Hôm nay,  

Con Đường Tình Tôi Đi

04/12/200900:00:00(Xem: 256362)

Con Đường Tình Tôi Đi

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 2801-1628871- vb6120409

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Bài viết mới của cô là một tự truyện, vẫn với cách viết trực tiếp và mạnh mẽ.

*** 

Thế là tôi đi một mình đã đúng ba năm. Mới đầu khi đối diện với cái chết đột ngột của chồng, tôi đã bắt đầu nghe những lời rất lộn xộn từ mọi phía tới tôi từ người dưng, gia đình cũng như người lạ.  Họ thấy tôi còn quá trẻ, phần thì yếu đuối chắc chẳng gánh vác nổi chuyện gia đình nên độ vài năm nữa là tái giá ngay ấy mà. Khi họ nghĩ vậy, tôi nghĩ họ hay hơn tôi quá nhiều. Ngay lúc đó tôi còn chưa biết tình trạng tài chánh của mình ra sao vì lúc sinh thời anh lo hết. Thời gian đó là thời gian trả tiền thuế đất cho căn nhà chúng tôi đang ở, tôi biết tìm đâu ra số tiền không nhỏ như vậy mà trả một lần đây. Vậy mà họ còn nỡ lòng nào. Tôi chán ngấy cái cách suy nghĩ vô nhân đạo của con người, thích bàn chuyện chưa có hơn là chuyện đang xảy ra trước mắt. Điều đó vô tình làm giảm đi nghị lực của một người phụ nữ mà lẽ ra họ nên động viên hơn là làm cho người ta sợ thêm.
Thời gian đó chúng tôi có mua để dành một miếng đất cùng với ông anh chồng. Trong hoàn cảnh này thì phải bán chứ bản thân tôi còn lo cho hai con chưa biết xong chưa nói chi tới lo thêm một khoảng đất khác. Vì chuyện mua bán đất có nhiều mâu thuẫn ông anh chồng không nhìn mặt tôi sau khi bán xong. Tôi cũng không thanh minh thanh nga mọi chuyện làm chi vì nghĩ có nói chắc cũng chẳng ai hiểu dùm. Tôi nghĩ tôi hèn với chồng thì có thể, anh nói gì tôi cũng có thể chấp nhận dù biết có khi không đúng nhưng với gia đình chồng thì tôi có sống với họ đâu mà nói thêm làm chi cho phiền.
Số là chồng tôi cũng thuộc loại gia trưởng dù chẳng phải con đầu lòng. Đàn ông Việt Nam đa số là như thế, có thay đổi khi sang một đất nước tự do cũng sợ không đâu là cha mẹ và anh em mình nói mình sợ vợ nên cuộc đời cá nhân cứ thế mà rối tung lên. Tôi là con người tự do, ai đúng tôi theo, ai không phải tôi nói, tính khí thế mà đôi khi muốn giữ hạnh phúc và an lành cho chính mình tôi phải tập im lặng.  Thật ra khi bạn im lặng thì điều mâu thuẫn bạn nghĩ tới nó còn quanh đâu đó trong con người bạn đợi lúc nào đó nổ ra chuyện khác nếu tiện lúc hay nó sẽ biến bạn thành con người lạnh nhạt và biết chịu đựng. Điều đó đưa bạn tới đâu, hoặc là không còn tình cảm chỉ biết sống với bổn phận hai là vui được lúc nào thì vui lúc nào không vui cũng kệ vì còn thì giờ đâu mà nghĩ tới.
Vợ chồng nào chả có lúc vui, lúc buồn. Tôi tập quý cái vui, quên cái buồn đi để mà sống. Ông nhà thương thì nhờ, ông không thương và coi mình như không có trong nhà cũng tập quen cho nó khoẻ. Có lẽ tình cảm vợ chồng là điều mà tôi phủ phục và không có ý hướng quyết liệt như những chuyện tôi muốn làm trong cuộc đời nếu thấy mình đúng.
Tôi lại là người thích viết nên nhiều lúc tôi chia xẻ những vui buồn trong bài viết của mình thẩy lên mạng. Điều đó làm gia đình tôi và gia đình chồng tôi không vui vì họ nghĩ tôi không đàng hoàng và muốn đi tìm người khác.
Đời ngộ thật, đời sống không vui có đi tìm người khác thì cũng còn tỉnh mới nghĩ tới điều đó. Mà tôi chỉ viết để vơi đi bao nhiêu điều trăn trở, họ có đọc đâu mà biết tôi nói gì nên cứ nghĩ lên mạng là không đàng hoàng theo ý họ thì ai họ cũng treo cổ kiểu đó chứ đừng nói treo cổ mình tôi.
Nên cái chuyện tôi bị dèm pha không thể sống một mình xem ra cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng phải phó mặc cho thiên hạ nói mà sống cho mình và hai con mà thôi.
Vào sở, trước đây tôi cũng không nói chuyện với ai, vì nói với ai bây giờ, có ai hiểu đâu. Chính tôi còn không hiểu tôi lúc đó nghĩ gì chứ đừng nói nói với ai. Nhìn quanh tôi, tôi thấy ai cũng khổ. Một tuần tôi thấy người đồng nghiệp ngồi bên cạnh tôi khóc những ba ngày. Tôi xót xa dùm bà ấy nhưng vì vô tư và nghĩ ai cũng như mình, tôi ngồi lại tâm sự với chị. Nào ngờ chuyện ra chuyện, sau ngày chồng tôi mất bao nhiêu thứ phải đối đầu có lúc tôi muốn gục ngã nên nói với chị nhiều lần tôi đã muốn tự tử. Chị nghe sao lại là một điều đáng lưu ý. Chị chạy lên báo cáo với người quản lý văn phòng tôi đang làm việc về chuyện đó. Thế là họ gọi tôi lên, chẳng nói chẳng rằng là tại sao tôi nói vậy, chỉ nói tôi nên đi counseling. Tôi hết ý kiến, nói thẳng với bà Boss. Bà à, nghĩ mà coi, tôi còn hai đứa con còn quá nhỏ, có muốn chết cũng chưa được, nghĩ mà coi, lúc làm đám chồng tôi, hai đứa con tôi chạy lòng vòng quanh quan tài, chồng tôi biết có thể đã muốn đứng dậy lắm đưa mẹ con tôi về nhà mà làm không được. Tôi hiểu ổng nghĩ thế thì bụng dạ nào tôi lại ngu si đi làm vậy hả bà. Đúng là tôi có muốn tự tử khi đời bế tắc, tôi đố bà tìm ra ai không bao giờ nghĩ tới cái chết khi cuộc đời bế tắc, nhưng người ta có làm hay không mới đáng nói. Thưa bà, bà nên tin tôi tôi không làm đâu.
Người Á đông và người Mỹ khác nhau xa, bà bảo bà nghe thấy tôi nói bà phải xử lý, còn đúng là bà tin tôi không làm nhưng ai biết được. Chiều hôm đó tôi về nhà sợ hãi vô cùng, tôi sợ sở tôi báo với văn phòng bảo vệ trẻ em và bắt hai con tôi đi vào foster home vì tôi có ý định tự tử và đưa tôi vào nhà thương tâm thần dù tôi đang là một nhân viên xã hội rất được tín nhiệm và từ ngày chồng tôi mất tôi chưa hề có một cử chỉ giận dữ nào với khách hàng hay có thái độ khiếm nhã nào với ai cả.
Thế mới biết họa vô đơn chí, trên đời này chính mình không gây chuyện thì chuyện cũng tới. Tôi chỉ còn biết im lặng mà sống.
Có những lúc cuộc đời cũng nhiều nỗi chua cay. Tôi hay chia xẻ với người đồng nghiệp nam bên cạnh. Anh ta hơn tôi 9 tuổi và hiểu đời nhiều, người Mỹ, đã từng ra vào trại nghiện rượu và mới làm lại cuộc đời đây thôi. Anh ta chứng kiến tôi bị chủ xử kỳ thị khá nhiều và rất phục tôi biết chịu đựng. Tuy nhiên tôi nói tôi im lặng khi họ chỉnh vì tôi hiểu tại sao người ta chỉnh tôi chứ không phải vì tôi đồng ý điều người ta chỉnh. Ít nhiều gì anh ta cũng công nhận tôi là con người đàng hoàng, chân thật và không hai ba mặt là tôi vui rồi. Tôi nghĩ người Mỹ nào cũng được dạy honest nhưng có hay không lại phụ thuộc vào đời sống dạy cho người ta. Sau đó tôi xin đổi chỗ không ngồi gần anh ta nữa vì thấy anh hay nhìn lấm lét và soi mói tôi. Cái nhìn rất kỳ dù không gian dối. Tôi lại còn nghe người ta đồn tôi có tình ý với người đồng nghiệp này nên tôi tức tối vô cùng vì ít nhiều gì chồng tôi cũng mới mất, họ chắc không có trái tim hay sao mà đổ vạ cho tôi thế. Sau này từ một người đồng nghiệp khác tôi biết anh đồng nghiệp này là người đồng tính nam. Tôi cũng chẳng nói chẳng rằng, tôi biết phần tôi được rồi, luôn thành thật và quý trọng tất cả mọi người không phân biệt vì tính cách của đời sống cá nhân ai cả.
Những người quản lý văn phòng tôi làm việc sau một thời gian suy xét và cân nhắc vì sợ dư luận cho rằng họ thiên vị tôi vì tôi đòi gì được nấy nhưng sau một tuần họ chấp thuận cho tôi đổi chỗ vì thông cảm với những tâm tư tôi có và không muốn làm khó khăn thêm những suy nghĩ rối bời của tôi trong hoàn cảnh đơn độc.


Làm một người phụ nữ độc thân đi tìm bạn đời đã khổ, làm một người góa phụ đối với tôi còn khổ trăm lần. Tôi bao giờ cũng muốn nhìn đời theo cách tôi nhìn nhưng những gì xảy ra đã bắt tôi nhìn theo hướng khác.
Những ngày ấy tôi không ăn diện mà cũng chẳng có đầu óc đâu mà ăn diện. Nhưng sau khi nhận dạng được trong đời sống họ nhìn bề ngoài và cách cư xử mà đánh giá mình tôi đã thay đổi để được đối xử khác đi thay vì phải nhận cách cư xử chẳng ra gì với những người chỉ biết tới bề ngoài.
Thế là từ đó tôi để ý tới bên ngoài của mình nhiều hơn, chăm chút đầu tóc, dáng vẻ của mình vì ngoài giờ từ sở ra tôi còn phải là một người chỉnh tề khi đi họp cho hai con tại trường hay những lần tiếp xúc với họ vì bất cứ lý do gì tôi được triệu tới trường.
Người hàng xóm có nhà ngay bên cạnh nhà tôi biết tôi ba bốn năm trước khi chồng tôi mất. Ông giúp đỡ chúng tôi rất nhiều và nhìn ông tôi hiểu ông thương xót cái cảnh của tôi thôi mà giúp đỡ tiếp chứ chẳng suy nghĩ thêm gì. Ông từng nói với tôi ông nghĩ rằng tôi hạnh phúc vì thấy tôi bận rộn và vì phụ nữ Á đông như tôi luôn phủ phục chồng.
Tôi chỉ cười và chia xẻ với ông, ông à, tôi đi qua Mỹ để tìm tự do và sự bình đẳng, nhưng thưa ông qua tới Mỹ rồi thì con đường đi tìm tự do và bình đẳng của tôi vẫn đang tiếp tục chứ không dừng lại như tôi nghĩ. Khi có chồng tôi nghe lời chồng, giờ không chồng thì cha và anh trai vẫn kiềm chế tôi nhiều lắm. Tôi học làm người phụ nữ độc lập từ xã hội này, vẫn còn đang học mà cũng còn chưa tin không biết mình có hoàn thành nổi hay không. Ít nhiều gì tôi vẫn còn tin mình làm được để vui vẻ mà đi tới, tôi không sao đâu. 
Có những ngày hè, tôi mang hai con ra trước sân, nhớ lại cái cảnh đầm ấm trước kia khi chồng tôi cắt cỏ, tôi và hai con ra nhìn anh làm việc và phụ được gì thì phụ mà buồn không còn chỗ nào nói. Còn ngay lúc đó chỉ có tôi và hai con, tôi ngồi bất động trong khi hai đứa vẽ lò cò chơi. Ông hàng xóm hay đi ngang rồi lại đi đâu đó mang về kem trong hộp mời chúng tôi. Tôi hiểu tâm lòng nhân đạo của người bản xứ, họ làm vậy vì tình con người, hiểu hoàn cảnh tôi thôi. Hai đứa trẻ cũng không dám nhận kem vì sự thật thời gian lớn lên ngần ấy nhưng ăn cơm uống sữa là chính.
Ít nhất là tại một xứ sở xa lạ, hàng xóm nhìn mình không quen từ bấy đến giờ, có một dù chỉ một trong số đông những người hàng xóm còn quan tâm đến đời sống của mẹ con tôi tôi cũng thấy an tâm phần nào và thấy con đường mình đi cũng có chút an toàn hơn là không có.
Có ngày con tôi khóa trái cửa phòng ngủ tôi không vào được tôi cũng phải chạy qua nhờ ông. Có những lần cửa xe tôi đóng không được cũng phải nhờ đến ông.
Tôi thì chẳng biết người Mỹ họ hay ăn gì nhưng thấy đồ tráng miệng là đồ dễ mời nhất. Tôi hay mua trả lễ bánh pie cho ông hàng xóm và giữ thái độ biết ơn với ông cho phải phép.
Tôi không thuộc lớp người răm rắp theo khuôn phép định sẳn mà không suy nghĩ. Với tôi, đau buồn bao nhiêu mà ngăn cản tôi bước tới phía trước mạnh dạn thì tôi sẽ làm tất cả để bớt đau buồn mà nghĩ tới những điều vui và an lành trước mắt. Còn tôi không tự đi tìm những rắc rối cho cuộc đời mà chi. Cái gì tới sẽ tới.
Tôi nhìn em họ mình và những người phụ nữ khác tôi có điều kiện tiếp xúc rất khó khăn và rất buồn trên con đường đi tìm hạnh phúc mà buồn cho họ lắm. Ai trên đời mà chẳng mong hạnh phúc và cơ hội đến với mình nhưng với tôi tin vào số phận mà để mình bị phụ thuộc vào nó thì quá dở, còn quá rộng rãi và phóng túng khi tuổi xuân đang còn đây thì thật sự lại là sự phung phí. Vậy thì biết sống làm sao đây"
Tôi hiểu tôi có vui vẻ và hạnh phúc thì con tôi mới vui và hạnh phúc. Từ lâu rồi tôi chẳng tiếp xúc với ai, nay vì nhu cầu giao tiếp phải tiếp xúc thấy xa lạ làm sao. Khi họ nói chuyện với tôi mà không tôn trọng tôi có thể buồn tới hai ba ngày vì bị xúc phạm rồi sau đó mới hiểu ra họ là họ, mình là mình, mình không cho phép ai đụng được tới mình chưa mà buồn chi cho mệt. Và từ đó tôi hạn chế tiếp xúc với họ. Nhưng trong sự hạn chế tôi vô tình đã xây cái rào quá chắc để hiểu họ hơn nên cũng không hiểu thêm hay có thêm chút thông cảm nào với họ cả nên cô lập vần cứ cô lập theo ngày tháng.
Do vậy khi bạn bè tôi ai hỏi tới chuyện riêng tư, tôi đều đùa, con đường tình chỉ có mình tôi đi.
Tuy nhiên vấn đề cần phải nhìn nhận ở đây là dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, khi chỉ có một mình người phụ nữ đều có quyền đi tìm cho mình một cơ hội, một hạnh phúc khác mà không ai hay xã hội có quyền lên án. Khi đau buồn vơi đi hãy cho họ cơ hội sống với tuổi xuân còn lại của họ. 
Nếu người phụ nữ đơn độc nào theo được nề nếp cũ mà không làm họ đau khổ, phải chịu đựng thì đáng phục. Còn nếu họ bị nghĩ là không đàng hoàng vì đang tìm hạnh phúc mới thì cách suy nghĩ đó không còn xác hợp với lối sống của người phụ nữ năng động tại đất nước mà tư tưởng con người thay đổi tính theo từng giây này nữa.
Đó là tôi nghĩ cho những người phụ nữ khác lòng vòng quanh mình. Nhiều khi thấy họ bị lên án hay bị dèm pha mà buồn dùm. Tuy nhiên họ cũng đáng bị lên án nếu vì động lực đi tìm hạnh phúc mới mà bỏ bê con cái quá độ, không chăm sóc và dạy dỗ cẩn thận cho chính những đứa con mình sinh ra thì thật sự họ đã không làm tròn trách nhiệm chính của họ với xã hội và với người đã mất thì "hạnh phúc" họ có tìm được cũng chỉ là tạm bợ và trong lòng họ sẽ mãi khắc khoải vì họ đã gạt bỏ đi phần đời đáng ghi nhận của họ trong hiện tại, những gì họ đã mang tới mà quên đi là phải chăm sóc và vun bón để nở được cho xã hội những đoá hoa đời có ích.
Còn tôi thuộc loại phụ nữ nào. Thật sự khi cơ hội tới, tôi ngu chi mà nói không nhưng điều chính là tôi không chờ, không đợi, không tìm kiếm thì có tới hay không, có lẽ nằm ngoài dự tính của tôi.
Nhiều khi lễ phép với một ai đó hay nói chuyện nhiều hơn với người nào tôi cũng hiểu đó là thái độ lịch sự của một người phụ nữ độc lập chứ không phải vì muốn đi xa, đi sâu vào mối quan hệ nào cả.
Tôi vẫn còn nhớ khi chồng tôi mới mất, tôi đi chợ cũng sợ, đi ra ngoài đường sợ luôn, chiều lại không dám về nhà một mình khi chưa đón hai con. Cái trống vắng quạnh quẽ mới đau làm sao.
Vâng, tương lai khó ai mà đoán trước ra sao nhưng thật đúng là tôi đang bình thản đi trên con đường chỉ có một mình, con đường của một người phụ nữ Á đông đang sống và làm việc trong một quốc gia với những tư tưởng và cách sống tôi phải tập quen, tập đối phó hàng ngày để làm mới mình cùng phải học hỏi và nổ lực hết mình vun đắp cho tương lai của con mình. Mục tiêu cuối cùng của tôi là mong sao dạy được chúng vượt qua những chông gai và khó khăn trong tư tưởng, trong cuộc sống để đạt được những thành công trên đường đời tại đất nước Hoa Kỳ. Và chính điều đó luôn là động cơ thúc đẩy tôi luôn biết thích nghi mình với mọi hoàn cảnh. 
So với ba năm trước đây, tôi cám ơn thời gian và cuộc sống đã rèn được tôi thành một con người khác, biết chấp nhận và biết tận hưởng đời sống hơn.
Ôi, con đường tình tôi đi!
Vành Khuyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến