Hôm nay,  

Tranh Tài Hơn Thua

23/10/200900:00:00(Xem: 183532)

Tranh Tài Hơn Thua

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2764-1628835- vb6102309

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt
Viết Về Nước Mỹ 2009.  Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi hội thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California, đồng thời cũng tham gia việc dạy Việt ngữ cho cộng đồng, và đã góp nhiều bài viết giá trị về các đề tài giáo dục.  Bài mới của cô kể về những sinh hoạt mùa lễ hội cuối năm, từ ngày lễ Halloween tới Tết Trung Thu...

***
- Già mà còn ham vui.  Chơi từ nhỏ bên nhà rồi qua đây bằng tuổi này vẫn còn ham chơi!
- Vào đó chỉ thấy mệt chứ có níu kéo gì tuổi xuân được đâu"
Đại loại đó là những câu tôi thường nghe bạn bè ngay cả chính người thân thường dùng để ám chỉ tôi.  Nhưng tôi cũng đâu có chịu thua, vì: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già"  Ớt bao nhiêu tuổi mới là ớt cay"
Đấy bạn xem ca dao tổ tiên đã chứng minh rành rành.  Có nhiều điều ta không thể dùng thước thời gian để đo tuổi tác.  Mà nói cho ngay, dù có cần đọ tuổi đời với thực tế tôi nghĩ tôi vẫn còn trẻ măng.  Mới ba mươi mấy sao gọi là trung niên hoặc cao niên được"  Vả lại trò chơi tôi tham gia hàng năm ai cũng thích chơi, từ con nít cho tới ông cụ bà cụ.  Bên Việt Nam cũng có mà bên Mỹ cũng vậy.
Lòng vòng từ nẫy giờ chắc bạn sốt ruột không biết mục ăn chơi nào mà phổ thông đến thế"  Nếu bạn đang ở Mỹ chắc chắn bạn khộng thể nào quên được ngày 31 tháng 10 hàng năm"  Người bản xứ âu yếm đặt tên cho nó cái tên thân thiện "Halloween", riêng người Việt Nam tối ngày lu bu đi cày hai ba job thì gọi đó là ngày "Ma Quỷ".  Nếu ngày này đi làm về đêm bảo đảm bạn sẽ gặp vô số ma quỷ nhởn nhơ ngoài đường phố.  Chúng thấp thoáng sau bóng cây bên vỉa hè hoặc bất thình lình chạy xẹc ngang qua đường mà không đếm xỉa gì đến xe cộ.  Bởi vậy những bạn yếu tim nên tránh đi đêm hoặc mở cửa ngày này nếu không muốn đứng tim tại chỗ.
Trước ngày lễ Halloween cả tháng, con nít lẫn người lớn đa số đều sắm cho mình một bộ đồ hóa trang càng kinh dị càng tốt.  Con nít hóa trang để đúng tối 31, dù mưa hay tạnh, dù lạnh lẽo hay có tuyết rơi, đều đi gõ cửa từng nhà xin kẹo với câu "Trick or Treat".  Có lần tôi đã gặp những em trai tuổi 13, 14 cao chồng ngồng gõ cửa xong đã xòe ngay cái túi đựng kẹo quá khổ, chính là những bao gối bằng vải dài cũng hơn nửa thước chứ không ít.  Còn người lớn thì đây là ngày độc nhất trong năm họ có thể đường đường chính chính biến mình ra ai thì ra tại các buổi tiệc liên hoan, hoặc tại nơi làm việc (trường học, nhà thương, văn phòng, tiệm tạp hóa...) nếu chủ nhân cho phép.  Trong nguyên ngày 31, nếu không phải là dân bản xứ bạn sẽ tưởng mình lạc vào một hành tinh khác vì sự hiện diện đây đó của các siêu nhân, người nhện, người dơi, công chúa Bạch Tuyết, nữ hoàng Cleopatra, tài tử điện ảnh, mụ phù thủy, ma cà rồng ... hoặc ngay cả tổng thống Hoa Kỳ với những mặt nạ và trang phục trông cứ y như người thật.
Bạn tưởng tôi nói ngày này à"  Đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi.  Ngày Ma Quỷ coi như là ngày của con nít nhưng người lớn ở Mỹ cũng chơi ké.  Việt Nam mình cũng có ngày cho nhóm nhi đồng và người lớn ké theo.  Nhưng đa số nó lại rơi vào khoảng giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 vì ta thường dùng âm lịch cho ngày "Rằm tháng 8" hoặc còn gọi là Tết Trung Thu.  Người Mỹ tặng kẹo bánh cho bất cứ ai khộng kể quen hay lạ khi gõ cửa vào đêm 31/10 tây lịch.  Trong khi đó vào Rằm tháng 8 người Việt chỉ tặng bánh Trung Thu và trà xanh cho những người thân quen như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và đôi khi xếp lớn của mình.
Dù sống ở Mỹ lâu năm nhưng tôi thích Tết Trung Thu hơn ngày Halloween. Dĩ nhiên Tết Trung Thu thường được tổ chức một cách chu đáo tại những nơi có đông cộng đồng người Việt như Nam và Bắc Cali chẳng hạn.  Hầu như các ban tổ chức đều chọn một ngày thứ bẩy nào gần nhất với ngày rằm để làm một cái Tết nhi đồng nguyên ngày từ trưa đến 10, 11 giờ đêm.  Chương trình bao gồm những trò chơi, thi vẽ, thi viết, thi quốc phục tài năng, văn nghệ, ẩm thực, múa lân và dĩ nhiên cao điểm của đêm Trung Thu là rước lồng đèn với những ngọn nến lung linh, hoặc những lồng đèn đủ màu sắc chạy bằng pin và đôi khi có nhạc kèm theo.  Tùy theo kinh tế từng vùng và tùy theo hầu bao của những nhà hảo tâm mà người ta ăn Tết to hoặc Tết nhỏ, điển hình là các giải thưởng cho những cuộc thi trẻ em.
Đó là những cái Tết nhi đồng mà mọi người thường biết đến.  Sau mấy mươi năm sống tại vùng San Jose, Bắc Cali, nơi được mệnh danh là thung lũng điện tử, thung lũng hoa vàng, thung lũng tình thương, tôi phải hãnh diện mà nói rằng chưa có nơi nào tại hải ngoại có được những ngày Trung Thu cho tuổi choai choai liên tục mười mấy năm như tại nơi này.
Tôi nhớ cách đây cũng bằng bấy năm, tuổi trẻ ham chơi, tôi theo lũ bạn cùng trường tham gia cuộc thi cho "người nhớn".  Dựa theo ban tổ chức Trung Thu thì "người nhớn" đây bắt buộc phải trong lứa tuổi trung học từ lớp 9 đến lớp 12.  Các cuộc thi bao gồm đố vui để học, thi đua trò chơi nhóm, thi diễn văn nghệ, và mấy năm gần đây lại có thêm chương trình thi hùng biện.
Thoạt nhìn thoáng qua bạn có thể nói sao trông giống chương trình tổ chức trong dịp Tết Nguyên Đán vậy!  Thôi, chắc tôi phải đi sâu vào chi tiết từng cuộc thi thì bạn mới thấy cuộc chơi này đòi hỏi khá nhiều trí thông minh, tài năng và nhân lực.
Với mục "Đố vui để học" mỗi trường được cử 3 thí sinh đại diện và 2 người dự bị.  Trước ngày thi các thí sinh được trao cho một danh sách khoảng vài trăm câu hỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt với các đề tài về sử ký và địa lý Việt Nam.  Các em phải tự tìm câu trả lời cho nhóm mình.  Trong ngày thi 30 câu hỏi được đặt ra để làm vòng loại và năm trường vào chung kết phải trả lời 20 câu hỏi đúng nhất và nhanh nhất cho giải nhất, nhì, và ba.  Theo kinh nghiệm dự thi, các hội học sinh Việt Nam hay đề cử những bạn nổi tiếng "mọt sách" và phải thông làu sử địa cũng như ngôn ngữ Mỹ Việt.  Tôi nhớ có một năm, một trường trong vùng đoan chắc trường mình chắc chắn chiếm giải quán quân vì trong đội toàn những em tiếng Việt như gió vừa theo gia đình định cư mấy năm tại Mỹ nên sử địa không ôn cũng biết, trong khi đó anh trưởng nhóm tiếng Anh khỏi chê, tiếng Việt thì bập bẹ.  Xong cuộc thi cả nhóm vỡ mộng vì đa số câu hỏi bằng tiếng Anh, em Việt thì ú ớ, anh Anh chưa thông sử địa, hoặc nói tên danh nhân sai vì không bỏ dấu.
"Thi đua trò chơi nhóm" hoặc thi thể thao thì dễ rồi.  Để được các mề đai vàng, bạc, hoặc đồng, bạn không cần ngôn ngữ chỉ cần khoẻ mạnh và chú ý lời chỉ dẫn trò chơi của trọng tài thay vì lo đứng ngắm các chàng điển trai trường bạn hoặc các em váy ngắn chân dài cổ võ xung quanh.  Coi vậy mà không phải vậy.  Trò chơi kéo co với 6 8 hội viên mỗi bên sợi dây thừng có đường kính gần 2 inch (5 cm) đòi hỏi sức chịu đựng, biết tiến biết lùi đúng lúc, nhất là đừng bị chia trí vì lời trêu ghẹo hoặc chọc cười của phe đối phương.  Chạy bao bố 3 chân hai người, 2 chân trong bao và 2 chân ở ngoài cần sự tập luyện để buớc đi thật nhịp nhàng và nhanh nhẹn.  Thẩy trứng cho nhau với khoảng cách càng lúc càng xa mà không bể trứng, chạy tiếp sức và trao trứng bằng muỗng mà không được dùng tay.  Các trò chơi mỗi năm thay đổi tùy theo óc sáng tạo và linh động của điều hợp viên cuộc thi năm đó.  Mấy năm đầu tiên, các trọng tài phải đi tìm vài bác sĩ hoặc y tá túc trực vì có trò chơi làm kim tự tháp bằng người.  Nhóm nào xếp được nhiều hội viên và cao nhất mà không bị té là nhóm đó thắng.


"Thi diễn văn nghệ" năm nào cũng luôn luôn thu hút được nhiều thí sinh và khán giả hơn các bộ môn khác.  Tùy theo số trường tham gia mỗi năm mà ban tổ chức ấn định mỗi trường được tham dự vào môn thi hát, múa, hoặc diễn kịch.  Trung bình mỗi năm có từ 10  15 trường trung học tham dự Trung Thu cho các cuộc thi.  Riêng phần văn nghệ thì mỗi trường không thể có quá 1 bài hát, múa, hoặc kịch. 
Có đi xem chương trình hàng năm tôi mới thấy càng ngày học sinh Việt càng tiến bộ.  Tiếng Việt của các em lưu loát hơn được thể hiện qua các bài hát, các vở kịch không thua kém các ca sĩ hoặc diễn viên nhà nghề.  Hãy tưởng tượng vở kịch dài khoảng 10   15 phút hoàn toàn bằng tiếng Việt do các em tự biên tự diễn, từ giọng nói đến cách diễn xuất trên sân khấu ta không thể nào ngờ đây là các học sinh Mỹ gốc Việt với tuổi đời chỉ 14 đến 18 tuổi.  Có lẽ đó là nhờ vào sự có mặt của các trung tâm Việt ngữ lớn trong vùng như Văn Lang, Về Nguồn, và mấy chục trường nhỏ tại các nhà thờ và chùa chiền; đó là chưa kể đến chương trình học ngoại ngữ bằng tiếng Việt của 11 trường trung học trong khu học chính East Side.
Điều làm cho tôi và các phụ huynh ngạc nhiên hàng năm là sự tham gia của các nam vũ sinh ngày càng đông hơn.  Cách đây 5 năm trong lúc tìm chỗ đậu xe vào giữa trưa trời nắng chang chang, tình cờ tôi nghe tiếng gọi ơi ới nửa Việt nửa Mỹ của một nhóm trẻ bên phải.  Ngó kỹ lại tôi thấy dẫn đầu là mấy em gái nhỏ người, mặc áo bà ba đầy mầu sắc với chiếc quần đen dài quét đất, theo sau là 4-5 em trai diện bộ đồ nông dân mầu nâu sẫm, quần sắn ống cao ống thấp, tay vác cuốc huyên thuyên nói chuyện như chỗ không người.  Vào đến hội trường Trung Thu năm đó để xem văn nghệ tôi mới giật mình vì màn múa không phải chỉ 4-5 em như tôi nghĩ mà tới 10 anh chàng và 10 cô nàng đứng đầy sân khấu nhịp nhàng nhập vai hoạt cảnh cấy lúa đầu mùa tại đồng ruộng miền quê ... Hoa kỳ.
Như đã kể trên, kỳ "thi hùng biện" chỉ mới có được cách đây vài năm. Tuy không có nhiều em tham dự, trung bình từ 5   10 thí sinh mỗi kỳ, nhưng các giám khảo đều đồng ý những em được trao giải nhất ($100), nhì ($75), và ba ($50), rất xứng đáng với giải thưởng nhận được.  Trong kỳ thi này các em cần thuyết trình đề tài do ban giám khảo đưa ra bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt trong vòng 3   5 phút.  Tiêu chuẩn chấm thi bao gồm nội dung, hình thức, cách chuyển đạt tư tưởng, và tài thuyết phục khán giả.  Riêng em nào thuyết trình hay nhất hoàn toàn bằng tiếng Việt thì sẽ được giải đặc biệt $50.  Như vậy biết được ngôn ngữ Việt và có tài năng hùng biện thì bài diễn văn 5 phút đó có thể trị giá 150 đô la.  Không tệ phải không bạn"
Vòng bán kết được tổ chức trong một phòng nhỏ gồm có khán giả (phải giữ im lặng trong cuộc thi), một người ghi danh, một người canh giờ, 3-4 giám khảo thông thạo Việt / Anh, và một người canh cửa không cho ai ra vào khi cuộc thi đã bắt đầu.  Người canh giờ bắt đầu bấm đồng hồ khi thí sinh mở miệng nói câu đầu tiên cho tới khi em im lặng sau bài diễn văn.  Giám khảo có 3 phút sau mỗi bài diễn văn để cho điểm thí sinh.  Khi mọi người thi xong, ban giám khảo có 10 phút để cộng điểm và chọn ba thí sinh cao điểm nhất vào vòng chung kết. 
Trong các kỳ thi hùng biện tôi thấy mọi người đều học hỏi được nhiều điều hay.  Những khán giả trong phòng thi dù là học sinh hay người lớn đều cảm thấy các thí sinh dường như có cùng cảnh ngộ như mình khi các em đưa ra những dẫn chứng về việc cha mẹ người Việt rất khắt khe với con cái trong việc học hành nhưng lại không chịu bỏ thì giờ ở gần các em.  Có em kể rằng khi còn nhỏ đi học về nhà là em được người thân quấn quýt hỏi thăm, nhưng từ khi lên trung học mỗi khi về nhà buổi chiều thì chỉ gặp căn nhà lạnh ngắt và trống vắng, và em phải tự làm cơm chiều cho mình vì cha mẹ đều bận đi làm tối khuya mới về, nhiều lúc em thèm món canh hẹ hoặc cá kho tộ mà cả năm rồi em chưa được ăn vì không có ai nấu cho em.  Ngoài ra, cả thí sinh lẫn khán giả đều rất thích phần phê bình của giám khảo cho từng thí sinh dự thi nhằm mục đích giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi kế tiếp. 
Tôi nghĩ người có lợi nhất là 3 em vào vòng chung kết diễn ra tại sân khấu lớn, vì các em có cơ hội ứng dụng lời khuyên của giám khảo ngay khi thuyết trình lại bài diễn văn của mình trước đám đông.  Điểm của các em được tính lại từ đầu, đây là lúc quyết định em nào thật sự có tài thuyết trình giữa tiếng reo hò, la hét, tiếng khóc hoặc tiếng cười của các em nhỏ. 
Đấy, bạn thấy cuộc chơi Trung Thu cho các em choai choai có hào hứng không"  Điểm son của lễ hội Trung Thu này là những em trưởng thành, từ vai trò "học sinh" trở thành "sinh viên", sang năm có thể trở lại cuộc chơi với vai trò phụ tá thiện nguyện cho những môn thi mà các em thích.  Có những em năm nào cũng trở lại sinh hoạt nên sau bao năm kinh nghiệm em đã có khả năng làm điều hợp viên của cả một bộ môn thi.  Trách nhiệm của điều hợp viên (đa số ở khoảng tuổi hai mươi mấy, ba mươi) khá nặng vì phải biết làm mọi thứ từ A đến Z cho môn thi đó.  Nhưng tài năng ắt có là biết kiếm cho mình những người phụ tá giỏi, nếu phụ tá lỗi hẹn không đến thì phải kiếm người khác thế vào hoặc tự mình gánh việc của họ ngay, những việc như liên lạc học sinh, ghi danh, giới thiệu chương trình, làm giám khảo, quét dọn chiến trường, và trăm ngàn việc không tên khác.
Rằm tháng tám năm nay vào đúng ngày thứ bảy 3/10/2009.  Nhưng đây cũng là mùa thi SAT của các trường trung học nên ban tổ chức Trung Thu quyết định chọn chủ nhật 18 tháng 10 là ngày lễ hội.  Chương trình được tổ chức từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều.  Tôi vì bận chuyện nhà nên khi ghé đến trường Orchard Middle School thì đã một giờ trưa.  Tôi đã lỡ dịp không nghe được chương trình Giới thiệu các trường đại học của Liên hội sinh viên UVSA Norcal.  Trong khi tôi ở trong phòng thi hùng biện thì ở sân khấu kế bên đã bắt đầu thi diễn văn nghệ.  Đây là nỗi đắn đo hàng năm của tôi.  Cuộc thi nào cũng có cái hay của nó, nhưng vì tài chánh eo hẹp cũng như thiếu nhân lực nên ban tổ chức phải cố gắng tổ chức các cuộc thi trong thời gian và không gian ấn định để giảm chi phí tối đa. 
Tôi hy vọng sang năm kinh tế dồi dào sẽ có nhiều người góp công góp sức để mọi người được hưởng trọn vẹn các cuộc thi một cách thoải mái mà không cần phải canh giờ chạy qua chương trình khác để cổ võ cho đội nhà của mình. 
Khi viết những hàng chữ này, tôi vẫn còn nhớ mãi lời tâm tình của một số em đại diện cho các trường vào cuối chương trình.  Các em xúc động tỏ lời cám ơn cả tiếng Việt và tiếng Mỹ đến ban tổ chức đã cho các em có cơ hội thi đua lành mạnh hàng năm và làm quen với các bạn Việt Nam của các trường khác trong vùng, việc thắng thua đối với các em không quan trọng bằng việc cộng tác, chia xẻ và học hỏi điều hay của nhau trước và sau cuộc thi Tết Trung Thu.
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,336,978
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.