Hôm nay,  

Ghen

12/03/201000:00:00(Xem: 312034)

Ghen  

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 2884 -1628984- vb6031210

Tác giả cho biết bà họ Nguyễn. Bút hiệu Đoàn Thị do họ chồng ghép với cái tên lót rất là VN thời xưa, hiện làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Đoàn Thị là chuyện kể về cách “Ghen” của các bà vợ thuộc ba bốn thế hệ, từ thời quê nhà của bà nội, bà mẹ  tới tới lớp tuổi con cháu trên đất Mỹ.

***

Cuối năm có biến động, thằng cháu rể hình như có đào nhí, lá số năm nay đăng trên báo xuân trúng phóc, chị tôi điện thoại sang thông báo tin giựt gân nóng hổi, chị thở dài:
-  Thiệt không ngờ thằng rể Mỹ hiền khô, hiếu thảo với bố mẹ vợ, vậy mà, chị buồn quá ngủ không được.
Tôi trấn an:
- Có chắc như vậy không, đàn bà khi ghen đa nghi hơn tào tháo, rồi lại tưởng tượng lung tung.
Chị trầm tư:
- Khanh nó kể cho chị nghe cả đêm qua, chứng cớ rành rành, còn nghi ngờ gì nữa
Chị kể lể cả tiếng, rồi bảo tôi gọi Khanh hỏi thêm chi tiết, tôi định nấu cơm xong sẽ gọi cô cháu, chà con nhỏ đang lên cơn Hoạn Thư có còn bình tĩnh kể lại sự tình không, hay lại thêm mắm muối tùm lum đây.
Chưa kịp gọi, cô cháu đã réo, thêm hai tiếng nghe “nỗi lòng” của nàng, chi tiết gây cấn không kém phim tình cảm Hàn Quốc, thủ phạm chính là cô em xứ phù tang, gái Nhật nổi tiếng chìu đàn ông, nó phù phép cái gì mà gây hoảng loạn cái “sweet home” của Khanh. Chuyến này chết chắc thằng Mỹ, cháu rể của tôi rồi.
Nữ tặc Saké này từng là trợ lý của Bill, thằng rể hiền như bụt bị nữ tặc kè kè theo sát đòi học nghề rượu như xếp. Em hiền như ma sơ, chu đáo như từ mẫu, “lém” hơn hồ ly tinh, hai đời chồng, lý lịch đối thủ của cháu tôi, vài tĩnh từ then chốt nghe rợn người.
Khanh đang rối tung rối mù, không biết bắt đầu từ đâu, tôi nghe “chuyện kể” nồng mùi gừng cay, mặn chát đầu môi vì những giọt nước mắt ngắt đoạn từng câu nói, nghe qua điện thoại đường dài, nghe vào đêm khuya bên này ban trưa bên kia, sáng sớm bên ni khuya lơ khuya lắc bên nớ. Nghe đã đời hai cú đối thoại “viễn liên”, gác điện thoại lên, tôi lặn hụp với những chi tiết đan chéo, thứ tự thời gian đảo lộn, “định thần” một lúc để “ráp” chuyện tình “ngoài vòng ấp chiến lược” của thằng cháu rể cho hợp lý, chuyện lén lút ăn vụng mà đòi hợp lý coi bộ khó dữ.
*
Ghen, tĩnh từ muôn thuở thuộc về phái yếu, thời bà tôi cái ghen bị nuốt chửng vì “tiền đồ” của chồng, tới tuổi xế bóng, cơ thể khô cằn “bất tòng tâm », bà đành tìm vợ lẽ cho chồng, bà chọn người môn đăng để tránh kẻ ăn người ở lên mặt ăn mâm trên với ông. Nhìn bà trẻ buông màn, đuổi muỗi ngả nghiêng bên chồng, bà bước vội vào cái buồng lẻ vừa được ngăn vách dành cho bà. Tiếng họ thủ thỉ cười đùa, ban đầu bà nghe điếng hồn, rồi cũng thành thói quen, thân phận xuất giá tòng phu có thể làm được gì khi thân già không còn hữu dụng.
Mẹ tôi ghen kinh niên, ghen vô cớ, ghen bóng gió đến độ bố tôi phải thề sống thề chết, mẹ vẫn ghen, nhất quyết không tin bố, chị em tôi được dịp nghe mẹ kể tội bố từ năm lên tám. Mẹ tôi có phúc, sinh đến ba cô con gái, mặc cho bố tôi thất vọng không có con trai nối dõi, mẹ có ba người cùng phái để chia xẻ, gánh vác cái cơn ghen nặng ngàn cân của bà. Tội nghiệp bố, đơn thân độc mã với bốn o mà nước mắt ràn rụa mỗi khi bố bực bội bị nghi oan lớn tiếng với mẹ.
Vậy mà khi một đồng nghiệp nữ mang đến nhà tặng bức tranh bán thân của bố do bà vẽ, mẹ chả ghen và tiếp bà ta thật lịch sự. Mẹ bảo người ngay thẳng nên đường đường đến nhà hậu tạ sự giúp đỡ của bố, chứ kẻ gian đời nào dẫn xác đến đây. Bố thở nhẹ, hú vía, sao mẹ “từ bi” bất chợt thế nhỉ, mẹ cười thông cảm, dù gì cũng là đồng nghiệp, phải giữ sĩ diện cho bố, nào là đàn ông họ đâu có dại, làm đĩ chín phương cũng phải chừa một phương để lập nghiệp, giá lúc nào mẹ cũng tỉnh táo như vậy đỡ khổ cho chồng con.
Cơn ghen của mẹ lắng xuống không còn sôi nổi, mất cả tính thời sự khi cô Ba sang than thở với mẹ chuyện ngoại tình của chú. Dân không quân, không bay bướm đâu phải là lính tàu bay. Đã thế cô cứ cấn thai liền tù tì, chú đùa với bạn bè, cứ gieo cho bả cái ba lô đeo ngược mình tha hồ rong chơi, thời giờ đâu bả chạy theo mình. Ông bà mình nói con cái là phúc lộc, cô tôi mừng nghĩ đám con sẽ níu chân cha, chú tôi vui được tự do bay nhảy ít ra cũng chín tháng mười ngày, vậy các con là gì giữa những toan tính đó, có ai nghĩ đến chúng nó đâu để trả lời câu hỏi này. Tội nghiệp cô Ba có ghen cách chi cũng dịu lòng ngọt ngào mỗi lần chú quay về sau chuyến bay xa, lại anh anh em em ngọt xớt, tay trong tay dắt nhau đi phố, mua quà cho các con, chú lấy cả tên người yêu đặt tên lót cho con gái mà cô đâu có biết. Người yêu của chú ở bốn vùng chiến thuật, cô một nách bốn con nhỏ, định đón xe đò dẫn các con đi thăm cha, lại mang thai, đứa thứ năm, đứa thứ sáu. Có lần vợ của người bạn mách cho cô biết người yêu của chú tên Thoa, lần về phép đó chú vừa bước vào nhà, cô lấy hết can đãm hài  tội chú:
- Anh đang cặp bồ với cô Thoa phải không, chị Tân đã kể cho em nghe hết rồi
Chú hiên ngang trả lời như khi nhấn nút thả bom xuống đất địch:
- Đúng vậy, rồi sao, em đã biết rồi tôi chối làm gì.
Cô Ba đứng chết trân không ngờ chú dũng cảm như vậy, cô thầm mong gía chú giả vờ chối leo lẻo như bố tôi, để cô không tủi thân, để cô không bị xúc phạm, để cô hy vọng chú còn yêu cô, đàng này, thôi còn gì mà trách. Hôm đó cô buồn quá bỏ nhà sang hàng xóm lánh mặt chú, mấy đứa nhỏ thấy mẹ bỏ đi khóc ròng như đám ma, chú cất ba lô ngoắt taxi dẫn chúng nó đi ăn tiệm, đến chiều cô lại quay về, làm sao ở bên hàng xóm suốt ngày được, đến tối ông láng giềng đi làm về, cô ở bên đó làm gì.
Thấy cô trở về lặng lẽ chu toàn bổn phận nội trợ, chú bỗng chạnh lòng làm hòa trước, chú thanh minh vì xa nhà nên dễ siêu lòng, siêu lòng chứ không cách lòng đâu nhé, bằng cớ là các con cứ tuần tự ra đời, kết quả của tình yêu đấy. Chú quen đi mây về gió nên nói kiểu nào cũng xuôi chèo mát mái, cô có đeo ba lô ngược cũng là chuyện thường tình của đời vợ lính, tình lính tính liền, gía không có cái ngày ba mươi tháng tư đen tối năm nào, giờ này đàng con của chú mấp mé một tiểu đội chứ đâu chỉ sáu đứa.
Thời con gái chứng kiến cơn ghen của hai thế hệ trong đại gia đình, tôi đâm sợ đàn ông, sợ một mai rủi mình bạc phận bị phụ rẫy, không biết mình nên ghen như thế nào cho “đúng điệu”. Bà tôi ghen thật cao thượng từ bi, ghen mà vẫn tỉnh táo làm chủ tình hình, giỏi thật. Mẹ tôi ghen khiếp quá, ghen “đại trà” bạ đâu ghen đó, vô can vô cớ, làm mất cả uy tín của bố, ghen như vậy thất sách. Cô Ba ghen mà không dám nói, tội quá, ghen âm thầm, nhẫn nại chờ ngày chú “hoàn lương”. Cả ba cách ghen, chả có cách nào tôi ưng ý, nhưng đưa ra một cách toàn hảo lịch lãm hơn thì tôi bí, và thầm mong đời mình đừng phải bước qua cái đoạn gian nan đó.
Số trời đã định, như thế người ta mới nói là duyên nợ, sau ngày Sàigòn bị đổi tên, con gái đến tuổi lấy chồng, không sang ngang để bố mẹ muối mặt với họ hàng sao, thế là tôi yêu đại một anh “gốc ngụy” hào hoa phong nhã, liếng thoắng, đám bạn cười thầm, con nhỏ giao trứng cho ác, coi như toi mạng.
Đầu năm cưới, cuối năm sinh con, số tôi sao giống vợ lính, tuy không xa nhà nhưng chàng đào hoa nên mấy cô cứ bám lấy chàng, đám bạn tinh mắt của tôi nói không sai. Trách các cô cũng tội, thời đó, đàn ông con trai không còn bao nhiêu, một số người di tản theo quân đội Mỹ, phần còn lại bị lùa vào trại cải tạo, ai không có “nợ máu” với nhân dân kiếm đường vượt biển, trai tráng còn lại một thẻo nhỏ không đủ để con gái Sàigòn chia chác với nhau.
Chàng của tôi cũng biết mình đang chiếm ưu thế, thuộc hàng “cành vàng lá ngọc”, quơ tay một cái có khối em bu, vào sở, ra phố, xuống tỉnh đi đâu “thanh niên ngụy” cũng được chuộng như mặt hàng quý hiếm. Tuy ở chung nhà, chàng của tôi có đào nhí lác đác khắp bốn vùng hoạt động, chàng làm xếp công trường xây cất, sau giờ làm việc là ăn nhậu giao tế, cái “hủ tục” của mấy anh “giải phóng” mang vào đây rất thịnh hành, đàn ông Sàigòn như được giải phóng khỏi cái nề nếp xưa, họ hí hửng nhập cuộc hết ga. Lao đầu vào cuộc chơi mới, lang thang mỗi chiều bên chiếu rượu, khi rượu lên men không phiêu lưu tình ái đâu phải là đàn ông, ai sao mình vậy, tìm đỏ mắt không ra một ông “ngọc trong đá”. Ai sao kệ họ, tôi vẫn giữ nề nếp gia phong.
Bỗng chốc đời tôi lọt thỏm vào đoạn đường chông gai của hai thế hệ đàn bà trong đại gia đình một cách tự nhiên như Sàigòn hết xăng người ta phải đi xe đạp, Sàigòn cúp điện đường vào xóm nhỏ trở nên tịch liêu, cách mệnh đổi đời nên người ta làm chuyện trái khuấy cũng là đương nhiên.
Thư tình mấy cô viết ngay trên sổ giao ban công trường, như thế thư sẽ đến tận tay người nhận, không sợ thất lạc giữa đường, không ngại vợ anh lục túi quần, soát túi áo bắt gặp quả tang. Bức thư không cần dán tem cò bị thằng con bảy tuổi tò mò lục cặp của bố, lôi ra quyển tập xanh lơ, em đánh vần đọc một đoạn tình thư, “anh yêu, đêm qua em nhớ anh trắng đêm đến sáng”, trong bếp tôi giựt mình tưởng thằng cu đang đọc tiểu thuyết. Chàng của tôi dành lấy bức thư ghi trên quyễn sổ từ tay con, thằng cu nuối tiếc phân trần, tập của bố đó, con lấy trong cặp ra. Chàng thất thần nhìn tôi, lần đầu tiên ngoại tình chàng thấy ái ngại, tôi mất vía nhìn chàng, đau điếng bị nhát dao đầu tiên xẻ đôi con tim, bốn mắt nhìn nhau nghẹn cả họng, thế là chiến tranh lạnh, tôi như người câm. Cuối cùng chàng đành thú nhận như chồng của cô Ba ngày trước, dù tôi chẳng hài tội chồng như cô, em đã biết thì anh không giấu, người ta yêu anh chứ không phải tại anh. Kịch bản cũ xì của mấy ông chồng ngoại tình, vậy mà tôi nửa tin nửa ngờ và tiếp tục im lặng.


Thật tình, tôi không biết mình phải phản ứng như thế nào. Từ thời con gái tôi đã bí lối chưa tìm ra cung cách ghen tuông nào thật hiệu quả, bây giờ giáp trận, bom rơi đạn nổ khắp nơi không còn đầu óc để dàn binh chống trả, nói gì đến ghen. Hôm sau tôi vô sở như người mất hồn, chưa dám tâm sự với ai, vậy mà thằng em kết nghĩa nhìn thấy bà chị “hồn bay lạc phách”, nói năng không mạch lạc, dân xây dựng có khác, chú em đi khắp công trường đó đây, chuyện “yêu ngoài luồng, nhưng trong mức độ sai lệch cho phép” là thường. Chú em rất rành sáu câu đoạn trường bi ai của mấy bà bị chồng lừa, hôm nay tôi cũng chung số phận, chú em thương tình cho một lời khuyên “căn bản”, khi người ta hết yêu, có níu cũng chỉ là cái xác, còn hay mất là cái tâm.
Lời khuyên đó khiến tôi phải hỏi lại lòng mình, tôi yêu chàng đến mức dám tự vận chưa, yêu hơn cả bố mẹ, hơn cả con mình không. Thưa có yêu nhưng yêu đến mức điên cuồng đổi cả mạng sống, lìa bỏ người thân vì một tên “sở khanh” thì hú hồn, tôi còn tỉnh táo, tuy buồn và thất vọng nhưng tự xoa dịu một cách lạ đời. Tôi tự trao cho mình cái vai quan sát, như một khán giả “tích cực” vừa xem tuồng vừa tìm đoán đoạn kết có hậu, kết quả thật nửa vời, không lên tiếng trách móc chàng khác nào nói chàng làm đúng, lên tiếng ồn ào chỉ tổ cho chàng thấy mình là đứa thua cuộc, thua trong lặng lẽ vẫn hơn “lạy ông tôi ở bụi này”.
Tôi giống y bà tôi ngày trước, tuy không tìm gái dâng chàng mà lại thông cảm nghe tâm sự nhũng “chuyến đi về sáng” của chàng. Chiến tranh lạnh hình như đã hết hạn, hai đứa nói chuyện với nhau như hai người bạn, phải mất tám năm chàng mới dừng bước giang hồ. Tôi cấn thai đứa thứ hai, chàng vác ba lô lên miền cao nguyên có em má đỏ môi hồng đón đợi, tôi ở lại Sàigòn như chinh phụ chờ chồng tháng tháng quay về hậu cứ. Lúc này tôi thấy mình hao hao giống cô Ba, chả cần hạch sách, chàng tự động khai có cô giáo hoa khôi bị chồng ruồng bỏ chạy theo nữ sinh, nàng bèn túm lấy chàng của tôi để sưởi ấm con tim, chứ chàng thì chả có tình ý gì, vờn nhau như thế quá đủ, tim tôi đổi qua màu tím ngắt.
Nhờ có chương trình HO của Mỹ, chương trình hồi hương của Pháp nên biết bao phụ nữ Việt đã tránh được cảnh tan nhà nát cửa mà tôi là người may mắn trong số đó, vậy mà giờ đây cháu tôi lại lâm trận.
Thế kỷ hai mươi mốt với bao nhiêu thiết bị tối tân hiện đại giúp người ta “ngoại tình” dễ như nhích con chuột trên máy vi tính, tình ảo thành thật, thật hóa ảo từ đó mà ra. Ngoại tình, ghen tuông là chuyện muôn thuở của loài người, đọc nát mục gỡ rối tơ lòng, gật đầu đắc ý chuyện của người ta, nhưng tới phiên mình, sao thấy câu trả lời của người giữ mục không hay, hay tại mình dở nên chê người để tự an ủi.

*
Hôm sau gọi lại Khanh, tôi hỏi cho ra đầu đuôi câu chuyện mới vấn ý được. Con nhỏ thấy tôi có nhiều phen ghen lạ lẫm, ghen câm lặng, ghen lơ lững như đùa dù tim gan héo úa, nó hy vọng tôi sẽ bày một chiêu tuyệt xảo, tôi mào đầu, trước hết phải nắm lấy tâm tính người Mỹ, cách ứng xử của thằng cháu rể may ra mới “chạy chữa” được.
Bill hiền như bụt, ít nói, có chiều sâu, cẩn thận trước khi phát biểu ý kiến, thẳng tính nên không thích cung cách khách sáo của người Á, nói OK nhưng lòng chỉ gật năm mươi phần trăm, nói No có khi lại là Yes, thằng nhỏ rất thích phụ nữ á đông vì đức tính chìu chồng, chịu thương chịu khó, đặc biệt mê phở nên cưới cháu tôi.
Có lần Khanh vừa đút cơm cho con vừa coi phim Hàn, đến cái đoạn ly kỳ éo le, con nhỏ khóc như mưa, ông bụt tự động rút mù xoa giấy đưa cho vợ lâu nước mắt rồi hỏi, chuyện chi mà khóc thãm thiết vậy, lại là truyền thống á đông muôn thuở, phụ nữ bị chồng phụ rẫy chỉ có khóc chứ biết làm gì hơn, đức tính chịu đựng của phụ nữ á ít tìm thấy ở đàn bà tây âu.
Chuyện nữ tặc saké  theo đúng kịch bản phim Á thời thượng, lợi dụng công việc của họ làm vào ban đêm, tuy ông bụt không còn làm việc chung, nhưng cứ sắp đến giờ ra về cô em hay rủ ông bụt và đồng nghiệp đi ăn đêm, đôi khi xé lẻ rủ ông bụt đi ăn riêng. Cái thằng Mỹ to xác lành như bột, nghĩ đồng nghiệp đi ăn uống với nhau có gì mà ngại, giời ạ, nữ tặc đang giăng bẫy bắt sống ông bụt mà bụt không hay, khởi điểm của mọi rắc rối cái sự đời là chỗ này.
Cô Nhật “lém” kinh hoàng luôn, dương đông kích tây, tung hỏa mù định quay vợ chồng ông bụt ù tai ngã ngựa, lúc đó cô em sẽ “zớt gọn” ông bụt đưa lên núi Phú Sĩ “tu tiên”. Những chuyến ăn đêm trở thành thông lệ, đã đến lúc cô em tung chưởng, gởi mail cho Khanh khen chị hay, chị giỏi, chị may mắn có một người chồng tuyệt vời, và cáo lỗi đã “giữ chân chồng chị” sau giờ làm việc, đáng lý phải thả anh về với vợ con... Đọc đến đây không ăn ớt cũng lên cơn ghen. Quay sang ông Bụt, cô cảm ơn bữa ăn đêm với các bạn rất vui và thòng một câu lẳng ơi là lẳng, đêm nay thấy lạnh tận tâm can, bạn thật hạnh phúc giờ này đang ở bên vợ hiền, ước gì...
Thả mấy cái “meo” không ai trả lời, hai con cá chưa cắn câu, thế là cô em cho con cá này cắn con cá kia, ta thả thêm mấy cái tin nhắn ngắn gọn, hẹn hò vớ vẫn dù biết ông bụt không trả lời, cứ khủng bố tinh thần kiểu này, sớm muộn rồi ông bụt sẽ đổ nghiêng ngã.
Hỏng biết cell phone, laptop của vợ chồng ông bụt có trục trặc gì mà cô em chờ mãi «sao không thấy hồi âm”, thả meo, message không hiệu quả, cô em tung chưởng mới, đích thân đến nơi làm việc của ông bụt gởi tặng chai Saké, tặng khơi khơi vô cớ chướng đời như vậy may ra mới đánh thức ông bụt chậm lụt chưa biết dấu hiệu của tình yêu đang được cô em tung lên cell phone, lên mạng bằng những con chữ súc tích. Ông bụt ngờ nghệt, ông bụt không nghe, không thấy tình yêu bàng bạc trong không gian như cô em, vì tính ông bụt có sao nói vậy người ơi, làm sao hiểu nỗi Yes là No, OK là fifty fifty của gái á đông “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Nhưng khi nhận được chai saké, cái lịch sự tối thiểu buộc ông bụt phải lên tiếng bằng một câu hỏi dở ẹt, duyên cớ tặng quà là cái gì, cô em lỏn lẻn trả lời, tặng vì thích tặng, người ta nhắc khéo ông bụt người ta hiện diện sờ sờ trên mặt đất mà sao đằng kia cứ “no signal” im hơi lặng tiếng hoài vậy.
Đến nước này có mù ông bụt cũng thấy mình bị đỉa đeo, máu lạnh đang bị đỉa hút ra từ ống quyển, ông bụt nóng ran lên, hoảng vía mét vợ, khanh giựt mình check mail và cell phone của chồng. Đây rồi, vài chục cú gọi vào máy trước giờ tan sở, mail gởi vào rạng đông than thở đêm nay cô em khó ngủ, con nhỏ khóc hu hu nghi ông bụt có gì với nữ tặc saké.
Xét tính tình chất phác, dễ tin của cháu rể, xét yếu tố vô tư không có tình ý riêng lẻ gì với đồng nghiệp Nhật bản, xét sự chung thủy còn nguyên vẹn không sứt mẻ của ông bụt nên bụt mới “mét” vợ khi bị đỉa đeo, nên chúng ta, Khanh và tôi sẽ cùng “hợp tác” để tìm ra biện pháp hữu hiệu giải vây ông bụt của Khanh.
Tổng hành dinh của bộ tham mưu là “đường dây điện thoại nóng”, có dấu hiệu gì mới cứ nhấc điện thoại “tường trình” tại chỗ, bên này tôi sẽ “vấn ý” từ xa bất kể ngày đêm, biên bản miệng kết thúc ở đây, chả cần chữ ký cũng như con dấu (làm gì có con dấu đóng chữ “ghen”), lấy tình đoàn kết phái nữ làm tin.
Nói cho cháu yên lòng, chứ lòng tôi rối bời, vấn ý linh tinh, lỡ bể nồi bể ơ nhà người ta, tôi mang tội tới kiếp sau chưa trả nổi, chưa kể khi tôi lên cơn “ghen từ xa” xúi bậy, mai này hết dám đối mặt thằng cháu rể Mỹ. Ông bụt tuy không có tình ý, nhưng nếu tình trạng này kéo dài ai biết “sẽ ra sao ngày sau”, tốt hơn cả là phải bàn bạc với ông bụt để tìm cách kết thúc ngay trò chơi cúp bắt của nữ tặc, phải khéo léo tạo lối thoát cho đối phương để không ai phải mất mặt.
Khanh phải tuyệt đối tuân thủ chính sách ba không: không ghen ẩu, không ra mặt gặp đối phương, không lên tiếng ồn ào, phải “rút vào hậu cứ” chờ chú Sam diệt địch xong ta mới xuất hiện.
Ông bụt là đầu dây mối nhợ, tuy lỗi tại ả có chút chút tại gã bụt ngây ngô, vậy đích thân ông bụt phải kháng chiến qua con đường “đàm phán” với nữ tặc để xoa dịu cơn mê đang hồi khóc liệt, đừng để nữ tặc quá tuyệt vọng, nhỡ nàng “harakiri bằng lời” coi như tiêu tùng sự nghiệp chú sam.
Đó là những nét “chủ đạo” của cuộc hành quân, dàn binh bố trận, vợ chồng lâm chiến tự biên tự diễn.
Hôm sau tôi gọi Khanh bảo nó bàn với chồng theo hướng đề nghị của tôi xem sao, con nhỏ đang “hết hồn mất vía” nói luôn với Bill, dì của em nói như thế, chúng mình phải đoàn kết để diệt giặc. Ông bụt ngạc nhiên đến sững sờ, không ngờ dân ta luôn giữ truyền thống gia đình, dù đã thành gia thất, con cháu vẫn liên lạc mật thiết với mọi người chứ không tách ra sống riêng lẻ như họ. Tôi rất ngại khi Khanh nói, đã kể cho chồng nghe phần góp ý của tôi, sợ ông bụt hiểu lầm tôi là đứa mách lẻo nhiều chuyện, may quá ông bụt chẳng chê còn gởi lời cảm ơn “kẻ ở miền xa” vì tôi không quản không gian cách trở mà vì hạnh phúc của các cháu đã ủng hộ tinh thần Khanh bất kể ngày đêm.
Ông bụt thở dài thểu não, đành ra trận tự giải vây, không thì vợ con chết lây. Dân Mỹ đã biết chiến tranh là gì đâu, chỉ nghe qua radio, thấy trên tivi, chưa hít lựu đạn cay, chưa nghe rocket nổ, chưa thấy hỏa châu rơi, làm sao lì như dân ta, tôi thương thằng cháu rể, y như tên lính trẻ ngu ngơ ra trận, may là có “bộ tham mưu” đã có kinh nghiệm xung trận vấn ý.
Kết quả đạt yêu cầu trong gang tấc, cô em phù tang tiu nghỉu ra về mắt đỏ hoe, thề sẽ hỏng thèm meo miếc cho vợ chồng ông bụt nữa, không gởi lời nhắn vào cell phone... Để cứu lấy danh dự cô nàng tuyên bố đơn phương nghỉ chơi với ông bụt.
Hú vía, ông bụt thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc, từ nay bụt hứa với vợ sẽ không đi ăn đêm với phái nữ nữa, có đi thì đi chung một đám để tránh cảnh “thầm yêu trộm nhớ” đơn phương, vì ai biết được kẻ thất tình có thể ôm bom tự sát tại gia người không đáp lại mối tình trộm nhớ, chết vì không yêu mới lãng xẹc.
Còn Khanh mấp mé bên cạnh một cơn ghen suýt bùng nổ, may mà vợ chồng còn tin nhau để ngồi lại cùng tìm ra lối thoát an toàn, giờ những lời trách móc được thay bằng câu nói dịu dàng nồng ấm, sau mười năm chung sống, vợ chồng chợt hiểu một ngày không mưa bão là một ngày hạnh phúc và phải trân quí giây phút bên nhau.
Tôi diễu ông bụt, lôi chai saké ra để hâm nóng mối tình mỹ việt của các cháu, cho dì gởi lời cảm ơn cô em xứ phù tang về chai rượu, vì đó là điễm mấu chốt của sự nghi ngờ đã được giải tỏa và cũng nhờ đó mà tình nghĩa vợ chồng của hai cháu trở nên đậm đà hơn.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến