Hôm nay,  

Những Chiếc Vé Cuối Đời

07/11/200900:00:00(Xem: 307276)

Những Chiếc Vé Cuối Đời

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2777-1628848- vb7110709

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn cho tuổi học trò trên bán nguyệt san Tuổi Hoa và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa (hiện nay vẫn tiếp tục phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com.) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ năm 2003. Cam Li đến với mục " Viết Về Nước Mỹ" qua những bài viết "Áo đầm trắng Gia Long", "Nhịn đói trên xứ Mỹ", "Lá cờ cũ", "Ôi, làm mẹ, làm mẹ", "Chiếc lồng đèn bốn mươi năm". Sau đây là bài viết mới nhất.

1
Chụp xong các bản sao, Hà trả lại giấy tờ gốc cho người khách, nhoẻn miệng cười:
- Cám ơn ông Trần, mọi thủ tục đã xong ạ!
Người khách hàng cũng cười và trả lời:
- Cám ơn cô. Ba tháng sau, nhà tôi đủ tuổi, tôi sẽ dẫn nhà tôi đến để làm giấy tờ như tôi. Mong sẽ lại gặp cô giúp đỡ.
- Xin ông yên tâm, dù là tôi hay nhân viên khác cũng sẽ làm nhanh chóng cho bà.
- Vậy xin tạm biệt cô, cô Hà.
- Tạm biệt ông Trần.
Sau khi đưa người khách ra tận phòng đợi, Hà vào thu dọn giấy tờ trên bàn. Đã đến giờ nghỉ để ăn trưa. Hà mỉm cười nghĩ đến những người khách vui vẻ sáng nay vui vẻ vì đơn xin các loại trợ cấp của họ đã được tiến hành mau chóng Ai cũng cám ơn Hà và nói những lời quý mến cô. Nào! Một bữa ăn trưa nhẹ nhàng được chuẩn bị và gói ghém từ nhà, một cái ghế dựa lưng êm ái trong văn phòng, một khoảng thời gian vài phút nhắm đôi mắt lại để nghỉ ngơi, và rồi tiếp tục cho những giờ tiếp theo trong buổi chiều. Lại gặp gỡ những người khách. Rồi thì buổi tối vui vầy trong mái ấm... Nghĩ đến đó Hà lại mỉm cười. Cuộc sống êm ả làm sao! Cuộc sống của một nhân viên Sở Xã hội còn có thêm được niềm vui là đem lại hy vọng và sự thoải mái cho cuộc sống của những người khác nữa. Hà cảm thấy hài lòng với chính mình.
Bàn tay của Hà chợt dừng lại ở một bì thư lớn màu vàng, loại bì thư đựng hồ sơ giấy tờ. Đây không phải là giấy tờ của mình. Dòng chữ ghi ngoài bì thư khiến Hà biết ngay đó là của ông khách ban nãy. Hà nghĩ mình sẽ giữ hộ ông. Hà toan tìm số điện thoại của ông để gọi thì chuông điện thoại reo. Ông Trần xin phép trở lại.
Như bao lần, Hà ra phòng đợi để dẫn ông vào văn phòng của mình.
- Xin lỗi cô Hà, tôi trở lại để tìm chiếc phong bì hồ sơ, tôi đã để quên ở đây.
- Thưa ông, đây ạ!
- Cám ơn cô. Giờ này chắc là giờ ăn trưa" Vậy tôi không dám làm phiền cô...
Hà chưa kịp nói gì thì ông Trần, với giọng ngập ngừng, nói tiếp:
- Tôi nghĩ là... có cái gì khiến xui tôi phải nói với cô điều này...
- Dạ, chuyện gì vậy thưa ông "
- Về... những gì chứa đựng trong bì thư này...
- Thưa ông, tôi chưa hiểu ạ!""
- Cô Hà, cô có sẵn lòng nghe một điều... một điều hơi gây "sốc" cho một người không"
Hà nhíu mày, ngạc nhiên hỏi nhỏ:
- Điều gì vậy ông" Và ai mà lại "sốc"" Người đó là... """ 
- Dạ phải, là tôi đấy cô ạ! - giọng nói của ông Trần có vẻ mạnh dạn hơn Đây là kết quả xét nghiệm từ bệnh viện. Kết quả của tôi.
- Dạ. Ông Trần, ông bị bệnh ra sao ạ" Xin mời ông hãy ngồi xuống đây...
- Thật tôi không quấy rầy cô chứ, cô Hà"
- Thưa không. Xin ông đừng khách sáo. Nếu ông nghĩ rằng có cái gì khiến xui... hoặc ông tin cậy tôi, xin ông cứ nói ạ!
Ông Trần vừa mở phong bì vừa nói:
- Vâng, bỗng nhiên tôi cần có một người để tôi chia xẻ việc này. Tôi không dám nghĩ người đó là vợ tôi, bởi đó là người mà... tôi muốn giấu. Tôi... không đủ can đảm...
- Thưa ông...
- Đây, xin cô hãy xem!
Trên những trang giấy kết quả xét nghiệm, dòng chữ "pancreatic cancer" đập vào mắt Hà. Hà lặng đi trong một lát. Không gian trong phòng bỗng nhiên yên lặng một cách lạ thường. Hà nghe được cả tiếng "tích tắc" khô khan từ chiếc đồng hồ treo trên tường buông ra ...
Giây lát sau, ông Trần nói:
- Tôi đã được bác sĩ mời gặp nói chuyện rồi. Tạm thời tôi chưa muốn nói với vợ tôi. Tôi cũng không ngờ, khi mình sắp được cầm chiếc thẻ Medicare (1) và Medicaid (2) trong tay thì cũng là lúc tôi được dùng đến chúng để đi chữa bệnh ông nhếch miệng cười một cách chua chát mà cô Hà biết đấy, bệnh này... chỉ cho người ta sống thêm... vài tháng nữa thôi.
Hà đưa bàn tay lên chặn ngực để nén xúc động. Hà không muốn thốt nên những lời an ủi cho có lệ. Hà để mình lặng yên như hy vọng sự cảm thông có thể truyền đi không cần lời nói.
Bỗng có người bạn ở văn phòng kế bên cô Maria đi ngang, ló đầu vào. Maria thấy có người khách nên nói khẽ:
- Xin lỗi ông... Này Hà! Cả nhóm đang bàn nhau đi phúng điếu mẹ của anh Nam bây giờ, trong lúc nghỉ trưa. Bạn có muốn đi cùng chúng mình không"
Ông Trần đứng lên, nói ngay:
- Ô! Vậy thì cô Hà đi đi nhé! Tôi xin phép về.
Hà kêu lên:
- Thưa ông....
- Không sao, tôi không sao đâu, cô Hà! Lúc khác tôi xin đến gặp cô.
- Dạ.
Ông Trần chợt đổi giọng khôi hài:
- Tôi còn nhiều thời gian lắm mà, thưa cô Hà!
Nghe câu nói ấy, Hà bỗng rùng mình...

2
Hà thẫn thờ nhìn như dán mắt vào màn hình ti-vi. Hình ảnh người đàn ông trong phim đang mờ dần rồi xa mãi trong ánh sáng chói lòa nơi khung cửa. Bỗng dưng đôi mắt của Hà như cũng nhòa đi. Hà thổn thức, như thể mình đang nhập vai người vợ trong cuốn phim "Ghost". Phim này Hà đã xem rất nhiều lần, từ nhiều năm nay, mỗi lần xem lại thì cảm xúc như cũng bớt đi. Nhưng sao lần này, Hà tưởng như câu chuyện trong phim trở thành sự thật. Bởi vì người nam diễn viên đóng vai chính trong phim, rồi đây có thể sẽ như người chồng ấy, đang vĩnh biệt người vợ của mình. Hà thổn thức, thổn thức mãi, mà không biết là Sơn đang trố mắt nhìn Hà. Anh ngạc nhiên vì sự cảm động hơi thái quá của Hà. Sơn khẽ hỏi:
- Em sao thế"
Hà không trả lời, càng sụt sùi nhiều hơn. Sơn ngồi gần lại bên Hà, nói như an ủi:
- À thôi anh hiểu rồi, em cảm thấy thương cho Patrick Swayze phải không"
Hà không biết nói sao, chỉ gật đầu nhẹ. Sơn thở dài:
- Anh cũng vậy. Tội nghiệp quá, nếu anh ấy đừng bị bệnh như thế này, chắc sẽ còn đóng thêm được nhiều phim hay.
- Vâng!
- Thôi em ạ, nín đi! Đời mỗi người một số, làm sao mình biết được! Nhưng dù sao, Patrick cũng đã làm được nhiều việc. Ít ra anh ấy chết đi, vẫn còn được người đời biết đến qua những cuốn phim anh đóng. Cũng bị ung thư tụy tạng, ông Randy Pausch đó, cũng đã dọn đường cho mình, và đã có "Bài diễn thuyết cuối cùng" cho sinh viên, và cả thế giới đều biết đến bài nói chuyện này.
- Vâng!
- "Vâng" có nghĩa là đồng ý với anh phải không" Đồng ý rồi thì nín khóc đi nhé!
- Em không khóc nữa... Nhưng anh nè, em có một ông khách hàng, ông ấy cũng bị ung thư tụy tạng, ông bảo với em rằng bác sĩ cho biết ông có thể chỉ còn sống được mấy tháng. Em thấy thương ông ấy quá. Tại sao lại có những căn bệnh quái ác như vậy hở anh" Em làm cán sự xã hội, em cũng có những người khách hàng bệnh tật đủ loại, nhưng đây là lần đầu tiên em có một người khách hàng bị ung thư.
Sơn lắc đầu:
- Anh thì gặp hàng ngày... Nhưng thôi, chúng ta hãy nói chuyện vui đi! Anh chỉ có thể khuyên em một câu: "Có bệnh thì hãy chữa bệnh", để em tặng lại khách hàng.
Hà vẫn lẩm bẩm:
- Nhưng có những bệnh chữa dứt được, có những bệnh...
- Anh xin em!.. Đến giờ đi ngủ rồi!
Suốt đêm, Hà trằn trọc mãi. Hà nghĩ đến hình ảnh mẹ của anh Nam nơi nhà quàn một người già khô héo sau mười năm nằm liệt một chỗ trên giường. Hà nghĩ đến người khách sáng nay ông Trần, một người đàn ông có dáng vóc mạnh khỏe mới vừa đúng tuổi về hưu. Và nụ cười hiền lành của Patrick Swayze cứ đeo đuổi tâm trí Hà. Rồi bỗng dưng, hình bóng của người cha thân yêu đã mất nơi quê xa, hiện ra chập chờn như bay trong sương khói...

3
- Tôi đã cho nhà tôi biết. Bà ấy khóc nhiều và lo sợ cho tôi. Cô Hà có tưởng tượng được không, lúc tôi nhận được kết quả từ bác sĩ, tôi hoang mang lo sợ lắm, nhưng đến khi tôi báo tin cho nhà tôi, thì tôi lại ở trong tâm trạng bình tĩnh vô cùng, chính tôi cũng ngạc nhiên. Và tôi lại là người an ủi nhà tôi. Các con tôi ở xa, lần lượt cũng biết tin, và chúng nó gọi điện thoại về... an ủi cả hai ông bà già. Tôi đã bắt đầu tiếp nhận trị liệu bằng "chemo" (3). Tôi tin là tôi có thể chịu đựng được.
Hà chăm chú nghe ông Trần nói chuyện. Nhìn vẻ mặt bình tĩnh của ông, Hà cảm thấy yên tâm phần nào. Tuy nhiên Hà vẫn còn một mối băn khoăn, đó là không biết ông Trần có thật sự bình tĩnh không" Hay ông đang tạo một vẻ bình an để người xung quanh ông không lo lắng" Tự nhiên Hà nghe xót xa như đã có lần Hà gặp người chị bà con, chị thố lộ rằng chị chỉ là "trong héo ngoài tươi" để chồng con và bạn bè đừng đau khổ quá trong những ngày còn lại của chị.
Nhưng rõ ràng là ông Trần không có vẻ gì là gắng gượng cả. Hà tìm thấy những tia sáng trong ánh mắt của ông. Ông lấy trong cặp sách ra một mớ đĩa CD, trao cho Hà và nói:
- Tặng cho cô. Đây là những bộ sưu tập của tôi, đủ các thể loại cô à! Thật không ngờ là giờ đây tôi lại có thời gian để làm những gì mà tôi yêu thích. Cô biết không, tôi nghĩ rằng với những người bình thường như chúng ta, không âu lo về một sự nghiệp to tát để lại cho đời, thì chúng ta vẫn có thể làm những gì mình thích, mà có thể chúng ta đã chưa từng sắp xếp cho mình làm những việc ấy. Những ngày vừa qua, tôi đã "scan" tất cả hình ảnh gia đình và lưu trữ thật gọn gàng, đầy đủ, chép trong máy computer, chép ra đĩa, cho những người trong gia đình mỗi người một bộ. Nhưng những bộ sưu tập này tôi mới thật là vừa ý: cô Hà đoán thử xem! Đó là nhạc. Nhạc tiền chiến, tân nhạc, cổ nhạc miền bắc, miền trung, miền nam; nhạc dân tộc thiểu số; rồi nhạc thiếu nhi, nhạc dành cho học sinh, nhạc trẻ.... Ô, không thể ngờ là tôi đã làm rất công phu cô ạ! Tôi sẽ chép ra để tặng cho những người thân, mỗi người một bộ. Và tôi nghĩ đến cô, người cán sự xã hội dễ mến, người có cách cư xử và lời nói rất dịu dàng ôn hòa với mọi khách hàng, mà tôi rất quý. Tôi xem cô như một người bạn vậy. Cô nhận cho nhé!
Một món quà bất ngờ! Hà thật cảm động. Hà nói nhỏ:
- Cám ơn ông Trần. Thật ra, ông phải là một cán sự xã hội mới đúng. Ông đem lại sự an tâm cho người khác...
- Không phải như thế đâu, cô Hà! Tôi chưa kể cho cô nghe về những ngày đầu của tôi sau khi tiếp nhận sự thật. Bệnh viện bảo tôi... chỉ còn sáu tháng. Vâng, sáu tháng cô ạ! Cô biết không, khi tôi còn đang giấu nhà tôi về bệnh trạng của mình, đêm đêm tôi đã gặp ác mộng. Tôi thấy mình như rơi từ trên đỉnh núi cao xuống một vực thẳm. Tôi ước gì được đứng giữa biển cả để hét lên cho bể cả lồng ngực. Tôi luôn tự nói với mình: "Thế là hết!"...
Ông Trần ngưng một lát, thở mạnh như để sống lại trong nỗi tuyệt vọng ấy. Còn Hà thì nghe như trái tim mình bị bóp chặt.
Và rồi đôi mắt ông Trần sáng lên, ông tiếp:


- Thế nhưng ngay lúc nói chuyện với nhà tôi, nhìn thấy những giọt nước mắt của bà, tôi có ý nghĩ: "Chưa hết đâu, mà mọi việc chỉ mới bắt đầu!". Cô Hà ơi, đúng thế, bắt đầu cho những người sẽ xa tôi. Họ sẽ sống không có tôi như thế nào" Và có nghĩa là... tôi cũng sẽ có một bắt đầu.

4
Cái bắt đầu của ông Trần xem ra khá bận rộn. Chuẩn bị cho những người sẽ xa ông, đâu đơn giản! Cách vài hôm ông lại ghé đến văn phòng của Hà trong vài phút nghỉ trưa để cùng chia xẻ với Hà về những việc " bắt đầu" của ông. Hà lắng nghe, và vô tình đã trở thành một "cố vấn" được ông tin cậy. Thật ra, Hà chưa từng tham dự vào những sự việc như thế. Nhưng bằng nhiệt tình và lòng chân thành, Hà đã đặt mình vào tâm trạng của người vợ và những người con của ông Trần để biết họ sẽ ra sao. Hà tìm đọc thêm những sách về tâm lý, về yoga, nhất là về y học để hiểu thêm về tình trạng của ông Trần. Và những công việc mà ông đang làm như thú vui của một người rỗi rảnh, bỗng giống như công trình của một nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Sau nhạc, ông Trần bắt đầu qua lãnh vực văn thơ. Ông đã đến các thư viện, tìm tòi và sắp xếp thành một thư mục truyện và thơ qua những thời kỳ. Ông sưu tầm và sơ lược tiểu sử của từng tác giả. Và rồi ông đã có một bộ sưu tập chuẩn bị đưa đi xuất bản.
Một ngày đẹp trời, ông Trần đi cùng với vợ đến để làm thủ tục hưởng medicare cho bà. Hà lại làm người phụ trách việc này như trước đây đã làm cho ông. Hà mời ông bà ngồi và tiến hành công việc. Khi đã xong, Hà hỏi:
- Thưa ông Trần, ông vẫn đang trị liệu phải không ạ"
Ông Trần gật đầu đáp:
- Vâng, tôi vẫn chữa thuốc. Tôi sắp dứt loạt trị liệu này, không biết có còn thời gian để tiếp tục nữa không...
Hà giật mình, nhưng không thấy sợ hãi vì giọng của ông Trần nghe rất vui, mà người vợ của ông thì cũng đang cười. Hà lấy làm ngạc nhiên, chưa biết nói gì thì bà Trần đã nắm lấy bàn tay ông Trần, nói:
- Ông nhà tôi lúc này hay nói tếu lắm thưa cô. Ông bảo tôi cùng tham gia một trò chơi với ông: trò chơi mua vé.
Hà thắc mắc:
- Mua vé gì thưa bà"
Bà Trần tủm tỉm cười:
- Mua vé đi chuyến tàu cuối đời. Ông nhà tôi bảo cuộc đời vốn không thể thay đổi được, tại sao mình lại u hoài" Ông bảo mỗi người chúng ta ai cũng có sẵn một tấm vé, hay nói khác đi là đã có mà cứ lờ đi không biết, hoặc không nghĩ đến. Tấm vé đó chỉ dùng có một lần, một lần thôi. Ai cũng phải có, chối bỏ nó cũng không được. Ông bảo tấm vé của ông đã có ghi ngày lên tàu: vì nhà thương phán ông còn sống sáu tháng. Còn tôi thì ông thương hại cho rằng tôi chưa được ghi ngày trên vé, nên chưa biết bao giờ được đi.
Không nén được, Hà bật cười. Ông Trần lắc tay vợ:
- Mình giành hết không cho anh nói ư" Này nhé, cô Hà coi có đúng vậy không" Cô cũng có vé, bà nhà tôi cũng có vé, tôi cũng có vé. Ai ai cũng như nhau. Ai cũng sẽ được đi về nơi đó. Nói theo nhà Phật thì nơi trần gian này là cõi tạm, sống gửi thác về. Nói theo đạo Chúa thì ta phải thoát khỏi tấm thân dơ dáy này để lên cõi vĩnh hằng. Nói một cách có vẻ khoa học hơn thì chết là một hình thức khác của sự sống. Ai cũng biết vậy nhưng nói đến ngày đi thì lại tỏ ra bi thương. Cái chuyến tàu cuối đời ấy, nó luôn luôn chờ chúng ta. Có người chưa kịp nghĩ rằng mình sẽ có vé, thì cái vé đã bay ập đến tay, bắt buộc phải lên tàu. Có người mua vé sẵn, chuẩn bị đủ mọi thứ mà cứ dây dưa chưa lên tàu được vì tàu chưa chịu đón. Có người đi chuyến tốc hành đột ngột, ra đi không kịp biết mình đi, thật khỏe thân xác. Có người dằn vặt đớn đau nhiều năm tháng trước lúc lên tàu. Thật là đủ hình đủ kiểu phải không cô Hà" Từ lúc tôi bày ra trò chơi xem vé ai hay hơn, tốt hơn, thì nhà tôi vui vẻ lắm. Chúng tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện hài hước, xem ra có lý hơn là ngồi đó âu lo. Bệnh thì vẫn trị, việc thì vẫn làm. Ngày nào phải đến gặp bác sĩ thì đến. Về nhà chịu khó vài ngày khó chịu. Rồi sau đó tôi vẫn như người không biết đến bệnh tật. Cũng không dễ đâu! Nhưng chúng tôi đều đang cố gắng.
Hai vợ chồng nhìn nhau mỉm cười. Hà thấy vui theo.
Ông Trần bỗng đổi giọng trầm xuống:
- Đáng nói nhất là người bạn đồng hành này của tôi, bao lâu nay cùng đi trên sân ga, nay bà biết chiếc vé của bà phải đi chuyến tàu sau, nên bà lo lắng bồn chồn hơn tôi nhiều. Tôi cứ phải an ủi bà mãi, phải chọc cười bà mãi. Bây giờ, cô Hà biết không, bà trở thành cộng sự đắc lực của tôi rồi đấy!
Ông Trần âu yếm nhìn vợ:
- Mai mốt có thẻ medicare rồi, đau ốm không phải lo, mình nhỉ!
Khi hai ông bà tạm biệt Hà để đi về, Hà đưa họ ra cửa. Hà giữ nụ cười trên môi cho đến khi họ đi khuất. Hà quay vào phòng, ngồi xuống ghế, nhìn quanh trên bàn như một thói quen. Ước mong mình đừng nhìn thấy một bì thư màu vàng bị bỏ quên. Chợt Hà nghe trên má mình một dòng lệ chảy.

5
Patrick Swayze đã ra đi. Nhân vật "Sam" của phim "Ghost" đã vĩnh biệt người vợ thân yêu để mãi mãi về cõi xa xăm. Sáng nay những người đồng nghiệp của Hà trong Sở Xã hội đã nhắc đến người diễn viên ấy bằng giọng thương tiếc. Patrick đã chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy tạng một thời gian và rồi anh đã phải dừng lại. Anh đã lên tàu!!!
Ông Trần đến chào từ giã Hà ngay hôm đó. Ông trao cho Hà một chiếc cặp, và nói:
- Tất cả những gì mà tôi sưu tầm và lưu giữ thành hệ thống, tôi đều chép vào các CD trong này. Xin cô giữ giùm như một "copy", tôi cũng sẽ gửi cho con trai tôi một bản để nó tùy nghi sau này. Tôi và nhà tôi sắp sang tiểu bang Florida để thăm con, có lẽ ở đó một thời gian. Bệnh viện ở đây cũng đã giới thiệu cho tôi chuyển sang đó trị liệu tiếp. Không có vấn đề gì rắc rối cả cô Hà ạ! Hy vọng tôi đủ khỏe để đi đây đi đó khi nào còn có thể.
- Thưa ông, sức khỏe của ông bây giờ ra sao ạ"
- Tôi khỏe. Trừ những khi vào thuốc, còn thì tôi thấy mình vẫn có thể làm việc nhẹ nhàng được. Chắc chưa đến nổi như Patrick đâu! Ông thở dài nhưng cô thấy đó, con người rất vô chừng, bệnh có thể trở lúc nào không hay. Tôi không muốn mình bị quá ràng buộc bởi câu "phán" của bệnh viện, nhưng cũng không thể dứt bỏ nó ra khỏi tâm trí. Một người từng nầy tuổi như tôi đây, biết rõ chiến đấu là gì. Có những lúc cái chết đến gần trong gang tấc, vẫn không lùi bước. Còn đối với bệnh tật, cũng là một trận chiến mặc dầu rất khác. Dù gì đi nữa, tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi xin hứa với cô như vậy.
- Ông phải giữ lời hứa đấy! Hà rưng rưng nói.
- Chắc chắn rồi!
Ông Trần không đến văn phòng Sở Xã hội nữa. Ông bà đã đi Florida. Thỉnh thoảng ông gọi điện thoại thăm Hà, đồng thời cũng để "báo cáo" về tình trạng sức khỏe của ông. Có lần, trong một bức email, ông viết:
"Cô Hà thân, thời gian này tôi và nhà tôi đang theo một lớp thiền. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian để ra biển. Gió lành đã giúp tôi thấy khỏe khoắn và yêu đời. Chúng tôi cũng tìm được một lớp dạy tiếng Việt cho học sinh, xin tham gia vào để phụ giúp cho ban quản trị và sưu tầm bài vở. Tôi cảm thấy cuộc sống quả là bận rộn hơn mình nghĩ và cũng thảnh thơi hơn mình nghĩ. Thật là mâu thuẫn phải không cô" Nhưng phải nói là nhờ có được cái "mốc thời gian" trước mặt mà tôi đã chiêm nghiệm được những điều đó.
Sắp tới đây, có thể trong một thời gian tôi không liên lạc với cô, bởi vì chúng tôi sẽ đến một miền núi thật xa xôi của tiểu bang Georgia. Xin cô yên tâm, tôi không tự mình làm phí sức của mình đâu! Vả lại, bệnh viện cũng đồng ý vì tôi đã qua một loạt trị liệu. Họ bảo tôi cứ thực hiện những gì mình thích. Thật ra, câu này hình như tất cả chúng ta đều có lần nghe nói đến, ở đâu đó, phải không cô Hà"
Dù sao đi nữa, tôi vẫn đang vui đón những gì đang đến với mình và cả những gì sẽ đến. Cuộc sống của chúng ta, cái giá trị không nằm ở độ dài của tháng ngày hiện diện trên mặt đất này, mà ở chất lượng chúng ta đã làm được cho mình và cho những người xung quanh. Không ai giống ai. Con người bình thường như chúng ta đây, có ý nghĩa đối với một người thân đã là quý lắm rồi. Một số người có tác động với xã hội, với quốc gia, dân tộc. Một số rất ít người nữa có tác động trên thế giới. Và hiếm hoi nữa, là những bậc thánh, những vị Phật, có ảnh hưởng cho cả thế gian. Chúng ta được trao làm cái gì, chúng ta ráng hoàn thành cái đó, đúng không cô Hà"...."
Và quả đúng như lời ông Trần báo trước, Hà không nhận được điện thoại, email hay thư của ông Trần. Hà hằng cầu mong cho ông bà sống được những ngày bên nhau trọn vẹn trong tĩnh lặng.
Công việc của Hà ngày ngày vẫn diễn ra đều đặn. Có một hôm, Hà làm hồ sơ cho một khách hàng là một phụ nữ ba mươi tuổi. Chị đang có thai và làm thủ tục xin medical cho cả mẹ và con khi chị sinh. Đôi mắt u buồn của chị khiến Hà thắc mắc và hỏi han. Chị bật khóc, cho biết rằng chị vừa xa rời đứa con đầu lòng, mới ba tuổi, qua đời vì một tai nạn. Chừng như cảm thấy người cán sự xã hội đang ngồi trước mặt mình có một vẻ gần gũi, nên khi Hà đưa hai bàn tay ra, chị đã nắm chặt lấy và khóc ngon lành. Hà cũng để cho nước mắt của mình rơi không cầm giữ được.
- Chị ơi, chị hãy khóc đi, khóc cho trút hết nỗi buồn! Nhưng chị nhớ giữ cho em bé trong lòng nữa. Đứa con đầu lòng của chị, chị tiếc thương bé vô vàn là đúng lắm. Nhưng rồi chị sẽ nghĩ rằng, bé là một thiên thần mà Thượng Đế cho xuống ở cùng với chị một thời gian. Bé có một sứ mạng đối với gia đình chị. Tuy thời gian đó ngắn ngủi đối với chúng ta nhưng bé phải ra đi để gánh vác một sứ mạng khác, ở một nơi khác. Nghĩ như vậy, chúng ta không thấy cái gì là chấm dứt, mà luôn luôn được bắt đầu...
Hà tưởng tượng em bé được trao cho một tấm vé khứ hồi, ngày đi ngày về đã ấn định trước. Và có lẽ em cũng biết rõ điều đó trong khi cha mẹ em không biết, bởi vì em là một thiên thần.

6
Một ngày cuối mùa xuân, Hà nhận được điện thoại của ông Trần báo tin ông đã về lại Cali. Và cũng thật trùng hợp, Hà được giao mở lại hồ sơ của ông bà Trần. Đến ngày gặp họ theo hẹn, Hà thấy ông bà có vẻ ốm đi nhiều, nhưng tỏ ra vui vẻ lắm. Tay bắt mặt mừng, sau đó ông Trần nói:
- Chúng tôi trở lại Cali, thật là có duyên khi được cô Hà mở lại hồ sơ.
Hà bật cười:
- Tôi tưởng ông bà không cần đến medical (4) nữa.
Bà Trần nói:
- Ồ! Chúng tôi đâu đã thành tiên, vẫn cần trợ cấp đấy cô ạ!
Ba người cùng cười. Hà giật mình khi nhớ lại cái ngày ông Trần bỏ quên chiếc bì thư màu vàng trên bàn của Hà, cái ngày ông đón nhận kết quả xét nghiệm bệnh. Hà run run nói:
- Thưa ông Trần, từ ngày đó đến nay....
Ông Trần cười vang, ngắt lời:
- Đã hơn sáu tháng lâu rồi, phải không cô" Đơn giản thôi, tôi vẫn cầm cái vé không rời. Cái vé có vẻ như đã được ghi ngày chính xác. Nhưng rất tiếc, chuyến tàu của tôi đã bị hoãn!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ghi chú
(1) medicare: trợ cấp y tế của liên bang
(2) medicaid: trợ cấp y tế của tiểu bang
(3)"chemo" : chemotherapy = hóa trị liệu
(4) medical: medicaid của tiểu bang California

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến