Hôm nay,  

“thằng Lính” Trở Về

06/11/200900:00:00(Xem: 142804)

“Thằng Lính” Trở Về

Tác giả: Yên Sơn
Bài số 2776-1628847- vb6110609

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng dạy võ, viết văn, làm việc với Hewlett Packard/ Houston... đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải Viết về nước  Mỹ 2004. Bài viết gần đây nhất là “Trả hết nợ nhà”. Bài mới là chuyện gia đình chào đón người con đi lính Mỹ trở về.

***

Khu Welcome Center là một doanh trại đặc biệt, nằm giữa lòng đại bản doanh của căn cứ bộ binh Fort Carson, thành phố Colorado Spring, dành làm nơi tiễn đưa binh lính lên đường đi các chiến trường xa cũng như chào đón họ trở về sau khi hoàn tất một "tour" nhiệm vụ.
Hai bên đường, từ khu khách sạn dẫn đến trung tâm, phủ đầy tuyết trắng xóa - Khu khách sạn gồm rất nhiều building giống hệt như những khu doanh trại của lính, tụ lại một nơi được quân đội tổ chức và quản lý nhưng không khác gì những khách sạn bề thế nổi tiếng của tư nhân bên ngoài. Chỉ khác biệt là họ không tính thuế và giá cả rất thấp cho những phòng ốc sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Khu khách sạn dành riêng cho thân nhân và gia đình tạm trú trong thời gian thăm viếng - Những khóm cây trụi lá trơ cành trông rất thơ, rất mộng đứng thi gan trong cái lạnh tái tê của mùa đông Colorado!
Từ tối qua đến nay tuyết ngưng rơi làm lũ nhỏ có vẻ thất vọng! Dù vậy, chúng nó cũng xin hắn dừng xe lại để được chạy nhảy một lúc trong những mặt phẳng phủ đầy tuyết trắng xóa. Dân Houston, dân Vùng Bay Area có khác, lúc nào cũng trông mong được nhìn ngắm và được đi trong tuyết rơi.
Không biết những gia đình khác đã đến "trung tâm chào đón" từ lúc nào, nhưng khi gia đình hắn tới nơi lúc 12:30 trưa đã thấy chật ních những người và người ở một bên khán đài, nơi dành riêng cho gia đình và thân nhân ngồi chờ đón. Căn phòng đợi rộng lớn như cầu trường của một đội bóng rỗ chuyên nghiệp đầy những tiếng nói cười và âm nhạc ồn ào như một trung tâm mua bán trong mùa lễ tết. Sự sốt ruột đã làm tiếng ồn ào tăng lên theo từng tiếng đồng hồ trôi qua!
Giờ G là giờ để người thân trong gia đình được mừng đón người thân yêu của họ trở về, đựơc ôm chặc trong vòng tay đứa con, hoặc chồng, vợ, cha, mẹ, hoặc anh, chị, em bằng xương bằng thịt sau hơn 500 ngày họ miệt mài trong tử sinh trên chiến trường Iraq. Giờ G là 1 giờ trưa, rồi 2 giờ, rồi 3 giờ... và bây giờ đã là 6 giờ chiều! Ban tổ chức liên tục trấn an mọi người là những người thân yêu của họ đã có mặt trên đất Hoa Kỳ, nhưng họ không hề nói đang ở đâu và tại sao. Có lẽ ai cũng đã quen thuộc với ngôn từ "bí mật quân sự" nên chỉ sốt ruột chờ đợi. Cứ mỗi lần người trong ban tổ chức lên máy vi âm thì tất cả mọi tiếng ồn ào im phăng phắc, hàng ngàn cặp mắt hướng về người phát ngôn với trái tim hân hoan để rồi thất vọng và sốt ruột tiếp tục đợi chờ.
Hắn suy nghĩ mông lung, hồi hộp một cách kỳ lạ, niềm lo âu vô hình cứ lẩn quất trong lòng. Hắn nghĩ tâm hồn hắn sẽ thật sự bình yên khi ôm được "thằng lính" bằng xương bằng thịt trong vòng tay siết chặc của mình. Hắn không biết đã uống hết bao nhiêu ly cà phê mà cả người thấy nhộn nhạo; giá có một cốc rượu mạnh mới có thể có được sự kiên nhẫn đợi chờ. Hắn lướt mắt khắp gian phòng cùng chia sẻ với những gương mặt âu lo, những ánh mắt đoài đoạn vì nhớ mong của những người vợ trẻ, của những cha mẹ anh chị em, và thương ơi là thương những trẻ thơ vẫn vô tư nô đùa chạy nhảy. Mấy tuần lễ trước hắn có một giấc mơ khủng khiếp làm bàng hoàng khi thức dậy mà không dám hở môi chia sẻ với bất cứ một ai!
Sự lo âu càng lúc càng tăng theo tỷ lệ nghịch với ngày N "thằng lính" trở về. Hắn cứ suy nghĩ vẩn vơ về những cái "huông" trong đời quân ngủ hắn đã từng nghe thấy, từng chứng kiến. Cứ năm ba ngày không liên lạc được với "thằng lính", cứ mỗi lần nghe tin tức bom tự sát nổ chỗ này, chỗ kia và quân nhân tử nạn trên chiến trường Iraq là hắn quýnh quíu! Trong tình trạng đó đã hình thành một ác mộng! Trong mơ, hắn đã như người điên loạn chạy nhảy qua những khu rừng tăm tối, rồi bay chơi vơi trong một khoảng không gian xám đục, rồi rơi xuống nhiều tầng địa ngục... sau khi nhận lá cờ Hoa Kỳ xếp gọn hình tam giác từ tay hai người lính Mỹ trong quân phục đại lễ kính cẩn trao cho hắn với câu nói gọn lỏn "we re so sorry" (chúng tôi rất lấy làm ân hận) rồi lặng lẽ quay gót!
Bỗng thời gian như ngưng lại, không gian như đặc quánh làm cho căn phòng càng rộng thênh thang, hàng ngàn con tim như ngừng đập và hàng ngàn cặp mắt đổ dồn vào phía cổng sau, nơi mà vị sĩ quan điều khiển "Chương Trình Chào Đón" cho biết là những đứa con yêu của đất nước này sắp xuất hiện trước những tấm lòng trời biển và niềm kiêu hãnh của hàng ngàn thân nhân đang ngóng đợi. Nếu không có hàng trăm chiếc xe đủ cỡ, đủ loại đậu trước sân của khu "Welcome Center"; nếu không vào bên trong building, người ta sẽ không thể biết là trong lòng building này đang chứa đựng mấy ngàn người già trẻ lớn bé! Hắn có cảm tưởng người ta sẽ giật mình nếu ai đó làm rơi chiếc kim may trong giây phút này.
Hàng ngàn tiếng hò reo không hẹn cùng cất lên òa vỡ khi ba cánh cửa lớn vừa được mở rộng cùng một lúc, bóng dáng của ba người lính dẫn đầu trong bộ đồ trận rằn ri màu cát sa mạc uy dũng bước vào! Người hắn tê điếng, hai mắt mở to hết cỡ dán chặc lên từng bóng dáng người lính xuất hiện. Bỗng chốc, mắt hắn như có màn sương mỏng làm nhạt nhòa hình ảnh của "thằng lính" cao nhòng vừa bước qua ngưỡng cửa.
"Thằng lính" người Việt Nam mà cao trội hơn ai hết trong hàng quân của một tiểu đoàn lính Mỹ. "Thằng lính" là người thứ ba, ở hàng đầu, nón bê-rê phủ sụp như đang ngó xuống những bước chân đều của hàng quân duyệt qua khán đài danh dự. Hắn dõi theo từng bước đi của "thằng lính" cho tới lúc vị sĩ quan điều khiển đoàn quân ra lệnh cho những bước quân hành dừng lại và quay phải hướng lên khán đài, nơi hàng ngàn thân nhân đang hò reo vỡ lỡ!
Nón bê rê của "thằng lính" vẫn phủ sụp che tầm mắt! Hắn lướt nhanh một dọc qua hàng quân, để ý dường như không có cặp mắt lính nào ngó lên khán đài trước mặt họ, nơi mà những ánh mắt thiết tha đang vui mừng chờ đợi họ. Dường như ai cũng cố gắng kềm hãm nỗi vui sướng, nỗi xúc động trong lòng!
Sau khi cử hành nghi lễ chào quốc kỳ một cách trang trọng và bài hát "lục quân hành khúc" chấm dứt, Thiếu Tướng chỉ huy trưởng của căn cứ ngỏ lời chào mừng quan khách và đoàn quân trở về bằng một bài nói ngắn gọn, đại lược như: "Kính thưa toàn thể quý vị, chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự chậm trễ của buổi lễ vì thời tiết quá xấu trên hành trình trở về của đoàn quân. Hân hoan chào mừng quý thân nhân có mặt trong buổi lễ hôm nay. Cám ơn sự kiên nhẫn và thông cảm của quý vị". Hân hoan chào mừng các bạn đã bình yên trở về; các bạn đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ rất cam go được giao phó, các bạn là niềm hãnh diện của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ. Chúng tôi thành tâm cám ơn sự hy sinh cao cả của các bạn và gia đình, đặc biệt các gia đình và các quân nhân bị thương vong trên chiến trường Iraq. Chúng tôi cũng kính cẩn nghiêng mình trước những vong linh của hơn ba ngàn binh sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến! Quân đội và nhân dân Hoa Kỳ quyết không để sự hy sinh cao cả đó bị phí phạm. Với tất cả những nổ lực và quyết tâm không ngừng nghỉ của quân đội và chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta có quyền hy vọng sự ổn định và sự tự do no ấm của nhân dân Iraq sẽ được tái tạo trong một ngày không xa. Việc làm của chúng ta ngoài mục đích nêu trên còn là việc cần làm để bảo vệ an ninh cho đất nước và nhân dân Hoa Kỳ nữa. Chúng ta không muốn có một 9/11 khác xảy ra! Một lần nữa, chúng tôi xin hân hoan chào mừng các bạn đã trở về bình yên, cầu chúc các bạn và gia đình có những ngày sum họp trong hạnh phúc tuyệt vời!"
Sau những dặn dò cần thiết của các cấp chỉ huy, đám lính được lệnh tan hàng. Mọi người đổ xô nhau ùa ra sàn tìm người thân yêu của mình. Hai đứa em và cô bạn gái của "thằng lính" cũng lập tức biến mất! Hắn cố giữ vẻ điềm đạm để cùng vợ bước về hướng "thằng lính" đứng lúc nãy. Những đứa bạn lính của nó, hoặc còn ở lại căn cứ, hoặc đã về trước, ôm chằm nhau cả lũ, rồi hai đứa em, rồi cô bạn gái của nó thay phiên nhau ôm cứng như không muốn rời.
Nhìn hoạt cảnh sum họp chung quanh với bao nhiêu tiếng cười, bao nhiêu dòng lệ ướt đẵm mắt môi, hắn liên tưởng tới đôi mắt đẵm lệ của Mẹ, những nghẹn ngào của Ba trong những lần hắn về phép năm xưa, niềm cảm xúc tuôn trào với bao nhớ thương và ân hận về những khiếm khuyết và chểnh mảng của hắn khi Ba hắn còn tại thế! Ba ơi! Con biết đã quá muộn màng để nói với Ba một lời xin lỗi. Vâng thưa Ba, lời Ba mượn câu cách ngôn để dạy dỗ con khi còn vừa tập tễnh vào đời,"nuôi con mới biết lòng Cha Mẹ", phải đợi chừng này tuổi con mới thật sự hiểu ra! Hắn cố kềm giữ không để rơi nước mắt trước đám đông và kiên nhẫn đợi tới phiên mình sau khi mẹ nó mừng mừng tủi tủi buông ra. Ôi hạnh phúc biết bao khi hắn ôm được thằng con yêu quý trong vòng tay của mình. Lòng hắn thật sự bình an và sung sướng đến muốn bật khóc! Bây giờ thì hắn biết chắc "thằng lính" của hắn đã mạnh khỏe trở về và cơn ác mộng không còn là một nỗi ám ảnh khôn khuây trong lòng hắn nữa.
Sau một khoảng thời gian mừng mừng tủi tủi khá lâu, tiểu đoàn được lệnh tan hàng để theo các cấp chỉ huy về doanh trại làm thủ tục nhận cư xá trước khi được đi phép 48 giờ. "Thằng lính" chỉ đường đến khu cứ xá độc thân cho hắn chạy theo. Nó nói làm thủ tục nhận phòng rất nhanh vì mọi chuyện đã được xếp đặt trước.
Khi đến nơi thì thấy "thằng lính" đang chuyển những dụng cụ cá nhân lên phòng. Hắn thấy chiếc ba lô kềnh càng của "thằng lính" vừa được "unload" từ một quân xa xuống cùng những vật dụng cá nhân của nó, hắn tính giúp mang lên phòng trên lầu hai, nhưng trời ơi nặng oằn cả lưng! Anh em "thằng lính" vội vàng khuyên ngăn để cho chúng nó mang lên. Thằng em cũng to con, cao lớn hơn Bố chứ có ốm yếu gì đâu, vậy mà nó vừa mang lên đã vội vàng để ngay xuống! "Thằng lính" cười rồi khoác lên lưng một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Nó nói là tất cả quân nhân đều phải mang như vậy trên lưng mỗi ngày ít nhất tám tiếng đồng hồ trở lên, chưa kể tới vũ khí đạn dược! Hắn nghe mà bái phục cho thể lực của một người lính Mỹ. Hắn tự hỏi với sức nặng đó làm sao có thể trèo đèo, băng rừng, vượt suối, xông trận nhanh chóng cho được"!
Ôi! Lính Mỹ có khác! Bao giờ cũng được trang bị tối đa! Hắn chạnh lòng nghĩ tới thân phận của những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa, đi vào những nơi hung hiểm mà chỉ trang bị với nhiều thiếu thốn kiệm ước! Ôi sao thuơng mến lẫn cảm phục vô vàn!


Gia đình hắn đã ở lại Fort Carson chơi với "thằng lính" đến hết 48 giờ phép của nó. Suốt ngày chỉ loanh quanh sáng trưa chiều tối đi thăm các nhà hàng quán xá khác nhau, hoặc kéo nhau đi thăm những gia đình bạn lính của nó ở ngoài thị trấn, hoặc lũ nhỏ chơi với nhau những trò chơi điện tử "thằng lính" có sẵn hoặc mua về từ khu mua sắm trong căn cứ (Post Exchange). Những ngày còn lại trời cũng chẳng chìu lòng lũ nhỏ vì tuyết trắng chẳng rơi và nắng vàng vẫn rực rỡ mỗi ngày; ban đêm lại vô cùng rét buốt. 48 giờ phép cũng ra đi vội vàng, gia đình bịn rịn chia tay "thằng lính" với cái hẹn hai tuần sau "thằng lính" sẽ được nghỉ phép 4 tuần lễ.
Về đến nhà mấy hôm, "thằng lính" gọi hỏi ý kiến của hắn:
- Ba cho con ý kiến là con nên làm sao. Con phải trả lời ngay cho cấp trên của con biết. Tháng 10 tới là kỳ hạn 5 năm của con, đúng ra là con sẽ hết "giao kèo", từ giã vũ khí về đi học lại với em con, nhưng thời gian từ bây giờ đến tháng 10 nhiều hơn 6 tháng dưỡng quân, có thể con sẽ bị điều động trở lại Iraq hoặc đi chiến trường Afganhistan. Trong bộ binh, mỗi khi chuyển quân đi chiến trường xa, thường là phải ít nhất một năm mới trở về. Khi trở về là con mãn hạn! Tuy nhiên, Ba còn nhớ 3 năm "option" trong giao kèo của con không" Quân đội cho con một chọn lựa! Nếu con "tình nguyện exercise" thì tháng Sáu tới con có thể chọn đi phục vụ bất cứ ở đâu, nước nào trong "tour" kế tiếp; nếu đợi đến khi quân đội cần, "quân đội exercise" thì con sẽ mất quyền chọn lựa!
Đầu óc hắn quay cuồng chớp nhóang vì đâu có nhiều thì giờ suy nghĩ, trong thoáng chốc hắn đã có câu trả lời:
- Well, dường như con không có chọn lựa nào tốt hơn là "tình nguyện exercise". Vì theo Ba hiểu rất có nhiều khả năng quân đội sẽ exercise để cover thời gian cho cái tour kế tiếp! Vì họ không thể cho con ra khỏi quân ngũ trước khi hoàn thành đợt chuyển quân, và họ không có lý do chính đáng giữ con lại trong quân đội nếu không exercise option triễn hạn. Hơn nữa, các cơ quan truyền thông đã và đang nói về sự khó khăn trong việc tuyển mộ tân binh của quân đội Mỹ; nghe nói Quân đội cho nhiều quyền lợi (incentives) cho những người tình nguyện sau này; chưa kể tới việc quân đội đã tốn kém khá nhiều để đào tạo một người lính chuyên ngành như con mà không nghĩ tới việc sử dụng tối đa tài nguyên của đất nước!
- Con cũng đã nghĩ như Ba nói!
Ngưng một chút, "thằng lính" nói tiếp:
- À ba! Nói về "incentive". Quân đội hứa cho con một số tiền thưởng nếu con "tình nguyện exercise". Con dự định cho các em một nửa, và đưa Ba Mẹ một nửa để sửa sang nhà cửa hoặc để Ba Mẹ chi dụng tùy nghi!
Hắn xúc động về tấm lòng hiếu để của "thằng lính". Chỉ cần nó biết nghĩ như vậy cũng quá đủ:
-Con cứ để dành tiền chi dụng, Ba Mẹ không cần tiền trong lúc này, chỉ cầu mong cho con luôn được bình yên và mạnh khỏe, vui vẻ là Ba Mẹ sung sướng rồi! Con cho tiền em con cũng được, cho nó để dành cho việc học nếu một lúc nào đó Ba Mẹ không còn lo được nữa!
- Ba nói với con là Ba đã quyết định sống tới 100 tuổi rồi mới tính sau mà!
- Ha ha! Dĩ nhiên là vậy rồi! Ba muốn nói tới một lúc nào đó... Ba Mẹ cần tiền để đi du lịch thì sẽ phải nhờ các con lo cho em thôi!
- Ukie dukie Ba, Hahaha! Nghe vậy được hơn (It sounds about right) Ba!

***

Hai tuần sau "thằng lính" về nghỉ phép một tháng.
Đời sống bình thản mỗi ngày của gia đình lại bị đảo lộn chung quanh sinh hoạt của con, tất bật với những niềm vui mở ngõ, và rộn rịp bạn bè. Hắn để ý thấy "thằng lính" của hắn đã thật sự trưởng thành; tâm tính có nhiều thay đổi; uống rượu và hút thuốc lá liên miên; cử chỉ, nói năng có vẻ từ tốn hơn nhưng lại rất nhạy cảm. Có một tối hai bố con ngồi tâm sự với nhau rất khuya, sau khi bạn bè nó đã ra về; khi những chai bia cuối cùng được hai bố con chia đều thanh toán. Giọng nó chùng xuống bùi ngùi nói về vài người bạn chiến đấu đã vĩnh viễn không thể trở về! Những người này, trong vài trường hợp khác nhau, đã ngã gục trong tầm mắt đau đớn của nó mà không ai có thể làm gì hơn trong những hoàn cảnh quá bất ngờ như vậy! Nó nói những lúc như vậy nó thực sự không còn biết ai là ai, chính nghĩa, tà nghĩa gì hết ráo, nó ao ước được nổi điên lên, muốn gầm thét, muốn tiết hận vì lòng thương xót bạn bè... vậy mà đành ngồi chết lặng nhìn bạn mình gục chết bằng đôi mắt mở toang ứa máu! Nó cũng nhắc đến những người bạn khác đã bị thương tật trong những cuộc hành quân tảo thanh hoặc để bảo an dân chúng. Nó cảm thấy nó quá may mắn được trở về với nguyên vẹn hình hài dù tinh thần nó vô cùng sa sút...  "Thằng lính" tỏ vẻ phiền muộn về chiến trường, nơi mà bạn và thù không rõ mặt; nơi mà giặc thù dùng tất cả những thủ đoạn dã man, hèn mạt kể cả việc sử dụng đàn bà con nít cho những tín điều ngu xuẩn; nơi mà mỗi người lính Mỹ luôn luôn ý thức rằng mình là những tấm bia di động từ những phút giây đầu tiên ra khỏi căn cứ!
Hắn chia sẻ với con những kinh nghiệm chiến trận bản thân, những đớn đau tương tự cho bạn bè hy sinh trong trận chiến, nhất là lần hắn đã phải nuốt lệ, vắt tim trút hết hỏa lực lên đầu của đơn vị anh mình khi căn cứ của anh bị giặc thù tràn ngập! Hắn vừa kể vừa thấy hiển hiện trước mắt qua màn lệ mỏng sự kiện đã gần 33 năm qua! Hắn cũng chia sẻ với con về những khó khăn tương tự cho những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam năm xưa. Hắn có nhắc tới vụ Mỹ Lai, nơi mà một đại đội lính Mỹ đã tàn sát cả một làng gần 400 nhân mạng, kể cả đàn bà con nít. "Thằng lính" nói rằng nó hiểu được cái động cơ của việc làm tàn ác đó, nhưng tàn sát từng đó người để trả thù là một hành động dã man, là những người lính vô kỷ luật, thiếu nhân tính, rất đáng trách phạt tối đa. Hắn công nhận điều nhận xét của "thằng lính" rất chí lý nhưng so với việc tàn sát hơn sáu ngàn thường dân vô tội ở Huế, trong dịp Tết Mậu Thân, của Việt Cộng, chưa kể những vụ giết người hàng loạt trong cùng thời điểm trên khắp miền nam Việt Nam, là cả một trời khác biệt! Một người lính Mỹ giết một người ngoại quốc trên chiến trường với tội danh không rõ đã là một hành động không thể tha thứ rồi, huống chi cùng đồng bào với nhau mà có thể lang sói đến độ thảm sát một tập thể khổng lồ như vậy chỉ để phục vụ cho những tham vọng điên cuồng của người Cộng Sản!
"Thằng lính" thật sự "shocked" khi biết chi tiết này. Nó bảo có loáng thoáng nghe qua nhưng không thể tưởng tượng cái độ dã man, tàn ác như vậy hiện hữu!
- Nếu có thì giờ con lên net truy tìm hồ sơ Mậu Thân Offensive, về chiến tranh Việt Nam của nhiều tác giả ngoại quốc thì con sẽ hiểu rõ tại sao hơn hai triệu người Việt phải đau lòng bỏ nước ra đi, tại sao chúng ta có mặt trên đất nước này. Ba vô cùng thông cảm tâm tư của con, những điều Ba nói cho con hôm nay là nói với một người trưởng thành, là một người có trách nhiệm và hiểu biết để con thấy rằng Ba và nhiều bạn bè, nhiều người Việt lưu vong đã và đang sống với những ẩn ức kinh mang như vậy suốt ba mươi mấy năm qua! Nhưng con ơi, đời sống vẫn phải tiếp tục đi tới vì trái đất vẫn quay và ngày mai mặt trời sẽ mọc, chúng ta không thể ngồi một chỗ để đau thương, để phẩn hận.
- Con cám ơn Ba đã cho con biết nên làm gì, nghĩ gì mà những người counselors con gặp qua không nói được!
Tự dưng hai bố con không hẹn mà cùng đưa tay đập đập lên vai nhau như an ủi, như thông cảm! Đêm lắng xuống thật sâu, thật yên tĩnh. Bố con "thằng lính" ôm chặc nhau để chia sẻ với nhau những đau thương mất mát trong đời...
Những ngày vui bao giờ cũng qua rất mau! Mới đó mà "thằng lính" đã tiêu xài hết bốn tuần phép một cách hào phóng. Trước ngày đi vài hôm, "thằng lính" được dì Châu, chị của mẹ nó, mời tham dự buổi tiệc mừng xuân của nhóm "Hi Neighbor" ở Kingwood Country Club. Nhóm hầu hết là các bà Mỹ trắng trung lưu trở lên, trong đó có vài người Á châu mà dì của nó là một hội viên năng động. Dì Châu được nhóm yêu cầu đứng ra tổ chức Tết theo truyền thống Á châu. Dì Châu muốn giới thiệu tập tục, văn hóa ngày Tết của người Việt nên đã mời nhóm sinh viên Việt Nam thuộc các trường Đại học Houston trình diễn những màn ca vũ nhạc và múa Lân rất đặc sắc. Các em sinh viên đã làm cả hội trường gần hai trăm người nhiệt liệt tán thưởng và tỏ lòng biết ơn bằng những bao lì xì màu đỏ thẵm và những tràng pháo tay không dứt.  Khi phần trình diễn chấm dứt, dì Châu lên sân khấu cám ơn Nhóm đã cho cơ hội giới thiệu văn hóa và tập tục ngày Tết của ngươi Việt Nam. Sau cùng, Dì đặc biệt giới thiệu người khách danh dự trong buổi tiệc là một công dân của Kingwood và là một "hero" vừa trở về từ chiến trường Iraq sau 15 tháng phục vụ. Đặc biệt người khách danh dự này lại là "cháu của tôi"! Giọng của Dì xúc động và cả hội trường đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng! "Thằng lính" bị bất ngờ nên có vẻ lúng túng, ngượng nghịu đứng lên, cúi đầu chào mọi người trong khi hắn cúi xuống xúc động tới ứa nước mắt!
Vài ngày sau khi "thằng lính" trở lại đơn vị, Mẹ của nó đã nhận một email ngắn gọn nhờ chuyển cho dì Châu để cám ơn dì Châu và nhờ dì chuyển đạt đến mọi người trong Nhóm:
"Con xin cám ơn dì Châu về tình thương yêu dì dành cho con, và cám ơn dì đã trang trọng giới thiệu con với Nhóm Hi Neighbor trong buổi tiệc Mừng Xuân ở Kingwood Country Club vừa qua. Con đã vô cùng ngạc nhiên để được giới thiệu và xúc động trước tấm chân tình của mọi người dành cho con hôm đó. Con nhờ dì chuyển lòng biết ơn của con đến mọi người. Chúng con, những người lính chiến, rất thường nghe sự tán dương và lời cám ơn của các cấp trên nhưng rất ít có dịp nghe từ những người mà chúng con thề phải bảo vệ
(We, as soldiers, often hear praise and thanks from our superiors, but not often enough from those whom we ve sworn to defend).
Thành thực mà nói, nghe những tràng pháo tay nồng nhiệt và nhìn thấy những nụ cười thân thiện làm cho con thấy vô cùng hãnh diện để phục vụ đất nước tuyệt vời của chúng ta (made me extremely proud to serve our wonderful country). Một lần nữa con xin chân thành cảm tạ"

*
Hôm nay đã hơn nửa tháng Hai rồi, và "thằng lính" cũng đã cho biết sẽ có mặt ở nhiệm sở mới, miền Nam nước Đại Hàn, vào đầu tháng Sáu! Hắn buông viết, thở ra một hơi dài, mỉm cười đứng dậy ra ngoài sân đốt cho mình một điếu thuốc lá. Hắn không còn hút nhiều thuốc lá như những năm xưa, chỉ lâu lâu mới cầm điếu thuốc trên tay để theo khói thuốc quay về khung trời xưa cũ tìm lại những kỷ niệm một đời người, để tưởng tiếc tuổi ấu thơ đã cất cánh bay xa! Bên ngoài hơi lạnh gây gây, trăng 18 đã nhô lên khỏi rừng thông, sáng rực rỡ soi rọi tấm lòng của một người cha với nhiều trăn trở. Hắn hút một hơi dài rồi thở khói thành vòng tròn quen thuộc nối đuôi nhau bay lên cao xa dần, xa dần...
Hắn dõi mắt theo làn khói mỏng về phía trời xa, nơi mà "thằng lính" có lẽ đang ngon giấc, phiêu bồng trong giấc mộng mơ về một nơi chốn chưa từng đặt chân qua!
Yên Sơn
Viết ở rừng Kingwood
Tháng Hai 2008 

Ý kiến bạn đọc
16/10/201723:03:39
Khách
"Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, cựu sĩ quan không quân VNCH".
He is only 11 years old in 1975????Some one needs correction on his age.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến