Hôm nay,  

Một Chặng Đường Viễn Xứ

23/03/201000:00:00(Xem: 163051)

Một Chặng Đường Viễn Xứ

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Lan
Bài số 2874 -1628994- vb2032210

Tác giả là cư dân Jackson Heights, New York, lần đầu viết về nước Mỹ, bằng cách kể lại chuyện đời của chính mình: Bỏ cơ nghiệp ở Việt Nam sang Mỹ chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng. Bốn năm sau, mẹ mất, một mình phấn đấu, nấu bếp, làm nail, nuôi con ăn học... Mong cô sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Tình cờ tôi được người anh ở Portland cho biết có cuộc thi viết, nội dung viết về nước Mỹ và anh khuyến khích tôi nên gởi bài đến  Việt Báo. Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là người có tài văn hay chữ tốt, nhưng được anh động viên mãi, thế là tôi đánh bạo làm gan, viết về những yêu thương giận ghét, những gì tôi đã trải qua ở xứ sở mà tôi đã đặt chân đến trong gần 7 năm trời.
Thời tôi còn cắp sách đến trường là thời điểm ở Việt Nam rộ lên vượt biên. Mẹ tôi cũng như những người mẹ khác vất vả, bôn ba tìm chốn, tìm nơi cho các con đi vượt biên. Bốn chị em tôi thay phiên nhau đi và cũng thay phiên nhau bị bắt ngồi tù. Đến một ngày, một chị và ba đứa em tôi lần lượt đi được, còn tôi sau tám năm được mẹ lo lắng cho đi mà vẫn không đi được. Cuối mùa vượt biên tôi đành ở lại và lấy chồng. Khi tôi vừa lập gia đình thì bố mẹ tôi lại được gọi đi phỏng vấn và ba đứa em còn lại được đi theo cha mẹ, còn tôi và người chị có gia đình nên ở lại.
Mẹ tôi qua Mỹ được ba năm thì mắc bịnh Parkinson, dần dần không đi đứng gì được. Bố tôi đã ngoài 70 tuổi, không đủ sức để dìu, đỡ chăm sóc người vợ bịnh hoạn. Chính sách ở Mỹ cũng tốt, người già neo đơn và bịnh hoạn được nhà nước cho người đến trông nom săn sóc, nhưng với căn bịnh của mẹ và 8 tiếng đến nhà của người điều dưỡng, không đủ lấp đầy nỗi khó khăn của đôi vợ chồng già, vì ngoài 8 tiếng đó, bố tôi cũng không sao trông nom được mẹ. Các anh chị em của tôi thì đều đã có gia đình và ở riêng hết. Sự việc bế tắc, mọi người trong nhà chỉ còn mong đợi sao cho giấy tờ bảo lãnh của tôi được gởi đi nhanh để tôi qua chăm sóc mẹ.
Phần tôi, khi bố mẹ đi bảo lãnh, theo lẽ tôi vẫn được đi theo cha mẹ vì hồi làm giấy tờ tôi vẫn độc thân, nhưng nghĩ đã lấy chồng thì theo chồng ở lại, chờ cha mẹ bảo lãnh cả hai, chứ đi một mình chẳng biết bao giờ vợ chồng mới được đoàn tụ. Hoặc mình qua đó có thay lòng như đa số những người đã đi trước không, thì tội nghiệp cho người ở lại ngóng trông, mặc dù lúc đó vợ chồng tôi còn nghèo khó lắm...
Bố mẹ tôi đi được một năm thì tôi sanh con trai đầu lòng. Và từ ngày sanh con, cơ hội đưa đến trong công việc làm ăn, và chỉ với hai năm, cuộc sống vợ chồng tôi khá hơn. Những tưởng sự có mặt của đứa con bé nhỏ xinh xắn, và cuộc sống vật chất đầy đủ sẽ làm anh yêu thương tôi hơn, gia đình sẽ hạnh phúc hơn, nhưng mọi việc không như tôi nghĩ, tiền bạc dư giả đã làm anh vênh vang tự đắc và quay ra ăn chơi trác táng, chẳng làm việc nữa. Ngày ngày cùng những người bạn mới la cà ở quán bia ôm, karaoke, khi về nhà thì kiếm chuyện gây sự với vợ con. Hàng đêm, tôi đã nhỏ nước mắt vì sự thay đổi của anh, không còn dịu dàng như trước, lúc nào cũng như một ông chủ hách dịch và coi tôi như một oshin. Tôi phải một mình lo cho con và lèo lái hai cơ sở may mặc, ngày bận rộn với công việc, tối đến lại không được yên khi nửa đêm anh trở về say sưa đập phá đồ đạc.
