Hôm nay,  

Viết Cho Tháng Tư Đen 2010: Những Người Lính Bị Bỏ Quên

13/03/201000:00:00(Xem: 133103)

Viết cho Tháng Tư Đen 2010: Những Người Lính Bị Bỏ Quên

Tác giả: Võ Trang
Bài số 2885 -1628985- vb7031310

Tác giả thuộc lớp tuổi 50’, cư dân San Diego; Kỹ sư điện cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009, với ba bài viết hợp  thành một tự truyện ba hồi: Ký ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân tại Huế, tâm trạng một trí thức gốc Việt  vừa biết ơn quê hương thứ hai, đồng thời cũng "mang trong lòng một mối hận người Mỹ đã bỏ rơi đất nước mình". Và sau cùng là “một thoáng hạnh phúc” tìm thấy từ nước Mỹ sự tử tế không chỉ với đồng loại mà với cả muôn loài. Bài mới nhất của ông được ghi “Viết cho tháng Tư Đen 2010”.

***

“Anh ơi anh, đi dùm em một cuốc xe đi anh
Anh ơi anh, đi dùm em một cuốc đi anh!...”
Tôi quay lại để nói lời từ chối. Nhưng ngay khi nhìn thấy khuôn mặt của người kéo xe thì dù chỉ trong khoảnh khắc, tôi cảm nhận ngay cái định mệnh khắt khe cho những con người như thế này.
. . .
Thuở ấy, vào khoảng năm 1960-1963 gia đình tôi dọn từ Tuy Hoà về Đà-Nẵng nhưng chỉ ít lâu sau thì đã di chuyển tiếp vào Hội An.  Là một công chức liêm khiết sau khi giải ngũ vì thương tích, “thẳng thắn” và “bất trị” ba tôi bị thuyên chuyển đi rất nhiều nơi trên miền Nam Việt-Nam.  Tại Hội-An nơi khu chúng tôi ở, chỉ trên 1 con đường Nguyễn Thái-Học mà giờ đây đang được biến thành khu phố cổ cho du khách tham quan, gia đình tôi cũng đã dọn nhà đến 3 lần.  Cái thành phố nhỏ này thật ra đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm học trò, những cơn lụt mỗi năm, nước dâng lên đuổi chúng tôi lên tận căn gác trên cùng…
Vốn hiểu được chúng tôi không có khiếu buôn bán, làm ăn, mẹ tôi thường khuyên anh em chúng tôi nên cố gắng học hành để sau này tự nuôi lấy thân mình.  Thuở ấy tôi chỉ mới học lớp Nhì nhưng anh Cả tôi thì đã học đến lớp đệ Ngũ.  Anh Cả tôi là người được me tôi thương yêu và nuông chiều nhất.  Để khuyến khích anh học hành, me tôi cho phép anh đem bạn bè về học chung, thậm chí ăn ngủ trong nhà rồi thành ra quen thân, gọi me tôi như mẹ nuôi tinh thần…
Thuở ấy chính quyền VNCH rất cần quân nhân để chiến đấu nhưng vẫn mở một cánh cửa cho học sinh tiếp tục học trình.  Chúng tôi phải trải qua rất nhiều kỳ thi trước khi vào đại học.  Kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp là để tuyển chọn học sinh vào lớp đệ Tam (lớp 10 bây giờ) tại các trường Công lập (học không tốn tiền).  Kỳ thi Tú Tài Bán Phần (Tú Tài I) là để lọc học sinh lên lớp đệ Nhất (Lớp 12) và kỳ thi Tú Tài Toàn Phần (Tú Tài ÌI) là để lọc sinh viên vào đại học.  Từ lớp đệ Nhị (lớp 11 bây giờ) cho đến khi ra đại học, học sinh chỉ được ở lại lớp  1 lần trong tất cả các kỳ thi.  Nếu nhiều hơn thế thì họ phải tạm xếp bút nghiên lên đường thi hành quân dịch
Sau hơn ba năm ở Hội-An, chúng tôi dọn trở lại Huế.  Nhưng chỉ ít lâu sau thì các bạn anh tôi lại từ từ rủ nhau tụ tập lại, học hành như xưa.  Căn nhà Từ Đường 3 gian 2 chái của dòng họ ngoại là nơi chúng tôi “dùi mài kinh sử”.  Năm nào cũng vậy, lớp bạn anh tôi chọn học đêm vào mỗi mùa thi.  Thuở ấy tôi còn nhỏ nên chỉ thỉnh thoảng ham chơi mới thức khuya với họ.  Nhưng kỷ niệm những đêm hè êm ả, trời trong và đầy trăng sao, dưới những tàng cây vú sữa đã mấy chục tuổi của Ngoại sẽ mãi mãi là những huyền thoại của cả một thời niên thiếu….
“Học tài thi phận”, tôi đã chứng kiến nhiều buổi chia tay của những người con nuôi của me tôi.  Những buổi tiệc chia tay dù bùi ngùi nhưng không sướt mướt như “thà như mưa gió đến ôm tượng đá …” hay hoàn toàn tuyệt vọng như là “…đời anh khi ra đi là coi như đã hết, thôi, xin em đừng chờ mong…”
Những người con tinh thần của me tôi kể cũng lạ.  Không đỗ đạt được để thành ra “ông này bà nọ” thì đi lính cũng phải chọn thứ lính “chiến” - như Biệt Kích Dù, Biệt Động Quân… Có người chỉ vài năm sau là chúng tôi đã cùng nhau đi đưa đám.  Trong đám con nuôi tinh thần của me tôi  có người anh tên Nguyễn văn Thông, năm ấy (1968) là Trung Úy tiểu đoàn 37 (39") Biệt Động Quân.  Anh Thông người Quảng Nam, không cao nhưng mập mạp.  Tôi nhớ anh có những ngón tay đầy đặn như những trái chuối tiêu nhưng khi rảy  đàn nghe cũng có hồn lắm, nhất là trong những ngày cuối trước khi nhập ngũ…
“Hành Trang Giã Từ” tuy không phải là một tuyệt tác của thế giới nhưng đã để lại cho tôi những dấu ấn sâu đậm nhất trong đời…
“… Đây gói hành trang,
xếp lại cho trọn để anh đi nhé!
Xin chớ ưu buồn,
vì trong những ngày dài anh nhớ em luôn…”
Có ưu tư nhưng đầy bi tráng.  Trong chết chóc, tình yêu thương vẫn ngập tràn.  Phải chăng đây chính là nhân bản"   Tôi tin những người con nuôi của me tôi hiểu được ý nghĩa của bi kịch “giết hoặc bị giết” trên chiến trường.  Trong những buổi nói chuyện với họ tôi chưa bao giờ thấy được nét hớn hở khi giết được nhiều “quân thù”.  Không phải chỉ vì kẻ chết cũng là người Việt da vàng như họ mà còn vì bản chất của chiến tranh vốn là tàn nhẫn nên trong tận cùng vốn không có gì để hãnh diện.  Thậm chí có người vì không chịu được những tương tranh trong suy nghĩ, như Trung Sĩ Ngô Hòa Kha, một người con nuôi khác của me tôi đã tự hủy hoại thân thể để khỏi phải thấy thêm cảnh chém giết trên chiến trường. 
Mùa xuân năm 1968,  sau khi quân đội Quốc Gia đã tái chiếm lại thành phố, hai trong số những người con nuôi của me tôi có theo tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân về đóng tại sân vận động Huế,  nhưng đã quá muộn để có thể cứu ba tôi đã bị đặc công nằm vùng bắt đi và chôn sống trước đó…
Sau tháng Tư năm 1975, tôi ở lại và tiếp tục học trình ở trường Y-Khoa SàiGòn nhưng thật tình không có tâm trí nào để xây dựng tương lại hay sự nghiệp gì nữa.  Thỉnh thoảng bạn bè ở cả 2 trường Khoa Học và Y khoa của tôi lác đác biến mất hoặc thản nhiên bỏ học vì trong khung cảnh đó có ra trường cũng chưa chắc gì đã kiếm sống  được trong khi đời sống hằng ngày là câu hỏi thúc bách trước mắt.  Nếu được đi du học sau khi đậu Tú Tài Toàn là một giấc mơ thì có cơ hội đi như “Bác” là giấc mơ vô bờ bến của chúng tôi sau ngày miền Nam thất thủ.  Qua bức màn sắt , chúng tôi không biết gì nhiều về thế giới bên ngoài và mãi đến 4 năm sau, nhờ một tổ chức cho ứng trước 1 số tiền nhỏ chúng tôi mới có cơ hội liều mạng.
Theo chương trình, sau khi xuống đến Rạch Giá, chúng tôi sẽ ngủ tạm một đêm tại nhà 1 người quen của ban tổ chức.  Sáng hôm sau, chúng tôi phải tự mình ra 1 bến đỗ ở gần đó  để lên ghe nhỏ “về quê”.  Địa điểm này là một nút chặn trên đường ra cửa biển của ghe lớn mà chúng tôi phải đuổi theo cho kịp khi ghe lớn đi ngang…  Người đưa đường chỉ đi xa xa cho chúng tôi biết mà theo vì không muốn bại lộ và còn phải đưa nhiều người khác nữa.  Ra khỏi nhà người dân địa phương, chúng tôi lầm lũi đi nhanh mong sớm đến bến đổ.

*


“Anh ơi anh, đi dùm em một cuốc xe đi anh!
Anh ơi anh, đi dùm em một cuốc đi anh!...”
Tôi quay lại để nói lời từ chối vì nếu cứ để cho người phu xe này năn nỉ hoài thì bại lộ hết.  Đi chui như thế này không nên gặp ai cả.  Từ Sài Gòn về đây chúng tôi đã khổ sở tránh né nhiêu lần rồi…  Bàng hoàng tôi nhận ra đó là anh Thông, đen đủi trong chiếc áo rách, quần đùi và đi chân không.  Hai “bắp chuối” ở tay, chân rắn lại như là dấu chứng của những năm tháng kéo xe kiếm sống.  Ôi! Còn đâu người lính Biệt Động Quân trong bộ quân phục rằn ri oai hùng.  Anh Thông cũng nhận ra tôi và hình như muốn nói rất nhiều nên cứ dục tôi lên xe để anh kéo cho.  Người đưa đường thì cứ nhìn lại thúc dục… đứng nói chuyện bên đường cái như thế thật là nguy hiểm vì dù đã cải trang thành nông dân, bộ mặt lơ láo non chẹt của chúng tôi ai cũng dễ hoài nghi.  Tôi đành nói với anh là tôi phải đi ngay, quên cả đưa cho anh số tiền còn lại vì nếu đi lọt thì số tiền Việt-Nam sẽ không làm gì được nữa.
Chúng tôi đi không lọt và cũng may nhờ chút tiền đó mà trở lại được Sài Gòn.  Khoảng 15 phút sau, người anh thứ Hai của tôi lên ghe cho hay anh cũng đã có gặp anh Thông.  Can đảm hơn tôi, anh để cho anh Thông kéo anh đi một đoạn đường để có dịp nói chuyện. Giờ nghĩ lại tôi cứ trách mình.  Sợ hãi làm tôi đã như vô tình, vì kể từ ngày đó chúng tôi chưa bao giờ gặp lại anh Thông nữa. 
Tàn cuộc chiến, người lính bị buộc phải thua trận này không tìm về quê cũ ở Quảng Nam mà cô đơn lưu lạc ra tận biên giới miền Nam để kéo xe. Anh không chịu trình diện, cũng không chịu đầu hàng"  Anh Thông có dự tính gì hay không thì tôi không biết.  Nhưng nếu tiếp tục ở lại, tuy anh không bị đi học tập cải tạo nhưng vì như thế anh  không  nằm trong diện “Cựu tù nhân của cộng sản” để được di trú sang Mỹ 10 năm sau đó….
Lần thứ hai, 3 tháng sau, chúng tôi được cho trở lại để vượt biên lần nữa, đỗ bến ngay tại chân cầu  Rạch Giá vào lúc xế chiều. Quả như suy nghĩ, chúng tôi không thể gặp lại anh Thông lần nữa.  Lần này chúng tôi đi lọt để bước sang 1 trang mới, hoàn toàn khác hẳn của cuộc đời.   Các trại tị nạn đóng cửa vào  khoảng năm 1995 trong khi CSVN đã nối lại ngoại giao với Hoa Kỳ và đang tiến hành chính sách “đổi mới” để cứu nguy cho nền kinh tế  và chính trị đang chìm vào đáy vực thẵm thẳm… Nào ngờ đâu 35 năm sau, khi đất nước đã thống nhất và thanh bình - và ngay cả khi tôi viết những dòng chữ này thì người Việt Nam của quê hương tôi, trong cả 2 miền Nam Bắc vẫn còn tiếp tục trốn chạy xứ sở của mình, chấp nhận làm lao nô, ngay cả bán thân, để sống lây lất trong rừng hoang của xứ lạ, qua chính sách “xóa đói giảm nghèo” của chính nhà cầm quyền tự xưng là chính quyền nhân dân, do dân và vì dân của họ…
Từ những thành phần từng bị xếp loại là cặn  bã, đĩ, điếm, phản quốc của xã hội, những người tị nạn như chúng tôi bỗng trở thành “khúc ruột ngàn dặm” của nhà cầm quyền CSVN.  Cũng như tình nghĩa đối với “người anh em Trung-Quốc”, cái tình nghĩa “trâng tráo” đến độ vô liêm sỉ này quả là khó nhận.  Tự đồng hóa mình với nhân dân, và xa hơn nữa, với cả dân tộc, nhà cầm quyền CSVN và tay sai kêu gọi người Việt tị nạn hãy xoá bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải để cùng nhau xây dựng đất nước, dĩ nhiên là vẫn dưới quyền lãnh đạo độc tài của họ.  Người dân Việt-Nam, kể cả ba miền chưa bao giờ chia rẽ nên không cần phải hòa hợp hòa giải gì cả.  Nếu cần thì họ cần hiểu nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn để cùng đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài đảng trị của CSVN.  Còn đối với nhà cầm quyền CSVN và tay sai của họ thì người dân dù ở trong nước hay ở hải ngoại cũng không cần hòa hợp hòa giải với sự độc tài và tàn ác của họ - vì bản chất của họ vốn không bao giờ thay đổi. 
Tôi tin rằng những người con nuôi của me tôi chưa bao giờ có ý tưởng “cao cả” giải phóng loài người.  Trong tâm hồn có lẽ họ chỉ nghĩ đơn giản chiến đấu là để bảo vệ cho  tiếng nói của họ và cho quê hương họ. Nếu những người CSVN tin rằng họ có quyền “giải phóng” miền Nam thì tại sao những người miền Nam không có quyền sống với niềm tin của chính mình"  Những người con nuôi của me tôi có thể đã chiến đấu, đã chết hay đã bị bỏ rơi trong cô đơn nhưng họ không bao giờ có thể bị bôi nhọ.  Dù là kẻ bại trận, những hy sinh của họ muôn đời vẫn trong sáng - vì là con người, họ có quyền chiến đấu để bảo vệ cho niềm tin của chính mình. 
Con đường đấu tranh để khang phục quê hương vẫn còn và đang tiếp diễn.  Tôi vẫn tin rằng, trong đấu tranh chính sự hy sinh cao cả chứ không phải chiến thắng mới làm nên ý nghĩa. Lần này người Việt có cả thế giới nhân bản và tiến bộ làm hậu cứ, có đủ lịch sử để hiểu rằng không nên trông cậy vào bất cứ thế lực ngoại bang nào để khỏi bị lệ thuộc hay bị bán đứng, có đủ trí tuệ để hiểu không phải cách mạng nào cũng cần phải ngập máu mới thành công mà chính niềm tin, nhân cách và tình yêu quê hương, dân tộc mới là những nhân tố quyết định sau cùng – vì ngay chính như CSVN, đã từng được cả thế giới cộng sản yểm trợ cho biết bao chiến cụ để toàn chiếm miền Nam Việt-Nam, thế mà sau 35 năm “xây dựng” họ đã làm được gì hay chỉ đưa quốc gia đến chổ lạc hậu, dân tộc đến nguy cơ nô lệ phương Bắc một lần nữa"
Đảng CSVN ngày nay quả có nhiều công an mật vụ để đàn áp, có nhiều tay chân, thủ hạ bưng bợ để xin chia phần, có cả cái “thế giới” tư bản  “vì lợi nhuận sẵn sàng bán cả cái dây thòng lọng để treo cổ chính mình” .  Nhưng cái “sức mạnh” đó không phải là yếu tố quyết định. 
Có đêm lang thang trong một sòng bài ở Las Vegas lúc trời đã gần sáng, tôi chứng kiến nhiều bàn chơi không có khách, người chia bài  đứng ngáp dài mệt mỏi… và bỗng dưng tôi chợt nhận ra một điều thú vị mà cay đắng rằng trong một cuộc chơi, không phải người chủ sòng mà chính những tay chơi mới là những người quyết định canh bạc.  Không hiểu ông Thánh Ghandi có lần nào vào sòng bài để để phát giác ra chủ thuyết bất bạo động và bất hợp tác đã giải phóng quê hương ông khỏi cả một đế quốc tự hào mặt trời chưa bao giờ lặn trên lãnh thổ của họ"  
Thấm thoát thế mà thêm một 30 tháng Tư nữa lại sắp trở về.  Trong những vật lộn với cuộc đời mới, nhiều lúc tôi đã quên những đứa con nuôi như anh Thông, anh Kha của me tôi. Nhưng thỉnh thoảng, trong ngấn lệ của kỷ niệm, họ vẫn trở về trong trí nhớ, cười cười nói nói như thuở nào trên xứ Huế liêu trai, vào những đêm hè đầy trăng sao, dưới cây vú sữa… Và còn bao nhiêu người chiến sĩ VNCH nữa đã chiến đấu, đã chết âm thầm để cho những người như chúng tôi được yên thân tiếp tục học hành, để được công thành danh toại, vợ đẹp con ngoan" - Vì tất cả những huy chuơng, danh dự , những bổng lộc chỉ có giá trị thực tế cho những ai còn sống sót - như có người đã nói:  “Nhất tướng danh thành vạn cốt khô!”
Võ Trang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến