ 10, nhận trước ngày 1-5. Tác giả là một nhà báo tại Dallas. Ông từng phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine, hiện trong nhóm chủ biên của báo Trẻ. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài mới nhất của ông ghi nhanh chuyện quanh bàn cà phê của  một ngày khó quên.

*
Sáng nay, ngày 30 tháng 4. Trời vần vũ, không mưa. Nóng ẩm như Sài Gòn nực giông. Những câu chuyện thường được nói đến trên bàn cà phê này, như: Dự luật cải tổ y tế, chiến sự Iraq, ném đá giấu tay trong cộng đồng, hội đoàn kia chơi trác… râm ran cùng tình hình sang băng lậu, ca sĩ tân trang, nhà hàng đổi chủ, “Word cup Nam Phi sắp khai mạc, không ngờ châu Phi có sân bãi quốc tế hơn Việt Nam xa”. Người nói không lường được phản ứng của người nghe, “Nói như ông là biết một mà không biết hai. Đừng có 30 tháng 4 coi, giờ này Việt Nam tổ chức Thế vận hội còn được chứ nói gì Word cup… tui tính sơ sơ thời điểm '75 ở châu Á, Việt Nam mình thua ai. Mấy thằng Thái Lan, Đại Hàn nghĩa địa gì" - Tổ cha tụi nó chớ, cầm quyền cái gì kỳ, mai mốt thua luôn Campuchia là giũ sổ.” Người khác chen vào, “Được thua Campuchia đã mừng. Sợ không kịp thua mấy thằng Miên, bản đồ Việt Nam đã thành một tỉnh của Trung cộng… tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, quân đội Việt Nam bây giờ trang bị quân phục y chang Trung cộng là ý gì chứ"!”
Những chuyện đời thường, không có hồi kết. Hôm nay nhường chỗ cho chuyện đời người một hôm chăng" Những mảnh đời dạt trôi theo dòng lịch sử, ai cũng có chuyện về 30 tháng 4 để kể. Kể 35 năm vượt biên chưa thấy bến bờ. Chú bé của 35 năm trước đang trôi ra từ miệng người đàn ông đã ngũ thập tri thiên mệnh. Chuyện triệt thoái miền Trung, thất thủ Sài Gòn làm tức ngực ông già chống gậy đang hồi tưởng, ngồi dộng can xuống xi măng theo ký ức tràn về. Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên. 35 năm sau của thời dọc ngang trời bể trên đầu có ai" Bây giờ có cái mũ len, dù trời đã sang xuân. Chuyện đàn ông Việt Nam, đã bốn ngàn năm nói chưa xong. 35 năm như bóng câu qua cửa, cái bàn cà phê được bưng từ trong nước ra hải ngoại, khắp thế giới, để họ lại nói, nói tiếp… chuyện đàn ông.
Chuyện đàn bà nghe qua rồi bỏ. Chuyện những người phải ngồi đợi chồng từ thời tóc xanh, qua luôn thời tóc nhuộm, nay tóc bạc vẫn chờ các ông còn bàn quốc sự. Chị kia kể rằng: năm tôi mới qua, vợ chồng không biết đi đâu, ông nhà tôi theo người bạn rủ về Oklahoma định cư, nơi đó dễ kiếm việc làm. Nhưng cuối cùng là mình không làm được gì hết vì không biết tiếng Anh. Tôi đi làm ở một shop may nhỏ xíu của người chủ Đài Loan, vợ Việt, tên là bà Lý. Vợ chồng họ ký được hợp đồng may gia công màn cửa cho Mỹ. Nhờ vậy, hai chục người Việt có việc làm, cũng mừng. Chúng tôi làm chỉ đủ tiền chợ, nhưng vui. Người Việt thời đó còn hiền. (Không biết người Việt bây giờ ra sao" Chùa với nhà thờ Việt Nam trên nước Mỹ bây giờ đã nhiều hơn năm '75, chắc chắn.)
Chị nọ kể tiếp: Một hôm, bà chủ Lý dẫn vô xưởng may, một cô bé Việt Nam, chừng hai mươi tuổi. Bà giới thiệu là sinh viên đại học. Cô bé sẽ làm bán thời gian để có tiền theo học, nhờ bà con giúp đỡ… Ai cũng thấy mơ hồ với mấy chữ, “sinh viên đại học”, không biết nó lớn lao tới đâu, - nếu đem so với những người không biết tiếng Anh.
   Cô bé mau mắn làm quen với mọi người, lời ăn tiếng nói lễ phép, rõ ràng là con nhà có giáo dục. “Cháu tên là Trinh, xin cô chú anh chị gọi cháu là Trinh”. Mọi người quên đi sự vĩ đại của mấy chữ, “sinh viên đại học”. Trong mắt mọi người chỉ có con Trinh, ai cũng thích nghe nó nói giọng Trung nhè nhẹ, trong âm hưởng miền Nam, êm ru… Cử chỉ nhẹ nhàng mà nhanh nhẹn. Nụ cười hiền lành, đôi mắt thật thà như thỏ, như sóc… Cô bé làm cho ai cũng thích. Ai cũng đề nghị bác Hồng, “cho nó làm với tui đi bác Hồng”. Bác Hồng bị ép quá nên tuyên bố: “Nó làm với tôi”. Mọi người thấy lạ, rồi cũng quên đi. Bác ấy hiền lắm, giúp đỡ mọi người bằng hết sức khó khăn của người thương binh. Bác được giao công việc ghi sổ sản phẩm của mỗi người, mỗi ngày để bà chủ tính lương theo sản phẩm. Bác đóng cửa, mở cửa, tắt đèn, mở đèn shop may. Giao nhận hàng hoá như một ông quản gia hơn là manager hãng xưởng. Chắc là công việc ngày cành nhiều nên bà chủ Lý mướn thêm người phụ bác ấy, cũng phải.
Từ hôm có cô bé Trinh vô làm, bác Hồng không rảnh tay hơn. Ngược lại, bác còn làm thêm chút việc của công nhân để kiếm tiền. Cũng không ai để ý. Còn nghe nói, bác Hồng bây giờ về rất khuya, bác ở lại shop, làm một mình. Không biết ông già cần tiền làm gì mà thức khuya dậy sớm. Rồi cũng không ai để ý đến đời tư của bác Hồng. Việc làm nhờ trời ngày càng nhiều, anh chị em xin đừng mướn thêm người. Họ đi làm sớm và về trễ, ai cũng cần tiền. Ai cũng nghĩ bác Hồng giúp một tay cho kịp hợp đồng, để bà chủ không mướn thêm người. Không ai nghĩ là bác ấy cần tiền, phải làm thêm, thức khuya dậy sớm…
  Cô bé dễ thương một cách thành thật, đi học đi làm, vất vả ngược xuôi vẫn vui tươi. Không phải loại người tới đâu giả nai vài bữa rồi lộ nguyên hình sư tử, như cách nói của ông Vỉa hè này. Cô bé không có việc làm nhất định mà ai sai gì làm nấy. Vui vẻ với mọi người. Tình cảm tốt đẹp tới có người đang làm chợt nhớ, chiều nay con Trinh vô, con nhỏ có gì không mà trễ vậy kìa"! Mình hùn tiền mua cái gì ăn đi, cho nó ăn với. Nhờ bác Hồng đi mua…
Chuyện thương mến con Trinh, không ai ganh tỵ. Vài người thanh niên chưa có gia đình, hay độc thân tại chỗ, cũng chỉ coi nó như đứa em. Họ sửa xe cho nó, giúp nó đi đâu xa, sợ lạc đường, nguy hiểm, họ chở cho nó đi. Bác Hồng đưa nó về hôm trời tuyết, đón nó hôm trời mưa. Bác vô tới ký túc xá sinh viên để lo giường, tủ cho nó. Xách thức ăn cho nó ăn thêm những khi học thi…
Một hôm ăn dở bữa, mọi người nói chuyện tên, anh Út bị người Mỹ gọi là mít-tờ du (U) ti (T) vì người Mỹ không nói được tiếng “Út”. Nó nói con tên đủ là Lâm Hồng Trịnh, qua Mỹ mất dấu nặng, ai cũng gọi là Trinh. Chuyện thường quá nên không ai để ý, bác Hồng nhìn nó rất kỳ lạ! Nếu có người thấy, chắc cũng nghĩ bác không ưng con nhỏ nói chuyện không đâu…
   Ngày tháng theo mùa mà qua, người cuối ngày may được hai mươi bốn cái màn cửa sổ, nói bác Hồng vô sổ hai mươi cái thôi. Tui cho con Trinh bốn cái. Người may ít hơn, cho ít hơn, người nhiều hơn cho nhiều hơn… ai sai gì làm nấy, nó đâu có sản phẩm, nhưng lãnh lương ngang ngửa với cô chú làm chung, ai cũng mừng cho nó có tiền ăn học.


   Thiệt là một chỗ làm không nhiều tiền mà không ai muốn nghỉ. Một người nghỉ bệnh cả shop đi thăm, người sanh em bé ăn hoài không hết thịt kho tiêu kiểu Nam kiểu Bắc… Ai cũng tính chuyện chết già trong shop may, không bon chen ra ngoài làm chi cho phiền phức. Toàn tính chuyện mình già đi, không ai tính tới cô bé ra trường, đi làm hãng Mỹ. Cả shop vui như kỳ tích đạt được. Vài năm, nó lấy chồng, gả về bên Cali. Mọi người vui đám cưới mà buồn như mất con ruột của mình, người không đi dự được càng buồn hơn.
Nhớ lại, hai tiệc vui nhất của nó là hôm tốt nghiệp đại học, hôm vu quy, đều không có bác Hồng.
   Sau đám cưới con Trinh, chuyện nó là chuyện chung. Ai có tin về nó đem ra kể như chuyện con gái mình. Tin nó có con đầu lòng, chuyện đại hỷ bàn thảo hết mấy ngày mới đi đến chung cuộc. Mọi người hùn tiền mua quà, gởi qua Cali. Cả shop mong ngày nó dẫn con về thăm cô chú shop may. Nhưng chỉ thấy bác Hồng ngồi ngắm hình nó mặc áo cưới, dán trên vách tường, chỗ làm việc của bác ấy. Tấm hình từ đâu có, cũng chả ai quan tâm.

   Từ hồi hàng hoá Trung quốc tràn qua Mỹ, shop may kém việc từ từ, từng người không tới nữa… tôi cũng theo chồng con qua Dallas để sinh sống. Chuyện shop may bên Oklahoma như một kỷ niệm cất giữ trong lòng. Những cú điện thoại thăm hỏi nhau thưa dần vì ai cũng dọn đi nơi khác, bận bịu gia đình, dần dần bặt tin.
   Năm rồi, tôi có qua Cali. Không ngờ gặp lại bà chủ Lý trong một tiệm ăn. Bà mời tôi về nhà chơi, tôi ngại quá. Nhưng bà đối xử như chị em cũ gặp lại. Tôi đến chơi nhà bà vào hôm sau, ngồi nhắc chuyện shop may bên Oklahoma như nhắc chuyện quê mình. Chuyện bà Lý nói không có kiểm chứng gì được, nhưng tôi tin. Bà nói dối tôi làm chi, có lợi gì cho bà"
   Bà Lý kể: Shop may ngày ấy làm ăn chậm chạp tới đóng cửa, công nhân từ từ không tới nữa vì họ phải đi tìm việc khác để sinh sống. Khi shop còn có mấy người thợ - là những người chưa tìm ra việc khác. Bác Hồng trở bệnh nặng lắm. Nằm trong nhà thương, bác mê sảng nhắc tới con Trinh. Bác Hồng gái hỏi thăm bà Lý, “cô Trinh là cô nào"” Bà Lý giải thích rõ ràng để đừng hiểu lầm, “con bé phụ việc ở shop may, nó kêu bác Hồng bằng bá. Bây giờ nó đã chồng con, bên Cali…” Chuyện không có gì để truy cứu thêm nữa. Nhưng một lần, vợ chồng bà Lý vô thăm, bác Hồng nói ra ước mơ khi ông chủ hỏi, - ngỏ ý toại nguyện cho một người quản lý mà ông chủ ưng ý nhất trong đời làm ăn của ông ta. Bác Hồng mong được gặp lại con Trinh một lần.
   Bác ấy không được toại nguyện và ông chủ - ông chồng bà Lý áy náy hoài là không toại nguyện được cho bác Hồng. Bà Lývề suy nghĩ mãi, bà mong gặp lại những người làm chung để tìm hiểu thêm. Theo bà, bác Hồng chỉ sống bằng tiền lương quản lý. Từ hồi có con Trinh, bác ấy mới làm thêm. Và tất cả tiền làm thêm của bác Hồng dạo đó, bác bỏ hết qua sổ lương của con Trinh. Bà Lý có hỏi, bác trả lời, “giúp nó ăn học”.
  Hai lần, nó mời hết mọi người trong shop may đi ăn tiệc ra trường và đám cưới của nó. Bác Hồng đều vắng mặt. Bác có điều gì mà không muốn gặp gia đình nó.
  Bà chủ Lý nhắc lại chuyện shop may, khi công việc không còn đều, thợ ra về sớm hết rồi. Bà Lý đến shop có việc gì đó. Chỉ một mình bác Hồng ngồi yên lặng, nhìn hình con Trinh mặc đồ cưới trên vách tường. Bác ấy cười thật tươi, nhưng nước mắt chảy. Bà Lý đến sau lưng, bác ấy còn không hay. Bác như người xuất hồn đi đâu đó… Bà hỏi, bác ấy nói: “Bà chủ kín miệng giùm tôi, tôi không nói ra thì áy náy mãi. Nhưng nói ra, không tốt đâu”. Chuyện kể của bác Hồng làm bà chủ Lý để lòng tới hôm nay: Bác Hồng kể: “Năm '67, bác ấy có quen một người ngoài Quảng Trị. Hứa hẹn với nhau nhiều lắm. Nhưng sau đó, bác bị thương. Thuyên chuyển thương binh riết, bác xuất viện ở Sài Gòn. Cùng thời chiến sự bùng lên năm '68. Chiến sự không giảm tới '72, miền Trung khói lửa mịt mù… Bác không tính ra Trung với thân hình thương tật, đã là thương binh. Nhưng lo lắng cho người thương, bác ra Trung tìm người. Không may, gia đình người ấy đã di tản. Không được gặp nhau một lần để từ giã. Như suy nghĩ của bác ấy.
   Sau biến cố '75, sang Mỹ. Nhiều lần bác muốn nhờ đài phát thanh và đăng báo tìm người. Nhưng nghĩ đến thân mình tàn tật. Bác bỏ ý định vì không giúp được người ta, nơi xứ lạ quê người. Nhiều năm một mình trên đất Mỹ, bác mới lập gia đình với bác gái, là người đã có hai con và chồng chết trên đường vượt biển. Bác giấu hình bóng người xưa trong lòng, cho tới hôm gặp cô bé Trinh. Bác ấy có linh cảm là con bác ấy. Nó giống người xưa của bác như hai giọt nước. Từ hôm nghe nó khai tên trọn vẹn: Lâm Hồng Trịnh, bác càng tin hơn nữa vì tên đủ của bác ấy là Trịnh Khắc Hồng. Nó tên Hồng Trịnh, họ Lâm là họ của mẹ nó.
Bác muốn rõ chuyện, nhưng để làm gì" Mẹ nó đã có gia đình, như nó nói nó có em. Bác cũng có gia đình. Không có con của vợ chồng nhưng có con riêng của vợ. Hai đứa cũng thương, kính trọng bác. Vì hai gia đình, bác ấy im lặng. Chỉ biết dốc lòng giúp con Trinh ăn học thành tài. Không dự tiệc mừng ra trường, tiệc đám cưới nó vì sợ gặp mẹ nó. Bác ấy kết thúc câu chuyện đột ngột: Bà coi, nó có giống tôi không"”
Bà chủ Lý ngậm ngùi với chuyện xưa, nhưng cũng kể tiếp cho tôi nghe: Hôm đó trong shop may chỉ có bà với bác Hồng, bị hỏi đột ngột, bà Lý nói: “Tôi không biết gì về chuyện tên họ của nó và bác, chuyện bác quen biết ai ngày xưa… Nhưng tôi tin bác sẽ được toại nguyện vì tôi chưa thấy bác làm điều gì ác đức bao giờ.” Bác Hồng cảm ơn bà chủ Lý lần cuối. Bác ấy đổ bệnh do thương tật cũ, mất trong nhà thương sau đó.
  Khi bà chủ Lý dẹp shop may để đóng cửa. Bà rất tiếc những người công nhân như chị em, đã cùng bà vui buồn theo chuyện làm ăn sinh sống trên xứ người. Bà thương bác Hồng như người bà con thân thích, tận tụy, thủy chung… Bà chủ Lý đứng nhìn hình bé Trinh mặc áo cưới, trên tường, chỗ bác Hồng làm việc. Nhớ tới bác Hồng, lòng bà Lý ân hận vô cùng. Sao bà lại không nhìn ra khi bác ấy còn sống, nói để bác ấy vui. Đôi mắt của cô bé Trinh hệt như đôi mắt bác Hồng. Đôi mắt chân thật, hiền lành như mắt thỏ.
   Tôi là người thợ may năm xưa, trước mặt tôi là bà chủ Lý của shop may dễ gì quên được như những ngày mới sang định cư trên nước Mỹ. Chúng tôi nói chuyện xưa, thật lâu. Chẳng phải thấy người sang rồi bắt quàng làm họ. Hai chị em chúng tôi tính ra được: bác Hồng bị thương ở Quảng Trị năm '67. Con bé Trinh đến làm shop may năm '87. Nó đang học năm thứ hai đại học, nghĩa là hai mươi tuổi. Vừa khớp. Tính ra rồi, tôi cũng ân hận theo bà chủ. Phải như hồi xưa, tôi nghĩ ra sớm hơn…
Tiếng đàn ông họp xong quốc sự, “Đàn bà thì lúc nào cũng phải như… thôi về bà ơi! Chiều còn đi cầu siêu Chiến Sĩ Trận Vong, Đồng Bào bỏ mình trên đường tìm Tự do ngoài chùa.”

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến