Hôm nay,  

Vòng Thứ 18 Quanh Nước Mỹ

11/09/200900:00:00(Xem: 44386)

Vòng Thứ 18 Quanh Nước Mỹ

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 2724-16208795- vb691109

Tác giả là một luật gia,  nhà hoạt động văn hoá xã hội. Ông sinh năm 1934, tại  Nam Định. Tốt nghiệp Luật khoa Saigon 1958. Du học Mỹ 1961-62. Từng là chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon  (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại  Saigon (World Council of Churches, 1972-74); Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon  (1969-75); Tham gia nhiều tổ chức văn hoá quốc tế; Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI-Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee  (2001-2009). Cuộc du hành quanh nước Mỹ 2009 của ông đã qua 7 tiểu bang thuôc miền Đông nước Mỹ. Sau đây là một số thành phố tiêu biểu.

***

Từ tháng 5 năm 2009 này, tôi đã bắt đầu chuyến đi "Vòng thứ 18 quanh nước Mỹ" (18th Tour of America). Cũng như  các muà hè trước đây, lần này tôi từ California đi qua phiá bờ biển miền Đông (East Coast) nước Mỹ để vưà tham dư các khoá hội thảo về Xây dựng Hoà bình (workshop on Peacebuilding) tại các tiểu bang Tennessee, Virginia, vưà tiếp tục công việc nghiên cứu về "Xã hội Dân sự" tại Đông Âu tại Thư viện Quốc Hội và tại một vài Đại học khác. Nhân tiện cũng đến viếng thăm gia đình các bà con và bạn hữu nưã.
Bài này, tôi xin dành riêng để viết về các cuộc "Thăm viếng tại gia" (home visit = vãng gia), tức là đến sinh hoạt thăm viếng tại các gia đình bà con và bạn hữu, trong tình thân mật ấm cúng với từng gia đình một, chứ không phải là các cuộc viếng thăm có tính cách xã giao tại một cơ quan nơi trụ sở làm việc cuả họ. Nói chung thì tới đâu tôi cũng nhận được sự tiếp đón rất thân tình và nồng hậu cuả các gia chủ, bất kể họ là người Việt hay người Mỹ. Điều này khiến cho tôi thật cảm động và đã giúp tôi thêm tin tưởng và hăng say hơn trong khi theo đuổi công việc hoạt động xã hội và văn hoá cuả mình.
Tính ra trong suốt 7 tuần lễ vừa qua trong tháng 5 và 6 năm 2009 này, tôi đã đi đến 7 tiểu bang thuộc miền Đông nước Mỹ cộng với thành phố Washington DC là thủ đô của Liên bang Hoa Kỳ.
Sau đây là một số cuộc thăm viếng tiêu biểu:
Thành phố Knoxville,
tiểu bang Tennessee
Bắt đầu là tiểu bang Tennessee ở miền Nam, vào mỗi mùa hè tôi thường đến sinh hoạt tại thành phố Knoxville và năm nay tôi cư ngụ tại nhà ông bà Jim và Sandy Foster. Gia đình Foster là thành viên chủ chốt của Viện Xây dựng Hoà bình thuộc miền Đông Tennessee (PIET = Peacebuilding Institute of East Tennessee). Ông Jim đã 74 tuổi, là một vị mục sư thuộc Nhà thờ Baptist nay đã về hưu, còn bà Sandy thì vẫn còn làm việc trong chức vụ Tuyên uý tại Nhà thương Nhi đồng của thành phố (Chaplain at The Children's Hospital). Nhà ông bà tương đối tiện nghi gọn ghẽ và nằm trong một khu đất rộng tới 2 acres tại khu vực rừng thưa với cây cối thật xanh tươi mát mắt. Sáng sớm mùa hè chim chóc líu lo đua nhau hót, thật là sinh động tươi vui rộn ràng. Cả đàn chú sóc và thỏ rừng nhởn nhơ chạy tung tăng trên các thảm cỏ lẫn với bụi cây chằng chịt.
Trong số khách cư ngụ tại gia đình Foster này, ngoài tôi ra còn có hai người bạn nữa từ Ghana và Ethiopia bên Phi châu. Trong nhà  chỗ nào cũng thấy la liệt toàn là tài liệu sách báo, đủ loại. Ông Jim cho biết là phải có đến trên 9000 cuốn sách lớn nhỏ. Ngoài chuyện tham dự Hội thảo về đề tài xây dựng Hoà bình với các khách quốc tế như mọi năm trong mấy ngày cuối tuần, tôi ở lại thêm 3 ngày nữa để cùng bàn thảo với ông Jim về việc khai triển thêm các mối liên hệ quốc tế mà PIET đã gây dựng được trong suốt nhiều năm qua kể từ ngày phát động các seminars hàng năm vào mùa hè như thế này. Phòng làm việc của ông có đày đủ máy móc thiết bị cho cả hai chúng tôi cứ việc thoải mái sử dụng tuỳ theo nhu cầu công việc của mình. Khi tôi từ giã, ông Jim còn hoan hỉ cho tôi mượn đến 4 cuốn sách cần thiết cho sự tham khảo của tôi nữa.
Bà Sandy thì ngoài việc đi làm mỗi ngày, lại lo lắng chăm sóc các bữa ăn cho chúng tôi thật là ân cần tươm tất. Bà rất hồn nhiên trao đổi với tôi về nhiều câu chuyện này nọ, nhất là về sự khác biệt trong lề lối sinh hoạt văn hoá giữa người Mỹ và người Á châu như tôi. Bà hay chở tôi ra siêu thị mua sắm thực phẩm, và như vậy càng có nhiều thời giờ trao đổi chuyện trò. Nói vắn tắt, thì mối liên hệ giữa tôi với gia đình Foster ngày càng thêm gắn bó mật thiết trong tình liên đới anh chị em cùng là con cái của Chúa Giêsu Cứu thế. Trong mỗi bữa ăn, chúng tôi đều cùng nắm tay nhau và cầu nguyện xin Chúa chúc phúc bình an cho mỗi người trong đại gia đình. Ông bà đã thành hôn với nhau từ trên 50 năm và con cái đều đã trưởng thành và ra ở riêng cả, không còn người con nào ở chung với cha mẹ nữa. Do đó mà trong nhà luôn luôn có một vài căn phòng còn trống để dành cho khách vãng lai như trường hợp của ba chúng tôi vào lúc đó.
Trong một tuần lễ chung sống với gia đình Foster, tôi thấy thật là hồn nhiên thoải mái y hệt như đang sống với anh chị em ruột thịt của mình vậy. Sandy lại đánh piano khá thành thạo, nên bà hay đánh đàn cho tôi nghe, và đặc biệt bà còn hát cho tôi nghe bài "Tennessee Waltz" là một bài ca rất nổi tiếng đã được Quốc hội Tiểu bang công nhận là một bài hát tiêu biểu của Tennessee. Thấy tôi dậy sớm và đi bộ hàng giờ xung quanh khu xóm, Sandy bày tỏ sự thán phục trước lề lối tập luyện kiên trì để trau dồi sức khoẻ như tôi, kết quả cụ thể là bà thấy tôi ăn rất ngon miệng các món mà bà đã dày công nấu nướng cho cả gia đình cùng ăn chung.
Ít lâu sau, khi đã từ giã Knoxville để đi nơi khác, tôi gửi e-mail cảm ơn gia đình Foster; và ngay lập tức ông Jim đã trả lời tôi là  "Anh cứ an tâm, bất cứ lúc nào anh trở lại Knoxville, thì anh luôn luôn được tiếp đón như là một thành viên của gia đình chúng tôi vậy..." 
Thành phố Harrisonburg,
tiểu bang Virginia.
Sau Tennessee, tôi lại lên xe bus Greyhound đi tiếp về hướng Bắc tới thành phố Harrisonburg Virginia là nơi tôi thường xuyên đến tham dự các khoá sinh hoạt hội thảo do Viện Xây dựng Hoà bình Mùa hè (SPI = Summer Peacebuilding Institute) thuộc Đại học Eastern Mennonite University (EMU) tổ chức vào các tháng 5 và 6 mỗi năm. Tôi gắn bó với Đại học này là do hai vợ chồng anh chị Pat và Earl Martin tôi quen biết thân thương từ 40 năm trước lúc anh chị làm công tác xã hội nhân đạo ở Việt nam.
Bà con ở Quảng Ngãi phần đông đều còn nhớ đến anh Kiến và cô Mai trong số mấy người Mỹ thuộc tổ chức xã hội Mennonite mà chăm sóc cho các nạn nhân chiến cuộc tại thành phố đó hồi trước năm 1975. Pat làm giám đốc của SPI từ ngày mới thành lập vào năm 1996. Năm 2000 khi tôi đến thăm anh chị thì mới được biết đến chương trình này. Thế là kể từ năm 2001 đến nay, tôi vẫn thường xuyên đến tham dự các khoá hội thảo với những bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục quy tụ về đây nhằm cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm về vấn đề "Chuyển hoá Tranh chấp, Xây dựng Hoà bình" (Conflict Transformation, Peacebuilding).
Tại đây, tôi thường ở tại nhà anh chị Martin như một thành viên trong cùng một gia đình vậy. Anh chị dành cho tôi một phòng nhỏ cả ba mặt là cửa sổ, thật là thoáng mát mà yên tĩnh. Nhà còn có thêm mấy phòng ở trên lầu thường được dành cho các sinh viên theo học tại EMU. Các cửa ra vào phía trước, phía sau và phía ngang hông nhà thì ngày cũng như đêm không bao giờ khoá. Thật đúng là cái cảnh "Thời thái bình cửa thường để ngỏ" chính là tại nơi đây vậy.Tôi thường dậy sớm lúc 1-2 giờ sáng, nên ra ngoài rảo bộ trong khuôn viên Đại học sát với nhà, thật là tĩnh lặng. Chừng một vài giờ sau thấy mệt thì mới về phòng đi ngủ lại, hay nếu thấy khoẻ khoắn thì lại tiếp tục đọc sách hay là ra phòng làm việc của anh chị để xài internet.


Buổi sáng anh chị pha cafe và làm món ăn cho tôi cùng ăn với cả gia đình. Vì mấy cháu đều lớn và ra ở riêng, nên lâu lâu mới về thăm cha mẹ.
Anh chị đã có một cháu nội là Sophie chưa đày 5 tuổi mà ăn nói đối đáp rất linh hoạt xí xọn. Buổi trưa, thì thường ăn ở Đại học. Chỉ có buổi chiều mới lại ăn chung ở nhà và lại thường có thêm một vài khách mời là các sinh viên hay khách quốc tế khác. Lối ăn uống tại nhà anh chị rất thanh đạm với nhiều rau, đậu và trái cây nhiều hơn là cá thịt. Và thường cũng chỉ uống nước lạnh, chứ không hề dùng nước ngọt hay rượu, bia bao giờ.
Pat và Earl đều là những tín đồ thuần thành của Giáo hội Mennonite. Anh chị làm việc lâu năm cho tổ chức xã hội MCC (Mennonite Central Committee) tại nhiều nước Á châu như Việt nam, Philippines, Indonesia, Trung quốc v.v...Hiện Pat đã về hưu, còn Earl thì làm nghề thợ mộc (carpenter). Nhưng lâu lâu vẫn nhận một số công tác do MCC trao phó, cụ thể như từ đầu năm 2009 thì cả hai anh chị đã đến sinh hoạt với các giáo sư của MCC dậy Anh văn tại các Đại học ở Trung quốc, hay đi gặp gỡ với các cơ sở của MCC tại Ai cập. Với cương vị làm Giám đốc SPI liên tục trên 12 năm, Pat quen biết gần gũi với cả mấy ngàn người từ khắp nơi trên thế giới mà đã từng đến  Harrisonburg tham gia sinh hoạt trong các mùa Hè tại Đại học này.
Chúng tôi chuyện trò trao đổi với nhau thật là tương đắc. Anh chị luôn khích lệ và ủng hộ công việc nghiên cứu về Xã hội Dân sự của tôi. Cụ thể là từ năm 2007, Earl đã giới thiệu tôi với Giáo sư Walter Sawatsky tại Indiana để tôi tiếp xúc và mời giáo sư cùng hợp tác viết chung cuốn sách về Đông Âu với tôi, vì giáo sư là người chuyên môn dậy học và nghiên cứu về Tôn giáo tại Đông Âu. Nhờ vậy mà cuốn sách này có cơ được hoàn thành vào năm 2010 sắp tới với  hy vọng sẽ được môt nhà xuất bản Đại học nhận ấn hành vào năm 2011 (University Press).
Chúng tôi còn có nhiều kỷ niệm thật lý thú với nhau. Cụ thể như vào năm ngoái 2008, Earl đưa tôi tới tham dự một bữa tiệc thường niên của Tổ chức "Habitat for Humanity" tại Harrisonburg. Earl được mời vì là người đã góp công sức lao đông chuyên môn về nghề mộc trong việc xây cất hay sửa sang nhà cửa cho tổ chức này. Vé mời cho cả hai anh chị, nhung vì bữa đó Pat lại bận một viếc khác không thể đi được, cho nên tôi được đi tham dự thế vào chỗ của chị. Năm nay đặc biệt Earl còn dẫn tôi đi tham dự phiên họp cả môt ngày của thành phố Harrisonburg với chủ đề là "Harrisonburg Summit on Sustainability" do Thị tưởng Kai Degner triệu tập với sự tham dự của chừng 150 tham dự viên gồm toàn những người có sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển và xây dụng bền vững của cộng đồng địa phương của thành phố có số dân 45,000 người, mà riêng số sinh viên của hai trường James Madison University và Eastern Mennonite University đã chiếm tới 20,000 tức là tới 45% dân số của Harrisonburg. Vào lúc kết thúc buổi họp lúc 4.00 PM, tôi đã đưa ra hai lời mời là :
a) Xin mời Quý vị đến California để giúp chúng tôi cũng tổ chức một thứ "Summit on Sustainability" như đang thực hiện tại đây;
b) Xin mời Harrisonburg nhận kết nghĩa với một thành phố tại Việt nam, tuỳ theo sự chọn lựa của Quý vị.
Cử toạ đều tỏ ra hoan hỉ với lời đề nghị này. Tôi có viết bài tường thuật bằng Anh ngữ nhan đề "Summit in Harrisonburg" về ngày sinh hoạt này.
Tính ra tôi đã ở với gia đình Martin tại Harrisonburg đến cả chục lần rồi. Mỗi lần, tối thiểu cũng 5-3 ngày; đặc biệt có lần đến cả tháng trời vì tôi phải sinh hoạt với SPI trong kỳ hè. Thật là một kỷ niệm êm đẹp mà lại rất bổ ích cho công việc nghiên cứu về văn hoá xã hội dài ngày của tôi suốt từ gần 10 năm nay.
Thành phố Baltimore
tiểu bang Maryland
Baltimore cách xa Washington DC chừng 50 dặm về hướng Bắc, có nhiều chuyến xe điện, xe lửa và xe bus để vào thủ đô. Vì thế có rất đông dân cư ngụ tại đây mà hằng ngày đi làm tại DC. Năm nay tôi đến ngụ tại nhà cháu Vui là trưởng nữ của chú Trùm Ngữ từ miền Dốc Mơ Gia Kiệm ở Long Khánh. Cháu có bằng cao học về ngành Y tế công cộng và được tuyển dụng vào làm việc trong Khoa nghiên cứu về ung thư tại Đại học Johns Hopkins tọa lạc tại khu downtown thành phố Baltimore. Chồng cháu là Hòa làm kỹ sư về ngành điện và có công việc làm ổn định.
Đúng như tên gọi của hai vợ chồng "Vui-Hòa", tôi rất mừng vì thấy gia đình các cháu thật là thuận thảo, đày ắp tình yêu thương đằm thắm. Trong thời gian ở đây, tôi có dịp chuyện trò với bố của Vui hiện vẫn còn ở miệt Long khánh. Đó là chú em kết nghĩa lâu năm với tôi ở quê nhà trước đây đã khá lâu. Trong điện thọai, chú Ngữ kêu tôi là "anh cả". Chú rất quý mến Thầy Phạm Tất Hanh là người thầy giáo rất tận tình hướng dẫn dìu dắt cho Vui ngay từ lúc còn tấm bé ở với gia đình ở miệt quê Gia kiệm.
 Gia đình hai bạn trẻ Vui- Hòa này có hai cháu bé mà được bà nội và người dì tức là cô em gái của Vui cùng phụ giúp trông nom chăm sóc, nên cuộc sống với cả ba thế hệ già có, trẻ có này rõ rệt là khá thanh thản ấm cúng. Nhà các cháu ở gần ga xe metro, nên đi lại rất thuận tiện.Các cháu dành cho tôi cả một căn phòng dưới hầm (basement) với đày đủ tiện nghi, kể cả máy computer/printer, nên tôi có chỗ làm việc và nghỉ ngơi thật là yên tịnh thỏai mái. Mùa hè bà cụ trồng được nhiều rau thơm và ủ cả giá sống, nên trong mỗi bữa ăn đều có nhiều chất xơ thật là tốt cho việc tiêu hóa. Mấy tuần lễ trước lúc ở nhà các bạn người Mỹ, thì đâm nhớ món ăn Việt nam. Nay ở nhà cháu Vui, thì không còn thiếu các thứ món ăn quen thuộc của người mình nữa. Lại nữa, nhờ hiểu biết nhiều về khoa dinh dưỡng, nên Vui rất chu đáo trong việc lựa chọn món ăn làm sao tránh được những chất độc hại cho cơ thể. Cháu hay đi chợ của người Amish để mua được các thứ rau đậu, trái cây và thịt cá có tính chất lành mạnh mà người Mỹ gọi là healthy/organic food.
Về đời sống tinh thần, cháu sinh họat nhiều với giáo xứ Mỹ và học tập được lề lối tổ chức sinh họat rất lớp lang gọn gàng của họ. Có lần Vui chở tôi đến khu downtown để tham dự thánh lễ và sinh họat với các cô giáo gốc từ Philippines; thật là sinh động và ấm cúng với sự chia sẻ cởi mở thân tình của một nhóm nhỏ người Á châu mà sinh sống giữa lòng một đô thị của Mỹ.
 Vui tâm sự: "Mấy đứa con của tụi cháu sinh trưởng trên đất Mỹ, tụi chúng phải hội nhập tối đa với xã hội Mỹ. Do đó mà cha mẹ cũng phải nương theo cái đà hội nhập như thế, thì mới có thể gần gũi tâm sự mật thiết với con hầu có thể hướng dẫn tốt đẹp giúp cho bọn chúng được..." Nói chung, thì bác cháu chúng tôi dễ thông cảm trao đổi suy nghĩ và kinh nghiệm họat đông với nhau, vì cùng xuất thân từ môi trường nông thôn ở Việt nam, mà lại có cơ hội được học tập và sinh sống tại một xã hội tiến bộ như ở nước Mỹ ngày nay. Tôi thật tâm phấn khởi được chứng kiến cái tinh thần nhân bản và cả tấm lòng nhân hậu được thể hiện rõ nét trong cuộc sống ấm cúng của gia đình các cháu dù mới đang ở vào lứa tuổi 30-40 trên đất Mỹ này.
Trong mấy ngày đầu tháng 6 ở Baltimore, tôi được Vui chở đi thăm khu trung tâm thành phố với Vương cung Thánh đường, khu Inner Harbor và một số phố xá cổ xưa. Vui cũng còn chở tôi đến thăm anh họa sĩ Vũ Hối ở thành phố Laurel, anh Phạm Đình Lộc ở thành phố Frederick cũng gần với Baltimore. Và sau cùng, cháu chở tôi đến với gia đình Matt và Marylou Matteson ở thành phố Akron tiểu bang Pennsylvania.
ĐOÀN THANH LIÊM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,962,660
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo