Hôm nay,  

Em Và Quê Hương

21/12/200900:00:00(Xem: 283347)

 

Em và quê hương
Tịnh Tâm

“… như mưa và tuyết từ trời rơi xuống,
nó không trở lại trời nhưng tưới đất,
làm cho đất đượm màu và nẩy nở,
đem lại hạt giống cho kẻ gieo
 và bánh cho người ăn…”
 (Kinh Thánh)

Hai chị em dừng lại chờ đèn qua đường.
 Bỗng dưng chị hỏi:
- “Có bao giờ em nghĩ, một ngày nào đó em sẽ trở về quê hương"”
Hình như em ngạc nhiên:
- “Quê hương"... Quê hương nào"... Em chưa bao giờ có ý nghĩ đó!”
- “…”
Em nhíu mày, trầm ngâm:
- “Có lẽ… vì em không có quê hương!... Phải không chị"”
     -   “…”
- “Và em cũng không có tuổi thơ! Đúng không chị"”
-   “…”
Chị lặng người. Lòng chùng xuống.Thẫn thờ. Chị biết em hỏi  không phải để chị trả lời, đó chỉ là thói quen.
 Trời lạnh quá. Em sụt sịt mũi. Chị quay nhìn em, bối rối, chưa cắt nghĩa được những cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng. Dưới chiếc khăn trùm đầu màu trắng, đôi mắt em xa xăm, nét mặt em dịu hiền thoáng u uẩn. Tim chị như thắt lại. Nhức nhối.
 Những bông tuyết mỏng mảnh, nhè nhẹ bay lất phất rồi rơi xuống, tan thành nước ngay trên lối đi. “Em không có quê hương!” Giọng em nhỏ, buồn- rất buồn. Gần như một ám ảnh. Như viên sỏi ném xuống mặt hồ tưởng chừng đã phẳng lặng. “Em không có quê hương”. Chị chạnh lòng, mắt rưng rưng… Viên sỏi bé xíu nhưng đủ gây nên từng gợn sóng tròn nhỏ, từ từ tỏa rộng ra, thấp thoáng những thước phim dĩ vãng quay chậm. Đủ sức gây âm vang quá khứ vọng về, thì thầm…
 Em còn nằm nôi thì đất nước đổi thay. Bi kịch nối tiếp bi kịch. Cơn lốc xoáy cuồng điên của lịch sử đã tung hê, vùi dập bao thân phận … Cảm giác thương yêu em bỗng tràn ngập lòng chị- thương yêu em vô hạn, thương yêu đến quặn đau cả lòng. Cùng với cảm giác áy náy rằng chị có lỗi, bởi, dù sao thì chị cũng từng có một quê hương, chị diễm phúc có được góc kỷ niệm tuổi nhỏ yên bình, tươi đẹp, thoang thoảng hương đồng gió nội trong lành.
 Ngày ấy bé thơ, ban mai mây trắng bồng bềnh nắng hồng mềm mại, chị đong đưa hai bím tóc thắt nơ bằng sợi dây ruyban màu thiên thanh, tung tăng ôm cặp tới trường. Trưa nắng vàng mật ong ngọt ngào, chị rón rén ra bờ tre trước ngõ bắt chuồn chuồn cho cắn rún để biết bơi. Chị có cánh võng sau hè để say ngủ và mơ những giấc mơ đẹp. Buổi chiều êm đềm, chị ngồi nơi ngạch cửa, mơ mộng ngắm ráng chiều đỏ rực phía chân trời. Đêm, trăng sáng như ngọc, chị cùng các bạn chơi trò trốn kiếm… Chị đã có thời áo dài trắng tóc xỏa ngang vai, thướt tha khắp phố phường cùng bao ước vọng tươi hồng. Chị đã từng được hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc.
Còn em, ngày ấy của em chỉ là bóng tối, là tháng năm ngậm ngùi… Má
bồng bế em chạy loạn. Rồi em lớn lên, ốm nheo ốm nhách, thầm lặng với cả núi nhọc nhằn trong căn nhà lá tối tăm chật hẹp giữa chốn ruộng hoang heo hút xa lạ, quạnh vắng sình lầy. Đó không phải là quê hương của em!
Ba về, gia đình dời đi nơi khác. Và thời thiếu nữ của em càng thêm thua thiệt, cơ cực, đắng cay. Em lặng lẽ thanh cao giữa ganh ghét, tị hiềm, đố kỵ. Em thông minh, chăm chỉ, ngoan hiền nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao. Dĩ nhiên nơi nầy càng không phải quê hương em!
 Những ngày xưa ấy, đọng lại trong ký ức em chỉ là chuỗi hình ảnh ảm đạm, là kỷ niệm xám xì xám xịt… rồi đi dần vào lãng quên khi em bước chân đến nước Mỹ. Em không muốn nhớ tới và thật ra cũng không có thời gian để nhớ. Chẳng ích lợi gì. Vết thương tuy đã lành nhưng vẫn còn vết sẹo chai cứng. Phải sau vài năm sống ở Mỹ, những cục chai cứng trong bàn tay em mới mềm đi.
       Em sửa lại chiếc khăn quàng cổ. Buồn thiu:
-  “Em không có quê hương để trở về, đúng không chị"”
Chị đưa tay hứng vài bông tuyết, bóp chặt lại, cảm thấy gần như kiệt
sức bởi nỗi niềm bị dồn nén, đang chực vỡ tung. Chị muốn khóc quá chừng. Nếu lúc nầy hai chị em ở trong phòng, chị sẽ ôm em vào lòng. Chắc chắn chị sẽ òa lên. Nức nở. Ừ, em nói đúng. Chẳng ai trên đời nầy lại đi từ chối nơi chôn nhau cắt rún của mình, trừ phi mình bị ruồng bỏ.
- “Chị em mình cứ nói chuyện thoải mái. Chị đừng sợ khơi gợi, đừng
sợ phải chạm vào những nỗi đau của gia đình, của em, của chị. Cả thảy chúng ta- đều có nỗi đau chung, phải không chị- và  nỗi đau riêng… Chị biết không, giờ đây, không có gì có thể  làm em khổ hơn những gì em  đã từng khổ, nhưng tim em không hề chai đá, tim em vẫn vẹn nguyên cảm xúc, nên em rất hạnh phúc. Hạnh phúc trong từng giây từng phút của cuộc đời. Chẳng hạn ngay lúc nầy, em đang được ở bên chị, được nói chuyện với chị. Thật hạnh phúc. Em đang được thưởng thức không gian  huyền nhiệm ở đây. Hạnh phúc… Mỗi lần em ôm  các con em vào lòng. Hạnh phúc. Em và Khang yêu nhau. Hạnh phúc… Em lái xe về thăm ba má, thấy ba má khỏe mạnh vui vẻ. Em hạnh phúc. Em giúp đỡ kẻ khó nghèo, em chữa lành những đứa trẻ sơ sinh bệnh tật... Cám ơn Chúa. Chúa đã giữ gìn, che chở, bảo bọc trái tim em. Cám ơn Chúa đã ban nhiều điều kỳ diệu trên đời sống em.”
Em cầm tay chị băng qua đường: “Chạy nhanh lên chị! Kẻo hết thời
gian cho người đi bộ. .. Năm bốn ba hai một.  Chị ơi! Chạy nhanh lên cho đỡ lạnh.”
Chị và em co ro trong cái lạnh tê người, dù đã mặc quần áo, giày vớ khăn quàng, mũ ấm  kỹ càng. Chị và em háo hức đi tới, háo hức nhìn ngắm những ngôi nhà xinh xắn, yên tĩnh hai bên đường. Chị cứ xuýt xoa, hít hà:
- “Em ơi, mình thở ra khói, nói ra khói. Thú vị quá!”
- “Em ơi, hình như chị em mình đang lạc vào thế giới cổ tích của
Andersen! Thật tuyệt vời! Cám ơn em! Cám ơn em rất nhiều về chuyến đi nầy. Em đã tặng chị một món quà  lớn!”
Ừ, đúng là cổ tích! Trên ô cửa mỗi ngôi nhà xinh xắn kia đều treo chiếc
đèn nho nhỏ tỏa sáng, có dáng dấp cổ tích, phía trước mỗi hiên nhà kia là hàng lan can bằng gỗ long lanh bụi tuyết, là vuông sân cổ tích được trải thảm tuyết… Và đặc biệt, người ta đã trang trí đèn giáng sinh khắp nơi. Đủ màu sắc. Diễm lệ. Đâu đó trên những thân cây trụi lá, dưới mái nhà, mấy giọt nước đã đóng băng, lơ lửng như thạch nhủ, lung linh sắc màu cổ tích kỳ ảo. Tuyết trắng phau, mềm mại, êm ái như bông. Tuyết xôm xốp, mịn màng, ngon lành như lớp kem thơm phức ngọt lịm trên ổ bánh sinh nhật…
Em kéo tay chị  rẽ qua con đường sáng trưng với những dãy nhà cao tầng
và nhiều restaurant.
- “Mình vào đây nha chị!”
Cái lạnh đã ở bên ngoài khung cửa kính.  Quán ăn Nhật nho nhỏ, ấm
cúng, nên thơ. Chị âu yếm nhìn em. Tràn trề hạnh phúc. Chị đầu lòng, lớn hơn em gần hai mươi tuổi nên tình yêu chị dành cho em tựa như tình mẫu tử. Chị sung sướng ngắm em. Khuôn mặt em bầu bĩnh trẻ thơ, trong sáng dịu hiền và thánh thiện như thiên đồng. Em vẫn là em- đứa em út ít bé bỏng yêu thương của chị. Em vẫn là em, không hề vong thân, và chị chắc chắn rằng em của chị không bao giờ vong bản.
Em ân cần:
- “Shushi nha chị!”
- “Em cứ chọn. Chị sao cũng được. Gọi cho chị ly vang đỏ.”
- “Tối mai em sẽ đưa chị đi ăn món Ấn độ nhen!”
Trong ánh sáng ấm áp, chiếc mũi cao và thanh của em vẫn còn ửng đỏ
bởi lạnh. Đôi mắt em trong sáng, cương nghị, và rất đỗi nhân từ. Vầng trán em cao, trí tuệ, đầy bản lĩnh. Em nhoẻn cười lém lỉnh:
- “Gì mà chị nhìn em hoài vậy"”
Giọng chị  buồn tha thiết:
-  “Chị khao khát lòng dũng cảm, can trường của em… Chị chán chị quá! Chị ghét cay ghét đắng cái tật yếu đuối, cái căn bệnh sợ hãi của chị.  Một tiếng động khẻ cũng làm chị run sợ, hoảng hốt. Chị giật bắn người ngay cả với cái bóng của mình trong tấm cửa kính, mỗi lần mở khóa. Ai đó tằng hắng cũng làm chị  bất an.”
- “Chị quá khiêm tốn đó thôi.”
Chị áp lòng bàn tay vào cái đèn nhỏ xíu có dáng vẻ xinh xắn điệu đàng
đặt ở góc bàn, tìm hơi ấm.
-  “Không! Đó là sự thật. Thôi, đừng nói về chị nữa, chán òm. Em à, chị
rất vui vì hình ảnh em vẫn tròn vẹn như xưa, trong tâm trí chị.”
- “Em tưởng em thay đổi nhiều lắm chứ"”
- “Ừ, em có thay đổi. Đương nhiên. Bởi trái đất không thể ngừng quay.
Nhưng em không hề xa lạ. Dù em đã sống cách xa chị nửa vòng trái đất gần hai mươi năm. Dù em không còn  lấm lem lấm luốt như ngày xưa. Dù ngày nay em đã có một chỗ đứng đàng hoàng trong dòng chính của xã hội Mỹ.”
Gần hai mươi năm! Ôi thời gian và những vần xoay của cuộc đời. Chị đã
đi về phía bên kia sườn núi. Mơ hồ dự cảm đang bước những bước chân trên cuộc hành trình cuối cùng của đời. Và lúc nào đó, chị sẽ vĩnh biệt, tất cả, trong luyến tiếc. Bầu trời xanh và đất nâu, trăng và sao, cỏ và hoa, và những bóng hình yêu dấu… Lòng chị chợt chùng xuống trong nỗi buồn mênh mông.


 Nơi nầy đây, bên khung kính nhìn ra ngoài, tuyết vẫn bay bay, như những nhúm bông gòn mềm mại, lấp lánh dưới ánh đèn đường. Chị em đang sung sướng ngồi bên nhau, nhìn nhau thủ thỉ tâm tình. Giây phút nầy đây sẽ không bao giờ được lặp lại. Dễ gì có dịp như thế nầy, khi cuộc sống với bao vướng bận lo toan, cả chị và em. Mà nếu may mắn có lặp lại đi chăng nữa, sẽ không phải là mấy cô gái Nhật hầu bàn mặc áo nâu nhạt đang thoăn thoắt đi lại kia, sẽ không phải là đám thanh niên nam nữ đủ màu tóc đủ màu da đang ồn ào vui vẻ chúc mừng happy birthday ở bàn bên cạnh đây, sẽ không phải là những khách bộ hành quần áo dày cộm đang rảo bước trên đường phố phủ tuyết bên dưới kia… Tất cả… sẽ trôi đi, trôi qua... Mãi mãi…
- “Chị ơi, theo em, quê hương là nơi ta có tháng ngày tuổi thơ trong
trẻo. Quê hương có thể đói nghèo nhưng ấm áp tình người. Có cay đắng và có ngọt bùi. Quê hương có thể bão giông sấm sét nhưng vẫn được những khoảnh khắc bình yên an lạc, nơi đó con người có thể nương tựa nhau, san sẻ niềm thương mến nhau. Quê hương có nước mắt và cũng có nụ cười. Có nỗi đau và có niềm vui. Có tội ác, bạo lực, dối gian  nhưng có công minh, trung thực, nhân ái, độ lượng. Có thất vọng và cũng có hi vọng, ước mơ. Quê hương hay còn gọi là đất mẹ, phải không chị, là nơi mà phẩm giá con cháu của mẹ được nâng niu, trân trọng… Em sợ quá những thủ đoạn lừa lọc đảo điên, nhỏ nhen đê tiện, những chà đạp nhục mạ con người… Chị ơi, chị có biết chị rất hạnh phúc khi chị đã từng có một quê  hương" Đã từng có được tuổi thơ"”
- “ Chị biết em và Khang đã gặp nhau như thế nào không" Trong bữa tiệc Giáng sinh ở nhà một người bạn, chúng em đều bị mê hoặc bởi một bức tranh. Bức tranh vẽ mấy cành cây khô khẳng khiu cùng dạt về một hướng. Nhưng có một chú chim nhỏ xíu đậu ở cành dưới cùng, đang ngoái đầu hướng ngược lại, hình như trông ngóng kiếm tìm... Trông chú chim thật bé nhỏ và cô đơn, cô đơn đến tuyệt đối... Bên dưới đề mấy câu thơ của Basho, viết kiểu thư pháp: “Chim kankudor! Nỗi buồn sâu thẳm. Đọng vào tôi đi”. Buồn quá, phải không chị"”
      Chị đứng dậy kéo ghế ngồi sát em, vuốt mái tóc mềm mại của em, mà
nhớ biết chừng nào cái ngày xa xưa, chị vẫn cắt tóc cho em, kiểu bom- bê, kiểu duy nhất mà chị có thể… Có lần chị vụng về cắt phạm vào tai em, máu chảy, em khóc thét lên rồi bù lu bù loa, nước mắt nước mũi tèm lem. Chị nghe như chính chị bị đau, đau điếng người. Chị quýnh quíu xuýt xoa dỗ dành em.
 Sáng nay, em thật đơn sơ trong tòa khách sạn bề thế nguy nga, sang
trọng rực rỡ với hàng trăm cây Giáng Sinh được trưng bày ở đại sảnh và dọc theo các lối đi. Không khí ấm cúng dễ chịu với nhạc Giáng Sinh vang lên nhè nhẹ. Em lọt thỏm giữa rừng người từ nhiều nước trên thế giới về dự hội thảo. Em nhỏ xíu, giản dị nhưng rất trang trọng, đĩnh đạc trên sân khấu lộng lẫy sáng trưng. Giọng em nhỏ nhẹ, rõ ràng, đầy sức thuyết phục với tiếng Anh lưu loát. Đôi mắt em đen, trong sáng, bình tĩnh, tự tin trước ánh mắt của vài ngàn người nhiều sắc tộc. Họ là những vị bác sĩ khoa nhi, chăm chú lắng nghe em trình bày đề tài mà em đã miệt mài say mê nghiên cứu bấy lâu nay.
- “Chị mệt rồi phải không" Thôi, mình về khách sạn nha chị.”
Chị và em bước ra ngoài. Lạnh run. Chị vỗ hai bàn tay vào nhau cho
đỡ tê, dù đã mang găng dày. Chị hiểu, cái lạnh nầy chẳng nhằm nhò gì với em. Vài năm đầu mới qua Mỹ, mùa đông dài buốt cóng, ba giờ sáng, em lái xe đi bỏ báo. Dịp lễ, những chồng báo nặng trịch. Và càng kinh khủng hơn khi em phải leo lên mấy tầng lầu trong apartment. Thân con gái. Rồi em nhận đồ về may. Em say sưa học và làm! Em chăm chỉ làm và học! Quần quật. Có hôm đi học vội quá không kịp đem cơm theo, em nhịn luôn bữa trưa. Em tiết kiệm từng cent. Nhưng em biết em sẽ đi đến đích nếu em giữ vững niềm tin, ước vọng và nghị lực. Em vào ngành y vì em muốn làm vơi bớt nỗi đau của con người, em chọn khoa nhi vì em yêu trẻ thơ. Và em chọn chăm sóc những đứa trẻ sinh thiếu tháng, phải mang bệnh tật ngay khi vừa lọt lòng mẹ vì em thương chúng. Thương lắm.
 Cái lạnh để lại sau lưng. Hai chị em ấm áp trong căn phòng khách sạn
trên tầng cao. Em bỗng ôm ngực ho khan, nét mặt bơ phờ. Chị nhìn em, xót xa. Em ôm chị, giọng xúc động:
- “Em đọc đâu đó lời nầy, rằng người ta sống không phải là sống bao
lâu, mà là sống như thế nào. Hay quá phải không chị"”
Rồi em cười vui vẻ:
     - “Chị đừng lo, coi vậy chứ em khỏe lắm đó!”
Chị đến kéo rèm cửa sổ ra. Kinh ngạc. Xao xuyến. Ngẩn ngơ: Qua khung cửa kính trong suốt: Bên ngoài, tuyết vẫn nhè nhẹ bay. La đà. Bàng bạc. Mỏng mảnh. Mong manh. Những căn nhà phủ đầy tuyết trắng. Lặng im. Hàng xe đậu ven đường trông như những ụ bông trắng. Lặng im. Và trải dài ra, xa tít tận chân trời là ánh điện lung linh mờ ảo. Kìa! Ngọn tháp bút chì sừng sững vươn lên, uy vũ, trang nghiêm, in dáng vào bầu trời thẫm màu, hẳn đang soi bóng trong lòng hồ Tidal Basin, đang tâm tình với dòng sông Potomac về thế cuộc, lẽ hưng phế, thăng trầm.
 Em đến đứng cùng chị. Bên dưới, cạnh những thân cây khẳng khiu
trụi lá đang buồn bã trầm mặc suy tư, mấy cây thông cao lớn uy nghi, lóng lánh tuyết, vẫn tươi xinh tràn trề sự sống, bất chấp và thách thức cái buốt lạnh của giá băng. Và trên cao, vầng trăng chưa tròn đang lửng lơ, lặng im, cúi đầu bao dung nhìn xuống cõi trần dâu bể.
Em mở máy hình, chị em chụm lại xem  những tấm hình mới chụp
sáng nay. Hai chị em khoái chí cười lăn cười bò với tấm hình chị trùm kín người trong áo mũ, chỉ chừa mỗi khuôn mặt, ngồi bó gối co ro trên chiếc ghế bên đường, gần Nhà Trắng.
- “Coi chị giống homeless quá! He he he…”
Em bỗng ngưng lại, thở dài:
- “Chị biết không, mùa đông… thỉnh thoảng có người homeless chết
cóng ngoài đường… Trên thế giới nầy vẫn còn quá nhiều, quá nhiều phận
 người bất hạnh… Mới thấy mình nhận được biết bao ân huệ…”
     Chị thì thầm:
- “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta được thêm ngày nữa để yêu
 thương. Thơ của  Kalil Gibran đó em. Thật tuyệt vời!”

******

Máy bay đang lướt nhanh trên đường băng bỗng dừng lại. Phi trường
Washington Dulles chìm trong tuyết. Lạnh căm căm. Tuyết mênh mang. Tuyết trắng trời. Tuyết mịt mùng. Vô vàn tinh thể tuyết xoay tít, lấp loáng. Có lẽ em quá mệt sau mấy ngày làm việc căng thẳng, lim dim ngủ. Chị ngồi sát cửa sổ, thích thú quan sát dòng xe xúc tuyết nối đuôi nhau liên tục làm việc. Một chiếc xe cần cẩu tới gần máy bay chị và em đang ngồi. Trong buồng kính cao tít, người ta đang cố gắng quét sạch tuyết bám trên máy bay bằng vòi nước nóng.
    Rồi máy bay từ từ cất cánh, lao mình vào bầu trời mịt mùng tuyết xám bạc, tìm hướng về California.
 Chẳng còn gì ngoài màn đêm thăm thẳm và ánh đèn đỏ chớp nháy bên cánh máy bay. Chị nhắm mắt.
******
Cả hai chị em bỗng giật mình khi cô bé tóc vàng bên cửa sổ ở hàng
ghế trên thốt lên: Wow!!!
Chị nhổm người  nhìn xuống. Kinh ngạc! Choáng ngợp! Bên dưới,
qua khung cửa kính là Orange County rực rỡ, bao la bát ngát đồ trang sức: Nào vàng ròng, vàng 18, bạch kim, nào hột xoàn, ngọc bích… Tất cả được xếp đặt thật tỉ mỉ, công phu, khéo léo theo từng ô vuông, hình tròn, hình chữ nhật... Tất cả đều lung linh, lấp lánh… với gam màu vàng sáng ngời, lộng lẫy chủ đạo.
Em nhoài qua người chị, cùng chiêm ngưỡng cảnh sắc huy hoàng, kỳ
vỹ bên dưới. Mơ màng:
- “Chị ơi! Biết đâu chừng chỗ nhấp nháy xíu xiu ở góc nhỏ đằng kia là
ngôi nhà của em. Khang đang hâm sữa cho tụi nhỏ. Lát nữa em sẽ được ấp ủ con em trong lòng. Chị biết không, Bé Mai thơm phức mùi hoa mơ, ngoan ngoãn đáng yêu lắm, cu Tùng hiền ơi là hiền, hiền như cục đất, lúc nào cũng cười. Giờ nầy chắc chúng đang mong ngóng em.”
- “Em có được ngày hôm nay là chị mãn nguyện rồi!”
-  “Dạ, cám ơn chị. À, nơi chúng em đang ở chính là quê hương của các
con em. Phải không chị" Các con em đang có tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi, ấm áp. Có quê hương an lành…”
Em muốn nói thêm với chị rằng, con em sẽ lớn lên cùng ước vọng và niềm tin. Con em sẽ ngẩng cao đầu vươn tới tương lai bằng chính sức lực mình. Chúng sẽ được sống trung thực, sống có ích... Dĩ nhiên các con em vẫn nói và viết rành tiếng Việt. Giữ những nét đẹp truyền thống Việt... Em sẽ không bao giờ để con em quên rằng chúng là người Việt.
 Nhưng chị đã ngắt lời em, siết chặt bàn tay em, bùi ngùi:
- “Còn  quê hương của em"”
Em cầm đôi bàn tay chị áp lên má em, cười nhỏ nhẹ, dịu dàng:
-  “Quê hương em ở trong trái tim em! Em vẫn luôn cất giữ, nâng niu.”
  Khuôn mặt mệt mỏi của em bỗng sáng bừng, hân hoan, rạng ngời. Và
đôi mắt em- đôi mắt  hiền hậu- long lanh hạnh phúc. Chị thở ra nhè nhẹ, nghe lòng nhẹ thênh.
Máy bay từ từ xuống thấp. Thành phố của số đông người Việt hiện ra rõ dần trong tầm mắt. Sáng rực, óng ả. Những dòng xe chảy dài trên các ngả đường. Sắc màu cuộc sống càng thêm xinh tươi, sinh động.

 (Cali,  mùa giáng Sinh 2009)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,035,728
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến