Hôm nay,  

Tôi Có Lầm, Theo Con Sang Đây?

09/02/201000:00:00(Xem: 227581)

Tôi Có Lầm, Theo Con Sang Đây"

Tác giả: Mai Hồng Thu
Bài số 2860 -1628960- vb3020910

Tác giả là cư dân San Jose.  Hai bài viết về nước Mỹ gần nhất của cô đã được phổ biến là "Chồng Tếch Vợ Ly"; "Cái Bát Mạ Vàng", “Kết Hôn Để Qua Mỹ”. Bài mới nhất là chuyện một bà mẹ theo con qua US, cũng đã hát bản Lầm! Bài viết cho thấy tấm lòng tử tế vui vẻ của tác giả."

***
Bác Bi đã gần xấp xỉ 70 rồi. Bác qua Mỹ được do con gái bảo lãnh cũng đã 8 năm. Gần đây bác buồn con cái nên đòi đi ra share phòng . Bác vừa thi đậu quốc tịch Mỹ năm ngoái thì nộp đơn xin tiền già. Vì khai là ở chung với con cái nên bác lãnh được mỗi tháng khỏang $650. Bác nghe bà con xung quanh khoe là lãnh tiền già tiền bệnh mà không tính từ tiền lương đi làm là khoảng 8 trăm mấy. Đó là trường hợp những người già chưa hề đi làm. Nhưng tôi biết bác Ánh đã từng đi làm. Sau đó kinh tế xuống bác Ánh bị mất việc nên bỏ tiền cho người ta lo giấy tờ chứng nhận bác bệnh nên được ăn tiền bệnh sớm trong khi bác ấy chỉ hơn năm mươi thôi, nên bác ấy lãnh được hơn 8 trăm mấy 1 tháng, không biết theo loại calculate nào .
Trở lại vấn đề bác Bi, nghe đâu con cái nó làm bác buồn lòng nên bác đã đòi đi ra riêng. Tụi nó nghe xong nó sùng lên cho bác "sổ lòng bay cao" luôn làm bác càng hận và tủi. Bác nghe lời người bạn thân, 2 vợ chồng đã hơn 70 mà lúc nào cũng gây nhau như con nít, rủ về ở chung share phòng. Vì gia đình này đang ở housing nên bác không thể dùng địa chỉ để khai báo hòng số tiền lãnh hàng tháng tăng lên bằng với chị với em, là 8 trăm mấy.
Tôi có qua lại với bác Ánh mấy năm rồi, thường làm cố vấn khi bác có những vấn đề liên quan đến điền đơn hay rắc rối trong quan hệ với các người Mỹ. Tuy con bác học hành thành tài và cũng ngoan, nhưng nhiều khi chúng sống theo kiểu Mỹ cho nên dù bác có ý kiến nhờ làm cái này cái nọ, chúng cũng hứa đại rồi quên, không sốt sắng lắm vì đó là những chuyện nhỏ. Nhưng những chuyện nhỏ này thường làm những người làm cha làm mẹ này mất ăn mất ngủ và ấp ủ nhiều tâm sự có thể kể thành chuyện ngàn lẻ 1 đêm ...
Những chuyện nhỏ mà con cháu cho là khỏi cần làm là những chuyện như: làm con có hiếu thì phải như thế nào, tằn tiệt tiết kiệm tiền như đi đâu mua đồ rẻ, làm sao xin được trợ cấp tiền điện tiền nước giảm giá hơn so với giá bình thường ...vân vân và vân vân .
Còn chuyện bác Bi thì bắt nguồn từ cách sống giữa con cháu và mẹ không cùng quan điểm. Người thì theo phong tục Việt Nam, người thì đã hội nhập vào nếp sống Mỹ. Cho nên chuyện lớn của mẹ, chỉ là chuyện nhỏ theo ý tụi con, đâu có gì là quan trọng đâu .
Nhưng bác Bi không nhận ra được điều đó nên bác đã mất ăn mất ngủ cả tháng nay về việc phải đi ra ở riêng. Sau khi được bác Ánh giới thiệu nhờ tôi giúp bác Bi thì tôi đã hẹn gặp bác ấy để tham khảo coi vấn đề của bác khó khăn cỡ nào. Sau khi cúp phone, tôi đã căn dặn nhiều lần với bác Ánh là nhắn lại với bác Bi hãy yên tâm đi, không cần mất ăn mất ngủ lo lắng gì cả. Tôi hứa là sẽ giúp bác để cho mọi chuyện sẻ ổn thỏa thôi mà .
Vậy mà đến lúc gặp bác Bi, đêm đó ngủ ở nhà bác Ánh để sáng hôm sau tôi đến gặp, cả hai cùng nói bác Bi cả đêm vẫn trằn trọc không ngủ được.
Sau khi xem xét hết giấy tờ liên quan đến việc xin tiền trợ cấp người già của bác Bi, thì trường hợp bác đang lo lắng là đã đến cuối tháng rồi, mà không ai chịu ký dùm bác Bi cái tờ chứng nhận rằng bác đang share phòng với ai, ở đâu và giá tiền là bao nhiều. Bác nói :
-Bác đang lo lắng đầu tháng tới họ không gởi tiền cho bác thì làm sao bác có tiền để trả tiền phòng.
Tôi trấn an bác:
-Bác đừng lo, chưa có giấy này, thì bác vẫn lãnh tiền như bình thường chứ họ không có cắt tiền của bác đâu!
Lúc ấy bác ấy mới thú thật là bác muốn người ta điều chỉnh nhanh số tiền lãnh được nhiều hơn vì bác ở riêng thì nghe người ta nói được trả thêm khoảng $200. Thì ra nguyên nhân chính làm cho bác Bi mất ăn mất ngủ là vì quá trình "thực hiện ước mơ " ra riêng không phải dễ như bác vẫn nghĩ .
Rồi bác kể với tôi, có vài người đồng ý cho bác share phòng. Nhưng khi bác cầm tờ giấy nhờ họ ký vô chứng nhận việc đó là thật, thì không ai chịu ký, vì sợ liên lụy. Tờ giấy đó chỉ hỏi Ai là người cho share phòng, địa chỉ và số tiền, rất đơn giản mà những người có con làm kỹ sư, kế toán lại không dám ký"
Sau đó, tôi giải thích cặn kẽ cho bác hiểu, và gọi người share phòng khác điều đình hợp đồng dùm cho bác .
Trong thời gian ngồi chờ tới giờ đi đến chỗ hẹn mướn phòng và kể cả trên xe, bác đã khóc lóc tâm sự với tôi nhiều điều về đứa con gái "bất hiểu" (không hiểu chuyện ) của bác. Ít nhất là 2, 3 lần bác đã chùi nước mắt thút thít:
-Bác buồn lắm con ơi! Biết trước như vậy bác đâu có bán nhà qua đây để bây giờ phải đi bụi đời, ngủ bờ ngủ bụi khổ sở như vầy! Hu hu hu...
Tôi vỗ về bác và cố gắng làm hề một cách gượng gạo :
-Thôi thì bác cứ tưởng tượng như là bác đang đi nghỉ phép đi mà. Người Mỹ mong có tiền, có thời gian để đi ngũ hotel đó bác. Ở hoài trong nhà chán chết! Dầu sao bên Mỹ bác có trợ cấp y tế, vẫn khá hơn bác ở Việt Nam mà bác!
Sau đó bác kể tôi nghe rằng bác có 7 người con. Hơn ba mươi mấy tuổi bác đã một mình ở vậy nuôi các con học chữ học nghề không thua kém ai. Người con gái bảo lãnh bác qua Mỹ, ngày xưa bác cho tiền đi học dược sĩ ở Việt Nam mà cô ấy không thèm học, cứ nằng nặc đòi đi Bung (tôi nghĩ là Bungary, chứ không hỏi, vì những hoàn cảnh này, nên lắng nghe hơn là hỏi ngược lại). Vậy mà bác cũng lo lót nhiều tiền lắm cho cô đi Bung theo ý nguyện ở bên đó mấy năm mới về. Khi cô về nước được hơn năm thì gặp anh này ở Mỹ về làm giấy bảo lãnh cô qua Mỹ. Khi cô vô quốc tịch Mỹ thì bảo lãnh bác qua sống với vợ chồng cô cho tới nay đã gần 8 năm rồi.
Bác kể, từ ngày qua sống với cô, bác lo phụ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc đứa con đầu lòng cho cô từ còn lúc đỏ hỏn tới khi cô có đứa con thứ hai cho tới bây giờ đó. Bác nói, người ở đợ ở Mỹ thì họ cũng không bị chủ ăn nói cộc lốc sổ sàng hay sẵng giọng bao giờ. Nhưng đứa con gái bác sanh ra lại luôn luôn tỏ ra không kính trọng và thương yêu mẹ ruột của mình.
Bác bảo:
-Con biết không từ ngày qua sống với nó, chưa bao giờ thấy nó đưa tôi 1 trăm hay 2 trăm hỏi mẹ có cần mua gì sắm gì hay không! Việc nhà, việc trông nom bọn trẻ tôi cũng lo hết. Vậy mà nhiều khi nó đi làm về, chưa thay áo xong, mà nó đã hằn học với tôi "má hôm nay làm gì vậy, có dọn dẹp nhà không mà sao bụi bậm quá chừng" hoặc "má cho tụi nhỏ ăn chưa mà sao tụi nó la ó um sùm nhức đầu quá"
Rồi bác lại khóc:
-Bác nuôi nó ăn học cho lắm mà nó coi bác như con ở không ăn lương. Nó nói chuyện với bác như vậy đó. Thiệt là cái số của tôi nó khổ quá à! hu hu hu
Tôi lại ráng an ủi bác:
-Biết đâu con gái bác lại sợ đưa bao nhiều tiền bác không xài lại gởi hết về VN cho nên cô ấy không đưa cho bác ấy mà!


-Trời ơi, tôi bán nhà chia cho các con hết rồi, tôi đâu có giữ đồng nào. Nếu tôi có lấy tiền nó đem đi gởi về VN thì tôi cũng phải nhờ nó chở tôi đi gởi. Mà lâu lâu tụi nó cũng có gởi về rồi. Nếu tôi có gởi thì cũng đở cho tụi nó khỏi phải gởi nhiều. Mà tụi nó có bao giờ tự động hỏi mẹ là "mẹ ơi con sắm cho mẹ vài chỉ vàng nhe, hay con mua cho mẹ 1 hột xoàn xịn để mẹ đeo cho có với người ta nhe!". Quần áo của tôi, cũng toàn là do tôi may từ VN đem qua mặc riết cho đến nay, chứ tụi nó có sắm sửa gì cho tôi đâu chớ.
-Bác ơi, con người ai cũng có số phận cả bác ạ. Nước mắt có bao giờ chảy ngược đâu bác. Thôi thì bác hãy coi như bác và con gái bác có duyên có nợ từ kiếp trước chứ biết làm sao hơn. Bác hãy nghĩ đến khía cạnh tốt là bác đã vô được quốc tịch Mỹ và xin được tiền trợ cấp kinh tế lẫn y tế. Tính ra vẫn còn tốt hơn ở Việt Nam phải không bác.
-Ừ, thì trời cũng còn thương bác, nhiều người thi không đậu, bác thi 1 lần là đậu. Bây giờ được mấy thứ đó, chứ nếu không thì bác đã về VN rồi. Chứ  bác đâu có lang thang bụi đời ở bờ ở bụi như bây giờ đâu con! hu hu hu .
Trời ơi, tâm sự giống như của bác Bi, không phải tôi mới nghe lần đầu. Thời buổi bây giờ, 2 thế hệ, 2 phong tục và 2 cách sống sao mà khó hàn gắn và kéo gần nhau lại quá đi.
Tôi an ủi bác rằng, dù sao ở đây lỡ bác có bệnh, bác cũng được đi khám bác sĩ mà không ngại vì không có tiền. Lỡ có nằm bệnh viện không ai thăm, cũng có máy lạnh, có y tá thăm chừng. Chứ ở Việt Nam lỡ bệnh ra, làm khổ con cháu thôi bác ơi. Này nhé, bây giờ bác không làm gì hết, mà mỗi tháng lãnh được $650 từ nước Mỹ, là đã quý hóa lắm rồi (mà bác còn chưa chịu, đòi $850 cơ ) Bác ăn ở tiêu xài có là bao nhiêu đâu. Để dành một ít mà phòng khi nắng khi mưa. Chứ cứ ky cóp gởi về hết cho con cháu thì bao nhiêu mới đủ đây. Về VN ở lại, khí hậu nóng bức thiếu tiện nghi, con cháu ồn ào... Vả lại, đời sống hiện nay, không phải ở Mỹ con cái mới bận bịu và không có tình cảm, hiếu thuận đâu bác à.
Tôi nói chuyện với các bác lớn tuổi ở Mỹ rất nhiều, thấy có nhiều bác rất thích ở Mỹ vì có con cái tụ họp cuối tuần cũng nhộn nhịp không kém ở VN. Ở đâu cũng vậy "cha mẹ sanh con, trời sanh tánh" mà. Tôi nói với bác Bi:
-Bác hãy nhìn về những khía cạnh tốt, chứ bác cứ tủi thân buồn rầu rồi sanh bệnh, ai lo. Con bác bận rộn gia đình, con cái, đâu có biết và cũng đâu có hiếu thảo thêm tí nào đâu. Bác khóc lóc buồn rầu rồi hoàn cảnh cũng đâu có tự động thay đổi đâu. Bác phải cười, phải vui vẻ thì cái may nó mới đến chứ. Bác đi share phòng biết đâu lại có gia đình mới, "bà con xa không bằng láng giềng gần mà”. Con người đến với nhau nhờ cái duyên, đôi khi máu mũ không thân bằng người dưng cũng không chừng!
Tuy bác không nói rõ, nhưng tôi biết con gái bác chắc chắn cũng sẽ có lúc chạnh lòng và lo lắng cho bác chứ. Nếu cô ấy có thật sự tệ đến nỗi chỉ lợi dụng mẹ già làm người vú không lương thì âu đó cũng là số phận của bác mà thôi. Ở VN bây giờ, thế hệ mới cũng có rất nhiều lo âu căng thẳng trong cuộc sống. Người ta không còn "đi thưa về trình" và có lòng có sức hiếu thuận như thời xưa đâu. Như thế không hẳn ai ai cũng thế, con cái ở Mỹ hay con cái ở VN hay ở bất cứ gia đình nào, hoặc ở trong bất cứ sắc tộc nào cũng vậy, làm con hiếu thuận cũng có nhiều mà. Nhưng con mình không hiểu không thương cho cha mẹ, đó là điều ngoài sự quản thúc của mình, sau khi con đã 18t. Chứ nói đến chi là họ đã lập gia đình rồi thì lại càng  ở ngoài vòng kiểm soát của chúng ta.
Cho nên, thường những người Mỹ không có đủ sức và thời gian dạy dỗ chăm sóc con cái, họ chọn không sanh con là vậy. Nuôi con, đứa khỏe mạnh dể tính, thì dể. Chứ chăm sóc con cái lỡ có bệnh tật, khó tánh không chịu nghe lời, nhất là sống theo ý cha mẹ, là điều rất khó. Cho nên, cha mẹ xin đừng bắt buộc con cái phải hiếu thuận. Hiếu thuật và kính trọng cha mẹ, là điều tất nhiên. Ai làm người đàng hoàng, cũng biết rõ điều đó. Ai làm người không đàng hoàng, có nhắc nhở cũng vậy thôi. Chúng ta đừng nói là "ở Mỹ mà" "sống như Mỹ mà!” Như vậy quả thật là  phụ lòng với sự giúp đỡ của nước Mỹ đối với người Việt tị nạn chúng ta!
Có nhiều người Mỹ cũng biết quý gia đình, kính trọng cha mẹ, và anh em rất quấn quýt hòa thuận với nhau. Và điều quan trọng là, họ biết tôn trọng quyết định và cách sống của nhau nên giữ một khoảng cách nhất định chứ không phải là không quan tâm nhau. Có rất nhiều người, thương yêu của họ không thể hiện qua lời nói, và kể cả những cử chỉ hàng ngày. Lại có nhiều người, họ thương yêu nhưng không biết thể hiện.
Làm cha mẹ thì "mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" mà. Có đôi lúc ở Mỹ một mình vắng vẻ rồi tủi thân mãi, nên phải nhọc lòng hoài, thôi ráng đi các bác ạ. Đời sống mới, thế hệ mới, lo âu mới, gánh nặng mới, chứ không phải do con cái 100 % đâu mà .
Thế là tôi nói với bác Bi:
-Thôi thì sau này bác buồn hay rảnh thì đi bộ lại nhà bác Ánh tâm sự chăm sóc lẫn nhau. Bây giờ bác ở đỡ chổ này coi có hòa thuận không, biết đâu cũng ấm cúng như một gia đình thì sao. Còn nếu không hợp thì tính sau. Cần gì bác cứ gọi cho con nhe!
Sau đó, tôi chở bác đến chỗ share phòng. Tôi cầm tờ giấy giải thích cặn kẻ với cô chủ nhà, trẻ cỡ bằng tuổi con gái bác Bi, rằng ký cái này không có bị liên lụy trong bất cứ hoàn cảnh nào hết. Sau này có gì rắc rối thì cứ gọi cho tôi, tôi sẽ lo cho tất cả. Cô ấy vui vẻ nhờ tôi điền vào hết rồi cô sẻ ký. Xong xuôi, tôi chở bác Bi đến văn phòng SSI và nộp đơn dùm bác. Thế là bác yên tâm và vui vẻ trở lại, bác nói:
-Từ nay là bác ăn ngon ngủ được rồi đó. Bác mừng quá. Từ nay bác nghe lời con, bác không buồn nữa. Cám ơn con nhiều. Bác thấy cô chủ nhà cũng hiền, chắc cuộc sống từ nay sẽ không sao rồi. Mừng quá con ạ !
Tôi chở bác về nhà bác Anh rồi về. Trong lòng nhủ thầm, mong sao từ nay bác Bi khỏe và vui vẻ là được rồi. Chuyện hòa hợp lại với con gái là chuyện 1 sớm 1 chiều mà thôi. Nhanh hay chậm là do duyên phận hoặc số may. Chứ chuyện bắt cô hiểu bác, hay bác hiểu cô, là chuyện trúng số độc đắc mega vài triệu chứ chả chơi à!
Sau này ghé thăm, tôi thấy bác Bi vui vẻ hẳn ra. Bác kể rằng vợ chồng cô chủ nhà rất tử tế, không để bác làm việc gì nặng kể cả đem rác đi đổ. Thường thì chủ nhà đi qua nhà ngoại miết nên Bác ở nhà không thấy bị gò bó. Tiền phòng $300 bác Bi xài tằn tiện thì cũng có dư dăm ba đồng đếm chơi. Rảnh bác đi bộ qua nhà bác Ánh rồi cùng nhau đi chợ, đi thăm các bạn già tâm sự cho qua ngày. Bác ước gì có ai mướn bác giữ con nít kiếm thêm vài trăm mỗi tháng gởi về VN cho con cháu thì đời bác giấc mơ được toại nguyện rồi.
Thế đấy, cứ lo mãi, con với cháu, rồi lại than.
Ôi, một giấc mơ nhỏ nhoi của những người Việt lớn tuổi, không có bóng con cháu quây quần những ngày nghỉ, những ngày lễ tết sẽ ra sao" Tôi nghe bác Ánh nói bác đòi dọn ra vì con gái phải dọn đi tiểu bang khác theo con rể đi nhận việc làm mới. Bác không chịu xa cộng đồng người Việt nên chọn ở lại. Con bác giận rồi tới bác buồn. Hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ đoàn tụ lại. Vì bác qua Mỹ theo diện đoàn tụ mà. Đừng phụ lòng những người Mỹ đã welcome chúng ta nơi này, thưa bác.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Nhạc sĩ Cung Tiến