Hôm nay,  

Santa Ana Và Ông Tướng Một Chân

31/03/201000:00:00(Xem: 273187)

Santa Ana và Ông Tướng Một Chân

Tác giả: NguyễnViết Tân
Bài số 2852-28102-vb3033110

Tác giả sinh năm 1950 tại Dầu Tiếng Bình Dương.  Quê quán: Rạch Giá, Kiên Giang. Trước 1975, phục vụ tại Phi Đoàn 253 Sói Thần, Đà Nẵng. Công việc ở Mỹ: Từng thầu landscaping cho freeway tại vùng Nam Cali, nhận job trải dài qua ba quận hạt Los Angeles, San Bernadino và Orange County; Hiện làm một công ty xây nhà. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết năm 2001 với bút hiệu Tân Ngố, bài “Bên Bờ Freeway”. Sách đã xuất bản: "Chuyện Miền Thôn Dã," rất được bà con hâm mộ. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Tháng Tư, đồng thời cũng là 35 năm khai sinh cộng đồng Việt tại Mỹ, ông góp bài viết lịch sử vùng đất hiện đang là thủ phủ của Người Việt tại Mỹ.

***

Người ở xa thường nói rằng tôi về Lốt chơi (Los Angeles) nhưng ý họ muốn nói là về Little Sài Gòn đấy.
Sở dĩ có sự lầm lẫn này là vì hầu hết đi bằng máy bay và điểm tới là phi trường LAX ở Los Angeles.
Thực ra nếu biết rõ về địa lý vùng này, thì bà con nên lấy vé máy bay về Quận Cam, nơi có phi trường John Wayne mà trên giấy tờ thường gọi là SNA nghĩa là Santa Ana, thì đỡ khổ cho người đi đón, vì freeway từ Lax về thường kẹt xe, có đôi khi lái cả giờ mà vẫn chưa tới.
Ngày xa xưa cách đây năm sáu chục năm thì nguyên vùng này chỉ có tên là Santa Ana, nhưng dân số càng ngày càng đông nên chính phủ mới tách ra thành mười mấy City, mà chúng ta thường nghe thấy là Westminster, Garden Grove, Anaheim, Santa Ana, Costa Mesa, Huntington Beach..v v. 
Có những thành phố giàu, an toàn, mà người Việt ưa thích như là Fountain Valley, Irvine, Hungtington Beach hay Newport Beach... nhưng những người làng nhàng như cỡ tôi thì đành phải ở Santa Ana vì giá nhà rẻ, ra đường thấy đầy Mễ, cho dù thành phố này cũng có những khu sang trọng như South Cost Metro, gần South Coast Plaza giá nhà cao ngất ngưởng.
Chúng ta thường được đọc những bài viết về đi du lịch trên toàn thế giới, biết nhiều nơi xa xăm tận cùng trái đất, nhưng nếu bà con anh em ở xa về đây chơi, mà hỏi về vùng này, hay họ muốn đi đâu loanh quanh để ngoạn cảnh, thì chắc phần đông chúng ta cũng mù tịt, cũng không có gì khác ngoài vụ chở đi xuống khu Phước Lộc Thọ ăn nhà hàng Việt Nam, mua đồ trong khu Bolsa, sau đó chở đi Disneyland rồi thì là... hết..
Đối với người Việt, tâm điểm của Thủ Đô Tị Nạn là bốn con đường: Bolsa, Westminster, Brookhurst và Magnolia tạo thành một khu vuông vức, từ đó râu ria mọc ra đến các khu khác, tuy hàng quán VN không dầy đặc bằng.
Mấy ông bà già gọi những con đường kể trên rất dễ nhớ là Bôn sa, Oét min tơ, Bốc hốt và Mắt ngó lia.
Gần đây có người gọi Westminster là Tây Minh Tự vì có chữ west, nhưng đa số không thích tên này vì chúng ta đang trong cao trào chống Trung Quốc mà.
Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ, đầu thập niên 80 khu Bolsa còn là bãi rác, vườn dâu, khoảng giữa có Bolsa Mini Mall có tiệm sách báo băng nhạc độc nhất Tú Quỳnh, gần tới Magnolia mới có một siêu thị lớn là Hoà Bình, đối diện với chợ Waiwai của vợ chồng ông Dương Hữu Chương chủ báo Đồng Nai và vợ là ca sĩ Diễm Chi. Hình như thời gian đó chỉ có tờ Đồng Nai một mình một cõi, còn báo Người Việt thì ở mãi dưới San Diego (").
Không ai ngờ sau này khu Bolsa lại trở thành trung tâm cuả người Việt Tị Nạn, bởi vì hồi tôi mới qua (1981), ở góc đường Fairview và First thuộc Santa Ana còn sầm uất hơn nhiều: có siêu thị Viễn Đông bán đủ thứ và cá tươi, có phở Hòa, có quán cà phê nhạc sống Làng Văn, có tiệm thuốc Tây nhận gửi đồ về VN qua hãng Air France, có chợ Văn Lang và lui xuống phiá đường Garden Grove có chợ Minh Hoa bán cả thịt và  lòng heo tươi. Gần đấy có Trung Tâm Nguyễn Khoa Nam và tiệm cho mướn sách.
Hơn 30 năm qua đi, bây giờ khu Bolsa đã có trên dưới 10 ngôi chợ thật lớn, thức gì cũng có mà rẻ rề so với hồi đó.
Nhà cửa khu vực chung quanh cho dù cũ, mình kêu giá bốn năm trăm, hở ra là người ta bập liền, có khi chưa kịp đưa lên list.
Các tiệm ăn, nhất là tiệm phở thì đầy dẫy, ngay chỉ một góc đường Brookhurst và Westminster có lẽ đến mười mấy tiệm.
Theo khẩu vị của tôi, các tiệm phở tại khu Little SG bây giờ là ngon nhất thế giới (hơn xa cái nguồn gốc phở bắc Hà Lội) nhưng ăn na ná giống nhau, bởi vậy tôi cứ chọn tiệm nào đề 50% off là vô ăn, thí dụ Vĩnh Ký II có 3$ một tô; Thanh Lịch vào giờ Happy hour 6g chiều trở đi, ăn món gì cũng đồng hạng 4$; Phở 86 giá thức ăn thì bình thường nhưng cà phê, sinh tố, nước ngọt lại được uống free. Tiệm ăn buổi trưa hoặc chiều thì Bún Chả Hà Nội, hay nem nướng Brodard, bánh xèo Vân là những tiệm có tiếng, nên tôi cứ bị bà con yêu cầu chở đến hoài, nhưng ăn vài lần cũng phát ngấy lên, bây giờ cũng không biết chở khách đến tiệm nào, đãi món gì cho lạ, thôi thì lâu lâu đổi bữa, ăn món Bắc đến ngay Nguyễn Huệ, Viễn Đông; ăn món Nam thì đến Lộc Đỉnh Ký...
Có hai tiệm đồ chay khá nổi tiếng là Vạn Hạnh và Tịnh Tâm. Một tiệm thì giá hơi mắc, tiệm kia có món cá kho tộ và canh chua ăn rất ngon.
Nếu khách theo đạo Phật, bạn có thể chở đến các chùa khá đẹp như chùa Dược Sư, Pháp Vân trên đường Magnolia, hoặc chùa Huệ Quang, Bảo Quang gần Bolsa hơn.
Nếu khách theo Công giáo thì nên chở họ đi lễ Chúa nhật tại nhà thờ Lavang. Đây là một nhà thờ mới xây theo mẫu rất đẹp, có đến 80% giáo dân là người Việt, nhưng họ đạo còn nghèo quá vì tiền nợ xây nhà thờ chưa trả hết, trời nóng thấy mồ mà không dám mở máy lạnh, cha con đua nhau quạt phành phạch.
Nếu khách là người Tin Lành, hoặc giả là theo bất cứ đạo nào bạn cũng nên đưa họ tới thăm nhà thờ kiếng ở góc đường Chapman và Haster. Ngôi nhà thờ này quá đẹp, kiến trúc tân kỳ, khuôn viên rộng rãi mát mẻ, có nhiều tượng đồng làm theo ý nghĩa trong kinh thánh.
Nhớ dẫn khách vào phòng vệ sinh nhé, chúng ta sẽ thấy một Restroom đúng nghĩa của chữ rest và sạch như lau như li. Đi khắp nơi trên thế giới có lẽ chúng ta cũng chưa thấy phòng vệ sinh nào đẹp như ở đây.
Đi ngoạn cảnh ngoài phía biển, thì có mấy cây cầu dài bắt ra xa bờ cho thiên hạ câu cá là Newport Beach và Balboa Pier. Ta có thể nhìn thấy cá nục bị kéo lên ba bốn con một lúc. Nếu đi thêm về hướng nam trên con đường Balboa sẽ gặp cửa biển có hàng kè đá hai bên, nơi đây tàu thuyền du lịch ra vào nườm nượp, những căn nhà bạc triệu đẹp đẽ với cây kiểng xanh tươi, chụp hình làm kỷ niệm thì hết xẩy. Cũng ở ghềnh đá này tôi đã lần lượt lôi lên bao nhiêu là tôm hùm, cũng may là chưa bị cảnh sát bắt lần nào, hồi mới qua có biết luật lệ cóc khô gì đâu!


Bây giờ nếu bạn lên Pacific Coast Highway chạy về phía nam chừng 30 phút, tới đường Blue Lantern thì quẹo phải chừng 100m, sẽ có một "Vọng cảnh lầu" để nhìn xem toàn cảnh hải cảng đẹp như tranh vẽ phía dưới. Chúng ta có thể chạy xuống đó bằng hai cách: Lái xe xuống một con dốc hầu như thẳng đứng, hoặc ra lại PCH đi một block nữa để quẹo phải vào đường Golden Lantern thì vô tới bãi đậu xe, để vào viện bảo tàng, hoặc coi những thuyền buồm, giống như tàu hải tặc thời trung cổ.
Vùng Santa Ana còn nổi tiếng vì mỗi năm gần Tết Nguyên Đán có luồng gió tên là Santa Ana Wind thổi rất mạnh từ sa mạc ra. Nó bị tóp nhỏ lại khi vượt qua dẫy đèo San Grabriel nên khi tới vùng gần biển này sức mạnh tăng lên, ôi thôi nó làm gẫy cành đổ cây, lật xe truck lớn nháo nhào trên freeway... nói gì đến cây kiểng, chậu lan, khế, mận thì nó lật tung, vặt sạch lá, bứt quả non xếp đầy gốc nhìn mà phát tiếc đứt cả ruột. Hàng chuối sứ nhà tôi trông te tua không còn hình tượng gì. Có năm gần Tết Nguyên đán ở phiá trước Phước Lộc Thọ, người ta bày bán hoa lan hoa cúc đẹp mê hồn, thế mà bị một bữa, gió nó quăng tung toé coi tang thương như Kiều Nhi sau 15 năm luân lạc.
Ấy vậy mà có thời kỳ sau khi tôi bị sạch túi vì stock, phải rời căn nhà ở khu trung lưu Costa Mesa mà dời về Santa Ana, ở ngay góc Habor với 5th Street với căn nhà nhỏ xíu, lại suýt chết ở thành phố này đấy nhé:
Số là bữa đó gió Santa Ana thổi kinh quá, tôi ra vườn sau hút điếu thuốc, đứng vểnh mỏ nhìn trời hiu quạnh thì tai nạn xẩy ra.
Dân Mễ tại khu nhà nghèo này nếu không đi giặt đồ ở Laundromat thì họ cũng chỉ sắm máy giặt mà thôi, không có máy xấy, rồi đem quần áo ra phơi đầy đằng sau vườn, trên các giây kẽm hoặc hàng rào, và khi gió Santa Ana đến, nó thổi tung lên trời như một đàn diều đứt giây... và tôi bị một cái nịt ngực cuả chị Mễ, cỡ king size quấn ngang cần cổ. Bữa đó nếu không có võ thì tôi đã bị chết nghẹt rồi. Thật là hú vía.
Thành phố này còn nổi danh ở điểm lịch sử giữa hai quốc gia: Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ.
Trước năm 1848, Mễ Tây Cơ là thuộc địa của Tây Ban Nha, biên giới phía bắc lên tới giáp giới tiểu bang Oregon; phía nam đến Panama. Vùng Orange County hiện nay được chính quyền thuộc địa giao cho Trung Sĩ Antonio Yorba, đến năm 1869 thì bán lại cho William Spurgeon. Dân cư hồi đó rất thưa thớt cho mãi đến 1886, khi có đường xe lửa từ Los Angeles tới đây thì người ta mới về lập nghiệp khá đông.
Trong lịch sử chép lại rằng Khi Tổng Thống Santa Ana của Mexico bán lại tiểu Bang California này cho Mỹ, chúng ta thường nghĩ rằng ông này là kẻ phản quốc và giàu lắm. Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy.
Sinh ra tại xứ Mễ năm 1794, gia nhập quân đội Chính phủ Thuộc địa Tây Ban Nha, năm 22 tuổi ông Santa Ana đã lên tới Đại úy. Ông là hung thần đối với những chiến binh đang chiến đấu giành độc lập, nhưng năm 1822, lại dẫn quân gia nhập hàng ngũ đòi độc lập. Có lần với số quân ít ỏi, ông ta diệt sạch 2,600 quân Tây Ban Nha (họ đầy đủ vũ khí hơn nhưng đang bị bệnh dịch cơn sốt vàng da). Vì chiến công này ông ta tuyên bố mình là Hiệp sĩ, là Đấng Cứu độ Đất mẹ, là Napoleon of the West v v..
Năm 1833 ông làm Tổng thống Mexico, đem quân đến đâu là thế đánh cứ như chẻ tre, có lần đưa chiến thuyền dự định thôn tính cả Cuba nhưng không thành công.
Ông gây hấn lung tung: với quân Pháp, Tây Ban Nha, quân Mỹ, định chiếm Texas nhưng dân cao bồi này đánh dữ quá, lính ông bị chết gần 200 người, lại còn bị quân Texas bắt rồi xử tử thêm 350 người lính nữa và Tổng Thống Antonio Lopez De Santa Ana thì bị bắt sống.
Người bạn vong niên cuả tôi kể rằng: Sau một chiến thắng lớn, ông Santa Ana đi thị sát chiến trường, vì khinh địch, đi với đoàn tuỳ tùng quá ít người nên ông bị toán "Nhân Dân Tự Vệ" bắt được, chính vì vậy nên ông ta mới bị ép buộc bán California cho Mỹ với giá rất hời. Sau đó ông được thả tự do, trở về làm TT nước Mễ tới 5 lần.
Ông gây ra rất nhiều trận chiến, có lần bị quân Pháp từ Louisiana tấn công, bị mảnh đạn đại bác cắt đứt một chân, ông bắt quân đội chôn cái chân đó theo lễ nghi quân cách, kèn trống đàng hoàng.
Xời, chôn có một cái cẳng mà làm bắt náo động!
Ông nổi tiếng Độc Cước Đại Tướng Quân (Peg leg General) với cái chân gỗ từ đó.
Vậy mà ông ta đâu có chịu yên, còn đánh nữa. Năm 1847 quân ông đụng độ với Sư Đoàn Khinh Kỵ Illinois. Lúc đang ăn trưa với một con gà quay, thì quân Mỹ ào tới bất ngờ, chàng ta không kịp mang chân gỗ vào, vội tót lên ngựa chạy thoát. Cái chân gỗ bị "bắt sống" và hiện nay vẫn còn được trưng bày ở Viện Bảo Tàng:
1301 N. MacArthur Blvd, Springfield, IL
TT Santa Ana có vợ và 4 đứa con thì bà vợ mất. Ông than khóc cả năm sau đó, rồi cưới một thiếu nữ mới 15 tuổi.
Ông bán cho nước Mỹ rất nhiều đất đai như toàn tiểu bang Texas, miền trung và nam California, và các tiểu bang New Mexico, Utah, Colorado, Nevada, Arizona, v v... với số tiền rất lớn.
Thế mà năm 1887 ông Tổng Thống nổi danh này chết tủi nhục ở một khu phố nghèo nàn tại NY, trong túi không có một đồng xu teng.
Có người nói xác ông được đưa về chôn ở Los Angeles, người khác bảo là thân nhân cải táng đem về Mễ rồi, chẳng biết ai đúng ai sai.
Nhìn lại quãng đường 35 năm vừa qua, Santa Ana đã thay đổi rất nhiều, nhất là đối với riêng người Việt chúng ta.
Từ những công việc lao lực lương ít, phần đông chúng ta đã phấn đấu ngoi lên, nhiều người có điạ vị cao, xe cộ, nhà cửa đẹp đẽ, cơ sở thương mại và nhất là thế hệ con cháu chúng ta chắc chắn sẽ khá hơn cha ông rất nhiều.
Việc buôn bán cũng có nhiều thay đổi, thì dụ ngày trước mở tiệm gửi đồ về VN thì thuê mấy người phụ đóng thùng cũng không kịp, bây giờ không lo đóng cửa gấp thì có mà ngồi ngáp gió. Mấy năm gần đây người ta lại đua nhau mở tiệm bán nước lọc, rồi phong trào mở Massage chân. Ối thôi thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào có ngày sặc gạch.
Về truyền thông thì chỉ có đài TV ông Lương Văn Tỷ, sau đó có thêm bà Nam Trân; Radio cũng chỉ thuê vài giờ một ngày nhưng bây giờ đố ai biết có bao nhiêu đài đang phát thanh phát hình.
Tuần báo ra cũng nhiều, nhưng hầu như chẳng ai để ý xem nó ra ngày nào, còn sống hay chết, hay đang ngắc ngư con tàu đi.
Có ba nhật báo lớn là Người Việt, Việt Báo và Viễn Đông. Tôi đoán là họ làm ăn cũng khá, bởi vì ngài Chủ Nhiệm, Chủ Bút nào cũng có xe "Ô tô con". Hèn chi cách đây mấy tháng lại có một hai nhật báo nữa mới ra lò.
Những đồng bào, anh em chúng ta về đây chơi, ai cũng thích thời tiết, thức ăn vùng này, nhưng nghe đến giá nhà cửa thì dội ngược, thế nhưng theo thống kê, thì người về vẫn đông hơn người đi.
 Santa Ana, đúng là đất lành chim đậu.
 Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
11/04/202402:21:23
Khách
health care pediatrics <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> bach s remedies
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Nhạc sĩ Cung Tiến