Cảnh Sát Mỹ Thường “Bé Cái Lầm”
Tác giả: Nguyễn Hữu Thời
Bài số 2781-1628852- vb4111109
Tác giả tham dự viết về nước Mỹ từ năm đầu và sau một giải thưởng, ông vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị, chỉ để hỗ trợ và cổ võ giải thưởng viết về nước Mỹ. Ông tự sơ lược về mình: Trước năm 1975, dạy học, quân nhân QLVNCH (khóa 18 Thủ Đức).Hiện giúp việc bán thời gian cho Sypris Data System Los Angeles. Bài mới của ông lần này có kèm theo lời người viết như sau: Nhân vụ Cảnh sát Mỹ hành sự mạnh tay với sinh viên Hồ Phương, người viết nhớ lại chuyện gặp Cảnh sát hồi mới qua Mỹ tỵ nạn. Đây là câu chuyện thật không phải là hư cấu hay tường tượng. Xin thuật lại hầu bạn đọc VVNM.
***
Hồi mới qua Mỹ tỵ nạn Cộng sản, gia đình chúng tôi được nhà thờ bảo trợ, và họ xin cho tôi một chân "housekeeping" ở nhà thương Methodist, cách nhà tôi đang trú ngụ 8 miles. Tuần làm 40 tiếng căn bản, chưa kể giờ làm phụ trội. Mỗi giờ được trả 2$58, hơn "minimum wage" thời đó chút đỉnh. Tôi tình nguyện làm "over time" cả thứ Bảy và Chủ Nhật nên cũng đắp đổi qua ngày.
Thời đó thức ăn, xăng, nhà thuê, các thứ còn rất rẻ. Gia đình tôi lại không tốn tiền mua áo quần; vì dùng toàn đồ cũ nhà thờ cho. Mặc vào có cái thì quá rộng thùng thình, có cái thì quá chật bó sát người, màu sắc lung tung, cái xanh, cái đỏ, cái dày, cái mỏng, bông hoa sặc sỡ. Nhiều cái áo đầm, đứa con gái lớn 8 tuổi mặc vào như nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn trong phim ảnh thời xưa. Tụi nhỏ giờ nầy ngồi nhắc lại chuyện cũ, chị em nó cứ cười ngất, nói là không có "fashion, up date" gì hết. Tiền thuê nhà mỗi tháng chỉ có 160 đô-la mà nhà có tới bốn phòng ngủ, hai phòng tắm, vườn tược rộng rãi. Bên cạnh là khu đất trống cũng của chủ nhà, ông bà chủ cho phép tôi trồng rau, trồng hoa tùy thích. Chủ nhà là hai vợ chồng người Mỹ trắng đã hưu trí. Con cái ở rải rác khắp nước Mỹ, có người ở tận kênh đào Panama, Trung Mỹ. Họ là hội viên nhà thờ có ý giúp đỡ gia đình tỵ nạn; nên lấy tiền thuê nhà rẻ hơn nơi khác. Hàng ngày, tôi phải dậy từ 5 giờ sáng và đi bộ qua nhiều đoạn đường mới đến bến xe buýt. Làm lao công, nhưng sáng phải đi sớm, tôi choàng cái áo vest cũ nhà thờ cho đỡ lạnh.
Tôi nhớ mãi, một buổi sáng sớm gần ngày lễ Giáng Sinh, tôi đang hăm hở rảo bước đến trạm xe buýt, tay trái xách thùng cơm, tay phải đưa lên miệng phì phà điếu thuốc. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng chó sủa sau lưng. Nhìn lại đằng sau, tôi thấy hai con chó to như hai con gấu từ sân nhà bên phải vừa sủa, vừa xông ra, tôi hoảng quá, ném cả thùng cơm vào chúng, ném luôn điếu thuốc đang hút dỡ, trật luôn áo vest cầm tay đề phòng khi chúng tấn công sát quá thì làm vật cản như các tay đấu bò ở Tây Ban Nha, và cắm đầu chạy bá thở thoát thân, vừa chạy vừa kêu cứu.Thời đó, tôi chỉ nặng có 140 pounds, trẻ tuổi nên chạy nhanh lắm, chứ giờ nầy nặng gần 190 pounds, có tuổi, cái chân lại bị đau, đi đứng khập khểnh, chắc là ngồi chiụ chết! Vừa phóng nhanh tới một ngã tư, tôi quẹo phải để thằng đường đến trạm xe buýt. Vừa quẹo cua, tôi mừng rỡ thấy xe cảnh sát mở đèn xanh đỏ chận ngang đường. Lúc đó mấy con chó cũng tảng lờ đâu mất; không thấy chúng đuổi theo nữa. Chắc chúng thấy cảnh sát trước tôi! Tôi cứ ngỡ là cảnh sát nghe mình kêu cứu nên chận chó giúp mình.
Hai vị cảnh sát thấy tôi vừa chạy đến; liền mở tung cửa xe, nhanh như chớp nhảy xuống, hung hăng, nét mặt đằng đằng sát khí, tiến đến làm tôi rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một vị chỉa súng vào người tôi, vị kia tiến sát gần, bảo giơ tay lên, và lục xét khắp người. Tôi làm y như lời họ bảo.
Khi họ xét trong túi áo trên thấy cái thẻ làm việc, xét trong bóp thấy thẻ an sinh xã hội, cái giấy I-94. Họ cũng chưa tin tôi là dân lương thiện, chắc họ nghĩ tôi là kẻ trộm bị phát giác; nên bỏ chạy thoát thân. Tôi giãi thích cho họ biết; tôi bị chó đuổi cắn trên đường ra trạm xe buýt để đi làm. Tuy vậy, họ vẫn giữ tôi lại gần ba mươi phút, và gọi máy về nhà thương xác định, sau đó mới để tôi đi, và nói "sorry"!
Hôm đó, tôi hụt chuyến xe buýt phải chờ chuyến sau. Đến sở trể gần hai tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên tôi đụng với Cảnh sát Mỹ.
Lần thứ hai, giữa năm 1976, chúng tôi mua được chiếc xe Volkswagon con cóc giá 450 đô-la. Đời nào tôi không nhớ, máy móc còn tốt nhưng sơn đã bạc màu, loang lỗ nhiều nơi, " body" móp méo tùm lum. Hai bánh trước bình thường. Hai sau bánh sau lớn hơn và cao hơn. Có lẽ, người chủ cũ thay hai bánh xe đàng sau to hơn, cao hơn để chạy trên bãi cát hay sa mạc. Mỗi lần chạy, phần sau xe ngẩng cao lên, bành ra giống như con ngỗng cúi đầu kiếm mồi trên những thửa ruộng vừa gặt còn trơ gốc lúa ở quê tôi. Xe volkswagon con cóc cái máy đặt đàng sau, cái cốp xe lại đằng trước.
Mỗi tuần vào chiều chủ nhật, trên đường đi làm về, tôi thường ghé qua chợ Tàu trên Los để mua các thứ lặt văt. Tôi nhớ lúc đó có ông chủ chợ người Việt gốc Hoa, thấp bé, có hàm râu giống hề Thanh Việt trước năm 1975, ông thường đứng trước cửa chợ rao hàng. Giọng nói tiếng Việt không chỉnh:
" Mời bà con mại dô! mại dô! Hôm nay có nước mắm ngon mới về. Có bánh phở, hủ tiếu bán sale.Có dầu cù-là Hồng Kông vừa mới gởi qua. Ba đồng một một lô bốn hộp. Mại dô! Mại dô bà con ơi! Người Việt nam đi chợ Viêt nam".Có lúc ông cao hứng ca cải lương tiếng Việt, tiếng được, tiếng mất, có khi ông hát nghêu ngao bài hát tiếng Tàu. Tôi mua bánh phở, nước mắm và các thứ lặt vặt khác chất vào cóp xe đàng trước. Lúc trở về đến đường Green , Pasadena (đường một chiều). Tôi chạy đúng tốc độ sở lộ vận cho phép là 35 miles/giờ. Mở bàng cassette nghe danh ca Thanh Thúy hát bà " Về Miền Trung".
Khi gần tới đường Lake, tôi phát hiện thấy xe cảnh sát chớp đèn xanh đỏ chạy sau. Nhìn đồng hồ xăng sắp cạn, tôi từ từ tấp vào cây xăng để tránh xe cảnh sát, tiện thể đổ xăng luôn, xe cảnh sát cũng theo vào. Họ đến hỏi thẻ chủ quyền, bằng lái xe, tôi trình đủ. Lúc đó, không thấy họ hỏi thêm thẻ bảo hiểm như bây giờ. Tôi nghĩ họ nghi ngờ gì chăng. Dáng dấp tôi giống Mễ, lại lái xe con cóc biến cải, đầu đội mũ rộng vành cao bồi Texas, cả người và xe không giống ai . Họ nghi tôi là dân ở lậu hay trong băng đảng "gang" Mễ gì đây! Họ bảo mở cóp xe, thấy mấy chai nước mắm tưởng là rượu, họ cầm lên ngui và nhăn mặt, tôi nói đó là "fish sauce", người Việt chúng tôi thích dùng trong các bửa ăn. Họ trả lại tôi giấy tờ; rồi lặng lẽ bỏ đi không nói một lời xin lỗi. Tôi tần ngần đứng nhìn theo một chút rồi lái xe ra về. Đó là lần thứ hai tôi đụng với Cảnh sát Mỹ mà không bị "ticket" phạt như những lần sau nầy; vì chạy xe quá tốc độ cho phép hay tới bảng stop quên không ngừng.
Cuối năm 1977, tôi "quit" công việc ở nhà thương, và kiếm được việc làm thợ điện tử ở công ty Sperry Univac đường Micheson, Irvine. Mỗi ngày, tôi lái xe xuống Irvine làm. Công ty điện tử Sperry Univac là một công ty lớn. Họ tuyển nhiều người Việt . Những anh bạn đồng nghiệp với tôi cùng làm chung Dept. là anh Trung tá Thành ( không quân), anh Nguyễn thiện Nhơn, anh Đại tá Chung (Thuỷ Quân Lục Chiến) anh Lê sáng Nghiệp (em nhà văn Lê Tất Điều), anh Huỳnh văn Mạnh (Hảiquân Trung uý), anh Quí, và còn nhiều bạn nữa mà tôi quên tên.
Mỗi ngày, từ Pasadena, tôi phải dùng ba xa lộ mới đến sở ( 210, 605 và 405) đường dài hơn 60 miles. Có hôm, một ngày tôi bị tới hai lần cảnh sát chận phạt, cho ticket vì lái quá tốc độ. Đến lần thứ hai, tôi bị cảnh cáo chứ không có ticket. Khi tôi qua khỏi phi trường John Wayne, và exist vào đường Ramborey, tôi giảm tốc độ nhưng trớn xe vẫn còn nhanh liền bị cảnh sát chận lại. Tôi nghĩ lần nầy coi như xuôi tận mạng rồi! Người nữ cảnh sát Mỹ trẻ tuổi bảo trình bằng lái xe và thẻ chủ quyền. Tôi vừa đưa các giấy tờ cho cảnh sát vừa vừa nói như mếu: