Hôm nay,  

35 Năm Đổi Đời: Còn Đó Nỗi Buồn...

05/03/201000:00:00(Xem: 300369)

35 Năm Đổi Đời: Còn Đó Nỗi Buồn...

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 2879 -1628979- vb6030510

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA.,  đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới nhất của Bảo Trân là những hồi ức về 35 năm đổi đời, kể từ Tháng Tư 1975, thời điểm người Việt phải rời bỏ quê hương tìm tự do.

***

Mấy tuần lễ trước sinh nhật tôi, Helen, người thư ký của nhóm, người có trách nhiệm xếp đặt những buổi ăn mừng sinh nhật (trừ sinh nhật của bà, sẽ do tôi đảm trách), đã đến bàn làm việc của tôi thì thầm:
-  Bà Ly tính đi ăn mừng sinh nhật của bà ngày nào vậy, và ở nhà hàng nào"
Tôi ngước mắt nhìn Helen:
-  Đã đến sinh nhật của tôi đâu mà tính"   
Helen gật đầu:
- Tôi biết, còn những mấy tuần nữa, nhưng bà phải tính trước, để bà con còn để dành tiền.  Ly biết mà, tiền của chúng tôi đã được sắp đặt vào những việc cần thiết, bất thình lình giữa hai ngày lương mà phải tiêu pha thêm là… kẹt lắm.
Tôi cười: 
-  Helen là người điều khiển chương trình mà phải không"  Bà cứ tính coi ngày nào thuận tiện cho tất cả mọi người, rồi gửi email báo cho cả nhóm biết. 
-  Thế còn nhà hàng thì sao"
- Thì cũng tùy Helen lựa chọn luôn.  Tìm cái nhà hàng nào có đủ loại thức ăn cho mọi người để khỏi ai phàn nàn vì người không ăn được thứ này, người không thích thứ nọ.
Helen đứng dậy:
- Vậy thì mình đến Grand Buffet như mọi năm nghe.  Còn ngày thì chọn ngày thứ Năm vì ngày đó không có “intake” (nhận hồ sơ mới), lại trúng ngay vào sinh nhật của bà đó, bà sẽ được cái “gift certificate” $10 để dành cho lần đi ăn kế tiếp.  Để tôi về bàn gửi email cho tất cả mọi người.
Tôi vội vã kêu lên:
-  Không, tôi không muốn đi ăn đúng vào sinh nhật tôi.
Helen dừng lại, tròn mắt nhìn tôi:
-  Sao vậy"  
-  Bởi vì… bởi vì…  
Helen kiên nhẫn chờ đợi.  Tôi buồn bã nói tiếp: 
-  Bởi vì… tôi không thích, thế thôi…
Helen lẳng lặng trở về bàn.  Helen dễ tính như thế đó, nói thì nghe, không nói thì không cần phải… nghe, và chả cần hỏi han thêm một lời nào cả.
Ăn mừng sinh nhật, xem như là một truyền thống của nhóm chúng tôi. Helen giữ danh sách sinh nhật của tất cả những người làm chung nhóm.  Đến sinh nhật của người nào, thì cả nhóm đãi người vừa được thêm một tuổi đi ăn trưa, ở một nhà hàng do chính người được đãi chọn lựa, mua cho một cái bánh ngọt nhỏ, hát bài “Happy Birthday” chúc mừng sinh nhật vui vẻ rồi cắt bánh ăn chung với nhau. 
Nhóm chúng tôi có tám người, chỉ một mình tôi là Việt Nam, còn lại gồm: hai người Mỹ (một trắng, một màu), một Mễ, một Phi Luật Tân, hai Trung Hoa (một từ Hong Kong và một từ Đài Loan), và ông sếp của chúng tôi người El Salvador.  Hiệp chủng như vậy, nên chọn nhà hàng ăn cũng là một vấn đề với cái nhóm này, vì ăn đồ Mễ, đồ Mỹ hoài thì bà Phi, bà Đài Loan kêu ngán, nhưng nếu chọn mấy nhà hàng Việt, Phi thì mấy người Mỹ, Mễ không thích, tới nhà hàng Ý thì ông Hong Kong và tôi không hảo mấy cái món mì ống, mì sợi.  Chỉ có ông sếp người El Salvador là dễ tính, đi ăn ở đâu cũng được vì ông quan niệm “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”.
Bởi thế, tôi chọn Grand Buffet là hay hơn cả.  Grand Buffer là một nhà hàng Tàu, có những món ăn Trung Hoa được Mỹ hóa, như ở China Express Food To Go, và còn có đủ thứ món Mỹ (fried chicken, salad), Ý (pizza, spaghetti), Mễ (taco), Nhật (sushi), Đại Hàn (BBQ rib), cho tất cả mọi người chọn lựa.  Hình như, năm nào Helen cũng hỏi tôi cho có lệ, chứ bà ta đã biết rõ câu trả lời của tôi, vì tôi chỉ làm theo “truyền thống” mà thôi, chứ sinh nhật là ngày đã không được tôi hân hoan đón chào như thuở còn bé nữa.
Tôi ngồi nhìn cuốn lịch, ngày tháng trôi qua nhanh quá, tôi lại sắp thêm một tuổi.  Thêm một mốc thời gian ở tại đất nước này, nơi mà tôi đã chấp nhận là “Quê Hương Thứ Hai”.  Tôi đã ở đây một thời gian dài gần gấp đôi số năm tôi ở trên quê hương tôi.  Tôi đã bước vào lưng chừng cái tuổi “tri thiên mệnh”, nhưng còn có gì để mà “tri” đây, khi “thiên mệnh” đã định rồi cho tôi một cuộc đổi dời, từ 35 năm trước…

*
Đầu tháng Ba năm 1975, chiến trường Việt Nam sôi động với trận đánh của Việt Cộng vào Ban Mê Thuột.  Nỗi bàng hoàng của Phước Long vài tháng trước vẫn còn âm ỉ trong lòng. Tôi vừa cùng với Ngọc Yến, Phương Lan đi thăm mộ anh của Phương Lan về.  Người lính trẻ nằm xuống cho sự bình yên của đất nước chưa kịp ngậm cười.  Những tin tức thất thủ, rút quân lan tràn khắp thủ đô.  Sài Gòn rơi vào tình trạng nghiêm trọng lạ thường.
Radio, tivi được họat động mạnh mẽ không ngừng. Những phần tin tức chiến trường ngày xưa được thông qua với lũ em nhỏ nhà tôi, giờ đây được chúng chiếu cố kỹ lưỡng.  Tụi nhỏ ngồi lặng im cùng cả nhà nghe tường thuật, chăm chú nhìn những vùng chấm đen gạch dấu thập, dấu hiệu của những vùng đất đã bị chiếm đóng, xót xa nhìn bản đồ miền Nam càng ngày càng bị thu ngắn dần.  Dường như lũ nhỏ ý thức được chuyện gì đang và sẽ phải xảy ra.  Có phải chiến tranh đã làm cho con người trưởng thành nhanh chóng"
Tình hình càng ngày càng bi đát hơn khi cái vĩ tuyến thứ 13 cũng bị xóa bỏ trên tấm bản đồ.  Chú Thái, đang theo học lớp tu nghiệp báo chí do hãng thông tấn xã AP đài thọ, hớt hải gọi về từ Minnessota:  
-  Trời ơi, sao ở nhà còn ngồi yên chưa nhúc nhích, bên này lều trại đã được dựng lên hết rồi.  
Nhúc nhích làm sao được, khi cái việc đi hay ở đâu phải do mình!  Những chuyến máy bay chở nhân viên làm việc với những hãng Mỹ đã qua tới đảo Clark.  Bạn bè của chú Ninh cũng gọi về ơi ới: 
-  Tại sao mày còn chưa có chuyến đi" 
Bố không còn đi đi, về về thường xuyên trên con đường Sài Gòn - Mỹ Tho dài 70 cây số nữa.  Trụ sở chưa đóng cửa, nhưng đã tan hoang.  Nhân viên ở địa phương ùa vào khuân đi hết đồ đạc một ngày sau khi ông sếp lớn sơ hở lời từ tạ.  Bố phải chạy đi chạy lại trình diện ở văn phòng trung ương, và vẫn còn phải xuống Cần Thơ làm việc.  
Rồi bố về một cuối tuần, bảo tôi không cần đi học nữa, tôi phải lo sửa sọan cho cả nhà, chờ bố về là đi.  Chưa biết bao giờ đi, và sẽ đi đến đâu, nhưng phải đi, vì bố không thể ở lại, bố đã bỏ đi một lần hai mươi mốt năm về trước. Bố bảo có thể là mình phải đi đường thủy, vì nơi bố làm việc thuộc vùng Bốn, và bởi vì những chuyến máy bay di tản vẫn đang còn phải chuyên chở những nhân viên thuộc vùng Một, vùng Hai.  Đi đường thủy gian nan lắm chứ không phải được như máy bay đâu.  Chị em tôi thì có được đi máy bay lần nào đâu, nên biết gì mà so sánh, nhưng chạy loạn mà, làm sao có được sự chọn lựa không gian nan.
Tôi rời Văn Khoa, bỏ quên những giờ lang thang ở thư viện, những buổi sáng trời mơ sương trên tầng lầu giảng đường Bốn nhìn xuống con đường Cường Để lặng im, bỏ những trưa nắng dịu dàng bên Thúy Ái trong hội quán, và những chiều lộng gió đạp xe lang thang trên con đường Hồng Thập Tự rợp bóng me xanh.  Sân trường vẫn tấp nập như ngày nào.  Vẫn từng đó giáo sư cho từng đó giờ giảng dạy.  Vẫn những bài học như thường lệ.  Vẫn từng nhóm sinh viên quây quần bên nhau sau những giờ chen chúc trong giảng đường rộng lớn.  Văn Khoa đang sẵn sàng cho mùa thi sắp tới, nhưng dường như không khí có vẻ khác lạ hơn xưa. 
Tôi không tìm thấy Thúy Ái trong sân trường, vì Thúy Ái và tôi có những thời khóa biểu khác nhau. Tôi chọn môn Văn Chương Anh và Thúy Ái chọn môn Việt Hán.  Hai đứa chỉ gặp nhau những giờ phụ thuộc, nên muốn nói cho Thúy Ái nghe những rời rã đang manh nha mà không thể nói được. Mình sắp xa nhau rồi Thúy Ái biết không"  
Đêm, chúng tôi ngồi sóat lại những món đồ cần thiết để mang theo.  Bố đã dặn đi dặn lại: 
- Cần nhất là giấy tờ tùy thân và mấy bộ quần áo thay đổi, ngòai ra, không được đem theo những món đồ lỉnh kỉnh, mình không có đủ chỗ đâu.    
Tôi nhìn lại tủ quần áo, những chiếc áo dài trắng lụa là của một thời Gia Long vẫn còn đó, nhưng tôi không dám gói theo một cái nào.  Tôi chỉ đem theo những bộ quần áo thật giản dị, bình thường như bố dặn mà thôi.  Tôi nhìn qua tủ đồ chơi, tủ sách, bàn học...  Những món đồ chơi bạn bè tặng từ sinh nhật năm ngoái vẫn còn gọn gàng trong một góc tủ, có món còn đầy đủ giấy hoa.  Những quyển truyện của NC, NĐT, MT… trên ngăn sách cũng đứng lặng, buồn thiu.  Sách vở vẫn bừa bãi trên bàn học.  Thời khóa biểu của một năm trời học tập vẫn còn dán cứng trên tường.  Và còn ngăn kéo truyện và thơ, những tác phẩm nhỏ bé của suốt bẩy năm trời tập tành viết lách vẫn còn ở nguyên một chỗ, im lìm. Từ lâu rồi, vì bận rộn với cuộc sống mới của “sinh viên đại học” tôi đã không còn thì giờ ngó ngàng đến chúng.
Tôi lôi ngăn tủ này ra, ôm đi một vài quyển sách, mở ngăn kéo nọ xếp lại mấy trang bản thảo chữ chưa mờ. Cầm những mẩu truyện được đăng báo cắt xếp lại theo thứ tự ngày tháng lên tôi lại bỏ xuống. Từng ấy thứ cho một sự lựa chọn nhỏ nhoi thì làm sao tôi làm được"  Để lại tất cả ở chỗ cũ của nó, tôi chỉ biết nhìn và khóc, khóc cho một thứ hạnh phúc mỏng manh sắp sửa vỡ tan tành.  
Tôi nghe bố nói với chú Ninh: 
-  Nếu mà đi đường thủy thì may ra tôi còn đưa được ông bà cụ theo, chứ đi bằng máy bay thì sở chỉ cho đem gia đình trực thuộc mà thôi.  
Chú Ninh trả lời, giọng chắc nịch: 
-  Anh đông con, cứ lo cho chúng nó đã đi.  Tôi thế nào cũng lo được cho ông bà cụ.  
Ngày tháng đi qua chậm rãi và dài lê thê.  Bố vẫn tiếp tục trình diện ở văn phòng trung ương.  Văn phòng làm việc của chú Ninh vẫn chưa đóng cửa. Giữa tháng Tư rồi, cuộc tranh chấp trên những vùng đất nước vẫn chưa ngã ngũ đến đâu.  Chú Thái vẫn gọi điện thọai về giục giã.  
Buổi sáng ngày 21 tháng 4, bố có điện thoại sở gọi bảo phải xuống Mỹ Tho gấp. Trước khi đi bố dặn tôi canh chừng lũ em không cho đứa nào đi ra khỏi cửa.  Ba giờ rưỡi chiều, xe jeep của bố ngừng ngay trước cửa nhà, tiếng thắng vội vàng, gấp rút.  Tôi nhìn ra, chú Tư tài xế vừa ngừng xe là bố đã tất tả chạy vào, bảo má: 
-  Văn phòng ở Mỹ Tho vừa đóng cửa.  Ngày mai bố phải sang thu vén bên Cần Thơ.  Có thể là cả nhà phải sửa soạn để về miền Tây, đi bằng đường thủy.  Bây giờ bố phải trở lại trình diện ở trung ương.  
Vừa lúc bố quay ra, chuông điện thoại reo.  Tôi cầm lên, bên kia đầu giây là giọng một người Mỹ, hối hả đòi nói chuyện với bố. Tôi đưa điện thoại cho bố.  Không biết người bên kia nói gì, nhưng tôi chỉ nghe bố trả lời:   
-  25 phút, được rồi Danny, ở trụ sở Hiền Vương.  
Bố quay lại tôi: 
-  Gọi các em, mình phải đi thôi.  
Má òa lên khóc.  Vừa gạt nước mắt má vừa gom mấy cái túi vải đựng quần áo đang để ở góc phòng.  Bố chạy lao vào phòng ông bà, tôi chạy theo.  Mấy đứa em tôi nãy giờ đã nghe tiếng bố nói chuyện với tôi và má từ ngoài phòng khách, đang níu lấy bà khóc nức nở.  Bố nghẹn ngào nói với ông bà: 
-  Chúng con phải đi ngay bây giờ.  
Ông đang ngồi uống trà với chú Ninh, nhìn lên:  
-  Thôi thì anh đưa chúng nó đi...  
Chú Ninh cố giữ giọng bình tĩnh: 
-  Anh yên tâm đi trước, tôi sẽ cố lo cho ông bà cụ.  Tí nữa tôi vào sở xem sao.
Thanh Thanh, con em thứ ba hay đau ốm nên được ông thương nhất nhà ngồi thụp xuống ôm chân ông:
-  Con không đi, con ở lại với ông.  
Ông xoa đầu con bé dỗ dành: 
-  Con đi trước đi, ông bà với chú đi sau.  Đi đi không lỡ chuyến. 
Con bé vẫn nhất định không rời.  Ông cắn răng:  
-  Con không đi ông cắn lưỡi tự tử bây giờ.
Má kéo Thanh Thanh lên, chào ông bà rồi lùi dần ra cửa.  Bà dúi vào tay tôi hai lạng vàng: 
-  Cố tiện tặn trong những ngày đầu.  Sang bên ấy tìm chú.
Bà ôm chặt Quốc Trung, thằng cháu đích tôn bao nhiêu năm nay vẫn theo bố má ở Mỹ Tho, chỉ mới về với bà từ những ngày đầu loạn lạc, không muốn rời.  Thằng bé cũng ôm chặt lấy bà mếu máo. 
Ông hét lên:
-  Bà buông ngay ra cho chúng nó đi.
Bố cầm tay lái.  Chú Tư ngồi im ở ghế bên cạnh ôm chặt Quốc Trung.  Má và bốn đứa con gái chen chúc ở băng sau.  Bố lái xe thục mạng, len lỏi qua những con đường chiều đông đảo, vượt qua hết những ngọn đèn vàng, đỏ.  Bố chỉ còn đúng 15 phút để đi từ Trần Hưng Đạo đến Hiền Vương.
Bố đến trụ sở Hiền Vương vừa lúc hai cánh cổng đang từ từ khép lại.  Danny, người sếp trực thuộc của bố đang nóng nảy đứng chờ ngay ở bên ngòai cổng.  Danny hét to khi nhìn thấy bố:
-  Nhanh lên, không thì sẽ trễ giờ.
Bố theo Danny vào văn phòng, và trở ra ngay sau đó với một xấp giấy tờ đánh máy - giấy thông hành của gia đình tôi.  Bốn chiếc xe bus to tướng đang nằm im lìm trong sân chờ đợi đón người.  Gia đình tôi là gia đình cuối cùng trên danh sách nên vẫn còn phải chờ xếp hàng đến lượt lên xe.  Bố đưa chìa khóa xe jeep lại cho chú Tư, hai người ôm lấy nhau một hồi lâu.  Chú Tư và bố cố ngăn dòng nước mắt.  Chú Tư nói:
-  Chúc ông và cả nhà may mắn, đừng quên về thăm lại quê hương.  Tôi sẽ về lại Mỹ Tho.  Gia đình tôi quê mùa, chắc cũng không có gì phải lo.
Bố nói:
-  Tôi sẽ về, nếu chú còn ở chỗ cũ tôi sẽ đến thăm chú. 
Danny hối thúc chúng tôi lên xe bus.  Trên xe, Danny giải thích cho bố nghe tại sao chúng tôi có thể đi với ông ngày hôm nay.  Đáng lý ra thì Danny đã về nước từ tuần trước, với những cố vấn khác trong sở, nhưng ông đã phải ở lại để chờ Kim, vợ ông, về Gò Công năn nỉ mẹ của Kim cùng di tản với gia đình ông.  Nhưng mẹ Kim đã nhất quyết không đi, vì bà còn cả một đại gia đình ở đó.  Khi Danny trở về trình diện ở Sài Gòn sáng hôm nay, thì được biết là văn phòng Mỹ Tho đã đóng cửa, và Danny đã được lệnh ở lại chờ đem gia đình bố đi theo.
Bốn chiếc xe bus khổng lồ chở đầy người từ từ rời khỏi trụ sở Hiền Vương bằng cổng sau.  Tôi nhìn xuống đường qua màu kính xám của khung cửa sổ, cố tìm xem có ai để ý đến những chiếc xe bus khổng lồ đang di chuyển trên đường phố không"  Có ai biết là chúng tôi đang xa rời quê hương Việt Nam hay không"  Nhưng tim tôi như thắt lại khi thấy Sài Gòn của tôi vẫn còn bình yên quá, người trên đường phố vẫn thản nhiên với  công việc hằng ngày.  Xe cộ vẫn tấp nập như những ngày tan sở thường lệ.  Ôi Sài Gòn của tôi, chắc Sài Gòn  cũng đang thấm tháp mùi vị chia tay, khi những chuyến máy bay quân sự của quân đội đồng minh đang ồ ạt chở người đi di tản, thế mà sao Sài Gòn vẫn bình thản lặng im"!
Những chuyến xe bus chạy vào ngã sau phi trường, đổ người xuống bên những dãy hành lang vắng lặng.  Nơi này là bãi đáp của phi trường quân sự.  Chúng tôi sẽ được đưa ra khỏi Việt Nam trên những chuyến máy bay vận tải C130.  Chuyến bay cuối cùng vừa cất cánh trước đó một giờ, nên chúng tôi phải chờ đến sáng mai.
Buổi tối, tôi ngồi co ro trong một góc phòng, cái áo lạnh mỏng không đủ ấm nhưng tôi cũng không màng lấy thêm áo trong túi xách ra. Trong đêm, tôi nghe có tiếng đại bác vọng về đâu đây tưởng như là gần ghê lắm.  Tôi nghe tiếng người chung quanh thì thầm bảo nhau là người của “bên kia” đã về gần Xuân Lộc, họ đang tìm cách chiếm cứ phi trường để vô hiệu hóa tuyến đường giao thông, hòng cản trở những chuyến bay đang đưa người ra khỏi nước.  Tôi nghe có tiếng khóc thút thít đâu đây, và có người đã toan tính đến việc trở về nhà.  Tôi ôm gói hành trang dựa lưng vào tường, và đã thiếp đi trong mỏi mệt.
Khi tôi tỉnh dậy, thì bố và Danny đã sẵn sàng ở ngoài hành lang sân bay.  Tôi lặng im nhìn những chiếc máy bay màu xanh lục của người bạn đồng minh không biết đã đến từ lúc nào, đang chờ đợi để đưa chúng tôi đi. Hai hàng lính Thủy Quân Lục Chiến đã dàn thành hàng rào từ ngay trong sân chờ ra đến tận đuôi máy bay để giữ an ninh cho những người đi tị nạn. Danny và gia đình được lên trước tiên, vì ông là viên chức Mỹ duy nhất trong nhóm, và chị Kim, vợ ông đang mang một cái bầu to tướng như sắp đến ngày sinh. Vì cùng đi với gia đình Danny nên bố và gia đình tôi cũng được lên theo ngay sau đó. Nhờ thế, chúng tôi đã được ngồi trên những chiếc ghế vải dọc hai bên hông máy bay, nhìn ra cửa sổ.  Máy bay chỉ có độ vài chục chỗ ngồi hai bên hông, nên những người lên sau phải ngồi xệp xuống trong lòng tàu.  Tuy thế,  không ai dám lên tiếng phàn nàn vì hiểu rằng được đưa ra khỏi vùng chiến tranh trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng này đã là một may mắn quá lớn lao rồi.
Tôi nhìn quanh chiếc máy bay đầy nghẹt những người mà không khỏi lo âu. Tôi sắp rời xa quê hương, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên. Tôi sắp sửa đi đến một nơi xa lạ mà không biết những gì đang chờ đợi mình ở đó. Tôi vừa học xong trung học, mới bắt đầu tập tễnh bước vào ngưỡng cửa đại học, chưa có một cái nghề gì trong tay để kiếm sống. Má tôi chỉ đơn thuần là một bà nội trợ, và bố là nguồn trợ cấp duy nhất của gia đình. Nhưng bố đã lớn tuổi rồi, ông có thể làm gì đây để nuôi nấng gia đình, khi cái việc làm cũ của ông không còn thích hợp với vùng đất thanh bình đó" 
Tôi nhìn bố, bố cũng nhìn lại tôi. Tôi tưởng như bố đang thì thầm với tôi: “Bố biết con lo lắng, và bố cũng đang lo đây. Nhưng con biết là bố không thể ở lại được. Không có người nào có thể sống với Cộng Sản. Đã có bao nhiêu người mất hết tài sản và tính mạng năm 1954 khi chúng “giải phóng” miền Bắc.  Chúng ta phải đi, nếu chúng ta còn muốn sống trong TỰ DO.  Hoa Kỳ là miền đất hứa, hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội.”
Tôi ngồi lặng im trong lòng ghế.  Tôi có cảm tưởng máy bay đang di chuyển chậm chạp ra phi đạo. Tôi nhìn qua khung cửa sổ để thấy nhà cửa, cây cối đang lùi dần lại phía sau. Tôi chợt rùng mình. Tôi sắp rời xa Sài Gòn. Tôi rời xa quê hương và không biết là có bao giờ trở lại" Tôi rời Việt Nam ngày vừa tròn 20 tuổi!  Chiếc máy bay thét gầm rồi nhấc bổng tôi lên trời cao. Tôi bật khóc. Cả một đoàn người đang ngồi lặng im trong lòng chiếc tàu, cũng vỡ òa lên khóc theo tôi…

*
Chúng tôi được đưa vào trại chuyển tiếp ở Guam, chung barrack với Danny và mấy gia đình khác.  Cái barrack có hai dẫy giường bố đặt san sát, gọn ghẽ hai bên, chỉ đủ chừa một khoảng đường đi nho nhỏ ở giữa. Gia đình tôi chiếm bẩy cái ghế bố ở cuối phòng, gần phòng tắm.  Bên cạnh chúng tôi là gia đình ông Đại Tá Tùng, có năm người: bà chị góa chồng, ông  và ba đứa con Khanh, Hạnh, Quyền, bằng cỡ tuổi mấy chị em tôi.  Gia đình chị Kim, Danny và thằng con nhỏ Bobby của họ ở phía ngoài cùng, gần cửa ra vào.  Phía bên kia, đối diện với dãy giường của gia đình tôi có cô Hương, gia đình chú Đạm với thằng con 8 tuổi và hai cô “em gái”.  Kế đó là gia đình của một ông tướng, với một bầu đoàn thê tử khoảng mười người, kể cả một người “cháu họ” để lo phục dịch cho ông bà.  Vậy mà, khi bố rời khỏi Việt Nam người ta đã bảo là chỉ mang theo gia đình trực thuộc nên bố đâu đưa được ông bà và cô, chú đi theo!


Chị Kim và Danny chỉ ở trong trại một đêm nay thôi, gia đình chị sẽ về Washington DC trong chuyến máy bay sáng ngày hôm sau.  Buổi tối hôm đó, má tặng chị Kim ba cái tượng Phước Lộc Thọ bằng Giang Tây mà má đã dấu bố nhét trong túi quần áo đem theo, để gọi là cám ơn vợ chồng chị đã ở lại chờ đưa gia đình chúng tôi đi.  Gia tài của má, sẽ chỉ còn lại bức tượng Phật Bà Quan Âm nho nhỏ với chiếc y và bình nước cam lồ màu trắng, mà má vẫn đem ra phía trước barrack để cùng mấy bà trong trại tụng kinh mỗi sáng những ngày sau này.
Bố gọi điện thoại collect cho đại tá hồi hưu John Rice, thượng cấp trực tiếp của bố ngày bố còn làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Rice nói, ông sẽ tiến hành thủ tục bảo lãnh bố và gia đình ngay lập tức, nhưng ông không biết là bố phải chờ bao lâu vì ông nghe nói, chúng tôi sẽ được đưa sang tạm trú ở trại Pendleton, thuộc tiểu bang California, trước khi được ra thành phố với người bảo lãnh.
Một tuần lễ trong trại chuyển tiếp trôi qua chậm chạp và buồn tẻ.  Ngày nào như ngày nấy chúng tôi không có việc gì làm khác hơn là xếp hàng chờ lấy thức ăn.  Má thì có mấy bà ở những cái barrack chung quanh làm bè bạn, mấy bà ngồi họp với nhau nói chuyện trời mưa, trời gió sau những buổi sáng tụng kinh.  Còn bố và Đại Tá Tùng thì kéo hai cái ghế nhỏ ngồi trước cửa barrack nhìn sân nắng mà bàn chuyện cũ, chuyện mới.  Mấy đứa em tôi thảnh thơi chạy chơi với mấy đứa trẻ trong trại.  Chỉ có một mình tôi là cô đơn.  Tôi xin được một quyển sổ nhỏ và một cây bút mực xanh.  Tôi muốn ghi lại những cảm xúc của tôi trong những ngày vừa qua, nhưng tự dưng đầu óc tôi trống rỗng, nên những trang giấy vẫn trắng tinh. 
Ngày 30 tháng 4, sau bữa cơm trưa, tôi đi lang thang đến từng dãy barrack để tìm xem trong những nhóm người mới đến có người nào quen thuộc hay không. Bỗng tôi nghe có tiếng người nhốn nháo, rồi những tiếng hét - Trời ơi! -  rồi những tiếng khóc inh ỏi vang dậy khắp nơi.  Tôi chạy vội về nhà ăn, nơi phát xuất ra tiếng người kêu khóc, nơi có cái tivi nhỏ 19 inches, mà chúng tôi vẫn tụ tập lại sau bữa ăn chiều để xem tin tức.  Tôi thấy mọi người túa ra như ong vỡ tổ từ khoảng sân nhỏ đó.  Tôi hỏi một người đang chạy ngược về phía tôi, khuôn mặt ông ta dàn dụa nước mắt:
-  Chuyện gì vậy chú"
Ông ta mếu máo:
-  Mất Việt Nam rồi! Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi! Hết đường về rồi! 
Tôi nghe lạnh buốt cả người. Tôi chạy về barrack tìm bố.  Tôi không thấy bố ở cái ghế trước cửa barrack, nơi mỗi sáng bố vẫn ngồi uống café tị nạn nói chuyện với Đại Tá Tùng về những diễn biến ở Việt Nam, đoán xem ngày nào có thể trở lại Sài Gòn. Tôi chạy ra phía sau sân cỏ, vừa chạy tôi vừa gọi bố, nhưng không có tiếng trả lời.  Và tôi đã nhìn thấy bố, ở cuối góc sân, nơi mấy ngày hôm trước bố vừa dấm dúi một góc vàng bẻ ra từ một trong hai miếng vàng bà đưa trong ngày giã biệt, nhờ một người địa phương phụ trách việc dọn dẹp trong trại mua giùm cho một cái vali Samsonite nhỏ, để bố đựng những giấy tờ quan trọng, vì ngày đi, chúng tôi chỉ đem toàn là những cái ba lô may bằng vải bao bố.  Bố đứng đó, một mình, úp mặt trên hai cánh tay đặt trên tường, đôi vai run lên từng chập, tôi nghe rõ ràng từng tiếng nấc.  Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố, một người lính từng lăn lóc qua bao nhiêu hiểm nguy, lửa đạn, đang uất nghẹn úp mặt vào đôi cánh tay tức tưởi… Tôi quay mình chạy ngược về sân trại, vừa chạy tôi vừa khóc.  Tôi không biết mình phải chạy đi đâu, khi cả trại chuyển tiếp của chúng tôi nơi nào cũng ngập tràn nước mắt...

*
Sau một tháng ở trại Pendleton chờ đợi giấy tờ bảo lãnh của ông Rice, chúng tôi giã từ trại tị nạn lên đường sang Louisiana một ngày đầu tháng Sáu. Ông bà Rice đón chúng tôi về nhà ở tạm trong hai căn phòng trống trong căn nhà của ông bà ở thành phố New Orleans.  Bố được nghỉ ngơi đúng ba ngày rồi được ông đưa đi nhận việc làm.  Các em tôi hằng ngày có xe bus đến tận cửa nhà đón sang Jefferson Parish đi học hè.  Tôi không được đi học với các em vì đã quá tuổi làm học trò. Ông Rice bảo tôi cứ ở nhà ôn lại Anh Văn để tháng 9 này ông đưa sang học nội trú ở trường đại học của tiểu bang tận thủ phủ Baton Rouge.  Nhưng tôi đã không có dịp đi Baton Rouge nội trú, vì đầu tháng 9 bố đã đem gia đình về lại Cali.  Trước ngày đi một tuần lễ, bố gọi điện thoại lên hội thiện nguyện Lutheran báo cho họ biết là bố sẽ rời gia đình người bảo lãnh để về California, chỉ vì bố có nhiều người quen, họ hàng ở bên đó, chứ không phải là có “vấn đề” gì với người bảo lãnh cả.
Bố mướn một căn nhà có hai phòng rưỡi ở thành phố Paramount.  Căn nhà này chính ra chỉ có hai phòng, nhưng ông chủ nhà đã ngăn một phần cái garage dài sọc (chỗ để máy sấy quần áo và chứa đồ lặt vặt) làm thành một căn phòng nhỏ, để vừa một cái giường đôi.  Má trải một cái khăn vải hoa, vuông vức trên máy sấy làm thành một cái “table de nuit”.  Thế là chúng tôi đã có được một mái nhà nho nhỏ để gọi là... “an cư”.  Nhưng bố vẫn còn thất nghiệp, hằng ngày, bố vẫn chăm chỉ đi xe bus với mấy chú quen trong trại tị nạn đến sở nhân dụng tìm việc làm.
Gia đình tôi ở Paramount được gần một tháng thì được họ đạo Tin Lành ở một nhà thờ vùng Downey liên lạc.  Chắc hội Lutheran thấy bố về California mà biệt vô âm tín nên đã gọi phone hỏi ông bà Rice về tin tức của chúng tôi.  Ngay chiều hôm đó, ông bà Jones, người phụ trách phần vụ xã hội của nhà thờ đến thăm gia đình chúng tôi.  Sáng hôm sau, ông Jones dẫn bố má đi xin tiền trợ cấp xã hội.  Khi trở về ông cho biết, tuy là gia đình chúng tôi đã xin được tiền Welfare, nhưng trong năm đầu tiên nhà thờ Downey sẽ giúp cho bố $100 mỗi tháng để phụ trả tiền nhà. 
Gia đình tôi lãnh trợ cấp được ba tháng thì một người trong họ đạo có hãng đại lý độc quyền phân phối mỹ phẩm cho các thẩm mỹ viện toàn vùng Nam Cali cần thêm người làm trong nhà kho của ông ta, thế là bố có việc làm.  Thỉnh thoảng, ông bà Jones đến thăm gia đình tôi.  Mỗi lần đến, ông bà đem theo một gói quần áo cũ, đủ loại, đủ cỡ, đủ màu.  Tôi và má ngồi cắt lại những cái quần áo rộng thùng thình cho vừa cỡ chúng tôi rồi may lại bằng tay để mặc.  Còn bố thì phải đi ra ngoài làm việc, nên được mặc quần áo “sang” hơn, những bộ quần áo mua ở chợ trời hay ở “Thrift Store”.
Cuộc sống của gia đình tôi được gọi là tạm ổn.  Bố đi làm phu kho hàng.  Mấy chị em tôi xin vào trường đi học.  Kể ra thì với số lương của bố, tiền giúp đỡ của nhà thờ, và số tiền Food Stamps nhà nước cho thì gia đình tôi cũng đủ sống.  Nhưng nếu muốn có một chút tiền dư để mua sắm thì tôi và má phải đi làm thêm.  Mấy bà Việt Nam quen ở trong lớp học tráng niên cùng thành phố rủ má với tôi vào mấy hãng may tập may áo hàng, cắt chỉ.  Ngày đầu tiên tập máy, thiếu chút xíu nữa là tôi may luôn mấy cái ngón tay tôi.  Còn má thì nhìn cái máy may chạy rẹt rẹt sợ quá nên xin cho chúng tôi qua khâu cắt chỉ, nhưng hai má con cắt cả ngày mà cũng không được tới $10.  Hai má con tôi buồn bã kéo nhau đi về.
Sau một khóa học ở trường đại học cộng đồng Long Beach, hai đứa em gái kế tôi xin vào làm ở văn phòng Financial Aid, giúp cho cộng đồng sinh viên người Việt lớn tuổi ở ngôi trường này.  Nhờ làm việc ở đây, chúng mới biết là cái việc xin Financial Aid để đi học quá dễ dàng, cứ ghi danh đi học là đầu khóa sẽ được lãnh một cái “check” ngon lành. Bởi vậy, chúng cũng ghi danh cho má đi học English as a Second Language, đằng nào thì má cũng cần phải học nói tiếng Anh, mà lại còn được thêm một số tiền tiêu vặt. Tôi thì không thích cái không khí rộn rịp của Long Beach City College, nên xin sang Cerritos College để học.  Khóa đầu tiên ở trường này tôi chậm lụt, và vì không phải dân cư của thành phố Norwalk (không được ưu tiên), nên khi làm giấy tờ xin Work Study xong thì những công việc văn phòng đã được chọn hết.  Người ta giao cho tôi công việc lau chùi bàn ghế, dọn dẹp rác rưởi ở Cafeteria.  Thôi cũng được, có việc làm, thêm chút đỉnh tiền rủng rỉnh cũng may.
Bố đi làm được sáu tháng thì được ông bà chủ hãng trọng dụng cho lên chức coi toàn quyền cái nhà kho.  Rồi một năm sau bố lại được ông bà giao cho chức tổng giám đốc coi luôn nhà kho và văn phòng, kiểm soát cả “saleman”.  Lương của bố bây giờ cũng đã rất khá, nên bố đã bắt đầu gửi lại cho nhà thờ Downey mỗi tháng $100, gọi là “đền ơn Phiếu Mẫu”.  Và bố đã tiếp tục gửi “bát cơm Phiếu Mẫu” này gần 10 năm dài, cho đến ngày bố mất. 
Bố để dành được một số tiền, lại được ông bà chủ hãng cho mượn thêm mấy ngàn làm tiền “down” mua một căn nhà nhỏ ở thành phố Norwalk, trước cửa trường đại học Cerritos, để mấy chị em tôi đi học cho gần.  Đến lúc này thì gia đình tôi mới thật sự là “an cư, lạc nghiệp” đây.  Chúng tôi lớn lên theo thời gian, và cũng tung cánh bay đi dựng xây tổ ấm nhỏ bé của riêng mình trên quê hương mới.
Tôi ra trường, và bắt đầu cuộc đời công chức ở quận Thiên Thần (Los Angeles County). Tôi cũng có một tổ ấm nhỏ bé của riêng tôi.  Lúc này Thảo, chồng tôi, cũng đã học xong chương trình đại học.  Năm Thảo ra trường là thời đại hoàng kim của kỹ sư kỹ nghệ quốc phòng.  Những hãng thầu kỹ nghệ quốc phòng thi nhau đi đến những trường đại học để tuyển nhân viên mới.  Thảo được một nhóm kỹ sư xuất thân từ đại học Cal Poly phỏng vấn.  Và gà nhà tìm cách giúp nhau, nên Thảo đã được nhận vào làm việc ở General Dynamics dễ dàng hai tuần lễ sau đó.  Vừa qua khỏi “probation” Thảo đã “bạo gan” đặt cọc mua một căn nhà ở thành phố Pomona, gần nơi anh làm việc.  Căn nhà nằm trong một vùng đất mới vừa được khai phá. Sáu tháng sau, tôi theo chồng về vùng núi xa xăm, thực hiện một giấc mơ của người Mỹ, “American Dream”, có nhà mới, và nợ nần mới để trả.  Dọn nhà xong, tôi xin thuyên chuyển về làm ở văn phòng xã hội gần nơi cư ngụ mới.  Thảo lên chức, lên lương đều đều mỗi năm.  Cuộc đời cứ thế mà trôi, bình yên trôi.  Ba năm sau chúng tôi dọn về một căn nhà mới đẹp hơn, to hơn, ở một vùng đồi phía Nam bên kia cầu xa lộ và cho mướn căn nhà đang ở. Thế là tôi trở thành chủ nhà. Tôi bắt đầu dệt cho mình cái ước mơ làm chủ điền, chủ địa để “phục thù” những ngày đầu khốn khó.
Tôi lao mình vào một cuộc “săn vàng”. Tôi bắt đầu học theo những đồng nghiệp trong sở đánh “stock” kiếm lời. Cái stock đầu tiên của tôi mua là một loại “Penny Stock”, tôi bỏ vào chừng hơn ngàn bạc, nhưng không ngờ lại “trúng lớn” thành những hai mươi lăm ngàn.  Thấy kiếm tiền kiểu đánh stock này dễ quá, cứ ngồi nhà, nhấn nút computer đặt mua rồi theo dõi, tới lúc stock lên thì bán, chỉ phải trả một ít tiền lệ phí cho “broker” mỗi lần mua bán, nên tôi hồ hởi đem hết số tiền đã trúng, cộng thêm một số tiền để dành đặt vào những món stock kế tiếp. Stocks lên cao, lời nhưng tôi không dám bán, cứ chờ lên cao hơn, cao hơn nữa...  Bỗng dưng một ngày tối trời, thị trường chứng khoán bị khủng hoảng.  Những con số màu đen trên mạng biến thành những con số đỏ, đỏ hết cả một cái màn hình.  Tôi đau xót nhìn những con số đỏ này trong nhiều năm.  Tôi nản lòng không săn vàng bằng cách mua bán stock nữa.
Tôi hùng hục tìm cách khác để “săn vàng”.  Ban ngày tôi đi làm công chức, đếm hồ sơ đến năm giờ chiều.  Buổi tối, về lo cơm nước cho con xong thì tôi đi chào hàng mỹ phẩm, tìm thêm người làm chung với tôi cho cái loại bán hàng lối kim tự tháp này, mong một ngày mình có thật nhiều người làm việc dưới tay mình thì mình khỏi cần phải làm cực khổ nữa, cứ ngồi chia lợi tức của người khác cũng có tiền.  Mỗi năm, từ tháng Một đến tháng Tư mùa thuế là tôi lại đi làm thêm hai ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật để khai thuế lợi tức cá nhân cho người khác kiếm thêm tiền.  Hết mùa thuế rồi thì tôi lại đi chào hàng cuối tuần.  Tôi tự bảo mình phải có tiền, thật nhiều tiền, cho bằng với người ta...
Nhưng từ sau cái chết của bố, tôi chợt nghiệm ra lý lẽ của đời sống. Bon chen cho lắm thì cũng tan biến hết lúc xuôi tay. Quần là áo lụa cho lắm thì khi ra đi cũng chỉ có ba bộ áo quần, một bộ mặc trên người, hai bộ nhét dưới chân. Làm ra nhiều tiền lắm bạc, ăn uống phủ phê như bố thì lúc ra đi cũng chỉ một tay cầm túi gạo sống, một tay cầm túi vải gói độ mười đồng tiền kẽm.  Nệm ấm chăn êm cho lắm thì cuối cùng cũng chỉ được nằm trên một tấm khăn thêu hoa sen, được đắp lên người một mảnh nhiễu Đà La Ni.
Tôi đã dừng lại. Tôi không còn lăn xả vào những cuộc “săn vàng” nữa. Tôi không còn đi bán mỹ phẩm sau giờ làm việc. Tôi cũng bỏ luôn cái việc làm khai thuế mỗi đầu năm.  Tôi chỉ còn độc nhất việc làm ở Sở Xã Hội của tôi thôi. Cái giấc mơ trở thành triệu phú của tôi đã bay theo những làn khói hương ẻo lả tan biến trên không trung trong ngày đưa ma bố.  Tôi quên hẳn ý tưởng làm chủ điền, chủ địa, phục thù cho những ngày cam khổ xa xưa. Tôi chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường có vợ, có chồng, sau năm ngày đi làm, cuối tuần có thì giờ đưa con cái đi chùa, đi chơi.
Có được thì giờ rảnh rỗi nào là tôi bắc võng ra sau vườn ngồi đọc sách.  Tôi gom góp những bài thơ cũ, những truyện ngắn tôi đã viết trong những ngày tạm trú ở trại Pendleton, gửi đăng báo. Tôi cũng tập tành viết truyện dài.  Tôi cầm bút viết lại sau một thời gian trí óc cằn cỗi vì lo nợ áo cơm. Từ từ rồi tôi lấy lại được quân bình, tôi viết được nhiều hơn. Tôi cảm thấy thảnh thơi hơn.
Nhưng cuộc sống đã không hoàn toàn thảnh thơi như ý tôi mong muốn. Vào thập niên 1990, thời đại hoàng kim của kỹ nghệ quốc phòng cáo chung.  Thảo, cũng như hằng chục ngàn kỹ sư điện tử, đã bị Tổng Thống Regan sa thải.  Biết là không thể tranh đua nổi với những kỹ sư trẻ mới ra trường, Thảo đổi sang nghề buôn bán tự do, và từ đó, cuộc sống của tôi cũng tự do bập bềnh... theo kinh tế nổi trôi.

*
Ông Rice, bố và bác Tùng đã mất.  Ông Rice mất năm năm sau ngày bảo lãnh chúng tôi về New Orleans.  Bố và bác Tùng cũng đã đi theo ông vài năm sau đó.  Bố đã không thực hiện được lời hứa với chú Tư là sẽ về thăm lại quê hương.  Bố mất, sau 12 năm ngắn ngủi làm việc ở trên miền đất hứa, ở một cái tuổi mà chỉ có thể được viết trên cáo phó bằng hai chữ “hưởng dương”.  
Sau ngày nông nổi vì tự ái, tôi đánh mất căn nhà mơ ước nằm trên vùng đồi thơ mộng.  Tôi và Thảo đã thu về trong căn nhà nho nhỏ thuở đầu tiên.  Những ngày mới dọn về nhà cũ tôi đã rất não lòng vì không sao quên được hình ảnh căn nhà đã đánh mất.  Nhưng rồi tình cờ, tôi đi lang thang vào trong “mạng”, đọc được những bài giảng về “sắc sắc, không không”. Tôi cũng đã đọc qua câu chuyện của một nhà triệu phú, từng xênh xang võng lọng, ngựa xe, lúc cuối đời phải sống chui rúc ở hàng hiên một cái mobile home trong xó vườn người khác, thì xem ra sự mất mát của tôi đâu có nghĩa lý gì.  Nên tôi cũng cố gắng tập cho tâm hồn mình trở lại với an bình, và đã quyết định tìm cho tôi một con đường đi mới... “giờ thì giấy mực trải niềm vui...” 
Hai con tôi bây giờ đã lớn, đã đủ lông, đủ cánh để bay đi tìm cho mình một chân trời mới lạ.  Gà tồ đã chọn xứ chùa Vàng làm “Quê Hương Thứ Hai” từ hơn 5 năm nay và ngày ngày vẫn dạy cho người ngoại quốc nói tiếng Anh.  Một năm tôi mới gặp được Gà một lần!  Chuột nhắt thì đang còn mải mê đèn sách ở một thành phố biển, cách nơi tôi ở khoảng 1 tiếng đồng hồ xe.  Tuy ở gần như vậy nhưng một năm tôi gặp Chuột chưa tới chục lần.  Cộng hết từng đó ngày gặp cũng chưa tròn một tháng! Tôi chỉ gặp được Chuột trong những ngày nghỉ Tết, lễ ngắn hạn, vì những ngày lễ dài hạn, hay những kỳ nghỉ giữa khóa Chuột đã dành hết thì giờ vào những công tác thiện nguyện ở những nơi chốn khác nhau.  Muốn liên lạc với con, nghe được giọng nói của con, nhìn thấy con, tôi chỉ còn biết trông nhờ vào những lá thư điện tử, những cú điện thoại viễn liên, qua hình ảnh trên “web cam”.  Nhiều khi nhớ con đến phát khóc nhưng tôi chỉ dám gửi tâm sự mình vào những mẩu truyện, những vần thơ...
Hơn ba mươi năm nay, năm nào tôi cũng nhận được thiệp mừng sinh nhật của bà Rice  gửi sang từ Louisiana.  Bà Rice hay thật, bà không bỏ sót sinh nhật của một người nào trong gia đình chúng tôi, ngay cả sau khi chúng tôi đều đã có gia đình.  Nhưng sau trận bão Katrina thì bà không còn gửi thiệp mừng sinh nhật cho chúng tôi nữa.  Có thể là bà đã già rồi, trí óc không còn minh mẫn như xưa, hay là cuốn sổ địa chỉ đó đã bị nước lũ cuốn trôi"  Tôi có gọi điện thoại  cho bà mấy lần ở nhà Jackie, cô con gái lớn của bà, và sau khi bà trở lại căn nhà cũ ở New Orleans để hỏi thăm sức khỏe của bà.  Tôi cũng đã tự hứa với mình là sẽ trở lại thăm bà, một ngày, trước khi bà quá già để không còn nhận ra tôi là ai nữa.
Sinh nhật của tôi, tuy vẫn được tổ chức hàng năm trong vòng thân mật với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp như “truyền thống” nhưng tôi vẫn muốn tránh nhìn ngọn nến đỏ rực rỡ…
Nhưng riêng sinh nhật của tôi năm nay, cái sinh nhật thứ 35 sau ngày tôi xa cách quê hương, tôi sẽ làm một cái gì khác biệt hơn những năm trước.  Tôi chỉ sẽ ăn mừng cái “sinh nhật đúng ngày” này riêng với Thảo.   Sinh nhật năm nay của tôi nhằm ngày thứ Năm trong tuần; mọi năm thì tôi vẫn đi làm, nhưng năm này tôi sẽ xin phép nghỉ.  Tôi sẽ mua một cái bánh sinh nhật nhỏ, có nền moka mầu nâu đất, tôi sẽ dặn cô hàng bánh bắt cho tôi những cái hoa hồng màu vàng như màu cờ, và viết cho tôi hàng chữ “Happy Birthday” màu đỏ thẫm. Tôi sẽ thắp một ngọn nến con cũng mầu đỏ ở trong lòng một cái hoa hồng lớn nhất.  Thảo sẽ pha một bình trà thơm Đỗ Hữu, trà của vùng đất cao nguyên, quê hương Thảo.  Hai vợ chồng tôi sẽ ngồi nhìn những giòng lệ sáp màu đỏ nhỏ từ từ vào lòng cái hoa hồng vàng chảy lan ra ngoài mặt bánh kem nâu.  Khi ngọn nến cháy vừa tầm bằng mặt cái hoa kem là cũng vừa đúng lúc những lá trà thơm ngấm nước nở bung.  Chúng tôi sẽ cắt bánh ăn chung với nhau, nhấm nháp từng ngụm trà thơm ngọt vị quê hương, trong lúc chờ đợi hai đứa con ở hai phương trời xa xôi gọi điện thoại về chúc mừng sinh nhật mẹ.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi sẽ ngồi xem lại cuốn DVD “Những Nẻo Đường Đất Nước” để cùng nhớ về những hình ảnh thân thương, và để ngẫm nghĩ, sẽ còn nhiều ngày tháng Bốn của những năm về sau nữa, cũng chỉ có Thảo và tôi, hai vợ chồng già, ngồi thắp nến, cùng chia sẻ với nhau những miếng bánh cuối đời trên quê hương mới, và ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng cũ trên miền Đất Quê xưa...
BẢO TRÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,709,285
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến