Hôm nay,  

Gặp Lại Tiến Sĩ Bill

04/02/201000:00:00(Xem: 262178)

Gặp Lại Tiến Sĩ Bill

Tác giả: Nguyễn Hữu Thời
Bài số 2855-1628925- vb5040210

Tác giả là một huynh trưởng viết về nước Mỹ rất được quí trọng. Ông tham dự từ năm đầu và sau một giải thưởng, vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị, chỉ để hỗ trợ và cổ võ giải thưởng.  Trước năm 1975, ông là nhà giáo, quân nhân QLVNCH (khóa 18 Thủ Đức). Định cu tại Mỹ, sau nhiều năm làm việc cho Sypris Data System Los Angeles, ông chỉ mới hưu trí cuối 2009. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***
Cách đây gần mười năm, hồi tiến sĩ Bill về Việt nam cưới cô Trâm Anh, tôi có viết bài "Người Vợ Việt Của Tiến sĩ Bill" cùng những hình ảnh đám cưới, rước dâu, đặc biệt là lúc tiến sĩ Bill mặc áo dài, đội khăn đóng, quì lạy bàn thờ Tổ nhà cô dâu ở Sài gòn. Bài viết đã được đăng trong cuốn viết về nước Mỹ của Việt Báo năm đó.
Hồi mới lấy vợ, tuy tuổi Bill đã bảy mươi nhưng vẫn còn đi làm, và  ở gần chúng tôi nên vợ chồng Bill thường qua lại thăm viếng, chuyện trò. Vài năm sau ông hưu trí, và dời nhà đi nơi khác khá xa, nơi một vùng đồi núi yên tĩnh,  cách nhà tôi gần hai trăm miles, nên tôi ít có dịp gặp lại vợ chồng ông. Thỉnh thoảng, chúng tôi điện thoại hay e-mail qua lại hỏi thăm nhau thôi. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, tôi còn tiếp tục đi làm; nhưng  Bill thì đã  "rủng rỉnh bầu rượu túi thơ" (nói theo Doanh Điền Sứ, cụ Nguyễn Công Trứ), an nhàn nghỉ hưu cho đến tháng qua; tôi nhận được thiệp mời dự lễ sinh nhật, và  mừng thượng thọ tám mươi tuổi của Bill.
Nhớ lại những năm qua, tuy không gặp nhưng mỗi khi ông bà Bill đi du lịch, nghỉ hè ở đâu, lúc về thường chuyển hình qua máy computer cho tôi xem, và thường tả lại những thắng cảnh đã đi qua làm tôi nao nức; cứ hẹn là khi hưu trí sẽ cùng nhà tôi đi đây đó cho thỏa lòng ao ước.
Nay tôi vừa nghỉ hưu, nhưng người bạn đời đã bỏ tôi đi du lịch trước ở cõi vĩnh hằng từ ba năm nay. Một thân, một mình tôi chả muốn đi đâu. Từ đó, tôi có một suy nghĩ tiếc rẻ lắm, là lúc còn đi làm, và còn đủ hai vợ chồng, chân tay mạnh khỏe, sao mình không có những dự định, chương trình đi du lịch đó đây nhân những tuần nghỉ phép thường niên của sở làm,  cứ đợi đến nghỉ hưu! Thật là một thiếu sót lớn trong một đời người. Tôi tự trách tôi vậy, và cảm thấy mình phạm tội; là không nghĩ ra sáng kiến đưa vợ đi du lịch đây đó, nhân hai vợ chồng cùng có ngày nghỉ thường niên hàng năm. Tháng trước đây, khi nhận được thiệp mời của Bill, dù  vừa mới được khoẻ sau cơn bệnh khá trầm trọng, tôi cũng ráng lái xe tham dự sinh nhật, và mừng thượng thọ Bill. Tôi cố gắng đến với Bill, và tiện thể thăm biết nhà Bill luôn. Nhà Bill cách xa nhà tôi hơn hai trăm miles, ở lưng chừng đồi. Từ xa lộ liên bang số 5 về hướng Bắc, khi vào exist, tôi  phải chạy vòng vo quanh qua những ngọn đồi thấp có, cao có, có đồi toàn là những giải cỏ cháy vàng, có đồi chỉ toàn là bụi cây hoang, thấp lè tè rất dễ làm mồi cho thần lửa khi có gió lớn vào những ngày nắng ráo, có đồi chen chúc  nhiều cây cối cao to, rậm rạp che hẳn ánh mặt trời. Đường được tráng nhựa hai chiều xuôi ngược nhưng ngoằn ngoèo chỉ  có hai "lane" hẹp, lên dốc, xuống đồi, nếu lơ đãng tài xế dễ lạc tay lái rơi xuống hố sâu ở bên dưới. Lưng chừng bao quanh bởi những ngọn đồi là một vùng đất rộng, bằng phẳng, rải rác đó đây là những căn nhà to lớn bao che bỡi những hàng rào kiên cố, có cổng ngõ vững chắc, nhìn xuyên qua vườn, bông hoa đủ màu, cây trái quằn nhánh chín vàng không ai hái như cam, quit, hồng, bưởi, mận, avocado v...v... Từ xa lộ vào khu nhà Bill ở khoản hơn mười miles. Đó đây, một sự  tĩnh mịch tràn lan khắp vùng. Tôi rất ngạc nhiên và lấy làm lạ, tự hỏi sao giữa một vùng đồi núi hoang vu lại có một diện tích đất rộng, bằng phẳng, sầm uất như vậy, và được con người biến thành những nhà cửa, vườn tược, cây cối um tùm, xinh đẹp như trong tranh vẽ.
Vườn nhà Bill quá rộng, trồng nhiều các loại cây ăn trái, và  các loại hoa đầy màu sắc khác nhau. Chung quanh vườn, Bill tự tay thiết trí những ngọn đèn và hệ thống tự động mở, đóng cổng bằng nhiên liệu là ánh mặt trời. Tối đến, đèn quanh vườn, trước cổng, sau nhà sáng rực cả đêm; chiếu tỏa ra khắp nơi trong vườn, ngoài sân, cổng trước, nhà sau, sáng tỏ như đêm trăng rằm tháng Bảy. Thế mà  không tốn một đồng tiền điện.
Bill có dẫn tôi xuống xem garage để xe hơi , garage rộng có thể đậu được bốn cái xe lớn nhưng không có một xe nào trong garage cả. Bill đậu xe trên driveway. Thay vào đó là những cái bàn dài, cao, trên để đầy những bộ phận điện tử và những biểu đồ vẽ các kiểu máy bay, đủ cỡ, đủ loại. Bill tiếp tục vẽ kiểu, phác họa, sáng chế những loại máy bay không người lái thu nhỏ để thả chơi trên không trung điều khiển bỡi một hộp điện tử. Trên trần treo lủng lẳng những chiếc máy bay đã hoàn tất, có cái thân bằng gỗ, có cái thân bằng nhôm, thiếc, có chiếc thân to bằng bắp chân người, cánh dài nửa sải tay. Đây là những loại máy bay không người lái, xử dụng bằng  "remode control" để thả chơi nơi vùng đồi cao, biển vắng.  Bill nói đó là một trò chơi rất thích thú của ông. Mỗi cuối tuần, những ngày nắng ráo, ông thường ra đồi hay bãi biển vắng cùng bạn thử nghiệm, và  chơi những chiếc máy bay nầy.
Trong câu chuyện, tôi khen Bill: "lâu quá không có dịp gặp lại anh, gần mười năm rồi còn gì nữa. Bây giờ gặp lại, tôi thấy Bill không thay đổi là bao. Thời gian năm tháng thuờng làm cho con người già thêm; nhưng đối với Bill, tôi thấy thời gian như đứng lại; nếu không muốn nói là đang thụt lùi, trông người anh ngày càng gọn gàng, nhanh nhẹn hơn hồi còn đi làm nhiều lắm đó."


Bill vừa mĩm cười, vừa trả lời: "Cảm ơn Toys.Thật ra, tôi chậm chạp lắm Toys ạ!  Hưu trí mà, tà tà sống vui vẻ; không bận rộn, lo âu như hồi còn đi làm, khỏi phải thức khuya, dậy sớm, suy nghĩ đau đầu công việc đang làm dỡ dang ở Sở. Nhưng gặp bà nhà tôi, bà ấy không để cho tôi ở không hưởng thụ đâu. Mới 7 giờ sáng, bà đã đánh thức tôi dậy, mùa lạnh hay mùa nóng, bà thay áo quần thể dục rồi bắt tôi đi bộ với nàng hơn một tiếng. Chiều chiều, những khi không có gió lớn, nàng thường xách vợt ra sân tennis sau vườn, dù không muốn, tôi phải theo ra chơi tennis với nàng.  Riết thành thói quen. Tôi có lười cho mấy đi nữa, như muốn ngủ dậy trễ, ngồi lỳ một chỗ cũng không được. Còn đọc báo, xem TV. bà ấy cũng chia ra thời khóa biểu đàng hoàng, tuỳ theo  giờ giấc, và hạn định thời gian. Năm nay, nàng mới năm mươi, sức khoẻ dồi dào nên còn năng động lắm. Tôi theo riết thành quen. Nhờ vậy sức khoẻ tôi tốt hơn hồi còn đi làm, và lúc chưa cưới Trâm Anh. Còn ăn uống thì nàng chọn những thức ăn tốt, tránh ăn thịt có nhiều mỡ động vật, sáng ăn oatmeal với trái chuối, ly sữa non-fat, trưa ăn xúp hành, cà rốt, bánh mì sandwiches thịt gà tây, và tối ăn gạo lức, muối mè, uống nước trái cây nguyên chất không đường. Thỉnh thoảng nàng đổi món cho ăn tối cá salmon nướng, khoai tây, cà rốt hấp, rau spinac, uống ly rượu vang. Trâm Anh tự tay nấu nướng những món ăn đó bỏ rất ít muối, không có bột ngọt. Chúng tôi ít khi đi ăn tiệm. Nàng thường tới Cosco mua các loại thuốc bổ xương, giãn gân cốt, đỡ đau nhức như  Triple Flex hoặc  Glucossamine Chondroitin (triple strength) Joint Health Support Arthro 7, và bắt tôi uống mỗi ngày để cho giãn gân, giãn cốt, cho có thêm chất nhờn trong các khớp xương. Hôm nào, tôi quên không uống là nàng phàn nàn. Ban đầu, tôi nhận thấy theo đúng những qui định của nàng rất là khó chịu; phải nhẫn nại lắm, và vì chiều nàng, tôi phải làm theo cho nàng vui nhưng giờ theo riết, tôi thành thói quen. Tôi càng theo đúng thời khóa biểu do Trâm Anh đề ra, ăn uống theo lối Trâm Anh lo cho tôi hằng ngày, tôi thấy trong người càng nhẹ nhàng, sức khỏe dồi dào, cường lực tăng trưởng lên nhiều lắm. Đi đứng vững chãi, nhanh nhẹn, không đau nhức khi đêm về. Cuộc sống thật là thoải mái. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn ra công viên chạy bộ nữa."
Tôi và Bill đang ngồi nói chuyện  "trời nắng trời mưa" nơi cái bàn dưới tàng dù rộng sau vườn, bỗng bà Bill đi đâu về, tay ôm cái bịch chợ, vội vã bước vào cửa sau nhà. Bill quay đầu gọi giật lại: "Em làm ơn cho anh hai ly cà phê sữa đá" bằng tiếng Viêt; nhưng không rõ lắm. Bà Bill mĩm cười và bỏ đi vào nhà trong. Một chốc bà bưng ra hai ly cà phê sữa đá. Bill nói cảm ơn em. (cũng bằng tiếng Việt.)
Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, và thầm nghĩ, Bill biết nói tiếng Việt chắc cô Trâm Anh dạy chứ gì. Tôi liền hỏi Bill: "Chứ anh học tiếng Việt từ bao giờ, và học ở đâu vậy"" Bill đáp: "Học nơi Trâm Anh" rồi Bill tiếp tục nói một hơi tiếng Việt thuộc lòng, lạc đề, có ý khoe cho tôi biết là Bill biết nói nhiều tiếng Việt. Bill hăng hái, nét mặt kênh lên, nghiêm giọng  "Hủ tiếu dì Năm Sa đéc ngon quá. Con két cũng thích ăn hủ tiếu dì Năm Sa đéc. Con heo kêu eng éc đòi ăn hủ tiếu dì Năm Sa Đéc."
Tôi bật cười lớn và Bill cũng cười theo.. Nghe tiếng cười, bà Bill từ nhà bước ra và hỏi: "Các ông nói chuyện gì vui vậy"" Tôi thuật lại chuyện Bill nói những câu tiếng Việt trên, và khen cô Trâm Anh dạy chồng Mỹ tiếng Việt sao hay thế. Cô Trâm Anh nói: "Câu hủ tiếu bà Năm Sa Đéc không phải tôi dạy anh ấy đâu. Đó là Cậu Tư em tôi đấy". Rồi cô kể, cách đây gần năm năm, hai vợ chồng có về Sa đéc thăm quê ngoại, và ở lại chơi cả tháng, thường buổi sáng, cậu Tư ưa dẫn Bill ra chợ lồng ăn hủ tiếu của dì Năm, và khi về Bill thường khen ngon. Mỗi ngày, cậu Tư nhét vào đầu Bill chỉ câu nói đó, riết rồi nhập tâm luôn. Phần tôi chỉ dạy Bill những câu thông thường dùng hằng ngày như: "Dậy đi tập thể dục. Mời anh ăn cơm. Hôm nay, anh mạnh khoẻ không" Anh thấy thế nào trong người" Hoặc mấy tiếng cà phê sữa đá, uống trà, chúng ta đi chợ, cảm ơn ông bà, và đếm từ 1 đến 100 thôi. Nhưng anh ấy ít thực tập nên thường hay quên. Chỉ có câu cà phê sửa đá, hủ tiếu dì Năm Sa đéc, cảm ơn  là Bill thuộc nằm lòng".
Tôi và Bill vừa ngồi uống cà phê, vừa chuyện  trò, bỗng tôi nghe có tiếng chào lớn từ cuối vườn, tiếng Sài gòn, giọng đàn ông nghe rất chỉnh, rất rõ, rõ hơn tôi nghe Bill nói tiếng Việt "Chào Bill! Chào Bill! Hôm nay, anh có mạnh khoẻ không"", và tiếp liền là câu tiếng Anh "Hi Bill! Hi Bill. How are you today"" Tôi xoay người nhìn ra chỗ phát ra tiếng chào, và thoáng nghĩ là ông bạn nào đến thăm Bill giờ nầy đây, và chắc là mát dây. Sao vừa chào Bill tiếng Việt, rồi tiếp lại chào tiếng Anh; nhưng không thấy ai cả.
Thấy tôi tỏ vẽ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, và chưa kịp lên tiếng hỏi. Bill hiểu ý liền nói: "Zacky của chúng tôi đấy.” Tôi lại càng ngơ ngác không hiểu là gì, Bill liền tiếp "Con chim két đấy!" Rồi Bill nói tiếp: "Ông Roberto, người Mễ làm vườn khi về Mễ nghỉ hè mua hộ, giá tám trăm đô la đó. Chúng tôi nuôi nó đã gần bốn năm rồi. Hồi mới đem về, nó chỉ nói được một câu chào bằng tiếng Spanish thôi. Giờ đây, Zacky nói được thêm hai thứ tiếng nữa là tiếng Việt và tiếng Anh, và chỉ nói được một câu chào đó thôi. Trâm Anh huấn luyện cho nó đó. Rồi Bill hăng hái kể các loại chim két và cách nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng.  Bill khoe Zacky biết giữ nhà nữa, ai lạ vào trong vườn, nó thường kêu to lên. Bill nói ông xem con chim két như con của ông vậy. Rồi Bill tỏ ra tiếc rẻ là mình cưới Trâm Anh  quá muộn màng, tới bảy mươi tuổi mới lập gia đình với nàng; nên không có được em bé nào cả, tuy bà Bill lúc đó mới bốn mươi thôi, nhưng ở Mỹ  đàn bà tuổi bốn mươi trở lên; khi có bầu bác sĩ sẽ không vui mấy; khi phải giúp sản phụ sinh nở; nên hai vợ chồng phải ngừa thai. Vì vậy, sang năm, khi ăn Tết Nguyên Đán Canh Dần xong, vợ chồng Bill dự định thu xếp về Việt nam xin một em bé về làm con nuôi. Đó là nỗi mơ ước của ông bà Bill.
  Tôi cầu chúc ước mong của họ sẽ trở thành sự thật, và hạnh phúc suốt đời.
 Nguyễn Hữu Thời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,302,549
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến