Hành Khúc VVNM và Những Lời Tri Ân
Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 2712-16208783- vb682809
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: bác sĩ nha khoa, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Anthony Hung Cao cũng là người làm thơ và soạn nhiều ca khúc. CD đầu tay của ông mang tên “Phượng Đỏ Mùa Đông” hiện đang được phát hành khắp nơi. Trong họp mặt Việt Báo ngày 16-8 vừa qua, các tác giả tham dự đã cùng nhau hợp ca “Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ” do chính ông sáng tác. Hình bên. Hình bên, ảnh Anh Việt: Tác giả Anthony Cao tức Cao Minh Hưng giới thiệu hành khúc và ban hợp ca.
***
Tôi biết đến Giải thưởng "Viết về nước Mỹ" trong một dịp tình cờ. Một buổi sáng mùa hè năm 2007, khi ngồi bên ly cà phê tại văn phòng, đọc vội email của vài người bạn gửi đến trước khi bắt đầu một ngày làm việc như mọi ngày, tôi chợt chú ý đến câu chuyện một người bạn vừa chuyển đến.
Ly cà phê đã nguội, nhưng tâm trí tôi vẫn còn nóng bừng khi theo dõi câu chuyện. Một mảnh đời tị nạn với những vất vả khổ cực buổi ban đầu được kể lại bằng lối văn đơn giản, không cầu kỳ hoa mỹ. Đọc mà tưởng như đang “nghe” một người bạn tâm sự. Tôi say mê đọc cho đến khi cô phụ tá gõ nhẹ cửa phòng nhắc nhở: "Bác sĩ ơi, bệnh nhân đang chờ..."
Sau buổi làm việc, trở lại với câu chuyện vừa đọc, tôi tìm hiểu xuất xứ bài viết và người viết. Thì ra đó là một trong cả ngàn tác giả tham dự giải thưởng "Viết về Nước Mỹ" trên Việt Báo Online. Tại đây cũng như trên báo in hàng ngày của Việt Báo, mỗi ngày đều có thêm bài mới. Con số lượt người đọc dành cho một bài viết thường là nhiều ngàn lượt và không ngừng gia tăng, nhiều bài đạt tới vài ba chục ngàn. Nhẩm tính, thấy ngay là tổng số lượt người đọc lên tới cả chục triệu. Thật khó tưởng tượng mức độ chia sẻ giữa người viết, người đọc Việt ngữ ở hải ngoại có thể lớn tới vậy.
"Ước gì mình được biết về Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ sớm hơn nữa." Tôi đã thầm nghĩ khi theo dõi các bài viết, rồi tự an ủi "dẫu có muộn màng cũng còn hơn không." Thế là cái máu ham viết văn từ những ngày còn đi học lại dâng lên. Tôi gửi câu chuyện ngắn đầu tiên "Con Búp Bê" đến giải thưởng Việt Báo, hy vọng được chia sẻ những cảm xúc của mình. Vài ngày sau, tôi nhận được một email với dòng chữ ngắn không bỏ dấu: "Da nhan duoc bai. Bai viet rat xuc dong. Se cho dang. Mong nhan them bai moi."
Email ký tên “trandatu, Vietbao”. Tôi đã biết đến nhà thơ Trần Dạ Từ qua những bài thơ và những bản nhạc được phổ từ thơ của ông nên thật bất ngờ khi nhận được những dòng chữ do chính ông viết. Câu chuyện "Con Búp Bê" sau đó được đăng và cũng nhờ câu chuyện đầu tiên này mà tôi được danh dự nhận một giải thưởng vào tháng 6 năm 2008.
Cũng tại buổi nhận giải thưởng này, tôi được nghe và biết nhiều hơn về những người lập ra giải thưởng đầy ý nghĩa này cũng như gặp mặt một số tác giả đã từng đóng góp bài vở cho "Viết Về Nước Mỹ". Tôi được cô Nhã Ca giới thiệu với một số tác giả Viết Về Nước Mỹ sinh hoạt chung trong diễn đàn Việt Bút.
Xin được nói thêm nơi đây một chút. Tôi có tham gia một số Diễn đàn khác, nhưng phải công nhận các thành viên trong Diễn đàn Việt Bút sinh hoạt với nhau trong tình thân như trong một gia đình. Vì thế, chúng tôi thường gọi đùa đây là "gia đình Việt Bút". Có những Diễn đàn tuy mang nặng tính văn hóa và được quy tụ nhiều tác giả có tên tuổi với mục đích "đón nhận, sát cánh và hướng dẫn những cây viết trẻ, v.v.", nhưng khi một thành viên mới bước vào Diễn đàn viết lên một lời chào giới thiệu mình với mọi người, thật ngạc nhiên đến buồn tủi khi không có đến một lời "welcome" chào đón nào từ những thành viên cũ. Tôi tự hỏi họ có thật sự "mở rộng vòng tay đón nhận những cây viết trẻ" như mục tiêu của Diễn đàn đó đề ra không" Trái lại, khi một người bạn mới gia nhập vào gia đình Việt Bút, tôi được đọc rất nhiều lời chào đón, hỏi han ân cần từ nhiều thành viên trong nhóm đến người bạn mới đó.
Thấm thoát mà đã gần hai năm kể từ khi bài viết đầu tiên tôi gửi đến cho Giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ". Từ đó đến nay, tôi đã gửi chia sẻ thêm vài câu chuyện ngắn khác đến với những độc giả gần xa. Điều quan trọng hơn, là tôi cũng được đọc và học hỏi thêm rất nhiều điều hay từ bài viết của những tác giả khác, những người tôi quen biết và cả những người lần đầu tôi được nghe tên.
Giải thưởng đã bước sang năm thứ 10 với biết bao nhiêu cam go mà những người trong ban tổ chức đã phải trải qua để cho Giải thưởng được tiếp tục tồn tại. Càng nghĩ, tôi càng cảm phục những việc làm âm thầm của ban tổ chức phía sau hậu trường nhằm tạo cơ hội cho các tác giả, trong đó có tôi, có một nơi để gửi gắm những điều mình muốn chia sẻ. Tôi tự nhủ lòng phải làm một cái gì đó như một món quà tri ơn gửi đến những người đã có công sáng lập và gìn giữ Giải thưởng, và tri ân cả những tác giả "Viết Về Nước Mỹ" đã chia sẻ kinh nghiệm sống thực của mình trong quá trình hội nhập vào cuộc sống tại nơi đây.
Sách “Viết Về Nước Mỹ: Cay Đắng Ngọt Bùi” có trích lời nhà thơ Nguyên Sa nói là thời đại của chúng ta phải có thứ “Lịch Sử Ngàn Người Viết”. Trong tinh thần ấy, mỗi tác giả đang là "người viết sử," những trang sử bi hùng của người Việt ly hương. Những trang sử được viết lên bằng máu và nước mắt để lại cho các thế hệ mai sau.
*
Trên chuyến máy bay đêm trở về sau kỳ nghỉ mùa lễ Giáng sinh từ đảo quốc Tahiti, bất thình lình máy bay bắt đầu chao đảo mạnh vì gặp những cơn lốc. Cả hơn một giờ đồng hồ máy bay chao đảo như một con thuyền nhỏ bồng bềnh giữa biển khơi đang dậy sóng. Các hành khách đều lo sợ, ói mửa, mệt nhoài vì say sóng và có nhiều người cúi đầu cầu nguyện. Có nhiều lúc chúng tôi có cảm tưởng như phi cơ đang lao đầu xuống biển. Tôi nắm chặt tay người bạn đời và hai đứa con nhỏ như muốn truyền chút nghị lực còn sót lại cho họ. Trong những giây phút đó, tâm trí tôi chợt hiện lên hình ảnh của những người Việt tị nạn trên những con tàu vượt sóng tìm tự do. Đã có biết bao nhiêu người phải trả cái giá quá đắt, kể cả tính mạng của mình trên con đường tìm tự do" Những câu chuyện đau thương kể về những con thuyền tị nạn kém may mắn mà tôi đã được đọc trong những bài "Viết Về Nước Mỹ" chợt hiện trong tâm trí. Tôi tự hỏi không biết có phải vong linh của những người Việt tị nạn đã bỏ mình giữa lòng đại dương đã thôi thúc tôi cầm bút viết lên những dòng chữ xiêu vẹo theo đà chao đảo của chiếc máy bay trong cơn lốc.
"Hãy viết cho thế giới
Biết thảm cảnh hãi hùng
Giữa trùng khơi dậy sóng
Liều mình tìm tự do..."
Đó là những ký ức đau thương của những năm tháng mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người Việt ly hương. Khi đến được bến bờ tự do, họ phải bắt đầu tạo dựng lại tương lai từ hai bàn tay trắng. Tôi không nhớ hết bao nhiêu bài viết tôi đã được đọc viết về những nỗi khó khăn, khổ nhọc của những ngày đầu định cư trên với những công việc như cắt cỏ, rửa chén cho nhà hàng, thức khuya, dậy sớm may đồ, cắt chỉ, vừa đi học vừa đi làm, v.v... Tất cả những câu chuyện này đã và sẽ được tiếptục viết lên những trang sách để lại cho thế hệ mai sau.
"Hãy viết cho mai sau
Biết thế hệ ban đầu
Đã trãi bao gian khó
Xây dựng lại tương lai."
Dù người Việt hải ngoại phần lớn đã tạm ổn định với cuộc sống hiện tại, nhưng không vì thế mà họ có thể làm ngơ trước những gì những người Việt ở quê nhà đang phải gánh chịu. Tôi cũng muốn mượn những lời thơ này để nói lên điều đó:
"Hãy viết cho thế giới
Biết nỗi khổ quê nhà
Giữa tù giam áp bức
Người dân lành lầm than"
Máy bay vẫn tiếp tục chao đảo, khi lên khi xuống. Người phi công có lẽ đang cố hết sức như một thuyền trưởng dẫn dắt con tàu vượt qua những cơn sóng dữ. Trong màn đêm dày đặc bên ngoài, tôi chỉ thoáng thấy những ánh sáng chớp tắt lập lòe từ trên cánh máy bay. Tuy mệt mỏi vì cơn say sóng, nhưng tôi cảm thấy như được truyền thêm một sức mạnh lạ thường khi tôi đặt bút viết tiếp những vần thơ cuối:
"Quê hương vững tin rằng
Lửa người Việt năm châu
Được thắp lên trang sách
Truyền ánh đuốc niềm tin
Về quê hương ta đó
Đến ngày có tự do
Cho ta viết trang cuối
Chấm hết đời lưu vong."
Có lẽ vong linh của những người Việt tị nạn đã bỏ mình giữa lòng đại dương không muốn phải nhận trang thơ mà tôi mới vừa viết xong vào lòng biển cả, nên đã giúp đưa gia đình tôi bình an về lại mái nhà, nơi có chiếc đàn piano nhỏ đang chờ tôi đem những nốt nhạc vào những vần thơ này. Bản "Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ" được ra đời như thế.