Năm năm trôi qua, khuyên lơn chẳng có ý nghĩ gì và cam chịu hết nổi khi còn dan díu với phụ nữ khác. Chúng tôi ly thân, ba năm nữa dần qua, tôi vẫn một mình nuôi con với công việc đã ổn định của mình, Hiệu trưởng của ba trường dạy nghề có tiếng trong thành phố. Tình trạng gia đình vẫn không thay đổi, chúng tôi chuẩn bị đưa nhau ra tòa ly dị và tôi cũng không còn nghĩ đến chuyện đi qua Mỹ như ngày xưa nữa thì lại có giấy gọi đi phỏng vấn.
Tôi không muốn đi nữa. Bạn bè nhiều người nói tôi "đi làm gì để phải làm lại từ đầu nơi đất lạ quê người", để rồi "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa", nhưng tôi lại nhất định phải đi vì mẹ tôi, người mẹ kính yêu đang bịnh nằm một chỗ đang chờ tôi. Bố tôi cũng trông tôi. Cả nhà đang trông tôi qua để có người bên cạnh chăm sóc cho mẹ. Còn về mẹ chồng tôi, bà khuyên tôi hãy thương bà và ngưng chuyện chia tay, để anh được đi qua Mỹ cùng với tôi, có thể cuộc sống ở xứ người sẽ làm anh thay đổi, biết quý trọng hạnh phúc gia đình và không còn có thì giờ để say sưa nữa. Anh sẽ lo làm có tiền để giúp đỡ bà trong lúc tuổi già. Tôi nể lời và cũng rất thương bà, và tôi cũng thương con, không muốn nó thiếu tình thương của cha hay mẹ. Và chính tôi, tôi cũng hy vọng anh thay đổi cách sống thì dù tình yêu trong lòng đã hết, tôi vẫn có thể bỏ qua tất cả cho anh để những người thân yêu của tôi được vui.
Thế là mùa Thu năm đó, tôi vội vã thu xếp để lên đường sang Mỹ mà lòng tràn đầy lưu luyến với thành phố, với đất nước tôi đã sinh ra và lớn lên gần 40 năm. Từng con đường, từng góc phố như vương vấn bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, thời mộng mơ, và cả một thời hạnh phúc lẫn đớn đau.
Một buổi họp mặt chia tay với bạn bè, ai cũng luyến tiếc cho tôi, đã sang vội một trường và đóng cửa hai trường dạy nghề để ra đi, để rồi chưa biết sẽ làm gì nơi đất khách quê người. Học trò cũng tổ chức một buổi tiệc tiễn chân tôi, tôi nắm tay từng giáo viên đã làm việc cho tôi trong suốt 9 năm qua, và ôm từng đứa học trò mà đã thương và đối xử với chúng như những đứa em gái nhỏ.
Ngày ra phi trường, tôi không cho ai đưa tiễn, chỉ có những người trong gia đình bùi ngùi tiễn tôi. Để tôi hiểu rằng trong suốt mấy mươi năm, tôi sống và đã được mọi người yêu mến như thế nào. Giờ đây thôi giã biệt, giã biệt tất cả. Rồi đây chẳng biết có ai còn nhớ đến tôi khi "đi qua khu nhà em, không còn em ở đó" hay sẽ chỉ là "em ra đi nơi này vẫn thế..."
Tôi bước chân đến New York vào mùa đẹp nhất ở Mỹ, mùa thu, tôi ngỡ ngàng trước cây cỏ hoa lá và mùa thu ở Mỹ, cảnh đẹp như một bài thơ, nhưng tôi không có thì giờ để thưởng thức vẻ đẹp của mùa thu xứ Mỹ với tính cách mơ mộng của tôi, vì mẹ tôi, người mẹ dịu dàng, sang cả, giỏi giảng của ngày nào, giờ đây đã hoàn toàn thay đổi.
Mẹ nằm đó, mái tóc đen dài ngày nào bây giờ lưa thưa bạc trắng, cặp mắt nâu đẹp giờ lơ lơ láo láo như những đứa trẻ ngẩn ngơ, gương mặt tươi tắn, xinh đẹp giờ đây hốc hác tiều tụy đến thảm thương. Thấy tôi mẹ mỉm cười, nụ cười tươi như hoa nở của ngày xưa giờ cũng đổi khác, méo mó gượng gạo. Ôi mẹ kính yêu của tôi. Mẹ đáng thương của tôi.
Từ đó, mỗi ngày tôi chăm lo hầu hạ mẹ. Mẹ nằm một chỗ, người cứng đơ và nặng như khúc gỗ. Ngày có người của nhà nước đến 8 tiếng phụ với tôi, đêm chỉ có mình tôi, nên con trai tôi, thằng bé mới 10 tuổi, thương mẹ vất vả nên thấy tôi nửa đêm dậy thay tã hay đỡ bà Ngoại, cũng ráng thức dậy giúp đỡ tôi. Nó cũng rất thương và tội nghiệp bà Ngoại.
Một năm trôi qua, mẹ mập mạp hơn trước. Thấy tôi vất vả, mẹ thương lắm cứ thều thào nói với tôi: "Con qua đây ở nhà chăm lo cho mẹ, mà mẹ chẳng còn gì cho con. Nữ trang mẹ đã chia cho các chị em hết, chỉ còn căn nhà này, mẹ cho con nhé."
Rồi mẹ ôm hai mẹ con tôi vào lòng, thiết tha thương mến. Tôi cũng thương mẹ vô vàn mà không biết diễn tả thế nào với mẹ, phải chăng đôi lúc ngôn ngữ không đủ để diễn tả hết nỗi lòng và tình cảm của con người. Tôi chỉ biết nắm tay mẹ, vuốt mái tóc bạc lưa thưa của mẹ, nói mẹ hãy an lòng, được ở gần mẹ, chăm sóc mẹ lúc ôm đau là nghĩa vụ và niềm vui của tôi, đâu cần mẹ phải có gì cho tôi.
Tuy vậy, nhưng trong lòng tôi thật sự nhiều lúc cũng rất buồn và mệt. Người ta qua Mỹ, ai cũng tranh thủ đi làm kiếm tiền hoặc đi học gì đó, còn tôi, cứ bó gối trong nhà, quanh quẩn trong bốn bức tường, hết ngày dài lại đến đêm thâu. Tôi loay hoay suốt ngày với đủ thứ việc với mẹ. Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nửa đêm còn dậy hai hay ba lần nữa đến thay tã, thay drap cho mẹ. Bố tôi cũng không khỏe lắm. Ngoài việc chăm mẹ và đi chợ nấu ăn, tôi chẳng đi đâu, chẳng biết gì đến thế giới bên ngoài, buồn ơi là buồn. Nhưng khi nhìn lại mẹ, tôi lại thấy xót xa thương mẹ và lại quên đi nỗi buồn chán của mình.
Còn chồâng tôi khi qua đây, anh theo cậu em rể của tôi, ra tiệm nail học rồi làm luôn ở đó. Anh vốn khéo tay, nên có lẽ thích hợp với nghề này. Rồi hai năm trôi qua, giữa anh và tôi cũng chẳng khá hơn, chung một nhà nhưng vẫn sống ly thân như xưa. Mỗi tháng anh đưa tôi 300 đồng. Cậu em trai và cô em gái ở xa, gởi cho tôi 300 đồng nữa. Căn hộ mẹ tôi ở chung cư đã mua đứt, nhưng mỗi tháng vẫn phải trả tiền 600 đồng. Tôi phải phụ với bố tôi 300, còn lại là tôi đi chợ, trả bill, và các thứ lặt vặt. Tôi có hỏi anh làm được bao nhiêu, có thể đưa thêm cho tôi nhưng anh từ chối và bảo tôi không được hỏi lương tiền của anh vì ở Mỹ là như thế!
Tôi biết anh gửi tiền về để giúp đỡ gia đình và để dành đi Việt Nam, và tôi còn biết anh có bạn gái ở quê nhà. Anh vẫn không thay đổi cách sống đối với tôi, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi, tôi không được hỏi, được ý kiến. Anh bớt uống bớt say hơn ngày ở Việt Nam, nhưng khi đi làm về rồi đi uống luôn với bạn bè không về. Cũng chẳng bao giờ điện thoại báo cho tôi biết. Tôi chán nản chẳng muốn nói, chỉ muốn được yên lo cho mẹ và vui với đứa con trai hiếu thảo.
Cuối cùng rồi cũng đến một ngày, khi anh đề nghị ra thuê nhà ở riêng, tôi từ chối vì không thể để bố mẹ cô đơn một mình, nhất là mẹ. Lúc này mẹ tôi không còn ăn, còn nói gì được nữa, đang rất cần đến tôi. Còn anh đâu cần có tôi, mà tôi đâu có thể bỏ mẹ nằm liệt một chỗ mà đi theo anh! Thế là chúng tôi chia tay nhau. Dứt khoát chia tay sau gần 8 năm sống ly thân. Lòng tôi không buồn, cũng không thể vui, chỉ thấy ngậm ngùi thương cho mình và thương cả cho con.
Mùa Đông ở Mỹ, và ở New York nói riêng ôi mới buồn làm sao. Vào những buổi trưa hay những lúc đêm về, khi mẹ và con đã ngủ, tôi ngồi nhìn ra cửa sổ, tuyết trắng rơi phủ đầy trên những ngọn cây. Đẹp thì có đẹp, nhưng sao nó mang vẻ lạnh lùng và cô đơn quá. Rồi những ngày mưa rơi tầm tã, nhìn những người đi bộ trong cơn lạnh, quần áo, mũ, khăn phủ dầy cả người, thỉnh thoảng một cặp tình nhân ôm nhau đi trong buốt giá, khiến lòng tôi gợn lên một nỗi buồn khó tả. Tôi nhớ Sài Gòn. Tôi nhớ bạn bè. Và nhớ những người thân ở quê nhà quá đỗi. Đúng như câu hát "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa."
Ở New York có điểm đặc biệt hơn tất cả các tiểu bang khác của nước Mỹ, đó là đường phố luôn tấp nập người đi bộ và phương tiện di chuyển thông dụng là subway và xe bus, còn những nơi khác, khi ra khỏi nhà là phải biết lái xe. Nhờ vậy, vào những buổi chiều phải đi chợ, tôi có thể lang thang trên đường và vừa đi vừa ngâm nga bài "chiều một mình qua phố" mặc cho thiên hạ thấy mình lẩm bẩm có thể nghĩ rằng tôi đang bị bịnh tâm thần. À, mà đi một mình như thế, tôi thấy đầu óc đỡ mông lung, thoáng hơn, chứ ở mãi trong nhà tôi bị stress quá.
Giữa lúc tôi đang ở trong tâm trạng buồn bã, mệt mỏi như thế thì tôi nhận được một lá thư, lá thư của Anh, một người có thể gọi là Bạn Xưa, vì ngày xưa nhà anh và nhà tôi cách nhau một con hẻm. Chứ không phải "cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn" như thơ Nguyễn Bính đâu. Anh học trên tôi hai lớp, chúng tôi chỉ biết nhau chứ rất ít khi nói chuyện, vì anh là "người lớn" còn tôi là "con nít". Anh nói một dịp tình cờ, anh đến chơi nhà bạn, vợ bạn là em bà con của tôi, nói chuyện qua lại, biết là người quen xưa nên em tôi cho anh địa chỉ, và anh viết cho tôi.
Thế là từ đó, tôi có người để viết thư, để tâm sự niềm vui, nỗi buồn của một người xa xứ và ở trong hoàn cảnh như tôi. Anh hiểu, anh thông cảm và luôn động viên, an ủi tôi. Những lúc buồn, tôi không đứng nhìn qua khung cửa sổ nữa, mà đọc lại những lá thư của anh. Sau này, khi có thể gọi qua mạng Internet thì anh gọi nói chuyện qua điện thoại với tôi. Vợ anh đã mất 6 năm và anh đang ở với hai con, trai 21 và gái 16. Anh kể đủ chuyện cho tôi nghe, và tôi ngạc nhiên vì từ trước tới giờ chỉ có anh là người kể chuyện làm tôi cười được.
Và rồi từ lúc nào không biết, chúng tôi yêu nhau, tự nhiên như hoa lá, như cỏ cây. Tôi chẳng so đo tính toán một điều gì, nhưng khi nói đến chuyện tương lai, thì cả hai chúng tôi đều thấy khó khăn vời vợi, nhất là khó khăn cho tôi, và tôi buồn, tôi muốn quên anh đi nhưng chẳng hiểu sao không quên được, và điều đó làm tôi day dứt, đau khổ không ít. Tôi nhớ đến mấy câu thơ của thi sĩ Thâm Tâm sao giống với tâm trạng của tôi làm sao:

Đang lúc lòng tôi đã tạm yên
Bỗng ai đem lại cánh hoa yêu
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên...

Rồi một buổi sáng mùa Thu, mẹ tôi lặng lẽ qua đời. Tôi xót xa, đau đớn với nỗi mất mát lớn lao trong đời. Đám tang mẹ diễn ra âm thầm, buồn bã, không kèn ta, cũng chẳng kèn tây, không ri rỉ những bài hát não nùng "Uống Nước Nhớ Nguồn" hay "Vĩnh Biệt" hoặc "Lòng Mẹ" như ở quê nhà. Chị tôi ở Việt Nam cũng xin được qua Mỹ để dự lễ tang mẹ, điều này cho thấy Mỹ thật nhân đạo.
Ở đây, người vừa tắt thở phải đưa vào nhà quàn và ở đây họ sẽ lo liệu mọi thứ. Người nhà và khách viếng chỉ tới đó thôi, rồi sau đó sẽ từ nơi đây đưa đi chôn hay thiêu. Nhìn cảnh đưa quan tài mẹ vào lò thiêu, lòng tôi đau như cắt. Từ nay tôi đã mất mẹ thật sự rồi. Từ nay thôi vĩnh biệt mẹ. Nhưng mẹ ơi, mẹ vẫn mãi ở trong lòng tôi.
Sau 100 ngày của mẹ, tôi mới chập chững bước ra ngoài xã hội, và cũng như ngày đầu tiên đến Mỹ, ngỡ ngàng trước cảnh đẹp mùa Thu, thì bây giờ, đúng bốn năm sau, cũng vào mùa Thu, lá trên cây đỏ ối và vàng rực, đẹp như bức tranh vẽ và thơ mộng như những dòng thơ đẹp của Lưu Trọng Lư:

Em nghe chăng mùa Thu
Lá Thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.

Tôi bước chân ra đi làm, và tôi cũng lại ngỡ ngàng bỡ ngỡ trước những bon chen trong công việc ở Mỹ. Ngày còn ở Việt Nam, tôi hay nghe mẹ dạy "đồng tiền làm mồ hôi nước mắt, phải biết ăn dè hà tiện," tôi cứ nghĩ làm thì chỉ có đổ mồ hôi thôi, bây giờ qua Mỹ, đi làm công cho người ta, tôi mới thấy câu nói đó đúng, cả mồ hôi chen lẫn nước mắt nữa. Thật thấm thía và cay đắng lắm.
Sau ba tuần lên tiệm nail của người quen để học làm "tay chân nước" trước khi họ sang tiệm để đi Việt Nam, tôi vào làm trong một tiệm khá xa nhà và thật tình cờ, em gái của chủ tôi trước đây ở Việt Nam đã từng đến cơ sở dạy nghề của tôi để học may. Những tưởng tình thầy trò năm xưa sẽ khiến chủ, thợ vui vẻ, cởi mở hơn và tôi có điều kiện nâng cao tay nghề hơn, ngờ đâu, ngày xưa tôi là Hiệu Trưởng của trường dạy nghề, ngày nay tôi là thợ, lại là thợ làm "pedicure và manicure" mới ra nghề, vị trí đã thay đổi, và tôi đã bị "đì" thẳng tay và bị mắng mỏ thẳng lời. Nhiều lần tôi đã phải bỏ ra sau tiệm, rơi nước mắt một mình vì bị ức hiếp quá đáng. Được thế chủ, cả đám thợ cũng theo đó để ăn hiếp, chèn ép và giựt line của tôi.
Sáu tháng trôi qua trong nhẫn nhịn, tôi rời tiệm, ngao ngán với nghề nail, tôi xin vào làm trong nhà hàng Tàu. Ông chủ cần người phụ bếp. Ngày đầu tiên bước chân vào bếp, 13 người thanh niên, trong số đó 6 người là Mễ, còn lại là người Hoa, nhìn tôi ngạc nhiên, họ thắc mắc tại sao một phụ nữ Việt Nam ốm và chắc là yếu như tôi, sao không đi làm nail, nhiều tiền hơn và nhẹ nhàng hơn! Tôi chỉ cười thôi không giải thích, và họ đoán già đoán non là giỏi lắm tôi chỉ làm được 3 ngày vì công việc rất nặng nhọc, vất vả.
Quả thật là rất vất vả. Tôi rời nhà từ 9 giờ sáng, đến nơi 10 giờ và làm luôn cho đến 10 giờ đêm mới về. Tắm rửa xong hơn 11 giờ, tôi lăn ra giường, tứ chi bải oải, hai chân rã rời vì đứng suốt 11 tiếng rưỡi, trừ ra 30 phút ăn trưa và ăn tối là được ngồi. Tôi làm được 10 ngày thì người thợ chính chuyên nấu món ăn Việt Nam đau nghỉ mấy ngày. Ông chủ quýnh quáng hỏi tôi có biết nấu ăn không, tôi nói tôi chỉ nấu trong gia đình thôi. Ông để tôi nấu thử Bún Bò, Mì Quảng, Bò Kho... ông ăn và cho rằng tôi nấu ngon hơn ông đầu bếp người Mã Lai. Thế là từ đó tôi phụ trách thêm các món đó, cộng thêm đổ bánh cuốn, làm nhân chả giò, kho cá, nấu canh chua... cùng với phụ bếp. Công việc tất bật, tôi quay như chong chóng. Đến bữa ăn không ăn nổi, chỉ ngồi thở vì mệt. Làm được một tháng tôi xuống 6 pounds. Những người làm trong bếp ai cũng thương cho tôi "chân yếu tay mềm" mà phải làm việc cực khổ. Mấy chàng người Mễ "tán tỉnh", đương nhiên là tôi chẳng để ý. Lâu lâu đi làm MC cho đám cưới hay cho cộng đồng của tiểu bang, nhiều người để ý và theo đuổi nhưng tôi chẳng có tình cảm gì với ai dù thấy họ cũng chân thành và đủ điều kiện cho tôi nương tựa. Chẳng hiểu sao, trái tim tôi vẫn chỉ dành cho anh, người ở cách xa tôi nửa vòng trái đất.
Làm được ba tháng, không phải tôi làm biếng, nhưng tôi cảm thấy sức khỏe tôi không kham nổi công việc này, dù ngoài nghề ưa thích của tôi là cô giáo, việc nấu nướng cũng là việc làm tôi hứng thú và với mức lương $1,700 mỗi tháng, hơn hồi tôi làm nail nhiều lắm, nhưng việc ở đây nhiều và nặng nề quá. Nếu tiếp tục có thể một ngày không xa, ông chủ tôi chắc sẽ phải gọi 911 để đưa tôi đi cấp cứu quá. Tôi nghỉ, ông chủ tiếc lắm, vì ý muốn cho tôi thế chân ông bếp trưởng khi sang năm ông ấy về hưu.
Nghỉ nhà hàng, con trai cũng nghỉ hè, muốn thư giãn một thời gian, hai mẹ con tôi về Việt Nam. Anh cao lớn, tươi cười đón tôi ở Tân Sơn Nhất. Tôi ở gần hai tháng. Anh dành thời gian để đưa tôi đi đó đây. Chúng tôi vui vẻ, khắng khít bên nhau. Ngày chia tay ở sân bay, nhìn ánh mắt thiết tha, bàn tay nắm không rời của anh, tôi hứa sẽ trở về với anh.
Trở về Mỹ tôi lại vào làm cho một nhà hàng Việt Nam. Ông bà chủ biết tôi khi đi nhà thờ và ái mộ khi thấy tôi làm MC và ca sĩ trong những dịp có văn nghệ được tổ chức tại nhà thờ. Tôi nghĩ ông bà có vẻ đàng hoàng, lại cùng quê nên đến làm. Lần này không phải phụ bếp, công việc chính của tôi là pha chế nước café, sinh tố, vào giờ cao điểm khách đông thì tôi phụ bưng bê, dọn bàn và ghi order.
Mới vào làm, ông hỏi tôi chọn bao lương ngày 60 đồng hay lấy lương riêng, típ riêng. Tôi chẳng biết thế nào nên nói tùy ông. Ông trả lương tôi ngày 20 đồng, còn típ chia mỗi ngày. Ông bảo làm sau 3 tháng sẽ lên lương. Ông chia tôi làm từ Chủ Nhật đến thứ Năm, 2 ngày còn lại, tôi làm thêm ở tiệm nail, không off ngày nào.
Công việc ở đây không quá vất vả và nặng nhọc như ở nhà hàng cũ, vì nhỏ hơn, nhưng cũng đứng suốt, và tiền lương ít hơn. Ngày 12 tiếng được 20 đồng còn chia típ bữa nhiều bữa ít. Ít nhất là thêm được 15 đồng nữa. Ngày cuối tuần nhiều nhất là 40 đồng, tính ra là ít hơn bao lương ngày 60 đồng, nên sau 1 tháng tôi nói ông bao lương cho tôi. Từ ngày trả lương ông bảo tôi làm từ thứ Tư đến Chủ Nhật, và tôi hiểu ngay cách tính toán của ông đối với tôi!
Vào những ngày cuối tuần, khách đông, thay vì 10 giờ là tôi về, nhưng nếu thấy khách còn đông, ai cũng bận, tôi cũng làm ráng thêm nửa tiếng nữa để giúp ông và mọi người. Nhưng có lần tôi xin về sớm 15 phút và nửa tiếng đồng hồ thì ông chủ bảo sẽ trừ lương tôi, và khi phát lương, ông trừ của tôi 3 đồng thật! Ngày đông khách làm quần quật tối cả mắt thì không sao, nhưng có tối trời mưa ế, ông bà chủ kêu mọi người về sớm hơn 1 hay 2 tiếng và trừ lương. Càng đi làm, tôi càng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và nhớ lại ngày xưa (chẳng xa lắm nhưng cũng đã thuộc về ngày xưa) khi làm chủ tiệm, chủ quán, rồi đến làm chủ trường, tôi đối đãi với tất cả những người làm với mình thật dễ dãi và thân thương biết bao!
Khi sang đây, chị tôi thường la khi thấy tôi làm giúp không cho ai đó hoặc cho cộng đồng, chị bảo: "Ở Mỹ này chẳng mấy ai tốt không với ai, và chẳng ai làm không cho ai cả!" Có phải thế không" Chắc không phải ai cũng vậy đâu. Chứ nếu thế thì buồn quá, và tôi cũng nhận ra một điều, trong mấy chị em tôi, ngày còn ở Việt Nam, ai cũng hiền hậu, dịu dàng, mà sao từ khi qua Mỹ, tôi thấy ai cũng thay đổi tính nết, nóng nảy, tính toán, và dữ tợn nữa, phải chăng cuộc sống tất bật ở xứ người đã làm đổi thay tính nết con người!" Hồi làm ở tiệm nail, có chị cũng nói với tôi: "Mày đi làm nail mà hiền quá hóa khờ, không biết chụp giựt, không biết cãi lộn, thì thà ở nhà xin trợ cấp, còn xin vô tiệm nail ngửi mùi nail thêm bịnh." Hồi mới đi làm M.C. mấy ông Việt Nam cũng nói với tôi: "Thấy giờ dễ thương vậy đó, nhưng cỡ 1 năm sau sẽ thấy khác liền."
Nhưng rồi 2 năm, 3 năm rồi đã 7 năm trôi qua, họ vẫn thấy tôi, 1 phụ nữ dịu dàng, nhỏ nhẹ và chan hòa với mọi người như ngày đầu mới qua. Và tôi cũng hiểu rõ tôi, dù ở hoàn cảnh nào thì tính cách của tôi vẫn không thể thay đổi, và có phải vì thế nên mặc dù tôi không trẻ, không xinh vẫn được nhiều đấng mày râu yêu mến.
Làm được bốn tháng, chẳng thấy ông bà chủ nói đến việc lên lương như đã hứa. Tôi nhắc, thì ông hỏi lại tôi đã làm tốt chưa mà đòi lên lương, tiếng Anh không biết mà còn đòi hỏi! Tôi ngỡ ngàng, mấy người làm trong bếp nhìn tôi thương hại, và một lần nữa tôi hiểu ra cách tính toán trong làm ăn của ông. Mới vô, lương thấp vì chưa quen việc, sau 3 tháng quen việc, chịu thì làm không thì nghỉ, lại thuê người khác, lại trả mức lương khởi đầu, hèn gì mà tôi thấy nhà hàng cứ thay đổi người mới luôn.
Tôi ấm ức mà đành làm thinh, cho dù có lên lương thì cũng thêm 5 đồng 1 ngày, mà sao chèn ép đồng hương quá vậy! Và cũng từ đó, ông tỏ ra không ưa tôi. Sai tôi xuống làm cả phụ bếp, đến bữa ăn dù tôi ngồi ăn chưa quá 15 phút quy định ông cũng la lối bảo tôi ăn chậm để câu giờ. Thậm chí ông còn để ý xem tôi vào restroom ngày mấy lần để la tôi, bảo rằng tôi vào nhiều để trốn làm việc. Oh, my God. Tôi phải kêu trời vì thử hỏi, có ai vào đó để thư giản hay relax bao giờ chưa" Nhiều đêm trên đường về nhà, một mình đi trong đêm tối, không một bóng người, gió lạnh thổi từng cơn, hay tuyết rơi rát buốt cả mặt, tôi co ro trong 2 lớp áo với đôi bàn tay cóng luôn vì lạnh. Nghĩ lại từ ngày qua Mỹ, tôi khổ hơn ở Việt Nam nhiều quá. Nhớ đến bạn bè, những đứa bạn đang là những ông chủ bà chủ, hay đang là cô giáo đứng lớp, hay những người đồng nghiệp là Hiệu Trưởng .. mà tủi cho thân mình mang tiếng qua Mỹ. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, thấy mình cũng dở quá, dốt quá. Mấy chị em tôi ngày xưa qua Mỹ chắc cũng khổ lắm, nhưng còn trẻ và đã cố gắng học hành tới nơi, bây giờ ai cũng sống trong nhà cao của rộng, công việc đàng hoàng, còn tôi ... thì giờ này vẫn còn lầm lủi đi trong đêm mưa lạnh.
Ngày Giáng Sinh ở Mỹ tưng bừng lắm, rộn ràng lắm. Mọi người nô nức đi sắm quà tặng nhau, đi mua đồ sale, đi ăn đi chơi. Vì ông bà chủ quá gay go với người làm như thế, nên họ đã bảo nhau, vào ngày New Year, mọi người cùng đình công, nghỉ hết ở nhà và tắt luôn điện thoại di động. Họ còn rủ tôi làm đơn thưa bị chủ bóc lột, ngày làm 12 tiếng mà chỉ trả cả lương cả típ năm đến sáu chục đồng. Tôi chỉ cười, đề nghị họ thôi bỏ đi, ở hiền gặp lành, chứ thưa nhau làm gì cho mang tội.
Ít lâu sau, ông chủ cho hai người dưới bếp nghỉ và lấy lý do tôi không biết tiếng Anh, chuyển tôi xuống làm phụ bếp, lương bao ngày 50 đồng. Tôi xin nghỉ luôn.
Cũng thời gian này, bố tôi đưa một phụ nữ ở Việt Nam qua du lịch, và bà ấy ở lại luôn. Rồi bố tôi nghe bà, chiều bà, không muốn tôi ở trong nhà nữa. Đang làm, nghe chị tôi gọi báo tin, tôi ngỡ ngàng như người từ cung trăng xuống. Tôi đã làm lơ nhưng không xong. Thương bố khó xử, tôi chấp nhận ra khỏi nhà.
Thế là một buổi sáng mùa đông, lạnh lẽo và ảm đạm, hai mẹ con tôi phải ngậm ngùi, lặng lẽ, dắt nhau giã biệt ngôi nhà với hơn 5 năm gắn bó, một khoảng thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn lắm, đối với một đời người, để ra đi, không người đưa tiễn, không tiệc giã từ, chỉ có nỗi buồn và nỗi chán ngán ngút ngàn cho tình người đen bạc.
Tôi dẫn con qua Texas, định ở luôn bên ấy và làm ở tiệm nail của cô em gái, nhưng bên đây khó khăn hơn ở New York, phải có bằng mới làm được, tôi vừa làm được hai tuần, họ đến kiểm tra tiệm và phát hiện  một người không có bằng. May sao hôm ấy tôi nghỉ, thế là cô em không dám để tôi ra tiệm nữa. Hỏi xin làm cashier ở siêu thị, 7 đồng 1 giờ chưa trừ thưế nhưng trước hết phải đi học lái xe, rồi mua xe thì mới lái đi học, đi làm được. Học nail lấy bằng thì mất cỡ 6 tháng, rồi tiền mua xe, tiền nhà, tiền ăn trong suốt thời gian đi học" Cộng thêm vài lý do nữa, khiến tôi đành giã từ Texas, vùng đất nắng nóng, buồn hiu hắt, nhưng yên tĩnh và con người có vẻ nhàn hạ, ít bon chen tất bật hơn ở New York. Tôi nhớ những buổi chiều một mình lang thang qua phố, nhớ căn nhà của mẹ mà tôi đã ở đó suốt mấy năm trời, trong những tháng năm cuối đời đầy khổ đau của mẹ. Từ ngày tôi đi, nghe nói bố cũng hay bịnh luôn. Tôi biết chắc một điều, một ngày không xa, bố nhất định sẽ cần đến tôi, vì ai có thể ở gần bố, hiểu bố, nhẫn nại dịu dàng với bố, và chăm sóc bố một cách hết lòng như tôi"
Và rồi tôi lại trở về New York với năm mươi đồng cuối cùng trong túi. Chị tôi thương tình cho tôi đến ở nhà chị, hai chị em và con trai tôi ở chung với nhau trong 1 phòng dưới basement. Dù thế nào thì tôi cũng thầm cảm ơn chị, bởi vì chị hiểu tôi đã khổ như thế nào kể từ ngày ấy. Và chị đã dang tay đỡ khi tôi đang chới với. Cách đây ít lâu, có đứa em bà con ở Việt Nam mới sang ghé thăm chơi. Nó ngẩn ngơ cả người, trố to hai con mắt khi thấy chỗ ở của mẹ con tôi, và thốt lên một câu: "Trời ơi, em không ngờ chị ở Mỹ phải sống khổ sở như vậy, tội quá!" Tôi lặng người, ngậm ngùi không nói.
Tôi lại tiếp tục với nghề Nail. Chủ tôi là hai vợ chồng còn rất trẻ, có vẻ hiền lành tử tế, và những người thợ làm ở đây, đa số là những người đã làm lâu năm, đã lớn tuổi, và có lẽ đàng hoàng hơn những nơi khác. Thôi thì đành chọn lại nghề này làm kế sinh nhai, một công việc tương đối dễ kiếm tiền nhất, ít cần tiếng Anh nhất, nhàn hạ cũng có, cực khổ cũng có, lại mất nhiều thời gian nhất, bạc bẽo nhất và cũng hay cãi nhau nhất.
Mùa đông năm nay, New York hình như lạnh hơn mọi năm, tuyết rơi nhiều hơn, cảnh vật cây lá xác xơ, trơ trụi và đìu hiu như tình người với nhau, mà tôi đã gặp và đã chứng kiến. Ôi, đất Mỹ rộng lớn bao la, nhưng lòng người tha phương sống ở đây đối với nhau thì hẹp, tuy nhiên, tôi vẫn không cho tất cả là vậy. Thành phố New York nguy nga đồ sộ, thành phố không thiếu một thứ gì nhưng với tôi thì hình như thiếu tất cả...
Tôi sống giữa gia đình mà như lạc lõng giữa sa mạc mênh mông, bơ vơ đến vô cùng. Tôi chỉ biết gọi mẹ, nhưng mẹ đã ở trên cao. Tôi lại chỉ biết gọi Anh, anh lại ở cách xa tôi hàng dặm ngàn cây số. Anh có hiểu chăng" May mà bên cạnh tôi luôn có đứa con hiền lành, hiếu thảo mà tôi có thể ví như trong "Nhị Thập Tứ Hiếu" của ngày xưa khi còn đi học. Tôi biết phải làm gì đây, cho anh, cho con, và cho cả chính tôi" Ôi, đất Mỹ! Vùng đất mơ ước của tôi cả một thời còn đi học, bây giờ khi qua đến nơi thì đã không còn trẻ nữa, chỉ còn lại ước mơ đơn giản được sống bình yên, hạnh phúc trong một mái gia đình. Với những đứa con ngoan và với người mình yêu thương, nhưng không biết bao giờ mới đạt được.
Nhưng tôi không nản lòng, tôi vẫn cố gắng và luôn nhìn về phía trước, để cùng chắp cánh cho ước mơ của con trai trở thành một bác sĩ. Có cao xa lắm không" Có mơ mộng lắm không" Mẹ con tôi còn phải vượt qua một chặng đường dài và đầy những gian nan, nhưng thôi, phải hy vọng và hy vọng. Có phải vậy không"
Nguyễn Thị Phương Lan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến