Hôm nay,  

Nỗi Đau Bao Giờ Nguôi

28/01/201000:00:00(Xem: 294550)

Nỗi Đau Bao Giờ Nguôi

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 2849-1628919- vb512710

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Vành Khuyên có cách viết như nói, và là nói thẳng thừng, mạnh mẽ. Bài viết lần này thể hiện nhiều tâm sự.
***
Người phụ nữ nhìn tôi bằng ánh mắt mệt mỏi.  Sáng sớm, quá lạnh, sương còn thấp, tôi đoán chị đã ở đây cũng khá lâu rồi.  Mỗi sáng thứ hai, tôi ra nhặt báo chủ nhật vào cho sở, cũng tiện nhìn luôn có gì lạ xung quanh. 
Tôi hỏi chị " chị đến apply benefit cho gia đình à " ".  8h mới bắt đầu chị ạ .  Đến quá sớm chị chờ một tiếng nữa được không ." .  Người phụ nữ nhìn xa xăm, tôi thấy chị không trả lời, tính đi vào thì lại nghe tiếng chị " có ai chờ tôi nữa đâu chứ, không ngồi đây biết đi đâu.  Bọn đàn ông chó đẻ ".  Lâu rồi tôi mới nghe hai chữ chó đẻ.  Thật sự ai nói hai chữ này là chửi cha mẹ người nghe tôi phản bác liền.  Đúng ra là mắng cái hành động của người trước mặt hèn hạ và tồi tệ mà hai chữ chó đẻ nghe như thái độ khinh bỉ, miệt thị của người mắng thế thôi.  Tôi chẳng ngạc nhiên, đến đường cùng, ai cũng vậy, còn chửi được là phúc, chửi không được nữa đi chết mới đáng sợ. Tôi bỗng nhận ra người phụ nữ này còn mạnh và có sức sống.  Chị ngồi không thần sắc chắc vì đã nhịn tối qua chứ chả phải con người không nhà cửa.  Tôi bảo chị, "chị có thể viết vào đây tên tuổi, em tìm hồ sơ chị và lát nữa nếu có chỗ họ cho chị vô phỏng vấn em hay ai khác gặp chị sẽ biết hồ sơ chị trước khi gặp".  Người phụ nữ bình thản viết số an sinh xã hội cho tôi.  Tôi kết thúc với chị "chị cứ ngồi ngoài này tới 8h nhé, kiếm chỗ có hiên tránh sương cho đỡ bịnh chị ạ ".  Chị thở dài "nhân viên xã hội có khác".  Tôi không vừa "ai cũng có thể nói với chị câu đó, không cứ gì em, chị tin đi, còn niềm tin cho chính mình là còn tin được mọi người chị ạ". 
Miệng chị nở nụ cười nhạt.  Nụ cười đó quen quen.  Không phải chị quen tôi, tôi hiểu là mình cũng đã từng cười nhạt kiểu đó.

*
Tới giờ nhận hồ sơ phỏng vấn mới, tôi liên hệ với người thư ký nhận hồ sơ mới xem có bỏ tên chị vào hôm nay được không.  Chị bảo tùy tôi nếu tôi nhận làm vì tên tôi chưa tới phiên nhận hồ sơ mới trong tuần vì người khách này ghi trong đơn bằng tiếng Việt.  Có việc thì không làm trước cũng làm sau.  Tôi nhờ người thư ký làm thủ tục cho tôi gặp người phụ nữ đó.  Chị tên là Nhẫn, Phùng Thị Nhẫn. 
Cỡ 8h30 tôi ra kêu tên chị vô.  Kêu hai lần chẳng thấy chị đâu tôi tính đi vào, ai dè chị từ phòng vệ sinh công cộng đi ra.  Tôi dẫn chị vào cái bàn nhỏ xíu của tôi trong góc văn phòng.  Chị lẩm bẩm vừa đủ tôi nghe thấy "ít nhất đàn bà không chó đẻ".  Tôi vừa bực, vừa tính bật cười.  Thật sự tôi nghĩ lâu rồi tôi không nghe và hiểu hai chữ chó đẻ nghĩa gì không có nghĩa là tôi thích nghe người khác nói đi nói lại nhiều lần.  Nghe hai chữ đó lúc chỉ có mình với người nói cũng bực cái lỗ tai chứ bộ.  Tôi đùa với chị, cũng là giảm bớt không khí căng thẳng "mình bỏ hai chữ đó qua một bên đi nha chị , chị chỉ tới đúng lúc nên có thể chị  nghĩ chị may thôi, có khách họ đã đợi cả tuần". 
Chị tiếp lời tôi, "Cô biết không, con mẹ hàng xóm nhà tui nó đòi dẫn tui đi nếu được phiếu thực phẩm tui đưa nó 100 đồng, tui không tin trên đất Mỹ còn cái chuyện đó nên tự ngồi đợi.  Nó bảo tui tui đợi tới sang năm cũng không được xét nếu không phải nó dẫn.  Nội tui đợi cả đêm được vô hôm nay gặp cô cũng mãn nguyện về chửi cho con mẹ hàng xóm một mẻ .  Tôi không dám dính vô chuyện người ta, nhất là ba cái chuyện tranh chấp, tôi trả lời với chị" Em chả phải quan chức gì chị ạ, em là đầy tớ thay chính phủ thì có, em lấy của chị dù chỉ một đồng, ngày mai em mất job con em chết đói liền, chị yên tâm, em theo luật mà làm, chị không được em bảo không được chị có chửi em em cũng chỉ có thể nhìn chị mà phải làm thế thôi".
"Mình bắt đầu được chưa chị"" tôi tiếp lời .  Chị bảo Ok.
*
Cuối cùng chị không được thật, theo luật nhận phiếu thực phẩm người lớn trên 19 dưới 60 phải qua Mỹ đủ năm năm mới được, chị mới qua có 4 năm và ba tháng thôi.  Tôi hẹn chị 9 tháng nữa nếu còn cần nên tới.  Chị tâm sự cũng mong có việc làm chứ không đâu mà chờ đợi tới cửa gặp tôi.  Tôi mừng cho tinh thần sống của chị.  Khi ra về chị nói to và rất rõ "cám ơn cô Trâm nhe".  Tôi tự nhiên "dạ em chưa giúp gì được chị, em xin lỗi" .  Tôi cũng thấy nhẹ lòng thay vì nghe hai chữ chó đẻ lần nữa chắc tôi chịu hết nổi ngày làm việc hôm nay quá.
Chiều ra khỏi sở, tôi vừa bước ra xe thì nghe có tiếng gọi " cô Trâm, cô Trâm ".  Tôi nhìn đàng sau thì chị Nhẫn bước tới.  Chị hỏi tôi "cô viết báo phải không"".  Tôi mở tròn mắt "chị cho em hỏi sao chị hỏi vậy".  Chị phân bua "tên cô trên báo rành rành đó mà, cô con sĩ quan, tui cũng con sĩ quan, có điều thập niên 90 tui có gia đình nên phải đợi thêm 10 năm thôi ".  Nếu cô muốn viết, tôi kể cô nghe chuyện đàn ông chó đẻ cô viết đăng báo dùm".  Tôi bật cười "thưa chị nếu em có viết là viết cho hoàn cảnh và số phận của người phụ nữ cần được thông cảm chứ viết về đàn ông theo kiểu chị nói em nghĩ ai cũng viết được nói chi với em hả chị".   Tôi thì trả lời thật tình mà làm chị phải bật cười "cô khéo từ chối ghê, thôi được, cô viết hay không thì tùy, tôi muốn kể cho cô nghe, tôi không bạn bè, nhà cửa, con cái, ..."   Tôi không đợi chị nói hết câu thì kết thúc với chị "chị ạ, ngoài sở em không thể có tiếp xúc riêng với bất cứ khách hàng nào, họ nghĩ em tính toán gì với chị thì tội cho em lắm, chị thông cảm cho em nghe". 
Chị cười với tôi rồi bỏ đi.  Tôi tin người phụ nữ này không bỏ cuộc.


Chị không bỏ cuộc thật.  Một ngày, người Boss đương nhiệm lại bàn tôi đưa tôi một bức thư rồi ra lịnh "Tôi không hiểu nội dung bức thư này, vì đội soát thư tưởng thư nặc danh tố cáo gì đó nên đưa cho tôi.  Cô coi xong giải thích cho tôi nhé nếu cô cần sự giúp đỡ của tôi, còn không cô hãy tự giải quyết cho người khách này nhé.  Nói chung thì thư tố cáo nặc danh cũng chỉ có thể đưa qua văn phòng kiểm chứng thôi."  Tôi cầm bức thư dạ, dạ với người boss, mau mắn " Bà cho 15 phút, bà có thể ngồi đây tôi giải thích liền". 

"Cô Trâm,


Giữ lời hứa với cô, tôi kể cô nghe về chuyện đàn ông chó đẻ, đó là từ cuộc đời tôi chứng kiến, cô nghe xong, có viết hay không không quan trọng nhưng với tôi chia xẻ được với một người và có sự chứng kiến của một người khác về những chuyện xảy ra trong đời tôi là tôi mãn nguyện rồi".

Đọc tới đây tôi giải thích với người Boss "thưa bà, đây là thư từ một người khách không được phiếu thực phẩm gửi cho tôi chia xẻ về cuộc đời bà ta.  Bà có thể xem như chia xẻ cá nhân tôi chịu trách nhiệm giải quyết cho ạ."  Bà Boss tôi gật đầu đi ra.  Tôi tiếp tục đọc lá thư.

"Đầu thập niên 90, người ta rục rịch đi HO, gia đình tôi trong số đó.  Tôi lúc ấy đã 26, làm công nhân may trong một xưởng may tư nhân.  Năm đó tôi đã thân và yêu một người quá đổi, dù rất muốn ra nước ngoài lập nghiệp nhưng tôi sợ mất anh ta.  Và ngày gia đình tôi ra máy bay, tôi trốn về quê với anh ta cô ạ.  Cuộc đời tôi bấp bênh từ đó.  Không cưới hỏi, tôi dọn về ở chung với anh ta luôn, thời gian đầu anh ta rất tốt với tôi vì nghĩ tôi sẽ cầu cạnh gia đình cho anh ta một cuộc sống sung sướng.  Nhưng tôi không hèn như vậy, có tay chân thì tự làm lấy mà ăn.  Anh ta nói bóng nói gió, nói đi nói lại, tôi vẫn trơ ra, cuộc đời thiếu hụt tôi cam chịu, có gửi thư cho cha mẹ cũng chỉ là hỏi thăm chứ không tiền bạc gì.  Cuộc sống có chồng cũng như không như vậy 10 năm.  Tôi không sanh được con, hắn đâm bực, đâm chán, cuộc đời nghèo khổ nhờ đó mà đỡ bức bách đối với đời sống chỉ có hai vợ chồng.  Nhưng lại ra một nổi khổ khác.  Ngày tôi được kêu phỏng vấn đi đoàn tụ với cha mẹ, hắn mang về trước mặt tôi thằng bé và một người phụ nữ bảo đó là con hắn và bồ hắn.  Tôi vô cảm cô biết không, biết nói gì đây.  Tới nước này chỉ còn biết ngậm miệng.  Tôi khuyên hắn nên đi rồi sau này ly dị với tôi và bảo lãnh vợ bé của hắn. 
Hắn chỉ chờ có như thế.  Nửa phần chó đẻ đời tôi xong rồi đó.. .

*
Đời người phụ nữ nào cũng cay đắng.  Ủa, tôi nhận ra sao tôi toàn nghe chuyện buồn không dù cuộc đời tôi đã buồn lắm rồi.  Tôi không biết có nên đọc tiếp lá thư của chị không.  Ngày mới bắt đầu, tôi thấy muốn tiếp tục một ngày vui vẻ đã khó khi đọc chỉ mới nửa đoạn đời của chị.
"Qua đây độ một năm thì chúng tôi chia tay.  Hắn về làm hôn thú với vợ con hắn.  Tôi sống vất vưởng nay đây mai đó chỉ liên lạc với gia đình lúc có việc, lúc không thì trốn đâu biệt tăm cho rồi.  Tôi không biết có lúc nào hắn nghĩ tới tôi và có ý định tìm tôi coi tôi còn sống hay chết hay không.  Nghĩ tới đó sao tôi đau khổ vô cùng.  Đã đau khổ 10 năm, tôi thấy đau khổ thêm nữa là ngu, tôi tập quên và mở lòng đón những niềm vui mới. 
Tôi tìm một chỗ ở riêng, ở mướn, xung quanh là người bản xứ, chả ai biết minh, mình chẳng biết ai.  Tôi cũng không để ý ai làm chi, ở được 6 tháng an lành, bên cạnh nhà một người hàng xóm người Mỹ cứ hay gõ cửa nhà tôi mượn đồ.  Mới đầu tôi cũng tin hắn mượn đồ thiệt, nụ cười của hắn cũng thân thiện và đáng mến.  Tiếng Anh hắn nói tôi không hiểu nhiều lắm nhưng ánh mắt của hắn khiến tôi đủ hiểu hắn thích tôi.  Buồn đời, buồn gia đạo, tính tình tôi lại không eo hẹp, tôi giúp đỡ người hàng xóm vô tư rồi sự thể khác đi theo chiều hướng hai người khác phái cô độc phải đi tới. 
Tới lúc này tôi không tin trong đời không có sự giả dối, cái gì ban đầu và bề ngoài nhìn thành thật đến đâu cũng chứa đựng chút ít sự tính toán và giả dối trong đó.  Có điều con người tự làm ngơ để mình giả dối chính mình và giả dối với người khác để đạt được điều gì đó trong thâm tâm của họ.  Tôi trở nên thân thiện và nghĩ có thể đi tới làm bạn rất thân với người hàng xóm này.  Ông ta có lừa tôi không tôi không biết nhưng một ngày tôi nhận ra ngoài tôi ra ông còn vài ba chỗ khác lo lắng và quan tâm.  Tôi nói thẳng tôi không thích nhập nhằng và không thích bị thị phi.  Hắn hét vào mặt tôi rằng bộ tôi tưởng hắn chịu chung đụng với tôi là hắn cuối cùng sẽ yêu thương tôi và lấy tôi chắc.  Tôi ngớ người.  Tôi đâu phải gái gọi mà làm việc đó với hắn không có cảm giác hả cô. 
Sau lời nói đó của hắn, cảm giác tôi đi đâu mất hết.  Sống với người chồng không yêu thương mình 10 năm sức chịu đựng của tôi cũng đáng phục rồi.  Giờ mở được lòng lại gặp cảnh tượng này đúng là đời tôi chó đẻ không cô.  Nhớ lại bao lời yêu thương lúc trước của hắn, sự chăm sóc hắn dành cho tôi khiến tôi cảm động mà tôi thấy muốn nôn oẹ.  Tôi bỏ chốn đó đi lang thang tìm chỗ khác.  Cho tới cái ngày tôi ngồi đợi trước cửa văn phòng tôi gặp cô đó.
Cô Trâm, đọc báo thấy đời cô cũng khổ, muốn chia xẻ với cô thôi chứ ý thật tình của tôi chẳng cần báo đăng làm gì.  Rồi mai này dù tôi có hạnh phúc hay không, tôi cũng cảm ơn một ngày tôi còn thở, còn sống và còn biết dù ai có không  phải với mình, tôi vẫn tự hào tôi sống làm một con người còn có lương tri và đạo đức, cho dù tôi nghèo, tôi xấu xí hay vô gia cư. 
Chào cô nhé , chúc cô và hai con mọi điều an lành."

*
Đời còn gì để mà bàn tiếp hay không.  Một phần vui, mười phần khổ.  Người đạo hạnh khổ theo kiểu đạo hạnh, tôi ngang tàng, khổ theo kiểu ngang tàng.  Lắm lúc nổi buồn trong lòng tôi phát ra thành tiếng cười chua chát mà không phải là nước mắt tôi mới thấu tận tâm rằng cái khổ thiệt khổ có nhiều cách thể hiện chứ không cứ một cách. 
Đính kèm với bức thư có một phong bì ghi địa chỉ của chị, tôi lấy tờ giấy trắng ra viết lại cho chị vài dòng
Chị Nhẫn mến,
Đọc qua thư chị em hoàn toàn  tin chị có thể vượt qua được tất cả, những thử thách đã qua đã nói lên điều đó.  Hệ thống trợ cấp là nơi hổ trợ cho những thành viên trong xã hội trong tình thế không thuận tiện trong một lúc nào đó họ gặp trong đời sống riêng. 
Những gì đã qua hãy để cho nó qua nha chị và nếu những gì sắp tới cũng có chút tương tự với những gì đã qua thì mình hãy có lòng tin mình có đủ khôn ngoan hơn để đối phó với nó, với lòng nhạy cảm và lòng nhân đạo của con người đã giúp mình tồn tại và ngẩng cao đầu như hiện tại.
Em cám ơn chị vô cùng đã chia xẻ với em.
Em chân thành chúc chị mọi điều may mắn và an lành trong đời sống. 

Tôi gấp lá thư lại, bỏ vào phong bì, dán tem.  Ngày làm việc của tôi đã và đang tiếp tục từ những gì tôi hiểu và tin tưởng. Cũng chính điều đó dẫn tôi đi suốt mười bảy năm nay và có thể sẽ còn lâu hơn nữa cho tới ngày tôi về hưu bạn ạ.
Vành Khuyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến