Hôm nay,  

Em, Khổ Qua Và Đường Mòn Oregon

02/11/200900:00:00(Xem: 153605)

Em, Khổ Qua và Đường Mòn Oregon

Tác giả: Hoàng Thy
Bài số 2773-1628844- vb2110209

Hoàng Thi, 19 tuổi,  là tác giả trẻ tuổi nhất đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết “Mẹ, Khổ Qua và Đường Mòn Oregan.” Bài viết đặc biệt này cho thấy hiểu biết và ý chí của lớp con cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của những cựu tù nhân chính trị, khi quyết tâm hội nhập dòng sống của nước Mỹ. Sinh năm 1990,  Hoàng Thy vừa cùng bố mẹ và em trai định cư tại Mỹ năm 2007, theo diện gia đình đoàn tụ do ông ngoại là HO bảo lãnh và đang học lớp 12 tại Portland, Oregon. Sau chuyện về Mẹ, bài thứ hai của cô viết về em trai, vẫn với cách viết và bố cục quanh ý nghĩa bài học “Khổ Qua và Đường Mòn Oregan.”

***
 
Lúc còn ở Việt Nam em trai tôi ghét nhất là khổ qua. Mỗi lần em bị tiêu chảy là mẹ bắt em ăn khổ qua. Em than thở:
- Khổ qua là khổ quá. Khổ quá mà cứ phải ăn khổ qua.
Mẹ nói:
- Khổ qua tuy đắng mà rất lành, có công dụng trị tiêu chảy rất hay, trị tận gốc chứ không phải như thuốc tây ngon ngọt, uống vào là cầm ngay, nhưng chỉ chữa ngọn thôi mà mầm bệnh vẫn còn đó.
Em không tin mấy vào lời mẹ nói nhưng có lẽ vì thế em ít dám ăn tầm bậy để khỏi bị khổ quá.
Em thích nhất là nghe nhạc, chơi games vi tính, xem phim. Nói chung, bạn bè thích cái gì em cũng thích cái đó. Em khoái nhất nghe các bài do ca sỹ Mỹ Tâm thần tượng của em hát. Nhiều khi tiết trời oi bức mà phải nghe cái giọng vịt đực của con trai đang vỡ tiếng rống lên:
Tình yêu đến em không mong đợi gì
Tình yêu đi em không hề nuối tiếc...
(Hát Với Dòng Sông. Quốc An)
Mọi người trong nhà còn cảm thấy nóng hơn. Mẹ hét:
- Thằng ranh con, mới bây tuổi đầu mà học ở đâu ba cái câu lăng nhăng như thế"
Em không hiểu tại sao mẹ hay chê bai.
- Sao mẹ nhà quê quá. Ở trường đứa nào chẳng hát bài này câu đó. Radio hát suốt ngày, TV hát suốt đêm.
Con trai đang lớn đứa nào cũng nói năng ngang phè, đối đáp cộc lốc.
Ban trưa đi học về chưa kịp thay quần áo em đã nhào vào computer bấm lia bấm lịa Võ Lâm Truyền Kỳ. Em không còn là một đứa con nít ăn chưa no lo chưa tới nhưng đã biến thành chàng hiệp sỹ tuấn kiệt trên đường tầm sư học đạo, luôn tung ra các tuyệt chiêu để cứu đời cứu người, đặc biệt là các mỹ nhân đang bị bọn gian tặc hãm hại.
Chơi một lát em lại chuyển qua Half-Life để vào vai anh hùng Freeman. Em chạy tới chạy lui khắp chốn trên các tầng lầu, ngoài sân, dưới hầm sâu, khi bắn súng dài, khi xài súng ngắn, lúc ném lựu đạn, rồi rút dao găm đâm vỡ tim một tên xâm lăng. Em reo lên khoái trá khi hạ sát một tên Xen, máu nó bay lên tung tóe.
Đói bụng quá em mới chịu ăn cơm. Rồi xem đi xem lại phim Harry Porter Và Mệnh Lệnh Phượng Hoàng. Vừa coi em vừa cầm t cái đũa ăn cơm múa tới múa lui. Trong trí tưởng tượng rất phong phú của em, đũa thần chỉ tới đâu thì lập tức con chó biến thành con ngựa, con gấu bông biến thành con rồng đang phun lửa, cái máy bay giấy bỗng hóa thân thành con chim bồ câu tung cánh trên bầu trời xanh. Em cầm cái chổi quét nhà dơ dáy kẹp vào giữa 2 chân, vừa chạy vừa rú lên u hú hu hu như chó sủa. Em nhảy lên ghế lên bàn lên giường khoái chí. Cái chổi phù thủy đưa em lên vũ trụ bao la, em đang bay giữa các vì sao.
Rồi em mở thùng đồ chơi ra. Cơ man nào là máy bay hỏa tiễn phi thuyền bằng nhựa: F-100C Super Sabre Thần Kiếm Siêu Tốc, F-4E Phantom Bóng Ma Kinh Hoàng, F-16A Fighting Falcon Thần Điêu Ác Chiến. Em hóa thân thành phi công siêu đẳng Tom Cruise đẹp trai hào hoa phong nhã trong phim Top Gun, Vũ Khí Tối Thượng. Cô giáo xinh đẹp Kelly McGillis dạy bay ở Học Viện Hải Quân cũng mê em. Em đang bay một phi vụ tối mật trên chín tầng mây để duy trì hòa bình thế giới. Em mê lái máy bay lắm.
Bộ sưu tập đồ chơi của em có đủ súng dài, súng ngắn, súng bắn nước, súng bắn đạn mủ, súng bắn ra cái que trên đầu có cục cao su tròn có thể hít dính vào các vật trơn phẳng, súng điện tử bóp cò thì đạn nổ ì xèo đèn mầu chớp lia lịa. Em chui xuống gầm bàn gầm giường núp bắn, miệng kêu to "pằng chéo, pằng chéo". Súng nhỏ thì em kêu nhỏ, súng to thì em phải kêu lớn. Quân địch chết như sung rụng trước họng súng thiện sạ bách phát bách trúng của em.
Em thích nhất là Lightsaber - Thần Kiếm Ánh Sáng có thể nung chảy sắt thép được các Jedi sử dụng trong Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao. Em đứng nghiêm trang đọc thuộc lòng câu mở đầu của bộ phim Star Wars "Từ xưa, xưa lắm rồi, tại một dải ngân hà xa, rất xa..." Rồi em trịnh trọng rút Thần Kiếm ra, ban đầu nó chỉ dài độ một gang tay, nhưng sau khi ngón tay cái của em ấn vào một nút, từ trong ruột của nó xổ ra 5 ống tròn, ống nọ tiếp nối ống kia, ống lớn ở dưới ống nhỏ ở trên. Bây giờ em là Hiệp Sỹ Anakin bay lên bay xuống múa tít kiếm để chắn đạn của đối phương đang bắn xối xả như mưa để hộ tống Nữ Hoàng Amidala chạy trốn bọn Sith.
Tối đến em còn thức khuya xem bộ phim truyền hình "Truyện Tình Ở Harvard". Em nhập thân vào anh chàng đẹp trai Kim Hyun Woo đến trường đại học danh tiếng nhất thế giới học Luật để mai này trở thành một chính trị gia xuất sắc cứu nhân độ thế. Tài hùng biện của em tại tòa án làm mọi người khiếp sợ. Em được mỹ nhân Lee Soo In đang học y khoa tại đây thầm yêu trộm nhớ.
Đó là thế giới tuyệt đẹp của em và tôi cũng thành tâm mong rằng cuộc đời em và của mọi trẻ em khác trên đời cũng tuyệt vời như thế.
Nhưng mẹ tôi không nghĩ như vậy. Mẹ nói:
- Trẻ em ngày nay có diễm phúc được thừa hưởng các thành tựu khoa học kỹ thuật của các thiên tài làm ra các máy tính, các softwares giải trí vô cùng hấp dẫn, các bộ phim cực hay. Nhưng đó chỉ để giải trí trong chốc lát thôi. Hạnh phúc dễ dãi trong thế giới ảo cũng chỉ là hạnh phúc ảo. Con người còn phải sống trong cuộc đời thật, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có hạnh phúc thật.
Một ngày kia khi đi học về em ngỡ ngàng vì computer đã bị gài password, em mở mãi không được. Mẹ bảo:
- Hôm nay mẹ cho con đi ra ngoài chơi.
Em đinh ninh như mọi khi em sẽ được ra một khu giải trí hiện đại và ngồi vào một phòng lái phi thuyền. Trước mặt em là một màn hình mầu cực đẹp. Rất nhiều phi thuyền của bọn người ngoài hành tinh đang hung hãn tấn công em nhưng chúng đều bị bắn tan tác.
Trái với mong đợi của em, mẹ dẫn em ra hồ bơi Yết Kiêu giao cho thầy Bẩy.
- Mẹ đã đóng 300 ngàn cho con học 1 khóa bơi 10 buổi. Hết 1 khóa mà con chưa biết bơi thì học thêm 1 khóa nữa. Học cho đến khi nào biết bơi thì thôi.
Em vùng vằng:
- Thế mà mẹ nói cho con đi chơi.
- Học bơi cũng là đi chơi nhưng là trong đời thật chứ không phải trong màn hình vi tính. Đã chơi giỏi trong thế giới ảo thì cũng cần phải chơi giỏi trong đời thật.
Em òa lên khóc vì em sợ nước lắm. Em ôm chặt lấy chân mẹ.
- Thằng ranh này sợ nước như thế thì làm sao mai này lái máy bay được.
Sợ nước thì có liên quan gì đến lái máy bay. Phi cơ bay tuốt ở trên chín tầng mây còn phi thuyền bay trong vũ trụ vô biên có phải là tầu thủy đâu. Mẹ giải thích:
- Máy bay có khi bị rớt, chú phi công phải nhảy dù xuống biển, phải biết bơi để mà sống sót.
Em ngớ người ra. Em cứ yên trí lớn rằng dù em có bắn rớt hàng trăm máy bay quân địch thì máy em của em vẫn không bị hề hấn gì.
Lớp học bơi có 20 em. Thời gian đầu thầy Bẩy cứ bắt các em chạy vòng vòng quanh hồ, một vòng 150 mét. Em không chạy nổi hết 1 vòng. Mới chạy lịch bịch như con vịt bầu được nửa vòng em đã thở phì phì, mặt mũi trắng bệt không còn hột máu nào. Em ngồi phệt xuống đất há hốc miệng thở phì phèo ra khói, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, nước mắt nước mũi nước miếng dề dãi.
Thầy Bẩy nhắc nhở:
- Cố lên cố lên cố lên nữa. Các bạn của con đã chạy hết 1 vòng rồi mà con chưa được nửa vòng sao"
Mẹ chọc quê em:
- Chơi Half-Life hay Võ Lâm Truyền Kỳ thì chạy suốt ngày, bay lên bay xuống khắp nơi khắp chốn không mệt. Ra đây chạy có 3 phút mà không nổi.
Nhiều phụ huynh tỏ vẻ bất mãn:
- Tụi tôi cho con đi học bơi chứ có học chạy đâu. Ở nhà cũng chạy được khỏi phải mất công đến đây cho tốn tiền.
Thầy Bẩy giải thích:
- Không riêng gì môn bơi mà tất cả mọi môn thể thao đều đòi hỏi có sức khỏe tốt, thể lực bền bỉ. Cho các em xuống nước ngay mà không chuẩn bị thể lực thật tốt thì rất nguy hiểm, khi bơi các em có thể bị ngất đi.
Một bà nhất định đòi lại học phí.
- Mấy đứa con nít trong xóm tôi chẳng cần đi học, nhảy xuống sông cũng biết bơi.
Thầy Bẩy trở nên trầm buồn.
- Năm ngoái có 1 em bỏ học giữa chừng để ra sông bơi, ba ngày sau mới nổi lên.
Em tập mãi đến buổi thứ 4 mới ì a ì ạch chạy hết được một vòng nhưng luôn về sau cùng.
Hết màn tập chạy lại đến màn tập khô trên bờ. Các em đứng trên bờ, hai bàn tay chắp lại đưa đều ra phía trước rồi quạt về phía sau cho tới khi chạm hông. Động tác quá đơn giản này ai cũng làm được nhưng cứ phải tập đi tập lại phát chán.
Rồi lại phải tập thở trên cạn.
- Khi bơi điều quan trọng nhất là thở cho đúng cách. Con người có thể nhịn ăn 2 tuần, nhịn khát 2 ngày mà chưa sao nhưng nhịn thở 2 phút là có sao đấy. Khi đã xuống nước không thể thở bình thường được. Học bơi, nói nôm na là học cách ngoi đầu lên trên mặt nước để thở. Ở dưới nước không thể hít vào nhưng vẫn có thể thở ra được. Nếu thở ra bằng miệng thì phản xạ tự nhiên của mũi là hít vào, sẽ bị sặc nước. Dưới nước phải ngậm miệng thật chặt, thở ra mạnh bằng mũi, nín hơi lại, hai tay quạt mạnh ra sau để đầu ngoi lên, miệng há ra, áp lực không khí trong phổi đã xuống thấp, không khí sẽ ùa lại vào phổi.
Nói dễ làm khó. Khi tập dưới nước em nào cũng bị sặc nước ho sù sụ. Hai tay các em vịn vào thành hồ, đầu ngửa lên, miệng mở to, rồi ngậm lại chúi đầu xuống nước, thở mạnh ra bằng mũi, rồi lại ngoi lên. Thầy yêu cầu các em phải hít thở liên tục 50 lần như thế.
Mãi đến buổi học thứ 6 thầy Bẩy mới cho các em tập bơi thật. Thầy dạy cho từng em bơi. Hai tay thầy nắm hai tay mỗi em để chỉ cho cách quạt nước, rồi lại nắm 2 chân chỉ cách đạp nước:
- Quạt tay từ trước ra sau như thế này. Ngoi đầu lên hít vào bằng miệng. Chúc đầu xuống. Nghỉ. Thở ra bằng mũi. Co hai chân lại đạp mạnh ra sau. Nghỉ. Quạt tay. Ngoi đầu lên hít vào....
Nhiều em rất thông minh lanh lợi học chưa hết một khóa đã bơi giỏi. Em tôi phải sang khóa thứ hai mới biết bơi tàm tạm. Thầy Bẩy không yên tâm về em. Mỗi khi em bơi ra chỗ sâu là thầy luôn bơi bên cạnh để canh chừng. Thầy dặn dò:
- Con chỉ mới biết bơi tàm tạm trong cái hồ nhỏ xíu có nhiều người canh chừng. Phải tập luyện thêm nhiều mới đủ sức bơi một thân một mình ngoài sông ngoài biển giữa muôn trùng sóng to gió lớn.
Từ đó chiều chiều mẹ dẫn em đi bơi đều đặn. Em ăn ngon ngủ ngon hơn. Trong giấc ngủ không còn ú a ú ớ những từ ngữ hãi hùng: bắn đi,  giết đi, hạ thủ nó, ra tuyệt chiêu...
Nhưng mẹ vẫn chưa cho em password để quay về thế giới Half-Life và Võ Lâm Truyền Kỳ. Em cằn nhằn:
- Mấy đứa bạn con đã lên chức đại tá, đại tướng, đại cao thủ game mà con vẫn còn là thiếu úy. Tụi nó còn nói con chỉ đáng làm binh nhì xách dép cho tụi nó thôi.
Mẹ vẫn thản nhiên:
- Thà làm một binh nhì quèn trong đời thường còn hay hơn làm đại tướng trong đời ảo. Mấy ông đại tướng đó, ông nào ông nấy đều mập thù lù, đeo kính cận dầy cộm, lỡ có bị bọn mọi ăn thịt người đuổi, chạy không nổi lại phải nhờ ông binh nhì cõng. Ông binh nhì ốm cà tong cà teo cõng không nổi ông đại tướng mập như heo bèn vất xuống đất để chạy thoát thân. Ông đại tướng bị mọi bắt về làm thịt. Ông kêu lên ới ới: Thả tôi ra, tôi chỉ là binh nhì thôi. Thằng đang chạy kia kìa mới là đại tướng. Mà bọn mọi đâu cần biết thằng nào là đại tướng, thằng nào là binh nhì. Thằng nào chạy không kịp thì thằng đó bị chúng ăn thịt tuốt luốt.
Em chẳng hiểu tại sao mọi người lại cười ồ lên.
- Ủa, mọi ăn thịt người là có thật sao"
Một ngày kia mẹ ra mấy tiệm bán đàn ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Đi tới đi lui cả buổi so kè trả giá mãi mới mua được một cây đàn guitar với giá 200 ngàn. Mẹ mang về gẩy từng tứng tưng và vặn vặn mấy cái nút lên dây. Mẹ vừa hát vừa tự đệm:
Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ...
(Dư Âm. Nguyễn Văn Tý)
Em giật mình vì tài ca hát dở ẹc của mẹ. Em cũng buột miệng hát một ca khúc phổ biến mà bạn em đứa nào cũng hát:
Đời sinh viên có cây đàn guitar
Nhờ guitar mới quen nàng mời ca...
(Cây Đàn Sinh Viên. Quốc An)
Mẹ nói:
- Ai cũng có thể có một cây đàn dễ dàng. Nhà giàu có thể mua một lúc 10 cây đàn. Nhưng biết chơi đàn mới là khó. Có đàn mà không biết chơi thì có được các nàng làm quen để nhờ đệm đàn cho các nàng hát không" Trong đời thật không có cái gì dễ dàng đâu. Học bơi một tháng có thể bơi được. Học đàn một năm mới biết sơ sơ làm sao mà đệm đàn được cho các nàng mười tám.
Mặc cho em phản đối kịch liệt mẹ lại dẫn em đi học đàn. Mẹ nói:
- Cứ đi học về là chơi game và xem phim. Ngồi mãi một chỗ cơ thể ít vận động, rồi lại ăn cho lắm vào thì sẽ cận lòi mắt ra và mập ú như con heo. Sống nhiều trong thế giới ảo sẽ ra vời thực tế. Đời thật có nhiều cái hay cái đẹp hơn tại sao ta không biết thưởng thức.
Em không có tí năng khiếu âm nhạc nào nên 3 thầy từ chối không chịu dạy. Mẹ phải dẫn em đến một thầy giáo già ở tuốt trong một hẻm sâu. Dạy cho em được 3 buổi thì thầy phàn nàn:
- Thằng này ngồi học mà hồn vía ở đâu đâu, ôm đàn mà làm như ôm súng, thấy con chim bay qua cũng đưa đàn lên ngắm bắn, còn kêu lên "pằng chéo, pằng chéo".


Mẹ năn nỉ mãi thầy mới chịu dạy tiếp. Em học về 7 nốt nhạc, nốt trắng, nốt đen, nốt móc đơn, móc đôi, khuông nhạc, khóa Son, khóa Fa, dấu thăng, dấu giáng... Em luôn than khó và đòi bỏ học. Các ngón tay của bàn tay trái rướm máu vì cứ phải gắng sức bấm mạnh trên các phím đàn. Em chẳng hiểu học như vậy có ích lợi gì không:
- Từ ngày mẹ bắt con đi học bơi và học đàn, điểm ở trường con bị xuống thấp. Mấy đứa bạn tới nhà cô giáo học thêm được điểm 10 mà con chỉ được điểm 5 không à.
Mẹ nói:
- Học thêm mà được điểm 10 chưa chắc là giỏi vì nhiều khi được cô giáo cho biết đề thi. Điểm 5 mà tự làm lấy thì còn quý hơn. Trong đời thật đâu phải lúc nào cũng có cô giáo dạy thêm cho đâu. Con đi bơi thường xuyên thì sức khỏe được cải thiện rất nhiều. Tinh thần nhờ thế mà được sáng suốt thêm. Các nhà khoa học đã chứng minh người nghe các loại nhạc, nhất là nhạc cổ điển sẽ gia tăng sự tập trung, sáng tạo hơn, giảm stress, tăng chỉ số thông minh IQ, cơ thể mau hồi phục sau khi bệnh, đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi ở các môn khác, cả hai bán cầu não trái và não phải được vận hành tối đa khi học tập. Học nhạc thì khả năng cảm thụ âm nhạc của con được gia tăng gấp bội vì con có khả năng đánh giá và thấu hiểu âm nhạc hơn.
Em học 2 tháng mới bắt đầu biết đàn bài Kìa Con Bướm Vàng. Em tự hào lắm vì đã biết cách cầm phím gẩy đàn, biết lấy chân đập nhịp. Em học cái gì cũng chậm, luôn bị thầy cằn nhằn.
Ngày kia cả nhà phải giật mình vì khi đang nghe một bài hát em bỗng buột miệng:
- Chỗ này cô ca sỹ hát sai nhịp rồi.
Mẹ mừng lắm:
- Có học thì dù có dở đến đâu đi nữa vẫn tốt hơn là không học.
Thỉnh thoảng mẹ cũng mở computer cho em về thăm lại các anh hùng hào kiệt của thế giới Half-Life hay Võ Lâm Truyền Kỳ. Nhưng em không còn mấy hào hứng như trước. Em đã biết nhận định:
- Xạo quá! Đâu có ai chạy hoài như thế mà không mệt.
- Con người đâu phải là chim mà bay được lên cây.
- Mình chưa bắn nó chết thì nó đã bắn mình chết trước.
Bạn bè tẩy chay em.
- Thằng này lạc hậu quá rồi. Người ta đã chơi đến phần III của Võ Lâm Truyền Kỳ và Half-Life rồi mà nó còn chưa chơi xong phần I. Không thèm cho nó làm binh nhì xách dép cho tụi mình nữa.
Em chỉ biết bơi sơ sơ, đánh đàn tàm tạm nhưng em đã ý thức trong cuộc đời thật cái gì cũng phải khó khăn lắm mới đạt được. Em không tin anh chàng đẹp trai Kim Hyun Woo sau một chuyến bay hai mươi mấy tiếng từ Seoul đến Boston là có thể nói được tiếng Anh lưu loát như thế. Em tự đứng trước gương đọc thật to các bài học Anh Ngữ. Vậy mà hôm đi phỏng vấn em không hiểu người ta hỏi cái gì. Cô phiên dịch giải thích:
- Ông ấy hỏi con có thích đi định cư ở Hoa Kỳ không"
Em trả lời là có. Ông ấy hỏi tại sao. Em đáp là vì em thấy ở trong phim trẻ em bên Hoa Kỳ được đi chơi nhiều.

*
Trên chuyến bay sang Hoa Kỳ em ngồi cạnh một cô bé trạc tuổi em. Cô rất hãnh diện vì có gametoy Nintendo đời mới nhất với thật nhiều trò chơi hấp dẫn. Cô bấm lia bấm lịa mà không thèm để ý gì đến mọi người chung quanh. Em lân la làm quen để hy vọng sẽ được chơi ké. Nhưng cô ngồi tránh qua một bên, còn lườm em một cái. Máy bay chưa đến Đài Loan thì cô bé đã ói ra mật xanh mật vàng, mặt tím tái không còn hột máu nào nhưng hai tay cô vẫn giữ chặt lấy gametoy ra chiều sợ bị em giật mất.
Ở dưới đất mỗi khi nhìn lên bầu trời em thấy mây cao ngất tưởng chừng không bao giờ tay em với tới nơi. Nhưng khi phi cơ đang bay thì một biển mây trắng xóa trùng trùng điệp điệp lại ở tuốt phía dưới, sâu thăm thẳm tưởng chừng như không bao giờ tay em chạm xuống được. Em khâm phục các bác chế tạo ra máy bay, các chú phi công đã hoán đổi ngược lại vị trí của con người và của mây tài tình như thế. Tiếng tích tích từ gametoy của cô bé ngồi bên vẫn phát ra liên tục. Thỉnh thoảng cô reo lên mừng rỡ vì đã chém bay đầu được một con yêu tinh. Em chợt thấy cái thế giới ảo đó quá nhỏ nhoi tù túng.
Tại phi trường Los Angeles em gặp nhiều sắc dân nói nhiều ngôn ngữ. Thế giới thật bao la, bao giờ mới đi hết, bao giờ học cho đủ.
Mỗi buổi sáng em khi em thức dậy thì bố mẹ đã đi làm hay đi học từ lâu. Dù nắng dù mưa dù tuyết sa gió lớn em vẫn phải đi bộ một mình qua 5 blocks mới đến được trạm xe bus. Em sợ hãi khi đi qua một khu âm u không có một bóng người, chỉ có những cây thông cao ngất ngưởng rì rào trong gió. Thầy Bẩy đã nói rằng có ngày em sẽ phải bơi một bình ngoài sông ngoài biển giữa sóng to gió lớn. Hình như có tiếng của những con yêu tinh sống trên những cây đó khiêu khích:
- Đi học làm chi cho vất vả vô ích. Có giỏi thì vào game đấu phép với tụi tao cho vui.
Tại trường em được ăn sáng, ăn trưa, có khi còn được ăn xế mà không phải trả tiền. Thầy cô giáo nói gì em cũng chỉ hiểu lơ tơ mơ nên họ xếp em vào lớp ESL. Em học chung với các bạn Việt Nam, Mễ, Nga, Tầu, Ấn Độ, Somalia... Thế giới bỗng trở nên một nhà. Em ngỡ ngàng khi thấy có đứa đi học mà chẳng mang theo sách vở gì cả, trong túi chỉ có một cái gametoy.
Em được dẫn vào một kho nhạc cụ với rất nhiều đàn, sáo, kèn, trống. Thầy Garrette cho biết em thích chơi cái gì thì cứ mang về nhà mà tập. Em cầm lên 1 cái đàn violin vì thấy nó cũng na ná giống như đàn guitar mà lại nhỏ gọn. Thầy kinh ngạc vì em có thể đọc vanh vách các nốt đồ, rê, mi, fa, sol, la, si... Dần dà em mới làm quen được cách gọi tên của các nốt nhạc ở Mỹ là C, D, E, F, G, A, B.
Có đứa bạn bĩu môi:
- Chơi cái đàn kéo đám ma đó làm gì, chẳng có ích lợi gì. Chơi game với tao có phải vui hơn không, lớn lên vẫn làm được bác sỹ kỹ sư có nhiều tiền.
Em được gia nhập nhóm Orchestra sau nhiều tháng miệt mài tập luyện. Em biết rằng trong đời thật thì chẳng có gì là dễ dàng cả. Nhà trường thường cho ban nhạc đi đây đó, có khi đến các thành phố ở xa.
Vào giờ thể dục em gắng sức chạy lẹt đẹt được 1 vòng sân. Một vòng là 1 mile tức là 1.6 cây số, dài gấp 10 lần vòng hồ bơi tại Việt Nam. Em tự nhủ lúc trước em đã chạy được một vòng bé thì bây giờ em cũng phải chạy được một vòng lớn. Cô Meagan dạy thể thao kể rằng hồi bé cô thường bị ốm đau, bố mẹ cô cứ nghĩ cô sẽ chết yểu. Nhờ chuyên cần tập luyện thể thao mà bây giờ cô rất mạnh khỏe, có thân hình đẹp như người mẫu.
Cô Kathy cho em mượn The Stout-Hearted Seven: Orphaned on the Oregon Trail / Bẩy Trái Tim Dũng Cảm Mồ Côi Trên Đường Mòn Oregon của Neta Lohnes Frazier. Em mang về đọc đi đọc lại và phải tra tự điển nhiều lần mới hiểu để viết bài tóm lược nội dung.
Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật về gia đình Sager. Họ gồm 2 vợ chồng và 6 người con: John 13 tuổi, Francisco 12, Catherine 9, Elizabeth 7, Matilda 5, Hannah 3. Từ Virginia họ đã lần lượt đến sống tại Ohio, Indiana, và Missouri. Đầu năm 1844 họ bắt đầu hành trình dài 3,200 cây số trên con đường gian khổ Oregon. Trên đường đi bà mẹ sinh thêm đứa con thứ 7. Tại Fort Laramie, Catherine bị té xe và bị bánh xe bò cán lên gẫy chân. Cỗ xe bò lắc lư của họ phải trở thành xe cứu thương bất đắc dĩ dành cho 1 sản phụ, 1 em bé mới sanh và một cô bé bị gẫy chân.
Khi đến South Pass, sắp sửa vào Rocky Mountains, ông Henry Sager, cột trụ chính của gia đình ngã bệnh nặng và qua đời. Ông được chôn cất cạnh 1 dòng suối. Sau đó mộ ông bị người Da Đỏ đào bới lên để tìm của. Bà Sager vẫn chưa bình phục hoàn toàn sau khi sinh con, nay phải chịu thêm tang chồng và một mình cáng đáng 7 đứa con thơ. Khi dừng chân tại Snake River bà hoàn toàn kiệt sức rồi cũng theo chân chồng về bên kia thế giới. 7 đứa trẻ trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Vào cuối tháng 10 năm 1844 đoàn lữ hành bơ phờ hốc hác đã đến Waiilatpu ở bang Washington. Các em được gia đình Whitmans nhận nuôi dưỡng. Nhưng chỉ 3 năm sau, khu định cư đó bị những người thổ dân Da Đỏ tấn công. Họ giết chết cả 2 bố mẹ nuôi là ông bà Whitmans và 2 người anh lớn là John và Francisco. 5 chị em bị bắt làm tù nhân. Cô bé Hannah bị ốm và qua đời trong lúc bị giam cầm. Bốn chị em còn lại được Hudson's Bay Company bỏ tiền ra chuộc về. Họ đã bị mồ côi cả cha lẫn mẹ không phải 1 lần mà đến 2 lần trên Đường Mòn Oregon.
Câu chuyện có thật và cảm động này giúp em nhận ra mình vẫn còn diễm phúc vì em còn có cha có mẹ có chị có em có chân có tay lành lặn khi đến Oregon.
Thầy Brian hỏi các em trong lớp về dự định trong tương lai. Các em nhao nhao trả lời. Nhiều em gái muốn thành ca sỹ nổi tiếng như Hannah Monata hay tài tử Angelina Jolie... Nhiều em trai muốn làm Michael Jackson, Brad Pitt, George Clooney... Có em muốn là người đầu tiên đặt chân lên Hỏa Tinh. Có em muốn làm tổng thống tương lai của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Mơ ước gì của các em cũng được thầy khen là tuyệt vời. Sau đó thầy ra homework: các em hãy cho biết phải làm gì để đạt được các ước nguyện đó.
Em luôn mơ ước có ngày được lái máy bay. Em vào website của US Air Force Academy - Học Viện Không Quân Hoa Kỳ để tìm hiểu. Một học sinh tốt nghiệp trung học cần phải có thư đề cử của một Thượng Nghị Sỹ hay Dân Biểu Liên Bang, mỗi vị chỉ được đề cử cho 5 thí sinh. Thể lực phải hoàn hảo và bền bỉ. 82% sinh viên đã từng đoạt các huy chương thể thao. Phải biết chơi bóng rổ, hít xà đơn, hít đất, chạy xa... Phải có thành tích lãnh đạo và học tập thật tốt. Điểm SAT môn toán là 660, môn Anh Văn là 630. Một số sinh viên đã từng là lớp trưởng hay tốt nghiệp thủ khoa. Khi xong trung học thì cũng đã phải học xong 4 năm college-pre math, 4 năm lab science, 2 năm học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, 1 năm học về computer. Như vậy, để vào được không quân ngay từ năm lớp 9 và suốt 4 năm trung học một học sinh đã phải học tối đa và chơi thể thao giỏi. Ngoài ra còn phải tích cực tham gia các công tác thiện nguyện mới có hy vọng được một vị dân cử đề cử.
Em thấy khoảng cách giữa giấc mơ và thực tế ngày càng xa vời. Nhưng thầy Brian nói rằng mọi người đều phải cố gắng tối đa để đạt được ước nguyện của mình. Em để ý thấy có một số bạn mơ ước trở thành bác sỹ đã bắt đầu tìm đọc các sách y khoa. Các bạn muốn trở thành văn sỹ luôn cặp kè các tác phẩm văn chương lớn. Khá nhiều bạn khác vẫn khư khư ôm lấy các gametoy và cell phones để click click chat chat text text suốt ngày.
Em không hiểu vì sao nhiều thanh niên thiếu nữ trẻ đẹp mạnh khỏe la cà ở các bến xe điện xin ông đi qua bà đi lại một vài cents hay một điếu thuốc lá. Nhiều người ngủ bờ ngủ bụi tại các góc phố trong tiết đông giá lạnh. Em sợ rằng một ngày kia em cũng giống như họ nếu em không có đủ nghị lực để nắm bắt các cơ hội vươn lên mà đất nước Hoa Kỳ hào phóng ban tặng cho mọi người.
Mỗi ngày em đều cố gắng chạy xa hơn nhanh hơn, hít đất, hít xà nhiều hơn. Em tình nguyện đi lượm rác ngoài công viên và làm việc trong thư viện vào mùa hè. Em cố giúp mấy bạn Việt Nam sinh ra ở Mỹ sử dụng tiếng Việt cho tốt hơn. Câu chuyện các em nói với nhau nhiều khi rất là ngô nghê, chẳng ra ngô ra khoai gì cả.
- Ngày chúa nhật mày thường đi đâu"
- Đi nghe.
- Nghe cái gì"
- Nghe cái ông gì đó ở chỗ gì đó nói cái gì đó tao không có hiểu.
Em cố đoán xem chỗ đó là chỗ nào. Em vẽ ra một hình thánh giá và một hình chữ vạn. Đứa nào chỉ vào hình thánh giá là đi nhà thờ còn hình chữ vạn là đi chùa. Có đứa không phân biệt được đâu là nhà chùa hay đâu là nhà thờ, chỉ biết ở đó có ông có tóc hoặc không có tóc. Em nói ông có tóc là ông cha, ông không có tóc là ông sư. Ông có tóc nói thì gọi là giảng. Ông không có tóc nói thì gọi là thuyết pháp. Có thế mà nhiều đứa cũng chẳng nhớ nổi.
Em có một thằng bạn tên là Nhân nhưng thầy cô bạn bè không ai phát âm được chữ Nhân mà đều gọi nó là Nun. Nun theo tiếng Anh là bà sơ hay bà ni-cô. Nhưng bản thân nó cũng không đọc được chữ Nhân cho đúng. Nó cũng tự gọi mình là Nun luôn. Nó thường băn khoăn trong tiếng Việt không có tên nào khác đẹp hơn sao mà bố mẹ lại gọi nó là Nun.
Em vẫn chưa có thành tích nào đáng để ý. Trong suốt năm học không bao giờ em được 1 phần thưởng nào dành cho học sinh tiêu biểu trong ngày, trong tuần, trong tháng. Thế mà, thật bất ngờ vào cuối năm em lại được chọn là Student of the Year: Học sinh tiêu biểu của cả năm. Thầy hiệu trưởng cho biết em không phải là học sinh có thành tích tốt nhất trường nhưng các thầy cô đều đồng ý rằng em luôn cố gắng.
Mỗi khi tập chạy em luôn có cảm giác có ai đang chạy đuổi theo mình. Ban đầu em cứ ngỡ là có một mọi ăn thịt người đang đuổi bắt em về để ăn thịt. Dần dà em tin rằng nếu em không cố gắng chạy nhanh hơn nữa thì những hồn ma bóng quế trong thế giới ảo sẽ bắt kịp em, lôi em vào một cõi u minh mịt mùng, phong em làm đại hiệp sỹ, đại vương, đại tướng. Nhưng bây giờ em chỉ còn muốn làm một chú binh nhì quèn trong đời thường.
Không một ai trong nhà tôi tin rằng một ngày kia em sẽ có thể trở thành phi công lái máy bay. Nhưng mẹ lại nói:
- Đâu phải trong không quân ai cũng lái máy bay. Phải có người chế tạo ra máy bay, sửa máy bay, thậm chí chùi rửa máy bay thì nó mới bay được chứ. Không vào được không quân thì vẫn còn có hàng ngàn trường khác, môn khác để học. Nước Mỹ luôn có nhiều cơ hội cho những người biết phấn đấu.
Thỉnh thoảng em vẫn nghêu ngao Hát Với Dòng Sông.
 Ngày xa xưa em hát với dòng sông
Và giờ đây em hát giữa dòng đời
Dù dòng đời không êm ái như dòng sông.
Mẹ không đồng ý:
- Dòng đời sẽ luôn đẹp hơn dòng sông nếu ta luôn luôn cố gắng.

Hoàng Thy

Ý kiến bạn đọc
08/08/201822:17:07
Khách
Hay, mong các em có một cuộc sống quân bình giữa thế giới thật và ảo.
Em may mắn có một bà mẹ sáng suốt,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,327,460
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến