Hôm nay,  

Con Cái Cửa Nhà

11/12/200900:00:00(Xem: 151570)

Con Cái Cửa Nhà

Tác giả: Khánh Hoàn
Bài số 2808-1628878- vb6121109

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Khánh Hoàn là Chuyện Một Khách Hàng”, câu chuyện cảm động về một bà khách hàng Mỹ, được kể bởi một người bỏ báo gốc Việt. Bài viết sau đây kể về bi kịch của một gia đình gốc Việt.

***

Khi gia đình hắn mới đến đất Mỹ, tình cờ hắn gặp được Quỳnh, một người bạn cũ. Lúc bấy giờ Quỳnh đang làm nghề buôn bán nhà cửa. Hắn  được Quỳnh giúp đỡ nhiều trong việc lo thủ tục nhập cư và ổn định nơi ăn chốn ở. Một hôm hắn nói với Quỳnh:
-Tôi qua Mỹ muộn quá, tuổi tác cũng lớn rồi, khó đua đòi chi được nữa. Anh thấy có công việc gì dễ dễ không cần đến ngôn ngữ kiếm cho tôi một việc được không"
Quỳnh ngẫm nghĩ một lát rồi vui vẻ nói:
-Ở Mỹ có một nghề ít cần đến ngôn ngữ, ít mất thì giờ huấn luyện, đó là nghề bỏ báo. Mấy đứa con tôi có một rao báo tốt lắm. Nếu anh muốn, tôi bảo chúng nhường lại cho!
-Sao lại bảo nhường cho tôi" Mấy cháu nó buồn sao"
-Không đâu! Đó là rao báo chính tôi đã xài nhiều năm. Hồi ấy tôi vừa bỏ báo vừa đi học đấy. Khi đổi nghề, thấy nó tốt quá vứt không đành nên giao lại cho chúng để chúng kiếm tiền tiêu vặt. Tiếc mà giữ vậy chứ bọn nó cũng chẳng thiết tha chi. Anh lấy để làm tạm rồi thu xếp thì giờ để học thêm. Khi kiếm được việc tốt hơn thì vứt.
Thế là hắn bước vào nghề bỏ báo. Quỳnh vẫn để đứa con đứng tên rao báo để hắn khỏi bị ảnh hưởng đến việc ăn trợ cấp. Nửa tháng sau hắn đã thật sự quen với công việc.
Ít lâu sau đó vợ hắn lại kiếm được một việc làm hưởng tiền mặt.
Công việc hằng ngày của hắn ổn định dần: Khuya dậy hắn đi bỏ báo, sáng sớm chở vợ đến chỗ làm rồi quay lại chở các con nhỏ đến trường học. Sau đó hắn cứ theo giờ hẹn đến đón từng người về nhà. Cuối tuần hắn đưa vợ đi chợ hoặc thăm viếng bạn bè...
Đối với những người từng đầu tắt mặt tối vật lộn với bao công việc nặng nhọc mà vẫn thiếu thốn, giờ đã được chính phủ Mỹ nuôi ăn, lại kiếm được công việc hàng tháng thu vô một số tiền tương đối khá, quả thật là lý tưởng.
Chẳng bao lâu hắn đã trả hết nợ nần ở Việt Nam. Ngoài ra, vợ chồng hắn cũng giải quyết được một số nợ ân tình với bà con xóm giềng ở quê cũ, lòng hắn cũng hơi thanh thản. Thấy mình còn khả năng kiếm tiền, hắn quyết lo cho lũ con học hành đến nơi đến chốn.
Hắn có ba đứa con, thằng Tam sinh trước 1975 và hai đứa con gái sinh sau khi ở tù về. Vì Tam là con trai một nên vợ chồng hắn rất cưng quí và đặt tất cả mọi hi vọng mai sau vào Tam. Tam cần gì vợ chồng hắn cũng đáp ứng cả.
Tam thông minh, học giỏi, tánh tình mềm mỏng, dễ bảo. Nó biết chiều cha mẹ, yêu thương các em. Khi rảnh rỗi, Tam thường chỉ vẽ bài vở cho các em hoặc chở chúng đi chơi đó đây. Ngoài ra, Tam còn biết cần kiệm, tiêu xài chừng mực. Mỗi lần nhà trường tổ chức du ngoạn hay lễ lạt, vợ chồng hắn đều rộng rãi chi tiền cho Tam xài. Nhưng lần nào xong việc Tam cũng có trả lại ít nhiều cho vợ chồng hắn. Tam không hề đua đòi với bạn bè, không ham các thú chơi bời, đen đỏ. Những người quen biết thấy hắn có đứa con đức hạnh như thế ai cũng khen. Hắn rất hãnh diện và càng tin tưởng về tương lai của Tam. 
*
Một hôm, Quỳnh ghé nhà hắn chơi. Biết hắn có dành dụm được chút vốn, Quỳnh noí:
-Hiện có một ngôi nhà khá tốt bị ngân hàng phát mại. Nếu ông bà mua thế nào cũng rẻ được vài chục ngàn. Cần nhất là bỏ ra một số tiền down, sau đó hàng tháng chỉ trả một số như trả tiền thuê nhà thôi. Trả tiền thuê là mất nhưng trả tiền mua nhà lại được trừ vào nợ mua. Một thời gian sau ngôi nhà sẽ thuộc về mình. Dịp may chớ bỏ lỡ. Người khác thì hơi khó khăn về người đứng tên, nhưng ông bà có thằng Tam đàng hoàng như thế đâu lo gì nữa"
Nghe Quỳnh phân lẽ thiệt hơn, hắn vui vẻ trổ giọng hài hước:
-Phải rồi! Cả đời mình chưa được làm chủ cái chi cả. Giờ có cơ hội cũng gắng làm chủ một cái nhà như người ta cho oai chứ!
Vợ hắn càng sốt sắng hơn, chị hớn hở nhìn chồng rồi nhìn Quỳnh nói:
-Cám ơn anh Quỳnh đã cho một ý kiến rất hay! Vợ chồng tôi tuổi cũng đã lớn, đời sắp đổ dốc rồi. Không có một chỗ ở nhất định cứ dời đi dời lại cũng khổ. Tôi vẫn ước ao có được cái nhà làm vốn! Sau này rủi có què liệt, mình cũng có chỗ để tự do bò lết, khỏi sợ ai hất ai quét đi đâu cả, đỡ làm phiền con cháu. Anh đã có ý tốt, thôi mọi việc nhờ anh!
Quỳnh nhận lời ngay. Mọi thủ tục được thực hiện chu đáo. Tam được đứng tên chủ nhà. Quỳnh còn vận động mấy người bạn cũ cho hắn mượn mỗi người một ít để down hầu giảm nhẹ phần tiền lãi cho hắn.
Ngôi nhà hắn mua trông rất khang trang, đẹp mắt, vườn tược cũng đã được sửa sang rất công phu. Hàng xóm cho biết ông bà chủ cũ rất thích ngôi nhà này. Họ đã tốn nhiều tiền bạc và bỏ nhiều thời giờ nghỉ cuối tuần để chăm sóc nó. Chỉ tiếc về sau vì gia đình lục đục, họ chia tay nhau và đành phải bỏ nó. Tính ra, hắn đã mua rẻ hơn giá nhà lúc đó trên ba chục ngàn. Còn gì vui hơn khi được ở một ngôi nhà do chính mình làm chủ"
*
Có được nhà, vợ chồng hắn càng hăng hái làm việc. Cả hai đều muốn dứt được nợ nhà sớm. Dù đã có tuổi, hắn vẫn cố xin thêm một số báo nữa. Thằng Tam cũng thành người đứng tên những rao báo của hắn. Vợ hắn, ban ngày làm mướn, đêm vẫn thức tới khuya làm bánh bột lọc để bán. Hằng tháng, sau khi chi cho các khoản cần thiết, dư bao nhiêu hắn lần lượt trả nợ cho bạn bè. Chỉ trong hai năm, khoản nợ mượn bạn đã được trả sạch. Một lần gặp Quỳnh, hắn hớn hở nửa khoe nửa hỏi ý kiến:
-Xong nợ mượn các bạn rồi, mừng quá! Từ giờ mỗi tháng dư bao nhiêu tôi có quyền trả thêm cho nhà băng để dứt điểm ngôi nhà chứ"
Quỳnh lắc đầu cười:
-Đừng chơi dại bạn ơi! Thằng Tam chỉ khai bỏ mấy rao báo thì lấy tiền đâu để trả nợ thêm" Bạn tự tố cáo bạn đang làm việc lậu thuế à" Dư bao nhiêu cứ cất đó đã. Khi nào thằng Tam chính thức có công việc hãy tính.
Hắn hơi quê với Quỳnh, thú nhận:
-Thế mà mình cứ tưởng bở. Tiền có trong túi mà đành chịu mắc nợ ngân hàng phải đóng tiền lời kể cũng đau!
-Đau cái gì chứ" Giá nhà đang tăng vùn vụt, ngôi nhà của ông thời giá bây giờ cao gần ba lần khi ông mua rồi chưa thỏa mãn sao"
Nghe Quỳnh nói, hắn bẽn lẽn cười.
Hồi đó hắn nghe thiên hạ xôn xao bàn tán về vụ nhà lên giá. Hắn rất muốn biết giá trị thật của ngôi nhà hắn lúc ấy. Nhưng hắn ngượng, không dám hỏi ai. Nay Quỳnh cho biết giá nó đã cao gần ba lần khi mua, hắn rất mừng. Lúc ăn cơm tối, hắn hí hửng báo tin vui ấy cho vợ con biết.
Nào ngờ nghe xong, thằng Tam lại ra vẻ hỉ hửng hơn nữa:
-Đó chỉ mới là tin vui thứ nhất. Con báo cho ba mẹ biết một tin vui thứ hai: Con đã xin mở một cơ sở làm ăn. Mọi thủ tục đã hoàn tất. Đầu tháng tới con sẽ bắt tay vào việc.
Vợ chồng hắn đều giật mình. Hắn hỏi lại:
-Con nói thật không đấy" Bỏ ngang việc học đi à"
-Phải kiếm việc làm ăn sớm để giúp ba mẹ đỡ vất vả đã chứ! Con còn trẻ, chỉ cần nuôi chí, việc học hành ở Mỹ đâu sợ muộn" Con sẽ vừa làm vừa học và nhất định sẽ học tới nơi tới chốn, ba mẹ khỏi lo.
Lời nói có vẻ chí tình của Tam đã khiến vợ chồng hắn cảm động. Hắn hỏi:
-Con định làm việc gì" Ở chỗ nào"
-Business đàng hoàng mà. Đợi ngày khai trương ba mẹ sẽ rõ!
-Bộ mở business đó không cần vốn à"
Tam cười với vẻ hãnh diện:
-Vốn tất nhiên phải có rồi! Không vốn chỉ có nước đi làm thuê!
-Thế vốn ở đâu để con mở business"
Tam lại cười, vẻ đắc chí tăng bội phần:
-Tự con xoay xở. Thế mới rõ tài « kinh bang tế thế» chứ!
Tuy chưa tin hẳn lời Tam, hắn cũng mừng mừng. Lâu nay thức khuya dậy sớm dãi gió dầm sương hắn cũng mệt mỏi quá rồi! Thật tình hắn đã bắt đầu ngán việc bỏ báo! Nếu quả Tam mở business thật, hắn có thể thôi việc sớm hơn. Khi đi ngủ, hắn hỏi vợ:
-Nói lát lát, nếu thằng Tam mở business thật thì hay biết mấy!
-Tiền đâu mà mở business" Nó trúng số hay ăn trộm à" Đừng nghe nó mất công!
-Thì biết đâu nó trúng số"
-Ừ, thì đợi mà coi!
*
Rồi một tối thứ sáu, giữa lúc gia đình ăn cơm, Tam đột ngột nói:
-Mai con mời ba mẹ đến dự buổi khai trương tiệm furniture của con đó nghe!
Hóa ra thằng Tam lại làm business thật! Vợ hắn lên tiếng:
-Sao con không nói trước vài ba ngày để ba mẹ chuẩn bị lo giúp cho" Có cúng kiến bày vẽ cỗ bàn chi không"
-Có chứ! Nhưng con đã tự lo liệu xếp đặt cả rồi!
-Vậy chứ con lấy vốn đâu ra mà bày chuyện mở tiệm mở quán"
Tam nở một nụ cười đầy vẻ tự hào:
-Ba mẹ đừng quan tâm chi chuyện đó cho mệt. Việc làm ăn của con con tự xoay xở lấy. Con không muốn làm phiền đến ba mẹ đâu!
Vợ chồng hắn hân hoan đưa mắt nhìn nhau như chia sẻ niềm hãnh diện về một đứa con tài hoa của mình. Vợ hắn trách yêu con:
-Đáng lẽ con phải báo trước một hai hôm để ba mẹ ở nhà dự buổi khai trương tiệm của con. Mẹ làm cho người ta đâu có thể muốn nghỉ khi nào thì nghỉ. Bây giờ tính sao"
-Mẹ bận thì thôi, ba đi dự một mình cũng được! Khi đi bỏ báo về ba cứ chuẩn bị sẵn. Khoảng chín giờ sáng con về chở ba đến tiệm!
Hôm sau, khi hắn đi bỏ báo về thì Tam đã đi khỏi. Hắn chở vợ đến chỗ làm xong về nhà tắm rửa, chờ đợi. Đúng chín giờ Tam về nhà rước hắn. Vừa lái xe Tam vừa huyên thuyên nói chuyện làm ăn trong tương lai. Khi tới nơi, hắn rất ngạc nhiên thấy người đến dự buổi khai trương khá đông. Mọi người vui vẻ chào mừng hắn. Hắn cảm thấy mình được coi như một vị khách danh dự. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn. Một người trung niên có vẻ lõi đời đã thay mặt Tam đứng ra giới thiệu cửa tiệm thấy cũng lớp lang lắm. Khi việc nhang đèn lễ bái xong, mọi người quây quần lại uống rượu chia vui. Tiếp đến, Tam dẫn mọi người đi coi hàng. Hắn càng ngạc nhiên khi thấy thằng con mình rao hàng cũng điệu nghệ quá. "Không ngờ thằng nhỏ trường thành nhanh đến thế" - hắn hãnh diện lẩm nhẩm.
*


Tiệm hàng của Tam nằm  trong một dãy phố thương mãi. Ban đầu Tam chỉ thuê một gian phố và mướn hai người bạn thân giúp việc. Việc buôn bán mỗi ngày một phát đạt thấy rõ. Năm sau, để đáp ứng nhu cầu, Tam phải mở rộng thêm. Tam thuê luôn cả gian phố kế cận và mướn thêm người giúp việc. Lúc này Tam thường bận túi bụi, nhiều khi quên cả việc ăn uống. Vợ chồng hắn thấy thế vừa phấn khởi vừa ái ngại cho Tam. Hễ thấy khỏe người hắn lại ra tiệm phụ giúp Tam làm các việc vặt.
Sự thành đạt trong việc làm ăn của Tam đã ảnh hưởng đến tinh thần của hắn không ít. Ra đường gặp người quen ai cũng khen ngợi, chúc mừng. Càng sung sướng, hãnh diện, hắn càng tin yêu Tam vô hạn.
Từ  ngày Tam có công việc chính thức, mỗi tháng, ngoài khoản nợ nhà trả thường kỳ, hắn còn đưa cho Tam một ngàn để trả thêm. Nhờ thế, khoản nợ nhà của gia đình hắn giảm rất nhanh. Hắn hi vọng chẳng bao lâu nữa nón nợ đó sẽ được xóa sạch.
Một hôm Tam nói với hắn:
-Con cần lấy thêm nhiều hàng nhưng thiếu tiền. Ba cho con mượn tạm năm sáu ngàn chi được không"
Trước đây đã có lần vợ hắn nói với hắn: «Thằng Tam mình nó kín đáo quá. Nó mở quán mở tiệm như thế mà cũng chẳng cho mình biết lấy nguồn vốn từ đâu. Em nghĩ thế nào nó cũng có vay của ngân hàng, chắc phải trả tiền lời. Mình cũng có một số tiền cất trỏm trỏm một chỗ cũng vô ích. Khi nào nó cần cho nó mượn quách. Nó bớt phải trả tiền lời đồng nào hay đồng đó!». Nhớ lời vợ nói, hắn không ngần ngại đưa ngay cho Tam mười ngàn. Mấy hôm sau Tam lại hỏi mượn nữa. Hắn hơi ngạc nhiên nhưng cũng đưa cho Tam mười ngàn khác. Nghĩ Tam chỉ mượn tạm năm bảy ngày nên hắn không nói với vợ hắn.
Qua một tháng, hai tháng... vẫn chưa thấy Tam trả lại đồng nào, hắn mới hơi lo. Nhưng rồi hắn nghĩ Tam có thể bị kẹt tiền trong hàng hóa nên cũng không nhắc. Nào ngờ mấy tháng sau Tam lại hỏi mượn nữa. Hắn cười hỏi Tam:
-Mượn mãi như vậy mắc tao bao nhiêu rồi nhớ không"
Tam cười xuề xòa:
-Nó nằm trong hàng hóa đó chứ mất mát đâu mà ba lo" Coi như ba góp cổ phần đi! Không lý con lại lừa phỉnh ba"
Nghe Tam nói thế hắn hơi ngượng. Mình hẹp hòi với con quá chăng" Hắn lại cười: 
-Cha con là cha con nhưng vấn đề tiền bạc phải sòng phẳng đó! Tao có đồng nào khi mày cần cứ mượn. Nhưng phải nhớ trả liền khi tao hay mẹ mày xài đến.
Những lần sau này hắn không đưa cho Tam mượn nhiều như trước. Có khi chỉ một ngàn, hai ngàn. Khác chăng là mỗi lần đưa tiền hắn lại nhắc «Thế là hăm lăm nghe!», «Thế là hăm tám nghe!»... Lần nào thằng Tam cũng tươi cười gật đầu. Cứ thế, hắn lần lượt móc bao nhiêu tiền để dành được trao cho Tam hết.
Rồi một hôm, hắn xiết bao kinh ngạc khi tình cờ đọc cái bill trả tiền nhà. Vì tin tưởng con, lâu nay hắn vẫn đưa tiền cho Tam trả nhưng không ngó đến bill. Hắn nhớ lại cách đó chừng nửa năm số nợ hắn đã xuống dưới năm mươi ngàn, thế mà lúc ấy trên bill vẫn còn gần bốn chín ngàn là sao" Số tiền trả thêm mỗi tháng một ngàn đi đâu" Hắn nóng ruột suốt buổi chiều đợi Tam về để hỏi. Cuối cùng hắn được  nghe Tam giải thích:
-Con cần vốn để phát triển cửa tiệm nên đã tạm mượn số tiền trả thêm ấy!
-Mày muốn mượn cũng phải nói cho rõ ràng chứ!
-Con đã mượn ba mẹ nhiều rồi, sợ mượn nữa ba mẹ rày nên phải châm chước.
-Mày châm chước kiểu đó tao làm sao còn tin mày được nữa"
-Số tiền ba trả thêm con tạm mượn đó con đã cộng vào số nợ con mượn ba.
Hắn chẳng biết làm sao, đành ậm ừ cho qua. Tuy thế, trong lòng hắn bắt đầu dậy lên nhiều thắc mắc đối với Tam. Một đêm, ray rứt không chịu được, hắn phải thuật lại việc này với vợ hắn. Nghe xong, chị vợ nói:
-Tiền của anh anh muốn cho ai mượn thì cho, tôi không biết!
Hắn đã phải mất công giải thích dài dòng nhiều lần nhưng vợ hắn vẫn chưa nguôi nỗi bực tức.
Hắn tự thấy có lỗi với vợ hắn quá. Tại sao hắn tự tiện đưa tiền cho Tam mượn mà không hỏi ý kiến chị" Tại sao hắn không hỏi Tam vì sao buôn bán rộn rịp như vậy mà vẫn có vẻ túng thiếu" Thật khó tin là Tam buôn bán như thế mà lại thua lỗ!
Tuy không ngủ được, hắn vẫn cố nằm yên, sợ phá giấc ngủ của vợ. Nhưng vợ hắn chốc chốc lại trăn trở, chốc chốc lại thở dài. Sau cùng không chịu được, hắn hỏi:
-Em không ngủ được sao"
-Không cách chi ngủ nổi. Hôm qua nghe chuyện xảy ra ở gia đình ông Bạch về chưa dám kể, sợ anh lại lo nghĩ. Thật khó mà ngờ tới! Biết đâu mình chẳng vấp cảnh đó"
Hắn ngồi bật dậy. Chuyện gì đã xảy ra cho ông Bạch" Hai vợ chồng này lâu nay vẫn sống với nhau rất hạnh phúc. Thời gian gần đây họ vẫn hay cùng nhau đi du lịch nhiều nơi. Hắn lại mới đi ăn cưới con gái họ chưa quá hai tháng! Trước đây ông Bạch làm nghề cắt cỏ. Nhờ thể chất mạnh khỏe, lại siêng năng, cần cù, ông đã tạo được nhà cửa rất sớm. Con cái ông đều được ăn học đàng hoàng và đã thành đạt. Thằng Thuấn con trai ông đã có vợ, có nhà riêng. Vợ chồng Thuấn đều đã có công việc làm ăn. Ông Bạch chỉ mới nghỉ việc chừng nửa năm nay. Hắn nóng lòng hỏi dồn dập:
-Sao" Sao" Sao" Đã xảy ra chuyện gì"
-Nhà ông Bạch bị nhà băng kéo rồi.
-Trời đất! Vì sao nhà ông ấy lại bị kéo"
-Thằng Thuấn đứng tên chủ nhà bị vỡ nợ không trả nổi. Nhà riêng của nó cũng bị kéo. Vợ nó cũng bỏ đi rồi. Chỉ khổ ông bà Bạch bị đuổi ra khỏi nhà, tủi thân khóc lóc dữ lắm. Giờ họ đã đến ở tạm nhà đứa con gái. Con cái nó hại cha mẹ đến thế đó!
Hắn nghe nói càng hoảng. Không ngờ gia đình ông Bạch lại sụp đổ dễ dàng đến thế!
-Thế thằng Thuấn bây giờ ở đâu"
-Nghe nó mất việc rồi, chắc cũng lang thang đâu đó chứ mặt mũi nào dám mò về gặp ông bà ấy nữa" Thấy đời mà phát chán! Chắc chút ước mơ nhỏ của em cũng khó thành!
-Em muốn nói ước mơ đi du lịch ấy à"
-Chuyện du lịch mà ăn nhằm gì" Ước mơ là ước mơ tạo được một chỗ riêng để khi đi không nổi được tự do bò lết, không bị ai đá ai hất kìa! Con cái cũng hết tin được nữa rồi!

*
Một buổi chiều vợ chồng hắn đang ngồi trước sân thì Tam về. 
-"Hi" ba mẹ. Hôm nay mẹ không đi làm à"
Thấy không còn dịp nào để khơi chuyện hợp lý hơn nữa, hắn nói:
-Nghỉ việc rồi! Mẹ mày bị bệnh cả mười ngày rồi không biết sao" Cũng vì gắng sức để lo cho bọn bây mà ra hết!
Tam sa sầm nét mặt, đi thẳng vào phòng riêng đóng cửa lại. Vợ hắn dọn cơm ra rồi tới phòng Tam gọi tới ba lần Tam mới mở cửa với vẻ mặt bơ phờ.  Cả ba người lần lượt đến bàn ăn. Hắn nhìn Tam rồi hỏi:
-Không phải bệnh sao trông phờ phạc thế" Hôm nay bỏ tiệm cho ai coi"
Tam lúc lắc đầu mấy cái dường như để lấy lại sự tỉnh táo rồi chậm rãi nói:
-Hôm nay con xin thưa để ba mẹ biết, vì việc buôn bán thua lỗ quá nên con đã sang tiệm cho người khác rồi!
Vợ hắn cau mày:
-Mở tiệm cũng đột ngột, dẹp tiệm cũng đột ngột! Đến như giông, đi như gió! Thật tao không biết đường nào mà rờ! Thế bây giờ còn thâm thiếu chi nhiều không"
Tam cười gượng gạo:
-Buôn bán khi lên khi xuống là chuyện thường. Có thâm vốn nhưng không bao nhiêu.
Hắn nóng ruột hỏi:
-Thế chắc số tiền mày mượn của tao cũng đi tuốt rồi"
-Ba khỏi lo! Cái đó để từ từ con sẽ giải quyết!
Vợ hắn cũng không kém phần nóng ruột:
-Thế việc nợ nần có liên can chi tới cái nhà này không" Hay là như thằng Thuấn để cha mẹ bị đuổi ra khỏi nhà" Ông Bạch còn có nhà đứa con gái để ở nhờ chứ tao có ai"
-Thằng Thuấn khác, con đâu đến nỗi nào! Ba mẹ cứ yên chí!
Nghe Tam nói, vợ chồng hắn đều thở phào. Tuy vậy, bữa ăn đó cả ba người ai cũng chỉ nuốt được một chén cơm.
*
Mặc dầu Tam nói chuyện nợ nần của nó không ảnh hưởng gì đến ngôi nhà nhưng vợ chồng hắn không sao yên lòng được. Cuối cùng cả hai đến nhà Quỳnh hỏi ý. Lúc đó vợ chồng Quỳnh đều ở nhà. Sau khi "check" hồ sơ vay nợ của Tam, Quỳnh kêu lên:
-Thôi rồi! Cậu ấm còn nợ ngân hàng một trăm rưỡi ngàn đây này!
Vợ chồng hắn nghe qua đều thất sắc. Cả hai nhất loạt cúi đầu chú mắt vào chỗ Quỳnh chỉ trên trang giấy.
-Còn đây nữa này, gần bốn mươi chín ngàn nữa. À, đây là tiền vay lúc mua nhà trả chưa hết chắc" Anh còn nợ tiền nhà gần bốn chín ngàn phải không"
-Đúng, tôi còn nợ gần bốn mươi chín ngàn. Như vậy là nó còn nợ khoảng hai trăm"
-Khoan, chưa hết đâu! Còn đây nữa nè, đây là các khoản nợ cà từ các thẻ tín dụng. Hai chục ngàn nè, mười tám ngàn nè, năm ngàn rưỡi nè, cộng lại khoảng bốn mươi bốn ngàn nữa! Cộng hết thảy khoảng hai trăm tư, tức xấp xỉ giá ngôi nhà này bây giờ!
Chị Quỳnh chen vào:
-Trời đất! Như vậy là thằng Tam nợ riêng gần hai trăm" Chắc là nó vay vào cái dịp giá nhà đang lên! Nội cái vụ trả tiền lời không cũng đủ chết rồi!
Hắn thiểu não kêu lên:
-Không hiểu nó làm ăn cách sao mà đến nỗi như vậy chứ" Tôi thấy hàng ngày nó bán đồ ra nhiều lắm mà! Làm sao mà nói là thua lỗ được"
Chị Quỳnh buột miệng nói:
-Hay nó cá độ cờ bạc như thằng Thuấn" Cứ rảnh là ngồi miết trước cái computer, tưởng như làm việc siêng lắm, ai ngờ ngồi để phá nhà không hay.
Hắn nghe nói muốn tá hỏa tam tinh ra. Vợ hắn lặng người một lúc rồi hỏi:
-Như vậy có nghĩa là ngôi nhà của tôi cũng có thể bị nhà băng kéo bất cứ lúc nào"
Quỳnh ôn tồn giải thích:
-Chuyện đã tới nước này tôi cũng không thể nói trước gì được. Tới đâu hay tới đó thôi. Ngày nào nhà nước chưa kéo thì mình cứ ở đã. Bây giờ cần nhất là anh chị và cháu Tam làm sao trả các khoản nợ thiếu đúng kỳ may ra còn giữ được.
-Có cách nào bán đi để lấy lui một ít mà phòng thân không"
-Không được đâu! Bây giờ muốn bán lại phải trả thêm mấy chục ngàn tiền thuế nữa, tính lại trả nợ cũng chưa đủ còn tiền đâu mà lấy lui"
Hắn chết lặng vì thất vọng uất ức. Ai ngờ công sức khổ nhọc gây dựng suốt mười mấy năm của hai vợ chồng lại bị chính đứa con tin yêu nhất đập tan trong giây lát!
Bất ngờ vợ hắn bật khóc lên:
-Sao tôi khổ thế này trời ơi! Con tôi nó hại tôi rồi trời ơi!
Chị Quỳnh ôm vai vợ hắn khuyên nhủ:
-Nín đi chị ơi! Dù sao chuyện cũng đã xảy rồi. Phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết may ra cứu vãn được phần nào.
Trên đường về, vợ hắn lại khóc thút thít:
-Mười mấy năm mình làm việc chết xác mong kiếm được một chỗ nghỉ lúc cuối đời mà cũng không xong!
Hắn lặng thinh mà lòng thấy quặn lại. Dau khổ nhất là đứa con tin yêu của chính mình cũng lừa dối mình! Còn biết tin ai được nữa đây"
Khánh Hoàn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,398
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến