Hôm nay,  

Chốn Nương Náu Còn Lại

08/11/200900:00:00(Xem: 161188)

Chốn Nương Náu Còn Lại

Tác giả: Trần Hồng Linh
Bài số 2778-1628849- vb8110809

Tác giả cho biết: “Ở VN, tôi chưa từng viết văn viết báo, dù chỉ là viết bích báo cho lớp học. Sang xứ người, nhận ra tiếng Việt của mình đang mất dần, tôi ráng tập viết văn. Xin đừng cười, khi văn tài trổ hoa ở tuổi tóc muối tiêu." Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Bóng Xế Hoàng Hôn.” cho thấy cách nhìn sâu sắc về  hoàn cảnh tuổi già nơi xứ người. Sau đây là bài viết thứ hai.  Mong bà tiếp tục viết.


Tấm màn cửa sổ khép lại, căn phòng chìm trong nửa tối nửa sáng. Nơi góc phòng là cái Tivi đang mở. Cuộc tranh tài soccer quốc tế đang được trình chiếu trên màn hình, đó là tiết mục mà bà Nguyễn và đứa cháu đang theo dõi.
Dù xem Tivi, bà Nguyễn vẫn ôm trên tay cặp kim đan và mảnh len dở dang. Hai chiếc que đan nhịp nhàng lên xuống với mảnh len lòng thòng phía dưới. 
Ánh sáng từ màn hình Tivi loé ra, cho thấy nhiều nếp nhăn quanh đuôi mắt bà. Dạo gần đây, nếp nhăn tăng lên theo với những buồn phiền mà bà đang chịu đựng và lo nghĩ. Chẳng biết có giải quyết được gì không" Nhưng bà cố tạo vẻ mặt bình thản để dấu đi mối lo buồn trong lòng. Được cái là mắt bà vẫn còn tinh tường. Bà kéo gọng kính trễ xuống, nhìn lướt lên màn hình tivi  trước khi cúi xuống tiếp tục với mối len đan dở.
Bà Nguyễn khẽ lắc đầu. Ý chừng bà không hài lòng với cậu thiếu niên đang ngồi trên cái ghế trường kỷ. Bởi cậu ngồi không yên. Cậu ta nhấp nhổm ra điều hào hứng thích thú với cuộc trình chiếu trên màn hình.
"C mon, c mon," cậu thét lên.
"Ngồi yên nào, Tony," Bà nói.
Nghe tiếng bà, Tony quay sang hỏi "Don't you like soccer"" Sực  nhớ ra điều gì, cậu vội chuyển sang tiếng Việt "You không thích đá banh huh""
Tony cười lớn tiếng, quay ngang sang choàng tay ôm lấy vai bà, lắc lắc. Vóc dáng bự xự của cậu như muốn xô lấn  thân hình nhỏ thó gầy còm của một bà già Á Đông. Bà Nguyễn chao nghiêng trên cái ghế bởi sức ôm mạnh của thằng cháu ngoại  teenager. Tuy vậy bà vẫn ráng trả lời.
"Thích, bà thích. Bà đang xem đá bóng với con đây này. Nhưng con đừng nhảy loi choi trên ghế thì bà mới coi ti-vi được," bà chuồi người tránh né "Con quên là bà bị ngã gãy xương rồi sao""
"Sorry, I forget."
Bà khùa nhanh hai chiếc que đan len. Sợi len vắt lên lộn xuống, chuyển động dập dình như những đợt sóng trong tâm tư bà, cho thấy bà đang có nỗi lo buồn. Phải, bà lo lắng về chỗ ở cuối đời. Chừng nào bà đến ở Nussing home, bà chưa biết, nhưng chắc ngày ấy chẳng bao xa. 
Để che dấu sự lo lắng của mình, bà Nguyễn tiếp lời. "Xem đá bóng tròn này dễ hiểu hơn các thứ khác, con nhỉ" Môn bóng tròn này ở bên Việt Nam cũng có nhiều người chơi nên bà dễ hiểu hơn các thứ kia."
"Yeah. It s easy," Tony gục gặt đầu. Cậu hiểu  các thứ kia mà bà nhắc đến là môn thể thao Football, Baseball.
Có bàn luận thể thao với bà, Tony khám phá ra bà nó không biết gì về thể thao cả. Cậu đã bỏ ra một buổi chiều để giải thích cho bà nghe về môn chơi bóng chày baseball. Cậu nói cậu nghe, bà gật đầu hoài. Lúc nghe bà hỏi "Tại sao đám khán giả nhao lên la ó, tranh nhau chụp trái banh rơi về phía khán đài với tiếng la "Home run" là thế nào" Tony hiểu bà còn mù mờ về trò thể thao baseball. Cậu bèn mang giấy viết ra vẽ đồ hình cái sân chơi với diamond shape để giải thích về trò chơi baseball. Thấy mặt bà ớ ra ngờ nghệch, Tony chuyển sang basket ball, hockey và soccer, là những môn thể thao có những điểm tương tự, may ra bà hiểu dễ dàng hơn.
Tuy vậy, cậu vẫn cố giải thích cho bà hiểu về Football bằng cách bộ phim America Football, cậu phỏng theo những động tác của người cầu thủ football trên sân, chồm chồm hoặc nhảy tửng lên làm động tác giả lừa đối thủ.
Tony chỉ chỏ trên màn hình ti-vi giải thích "Bà xem, cái thằng player áo đỏ nó hold trái banh chạy kìa."
Bà nghệt mặt với đoạn phim thể thao fooball. Gì mà kỳ cục, gì mà một đứa ôm trái banh cà-na chạy miết, không thả ra cho ai hết, mặc cho một đám người nhào lên đè, giành lại trái  banh.  "Kinh khủng! trò chơi gì mạnh bạo kinh hồn, ngần ấy đứa to như gấu đè một đứa, gãy xương đó con ơi," Bà thốt lên, tuởng đứa bị đè chắc sẽ bẹp dí. Vậy mà thằng ấy chẳng bị việc gì hết.
"No problem. He có mặc áo bảo vệ đó," Tony nói.
Nhìn kìa, cái nón của cầu thủ như cái nồi cơm điện chụp lên đầu kín mít, người ngợm hắn được bao trùm bằng cái áo khung sắt vuông chành chạnh. Bà  lẩm bẩm "Phải vậy chứ, nếu không thì bị gãy xương như chơi," Nhưng điều ấy chưa cho bà ngừng thắc mắc, bà vẫn tiếp tục hỏi "Sao ông ấy ôm trái banh chạy hoài vậy con"" 
"When the player passes the last line on the other side with the football, his team gets a point," Tony giải thích.
Bà  hiểu lỏm bõm về cái lối chơi banh bầu dục này, cứ đứa nào giữ banh lâu thì sẽ có cơ hội thắng nhiều hơn. Bỗng dưng trong trí bà, một ý nghĩ buồn tủi nổi lên, hồi bà khỏe mạnh, các con giữ chặt bà như cầu thủ football giữ banh, rồi lơi dần dần khi bà trở thành gánh nặng cho chúng từ khi bà bị té cầu thang. Chẳng bù cho trước kia, cứ mỗi vài ba tuần, bà ôm cái túi xách quần áo đến nhà các con như ca sỹ chạy show trong dịp lễ lớn. Có vậy bà mới tránh được câu hờn trách của các đứa con lớn  "Mẹ thương Út nhứt, mẹ  chỉ lo trông con trông nhà cho Út không à." Không muốn các con nói mình thiên vị, bà luân phiên đến ở với các con, mỗi nơi vài tuần cho chúng vui lòng.
Mỗi lần  chạy show  ở nhà các con, bà tự an ủi: "Chồng mất, ở với con là phải lẽ rồi." Bà bùi ngùi nghĩ về cuộc sống cuối đời của bà. Hai vợ chồng già được con bảo lãnh, tưởng là ngày vui dài lâu nhưng mới được vài năm đoàn tụ, ông để lại nơi chốn nhân gian nỗi buồn cô lẻ cho bà. Tất  nhiên bà được các con đón bà về ở với chúng. Thỉnh thoảng vài người hỏi đùa "Tháng tới chị định  chạy show  ở nhà đứa nào""  "Đứa nào cần tôi giúp trông nhà trông cửa thì đến đón tôi," Bà điềm tỉnh trả lời. Vì bà nghĩ tới câu châm ngôn VN "Một mẹ già bằng ba lần dậu". Dù cho ở xứ Mỹ người ta diễu cợt "Một mẹ già bằng ba người ở", bà chẳng phiền ngại vì cho rằng đó là lẽ tự nhiên của người làm mẹ, không lo cho con cho cháu thì lo cho ai"  "Có show để chạy là còn có phước, chị ạ, còn hơn là chúng nó không cần mình. Con cháu không nhờ thì đương nhiên mình không có show, là mất job trông chơi với cháu."  Đó là câu an ủi cho cảnh già của nhóm bạn mỗi khi điện thoại thăm hỏi nhau.  
Ít ra bà Nguyễn vẫn có đứa cháu quấn quýt rủ bà xem tivi thể thao với tiếng Việt tiếng Mỹ pha trộn trong câu nói. Bà nhớ lại lần bà ngạc nhiên vì nghe Tony hát. Đúng ra là cả nhà sửng sốt chứ không riêng gì bà. 
 Bữa ấy Tony hứng chí, biểu diễn một màn hát karaoke tiếng Việt cho đám cousins, con của các cậu dì  xem, nhân hôm lũ trẻ có dịp xúm lại trong buổi sinh nhật của một đứa. Tony gân cổ hát theo màn hình karaoke  "Trái tim ngục tù, trááii..tiiimm ngục tù....anh yêu em yêu em đến ngaààn thuuu ...."
Mọi người ngạc nhiên với tài năng của cậu bé hát tiếng Việt khá rành rọt.
 "Tony, ai dạy Tony hát tiếng Việt""
"No one, I copy a Vietnamese singer who sang on Asia music video. He wore a long blue sparkle dress and sang that song," Nhớ ra là đang có bà ngoại trong buổi tiệc, Tony nói thêm "He mắc cười lắm. He vừa hát vừa ẹo ẹo his body. He mặc cái váy dài xanh chiếu chiếu.... He is so funny,"  Cậu hảnh diện trả lời, ít ra cậu còn hát được tiếng Việt, còn hơn được nhiều đứa trẻ khác đang mất dần Việt ngữ.
Hỏi ra, bà  biết cháu bà biết hát tiếng Việt là do nó lắng nghe người ta hát rồi nhái lại. Điều đó chứng tỏ Tony nghe được nhiều hơn là nói. Phải thôi, cháu bà không có người nói chuyện tiếng Việt với nó nên nó nhát nói, giống như nhiều người sống trên đất Mỹ vẫn thiếu tự tin khi nói tiếng Anh với người bản xứ. Nhát nói vì sợ nói sai, nói ngọng.  Bà cố luận ra những chữ bỏ dấu sai của thằng Tony để bà sửa cho cháu. Duy cái tật Tony hay gọi bà bằng "You", bà sửa hoài mà cậu vẫn chưa bỏ được
Gọi "You" là sự quen miệng của Tony, chứ cậu không có ý nói nghĩ xem thường bà ngoại. Lối xưng hô trong tiếng Việt không dễ dàng như tiếng Mỹ, người ta gọi nhau theo tuổi tác, thứ bậc. Điều ấy đã khiến cậu nhỏ lúng túng mỗi khi gặp bạn bè thân quen của mẹ nó. Cuối cùng Tony đơn giản hoá theo như tiếng Mỹ, You and I, mỗi lúc nó chưa tìm ra được chữ thích hợp.
Âm thanh reo hò phát ra từ cái Tivi khiến hai bà cháu theo dõi diễn tiến cuộc đá banh quốc tế với những tâm thức khác nhau. Tony thì hứng thú, nhưng bà nó thì không thế. Bà nhìn trái banh lăn qua chân các cầu thủ, thấy sao giống như cuộc trú ngụ của bà trong những năm tháng gần đây. Hết ở nhà đứa này, sang ở nhà đứa khác, giống như quả banh tròn soccer lăn long lóc thôi.
Chút nước mắt ứa ra trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà dấu vội niềm u uẩn bằng cách cúi xuống nhìn cuộn len trên tay, rồi lãng sang hỏi Tony.
"Đói bụng chưa, bà đi hấp bánh giò ăn nha."
 "Có phải cái bánh pyramid đó không""
Tony gọi bánh giò là  pyramid cake  vì hình dáng bên ngoài của cái bánh.  Khi mới ăn thử loại bánh này, cậu nhìn thấy những mảnh mộc nhỉ đen đen trong nhân bánh, trông sờ sợ sao đâu. Tony vội vàng lấy muỗng gạt gạt cái mẩu đen ấy sang một bên. Nhưng lúc cậu liếc nhìn qua bà ngoại, thấy bà ăn lớp nhân thịt có lẫn miếng đen ấy một cách ngon lành,  Tony đánh bạo, xúc đại một thìa nhân bánh cho vào mồm, thầm nghĩ "Nếu không ngon, lè ra vẫn còn kịp." Nào ngờ, những mảnh đen mộc nhỉ đó lại rất giòn, còn ngon nữa đằng khác. Tony xúc tém thêm vài muỗng, cái bánh nhanh chóng chui tọt vào bụng. Cậu  liếm mép rồi nói "Cái bánh hơi nhỏ." Biết là cu cậu còn muốn ăn thêm. Bà Nguyễn tủm tỉm cười "Lần tới bà sẽ làm nhiều bánh hơn cho con ăn."
 Đôi mắt Tony tít lại, hai má phúng phính tròn giãn ra theo với tiếng cười hềnh hệch.
Tony phân biệt các loại bánh của bà nó làm bằng những hình dáng hơn là bằng chất liệu và cách làm. Nhiều tên quá, khó nhớ. Có một loại bánh mà Tony thích lắm. Cái bánh hình dáng tròn tròn lớn hơn đồng quarter, nhưng bánh màu trắng và mềm nhũn, khoảng giữa hủm hủm trủng chứa đậu xanh và có vụn tôm xấy rắc lên trên. Tony ráng tả lại cái bánh để bà nó làm nữa. "À, đó là bánh bèo, phải ăn với nước mắm," bà Nguyễn nói.
Đối với Tony, miễn có bánh ăn là okay. Từ từ học tên bánh sau. Nhưng ngặt nỗi, bà nó nói "Tony gọi đúng tên bánh thì bà mới biết bánh gì để làm chứ." Câu nói khiến Tony thộn mặt ra. Ủa, nếu không gọi đúng thì không có bánh ăn sao" Bà mỉm cười "Cũng giống như chúng ta vào nhà hàng, phải biết gọi món ăn, người ta mới biết món nào mình thích để mang ra chứ, phải không nào""
Tony biết nhiều tiếng Việt bởi do học các thứ tên bánh. Bánh bèo và bánh xèo, cùng là âm  èo  mà hai thứ bánh hoàn toàn khác nhau, một thứ thì hấp và thứ kia thì chiên. Nhưng cũng cái âm "èo" đấy, cậu ghép vần NGH vào thì thành chữ Nghèo, là cái chữ mà cậu ghét cả nghĩa lẫn phát âm. Vì bởi cậu vẫn nghe bà nó nói "Việt Nam có nhiều người nghèo khổ." Dĩ nhiên cậu phải vất vả chặn chữ NG trong cổ để phát âm cho đúng, cuối cùng muốn nói chữ  nghèo  cậu phải luôn luôn có chữ "kkkhổ'" đi kèm thì bà Nguyễn mới hiểu được. Tony tiếp tục ghép vần cho các chữ và câu quen thuộc chấm dứt cho phần học tieêng Việt bằng câu nói: "Ngán ngẩm ngại ngùng ngông ngang ngúng ngoẳng... Oh, my goodness!" Kèm theo là cái cười tủm tỉm của cậu.
 Bà bật cười vì lối phát âm tiếng Việt ngọng của đứa cháu. Nhưng hề gì, miễn sao bà cháu nói chuyện và hiểu nhau là được rồi. 
Hôm giữa mùa đông, sau đợt lễ Christmas, bà mua nhiều gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và lá chuối. Thấy thế, Tony thì thầm hỏi  mẹ, "Why did grand mom buy a lot of banana leaves" Do we eat them""  bởi có lần cậu đã thấy bà cho vào máy xay một loại lá dài có dạng như lưỡi kiếm, bà dùng màu nước xanh xanh ấy để trộn bột làm bánh. Biết đâu lần này cũng giống như trước.  Tony thắc mắc.
Nghe con gái thông dịch câu nói của thằng cháu ngoại, bà cười ngặt ngoẻo, trả lời.


"Bà làm bánh chưng. Lá chuối dùng để gói bánh, chứ không phải để ăn. Loại lá mà bà xay lấy nước là lá dứa có mùi thơm. Không có lá dong, bà phải dùng lá chuối để gói bánh chưng."
"Có phải bánh chưng là thứ bánh hôm bữa bà cho Tony ăn không" It s wrapped in banana leaves and shapped a pyramid."
"Ồ, không, bánh đó là bánh giò làm bằng bột gạo. Bánh giò bánh chưng khác nhau. Ngày tết bà làm bánh chưng bằng gạo nếp."
Tony cần gì biết các thứ vật liệu làm bánh ấy. Chuyện làm bánh của bà đi vào quên lãng ngay. Nhưng lúc bà  đặt cái bánh chưng lên bàn thờ vào ngày tết, bà lui cui thắp hương vái lạy. Cậu suýt nữa bật ra câu nói  "It should be called a Brick Cake" để mô tả cái bánh như một tảng gạch vuông. Cái bánh bự như cục gạch, nấu đến chừng nào mới xong. Ý nghĩ đó được kể ra vào hôm bà Nguyễn cắt bánh bằng sợi dây buộc bánh. Mắt thằng Tony căng tròn hết cỡ. Bánh đã lạ, lối cắt bánh còn lạ hơn, sao người Việt Nam nghĩ ra cái lối cắt bánh thật diệu kỳ và tiện lợi, cắt bánh không bằng dao. It’s so strange! Thỉnh thoảng Tony lẩn quẩn nghĩ về văn hoá và ngôn ngữ lạ lẫm của bà nó, tiếng Việt ngộ quá à.  Tony nghĩ đến cách đọc chữ có các dấu nhấn âm như nốt nhạc. Lá dứa, lá dừa ..." dứa, dừa"có phải cách nhau một âm vực quảng tám không" Rồi đến bánh chưng, bánh giò. Giò và Chưn, có gì khác biệt, nếu không phải là Foot"
Hôm nào có dịp thuận tiện, Tony sẽ hỏi bà. Còn bây giờ là lúc cậu bận rộn với màn hình và trận soccer quốc tế. Cậu chồm người ra phía trước, thét lớn.
"C mon! Shoot, pleasssseee..."
Tiếng la vỡ oà lên trên sân cỏ.
Từ cái loa của Tivi, tiếng người tường thuật la to "Kìa, kìa, kìa, cú shút banh của đội tiền vệ. Nhanh, chạy nhạnh lên." Trên màn hình. Toán cầu thủ ra sức chạy cướp banh. Trái banh được dẫn trước khung thành, uy hiếp vùng cấm địa. Chạm chân một cầu thủ, trái banh vút bổng lên không trung, rơi ngay vào khu vực ghi bàn thắng. Người thủ gôn nhoài người chắn ngang khung thành, vung tay đập mạnh vào trái banh soccer đang dội tới, cứu nguy cho đội nhà.
 "Whoa!" Tony thu cả hai chân lên ghế sofa, nhảy dựng lên vỗ tay reo "Wonderful, huh bà""
"Ừ."
Miệng bà nói, nhưng trong lòng bà đang trào dâng nhiều ý nghĩ
Bà dần dần nhận ra  cuộc sống  của bà ở nước ngoài không đơn giản như bà nghĩ lúc còn ở bên nhà. Đối với bà, vùng Bắc Mỹ phồn thịnh với nhiều toà nhà cao ngất ngưỡng cùng nhiều con đường rộng lớn, trãi nhựa phẳng lì và dài hun hút. Nhưng khung cảnh sống của bà thì nhỏ hơn và chật hơn bên quê nhà rất nhiều. Bà loanh quanh với bốn bức tường trong nhà, không còn hàng xóm láng giềng qua lại nhà nhau như ở VN, không còn cảnh hàng ngày bà đi chợ mua thực phẩm nữa vì các chợ Á Đông khá xa nhà. Thay vào đó là những buổi bà đợi chờ con cháu đi làm đi học về trong căn nhà lặng vắng. Thỉnh thoảng bà theo các con đi mua sắm ở các thương xá. Nhưng nơi chốn đông người ấy, bà thấy mình chơ vơ lạc lỏng giữa những người khác ngôn ngữ và màu da với bà. Bà giả vờ thoái thác nói với con "Mẹ đi nhiều mõi chân quá. Thôi để mẹ ngồi một chỗ, các con cứ đi shopping đi, chốc nữa quay về đây đón mẹ."  Rồi bà rụt rè ngồi xuống băng ghế kê giữa lối đi của shopping mall, thẫn thờ nhìn người ta lao xao xuôi ngược như nước chảy mà mình thì như mảng lục bình vật vờ trên dòng đời xuôi ngược. 
 Cảm giác xa cách lạc lỏng của bà dần dà xuất hiện trong gia đình. Sau buổi ăn tối và dăm ba câu thăm hỏi, lũ trẻ rút về phòng riêng, chừa lại cho bà một chồng phim tập đang xem dở dang. Chán ngán, bà chẳng buồn lưu ý tới đám tài tử mặt tròn méo ra sao nữa. Bà thở dài. Ở xứ tân tiến là vậy đó, cái gì cũng dư thừa, có thiếu là thiếu thì giờ cho người thân mà thôi
Tiếng người phát ngôn liếng thoắng phát ra từ cái loa tivi.
Bà Nguyễn ngừng đan, đưa tay kéo trễ gọng kính xệ xuống. Bà dõi nhìn vào màn hình ti-vi. Bà thấy đội hình của nhóm cầu thủ đã giãn ra, nhịp giao banh chuyển sang tốc độ vừa phải, không còn căng thẳng như trước nữa. Các cầu thủ chuyển dần ra giữa sân cỏ, chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Đường banh trở nên dài và qua lại không ngừng giữa các đôi chân.
Cảnh tượng ấy khiến bà chạnh lòng, giống mình  chạy show  phải không" Bà buộc miệng "Bà giống như trái banh lăn qua lăn lại ở nhà các cậu dì, lúc là banh dài lúc là banh tròn, phải không Tony""
Trong khoảnh khắc Tony ngỡ ngàng nhưng rồi cậu hiểu phần nào câu nói của bà.
Hôm ấy sau khi chơi banh trong trường, Tony bỏ buổi học ở thư viện, về nhà sớm hơn thường lệ. Cậu vào phòng riêng, chui vào chăn ngủ trong lúc chờ mẹ về. Đang say giấc, Tony bổng thức dậy bởi tiếng nói nơi phòng khách. Nằm im trên giường, Tony nhận ra tiếng nói của các cậu dì và mẹ cậu.
Tiếng của dì Út phân trần:
 "Anh chị nghĩ xem, nhà em chật như cái mắt mũi. Có hai phòng ngủ thì vợ chồng em và con Nancy một cái, cái phòng còn lại để cho con Michelle và mẹ ở. Dạo sau này, Nancy lớn nhòng, không tiện ngủ chung với cha mẹ. Em dự tính cho Nancy ra phòng khách, vì cả ba bà cháu ở chung trong một phòng thì chật quá, nhưng chúng em thấy không đẹp mắt chút nào..."
 Dì Út nói chưa dứt lời đã bị cậu Tư ngắt ngang.
"Dù sao dượng Út cũng còn dễ chịu, chứ vợ anh khó tánh, cằn nhằn hoài về vụ mẹ hay chứa mấy cái bao nylon dưới gầm bếp. Mà mẹ cũng kỳ, mấy cái bao nylon shopping có gì là qúy giá, vậy mà mẹ cứ thu lượm xếp đầy trong ngăn tủ, hết chỗ chứa, mẹ cất duới gầm bếp lò. Chưa kể là mẹ hay đi lượm ống lon về chất đầy trong garage. Vợ anh lấy cớ đó càm ràm hoài, anh bực mình nói sẳn đâm ra vợ chồng anh cãi nhau. Thiệt, rầu hết sức. "
Lần này là tiếng của cậu Hai: "Vợ chồng chú Tư hục hặc cãi nhau thì phải biết cầm chừng, đừng để mẹ nghe được. Đây vợ chồng chú lớn tiếng, mẹ hay được thím Tư đòi ly dị chỉ vì sự có mặt của mẹ trong nhà. Đợi vợ chồng bay đi khỏi, mẹ phôn cho anh, mẹ khóc hu hu. Bởi vậy anh mau mau đến rước mẹ về nhà anh ở...."
"Nhưng mẹ ở với anh Hai thì tội nghiệp cho mẹ quá. Anh chị Hai mắc ôm cái tiệm variety từ sáng đến khuya, bỏ mẹ một mình trong nhà. Hôm em đến thăm, thấy mẹ ngồi thu lu trên giường. Em hỏi mẹ có muốn đi ra ngoài sân cho có nắng nôi thoáng đãng một chút không, thì mẹ chỉ cái vết xương gãy bó bột rồi hỏi  làm sao mẹ tự đi xuống cầu thang được. Nhờ có thằng Tony đi với em bữa đó, nó cùng với em đỡ mẹ ra ngồi ngoài sân hóng chút gió." 
Rồi đến tiếng của cậu Hai có phần trách móc "Thì anh đâu có dè là mẹ bị té cầu thang. Anh tưởng trải thêm tấm nylon ở thang lầu để ngăn không cho nước thấm xuống thảm. Mẹ lụi cụi bước làm sao bị trượt chân, chứ bao lâu nay có ai trong nhà anh bị trượt té đâu. May sao hàng xóm bên cạnh nghe tiếng mẹ khóc la cầu cứu, họ gọi 911 giùm cho. Nhờ vậy người ta mới chở mẹ vào nhà thương kịp thời.  Nhưng thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Vấn đề của anh em mình là làm sao chăm sóc mẹ.  Ai cũng có khó khăn của người đó. Út thì nhà cửa chật hẹp, mợ Tư thì khó tính, cô Ba chật vật một mình nuôi thằng Tony với child support tháng có tháng không. Anh chị đi vắng suốt ngày. Anh không biết tính sao nữa. "
Một thoáng yên lặng giữa mọi người.
Nằm trong phòng Tony cũng cảm thấy bầu không khí trở nên nặng nề. Cậu kéo chăn trùm lên tận cổ, cố dỗ giấc ngủ. Nhưng cậu chẳng thể nào ngủ thêm được nữa. Trong trí cậu đang lẩn quẩn với bài toán mà mọi người đang tìm đáp án. Tại sao không đưa bà ngoại đến nursing home như grandparents của thằng Mike, thằng Steven, đám bạn Mỹ của cậu" Đó là giải pháp thường thấy ở đất Bắc Mỹ dành cho người lớn tuổi. Dễ quá mà. Nhưng Tony chợt nhớ ra. Bà ngoại không biết tiếng Mỹ, làm sao bà nó có thể hiểu được mấy người nurse nói gì" Vậy thì phải có người thông dịch cho bà. Ai sẽ đến đó  thông dịch cho bà" Các cậu dì mắc bận cả ngày, đâu thể đến nơi ấy làm thông dịch cho bà ngoại. Tính để bà ngoại ở đâu bây giờ"
Câu trả lời được bày tỏ vào vài ngày sau.
Như một tuyên ngôn cuối cùng đã được mọi người bàn soạn kỹ càng trước khi đi tới quyết định, mẹ cậu lên tiếng dặn dò việc cậu xếp dọn phòng ốc. Why" "Bà ngoại sẽ về ở chung với chúng ta." "How long"" Mẹ  cậu ngập ngừng...."Cho...Cho đến khi mẹ không giữ được bà ngoại." Tony nghe rõ tiếng thở dài đằng sau câu trả lời.
Trong mấy tháng đầu tiên, các uncles và aunt thường đến nhà Tony thăm bà ngoại nhưng  mấy tháng sau này cuộc thăm viếng thưa dần và gần như mất hẳn. Chắc vậy mà bà ngoại buồn, phải không" Tony tự hỏi.
Tony nghe bà ngoại ví sánh sự trú ngụ của bà như những trái banh chuyền giao qua nhiều người, từ banh bầu dục được cầu thủ ôm riết, rồi tới banh tròn lăn lóc trên sân cỏ, Tony hình dung đến một lúc nào đó, bà ngoại sẽ thu nhỏ dần vì lớp sụn trong xương mòn đi, qua đời. Bà ngoại sẽ vào nằm trong hố đất như trái banh golf rơi tọt vào lổ đất. Lấy ai cho cậu thảo luận thể thao và dạy cậu tiếng Việt.
Tony ôm lấy vai bà và nói . "No, don’t be sad.  Youuu, youuu.... Bbbààà đừng nghĩ thế. Bà ở với mom cho đến khi mom không giữ được bà ngooạạiii. Mommy said that... à, à... Bà, bà  ngồi đây. Tony đi hấp bánh giò."
"Mẹ con nói thế à""
Nhưng bà không nghe câu trả lời vì Tony đã nhanh chân bước về khu bếp.
Ngoài phòng khách, bà Nguyễn trầm ngâm nghĩ đến câu Tony vừa nói  "Ngày mà mẹ con không giữ được bà ngoại" Bà thừ người. Là ngày nào" Ngày bà gặp ông ở chốn vĩnh hằng" Hay là ngày bà quá già đến đỗi lú lẫn để phải vào nursing home cho người khác chăm sóc" Ở nursing home thì buồn lắm, bà chẳng lạ gì cái cảnh người già ngồi sau tấm cửa kính để chờ con đến thăm. Biết chúng có đi thăm mình không " Hay là lại bận rộn"
Bà Nguyễn bật đứng dậy, rời ghế. Bà tiến đến khung cửa, khua tay vén tầm màn. Ngày hè của vùng Bắc Mỹ dài với ông mặt trời ngủ muộn, những con nắng phía tây lăm le soi chiếu vào nhà.
Qua khung cửa, nắng kéo dài trên mảnh sân nhà. Nắng rạng loà vàng đượm như mật ong, rót lên sân cỏ chút lóng lánh. Lớp cỏ trên sân xanh mượt mà. Trong khoẳnh khắc bà thấy như sống lại mùa xuân của những ngày vô tư lự xa xưa, ngày mình còn ôm cặp đến trường trong tà áo trắng, tươi vui, hồn nhiên. Rồi bà nhớ lại ông hồi sinh thời, nhớ buổi hò hẹn đầu tiên của cô gái dối mẹ. Cô gái nhỏ lấy cớ đến nhà bạn mượn tập chép bài, rời nhà.  Bước trong cơn mưa lá me, lòng cô rộn ràng như cánh bướm chao nghiêng. Cô ngượng ngùng bởi cái nắm tay, đọc câu thơ tình, chuyện mưa nắng bâng quơ, lời ai đó vụng về, nghe cải lương chi tệ.  Vậy mà sao chỉ mình mình đọc, trăm trăm lần không chán. Hạnh phúc đơn sơ, dặn dò cơm ăn nước uống như chuyện thần tiên cổ tích ngàn năm.
Bỗng chốc bà phiêu phiêu thoáng nghe câu ông dặn dò "Giữ gìn sức khoẻ nha mình". Câu ông nhắc chừng bà thang thuốc áo khăn khi  buổi thu sang gió chướng. Chừng như ông về với bà trong từng ngăn ký ức, bà bồi hồi nghĩ đến vần thơ dang dở của ông. Có phải ông đang chờ bà nơi chốn vĩnh hằng, hầu dệt tiếp vần thơ mong đợi.
Bà lâng lâng nghĩ về chốn xa xăm ấy.
Cũng buổi chiều nhạt nắng, cô nhỏ trêu chọc Anh hay nói  giọt nắng. Nắng đâu là giọt, Nắng là khối to. Khối nắng đổ xuống đường, nóng thấy mồ luôn."
Rồi ông giải thích ra sao nhỉ"  Bà ráng nhớ.  Có, ông có giải thích cho bà mà. Nhớ, nhớ, nhớ lại xem sao. Chịu, không nhớ nỗi. Ơ, mới đây mà mình đã dễ quên thế sao. Bỗng dưng bà chợt lóe lên ý nghĩ. Lỡ như mình có lú lẫn, không thể phân biệt được quá khứ hay hiện tại.  Mình không nhận ra được người thân hay người lạ, thì mình ra sao" Sống với con cháu hay sống trong nursing home, có khác gì nhau đâu. Lúc ấy thương yêu, ghét bỏ chẳng còn nghĩa lý gì trong cuộc sống, phải không" Bà thừ người ra. Ừ nhỉ, đúng là mình ưa lo vớ lo vẩn.
Nhìn nắng  chiếu lung linh trên sân cỏ, dường  như trong buổi chiều nay bà thấy sân cỏ mượt tươi hơn trước, những trận giao banh trên sân cỏ không gợi cho bà những tủi buồn nữa. Bà không còn lo lắng u sầu vì biết đứa cháu lớn lên ở hải ngoại luôn quấn quýt bên baà. Còn có chốn nương náu nào êm ấm hơn thế.
Bà thu xếp que đan cho vào túi, bước đến bàn ăn.
Tiếng Việt tiếng Mỹ của hai thế hệ râm ran trong câu chuyện bánh trái và thể thao của họ. 
Trần Hồng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,328,501
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến