Hôm nay,  

Lá Thư 35 Năm Trước Và Anh Lính Mỹ

17/02/201000:00:00(Xem: 273941)

Lá Thư 35 Năm Trước Và anh Lính Mỹ

Tác giả: Vĩnh Hầu
Bài số 2866 -1628966- vb4021710

Tác giả đã tham dự viết về nước Mỹ từ 2001. "Tôi qua Mỹ năm 90, ở San Diego 2 năm và move qua quận Cam ở cho đến giờ," ông kể.  Sau 8 năm lặng lẽ, Vĩnh Hầu góp thêm nhiều bài mới cho viết về nước Mỹ năm thứ mười.  Bài viết sau đây là chuyện người thật việc thật về một người lính Mỹ anh em, và lá thư gửi từ Mỹ về Saigon, dấu bưu điện trên bì thư là 28-4-1975, mà mãi 35 năm sau mới đến tay người nhận.  (hình bên)
* **
Khoảng trung tuần tháng Tư, năm 2009, gia đình tôi ở Cali có nhận được một phong thư dày, gởi từ tiểu bang Virginia, của Laurie, một quân nhân Mỹ, người tự nhận là con nuôi của bố mẹ tôi hồi còn ở Việt Nam trước 1975. Phong thư gồm một lá thư mới viết, giấy trắng tinh, và một bì thư cũ, trong đó có  5 trang giấy, viết đầy cả 2 mặt, công thêm một tấm ảnh căn cước (4x6), chụp Laurie lúc Chàng còn là một quân nhân trẻ trung, gầy và cao. Cả thư và phong bì đều ngả sang màu vàng úa. 
Nhìn kỹ bì thơ, tôi rất ngạc nhiên, vì thấy tên và địa chỉ của Ba tôi ở Saigon, và dấu Bưu Điện ở Mỹ đề ngày 28/4/1975, lại có thêm hàng chữ in, còn rõ nét, nội dung nói công việc đưa thư tạm thời đình chỉ, thư được trả lai cho người gởùi- 'Service temporary suspended, returned to sender'. Hoá ra, bức thư này đã viết từ Tháng Tư 1975, được bưu điện Mỹ trả lại cho người gửi.
Kèm theo phong bì vàng úa của lá thứ năm xưa, Laurie giải thích trong một tờ note mới viết trên giấy trắng, đề ngày 2/9/09:
“Dear Mom + Pop Cuc,
You will be no more surprises than me to see this 34 year old letter I wrote You.
'I discovered it last night, while shredding some of my old millitairy forms wich have been stored in the attic for years. / Mẹ và Ba Cúc thân mến, Bố mẹ sẽ không ngạc nhiên hơn con khi thấy lá thư con viết gửi Bố Mẹ từ 34 năm trước. Hôm qua, trong khi dùng máy cắt giấy để hủy bỏ một số tài liệu nhà binh xưa cũ, cất trên gác xép lâu năm, con tình cờ phát hiện bức thư.' 
Laurie viết tiếp: 'To me, it is a mystery, because I do not recall getting it returned. I have no idea what I wrote in this letter, but hope you will still enjoy it 34 years later. / "Đối với con, nó là một sự huyền bí, bởi vì con không hề nhớ ra bức thư bị trả lại. Con  cũng chẳng biết con đã viết những gì trong thư nữa, nhưng hy vọng Bố Mẹ vẫn thích thú đọc nó  34 năm sau."
Sau đây là câu chuyện chung quanh lá thư Tháng Tư 1975 gửi từ Mỹ về Việt Nam.

*
 Laurie G. Watson là một Trung Sĩ Không Quân trẻ, từ Tiểu Bang Virginia, được biệt  phái đến Nha Trang làm chuyên viên về ngành Điều Khiển Không Lưu, từ năm 1967 cho đến giữa tháng 2/75, mới trở về nước. Từ đó chúng tôi mất liên lạc, cho đến khi thư từ qua lại giữa VN và Mỹ hoat động trở lại, chúng tôi mới có tin tức lẫn nhau.
Một sự tình cờ ngẫu nhiên, khi chàng lính trẻ Laurie vui tính, đầy nhiệt huyết, lại thuê một căn phòng ở kế cận nhà chúng tôi, gần bờ biển của miền quê hương cát trắng, hiền hòa và thơ mộng.  Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ sau một thời gian vài tháng, qua những câu chào hỏi đơn sơ, 'Good morning', 'How are you"', 'Happy Holliday'...chúng tôi đã xích lại gần nhau, rất nhanh, nhất là hôm mà Laurie được mẹ tôi biếu một dĩa chả giò mới chiên dòn, còn nóng hổi. Không ngờ món ăn thuần túy VN này lại là sợi dây nối kết tình thân giữa gia đình chúng tôi và chàng lính trẻ cô đơn, thèm muốn không khí gia đình.
 Laurie là một quân nhân độc thân, nhưng lại có nếp sống rất đạo đức, hiếu thảo và có tâm hồn rất nhân bản. Tình thân suốt 7-8 năm sống gần chàng ta, cho phép tôi kết luận như thế. Lần đầu tiên được Mẹ tôi biếu món chả giò, chàng có vẻ cảm động, rối rít cám ơn, và sáng Chủ Nhật ngay sau đó, chàng ta đã khệ nệ mang qua nhà chúng tôi một thùng đồ hộp đủ các loại, mua ở P.X (Post Exchange), hồi đó được xem như là một 'Big Shopping Center', dành riêng cho Quân Nhân.
Món chả giò quá ngon đối với Laurie, đến nỗi chàng ta phải mang giấy bút ghi chép rất tỉ mỉ cách làm từ đầu cho đến khi món ăn được dọn lên bàn, để sau này có dịp cho gia đình và Evelyn, vợ chưa cưới của chàng được thưởng thức, do chính tay chàng làm lấy! Lui tới với gia đình, thấy  chúng tôi chơi môn 'mạt chược' vui quá,  chàng ta cũng đòi học cho được, nói là học để sau này về chỉ lại cho gia đình! Không biết chàng ta lãnh hội được mấy phần về môn chơi 'mah jon' này, qua sự hướng dẫn cưc kỳ luộm thuộm của tôi! Con người Laurie là thế đó!  Luôn luôn nghĩ đến gia đình.
Những ngày nghỉ, hoặc chiếu tối đến, chúng tôi không hề thấy chàng ta la cà say sưa ở những chốn ăn chơi, như một số những quân nhân khác, mà chỉ ở nhà đọc sách hoặc qua chơi bên nhà chúng tôi mãi đến khuya, vì lúc này chàng ta xem gia đình chúng tôi như là gia đình thứ hai của chàng. Rất tự nhiên, Laurie gọi Ba Mẹ tôi là Mom và Pop một cách ngọt xớt, không hề e dè hay mắc cỡ.
 Và cứ như thế, tình bạn giữa Laurie và gia đình tôi càng ngày càng sâu đậm. Ba Mẹ tôi xem chàng ta như là 'con cái trong nhà', và chàng ta cũng có vẻ khoái chí, hài lòng về điều này.  Những ngày cuối tuần, Laurie luôn luôn mang nhiều đồ hộp, trái cây, cả đồ dùng linh tinh về nhà chúng tôi, và ở đây dùng cơm, trò chuyện, vui đùa, dạy tiếng Anh cho chúng tôi suốt cả ngày không biết chán! Chúng tôi đã trải qua  những ngày tháng hạnh phúc bên nhau, và thực sự quý mến nhau như ruột thịt vậy. Laurie cũng tập ăn những món ăn 'nặng mùi hương vị Viêt Nam' như nước mắm, ngay cả mắm nêm khi ăn Bò Nhúng dấm, và chàng ta cũng rất chịu khó học nấu mấy món đặc biệt như bún bò, xôi vò, nem nướng...do Mẹ tôi, 'đầu bếp trứ danh' chỉ dẫn.
Thời gian trôi nhanh với nhiều kỷ niệm êm đềm, thú vị đối với gia đình tôi và người lính tha phương,  nhưng chiến cuộc cũng bắt đầu leo thang, ngày càng  khốc liệt, Laurie bị cấm trại liên miên, một vài tuần mới được về phép, và nơi nghỉ phép độc nhất là tổ ấm của Ba Mẹ và mấy anh em tôi. Lúc này, ông anh, đứa em và cả chính tôi cũng đều nhập ngũ, chỉ trừ đứa em gái là được yên phận ở nhà. Chúng tôi không còn gặp mặt đầy đủ, để cùng nhau ăn uống, vui đùa trò chuyện như xưa nữa, không khí chiến tranh đã đánh mất những gì đầm ấm, thân tình, thay vào đó là những lo âu, phiền muộn.
Vào giữa tháng 2/75,  mặc dầu đang ở trong tình trạng khẩn trương, chuẩn bị chờ di tản về nước, Laurie cũng đã ráng trốn traị, ra thăm chúng tôi lần chót, trước khi quay về cố hương, không biết ngày nào mới gặp lại. Hôm đó chỉ có Ba Mẹ, em gái, và tôi gặp được  Laurie lần cuối trước khi anh về nước. Chàng ôm Ba Mẹ tôi, mặt buồn thiu như muốn khóc, rất tiếc không giúp gì được cho chúng tôi, chỉ để lại địa chỉ bên Mỹ, sau này, nếu liên lạc được, thì hãy viết thư cho hay, anh ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, để giúp đỡ chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.  Ba Mẹ tôi đã rơm rớm nước mắt, muốn nói rất nhiều, nhưng chẳng được bao nhiêu, ngoài 2 chữ 'good bye'! Tôi cảm thấy xốn xang trong lòng, cũng không biết nói gì, chỉ thốt ra được câu, 'we love you, see you again someday'.  Thế rồi, chúng tôi chia tay.
Chỉ vài tháng sau khi Laurie về Mỹ, Miền Nam bị xô đến bờ vực thất trận, cực kỳ hoang mang và hỗn loạn. Người trong nước tìm đường ra ngoại quốc, các tỉnh nhỏ ùa về thành phố Sàigon dung thân. Gia đình tôi chia 2 nhóm, ông anh thì lên tàu thủy quen biết ra khơi, đứa em không quân thì có tên nằm trong danh sách di tản ra Hạm Đội thứ 7, còn lại chúng tôi, thì từ Nha Trang chạy vào Saigon, tá túc tại nhà em gái ruột Mẹ tôi, đã bỏ của, chạy lấy người từ trước, để lại căn nhà lầu 4 tầng ở đường Hai Bà Trưng.
Lúc mọi liên lạc từ VN qua Mỹ đều bế tắc, trong hoàn cảnh cấp bách này, chúng tôi đã cố tìm cách liên lạc với Laurie, để hỏi xem anh có cách gì giúp đỡ, hoặc can thiệp, để cho chúng tôi di tản qua Mỹ theo diện bảo lãnh! Đúng là vào  lúc tuyệt vọng, con người có những hành động, biết là vô vọng, nhưng vẫn cứ làm. Ba tôi đã viết một bức thư gởi qua Pháp (lúc này Bưu Điện 2 bên vẫn còn hoạt động), nhờ bà chị ruột (có chồng Pháp), gởi bức thư qua Mỹ, đến địa chỉ của Laurie, để hỏi chàng có cách nào can thiệp hay bảo lãnh theo diện nào đó. Thật ngây ngô hết chỗ nói! Thế mà bức thư cũng tới tay chàng mới lạ đời! Và cũng vì thế, tôi mới có chuyện để  hôm nay kể lại, về một bức thư đã viết cách đây hơn 1/3 thế kỷ!.
Trở lại phong thư 'two in one', đề cập ở đầu bài, chúng tôi đã rất xúc động khi đọc bức thư 34 năm trước của Laurie, nói lên tâm trạng 'đứa con nuôi' của Ba Mẹ tôi, lúc đó, cũng hoang mang, khắc khoải, lo sợ không kém gì chúng tôi, mặc dầu anh đang ở trong một đất nước giàu mạnh và an bình. Đoạn mở đầu của anh, khi nhận được thư của Ba tôi, tuy biết được chúng tôi đang ở trong tình cảnh 'giăc đã đến nhà', nhưng ít ra chúng tôi vẫn còn sống sót, nên anh đã thực sự hân hoan mừng rỡ! Tôi xin trích nguyên văn:
“First, I want you to know that the first thing I did when I received your letter this afternoon  was Thank God that you all are safe! I have prayed for you many times and I was so afraid that my distant mother, father, brothers and sisters had been harmed. When I did not hear from you, I was very worried and now I am so happy to hear that you are safe. I love you all like my own family and I pray that God will bless all of you just like he has my family.”
Xin tạm dịch: 'Trước tiên, tôi muốn các bạn biết rằng khi nhận được thư của các bạn trưa hôm nay, việc làm đầu tiên là tôi cám ơn Thượng Đế về sự bình an của các bạn! Tôi đã cầu nguyện nhiều lần vì đã quá lo sợcho tính mạng của Ba, Má, các anh trai và em gái nuôi, khi không được tin tức gì bên ấy cả, vô cùng lo sợ, nhưng nay thì quá đỗi sung sướng khi biết được tất cả bình an vô sự. Tôi yêu các bạn như yêu chính gia đình của tôi, và cầu nguyện Chúa ban phép lành cho tất cả các bạn cũng như Ngài đã ban cho gia đình tôi vậy'. Hóa ra bức thư Ba tôi gởi gián tiếp từ VN qua Pháp, rồi từ Pháp qua Mỹ lại có một kết quả tốt đẹp về tinh thần như thế đối với Laurie, mặc dầu lời yêu cầu của Ba tôi ngoài khả năng giúp đở của đứa con nuôi đầy tình cảm này.
Ở một đoạn khác của bức thư khá dài này, Laurie đã nhận định: 'America is a great and wonderful country... I’m sorry to say many of our people do not understand clearly the problems of people in the other countries” /  'Nước Mỹ là một Quốc Gia vĩ đại và tuyệt vời. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có những vấn đề khó khăn như những Quốc Gia khác, nhưng chúng tôi biết cách lèo lái để vượt qua những khó khăn đó. Cũng như thế, nước chúng tôi có nhiều người tốt, nhưng vẫn có những thành phần xấu. Nhưng tôi phải thành thật mà nói rằng, nhiều người Mỹ đã không hiểu được dân tình của những nước khác một cách rành rẽ'. (Có lẽ Laurie muốn ám chỉ, nước Mỹ đã bỏ rơi Miền Nam VN chăng").
Một đoạn nữa: 'I had hoped that I could come to your home in Vietnam again. I am so sorry that you lost your beautiful home. I know your hearts are heavy. You are a strong and loving family though and together you will survive ‘/  Tôi đã hy vọng rằng, tôi sẽ trở lại căn nhà của các bạn ở VN một lần nữa. Thật đáng tiếc các bạn đã bị mất căn nhà đẹp đẽ ấy rồi.Tôi biết các bạn buồn khổ lắm. Tuy nhiên các bạn là một gia đình mạnh mẽ và yêu đời và tay trong tay, các bạn sẽ vươn lên để sống còn...'
Còn nhiều đoạn văn viết ra với một tấm lòng tình nghĩa của chàng quân nhân hiền hậu này, nhưng tôi không thể phô bày hết được, vì đây cũng chỉ là một bức thư bình thường.
Trong lá thư mới viết kèm theo thư cũ, Laurie đã rất thành thật khi bảo rằng không biết hoặc không nhớ gì hết về nội dung cũng như nơi chốn mà bức thư đã 'nằm ngủ' 34 năm trời! Ngay chính tôi đây, đã mò mẫm viết bức thư tiếng Anh ngắn cho Laurie, đi kèm với bức thư của Ba tôi gởi qua Pháp cho người chị ruột, mà bây giờ hỏi tôi đã viết gì, thì xin thưa là ngay nửa chữ, tôi cũng không nhớ ra, nói gì đến nội dung bức thư!


Ông anh và đứa em tôi qua Mỹ năm 75, nhưng mãi 2-3 năm sau mới liên lạc được với gia đình Laurie. Gia đình em gái tôi, 8 năm sau đó cũng sang được Mỹ theo diện 'ô-đi-ghe'. Còn Ba Mẹ tôi thì ở lại chờ tôi lấy bằng “tiến sỹ 8 năm học tập” rồi mới chính thức lên máy qua Mỹ theo diện H.O + Bảo Lãnh của ông anh.

Trước khi Ba Mẹ và tôi qua Mỹ, gia đình mấy anh em gái tôi đều đã từng thay phiên nhau (vì công việc, nên không thể đi cùng một lần), qua Virginia Beach (thành phố của Tiểu Bang Virginia), thăm gia đình Laurie theo sự ân cần mời mọc của chàng. Laurie và vợ, lúc này đã trở thành Ba Má bầy trẻ, sống hạnh phúc trong một căn nhà rất đẹp, bên cạnh bờ sông, ở Tiểu Bang Virginia. Laurie rất say mê thú sông nước và nghề chài lưới. Chàng sở hữu một chiếc ca-nô với đầy đủ dụng cụ ngư nghiệp để đánh bẫy cua,  cá, tôm. Suốt ngày, và đôi khi cả đêm, chàng ta mê mãi, lênh đênh trên chiếc tàu nhỏ một mình, như một ngư phủ chuyên nghiệp, đặt những chiếc lồng rải rác dọc bờ sông, thu hoạch khá bộn bàng để có thể đem ra chợ bán, như là một 'business' đầy thú vị, lại kiếm được khá tiền!

Em tôi kể chuyến đi thăm Laurie là một cuộc du lịch đầy lý thú, khi được cư ngụ vài ngày  trong một căn nhà đầy thơ mộng, bên cạnh bờ sông, lại được tập sự làm ngư phủ, tha hồ thưởng thức hàng đống tôm, cua, cá tươi rói, ăn mệt nghỉ! Có khi em gái tôi, lại câu được cả một chú cá khá bự, khiến cô nàng khoái chí quá, muốn đổi qua ở luôn bên này cho tiện  việc sông nước!...
Với Ba Mẹ chúng tôi, Laurie không những kính trọng vì tuổi tác, mà còn thương yêu như cha mẹ ruột, vì tánh cách niềm nở, rộng rãi và thân tình đối với tất cả mọi người, không riêng gì chàng ta, lúc còn là một người lính trẻ, bơ vơ giữa xứ lạ quê người, thiếu tình yêu của mái ấm gia đình.
Khi hay tin gia đình tôi đã sum họp đầy đủ, Laurie đã vui mừng khôn xiết, liền háo hức lên kế hoạch, thuê một chiếc xe 'mobil home', cùng Evelyn, cô vợ yêu dấu, khởi hành từ Virginia, ngày đi đêm nghỉ, vượt hàng ngàn dặm đường đến thành phố Trân Châu Las Vegas, Tiểu Bang Nevada (nơi cư ngụ của ông anh),  để gặp Ba Mẹ nuôi và mấy anh em chúng tôi, sau gần 15 năm xa cách.
Từ San Diego, gia đình em gái tôi, gồm 2 vợ chồng và hai con, một trai một gái, gia đình đứa em trai, chưa có con, cùng Ba Mẹ và tôi, còn độc thân, lên hai chiếc xe thẳng tiến về Las Vegas, Tiểu Bang Nevada trước vài ngày để chờ đón hai nhân vật thân yêu.
Khi được báo tin chiếc xe mobil home sắp tiến về nơi cư ngụ của ông anh chúng tôi, mọi người ai nấy đều có cảm giác nôn nao, hồi hộp một cách kỳ lạ, như thể sắp được đoàn tụ với người thân của chính gia đình mình sau bao năm xa cách. Rồi giờ phút trông ngóng cũng chấm dứt, khi chúng tôi thấy một chiếc xe to đùng từ từ đổ xịch trước cửa nhà, lúc này toàn thể gia đình chúng tôi đã hiện diện đông đủ trước sân, đang lóng ngóng chờ đợi sự xuất hiện của hai vị thượng khách, đang mở cửa xe bước xuống.
Khỏi phải nói nhiều, cuộc tái ngộ đầy cảm động và ấm cúng tình người giữa 2 gia đình Việt-Mỹ lần này diễn ra như một câu chuyện trong mơ có hậu, khiến chúng tôi cảm thấy, ít ra cuộc đời tị nạn, phải chịu nhiếu mất mát, thương đau cũng còn có những thời điểm chan hòa  hạnh phúc như hiện tại. Hai vợ chồng Laurie và Evelyn thay phiên nhau ôm chầm lấy Ba Mẹ chúng tôi, cả bốn người đều không nói nên lời, mà có nói thì cũng chả ai hiểu ai nói gì, vì cảm giác mừng rỡ, xúc động cũng đủ nói lên bằng vạn ngôn từ! Sau giây phút giao cảm giữa 2 cặp 'người lớn', đến phiên chúng tôi, cũng thay phiên nhau, ôm nhau mà 'hug' từ anh đến em, tư cha đến con, không bỏ sót một ai, muốn được bày tỏ tình cảm chân tình đối với hai vị thượng khách. Thủ tục 'im lặng, ôm nhau mà hug', vừa chấm dứt, bỗng tiếp theo là sự vỡ oà âm thanh của ngôn ngữ, biến cái không gian trầm lắng, đầy cảm xúc vừa qua, thành một bầu không khí vui nhộn, ồn ào của những tràng câu hỏi không cần trả lời, và những câu trả lời không cần biết có được hiểu hay không! Thật sự, đây là một cuộc hội ngộ chân tình và thắm thiết nhất đối với hai gia đình có hai nền văn hoá hoàn toàn khác hẳn nhau của hai quốc gia ở cách xa nhau nửa vòng trái đất! Một danh hào, mà tôi đâ quên tên, đã từng nói, đại khái là ' Đông là Đông, Tây là Tây, hai nền văn hoá không bao giờ gặp nhau...' xem ra, có vẻ không đúng lắm trong trường hợp này.
Một buổi tiệc đã dọn sẵn, trong đó gồm những món ăn mà cách đây mấy chục năm, đã khiến chàng quân nhân trẻ tuổi, đã mê tơi, đến nỗi phải ghi chép kỹ càng, để có thể tự tay nấu lấy, cho gia đình và chính mình được thưởng thức. Thực đơn gồm chả giò, nem nướng cuốn bánh tráng, bánh bèo, bánh bọc lọc, bún bò,...nói chung món ăn Huế rất được gia đình Laurie thật sự hâm mộ.
Me tôi hỏi Evelyn, qua thông dịch viên, rằng chàng có nấu cho gia đình ăn mấy món đã học từ Việt Nam không, thì nàng bảo có, nhưng bây giờ ăn lại, do chính tay người Việt Nam nấu thì nàng thấy hoàn toàn khác hẳn, nhất là nước chấm. Để so sánh ngon dở một cách cụ thể, thì Evelyn cho chồng được 3 điểm, so với 10 điểm của các món ăn đang ở trước mặt nàng! Cả nhà phá lên cười. khiến Laurie phải che mặt, làm bộ mắc cở! Nhưng sau đó, chàng lại ôm vợ hôn một cái, khi nghe nàng 'nâng bi' chàng bằng câu nói gỡ gạt rất tình ' tôi cho chồng tôi 3 điểm về cách nấu nướng, nhưng quên cộng thêm 7 điểm về sự chung tình của ảnh, vị chi là 10 điểm!' Cả nhà lại vỗ tay khen ngợi cả hai người, đồng thời nâng ly chúc mừng ngày họp mặt đầy hạnh phúc. Quả thật, Evelyn là một người đàn bà rất tế nhị và có óc khôi hài.
Tiếp theo sau là một tuần lễ vui chơi, ăn uống, chuyện trò vô cùng ấm cúng, thân mật bên nhau, khi thì tại gia, khi thì tại một nhà hàng, hoặc một Casino nào đó, ăn 'buffet', kéo máy hoặc xem các màn trình diễn đặc biệt. Tối đến lại quây quần bên nhau, ôn lại những chuyện 'ngày này năm xưa', hồi còn ở Việt Nam với nhiều kỷ niệm vui buồn thời còn trẻ trung.
Trong cuộc viễn du, đi từ cuối Đông (Virginia) sang cuối Tây (California) để thăm gia đình chúng tôi, hai vợ chồng đã trải qua một đoạn đường dài khoảng 10,000km, cả đi lẫn về, trên chiếc xe khổng lồ, uống xăng như nước, và trong nửa tháng trời lang bạc giang hồ, từ Tiểu Bang này sang Tiểu Bang khác, mọi sinh hoạt như ăn uống, ngủ nghĩ, tắm rửa, vệ sinh v.v..đều xảy ra trên chiếc R.V, xem như một căn nhà di động, với đầy đủ tiện nghi, không cần phải tốn tiền để thuê khách sạn.
Hai vợ chồng đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện kỳ thú gặp ở dọc đường, và mô tả nhiều phong cảnh tuyệt vời, mỗi nơi mỗi vẻ của từng Tiểu Bang, gộp lại thành một Châu Mỹ giàu mạnh và hùng vĩ. Có những Tiểu Bang rất văn minh hiện đại, nhưng cũng có một số Tiểu Bang vẫn còn giứ nét đơn sơ mộc mạc, nhất là Tiểu Bang còn có một số Bộ Lạc da đỏ còn hiện diện rải rác đó đây, khi chiếc xe băng qua những cánh đồng hoang, hay những sa mạc khô cằn, trên đó xuất hiện lèo tèo dăm ba căn lều vải, hoặc một cái quán nhỏ, với vài ba tên da đỏ, ngồi trước quán, trên chiếc băng, đang uống rượu, và trông họ có vẻ đang say. Có một hôm hai vợ chồng đi lạc vào một vùng, mà họ tin rằng, nơi đây là khởi điểm của những người tiền phong đi lập nghiệp, vì họ thấy vô số đường rầy cũ kỹ, hình như đã được thiết lập từ lâu lắm rồi, và bây giờ vẫn còn được xử dụng. Laurie bảo rằng, trong suốt cuộc đời, chàng chưa bao giờ nghe  nhiều tiếng còi tàu như chàng nghe ở khu vực này.
Cuộc hành trình băng qua tất cả 30 Tiểu Bang, 19 lúc đi, và 11 lúc về, vẽ thành hình vòng cung, như cái môi, từ khoé môi bên phải (khởi điểm ở Virginia), hướng về phía Trung-Bắc, theo môi trên, gồm những Tiểu Bang Ohio, Indiana, Illinois, Iowa, ... lên đến đỉnh cao nhất là Tiểu Bang South Dakota, vòng xuống khoé môi trái, băng qua Wyoming, Utah, dừng lại ở Tiểu Bang Nevada (giáp ranh với Tiểu Bang Cali), là điểm sum họp của chúng tôi. Vòng về, lại đi ngược từ khoé môi trái, hướng về phía cực Đông, theo môi dưới, từ Nevada  trở lại khoé môi phải, băng qua Arizona, New Mexico, đụng đáy môi dưới là Texas, vươn lên Arkansas,Tennessee...trở về khởi điểm Virginia, xem như 'bờ môi khép kín', hoàn thành một chuyến đi cực kỳ thú vị của hai tâm hồn hiền hậu, nhưng thích phiêu lưu, mạo hiểm.
Chúng tôi có quá nhiều chuyện thú vị  để nói và để nghe, mà thời gian thì quá vô tình, không chịu dừng lại để nghe chúng tôi nói, lại có vẻ  trôi nhanh hơn thường lệ, như thể là ghen ghét cái hạnh phúc nồng nàn hiện hửu giữa hai gia đình!
Thế rồi, cuôc vui cũng phải tàn, một tuần lễ qua nhanh như gió thoảng, đến lúc mọi người phải chia tay, ai về nhà nấy để rồi lại tiếp tục phấn đấu vất vả cho cuộc mưu sinh thường nhật. Mẹ tôi đã tặng cho Evelyn một chiếc áo len đan tay, mua từ Việt Nam rất khéo mà cô nàng cũng rất thích vì thấy lạ mắt và mặc cũng rất ấm, ngoài ra, mẹ tôi còn tự tay làm lấy 100 cuốn chả giò chưa chiên để ăn dần, khi hai vị khách quý trở về lại Virginia. Hình như hai vợ chồng Laurie có mang một số quà tặng đế biếu chúng tôi, nhưng lâu ngày quá, tôi không còn nhớ là những món gì (có lẽ là đặc sản địa phương).
Cuộc chia tay lần này, tuy để lại nhiều luyến tiếc, nhưng không bi đát như buổi chia tay cách đây mấy chục năm, vì chúng tôi đều đã ở cùng một quốc gia, tuy bao la bát ngát, nhưng ngày nay, với nền văn minh hiện tại, khoảng cách không gian chỉ là chuyện nhỏ. Sau đó hai vợ chồng Laurie còn ghé thăm chúng tôi vài lần nữa, và hai bên cũng thường xuyên liên lạc nhau bằng điện thoại, thư từ, chúc mừng hoặc chia buồn cùng nhau trong những ngày lễ lạc, hoặc có những biến cố gì quan trọng.
Evelyn đã  sinh cho Laurie 8 đứa con, trong đó có 2 đứa sinh đôi, điều này cũng là một yếu tố đặc biệt hiếm có đối với người Mỹ, thường chỉ sanh 1, hoặc 2 đứa là 'khóa sổ'. Laurie thường khoe với chúng tôi, anh có một 'Đại Gia Đình' rất vĩ đại, ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu... lên đến cả 100! Tất cả điều sống hạnh phúc, khỏe mạnh, đoàn kết, và rất thương yêu nhau. Thật là một gia đình gương mẫu. Điều này chúng tôi đã thấy rõ qua bản thân Laurie khi còn làm việc ở Nha Trang. Chúng tôi đã may mắn gặp được một người bạn Mỹ đặc biệt có nhiếu đức tính kết hợp cả Âu lẫn Á rất hiếm có trong thời kỳ loạn lạc, cũng như trong giai đoạn hòa bình.
Gia đình chúng tôi, gặp nhiều may mắn, kẻ trước người sau đều qua Mỹ đầy đủ, ba anh em chúng tôi hiện nay đều ở Quận Cam, gia đình em gái, vì công việc làm ăn, lại dời qua Las Vegas, theo con gái, là một Dược Sĩ, đang làm việc tại đây, đứa con trai cũng đã đi làm về ngành Điện Tử. Ông anh tôi cũng được hai cháu, cô con gái cũng đã tốt nghiệp Bác Sĩ Nha Khoa, hiện đang hành sự ở L.A, đứa con trai còn học năm thứ ba Đại Học. Riêng hai cặp vợ chồng tôi và đứa em út thì vẫn còn hiếm muộn, nếu có ai dư thì chúng tôi sẵn sàng 'nâng trứng hứng hoa', xin một đứa về làm 'của hồi môn' lúc tuổi già! Một điều may mắn và hạnh phúc nhất cho anh em chúng tôi là Ba Mẹ chúng tôi vẫn còn sống, và vẫn còn 'khoẻ mạnh theo tuổi già'!
Khi tôi ngỏ ý với Laurie muốn xin một số hình ảnh về gia đình và một vài chi tiết về cuộc hành trình để bổ túc cho bài viết này thêm sống động, anh ta đã vui vẻ gởi ngay cho tôi một bức thư dài và một số hình ảnh xưa cũ, cùng lời chúc tốt lành gởi đến toàn thể gia đình tôi, một công việc không có năm nào bị bỏ quên, mặc dù ông đang rất bận công việc sửa chữa nhà cửa và chuẩn bị cây Noel trong mùa Giáng Sinh sắp tới. Bức thư mới nhất này đến tay tôi vào ngày 16/12/09, kịp lúc để tôi có thể hoàn thành bài viết về một người Mỹ tử tế, thuỷ chung suốt 35 năm qua.
Tôi viết câu chuyện tình nghĩa giữa Laurie G. Watson và gia đình chúng tôi để nói lên phần nào lòng  tri ân những chiến sĩ  đã chiến đấu gian khổ để bảo vệ hòa bình, tự do. Đặc biệt để kính tặng Song Thân, những tâm hồn nhân ái đã chiếm được trái tim thương yêu và kính trọng  của người lính Mỹ tử tế, khiến anh tự nguyện xin làm con nuôi của hai Người.

VĨNH-HẦU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến