Hôm nay,  

Chuyện Giải Chung Kết Năm Thứ Chín

24/08/200900:00:00(Xem: 288828)

Chuyện Giải Chung Kết Năm Thứ Chín<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Tác giả: Phạm Hoàng Chương

Bài số 2708-16208779- vb282409

 

Phạm hoàng Chương là tác giả vừa nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, với các bài viết của ông góp cho giải thưởng năm thứ 9, trong số này có bài "Hội Đồng Hương Tại Mỹ" và bài "Xóm Hoang" kể chuyện một cô gốc Việt đạt giấc mơ Mỹ trước tuổi 30, sống giữa một khu xóm hợp chủng đầy khó khăn thời kinh tế suy thoái. Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali, và góp nhiều bài viết giá trị, được độc giả đặc biệt hâm mộ.  Sau đây là tự sự của người đoạt giải nhất  trong họp mặt ngày <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />16-8-2009. Hình bên: Phạm Hoàng Chương giữa các nữ tác giả Viết Về Nước Mỹ, và Kiều Chinh, Nhã Ca.

 

***

 

Mình viết về mình thì rất dễ biến thành... con mèo. Mèo khen mèo dài đuôi, nếu kể chuyện tốt. Không thành mèo thì cũng thành anh ngố, khi bị chê là "vạch áo cho người xem lưng". Thôi thì đuôi dài hay đuôi ngắn, lưng cánh phản hay lưng ghẻ ruồi cũng cứ vui vẻ chịu. Có sao, nghĩ sao thì viết vậy. 

Tôi bắt đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2002. Sau khi nhận một giải đặc biệt cho bài viết năm 2003, vẫn tiếp tục viết cho đến nay. Hai năm vừa qua, nhờ về hưu, có giờ viết nhiều hơn, bài đăng báo rồi lên Việt Báo Online đều đều, có thêm nhiều độc giả. Có người cho hay nhiều báo Việt ngữ ở các tiểu bang Hoa Kỳ, rồi ở cả bên Úc và nhiều website ở VN cũng vô Vetbao online lấy bài ra đăng  luôn. Cũng từ hai năm qua, nhờ dự các buổi họp mặt ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ,  tôi quen biết thêm các tác giả khác. Thanh Mai -giải tác giả năm 2008, từ Minnesotagọi qua nói:

-Anh Chương, năm nay thế nào anh cũng trúng giải Việt bút 2000$ vì bài Hội đồng Hương. Bài này anh viết khéo quá, không làm mất lòng ai cả, không chê vào đâu được.

Các anh Tân Ngố và Trần nguyên Đán thì khen bài "Ba Tôi Không Còn Nữa" làm họ cảm động chảy nước mắt. Các bài "Phương thuốc thần cho bệnh gout" và "Diệt cholesterol không cần thuốc" rồi cả bài "Uýnh lộn với Mỹ", được độc giả online vô đọc quá trời.

Được các bạn khen, chắc tôi có phổng mũi. "Văn mình..." mà. Ắt là phải hay rồi. Nhưng không biết bài nào lọt mắt xanh ban giám khảo. Họ có cái nhìn khác người viết. 

Coi lại tử vi, thấy đại hạn từ 56 đến 65 tuổi có chùm sao văn chương "xương khúc, khôi việt, tấu thư, tả hữu" ở cung Mùi ra khỏi đám mây che của "tuần", bắt đầu tỏa sáng nhờ 2 sao Nhật-Nguyệt chiếu lên từø cung Sửu. Đây đúng lá lúc con đường văn chương rộng mở thênh thang, hứng thú ở đâu kéo tới ùn ùn, nhiều chuyện ngộ nghĩnh đưa đến cho mình chụp lấy làm đề tài dể viết, chữ nghĩa trong đầu ồ ạt tuôn ra trên computer,  viết ra dễ dàng như uống nước.  Nhờ vậy mà riêng năm 2008, tôi góp được 8 bài  viết về nước Mỹ, thuộc đủ loại đề tài. Và rồi thấy mình có tên trong danh sách tác giả vào chung kết.

Ba tuần  trước ngày họp mặt phát giải VVNM 2009, một hôm tôi được anh chị Trần Dạ Từ mời vào văn phòng nói về giải thưởng rồi dặn dò "Ngày hôm đó Chương sẽ phải phát biểu 3 phút. Không thể vắng mặt." Tôi buột miệng:

--Giải gì mà phải đọc diễn văn vậy anh"

Chị Nhã Ca ngồi bên phá ra cười. Tôi đột nhiên hiểu và mắc cỡ đỏ mặt. Chăc là anh chị sợ mình hôm ấy lấy vacation đi chơi xa, qua miền Đông thăm con gái, hay về Việt nam chơi, nên phải lo dặn trước.

Tôi lái xe về Riverside, thấy vui vui, nhưng cái cường độ vui nó không sôi nổi như hồi 19 tuổi đậu vào Đại học Sư phạm cả ở Đàlat lẫn Huế. Lại lập tức nhớ tử vi: Năm nay bước qua đại hạn và lưu đại hạn cùng có Liêm Trinh miếu địa ở cung Thân, có TửÛ phủ Vũ tướng hội Song lộc, Khoa Mã Tràng sinh; Tiểu hạn lại có Cự Cơ miếu địa ở Mão hội Xương khúc Tả hữu, Khôi việt, Tấu thư, Đào Hồng Hỉ, Thiên khố, nên công danh tiền bạc "bốc" ào ạt.

Mấy ngày sau, quả nhiên thấy trên Việt báo online thông cáo ngày giờ địa điểm tổ chức lễ phát giải thưởng.  Thêm một lần, lại thấy tên mình trong danh sách chung kết. Lập tức, mấy bạn trong Việt bút club tới tấp gửi email chúc mừng, mau nhứt là Anthony Hưng, Iris. Riêng email của anh Trần nguyên Đán thì viết:  "Ông có nhiều hy vọng làm "Hoa hậu"  năm nay lắm đó. Giàu rồi đừng quên bạn cũ nghe." Anh Đán, tức Mục sư  Kien Lu bên Texas là tác giả được anh chị em Viết Về Nước Mỹ rất quí mến,  thường gọi đùa mấy giải thưởng chính là hoa hậu, á hậu.

Cũng đúng vào dịp này, hai vợ chồng em trai kế tôi, Phạm hoàng Chung, từ Úc qua thăm Mỹ lần đầu tiên, ở nhà em gái tôi ở Santa Ana, vợ chồng con gái tôi từ miền Đông bay qua gặp chú thím sau nhiều năm chưa biết mặt, nên anh em con cái tôi hội họp khá đông. Phải đưa họ đi dự Lễ phát giải VVNM  luôn cho vui. Tôi tới tòa báo cho Ban tổ chức biết sẽ đem tới 10 người tham dự hôm đó. Năm nay kinh tế bết bác, báo chí khó khăn, không đủ tiền mướn các nhà hàng sang trọng để  tổ chức phát thưởng như mọi năm, phải thu hẹp tại tòa báo sân nhà, mà mình ỷ có giải thưởng, dẫn cả gia đình, bầu đoàn thê tử, em trai em gái, con cháu tới, choán chỗ của các quan khách khác. Thực tình nghĩ vậy,  tôi rất ngại. Anh Từ  vui vẻ nói OK, nhưng riêng cô thư ký lại vô tình cho hay Hoàng Thy từ Oregon xuống, cũng đi tới 4 người, mục sư Đán cũng đi 2 người từ Texas.

Trước ngày phát giải 2 hôm, chiều thứ sáu, các tác giả VVNM khắp nước Mỹ thân quen nhau qua trang web Việt bút  có hẹn trước là họp mặt nhà anh Tân Ngố ăn bún bò Huế do O Diễm (bà xã anh) nấu đãi.  Duy An, Karen, Nguyên Phương ở Virginiaxa quá, bận không đi được. Khánh Vân hứa sẽ đi, nhưng tới phút chót lại email báo tin trễ máy bay. Tôi tới sớm nhất, đem một khay bánh ướt tôm cháy và tô nước mắm ớt tỏi mua ở Liên Huế, anh Tân rót cho một ly rau má "cây nhà lá vườn", đưa đi xem mấy cây chuối sứ khổng lồ sau nhà, cây lý, cây mận, cây gấc, giàn nho vàng trái chin mọng. Sau đó anh chị SAPY Nguyễn văn Hưởng từ San Diego, rồi vợ chồng Anthony Cao. Anh Tân nói biết tôi bị bệnh gout, cử thịt bò, nên O Diễm đã nấu riêng một soong bún bò chay, làm tôi cảm động quá trời.

Anh Tân người cao lớn đẹp trai, có cháu nội rồi mà tâm tánh hồn nhiên, ăn ở cởi mở rộng rãi, khôi hài duyên dáng ai cũng thích. Anthony thì quá tốt, làm nha sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, mà ăn nói khiêm tốn giản dị, ân cần tử tế quan tâm đến người khác, hết lòng với bạn bè. Rồi các anh Trần quốc Sỹ, Bồ tùng Ma, Nguyễn Hữu Thời, mỗi người đem một món tới góp phần chia xẻ với nhau. Anh Tân Ngố cho biết "tiếc quá, các cô chắc không ai tới được hôm nay", nên cánh đàn ông ngồi riêng một bàn, bắt đầu ăn nhậu, uống bia.  Một lát thì chị Iris, Phương Dung và Thụy Nhã đến, ngồi bên bàn phụ nữ. Iris từ San Josexuống, mang theo đứa con gái út 18 tuổi. Chị có hàm răng trắng đều, tóc đen mướt, nụ cười tuyệt mỹ, hơn 50 tuổi mà trẻ như cô gái 30. Chị chúc tôi thế nào cũng phải đoạt giải nhất cho cả nhóm Việt bút hãnh diện. Phương Dung và Thụy Nhã từ Floridabay qua, chiều nay người nào cũng đẹp lộng lẫy. Tiệc bún bò của anh chị Tân-Diễm thật rôm rả, vui vẻ.

Ngày hôm sau  là thứ bảy, anh chị em sẽ qua họp tiếp ở nhà anh Trần Quốc Sỹ dạy "traffic school" tại Huntington Beach ăn uống. Anh Sỹ ăn nói nhanh nhẩu, hoạt bát, kiến thức về luật xe cộ rành rọt. Tôi tiếc không tới dự được, vì bận đưa vợ chồng em Chung lên Holywood coi di bút của các tài tử xi nê, đành hẹn ngày mai gặp nhau ở Lễ phát giải.

Hôm sau, một giờ rưỡi trưa Chủ Nhật, cả gia dình anh em con cháu tôi y hẹn tập họp đông đủ tại nhà em gái tôi Phạm Hoàng Phấn, ở dường Harbor, để chuẩn bị lên Việt báo dự lễ. Hiếm có khi nào gia đình họp mặt đông đủ như vậy ở ngoại quốc, nên ai nấy đua nhau lấy máy hình digital ra chụp lia lịa. Tôi là anh cả, lại là "nhân vật quan trọng" hôm nay, mặc đồ veste đen đứng chủ chốt cho mọi người vây kín xung quanh. Lúc khởi hành thì đồng hồ đã chỉ 2 giờ kém 5. Tôi hối con trai lái nhanh lên cho các xe sau bắt chước, kẻo tới trễ coi kỳ lắm. Đến nơi, con "drop" tôi xuống chạy đi tìm chỗ đậu, tôi hỏi mấy người trước cửa thì họ nói sắp bắt đầu, thở phào một cái. Gặp Quân Nguyễn cao ráo đẹp trai đi trờ tới ở bụi trúc, vừa bắt tay chào hỏi thì chị Nhã Ca ra chào.  Cả nhà kéo tới, bèn được dịp  giới thiệu với chị Nhã đông đủ vợ con, em trai em gái.

Vô cửa, mấy cô thư ký duyên dáng với đồng phục áo dài lụa đỏ nhanh nhẹn đưa vợ chồng tôi lên hàng ghế nhì ngồi, còn các con em đông quá ngồi dưới, chiếm nguyên một hàng ghế dài, sau lưng hàng ghế anh em Việt bút.  Quan khách và các tác giả lãnh thưởng đã ngồi kín 3 hàng ghế đầu. Có một thiếu nữ còn trẻ, tươi tắn xinh đẹp, mặc áo ngắn dỏ tươi, quay đi quay lại chăm chú nhìn tôi mấy lần, tôi đoán là Hoàng Thy, tác giả bài "Mẹ, khổ qua, và đường mòn Oregon" mà tôi rất thích. Tôi qua tìm gặp anh Lại quốc Hùng ngồi phía bên kia, tự giới thiệu làm quen, ngày xưa tụi này cùng nhập ngũ học chung một khóa Quang Trung đầu năm 68. Anh không biết tôi, nhưng tôi biết anh rất rõ vì ngày đó anh đã nổi tiếng hay tranh đấu biểu tình cho quyền lợi của khóa sinh. Sau này qua Mỹ, anh cũng lai rai xuất hiện trên văn đàn báo chí bình luận chinh trị. Hội trường Việt Báo chỉ chứa được khoảng hơn 200 người, sân khấu hơi chật so với sân khấu ở RoseCenternăm ngoái. Trên mỗi ghế đều để sẵn một tập sách mỏng giới thiệu chương trình và hình ảnh tên tuổi các tác giả vào chung kết. Không khí trong hội trường yên lặng, đèn vàng ấm cúng thân mật. Chị Kiều Chinh và ca sĩ Khánh Ly ăn mặc đơn sơ, bình dị như người nhà. Anthony lo lắng đôn đáo chạy tới lui lo màn hợp ca...

Đang nhìn quanh, bỗng thấy một cái camera to đùng, có càng 3 chân tripod được đẩy tới đặt xuống ngay trước mặt tôi. Một anh bước tới xưng là phóng viên Little Saigon Television, xin phép quay hình phỏng vấn. Sau đó, anh ta bắt tôi ngồi quay lại, chiếu đèn vô mặt. Anh hỏi  "tại sao về hưu mà còn tiếp tục viết" và về các vấn đề giáo dục ở Mỹ và VN. Chắc anh bạn phóng viên này đã đọc về background tôi  trong sách báo và có người vừa chỉ cho anh chỗ tôi ngồi.

Khoảng 2 giờ rưỡi thì buổi lễ bắt đầu khai mạc. MC Thụy Trinh -anchor của Little Saigon Radio và Hồn Việt TV- xuất hiện, giới thiệu người cùng điều khiển chương trình với cô là anh Nguyễn Ngọc Bảo về từ Houston, nơi có Trung Tâm Không Gian Nasa nổi tiếng của Mỹ, qui tụ rất đông các chuyên gia gốc Việt. Tại đây, anh Bảo là chủ tịch sáng lập Hội Văn Hoá Khoa Học, từ cả chục năm qua đã tổ chức thành công nhiều sinh hoạt đặc biệt. Bao nhiêu năm qua gặp lại Thụy Trinh thấy vẫn đẹp mặn mà, thông minh, nói tiếng Việt tiếng Anh lưu loát như nhau. Anh Bảo nói lời dẫn chương trình bằng giọng mạnh mẽ mà chừng mực. Lễ chào quốc kỳ và mặc niệm nghiêm túc mà cảm động. Cô bé Đan Vi với áo dài sao xọc xanh nối mầu cờ vàng trang trọng hát quốc ca Việt Mỹ quá hay. 

Như mọi năm, sau lời chào mừng khán giả của hai chị Nhã Ca - Kiều Chinh, chương trình bắt đầu bằng giải thưởng thiếu nhi Việt Báo, luật sư Nguyễn quốùc Lân của Học Khu Garden Grove lên phát biểu. Tiếp theo là phần trình diễn.  Các em thiếu nhi hợp ca. Ca sĩ Khánh Ly hát hai bài bài thơ do anh Trần dạ Từ phổ nhạc. Rồi Thượng nghị sĩ Lou Correa lên phát biểu, thêm một lần ngợi ca ý nghĩa việc Viết Về Nước Mỹ và gọi đây là công trình phi thường. Anh  Nguyễn Ngọc Bảo đọc thư của Thượng Nghị Sĩ Jim Web chúc mừng các tác giả thắng giải. Thụy Trinh mời các tác giả thắng giải đặc biệt lên sân khấu, và cùng anh Bảo giới thiệu từng tác giả, tác phẩm. Đèn chụp hình lóe chớp lia lịa.

Kế đến, ban hợp ca Việt Bút kéo nhau lên sân khấu trình bày hợp ca Hành khúc VVNM do Anthony Cao dày công biên soạn và tập dợt. Tôi cũng cởi áo veste ngoài, lẻn lên sân khấu qua ngả cửa hông, gia nhập anh em, đứng giữa anh Hưởng SaPy và Anthony. Bài hát hướng về đất nước thân yêu, trầm hùng mà cảm động, thấm thía làm sao.

Sau màn hợp ca, tới phiên anh Nguyễn Xuân Nghĩa mời ban tuyển chọn chung kết  lên sân khấu. Năm nay, về phía các tác giả kỳ cựu từng được giải thưởng tham gia ban tuyển chọn,  ngoài chị Trương Ngọc Bảo Xuân, giải chung kết 2001, còn được  tăng cường thêm anh Bồ Tùng Ma, giải Việt Bút năm vừa qua. Chỉ riêng điều này cũng đủ cho thấy tính khách quan của giải thưởng.

Với tư cách trưởng ban tuyển chọn từ 2003 tới nay, anh Nghĩa nhìn nhận việc đánh giá tác giả, tác phẩm trong danh sách chung kết năm nào cũng là chuyện nhức đầu, vì mỗi người mỗi bài đều có cái hay riêng, rất khó so sánh.  Vì vậy, trên  căn bản là "bài nào làm bật lên được càng nhiều chi tiết sống thực càng hay," việc tuyển chọn được thực hiện bằng số điểm cho các tiêu chí chung:  Đề tài  nội dung; Cách viết sức viết; và ý nghĩa thông điệp của bài viết. Giọng Bắc chính cống, khi nín lặng, khi tuôn ào ạt, tài ăn nói của anh Nghĩa vào hàng siêu đẳng, làm khán giả hồi hộp, mà người trong cuộc được vinh danh cũng ngây ngất, bồi hồi. Tôi nhớ lại năm nào khi còn dạy học ở San Jose, cũng một lần được giải mà Việt Báo không cho biết trước, chỉ gửi giấy mời, nên nhờ cô em gái ở Wesminster đi dự nhận giải dùm.

Khi anh Nghĩa tuyên bố về giải Việt bút năm nay, tự nhiên tôi hiểu ngay giải này năm nay phải là Trần Nguyên Đán. Mà quả đúng thật. Kìa,  anh Đán, mới  tuổi 50' mà tóc đã bạc trắng, đang từ từ đi lên. Khi  được chị Kiều Chinh trao giải, anh vui vẻ cầm micro phát biểu mấy câu. Tôi tự hỏi lát nữa tới phiên mình, không biết tôi có bình tĩnh được như anh hay không.

Đến phần giới thiệu các tác giả vào chung kết, tôi hơi hồi hộp, nhưng thích thú tò mò muốn biết ai sẽ làm Á hậu, vì bài nào vô chung kết cũng hay cả. Anh Lại quốc Hùng lên trước. Anh là tác giả bài "Chiều Xăng Phăng Miên Man" nói lên  tâm sự và nhận thức của một cử tri gốc Việt  về kết quả bầu cử, đưa ông Obama, người da màu đầu tiên lên làm Tổng Thống Mỹ. Tiếp theo là chi Lê thị Yến với bài "Levina", chuyện buồn của cô gái  Việt lai da đen; Rồi anh Võ Trang với 3 bài tự truyện thâm trầm sâu sắc, nói lên tình cảm "nửa ơn, nửa hận" tế nhị đối với quê hương thứ hai. Tiếp theo là chị Khôi An, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" nói lên tâm trạng của một thuyền nhân Việt đối với  quốc kỳ Mỹ và nước Mỹ.

Sau đó, chị Bảo Trân lên làm Á hậu 1 với bài "Con Bé", câu chuyện ly kỳ về một cô bé teenage gốc Việt mang bầu xin welfare ở Ty xã hội. Tôi lại tò mò muốn biết tiếp chị được giải Tác giả hay Tác phẩm, vì cái biên giới giữa 2 category này không rõ ràng, rất khó đoán. Kết quả: Chị nhận giải Vinh Danh Tác giả, có lẽ vì chị  đã từng viết nhiều bài hay khác về Xa lộ 105,  về Ông Bảo Trợ Người Mỹ...

Nối bước chi Bảo Trân là cô bé "áo đỏ" thông minh xinh đẹp Hoàng Thy 19 tuổi tươi cười bước lên làm Á hậu 2, được Hòa Bình trao giải Tác phẩm, một chọn lựa quá đúng đắn. Bài "Mẹ, Khổ Qua..." với óc hài hước mà sâu sắc hiếm cóù, đã làm cha con tôi đọc đi đọc lại mấy lần, lần nào cũng cười mà cảm động. Đúng là "tài không đợi tuổi", chỉ  một bài viết  đầu mà đã gây chấn động.

Vậy là sắp đến lượt mình.  Tôi nắn lại cà vạt, xốc lại áo vét, và thoáng bắt gặp anh Trần Dạ Từ vừa nhìn xuống "kiểm tra". Và anh Nguyễn Xuân Nghĩa bắt đầu dàn dựng màn "suspense" thường lệ mọi năm làm cho khán giả hồi hộp trước khi đọc tên "hoa hậu", mặc dầu đến lúc này thì bà con đã thấy rõ là ai.

- Năm nay, nhiều tác giả từ các nơi xa xôi đã bỏ công cùng về họp mặt. Xin mời các chị  Iris, Thinh Hương, Ngọc Anh, Nguyễn Mão.... Các anh Tân Ngố, Anthony, Anh chị Nguyễn Văn Hưởng... tất cả, tất cả... Đâu rồi, hai cô Nguyễn Trần Phương Dung, Thụy Nhã về từ Florida, mời lên.  Chúng ta chuẩn bị đón mừng người nhân giải chung kết tác giả tác phẩm năm thứ chín. Đây là một tác giả "nặng ký" được người đọc ưa chuộng và bạn bè quí mến...

Tôi bắt đầu hồi hộp. Tiếng vỗ tay rào rào. Trên cái sân khấu nhỏ, đứng đầy hai ba chục người hớn hở, ăn mặc lộng lẫy, tươi tắn chờ đợi, người cũ người mới, lớp trong lớp ngoài. Đèn chụp hình lóe chớp loang loáng từ dưới các hàng ghế. Anh Nghiã tiếp tục màn "hồi hộp":

- Xin mời...

Tai tôi như ù đi khi nghe tên "Phạm hoàng Chương" được nhiều người đồng thanh la to từ phía sân khấu. Tôi đứng dậy láo đảo đi lên như người say rượu. Cả hội trường và sân khấu rào rào tiếng vỗ tay, làm tôi hoảng, vội bắt chước vỗ theo cho đỡ ngượng. Tôi xoay người lại, cố nở nụ cười thật tươi trình diện khán giả. Khắp nơi nhiều người đứng thẳng lên dơ cao camera chụp loang loáng. Cái sân khấu nhỏ lúc này rất đông. Tôi bước lên stage, không có chỗ đặt bàn chân, loạng choạng suýt ngã, may nhờ hai người đẹp Á hậu và Hoa hậu năm ngoái trợ giúp, mới quay mặt được về phía khán giả. Bên tai tôi loáng thoáng nghe tiếng nói về chính mình,  nào "làm nghề cắt cỏ để đi học lại" rồi " tiến sĩõ giáo dục" rồi nhà giáo kiêm chủ tịch hội đồng hương... Trong đám khán giả chụp hình, có cả các em và con tôi đứng dậy vừa quay phim vừa bấm ảnh. Trong mấy giây đồng hồ đứng ngây ngất như người say rượu giữa đám đông, ánh đèn sáng ấm áp, tiếng vỗ tay râm ran bốn phía, tôi bỗng thấy mọi thứ bỗng  mờ đi vì  nước mắt ràn rụa sau cặp kính trắng. Tôi nhớ mẹ tôi tóc trắng còn sống thui thủi bên kia trời Việt nam. Tôi nhớ ba tôi với công ơn dậy dỗ rèn cặp thời niên thiếu. Phải chi có phép màu nào cho Ba tôi sống lại, cho tôi được ôm Ba, khoe cái hạnh phúc này với Ba như một lời cám ơn muộn màng thốt ra tự đáy lòng đứa con đầu Ba hằng thương yêu nhất... Không biết cái miện đã mếu chưa. Tôi vội nhe răng cười rồi chớp mắt, định thần.

Anh Nghĩa đưa tôi cái micro. Tôi ngỏ lời cảm ơn giải thưởng Việt Báo, cám ơn ban giám khảo. Hướng về phía khán giả, tôi nói lên lòng mến phục của mình với các tác  giả tác phẩm Viết Về Nước Mỹ, rồi kể về niềm say mê thích đọc, thích viết  đã đưa tôi đến với giải thưởng Việt báo ra sao. Có một phút tôi khựng lại yên lặng vì dầu óc tự nhiên trống rỗng. Rồi tôi bừng tỉnh, nói thêm về giá trị lịch sử, ảnh hưởng văn học, về công năng của bộ sách VVNM đối với thế hệ mai sau. Hiểu là phần mình chỉ có ba bốn phút, tôi nói nhanh nhanh và cảm ơn rồi cùng tất cả anh chị em trên sân khấu bước xuống. Nhiều người đưa sách VVNM 2009 mới mua cho tôi ký tên, kể cả một số tác giả mới vừa được giải thưởng. Tôi bắt gặp những ánh mắt thân thiện, của những người lạ, những nụ cười bắt tay ấm áp của bạn bè thân hữu chúc mừng. Tôi chụp hình chung với chị Nhã Ca và Kiều Chinh. Anthony cũng đòi chụp chung một tấm với tôi. Mọi người qua bên kia phòng xếp hàng lấy dĩa múc gắp thức ăn theo kiểu buffet "all you can eat". Thức ăn rất ngon. Nước uống la liệt. Mọi người thoải mái đi đi laị laị, trò chuyện, cười cười nói nói như bà con một nhà. Mấy chị em Việt bút  theo rủ rê các nữ tác giả chung kết mới tham gia nhóm VB. Không khí trong tòa báo thân mật và ấm cúng như trong gia đình. Lấy thức ăn xong, khi quay lại thì đã thấy cả hội trường biến thành một... nhà hàng, từng bàn ăn tươm tất. Chỉ dăm mười phút mà đã đâu vào đó, đúng là chuyện phải khen các anh chị phụ trách việc tổ chức.

Tôi đang ngồi ăn vói bà xã và các con thì có chị Quyên tới đưa cho một phong bì trong có tấm check giải thưởng VVNM. Một ký giả xưng là nhà báo Việt Weekly tới chụp hình tôi, tươi cười làm quen, xin được phỏng vấn. Tôi hơi ngại, nhưng cũng trả lời thẳng thắn những gì mình nghĩ.  Rồi Hòa Bình yêu cầu tôi qua bên kia cắt bánh tráng miệng có hình lá cờ Mỹ bằng "sô cô la" đủ màu trên top. Máy hình lại lóe lên loang loáng. Chị Nhã Ca đích thân đứng đón. Chị Iris, anh chị Trần nguyên Đán, rồi chị Bảo Xuân được yêu cầu phụ nắm tay tôi cắt chiếc bánh khổng lồ. Một nhiếp ảnh viên của VB mời tôi ra đứng trước tấm poster "Chào Mừng Các Tác Giả Viết Về Nước Mỹ” có  hình Nữ thần tự do để chụp hình làm tài liệu cho cuốn sách sang năm.

 Trong một thoáng, đứng giữa bao nhiêu người thân trong gia đình, bạn bè thân hữu, thương mến xung quanh, trong khung cảnh hiền hòa ấm cúng thân mật của Việt báo, cái Tiểu Ngã của tôi được thể vùng lên, cứ mong hạnh phúc ngắn ngủi này kéo dài mãi.Tôi ước cho tất cả nhân loại trên thế giới này ai cũng được no đủ, hạnh phúc như tôi đang được hưởng buổi chiều  hôm nay, nhưng rồi tôi nhớ lại tất cả vinh hoa phú quí ở đời  đều là hư ảo, tạm bợ, vô thường. Tôi hiểu mọi sự không đứng yên một chỗ.Ta phải vui vẻ chấp nhận sự thay đổi, coi như chuyện đương nhiên. Và hy vọng  sang năm 2010, năm thứ mười của Viết Về Về Nước Mỹ, năm thứ 35 của người Việt hải ngoại, mọi chuyện sẽ vui hơn, đẹp hơn.

Một lần nữa, xin cám ơn, cám ơn...

Phạm Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến