Hôm nay,  

Tái Trăng Mật Ở Florida

30/11/200900:00:00(Xem: 301412)

Tái Trăng Mật ở Florida

Tác giả: Thanh Mai
Bài số 2797-1628868- vb2113009

Qua Mỹ từ năm 1993, hiện là cư dân Minnesota, tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài “Ép Con Học Hành Quá Sức...” kể về người con bị khiếm thị và chứng tự kỷ bẩm sinh, cho thấy chính sách  giáo dục của nước Mỹ dành cho trẻ em khuyết tật. Nhân vật trong bài viết, em Trần Lộc, nay đã 17 tuổi, vừa xuất hiện trên các TV Mỹ và được nhìn nhận là một tài ba âm nhạc ở cấp quốc gia. Bài viết mới sau đây là một du ký vui vẻ tại Florida, được ghi là do Thanh Mai và Hoàng Trần viết chung. 
***

Mùa lễ năm nay tôi và ông xã đang lên kế hoạch lái xe đi về phía West để thăm các danh lam thắng cảnh như tượng 4 ông tổng thống ở South Dakota, Yellowstone ở tiểu bang Wyoming thì nhận được cú phone của cô bạn nhỏ Thụy Nhã:
- Anh chị qua Florida chơi với em đi. Thành phố Tampa em sắp đi học đẹp lắm...
Nghe cô nàng quảng cáo một hồi, tôi nổi hứng lên mạng check vé máy bay và òn ỉ với ông xã:
- Cục cưng ơi, kỳ này tụi mình đổi chương trình đi Florida nhen. Thụy Nhã bảo chỗ nó sắp đi học đẹp lắm. Từ đó lái xe đi Miami thăm mấy vườn trái cây Việt nam chỉ có 2 tiếng, rồi lái xe đi thăm bãi tắm nghèo ở Miami cũng gần đó. Xong lái xe đi Key West chỉ thêm 3 tiếng nữa thôi. Hôm bữa coi băng Vân Sơn thấy họ quãng cáo về Florida mà mê quá à. Hai đứa mình đi re honey moon kỳ này nhen anh.
Mỗi khi tôi kêu "cục cưng" và thả vào đó một chút đường phèn là ông xã hết cục cựa bàn cãi gì cả. Tôi dục anh vào internet, cùng Thụy Nhã ở đường dây bên kia tìm chuyến bay thích hợp giờ giấc cô nàng có thể đón đưa, rồi mua vé ngay vì tôi sợ...để lâu mình lại đổi ý.
Thụy Nhã vui lắm, reo lên:
- Kỳ này anh chị qua đây em sẽ sắp đặt cho đi chơi mệt hết xí quách luôn. Em sẽ lên chương trình từ đầu tới cuối, anh chị cứ việc nhắm mắt mà đi. Em mới lấy cái xe mui trần, anh chị tha hồ vi vút và chụp hình cho thiên hạ lé mắt.
Tôi đòi:
- Gì thì gì em phải tìm cho anh chị đi thăm vườn trái cây của người Việt nam mình nhen. Và nếu được đi biển bắt ốc, câu cá thì anh chị thích lắm đó.
Mấy năm trước chúng tôi có dẫn thằng con qua Florida. Thằng nhỏ mê đi Disney World và Sea World nên chúng tôi phải đưa nó đi gần hết tuần trong 2 khu trò chơi này. Nhằm trời nóng nực mà cứ phải lang thang theo thằng nhỏ xếp hàng để chơi mấy cái ride nó thích mà ngán hết sức.  Lúc đó không quen ai ở Florida, không biết đi đâu. Coi bản đồ lò mò chạy tới biển Daytona beach, rồi chạy từ Orlando đi Tampa để thăm phố Việt nam, chạy xe đi thăm khu phi thuyền Kenedy...Kỳ nghỉ đó chán ơi là chán. Sau này coi băng Vân Sơn nói về Florida với các vườn trái cây của người Việt, nói về quán ăn Việt nam Miss Saigon, nói về biển "dành cho người nghèo ít quần áo tắm" của Miami, về cực nam của nước Mỹ là Key West chúng tôi tiếc lắm. Nay có Thụy Nhã hứa sẽ dẫn dắt và xếp đặt cho đi chơi mấy chỗ đó thì hoan hô cả hai tay hai chân.
Tôi và Thụy Nhã quen nhau nhờ cùng tham gia Viết về nước Mỹ của Việt báo. Trong số các tác giả nhận  giải năm 2008, còn có thêm Phương Dung, Anthony Hung Cao... Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua trang web Vietbut.net mà một số tác giả viết bài cho mục VVNM tham dự. Ngày đi lãnh giải thưởng ở California do Việt báo tổ chức, chúng tôi hẹn nhau đi ăn, gặp gỡ nói chuyện và thấy thân mật như quen biết nhau từ lâu. Thụy Nhã nhỏ tuổi nhất trong nhóm, rất thân tình, dễ thương và là gạch nối của mọi người. Mới đây, Thụy Nhã “dọn nhà” từ San Francisco, về Tampa để tiếp tục học chuyên khoa gây mê và rất hào hứng cổ động bạn bè du lịch Florida. Cô nhỏ gởi qua email một cái list dài ngoằng đầy đủ chương trình cho mỗi ngày. Chỗ đi chơi, chỗ ăn uống, khách sạn, đầy đủ địa chỉ, số phone, giờ giấc từng chi tiết tỉ mỉ. Cô nàng nói:
- Khách sạn em mướn sẵn cho anh chị rồi. Anh chị chuẩn bị tinh thần đi chơi thôi. Nhớ mang theo đôi giày đi cho êm chân vì phải đi nhiều chỗ lắm đó. Nhớ mang đồ tắm để đi tắm biển nữa nhen. Từ thứ năm đến ngày anh chị về thì tụi mình sẽ ở nhà chị Phương Dung. Chị Phương Dung sẽ gọi cho chị biết sau. Nhà chị Phương Dung rộng lắm. Ở chung để chị em mình có dịp nói chuyện cho vui nhen.
Rồi Phương Dung gọi qua:
- Anh chị qua Florida tới nhà em ở nhé. Em có một cặp bạn cũng từ San Rose qua chơi cùng dịp này. Vợ chồng này cũng tên Hoàng và Thanh như anh chị vậy.
Gần tới ngày đi, Thụy Nhã gọi tới gọi lui dặn dò đủ thứ. Cô nhỏ còn nôn nóng hơn hai đứa tôi nữa. Tôi nói với bạn bè nhóm Việt bút:
- Kỳ này Thanh Mai đi hưởng tuần trăng mật lần nữa. Ráng kiếm cặp con gái song sinh để đặt tên là Thụy Nhã và Phương Dung.
Thụy Nhã chọc:
- Em làm chương trình cho anh chị "rụng hết trứng" luôn.
Còn Anthony Hưng Cao thì căn dặn:
- Chị Thanh Mai qua Florida nhớ chụp hình cây phượng đỏ cho Anthony nghe.
Anthony H.C là nhân vật tùm lum sĩ trong nhóm Việt bút, đa tài và đặc biệt là có tấm lòng nhân hậu. Anthony vừa phát hành dĩa CD ca nhạc "Phượng đỏ mùa đông."
Rồi cũng đến ngày đi du hí! Thụy Nhã đón chúng tôi ở phi trường lúc 1 giờ chiều, chở đi "ăn sáng" ở khách sạn Sanibel Harbour Resourse and Spa. Gọi là bữa sáng vì hai đứa tôi dậy từ 4 giờ sáng ra phi trường Minneapolis cho kịp chuyến bay nên chưa có gì trong bụng trừ gói đậu phụng nhỏ xíu được phát trên máy bay, còn Thụy Nhã vừa trở lại Fort Myers sáng nay sau mấy ngày về thăm nhà ở Utah, mới ngủ được 2 tiếng đồng hồ chưa có gì bỏ bụng. Sau nửa tiếng lái xe từ phi trường, chúng tôi đến tiệm ăn nhìn ra biển có khung cảnh rất thơ mộng. Trước cổng vào khách sạn có một cây phượng đang trổ bông rực rỡ. Nhưng thôi, có thực mới vực được đạo, vào kiếm cái gì ăn trước đã !
Không quen đồ ăn Mỹ nên giao toàn quyền chọn thức ăn cho Thụy Nhã. Cô nàng kêu tùm lum món và khoe:
- Em tới đây nghiên cứu trước rồi, mấy món này ngon lắm. Anh chị ăn thử đồ ăn Mỹ coi có khoái khẩu không"
Ngồi chờ đồ ăn khá lâu nhưng chúng tôi không cảm thấy cần phải ăn và mong họ dọn ra trễ một chút vì mấy khi được ngồi ngắm biển, gió hiu hiu mát rượi như thế này. Chỉ ngồi như vậy cũng đủ lại sức vì hồi sáng phải dậy quá sớm.
Đồ ăn họ làm hơi lâu do còn phải trang trí, trình bày. Dĩa nào dĩa nấy trông đẹp mắt, không nỡ ăn. Ăn vừa xong bữa thì trời đổ mưa lớn chúng tôi phải dời vào bên trong để tiếp tục phần giải khát. Nhưng mưa ào ào như thế chỉ độ nửa tiếng thì trời quang mây tạnh như không có gì xảy ra đúng y bài thơ của Nguyên Sa « trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu ».
Không để mất thời giờ, sợ mưa trở lại, chúng tôi lái xe ra cổng chụp hình kỷ niệm với người bạn cũ từ thời đi học mới tình cờ gặp lại tức "Cây phượng" trước cổng khách sạn. Tôi cố lắng nghe xem có âm thanh của một tiếng dế gáy hay tiếng ve sầu không nhưng hoàn toàn không nghe được. Nếu cái đẹp lộng lẫy kia nếu có thêm những âm thanh tự nhiên, rộn rã và dân dã của mấy con dế hoặc ve sầu chắc sẽ ...hết xảy con cào cào!
Ăn trưa xong thì chạy xe ra biển Sanibel chơi. Lâu lắm tôi mới ngửi được mùi muối biển mằn mặn trong gió nên nhớ đến biển Nhatrang quá. Biển Sanibel này nổi tiếng trên thế giới về bãi cát đầy vỏ sò. Cát biển ở đây nhỏ xíu, trắng và mịn. Nước biển trong vắt như nước lọc và có màu pha lê rất đẹp. Chụp hình, lượm vỏ sò, chạy cà nhong trên bãi biển một lúc chúng tôi chở Thụy Nhã về nhà nghỉ để chuẩn bị đi làm. Thụy Nhã giao cái xe Mercedes mui trần mới mua của cô nàng cho chúng tôi chạy mấy ngày sau đó. Tội nghiệp Thụy Nhã phải cuốc bộ mấy bữa, tuy chỗ làm gần nhưng còn phải đi đây đi đó nữa, thấy cũng ái ngại nhưng nhỏ cứ cam đoan chỉ có vài ngày thôi em không sao đâu.
Chúng tôi muốn hạ cái mui xuống để bắt đầu « tuần trăng mật » của mình trên một cái xe mui trần chính hiệu nhưng không biết phải làm sao để hạ cái mui xuống. Thụy Nhã cũng lúng túng vì xe mới mua. Cũng may! Nếu hạ được mui xuống có lẽ vợ chồng tôi ướt như chuột lột dọc đường vì những cơn mưa chợt đến chợt đi này.
Lộ trình đầu tiên của chúng tôi là đi dạo ở Corkscrew Swamp Sanctuary (địa chỉ: 375 Sanctuary Rd West, Naples, FL 34120). Địa điểm này do Thụy Nhã chỉ cho chúng tôi. Thụy Nhã chưa đi nhưng nghe nói chỗ này cảnh đẹp, trên đường đi dạo sẽ thấy các loài chim lạ. Không biết ba chớp ba nháng thế nào mà tôi bấm máy chỉ đường lộn, cứ vểnh tai nghe máy chỉ dẫn quẹo trái, quẹo phải... hơn nửa tiếng thì đến được nhà hàng Saigon Noodles là địa điểm để ăn chiều sau khi đi dạo về. Quay lại không kịp nữa vì đã tới giờ  Corkscrew Swamp Sanctuary đóng cửa (7giờ sáng đến 6 giờ chiều), đành than một câu "hoàn toàn tin ở máy thà đừng có máy còn hơn" rồi vào ăn chiều.  Nhà hàng rộng rãi, lịch sự nhưng vắng tanh. Tôi nghĩ là tại ngày đầu tuần, vì hôm đó là thứ hai. Khi ăn xong mới biết một tô phở hay tô mì bình thường giá $12, gấp đôi ở Minnesota!
Khách sạn Hilton mà Thụy Nhã đặt trước cho chúng tôi cũng nằm trên con đường với Saigon Noodles, cho nên chúng tôi đến nhận phòng sớm sau khi ăn. Thấy sớm quá nên sau khi nhận phòng chúng tôi lái lòng vòng đi dạo, nhắm hướng biển mà đi nhưng vào toàn đường cụt. Tuy vậy cũng không uổng công, mấy xóm nhà ở đây đẹp, cấu trúc khác lạ với kiểu nhà xứ lạnh nơi tôi ở. Tôi đặc biệt khoái cái kiểu driveway hình vòng cung, vừa đẹp vừa tiện vì đậu được nhiều xe lại khỏi phải de lui vốn là điều cấm kỵ của tôi khi lái xe.
Theo chương trình, sáng hôm sau, thứ ba, chúng tôi đi Miami. Nhưng hôm qua không ghé được Corkscrew Swamp Sanctuary, thấy cũng tiếc nên quyết định quay lại đây trước khi đi Miami. Tới nơi họ vẫn chưa mở cửa bán vé vì hôm nay phải dọn dẹp gì đó nên bị trễ. Không mở là cửa văn phòng bán vé không mở, chớ còn cánh rừng nhiệt đới rậm rạp và rộng lớn này ai mà làm cửa che cho nổi, nên chúng tôi cũng lượn sơ qua một đoạn. Ai thích thiên nhiên hoang dã và núi rừng âm u thì nên tới đây đi dạo để tìm cảm giác. Riêng tôi, tôi thấy nó giống khu rừng kinh tế mới ngày xưa, nên bàn với cục cưng:
- Chờ biết bao giờ mới mở cửa, thôi mình đi tiếp cho khỏi bị trễ nhiều chặng khác.
Mặc dù Thụy Nhã đã lên một danh sách những chỗ cần đến viếng nhưng cục cưng của tôi cũng nghiên cứu các DVD nói về du lịch Florida nên chúng tôi ghi thêm vào danh sách trên đường đi tới Miami và Key West thêm một vài điểm để ghé như bưu điện nhỏ nhất nước Mỹ Ochopee.
Bấm máy chạy tới địa chỉ này mà cũng không thấy bưu điện ở đâu. Quay xe chạy tới chạy lui vài lần mới tìm 1 cái bảng nhỏ ghi mũi tên chỉ vào bưu điện. Thì ra nó là một nhà chứa đồ nhỏ xíu một chiều 7 feet chiều kia 4 feet chẳng có ghi bảng hiệu gì cho biết đây là bưu điện. Cũng may chúng tôi gặp 2 người đàn bà đang đóng cửa cái nhà nhỏ này và chuẩn bị lên xe nên chạy tới hỏi thăm. Hai người này đúng là nhân viên bưu điện của cái bưu điện tí hon này. Một bà là supervisor kiêm luôn clerk, bán tem và giao dịch khách hàng. Bà kia là người đưa thơ. Nghe Hoàng cho biết cũng là đồng nghiệp nhân viên bưu điện từ Minnesota đến thăm, bà đưa thơ vui vẻ moi từ sau căn phòng ra cái bảng hiệu bưu điện dựng cạnh đó để cùng chúng tôi chụp hình lưu niệm.
Trước khi ghé bưu điện, tại ngã tư của highway 29 và highway 41 chúng tôi ghé đổ xăng. Nhìn thấy hai khuôn mặt lạ hoắc cô nhân viên cây xăng biết ngay là dân du lịch nên giới thiệu một Airboat tour chỉ cách đó một block đường. Dự định của chúng tôi là đi cái tour này tại Everglades Safari Park sau khi ghé bưu điện. Thăm bưu điện xong tôi bàn:
- Hay là sẵn có airboat tour gần đây, tiện đường thì mình đi luôn, biết đâu là muốn tới Everglades Safari Park mình lại đi lòng vòng tréo đường, tốn thì giờ.
Vậy là chúng tôi vòng ngược lại 7 miles theo hướng highway 41 West để đi airboat coi cá sấu ở địa chỉ 32330 Tamiami Trl E, Ochopee, FL 34141  (Phone 239 695-2781 ).
Airboat là một loại thuyền đáy phẳng, động cơ đẩy thuyền giống như một cái quạt máy lớn, nổi trên không chớ không chìm xuống nước như những loại thuyền bình thường. Khi chạy, cánh quạt quay tít trong không khí, đẩy thuyền về phía trước. Chính vì vậy thuyền chạy dễ dàng trong vùng nước đầm lầy, nhiều cây cối và không bị mắc kẹt ở những nơi cạn quá. 
Chỗ này họ gây ấn tượng ngay cho khách bằng cách đặt quầy bán vé ngay cạnh đầm nước, dưới nước có một chú sấu to lớn có tấm lưng sần sùi nổi lên mặt nước. Đã có sẵn vài người khách quay phim, chụp ảnh con sấu. Tôi cũng mở máy quay phim, cục cưng của tôi vào trong mua vé. Cô bán vé hỏi ảnh:
- Anh có thấy con sấu bên ngoài không"
Như vậy là họ có cách đặt con sấu vào chỗ này để gây ấn tượng, làm cho khách mua vé ngay không chần chờ. Bên cạnh bến tàu lại có một chú sấu khác, nhỏ hơn đang ngóc mỏ lên mặt nước như đang nhận diện xem có vị khách quen nào trở lại hay không. Hai con sấu này chắc không phải là sấu hoang, có lẽ chúng làm việc cho trạm airboat này để dụ khách.
Thuyền chạy lòng vòng trên mặt nước có nhiều loại cây mọc đâm rễ xuống nước, không biết là loại cây gì, lạ lắm. Ở những chỗ thoáng, không có cây thuyền chạy thật lẹ, gió thổi vù vù bên tai nghe thiệt đã. Ở những nơi cây mọc rậm rạp thuyền đi chậm, nghe được mùi bùn tanh tanh trong không khí. Gặp con cá sấu nhỏ giữa giòng thuyền cũng dừng lại cho chúng tôi coi. Ông ta lái chúng tôi đến một chỗ đầm lầy chỉ một con cá sấu thật to dài cỡ 3 thước đang nằm chỗ nước cạn gần bờ rồi neo thuyền ở đó lấy 2 con cá nhỏ cỡ vài inches leo ra khỏi thuyền. Ông ta đến gần con cá sấu, đưa con cá nhỏ nhứ nhứ trước miệng cá sấu để dụ nó theo ông ta bò hẳn lên bờ cát. Con cá sấu hả miệng thật to để ăn con cá nhỏ. Cảnh tượng thấy cũng ghê ghê. Lỡ ông ta rút tay không kịp dám con cá sấu sẽ xực luôn cánh tay của ổng không chừng. Nhưng ông ta có vẻ kinh nghiệm lắm, đút cá sấu ăn rất khéo. Máy ảnh, máy quay phim lại bấm tanh tách. Ông giải thích về đời sống và sinh hoạt của loài sấu cho khách như một ông giáo đang giảng bài sinh vật học.
Những lúc thuyền len lách ở chỗ có nhiều cây, tiếng máy thật êm làm chúng tôi có cảm tưởng như mình đang bơi thuyền trên sông rạch của cái thời khai hoang đất phương  nam trong truyện của nhà văn Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc, thiếu tiếng cọp nữa là có đủ dưới sông sấu lội, trên rừng cọp kêu. Trí óc con người quả là có sức liên tưởng mạnh thiệt, tôi cũng mới chỉ đọc truyện chứ chưa bao giờ bơi thuyền ở sông rạch miền nam, cũng chưa thấy rừng tràm, rừng mắm bao giờ mà trong óc lại hiện ra những cảnh tượng này của quê nhà vào cái thời tôi chưa từng có. Cho nên tôi nghĩ rằng con em của chúng ta cần những câu chuyện, những hình ảnh để duy trì tình cảm với quê hương, dân tộc. Sống ngay trên quê hương mà thiếu kiến thức về quê hương thì chưa chắc nảy sinh tình cảm mạnh mẽ được. Như bản thân tôi, sống trên đất Mỹ đã mười sáu năm, phần hạn chế ngôn ngữ, phần lo chuyện cơm áo, hiểu biết về quê hương thứ nhì này còn ít ỏi nên tình cảm đối với quê cũ vẫn mạnh mẽ hơn nhiều. Nay có dịp đi đây đi đó để tiếp xúc, tìm hiểu, so sánh là điều tốt để bồi bổ sức khỏe, bồi bổ tình cảm với cả hai quê hương cũ và mới.
Rời Ochopee, theo highway 41 East chúng tôi tìm đến vườn trái cây của anh Chính. Khi trung tâm Vân Sơn về trình diễn ca nhạc ở Florida, họ có làm một phóng sự về đời sống của người Việt tại tiểu bang này. Anh Chính được giới thiệu là chủ một vườn chuyên trồng khổ qua. Hôm trước Thụy Nhã có liên lạc và đã tới thăm anh Chính, được biết là anh có vườn trồng đủ thứ cây trái. Thụy Nhã giới thiệu chúng tôi tới đây và nhờ anh hướng dẫn đi xem tiếp các vườn khác xung quanh vùng này của cả người Việt lẫn người Mỹ.
Chỉ khoảng nửa tiếng lái xe chúng tôi đến thành phố Everglades. Dọc bên đường thỉnh thoảng có những căn nhà không có vách nên nhìn được là bên trong bán thức ăn, nước uống giống y hệt những quán cơm cho khách đường xa dọc quốc lộ 1 ở Việt Nam. Chúng tôi còn nhìn thấy những làng của người da đỏ ngay cạnh đường - nhà tranh vách đất như những bản làng của người Thượng quê tôi. Không biết có thể vào xem được không" Nghĩ thế nhưng chúng tôi không vào thử vì sợ sa đà quá mà trễ chuyến đi đã định sẵn.
Đến trưa, khi máy chỉ đường ghi là còn hơn chục miles nữa là đến đích nghĩa là vườn trái cây của anh Chính, lúc này khung cảnh bên đường đã mang hình ảnh nông thôn thấy rõ, những vườn chuối, vườn cây giống đủ loại, vườn rau trái,... trải rộng bạt ngàn nhìn thật đã con mắt. Ngồi trong xe cửa đóng kín mà vẫn cảm giác như là không khí trong sạch hơn.
Chúng tôi quyết định dừng lại đổ xăng ở cây xăng chỗ ngã tư đường 177 và đường 208, đi vệ sinh, kiếm cái gì lót dạ sơ sơ trước. Sơ sơ thôi vì chúng tôi định để bụng trưa nay ăn trái cây tươi cho đã thèm. Chỉ còn 5 miles nữa là tới nơi thôi mà! Vậy mà khi vào đổ xăng gặp ngay trong đó một quán cơm chỉ. Không phải cơm chỉ của người Việt mà là của người Cuba. Tôi đoán vậy vì chủ cũng như khách đều nói tiếng Tây Ban Nha, và chắc không phải là Mễ vì nghe nói vùng này đa số là dân Cuba, Mễ ít lắm. Họ bán đủ món, hầu hết giống như đồ ăn Việt của mình: Cơm chiên, cơm trắng, cơm...cháy, khoai mì luộc, khoai lang luộc, thịt kho với trứng, thịt nướng....Có vài món lạ mà tôi chỉ mua thử một món là bắp hột tươi giã nhỏ trộn chung với thịt heo băm được gói vào vỏ bao bắp, buộc giây thun lại nấu chín, trông như một cái bánh. Người mua muốn ăn món nào chỉ vào món đó, nhiều ít tùy ý mình. Họ bỏ mỗi thứ vào một hộp giấy rồi cho lên cân để tính tiền, tính xong hỏi muốn ăn tại chỗ hay mang đi. Nếu ăn tại chỗ họ bỏ vào mâm rồi cho thêm muỗng nĩa để mình bưng ra bàn ăn. Chỉ ba món mà giá có $4, rẻ thiệt, hèn gì mấy anh nông dân đầu đội mũ rộng vành lái máy cày tới ăn đậu kín cả parking lot. Cả ba món khoai mì luộc, cơm cháy và cái thứ bánh lạ hoắc kia đều ngon miệng nên vừa ăn vừa chạy xe trong vòng 5 miles mà chúng tôi đã no kềnh ra. Kiểu này không biết lấy chỗ đâu mà nhét thêm trái cây vào nữa đây!
Đến trước chúng tôi có hai nhóm khác, một từ Boston và một từ Texas. Họ cũng biết được vườn cây anh Chính nhờ coi dĩa Vân Sơn 41. Hai nhóm này đã dạo thăm xong, vì vườn cây tháng này chưa có trái chín nên anh Chính chuẩn bị dẫn họ đến vựa trái cây gần đó để mua. Chúng tôi tháp tùng đi theo luôn rồi mới ghé lại vườn anh Chính thăm sau. May đã ăn no nên giờ này có sức mà đi dạo vườn cây!
Vườn anh Chính trồng nhiều loại cây trái có ở quê nhà như xoài, mít, nhãn, mận trắng, mận đỏ, vú sữa, chùm ruột, mãng cầu...; có cả tre, trúc, trầu, cau, phượng vĩ loại hoa đỏ ở Việt Nam thường thấy và loại phượng vĩ hoa vàng của Florida; một hồ cá lớn nuôi nhiều loại cá nước ngọt mà chúng tôi cũng không biết hết tên. Tất cả đều do anh tự tay gây dựng từ đầu. Mảnh vườn rộng lớn này chỉ là cái thú hưởng nhàn của anh, nguồn lợi chính là khổ qua như đã được giới thiệu trong dĩa ca nhạc Vân Sơn 41. Kể cũng ngộ, khi sống ở một nước nông nghiệp chính hiệu anh là dân thành phố, không biết chút gì về nghề nông. Cả tuổi thanh xuân làm người lính. Đến khi sống ở một cường quốc kỹ nghệ số một thế giới anh lại sống bằng nghề nông.
Anh Chính dẫn chúng tôi đi dạo và giới thiệu cây trái trong vườn, không biết hai nhóm trước dạo vườn thế nào mà không kiếm được trái nào, tới phiên tôi lại tìm được một trái mít chín cây thơm nức mũi. Anh Chính hái tặng làm quà gặp mặt, không lấy tiền. Rồi ba anh em đến khóm xoài um tùm cuối vườn, nơi ngủ trưa của anh, có bàn ghế và võng đầy đủ. Chúng tôi ngồi đong đưa trên võng thăm hỏi chuyện xưa chuyện nay rôm rả như những người bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Từ giã anh Chính chúng tôi đi tiếp đến vựa trái cây "Robert is here".  Đây là vựa trái cây có từ năm 1960, bán đủ thứ trái cây tươi, địa chỉ 19200 SW 344th Street. Homestead, FL 33034  ph: 305-246-1592 fax: 305-242-4122 [email protected].
Trên đường đi hễ gặp chỗ bán trái cây dọc đường là chúng tôi ghé lại mua. Lên xe vừa chạy vừa ăn. Đến được "Robert is here" thì bụng căng cứng chỉ còn có nước ngắm mà thôi. Nghe Thụy Nhã quảng cáo ở đây có món sinh tố trái cây ngon hết ý mà muốn mua phải sắp hàng đợi lâu. May mắn hôm nay trời mưa, ít khách không phải sắp hàng. Chúng tôi mua 2 ly sinh tố rồi lên đường trực chỉ Miami để đến South Beach Florida mà thiên hạ bảo là các người đẹp tắm biển ở đây "nghèo" lắm, ít mặc quần áo.

Đến bãi biển South Beach Florida mà đi vào giờ tan sở nên chúng tôi bị kẹt xe vì bãi biển nằm ngay trung tâm thành phố Miami beach. Đến nơi thì trời lại mưa lớn. Bãi biển vắng tanh. Không có cơ duyên ngắm người đẹp thôi thì kiếm chỗ đậu xe chờ trời tạnh xuống hít một chút không khí biển, xả xú bắp cho dãn gân dãn cốt rồi đi tiếp Key West cũng được. Vậy mà cũng không tìm ra chỗ đậu nên chúng tôi đi luôn. Mất toi 2 giờ lái xe.
Theo highway 1A South, chúng tôi trực chỉ KeyWest. Lúc này mới thấy tiếc 2 giờ ghé lại South beach vì đường đi có nhiều cảnh quá đẹp mà trời đã nhá nhem tối. Những hàng phượng vĩ sum suê, nở hoa đỏ rực dọc đường không làm cho chúng tôi "lòng man mác buồn" chút nào mà lại luôn miệng xuýt xoa, trầm trồ. Những bờ cát trắng ẩn hiện sau những rặng phi lao đong đưa trước gió, những con sóng tung bọt trắng xóa vào ghềnh đá xám sẫm vào lúc bóng tối chập choạng vắng vẻ tự nhiên thấy lòng cũng chùng lại.
Trời sụp tối nhanh vì những cơn dông, lúc này chúng tôi chạy qua nhiều chiếc cầu dài, mỗi chiếc dài phải 5, 7 miles chớ chẳng chơi. Thường thì cầu không phẳng, đoạn giữa cong lên. Lái xe chạy trên cầu, nhìn lên là mây trời, nhìn xuống là biển, có cảm giác như đang đi ...trên mây. Thỉnh thoảng một tia chớp lóe lên, ngoằn ngoèo ngay trước mặt soi rõ một khoảng không vắng vẻ. Có hai người trên xe rù rì với nhau nhưng cũng vẫn có cảm giác cô đơn, lạc lõng trước màn đêm đen thui và cảnh tịch mịch, hoang vắng của biển cả, lau sậy.
Hơn mười giờ đêm ánh đèn của thành phố Key West hiện ra xa xa. Mấy chục năm trước, cùng bồ ra ngồi ngắm biển ở bãi biển Nha trang, những ánh đèn của ghe đánh cá từ xa làm chúng tôi mơ đến những thành phố rực rỡ trong mộng của tương lai, bây giờ ánh đèn rực rỡ của thành phố lại làm chúng tôi nghĩ đến ánh sáng của ghe tàu đánh cá vào thời thơ mộng năm xưa.
Nhận phòng khách sạn, tắm táp xong cũng đã gần nửa đêm.
*
Gần 9 giờ sáng hôm sau mới ngủ dậy, giờ này các địa điểm thăm viếng mà chúng tôi dự định sẽ đến cũng bắt đầu mở cửa. Đầu tiên chúng tôi ghé thăm Ernest Hemingway Home and Museum rồi đến vườn bướm Key West Butterfly and Nature Conservatory; kế đến coi và chụp hình ở cột mốc cực nam của nước Mỹ. Thích khung cảnh ngoài trời hơn trong nhà nên chúng tôi không đi thăm tiếp các bảo tàng khác như dự định mà la cà ở các quán giải khát cạnh bờ biển ngồi lai rai ăn uống, ngắm người đẹp tắm biển.
Buổi chiều chúng tôi đi bộ từ khách sạn đến Grand Cafe Key West cách đó chỉ một khoảng ngắn để ăn chiều, ngồi ăn ngoài trời, sát mặt đường nhìn ông đi qua bà đi lại cũng vui. Vì khí hậu quá nóng nên tôi mặc quần short, ngồi ăn lộ thiên cũng thích nhưng lại là mồi ngon của đám muỗi, bọn chúng tha hồ mà xực hai cái giò của mình.
Ăn xong về lại khách sạn lên tầng thượng coi mặt trời lặn. Key West là một nơi coi hoàng hôn đẹp có tiếng nhưng mấy hôm nay trời nhiều mây nên chẳng coi được. Giá mà có coi được đi nữa, tôi cam đoan nếu có ai hỏi tôi hoàng hôn ở đâu là số một, tôi sẽ trả lời là "hoàng hôn ở Key West hấp dẫn thứ nhì trên thế giới, Hoàng hôn ở quê nhà mới là nhất hạng trên đời".
Không coi được hoàng hôn nhưng coi cái ngã tư tấp nập bên dưới mà nhớ Sài Gòn. Có loại xe đạp chở khách du lịch na ná như xe cyclo, khác cyclo là ở đây tài xế ngồi phía trước. Có xe gắn máy hai bánh chạy ngược chạy xuôi tấp nập, có cả xe đạp tỉnh bơ vượt đèn đỏ.
Hồi sáng, chạy xe trên đường chúng tôi bỗng nghe tiếng gà gáy, nhìn vào căn nhà bên phải thấy mấy chú gà trống choai đang rượt nhau. Thứ này ở Minnesota không hề thấy. Bạn tôi một lần đi farm mua gà sống về để làm thịt, trong số đó có một chú gà trống bỗng cất tiếng gáy. Anh thấy vui, giữ lại để sáng sáng nằm nướng nghe nó gáy cho đỡ nhớ quê. Vậy mà mới nghe nó gáy được hai bữa đã bị một cảnh sát đến gõ cửa bảo:
- Anh nuôi gà trong nhà là trái phép, muốn nuôi phải nuôi ở farm. Anh nuôi gà ở đây nó gáy làm mất giấc ngủ của hàng xóm họ than phiền.
Chú cảnh sát có hù đi nữa thì cũng chịu, chữ nghĩa của mình có mấy mà biết được trong cái mớ điều luật dày cộm kia có cấm nuôi gà ở nhà hay không. Bạn tôi tiếc lắm nhưng cũng phải thịt con gà, nhập gia thì phải tùy tục mà.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi rời Key West trong tiếng gà gáy sáng khắp làng trên, xóm dưới. Chắc là hàng xóm ở đây biết thưởng thức tiếng gà gáy, không ai than phiền nên cứ để cho nó gáy. Và tôi chợt hiểu như vậy mới là Hiệp Chủng Quốc, pháp luật chỉ can thiệp khi cần thiết để làm vừa lòng đa số, có như vậy mới huy động được sức đóng góp để làm nên những công trình to lớn như những chiếc cầu mà chúng tôi đã đi qua. Một cái trạm bưu điện nhỏ xíu đủ để hai người làm việc, không cần thiết phải phô trương, lãng phí. Đó mới thực sự là một anh nhà giàu thông minh, không phải như anh nhà giàu Thạch Sùng ngày xưa.
Sở dĩ chúng tôi rời Key West từ 6 giờ sáng vì chương trình còn nhiều chỗ để ghé lại, thêm vào nữa là những thắng cảnh dọc đường 1A bị bỏ lỡ trong chuyến đi, và sợ không kịp đón Thụy Nhã chiều nay để cả bọn cùng đi Tampa thăm gia đình Phương Dung. Thụy Nhã thật tội, cứ thường xuyên gọi phone hỏi anh chị Hai lúa đã đi đến đâu, ăn uống thế nào, có thích không" Còn cô nhỏ ở nhà đi bộ qua sở làm nhưng không có xe để đi ăn, đành phải ở nhà ăn...me ngào mà chúng tôi đã đem từ Minnesota qua làm quà.
Trên đường về chúng tôi ghé Veteral s Memorial Park, là một cái park bên bờ biển vắng nằm giữa hai cái cầu thật dài, chung quanh không thấy nhà cửa. Buổi sáng tinh khôi, vắng lặng giữa biển trời mênh mông thật là hết ý, không biết diễn tả lại làm sao nữa, chỉ thấy đã lắm, thích lắm. Sau đó chúng tôi còn ghé tiếp cái park khác gần đó để đi bộ trên một cái cầu gỗ dài dọc theo bãi biển. Những dãy phượng đẹp dọc đường cũng được chúng tôi chụp hình luôn, không bỏ sót.
Địa chỉ dừng chân chính thức trong kế hoạch sẽ là Coral Castle, một lâu đài được một người làm bằng đá trong suốt 30 năm. Tra trong google map không cần số nhà nhưng máy chỉ đường lại đòi số nhà, tôi cho đại một con số, vậy là lạc đến một thành phố khác, cách đó gần 40 miles! May mà khi phát hiện ra thì lại ở gần Fairchild Tropical Garden và tiệm ăn Saigon Bistro là những địa điểm dự định dừng chân kế tiếp nên chúng tôi đi thăm Fairchild Tropical Garden trước.
Fairchild Tropical Garden là một địa điểm đáng đồng tiền bát gạo để xem. Nội cái chuyện trên những đoạn đường đi tới đó đều được bao phủ bằng những tàn cây lớn, cành lá phủ kín con đường mát rượi cũng đủ thấy thơ mộng rồi, huống chi là với giá $20 vào cửa bạn được xe chở đi lòng vòng trong đó một giờ đồng hồ, được giới thiệu đủ các loại cây cỏ khắp nơi trên thế giới mà tiến sĩ sinh vật học Fairchild sưu tầm về trồng ở đây. Trong này có cả quán ăn để bạn ở lại ăn uống và ngắm nhìn cho thỏa thích cả ngày cũng được. Rồi leo lên xe đi mấy vòng nữa tùy thích.
Đi dạo khu vườn này xong, theo bản đồ chúng tôi đi tìm nhà hàng Việt nam mà Thụy Nhã đã tìm ăn thử. Lại một lần nữa, đi đến chỗ nào có Vân Sơn giới thiệu là có gặp người mình. Lần này đến ăn trưa ở Bistro Saigon gặp một gia đình đồng hương ở tiểu bang láng giềng từ Wisconsin. Ngoài gia đình đồng hương, quán đầy khách Mỹ, có lẽ họ từ các văn phòng trong khu downtown này ra đây ăn trưa. Tiếp viên hầu hết cũng là người gốc Ấn Độ đều mặc đồng phục áo dài Việt nam. Nhìn thấy khách cầm đũa sành điệu là biết họ vào đây thường xuyên rồi. Đồ ăn Việt của mình rẻ hơn đồ ăn các xứ khác nhiều. Họ ăn trưa ở đây cũng phải. Món ngon nhất mà chúng tôi ăn hôm nay là món bò tái chanh mà Thụy Nhã đã đi ăn thử trước rồi giớí thiệu lại.
Ăn trưa xong mới 2 giờ chiều, quay lại thăm Coral Castle đến 6 giờ chiều về đón Thụy Nhã, để cô em ngủ đẫy giấc mai còn có sức dẫn anh chị đi bơi. Coral Castle là một lâu đài bằng đá do ông Edward Leedskalnin làm từ 1923 đến 1951. Nào là bàn ghế, giường tủ...kể cả loa nghe nhạc cũng bằng...đá luôn. Tốn đến 1100 tấn đá chớ ít ỏi gì! Công nhận là công phu thật, đáng nể thật. Nhưng coi thì được chớ biểu tôi bỏ gần 30 năm để ngồi đục đẽo cái đống đá đá sộ như vậy có cho vàng tôi cũng lắc đầu! Mất gần nửa đời người chớ bộ ít sao! Cuộc đời thiếu gì chuyện khác vui hơn để làm.
Về lại Cape Coral, đi ăn chiều với Thụy Nhã rồi đi tiếp Tampa. Tìm được đến nhà Phương Dung cũng đã gần nửa đêm. Thăm hỏi qua loa rồi chúng tôi đi ngủ liền, sau một ngày dài đi giang hồ bây giờ mới thấy thấm mệt.
Hôm sau, chủ khách mới có thời giờ chào hỏi, tán dóc. Vợ chồng Phương Dung cũng đang có gia đình người bạn thân từ San Francisco đến ở chơi. Cặp này cũng tên Hoàng và Thanh như vợ chồng tôi. Nói chuyện một lúc chủ khách đều hợp rơ nói cười vang nhà. Năm ngoái chúng tôi đã gặp nhau trong buổi phát giải của Việt báo, có đi ăn tiệm chung với nhau nhưng cục cưng của tôi gặp người lạ lần đầu thường ngậm miệng hến nên vợ chồng Phương Dung cứ tưởng chàng ta là người nghiêm nghị khó tính. Nay mới thấy anh Hoàng nhà ta cũng tếu lâm và ...hiền khô!
Hai vợ chồng Thy và Phương Dung đều dễ thương, cởi mở, hiếu khách, ăn nói có duyên  và giỏi. Nhất là Phương Dung, đúng là một mẫu phụ nữ Việt nam đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh. Nhìn PD tôi chợt nhớ tới 2 câu thơ:
Ra đường em vẫn còn son,
Về nhà em đã 4 con cùng chồng.
PD chẳng những xinh đẹp mà tề gia nội trợ cũng rất nhanh nhẹn, khéo léo. Chăm sóc chồng, 4 con nhỏ, 3 con chó và công việc của công ty mà lúc nào cô nàng cũng tươi tắn, vui vẻ, và ...xinh ơi là xinh. PD qua Mỹ từ nhỏ, mới học viết văn Việt mà hiểu biết và nói tiếng Việt nhuyễn lắm, ngay cả tiếng lóng, nói lái và nghĩa thanh, nghĩa tục. Ngoài ra PD còn có một tấm lòng nhân hậu, rất tốt với mọi người, chơi với ai cũng dành gánh những cái khó, cái nặng. Mấy ngày ở chơi biết được những cá tính, cách xử sự, quan niệm sống của các em chúng tôi càng ngày càng thương mến và cảm phục.
Phương Dung người lớn, lanh lợi, nấu nướng giỏi bao nhiêu thì Thụy Nhã ngược lại rất con nít, tà tà và ...không biết nấu ăn. Thụy Nhã có đầu óc, suy nghĩ, tư tưởng sâu sắc và trưởng thành nhưng bên cạnh lại cư xử giống một đứa bé dễ thương.
Hôm trước, lúc còn ở khách sạn dưới Key West TN đã lên kế hoạch trước:
- Ngày mốt chị Phương Dung dẫn gia đình người bạn đi Orlando để tụi nhỏ đi chơi Disney World một ngày. Anh chị lại không thích đi Disney World  như vậy 3 người mình đi ôm con Manatee bơi ở Crystal river nhen. Bạn em nói con Manatee này dễ thương lắm.
Tôi nói lại kế hoạch đi bơi cho cục cưng nghe. Anh chàng nghe ba chớp ba nháng thế nào tươi rói hỏi:
- Manatee là bạn của Thụy Nhã hở"
- Yamaha, Yà mà ham. Manatee là một con vật gì đó sống ở sông, ở biển. Mình đi tàu tới đó rồi họ thả xuống sông mà bơi với nó. Nghe nói ôm bạn Thụy Nhã bơi, cái mặt hí hửng liền hà.
Đúng là anh chàng bé cái lầm! Chừng gặp mới biết được Manatee là một sinh vật, còn có tên khác là Sea cow. Cái tên Sea Cow có vẻ dễ hình dung hơn, khỏi bị lầm với tên người nhưng tôi thấy nó đâu giống con bò tí nào mà giống con mực hơn. Không phải là mực sống mà là mực đã bị mấy bà nội trợ ngắt đầu nhồi thịt vào rồi, nghĩa là ở giữa tròn quay, căng phồng còn hai đầu thì túm lại. Con mực nhồi này mà nặng khoảng 900 đến 1200 lb và dài cỡ 3 mét thì gần giống con Manatee! Cái giống này hiền lành không gây hại ai, chỉ ăn rong, nhưng lại là chúa tò mò, thấy cái gì lạ là xán tới coi, được sờ soạng, vuốt ve lại càng khoái nữa, cho nên mới có cái dịch vụ đi bơi với tụi nó để dân Crystal River có thêm công ăn chuyện làm!
Crystal Manatee tour là một tour du lịch ở thành phố Crystal river, cách Tampa một tiếng rưỡi lái xe về phía bắc theo highway 19 (Địa chỉ 821 SE Highway 19 Crystal River, FL 34429). Chúng tôi chọn tour 8 tiếng đồng hồ, vì loại tour 4 tiếng đã hết vé. Thuyền chúng tôi có 5 người: Một cặp vợ chồng người bản xứ, Thụy Nhã và vợ chồng tôi. Xuống tàu họ phát mỗi người một bộ đồ lặn bó sát người như người nhái. Chân vịt, kính lặn, phao bơi, sử dụng tùy nhu cầu. Thức ăn vặt và nước uống cũng tùy nghi sử dụng theo nhu cầu luôn. Thuyền chạy dọc trên sông Crystal để tìm Manatee, hễ thấy là đậu lại, cho khách xuống bơi ra coi. Mùa ấm này Manatee túa đi khắp nơi nên còn lại ít, khó tìm. Đến mùa lạnh, khoảng tháng 11 khi các nơi khác lạnh Manatee mới về vùng nước ấm này nhiều.
Mới đầu xuống sông bơi tôi cũng hơi quợn vì nghe nói ở Florida có nhiều cá sấu. Thuyền trưởng cũng nói là không bảo đảm sông này không có cá sấu. Úi trời, Manatee đâu không thấy mà gặp nhằm con cá sấu hả miệng chờ sẵn thì chết chắc. Nhưng thấy thiên hạ tỉnh queo coi trời như pha mà mình lại nhát gan thì quê độ nên thôi tôi cũng phú mạng mình cho trời. Được một lúc thấy có mấy con vịt nhởn nhơ bơi lội xa xa, tôi cũng hơi yên tâm vì nếu có cá sấu chắc nó đã xực mấy con vịt kia rồi, chắc không sao.
Cả buổi sáng cứ chạy lòng vòng, chúng tôi đành tạm hài lòng nhìn ngắm những căn nhà nghỉ mát đẹp của những người giàu có cất dọc theo bờ sông. Thỉnh thoảng cũng đậu thuyền lại nhưng chỉ gặp các chú Manatee lười biếng, trồi đầu lên mặt nước ngáp một cái rồi lặn xuống ngủ tiếp. Lần dừng thuyền đầu tiên không ai thấy gì, lần thứ hai cô bạn Mỹ la hoảng khi đụng phải một chú Manatee, có lẽ chú cũng hoảng vía, nhắm mắt nhắm mũi chạy bừa lại đâm trúng cục cưng của tôi. Thấy mọi người xôn xao, Thụy Nhã sột ruột lắm, cố sức bơi theo nhưng gió mạnh và Thụy Nhã lại là một vận động viên bơi lội hạng ruồi nên cứ bị gió thổi đi chỗ khác! Cái mặt của cô em yêu thiên nhiên hoang dã này buồn thiu, tuyên bố là nếu hôm nay không sờ được bạn hiền Manatee thì tháng 11 này sẽ quay lại. Lần dừng lại sau đó, may mắn chúng tôi gặp được một chú Manatee con nít, thích được vuốt ve nựng nịu nên cứ bơi vòng vòng theo chúng tôi. Vậy mà Hoàng phải vừa bơi vừa đẩy Thụy Nhã mới gặp bạn được. Lên bờ, mặt mày cô em tươi rói, hôm đó mà không gặp được Manatee không chừng cô em buồn bỏ cơm chớ chẳng chơi!
Đi xong tour này mỗi người khách được phát một coupon ăn trưa trị giá $10 ở tiệm ăn cạnh bến tàu. Cục cưng tôi nghi ngờ:
- Một kiểu kinh doanh khôn khéo của họ đây, họ biết khách bơi mấy tiếng đồng hồ đói, mười đồng có thấm gì, thế nào cũng phải ăn thêm. Lấy giá mắc một chút là bù được $10 đã cho rồi còn lời nữa là cái chắc.
Chúng tôi quyết định là chỉ mua đúng $30 tiền chùa, có đói thì đi ăn phở thêm, ngon hơn. Nhưng thực sự lầm, chúng tôi mua chưa hết $30 mà đồ ăn ê hề, ăn không hết phải mang về.
Sáng hôm sau, ngày lễ độc lập 4/7, ba ông chồng đi câu cá, ba cô vợ đi chợ trời. Phương Dung giao cho Thụy Nhã trông coi mấy đứa con nít ở nhà. Cho con nít coi con nít, không biết lá lành có đùm nổi lá rách hay không! Nói vậy vì Thụy Nhã trông có vẻ con nít, đến nỗi hôm đi bơi ở CrystaL river, "Cô lái đò" của chúng tôi ngạc nhiên khi biết không phải chúng tôi dẫn con gái mình đi nghỉ hè.
Ba ông cùng với Triển là em trai của Thy dùng canô của Triển đến một chân cầu dưới Freeway để câu. Hồi nào tới giờ Hoàng chưa đi câu, tất cả được Thy chỉ dẫn từ đầu, cú đầu tiên quăng luôn vào bờ đá, mất cả chì lẫn lưỡi. Suốt buổi Hoàng cũng câu được hai con cá, nhưng chúng đều không có mặt trên bàn ăn ngày hôm sau vì kích thước nhỏ quá phải quăng lại xuống biển. Hoàng Cali ngược lại, câu cá bự quá cũng phải ném trở lại. Hoàng cũng chụp ké mấy tấm hình tay cầm con cá bự này, để lâu lâu một chút sẽ đem ra khoe. Mới đi câu trình độ vỡ lòng nên cá đớp hết mồi hồi nào cũng không hay, lâu lâu kéo lên chỉ thấy còn cái lưỡi.
Ba bà thì đi chợ trời mua rau. Chợ trời này rộng và có bán đủ thứ. Rau quả trái cây rất tươi nhưng không rẻ bao nhiêu. Chúng tôi mua tùm lum tà la, tay xách nách mang đủ thứ. Phương Dung kiếm đâu ra cái thùng, chất vào 1 lô 1 lốc và dành khiêng một mình, tội ghê. Cho nên tôi mới nói là việc nặng, việc khó PD cứ dành gánh vào mình là vậy.
Về nhà Thiên Thanh và tôi phụ Phương Dung nấu bún riêu và làm gỏi xoài với ốc. Trước khi đi Tampa, Thụy Nhã đã quảng cáo:
- Anh chị đi kỳ này, chỉ cần ăn được món gỏi ốc của chị Phương Dung là lại tiền vé máy bay rồi.
Công nhận món bún riêu với gỏi ốc của Phương Dung quả là ngon tuyệt vời. Ốc này được bắt ở biển gần đó, cạy lấy ruột luộc bỏ tủ lạnh ăn từ từ. Tiếc là thời gian chúng tôi qua Florida thủy triều xuống nước rút quá trễ, không được hưởng thú đi bắt ốc.
Cánh đàn ông đi câu đem về cả thùng cá. Thy làm cá vừa nhanh vừa gọn rất nhà nghề. Phương Dung kể:
- Hồi em sinh con, ảnh bảo "Con ai đẻ nấy lo", nên khi ảnh câu cá về em phán lại "Cá ai câu nấy làm". Hahaha. Nhờ vậy ảnh mới làm cá giỏi.
Nhìn qua nhìn lại, bữa ăn trưa đó không thấy Thụy Nhã đâu cả. Hồi nãy đi chợ về thấy cô nàng chạy ra khoe thành tích là babysit tụi nhỏ giỏi lắm. Rồi có phụ mọi người lặt giá, nhặt tà tà từng cọng mà. Mọi người chạy khắp nhà tìm TN gọi phone cũng không nghe trả lời. Nhưng một lúc sau TN gọi lại nói đang ra ngoài mua thuốc đau bụng bảo mọi người đừng lo. Vậy là cả bọn yên tâm để phần gỏi cho cô nàng và nhào vô tả xung hữu đột thau gỏi sạch trơn.
Một lúc sau, khi hai gia đình PD và Thiên Thanh đi lễ Thụy Nhã mới lò dò về, thậm thà thậm thụt như đang làm chuyện phi pháp. Cô nhỏ thì thầm:
- Em mới ra ngoài mua bánh và hoa để surprise anh chị Thy Dung. Hôm nay kỷ niệm ngày ảnh chỉ dating 16 năm.
À, thì ra vậy. Cô nhỏ bày biện bánh trái, cắm hoa để sẵn trong phòng khách và ăn mặc như lễ hội để chờ gia đình Thy-Dung về. Ai ngờ Phương Dung bước vào nhà nghe nói về chuyện này phán:
- Bày vẽ! Nhiều chuyện quá.
Nói thì vậy nhưng mọi người ai cũng vui. Rồi chụp hình, nhắc lại chuyện xưa và chọc ghẹo nhau. Thụy Nhã là người vui nhất. Làm cho ai được vui là nhỏ vui. Bữa ăn chiều đó rất ngon và đông vui, có thêm một cặp hàng xóm của Phương Dung và Thy. Những câu tiếu lâm dí dỏm của mấy ông làm cho món ăn ngon miệng hơn. Sau bữa ăn, chúng tôi đi coi pháo bông mừng ngày độc lập ở thành phố St. Peterspurg.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi tắm biển ở một bãi biển cách nhà chừng một tiếng lái xe, đó là bãi biển Fort De Soto. Biển êm, nước ấm, bãi cát trắng mịn và sạch sẽ làm đám con nít mê mẩn đào bới, xây cất lâu đài thành quách. Có nhiều khu vực khác nhau: Bến thả thuyền, bãi tắm nắng trống trãi, khu vực picnic có cây cối mát mẻ và bàn ghế. Chúng tôi chọn khu có bóng cây râm mát và có bàn ghế. Số người tham dự lúc này có thêm gia đình Triển, em của Thy, thêm vào số đã có mặt hôm qua, vậy là trên 20. Đông vui nhưng cũng thấy ái ngại cho bà chủ nhà bận bịu chuẩn bị thực phẩm.
Chiều đó, thưởng thức món cá hấp cuốn bánh tráng và cá chiên mà chúng tôi câu được từ hôm qua. Bữa tiệc từ giã có chút bùi ngùi, không biết đến khi nào mới gặp lại được. Ở chung và biết nhau mấy ngày nay, mọi người đều thương và quí mến nhau.
Sáng hôm sau, Thụy Nhã đưa chúng tôi ra phi trường. Chiều nay Thụy Nhã  bắt đầu đi làm trở lại, tôi cũng vậy, còn Thy đã đi làm từ sáng sớm hôm đó.
Ông bà mình dạy là đi một ngày đàng học một sàng khôn, tôi đi chơi bảy ngày mà chẳng thấy khôn hơn được tí ti nào, nhưng vui lắm. Có dịp để mở rộng tầm mắt, thấy cái đẹp thiên nhiên của tạo hóa; thấy cái giỏi của con người biết khai thác thiên nhiên mà cấu trúc được nhiều công trình đẹp và vĩ đại; và cái điều chính yếu làm chúng tôi vui là được quen với những người bạn rất giỏi, rất tốt, rất dễ thương này.
Trong nhạc của Vũ Thành An có nói "Triệu người quen, có mấy người thân", đâu dễ kiếm được những người bạn dễ thương như vậy! Cám ơn tất cả! Cảm ơn Việt báo đã cho cơ hội Viết về nước Mỹ để các tay bút tài tử chúng tôi ở khắp mọi nơi được cơ hội làm quen với nhau; cảm ơn Thụy Nhã đã thu xếp cho anh chị có được một chuyến du lịch, một kỳ honey moon tuyệt vời; cảm ơn Phương Dung, Thy rất hiếu khách và các bạn Florida đã giúp đỡ cho chúng tôi có một kỳ nghỉ đầy thân tình và vui vẻ, thú vị.
THANH MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến