Hôm nay,  

Hành Hương Fatima, Lộ Đức, Rô Ma

27/01/201000:00:00(Xem: 457020)

Hành Hương Fatima, Lộ Đức, Rô Ma

Tác giả: Nguyễn Viết Tân
Bài số 2848-1628918- vb312510

Tác giả sinh năm 1950 tại Dầu Tiếng Bình Dương.  Quê quán: Rạch Giá, Kiên Giang. Trước 1975, phục vụ tại Phi Đoàn 253 Sói Thần, Đà Nẵng. Công việc ở My: Từng thầu landscaping cho freeway tại vùng Nam Cali, nhận job trải dài qua ba quận hạt Los Angeles, San Bernadino và Orange County; Hiện làm một công ty xây nhà. Sách đã xuất bản: "Chuyện Miền Thôn Dã," rất được bà con hâm mộ. Ký sự du lịch hành hương của ông rất đặc sắc. Sau phần về Fatima, Lộ Đức,  là La Mã.

***
Tôi mới đi du lịch Âu Châu về. Thất nghiệp sáu bảy tháng nay, chẳng có việc gì làm, đành phải dẫn vợ đi du lịch.
Đọc đến đây sẽ có người trề môi ra mà nói thằng cha này chắc điên, hoặc giả sanh gần kho đạn Long Bình.
Oan ơi ông địa!
Chuyện là thế này: Cách đây ba bốn năm, tôi có mượn đứa cháu gái hơn bốn trăm ngàn để mần ăn lớn (xây nhà), với lời hứa là sẽ trả tiền lời 10% một năm.
Nhưng trời chẳng chiều lòng người, giá nhà tụt xuống cái rụp. Nhà làm ra hàng loạt gần chục căn mà chẳng bán được cái nào, tôi bèn finance một căn mà trả cho đứa cháu. Tôi nói đây chỉ là tiền vốn, chừng nào chú bán được căn nào nữa thì sẽ trả tiền lời như đã hứa. Nó hỏi:
-Tiền chú mượn là cho cả công ty mấy người, hay là riêng cho phần chú"
-Đây là tiền mượn riêng, chứ hai người kia họ cũng bỏ ra mỗi người gần triệu bạc rồi.
-Thôi cháu tính cho chú thế này, tiền vốn thì cháu lấy lại, nhưng tiền lời mấy năm nay thì chú khỏi trả, với một yêu cầu nho nhỏ cuả cháu, là chú dẫn thím với má cháu đi hành hương Fatima, Lộ Đức và Roma một chuyến, vì năm nay má cháu đã yếu rồi, không biết mấy năm nữa có đi nổi không.
Con cháu đã rộng lượng, cho mình năm bảy chục ngàn như thế, thì dù có phải chạy nợ để mua vé tour hết vài chục ngàn, tôi cũng phải cong đít lên chạy cho ra, không thôi người ta cười cho, và Tây tà nó biết, nó cũng khi dể!
 Đối với người Công Giáo, nhất là những người già trên 60 tuổi như bậc anh chị hay cha mẹ tôi- ở trong nước hay tại hải ngoại cũng vậy- thì ước mơ đi hành hương cũng cháy bỏng y như người theo  Hồi Giáo mong có một lần trong đời được về đất thánh Mecca.
Tour hành hương Holyways thường được một Tour guide và một LM Việt Nam hướng dẫn. Đoàn chúng tôi gồm 48 người ở nhiều nơi trên đất Mỹ, điểm tập họp là phi trường New Jersey.
Chi phí là 3,900$ bao gồm vé tour, vé máy bay nội điạ và tiền tip. Riêng về ẩm thực thì ăn sáng và tối tại Hotel, ăn trưa tự túc, muốn ăn đâu cũng được, muốn nhịn đói để xuống cân cũng không ai cản.
Đi từ Tây qua Đông nước Mỹ đã mất 5 giờ đồng hồ ngồi ê cả mông, bay một lèo sang Lisbon thủ phủ cuả nước Bồ Đào Nha - Portugal  7 tiếng  nữa, vị chi là 12 giờ ngồi bó gối làm cặp giò tê cứng, sưng lên như chân voi, tới nơi xỏ vô giầy không vừa nữa..
Anh Sáng ở Thụy Sĩ khi biết tôi sắp đi hành hương, email nói rằng nước Bồ Đào Nha rất nổi tiếng với quạt gió khổng lồ, làm tôi đinh ninh họ xài quạt gió để xay lúa mì như trên các bức tranh cổ của Âu Châu, ai dè khi máy bay hạ thấp, nhìn rặng núi vây quanh thủ đô mới biết rằng nó là quạt để làm ra điện lực. Thứ này ở Cali thiếu gì, gần xa lộ 152, trong Palm Spring quạt gió có nhiều vô số, đếm không xuể.
*Phép lạ được công nhận
Ông Tour Guide và tài xế xe bus đều là người Ý Đại Lợi đón chúng tôi tại phi trường, chạy một vòng cho mọi người biết thủ đô Lisbon rồi nhắm hướng Fatima trực chỉ.
Dọc đường, họ ghé qua nhà thờ Santarem, nơi đây 700 năm trước đã xẩy ra Phép lạ Thánh thể:
-Có một người đàn bà khổ sở vì ông chồng khô đạo. Muốn tạo lại niềm tin cho ông và cứu vãn hôn nhân sắp đổ vỡ, bà vợ đến gặp một người Phù Thủy trong làng. Phù thủy này hứa giúp, nếu bà đem tới một miếng bánh thánh.
Hôm sau khi đi lễ, bà rước mình thánh Chúa xong, lén lấy ra và gói trong chiếc khăn tay rồi bươn bả ra khỏi nhà thờ.
Chiếc bánh thánh bỗng chảy máu ra nhiều quá, đến nỗi giáo dân nhìn thấy tưởng đâu bà bị đứt tay nên chạy tới giúp đỡ.
Bà ta gạt ra, vội vàng bươn chạy về nhà, quăng mình thánh vào một cái thùng rồi đậy nắp lại.
Hôm đó ông chồng về trễ như thường lệ, nhưng nửa đêm cả hai vợ chồng đều giật mình tỉnh giấc, vì một ánh sáng kỳ diệu phát ra từ chiếc thùng kia. Bà thú thật với chồng việc mình đã làm, đoạn cả hai run sợ quì xuống trước chiếc thùng kia.
Sáng sớm hôm sau hai vợ chồng ra trình sự việc với vị Linh Mục chánh xứ, ngài tới lấy chiếc bánh thánh còn đẫm máu kia, bỏ vô một chiếc bình sáp mà để trong nhà chầu.
Dân chúng gần xa tuôn đến xin vị LM cho chiêm ngắm sự huyền diệu, thì lại một phép lạ khác xẩy ra, chiếc bình sáp đã biến thành pha lê trong suốt, trong đó chứa đựng mình thánh.
Giáo hội sau khi điều tra, đã công nhận đây là một phép lạ, và chiếc bình pha lê kia đã được trưng bày hơn 700 năm nay cho khách hành hương tới kính viếng.
Thánh Phanxicô Xavier trước khi trẩy đi phương đông giảng đạo, đã ghé thánh đường Saint Stephanô này mà cầu nguyện.
*Fatima và Thánh đường mới
Chiều hôm đó trời đổ mưa nên chúng tôi tới Fatima Hotel thì đã xẩm tối, tuy vậy nhận phòng xong là mọi người đều băng ngang công trường rất rộng, mà đến gốc cây sồi nơi Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ mục đồng. Sau đó chị Châu, cô Mến với chúng tôi tiến vào Vương Cung Thánh Đường Fatima. Đây là một nhà thờ khá lớn, có dễ nó to gấp hai ba lần Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn..
Gần gian cung thánh, một bên có mộ Chân phước Phanxicô, phiá bên kia là Chân phước Jacinta và chị Lucia. Như Đức Mẹ đã cho biết trước là sẽ rước hai trẻ kia rất sớm, nhưng chị Lucia sẽ còn sống rất lâu để làm chứng nhân. Chị Lucia đi tu dòng ở bên Ý khoảng hơn 70 năm, sau khi chết (2005) được chôn ở nhà dòng Mẹ bên Tây Ban Nha, gần đây mới được đưa về Fatima thuộc Bồ Đào Nha.
 Những lời hứa của Đức Mẹ đã thành sự thật như là nước Nga sẽ trở lại; sẽ có một vị Giáo Hoàng bị ám sát nhưng được Đức Mẹ che chở.
Hiện nay nhà nguyện nơi cây sồi có tượng Đức Mẹ, trên vương miện có cẩn đầu viên đạn mà kẻ ác đã bắn vào Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II.
Đối diện với Vương Cung Thánh đường, một nhà thờ mới xây năm 2000 là TRINITY CHURCH IN FATIMA - Nhà thờ Chúa Ba Ngôi -
"Viên đá đầu tiên được đặt vào ngày 6 tháng tư  2004, chi phí là 80 triệu Euros…và khánh thành vào ngày 12 tháng 10, 2007 kỷ niệm 90 năm Phép Lạ Mặt Trời Quay – là hiện tượng xảy ra Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lần thứ sáu vào tháng 10 ngày 13, 1917.
 Bên trong nhà thờ không có cây cột nào, chứa được khoảng 9 ngàn người - chiều dài  95m - rộng 115m – Cao 20 m.
Đại diện Toà Thánh Vatican là ĐHY Bertone đã đến dâng lễ thánh hiến - Đây là thánh đường công giáo lớn thứ 4 trên thế giới, sau St. Peter- Rome, Our Lady of Aparecida Shrine- Brazil, Basilica of Our Lady of Peace, Yamoussoukro- Ivory Coast.
Nơi đây có viên đá hoa cương lấy từ mộ Thánh Phêrô tại đền thánh Phêrô- Rome mà ĐGH John Paul II đã ban tặng vào ngày 09-3-2004. Nhà thờ này kiến trúc theo kiểu Chính Thống Giáo và La Mã cổ"...(Trích Jackie Tran)
Phía tiền sảnh có ghi nhiều thánh thi bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có hai câu bằng chữ Việt rất dài mà tôi quên không chép lại.
Cha Linh hướng Hoàng Thanh Bình, gốc Oregon, dâng lễ với chúng tôi trong nhà nguyện nhỏ gần cây sồi. Lúc lễ xong tôi thấy người ta quì gối mà đi từ cổng vào tới trong, dài hơn nửa cây số, mưa ướt đẫm người họ mà họ cứ lần hạt mân côi, có tu sĩ, thanh thiếu niên, đàn ông đàn bà và trẻ nhỏ nữa. Nhìn gương mặt họ, tôi thấy niềm tin nơi tâm hồn mình ví như hạt cát.
Gần mười giờ đêm thì có rước nến và kiệu Đức Mẹ quanh công trường, ánh sáng kéo dài như một con rồng lửa vĩ đại.
Sáng hôm sau chúng tôi đi đến nhà ba vị thánh. Ngôi làng Aljustrel nghèo nàn, đường phố nhỏ, nhà cửa lụp sụp với những chuồng gà vịt, chuồng chiên cừu ... còn được giữ nguyên vẹn như hồi các ngài còn sống.
 Chúng tôi rời Fatima ngay trưa hôm đó, sau khi lạc mất một thành viên- cô Kim Thanh ở Westminster, làm các trưởng toán lo đi tìm sốt vó cả hơn tiếng đồng hồ.
*Nước Spain
Xe băng ngang biên giới mà vào nước Tây Ban Nha. Nước này lớn gấp sáu lần nước Bồ, mức sống của dân chúng không thua kém nước Mỹ bao nhiêu, nhà cửa cả hai nước đều đẹp, con người cũng đẹp nữa, (nhưng đàn bà con gái hút thuốc nhiều quá, hôi rình). Những đồng cỏ với đàn bò đen trắng xen lẫn những vườn nho trên sườn đồi thoai thoải, rõ ra một cuộc sống yên bình.
Nhìn những vườn nho tôi bỗng nhớ tới câu thơ:
Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Qua đến xứ này mà không uống rượu nho của nước Bồ Đào thì thật là uổng tiếng anh hùng, thế nên khi còn ở Fatima, nhà hàng dọn bữa tối, có đãi một chai wine mà trong bàn toàn đàn bà con gái ngồi cùng, có mình tôi là hoa lạc giữa rừng gươm, nên tiện tay cứ rót tì tì cho đến hết thì thôi.
Đến Tây Ban Nha sau hơn nửa ngày ngồi xe. Bữa tối có món steak, nhưng trong bàn mười người có đến bốn mống kiêng thịt bò, nên tôi lại đành phải "hy sinh" cà lảm năm miếng thịt to hơn bàn tay ấy. Năm miếng bí tết chất lên năm từng đầy tú hụ. Trai gái bồi bàn  nhìn sững vào mặt tôi như nhìn một dị nhân, nhưng tôi làm mặt lì cứ tỉnh bơ cắt, nhai... lâu lâu với tay tới hai chai rượu nho bày sẵn trên bàn. Thú thực bụng có to bằng cái thúng cũng ngốn không hết ngần ấy thứ, nên tôi đành để dư lại hai miếng, mà những ngày sau này cứ tiếc hoài, vì toàn phải ăn mì, cá và mấy món lạ hoắc… mà mới nhìn đã muốn khóc rồi.
Trong các Hotel mà chúng tôi trú ngụ suốt cuộc hành hương, có lẽ ở Tây Ban Nha là sang nhứt, ăn sáng hay tối đều ngon, phòng ốc rộng rãi mát mẻ, lại nằm bên bờ biển rất đẹp, có điều khuya quá rồi thành ra chỉ có một số nhỏ thanh thiếu niên trong đoàn ra dạo biển ngắm cảnh mà thôi, kỳ dư ông già bà cả rút vào phòng ngủ hết.
Sáng sớm chúng tôi đi thăm nhà thờ nơi có mộ thánh Giacôbê. Ngài là anh của Gioan, là một trong hai môn đệ có mặt khi Chúa Giêsu biến hình, cùng ở với Chúa trong vườn Giệtsimani và vị Tông Đồ này đã bị vua Hêrôđê dùng gươm giết chết.
 
*Phép lạ Lộ Đức
Chúng tôi đến Lộ Đức (Lourdes)  là một làng nhỏ bên Pháp lúc 5g chiều, trời vẫn còn mưa rả rích.
Tôi với O Điểm đi tìm nhà thuốc Tây, người ta chỉ đường và nói đi chừng 5 phút, vậy mà cả 30 phút mới tới, nhưng cũng nhờ như vậy mà chúng tôi là hai khách trong đoàn đã biết nhiều đường ở Lộ Đức nhứt.
Cách đây hơn 100 năm, năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với một cô gái nhà quê không biết chữ, nhà rất nghèo. Cô phải ra ven suối kiếm củi về bán. Lần đầu Đức Mẹ không nói gì hết, nhưng 17 lần sau đó nói chuyện với cô rất nhiều. Cô về kể lại với gia đình và cha xứ thì không ai tin, họ cho là cô bị bịnh tâm thần. Chính quyền thì ngăn cấm cô, rào hang đá mà cô nói Người đàn bà đẹp đã đứng.
Cha xứ khuyên cô dùng nước phép mà rảy, nếu người đó là ma qủi thì sẽ biến đi. Ai ngờ người đó mỉm cười và xưng danh:
-Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Cha Xứ sau đó đã tin lời của Bernadette, vì từ ngữ này, một đứa bé vô học không thể nào biết được, vả lại trong đạo Công Giáo thời ấy, tại Vatican còn đang tranh luận về đề tài mà sau này trở thành tín lý: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Người ta đổ xô đến ngôi làng bé nhỏ nơi đèo heo hút gió này mà xin ơn, và rất nhiều người đã được toại nguyện. Chính vị Bác Sĩ ngoại đạo, thay mặt chánh quyền đến để chứng nghiệm, đã tin và xin gia nhập đạo Công giáo sau khi thấy ngọn nến cháy trong tay Bernadette mà cô không hề hấn gì.
Bernadette sau đó đi tu, học hành tấn tới, thủ bút của cô, giấy rửa tội, đôi giầy bé xíu và mòn vẹt vẫn còn được lưu giữ.
Nơi cô sinh trưởng, cũng như căn Cachot (nhà giam) mà người ta cho cha mẹ cô ở nhờ trở thành nơi tham quan cho bao người đến Lộ Đức.
Năm 36 tuổi thì Bernadette mất trong tu viện, làm nhiều phép lạ nên theo phong tục Phong Thánh hồi ấy, sau 10 năm người ta đào mộ lên thì thấy thân xác vẫn còn tươi.
20 năm sau khi bà mất, họ lại cải táng lần nữa. Lần thứ ba sau 10 năm nữa, nghĩa là sau 30 năm, cơ thể bà đã được các Bác sĩ giải phẫu, thì thấy ngay cả lá gan vẫn còn y nguyên, vì vậy họ đặt vào lồng kính, để tại tu viện Mẹ ở bên Pháp cho người ta kính viếng. Rất tiếc là lịch trình lần đi này chúng tôi không đến tu viện đó.
Công trường Lộ Đức rất lớn, gần hang đá là ba ngôi nhà thờ xây chồng lên nhau, thế mới biết căn xây sau cùng phải lớn đến cỡ nào, nó úp lên hai ngôi nhà thờ kia, có đến 15 bàn thờ chứ không phải ít.
Nước suối Lộ Đức ngày nay không múc từ suối lên như ngày xưa, mà được chảy ra từ 20 vòi nước.
Suối chữa bịnh phải xếp hàng rất lâu mà trời lại mưa lạnh, nên trong nhóm Kinh 5 chỉ có chị Nghị Hằng và cô Mến tắm mà thôi, cô Hồng Khiêm, chị Châu với vợ chồng tôi chẳng có bịnh gì cả thì tắm làm chi.
Khi tắm xong, không cần lấy khăn lau mà trên da không đọng lại giọt nước nào, rất kỳ lạ.
Quả núi bên trái hang Lộ Đức có 14 chặng đường thánh giá, mà đường lên rất dốc. Từ dưới chân núi leo lên chặng thứ nhất có tượng bằng đồng cao 2m, quan Philatô đưa Chúa Giêsu ra xử, thì chị Châu, cô Mến và tôi dãn hết... giây thiều, đành ngồi lại đọc kinh, cả đoàn theo sau cha Linh Hướng mà leo lên theo chân Chúa.
Nghe kể lại gần 50 người mà chỉ có 4 lên tới chặng chót, trong đó có O Điểm nhà tôi, đúng là dế ốc tiêu!
Vì thèm đồ ăn VN quá, trưa đó chúng tôi lội bộ đến tiệm Phi Long, vô kêu phở thì họ nói đợi khoảng hai tiếng mới có, thôi thì đành ăn buffet của tiệm, tuy mắc và không ngon lắm nhưng còn hơn gặm bánh mì.
Đến tối trời lại mưa, mà trong người tôi ớn lạnh như bị cúm heo, thành thử không đi rước kiệu nến được.
Ngày mai phải ngồi trên xe bus một chặng đường dài, băng ngang suốt miền nam nước Pháp, nên chúng tôi đi ngủ sớm.
Xe chạy qua những ruộng vườn nước Pháp. Mùa thu đã tới nên ruộng bắp chỉ còn trơ lại thân cây khô khốc, chẳng có vẻ gì đẹp đẽ như tôi hằng tưởng tượng. Nhà cửa không được đẹp như ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Hồi xưa mỗi lần nghe nói chuyện bên Tây là tôi cứ há hốc mồm ra nghe, nào là Mùa Thu Paris, vườn Lục Xâm Bảo, ga Lion đèn vàng.. cầm tay em muốn khóc v v... bây giờ thấy thất vọng quá, lại càng muốn khóc hơn khi 100 USD chỉ đổi được có 55$ Euro, mà một chai nước lọc hay lon coca, chai bia... khách sạn cứ phang thẳng thừng 4 Euro nghiã là gần 8 dola đấy các cụ ạ.
Cầm tiền đô về VN ăn tiêu coi bộ huy hoàng, chứ mang nó qua Âu Châu xài thấy tiếc đứt ruột.
Một bữa ăn cho 5 người gồm một cái pizza chỉ có nấm và cheese, không có thịt, mấy dĩa rau xà lách với hai dĩa thịt bò, hai dĩa thịt gà nhỏ như lòng bàn tay, bốn chai coca với một chai bia mà nó quất cho 87 Euro, hơn trăm rưỡi đô rồi còn gì.
Ăn mấy bữa trưa như thế nên chúng tôi đổi kế hoạch: Lúc ăn sáng tại khách sạn, lấy một ổ bánh mì, kẹp thịt, hoặc trứng vô, cộng thêm một trái cam hay táo bỏ vào túi thì khỏi tốn bữa ăn trưa.
Cũng chẳng thiệt hại gì cho Hotel, bởi trong nhóm chúng tôi mang cả mì ly, thịt chà bông theo để ăn sáng vì tại đây họ có nước sôi.
Đêm đó chúng tôi dừng chân ở thành phố biển Nice cực nam nước Pháp.
Đã qua Hè rồi, người ta đâu còn đổ về đây tắm biển, thế mà kẹt xe kinh khủng, nên đến Hotel, ăn tối xong là đã quá khuya, chỉ có mấy người đi thăm khu chợ cho biết một thành phố nổi danh của Pháp ra sao mà thôi.
Từ đây qua tới nước Ý chỉ còn khoảng 50 cây số. Toàn vùng Âu Châu, khi chúng tôi băng ngang biên giới, xe không cần ngừng để trình giấy tờ hay khám xét chi cả.
Nước hoa của Pháp vang danh từ lâu, nhưng khi xe ghé một tiệm làm tinh chất nước hoa, các bà các cô phần nhiều chỉ mua xà bông, họ chê nước hoa Pháp thơm gắt quá, không hạp với gu bên Mỹ.

Xe vào lãnh thổ Italy. Trải dài hai bên xa lộ là sườn đồi trồng Olive, xanh biếc như đồi trà. Trái olive được dùng như thực phẩm hàng ngày, dầu olive ăn thay cho dầu mỡ nghe nói rất tốt cho sức khoẻ, nhưng đừng dùng nó mà chiên xào, khi ấy nó biến thành rất độc.
Xế trưa chúng tôi mới tới thành Assisi.
Nói tới thánh Phanxicô thành Assisi thì có thể có người không biết, nhưng bài hát Kinh Hoà Bình của ngài: "Lạy Chúa xin cho con, biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người..." thì ai là người Công Giáo mà không thuộc.
Thánh Phanxicô (1182-1226) sinh trưởng trong một gia đình giàu có, được ăn học để sau này cai quản gia tài của dòng họ. Ngài tham gia quân đội, đã từng trở thành tù binh, khi được thả ra ngài về lại thành Assisi, trao trả lại cho cha tất cả tiền bạc của cải, kể cả áo quần. Ngài thành lập dòng Anh Em Hèn Mọn. Hai năm cuối đời (1224), ngài chịu khổ sở vì trên thân thể, Chúa đã in năm dấu thánh. Tuy nhiên ngài vẫn ăn chay đánh tội, lăn mình vào những bụi hoa hồng gai góc. Chúa đã biến những cây hồng này thành không có gai. Vườn hồng vẫn còn được lưu giữ chăm bón cho đến nay.


Ngài chăm sóc kẻ vô gia cư, người nghèo, bệnh nhân cùi hủi. Chăm sóc cả cây cỏ muông thú, nên chúng thường quanh quẩn bên ngài.
Có một bức tượng của ngài cao lớn như người thật, tay đang cầm một chiếc giỏ nhỏ đựng thức ăn cho chim, mà ngày đêm lúc nào cũng có một con chim bồ câu nằm trong giỏ, con khác bay tới thì con nọ bay đi. Cả mấy trăm năm nay ngày nào cũng thế cả.
Khi ngài thành lập dòng, có 12 anh em, đi giảng thuyết, thì  một thiếu nữ rất xinh đẹp, con nhà quyền qúi, cũng rời gia đình mà đi tu. Năm đó cô Clare 18 tuổi, sau này bà thành lập dòng Chị Em Hèn Mọn.
Bà được phong hiển thánh và thân xác còn nguyên vẹn vẫn còn nằm trong hòm kiếng tại nhà thờ thánh Clare, trông như người đang ngủ.
Tôi nghĩ khi dịch sang tiếng Tây Ban Nha, đó là bà thánh Santa Clara.
Đoàn hành hương đến thánh điện Đức Bà Loreto, nhà của Thánh Gia theo truyền thuyết đã được các thiên thần đem về đây. Bây giờ người ta dùng đá cẩm thạch bao ra phía ngoài, với những hình tượng điêu khắc sắc xảo, nhìn mê con mắt, không biết những thiên tài nào đã làm nên những kiệt tác này.
 
* Phép Lạ:  Máu và thịt
Tại nhà thờ Lanciano vào thế kỷ thứ tám, có một Linh mục, khi đọc câu truyền phép thánh thể thì hoài nghi rằng, không biết vụ này có thực hay không, bỗng nhiên miếng bánh hoá thành thịt và chén rượu nho biến thành máu. Mọi người đều kinh hãi. Tòa thánh điều tra kỹ lưỡng và xác nhận đây là phép lạ.  Cho đến nay, miếng thịt và máu thánh đó vẫn để trong lồng kính cho mọi người kính viếng.
Gần đây (1973) các nhà khoa học cuả World Health Organization (WHO) sau khi khảo nghiệm và phân chất, đã xác định rằng thịt đó là thịt của một trái tim con người, máu đó là máu người thuộc loại AB, vẫn còn chất protein, phốt pho, magnesium, sodium, calcium và chlorides... tỉ lệ cuả máu tươi.
Thịt đã ngả màu nâu xẫm, còn máu khô đọng lại thành 5 viên khá lớn.
Điều huyền diệu là sau hơn một ngàn năm mà máu thịt không bị hủy hoại..

*Tiến về Rome
Chúng tôi lại lên xe bus mà tiến về Roma. Dọc hai bên xa lộ là những nhà máy cắt đá marble. Những khối đá lớn chừng hơn 10 thước khối được xếp đầy dẫy ngoài sân xưởng. Những cần trục đang đưa cẩm thạch vô máy cưa để xẻ ra làm gạch lót nhà, những tảng đẹp đẽ và nguyên vẹn dùng để điêu khắc tượng.
Rặng núi cẩm thạch cao vòi vọi, chạy dài không biết bao nhiêu dặm này đã được khai thác hơn ba ngàn năm qua. Đá sản xuất đã được dùng xây bao nhiêu công trình tráng lệ của Âu Châu thời cổ và đương đại, nhưng vẫn còn quá nhiều, chẳng biết bao nhiêu ngàn năm nữa mới hết.
Nhìn dẫy núi này, tôi chợt nhớ đến Ngũ Hành Sơn gần thành phố Đà Nẵng của nước ta, đó là năm ngọn núi nhỏ mà ngọn cao nhất cũng chỉ vài ba trăm mét. Núi đá ở đây cũng là cẩm thạch rất đẹp, nhưng vì trước đây, sự khai thác không có ai quản lý một cách chuyên nghiệp, nên người ta đã dùng cốt mìn, sức nổ làm rạn những tầng đá  nên bây giờ phẩm chất marble trở nên rất kém, bán ra nước ngoài không được giá.
Đã thế, những khối đá thô lại đem đi xuất cảng luôn, không phải là thành phẩm nên lợi nhuận thu về cho nước nhà không được bao nhiêu.
Núi đã nhỏ, mà khai thác tận tình như vậy, thì dù có đào hào sâu xuống đất như vùng núi Bửu Long Biên Hòa đi nữa, chẳng bao lâu nữa cẩm thạch màu sắc đẹp đẽ này cũng bị cạn kiệt.
Người ta nói: Con đường nào rồi cũng về La Mã. Tôi tưởng đâu tất cả các con đường lớn ở Âu Châu đều tụ hội về La Mã, nhưng có lẽ ngày xưa khi Đế Quốc Rôma còn hùng mạnh, thì các chư hầu phải về triều cống nên mới có câu thành ngữ kể trên, chứ đường về Rôma cũng không nhiều như Mỹ mà còn nhỏ hẹp nữa, nên kẹt xe kinh khủng.
Rome là thủ đô của nước Ý Đại Lợi, và Vatican thủ đô cuả đạo Công Giáo, là một nước nhỏ nhất trên thế giới (55,000m2), lại nằm lọt thỏm trong thành phố Rome này.
Sau khi ăn tối, chúng tôi lên xe để chiêm ngưỡng "Rome By Night". Cả một thành phố cổ kính rực rỡ lên dưới ánh đèn. Những lâu đài, thánh đường, những phế tích, huyền thoại xen lẫn những chứng tích có thật có thể sờ mó để kiểm nghiệm được, đều làm lòng du khách xao xuyến.
Sáng hôm sau chúng tôi đến công trường thánh Phêrô.
Ở giữa công trường mênh mông 240m X 340m là một Tháp bia cao 42m. Công trường này có thể chứa 60 ngàn người. Nó được xây trong 11 năm (1656-1667) với 38 trụ và 280 cột, chu vi của trụ ba người ôm không hết. Trên mái cao có 140 tượng các thánh cao 3m.
Tôi đứng ngửa cổ ngẩn ngơ nhìn, không hiểu nổi cách đây ba bốn trăm năm, không có cần trục xe cẩu, làm sao mà sức người có thể đem những tảng đá, cột trụ, tượng điêu khắc từ xa xôi về đây, rồi đem lên cao như thế (").
*Đền thờ lớn nhất thế giới
Trước mặt công trường là đền thờ thánh Phêrô, đền thờ lớn nhất thế giới rộng hơn 15 ngàn mét vuông. Vua Constantino đã cho xây đền thờ vào năm 324 và sau này danh hoạ Michelango đã tô điểm rất nhiều, nhất là với kiệt tác Đức Mẹ Sầu Bi "La Pieta" nổi tiếng thế giới.
Dưới hầm đền thờ là mộ các Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là khi xác của ĐGH Gioan 23 được đem lên để vào hòm kính thì xác ĐGH Gioan Phaolô II được chôn vào huyệt mộ đó.
Đền thờ có 5 cổng, cánh cổng bên phải đóng lại, chỉ có năm Thánh mới được mở ra.
Ngoài sân đền thờ, hai bên có tượng hai thánh Phêrô và Phaolô. Một người cầm chìa khoá, người kia đang giảng thuyết.
Ngày hôm đó chúng tôi đi Viện Bảo Tàng Vatican và Nguyện đường Sistine để ngắm những bức tranh cuả các danh hoạ: Michelangelo, Raphael, Bermini...
Thú thật thấy các bức tranh to lớn màu sắc rực rỡ, những bức hình vẽ hoặc chạm khắc trên vòm mái, người đi coi đông như kiến, thì tôi cũng trầm trồ rồi lấy máy ra chụp lia lịa chứ kiến thức về hội hoạ thì mù tịt, chẳng biết mốc xì gì.
 
*Diện Kiến Đức Giáo Hoàng.
Mỗi trưa thứ tư hàng tuần, nếu ĐGH không bận đi đâu, thì ngài sẽ chủ tọa một buổi tiếp kiến con chiên đến từ mọi nơi trên thế giới.
Lúc 11g thì ĐGH mới xuất hiện nhưng đoàn chúng tôi đã đến nơi từ bảy tám giờ sáng, chiếm lĩnh hàng ghế phía trên và sát đường đi.
Người đâu mà đông quá trời, từng đoàn ngồi chung với nhau, có đoàn mặc đồng phục, có đoàn mỗi người cầm một lá cờ nhỏ, hoặc đội nón cùng màu, riêng đoàn chúng tôi thì khăn phu la màu xanh đậm.
Khi được giới thiệu trước mặt ĐGH thì đoàn đó đứng dậy, phất cờ, phất khăn và reo hò tở mở.
Đặc biệt có những địa phận mang theo cả nhạc khí và một đoàn vũ để hát mừng khi được giới thiệu đến tên.
Đức Benedicto nói chuyện với giáo dân bằng rất nhiều ngôn ngữ, ngài nói lưu loát nhiều thứ tiếng, nhưng rất tiếc không có tiếng VN nên chúng tôi hơi buồn buồn.
Vì lúc tan lễ quá đông nên nhóm chúng tôi lạc nhau, đi quanh quẩn thì tôi gặp một thanh niên còn rất trẻ, hỏi thăm tôi có phải từ Mỹ qua không. Tôi nói:
-Cháu từ Mỹ qua đây du học phải không"
-Dạ phải, ba má cháu ở Oregon, gọi phone cho biết có họ hàng là bà Nghị qua hành hương Roma, và có gửi đồ ăn qua cho.
-Chắc cháu thèm đồ ăn VN dữ lắm hả" Qua đây lâu chưa, chừng nào làm Linh Mục"
-Dạ cháu làm LM đã sáu năm rồi, bây giờ qua đây học thêm.
Tôi ngạc nhiên vì người thanh niên này còn quá trẻ:
-Xin lỗi cha nghen, thế học xong liệu có được làm Giám Mục hay Hồng Y gì chăng"
-Dạ, cháu là một LM dòng Tên, khi khấn dòng có lời thề là không nhận một chức sắc gì ngoài đời cũng như trong đạo ngoài chức Linh Mục.
Nói chuyện một hồi, tôi mới biết cha là LM Việt Hưng, dù còn trẻ nhưng đã nổi tiếng vì những bài giảng thuyết, con của ông bà cố Tải và là cháu của ông bạn tôi- LM Đinh văn Nghị- đang dậy ở ĐH Bangkok.
Chiều hôm đó chúng tôi đến viếng Nhà Thờ Đức Bà Cả, Đại Thánh Đường Thánh Gioan và băng qua bên kia đường để thăm Holy Stair.
Sao lại gọi là Cầu thang Thánh"
Là tại vì đây chính là 28 bậc thang trong dinh Quan Tổng Trấn Philatô, mà Chúa Giêsu đã bước lên, để rồi quan trao người cho quân dữ đem đi giết.
Dưới chân cầu thang có bốn bức tượng cao lớn: Quan Philatô đang xử án Chúa; bên phiá tay phải là tượng Chúa Giêsu và Giuđa.
Có nhiều người tưởng đây là tượng Chúa và môn đệ yêu dấu là thánh Gioan, nên cả 4 bàn chân được rờ và hôn bóng loáng, nhưng tôi thấy chắc đây không phải là Gioan mà là Giuđa, vì ông này râu rậm và đang chu mỏ ra mà hôn Chúa -cái hôn bán thầy- ra hiệu cho quân dữ bắt thầy mình.

*Nơi Phaolô bị chặt đầu
Hôm sau chúng tôi đi thăm đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Nơi đây chính là nơi môn đồ Phaolô chịu tử đạo (năm 56 AD). Ngài bị chặt đầu và xác chôn tại đây, mãi gần 300 năm sau Hoàng đế Constantino mới xây thánh đường này. Ngôi nhà thờ quá vĩ đại, lại cao vòi vọi, chung quanh trên trần chạm khắc bằng đá màu, hình của 265 ĐGH kể từ thánh Phêrô cho đến nay.
Chúng tôi đã dịp thăm Hang Toại Đạo. Từ ngày còn nhỏ, tôi đã nghe cái tên này nhiều lần, nhưng không để ý lắm, chỉ biết loáng thoáng đây là một đường hầm để giáo dân trốn tránh trong thời kỳ đạo Công Giáo bị vua quan Đế quốc Rôma bách hại.
Chúng tôi vào một nguyện đường nhỏ, người phụ trách hỏi chúng tôi đến từ nước nào, khi nghe nói là người Việt Nam, ông ta bỏ vô máy một CD nói tiếng Việt, lời thuyết minh đến đâu, thì ông chỉ trên bản đồ tới đó.
Tổng cộng chiều dài đường hầm là 20Km. Thật là kinh khủng!
Chúng tôi được hướng dẫn xuống đường hầm với lời dặn là phải đi liền kề nhau,  nếu bị lạc thì sẽ không biết đường về.
 Tôi những tưởng rằng sẽ có lúc mình phải bò, ít nhất cũng khom lưng, ai dè đường khá rộng, hai ba người chen đi cũng lọt và trần khá cao, có chỗ đến 3m. Hầm có nhiều tầng cấp nhưng chỗ sâu nhất là 62ft nghĩa là trên dưới 20m, nhưng đặc biệt là không có chút nước nào rỉ ra từ lòng đất.
Hai bên hầm là những tầng mộ được đục khoét vào đá như những ngăn kéo của tiệm thuốc bắc, bây giờ xương cốt đã được dời đi chôn chỗ khác. Tổng cộng có tới trên 500 ngàn ngôi mộ ở đây.
Khu vực quan trọng và linh thiêng nhất trong hang toại đạo Callistô là nơi 8 vị Giáo Hoàng tử đạo được chôn cất trong mồ khoét sâu vào tường. Trên mỗi ngôi mộ có ghi danh xưng của mỗi vị GH. Ðó là các ĐGH:
-Anterus tử đạo 40 ngày sau khi được bầu làm GH năm 236.
-Fabianô (236-250) tử đạo triều Hoàng đế Decius; -Lucius I (253-254) tử đạo sau một một thời gian dài bị lưu đày.
-Stephanô I (254-257) và Sixtus II (257-258) thời Hoàng đế Decius bắt đạo.
-Dionysius (259-268); Felicê I (269-274) và Eutychianus (275-283).
Địa điểm được mọi người hành hương chú ý đặc biệt là nơi Thánh nữ Cêcilia bị tử đạo. Nơi đây hiện nay có đặt một tượng bằng đá cẩm thạch quý giá tuyệt đẹp, do ông Marc Bride, một điêu khắc gia người Mỹ tại thành phố New York, đã tạc trong tư thế thánh nữ nằm phục khi quân sĩ La Mã thắt cổ thánh nhân cho đến chết! Pho tượng thật sống động khi người hành hương nhìn thấy vết giây thừng hằn sâu nơi cổ thánh nữ. (Trích Jackie Tran)
Kể từ khi thánh Phêrô, rồi sau đó là thánh Phaolô đến đây giảng đạo, triều đình Roma rất tức giận, giáo dân càng đông thì sự giận dữ càng tăng, họ ra lệnh chém đầu tín hữu, ném cho thú dữ ăn thịt nhưng người ta vẫn không sợ hãi.
Người theo đạo cũng không được chôn ở nghĩa trang bình thường mà phải đào hang dưới đất mà chôn.
Khi cuộc bách hại đến lúc tàn khốc, thì cả ĐGH lẫn giáo dân đều trốn xuống đây mà sống như loài chuột đêm. Ta hãy tưởng tượng cuộc sống khó khăn thế nào khi phải sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ, làm việc thờ phượng chung với vô vàn xác chết mà có nhiều thi thể đang thời kỳ thối rữa.
Còn ngạc nhiên hơn nữa khi họ đào hầm như vậy, rồi đất đá đem đổ đi đâu" Bộ quân lính Roma mù, không biết đâu là miệng đường hầm hay sao"
Đá cứng như thế họ đào bằng gì" Chẳng phải là một khúc hầm mà nó dài vài chục cây số.
Câu hỏi của tôi được họ trả lời ngay:
-Đá ở đây thuộc loại đá ong, khi đục đẽo thì nó rất mềm, nhưng khi có không khí tác động lên, thì nó mới biến thành ... đá.
-Người Rôma trước đây cũng biết giáo dân chôn người chết trong các đường hầm, nhưng không muốn xuống mà bắt bớ,  phần thì hơi bốc lên quá thối, phần vì hang quá ngoắt ngoéo, có khi đi vào rồi bị lạc không biết đường ra.
Tuy nhiên cũng có nhiều lần họ ruồng đến tận nơi, bắt được cả ĐGH cùng nhiều giáo dân và chém tại chỗ, có 2 Giáo Hoàng trong 5 vị kế thừa thánh Phêrô bị chém trong Hang Toại Đạo này, mộ bia còn đầy đủ tên tuổi dù đã trải qua gần hai ngàn năm.
Sẽ có người tự hỏi: Sao Đế Quốc Rôma tìm mọi cách tiêu diệt người Công Giáo như vậy, mà bây giờ 90% dân Ý theo đạo, Toà thánh Vatican lại còn ở ngay tại Rôma"
Đó là vào thế kỷ thứ ba, khi vua Constantino lên ngôi, thì bà mẹ đã theo đạo Công Giáo.

*Chuyện về Helena
Lịch sử ghi chép rằng:
 St. Helena Helena
(250-330- Theo PT HMT)
 "Một hôm có một viên sĩ quan La Mã trên đường viễn chinh dừng chân tại một quán trọ ở Bithynia, gặp gỡ và say mê người con gái của ông bà chủ quán nên đã xin cưới làm vợ. Viên sĩ quan hào hoa là Constantius Chlorus và người con gái đó là Helena. Vào năm 284 đôi vợ chồng trẻ sinh hạ được một người con trai đặt tên là Constantino
Nhờ hoàn cảnh đưa đẩy, viên tướng uy quyền này trở thành hoàng đế Constance II. Nhưng khi tại vị thì Constance đã từ bỏ người vợ đầu tay là Helena mà cưới con gái của Herculius để kết thêm bè cánh. Bị ruồng bỏ, Helena cam chịu số phận hẩm hiu của mình và tìm niềm an ủi nơi đạo Công giáo. Người con trai là Constantino vẫn luôn trung thành với mẹ mình. Sau khi lên ngôi Hoàng đế La Mã, ông đã trở lại đạo Công giáo và tôn xưng mẹ mình với tất mọi vinh quang và danh dự.
Hoàng đế Constantino đã ra lệnh ngưng tất cả các cuộc bách hại người Công giáo, đã triệu tập Công đồng Nicea để cải tổ và củng cố những tín điều của Giáo Hội. Constantino cũng đã cho xây một ngôi thánh đường trên ngôi mộ của thánh Phêrô ở Roma.
Riêng thánh Helena đã dùng uy tín, tiền bạc và của cải để xây dựng các thánh đường và giúp đỡ những người nghèo khó. Bà ước ao được viếng thăm Thánh Địa, nên năm 326 đã đến Palestine. Dường như trong dịp này Bà đã tìm được cây Thánh giá của Chúa trong khi khai quật các hầm mộ. Theo tương truyền thì thánh nữ tìm được ba Thánh Giá lúc khai quật các hầm mộ. Để xác định Thánh Giá nào thật là của Chúa, theo lời khuyên của Thánh Macarius thành Jerusalem, thánh nữ đem cả ba Thánh Giá cho một phụ nữ mang bệnh bất trị, sau khi chạm phải Thánh Giá thật thì lập tức được chữa lành. Một phần Thánh Giá được lưu giữ tại Jerusalem, một phần khác được đưa về La Mã trong thánh đường Thánh Giá bây giờ.
Khi ở Palestine, thánh Helena đã xây được hai vương cung thánh đường đồ sộ tại Bethlehem và trên Núi Cây Sồi. Thánh nữ qua đời năm 330 tại Nicomédie và được các nước Tây Âu tôn kính..
 Constantino sinh năm 274 tại Nish, nay là tiểu bang Serbia của Nam Tư (Yougoslavia), qua đời tại Constantinople (nay là Istambul của Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 337. Mẹ của Constantino là Helena, sinh quán tại Anh quốc. Cha của Constantino là Constantius Chlorus, một vị tướng của đế quốc La mã đồn trú tại Anh."
(Trích Doan Dinh)
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Đế Quốc La Mã hồi đó rất hùng mạnh, nó bao trùm cả Âu Châu, lan tới vùng Tiểu Á Tế Á và vùng Trung Đông ngày nay, kể cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều thế kỷ, các vua quan, lãnh chúa, các sắc dân đánh chiếm lẫn nhau và nhiều quốc gia thời bấy giờ chưa có tên trên bản đồ.

* Đấu trường Colisium
Đế Quốc Rôma không những vĩ đại mà còn rất tàn bạo. Họ xây Colisium (viết là Colosseum cũng đúng) hình tròn năm 80AD, có ba tầng nhưng cao bằng căn nhà lầu 15 tầng hiện nay, 80 cửa ra vào cho nên dù sức chứa tới 50 ngàn người nhưng khán giả vào hay ra đều không bị chen lấn.
Công trình này hoàn tất trong 10 năm, xây gần kề bên 4 nhà giam. Những tay giác đấu (Gladiator) từ nhà tù bị lùa ra đấu trường chém giết nhau để giành sự sống, hoặc đấu với thú dữ, hoặc các tín hữu Công Giáo bị ném vào cho cọp beo, sư tử ăn thịt trước con mắt hiếu động của mấy chục ngàn người.
Qua hơn bốn thế kỷ từ khi hoàn thành thì nơi này bị bỏ hoang, nhất là sau những trận động đất lớn năm 442-470 và 847, Colisium  bị sụp đổ rất nhiều đến nỗi vào thế kỷ thứ tám, lau sậy mọc um tùm, chó sói  lẫn chim chồn về làm ổ, người ta đem xác chết vào đây chôn.
Hồi đế quốc còn hùng mạnh, thành Rôma có hơn một triệu dân, nhưng sau nhiều trận chiến, thành này bị quân xâm lăng đốt phá cướp bóc, đến thế kỷ thứ sáu còn 90 ngàn người và cuối thế kỷ 14 thì chỉ còn dưới 17 ngàn.
Ôi sự thịnh suy của cuộc đời!
Mãi đến sau này, cuối thế kỷ thứ 18, Vatican và nước Ý mới cho trùng tu Colisium từng phần một, nhưng không biết bao giờ mới lập lại được hình dạng xưa, chứ hiện nay còn nhiều chỗ đổ vỡ lắm.
*
Hai tuần lễ qua nhanh, chúng tôi trở về nước Mỹ để "cày tiếp". Hy vọng kinh tế hồi phục, tôi lại có chút tiền còm, để dẫn vợ đi chơi rồi về kể cho các bạn nghe những chuyện lạ và phong cảnh xứ người.
Viết bài này như một món quà nhân dịp Giáng Sinh, kẻ hèn này xin kính chúc quí vị một mùa lễ an lành và hạnh phúc.
Nguyễn Viết Tân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Tác giả từng nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Cô tên thật là Ngọc Diệp. Từng là diễn viên sân khẩu ở Saigon trước khi đi vượt biển năm 1985.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Mùng Ba Tết, tác giả đã có bài về ba người đàn bà tuổi Dậu của , trích từ báo xuân Việt Báo Tết 2017. Sau đây là bài mới nhất của kể chuyện gia đình cùng đón Tết Đinh Dậu. Lê Nguyễn Hằng là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Mùng Ba Tết, mời đọc về ba bà tuổi Dậu của Lê Nguyễn Hằng, trích từ Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017. Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự trong năm đầu. Đây là câu chuyện mới viết về tinh thần cái Tết Việt Nam, và sự góp phần của cộng đồng người Việt Hải ngoại trong sự chuyển hóa và bảo toàn cái Tết truyền thống nầy.
Chúc Mừng Năm Mới Tết Đinh Dậu 2017. Mùng Một Tết, mừng Nguyên Đán năm con gà, kính mời đọc bài viết của Orchid Thanh Lê, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017, đã phát hành khắp nơi
Nhạc sĩ Cung Tiến