Hôm nay,  

Tâm Sự Bẩy Năm Định Cư

17/08/200900:00:00(Xem: 105151)

Tâm Sự Bẩy Năm Định Cư

Tác giả: Tuyết Bùi
Bài số 2701-16208772- vb281709

Tác giả là cư dân Virginia, định cư tại Mỹ từ năm 2000.  Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Tuyết Bùi là tâm sự bà mẹ goá, một mình làm nghề nail nuôi con. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Tính tới thời điểm này, ba mẹ con tôi định cư ở nước Mỹ được 7 năm. Đếm trên đầu ngón tay, bảy năm không là bao so với  một đời. Nhưng đối với tôi đó là một quá trình dài đằng đẵng phấn đấu không ngừng để có thể đứng vững và hội nhập vào nước Mỹ.
Năm 2000, ăn tết VN xong ba mẹ con tôi lên máy bay sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, do bố tôi bảo lãnh. Lần đầu tiên ngồi trên máy bay, lòng tôi hồi hộp lo sợ vô kể, nhưng không dám nói ra, sợ hai con tôi sợ, vì chúng còn bé quá! Đứa lớn 10 tuổi, bé 6 tuổi. Tôi sợ! Sợ không biết sẽ sống ra sao trên đất Mỹ hoàn toàn xa lạ, tất cả mọi cái bắt đầu từ số zero to tướng.
Dù sao tôi cũng cám ơn Trời Phật đã đưa gia đình tôi qua Mỹ mà không phải đối mặt với những vất vả, hãi hùng, kinh khiếp nhất, khi phải rời quê hương ra đi, mong thoát khỏi chế độ cộng sản. Cảm thấy may mắn hơn vạn lần những người vượt biên đường biển, đường bộ đối diện với công an, cưới bóc, hải tặc, giông tố, mạng sống luôn treo mong manh trên sợi tóc.
Sau khi ổn định giấy tờ và nơi ăn, chốn ở, nửa tháng sau, tôi theo người quen ra tiệm học nghề Nails. Hồi ở Việt Nam, tôi không có chủ định sang Mỹ làm Nails, nhưng khi tới Mỹ rồi thấy trình độ Anh Văn của mình kém quá, nên đành vậy! Vả lại, tôi cần tiền, có việc làm lo cho hai con và những chi tiêu hằng ngày.
Vô tiệm, chị chủ Nails thông dịch dùm tôi. Tuần lễ đầu tôi còn lọng ngọng, tay run. Nhưng được cái sáng dạ, chịu khó, tuần lễ thứ hai đã quen việc. Công việc cuốn hút tôi làm hết 7 ngày mỗi tuần, không thể nào dứt ra để mà học ESL được. Thôi đành phó mặc!
Gia đình thấy tôi đã làm ra được tiền nên không cần quan tâm tới ba mẹ con tôi nữa. Từ ngày đó cho đến nay bẩy năm rồi, tôi tự bươn chải, xoay sở một mình và tự nhủ giống như câu hát "Lâu rồi, đời mình cũng qua." Đôi khi ngẫm nghĩ, so sánh con người mình của ngày trước và hiện tại mà bỗng giật mình. Yếu đuối, ủy mị, luôn ưu phiền, nay không còn nữa! Thay vào đó, thực tế buộc mình phải can đảm,  mạnh mẽ, dứt khoát.
Nhớ lại chuyện của 10 năm qua, lúc phải ký xác nhận giấy chứng tử cho chồng, tôi cảm thấy thế giới quanh mình vụt xụp đổ. "Tôi có thể làm gì nhỉ"" Tôi đã tự hỏi mình như vậy bao lần, khi cố vượt qua nỗi buồn đau vì cái chết của chồng. Chấp nhận không còn người chồng thân yêu trong đời thật giống như một bản án lưu đày, tháng năm những tưởng là vô tận. Ngày trước, tôi hoàn toàn sống dựa vào chồng từ tinh thần, đến vật chất. Tôi như một cây lan rừng sống tầm gởi vào cây thông, không biết gì đến cạm bẫy ngoài đời. Sự ra đi đột ngột của anh làm tôi hụt hẫng.
Ngày xưa, ông xã tôi thường hay lo lắng và bảo tôi rằng nếu như không có anh ấy,  tôi như người đi biển mà không được học bơi, cũng không biết chèo chống là gì, lại không được trang bị phao thì khó sống lắm! Giờ ngẫm lại quả lời chồng tôi nói không sai.
Tương lai của tôi mờ mịt và không muốn nghĩ đến. Đôi lúc chỉ muốn tan biến theo ông xã, để nội ngoại đừng nghĩ rằng mình không đủ sức đưa con đi vào bờ. Chới với trong một thời gian dài,  tôi khổ tâm không ít! Đúng như ông xã từng nói, cha mẹ sanh tôi ra không tập cho bơi,  rồi cũng không có phao, sống được là nhờ "Ơn trời". Nhưng tuổi thơ của 2 trẻ chỉ còn chỗ dựa cả về về vật chất lẫn tinh thần là chính tôi!
Tôi không muốn hoàn cảnh khốn khổ của mình bị lập lại. Tôi đang tập cho 2 trẻ phải biết bơi- chúng phải được bình yên, học hành đến nơi, đến chốn, không như mẹ nó.
Cũng may, nhờ ơn trên, tôi luôn được bạn bè giúp đỡ và công việc làm Nails cũng tạm trôi chảy. Thời khóa biểu của tôi từ ngày sang Mỹ tới giờ, giống như Charlot trong phim "Thời Đại Tân Kỳ"- lúc nào cũng như cái máy luôn tay luôn chân- một ngày như mọi ngày, không có thời gian dành cho con cái. Tôi cảm thấy có lỗi như "đem con bỏ chợ." Cuộc sống không cho phép tôi tạm nghỉ và cũng không cho phép tôi mệt mỏi. Mặc dù tôi rất…rất…mỏi mệt!
Công việc làm Nails nhiều khi cũng thấm đẫm nước mắt. Không ít đau lòng vì cảnh trâu buộc ghét trâu ăn! Biết làm sao được! Khi đó là qui luật đấu tranh kinh tế. Tôi thì chẳng bao giờ muốn tranh với ai, luôn sống đúng lương tâm và bản thân, đành trông vào ân sủng của Thánh nhân đãi kẻ khù khờ…
Bẩy năm qua, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong nghề Nails, buồn vui của nghề và không phải không có những đụng chạm giữa chủ  và thợ. Thiên hạ thường đưa ra lời bóng gió chê bai "Nghề Nails hạ cấp, dân không có học không biết tiếng Mỹ rành mới làm Nails." Tôi thjì thấy nghề nào cũng là nghề, cũng mồ hôi nước mắt đổ ra mới kiếm được đồng tiền. Đôi khi các bạn sinh viên VN, dù nam hay nữ, khi học xong đại học chưa kiếm được việc làm chính thức cũng học Nails làm tạm thời để chờ việc. Nhiều bạn sinh viên nữ tâm sự trong suốt thời gian 4 năm đại học, xin làm Nails part time để có thêm tiền chi phí cho sách vở và linh tinh. Lấy ngắn nuôi dài! Đây cũng là nghề làm dâu trăm họ, phải khéo chìu chuộng những bà khách khó tính như bà mẹ chồng, đến khi khách hàng mỉm cười hài lòng, nói thankyou, lúc đó mới nhẹ cả người.


Một bộ móng tay bột khi hoàn tất với vẻ đẹp tự nhiên và đường nét vẽ thanh, xinh xắn, lòng mình cũng tự hào và vui lắm chứ! Tôi nhận thấy Nails là một môn nghệ thuật thẩm mỹ ngang hàng với những ngành nghề khác. Vì Nail cũng phải học và thực hành tại trường lớp, bắt buộc thi lấy bằng Nails hẳn hoi, mới được phép hành nghề. Cho nên những ai lên án nghề Nails hạ cấp dân không học, thì cũng nên suy nghĩ lại cho công bằng.
Tôi hiện giờ vẫn đeo đuổi nghề Nails và dần dà cũng đã thạo nghề và yêu nghề. Bởi chính Nails đã giúp tôi mở mang kiến thức về móng nhân tạo, sự lợi hại về hoá chất Nails như thế nào" Đồng thời nó đã giúp tôi vượt qua những khó khăn về tài chính khi hội nhập vào Mỹ, góp phần đắc lực trong việc 3 mẹ con tôi tạm đủ những vật chất căn bản tối thiểu mà ở nước Mỹ cần có và sau cùng nó đã cho phép tôi giúp đỡ thêm thân nhân, bạn bè ở VN còn gặp nhiều khó khăn về tiền bạc. Không có nghề nào xấu cả chỉ có tấm lòng con người không tốt mà thôi, và rất vui khi thấy mình cũng là người đem lại vẻ đẹp cho phụ nữ.
Tôi lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn ở đất Mỹ, đôi lúc bầm dập, tủi thân, ê chề mới bừng tỉnh cơn mê. Tài sản duy nhất của tôi giờ là 2 con trẻ. Tôi cần phải đầu tư và chăm sóc chúng, chỉ mong rằng chúng đừng có trở thành những giọt nắng đi hoang là tôi mãn nguyện rồi. Nhu cầu của trẻ con là ăn, mặc, chơi và học. Tôi chỉ có 2 đứa con mà không sao lo cho chúng đầy đủ được. Từ ngày chúng lớn lên, nhất lại ở bên Mỹ thiếu vắng tình thương và sự chỉ bảo của người cha, làm tôi đau lòng lắm! Ngày xưa, tuổi thơ của tôi rất vui và không trôi qua âm thầm lặng lẽ như chúng bây giờ. Muốn bù đắp cho con trẻ bằng tương lai nhưng hiện tại lại trống rỗng quá!
Cái nghĩa vì con nó cao cả và thiêng liêng, không đơn giản.  Việc kiếm ăn mưu sinh ở đất cờ hoa vốn khắc nghiệt và đổ mồ hôi mờ con mắt, chứ chẳng có vụ tà tà, phất phơ như VN. Nó đúng nghĩa đồng tiền xương máu đấy! Nhưng nó cho người chịu bán sức lao động, có đủ cơm ăn, áo mặc và nhà thuê (ở), chứ không như quê nhà, lắm khi làm kiết xác cũng chẳng có cái ăn. Lo cho con có cái ăn ccái ở đã khó, nhưng còn chưa khó bằng việc dạy con. Tôi muốn dạy con,  muốn khuyên dạy chúng điều này điều nọ, nhưng không thực hiện được.  Lũ trẻ ngày lớn, chúng càng khó nói chuyện và tự ý làm theo ý thích riêng không lý gì tới sự khuyên răn của mình. Tôi đang gặp lúng túng, dù con tôi rất yêu mẹ! Nhưng tôi thấy chúng mỗi ngày thoát ra khỏi sự kiểm soát của mình.
Tuy đang sống trong một đại gia đình, tôi cũng như tất cả mọi người ở Mỹ lâu năm đều theo chủ trương "yourself" anh chị em cũng chẳng gánh vác và chia sẻ được  gì, thêm vào sức khỏe giới hạn của phụ nữ ở tuổi hoàng hôn không biết tôi có 1o vác nỗi "thánh giá" để nuôi 2 con trẻ đến tuổi trưởng thành.
Ở tuổi hơn 40, sau nhiều năm goá bụa,  quay cuồng với cuộc sống cơm gạo, áo tiền, bill nợ…. tôi đã phải tập làm chủ cảm xúc khi buồn phiền hay nóng nảy, giận dữ. Cũng có lúc nghĩ  tới việc mưu cầu hạnh phúc riêng một lần nữa cho mình, nhưng còn phải lo  trách nhiệm với các con, xem ra là việc không phải dễ. Khi muốn ràng buộc cuộc đời mình vào ai đó một lần nữa, tôi thường hỏi lại lòng "người ấy có thực sự cần thiết trong cuộc sống của mình không""
Tôi nhận thấy 7 năm qua ở đất Mỹ, cuộc sống thực tế đến lạnh lùng, khó có người mà do quen biết sơ, chẳng hiểu về nhau nhiều, lại có đủ lòng tốt ra tay nghĩa hiệp lo cho 3 mẹ con bằng cuộc sống hôn nhân có giá thú với mọi điều kiện ăn theo và đầy rẫy trách nhiệm. Thật khó lòng lắm! Tôi tự vẽ ra cho mình thấy những khó khăn bất trắc sẽ xảy ra vì đôi khi có người chỉ bước đi mà không hề nhìn dưới đất có gì sẽ đạp phải.
Đối với tôi, bề ngoài thô thiển và cứng nhắc, nhưng tâm hồn thật nhạy cảm nên việc vui, buồn, dễ tác động đến bản thân mạnh mẽ và sâu sắc. Nó khắc ghi và khó mà xóa bỏ. Cân nhắc mãi giữa lợi và hại, xem ra có vẻ tính toán kỹ quá, đành chọn cách giản dị là... khỏi nghĩ thêm nữa. 
Bộ phim hoang tưởng của thế kỷ 21 mang tên "Đi tìm chiếc đũa thần" không biết tôi có đóng trọn vai diễn không" kết quả ra sao! Thôi thì "hãy đợi đấy" "chỉ biết rằng tôi cố gắng không đầu hàng những trở ngại…
Ai cũng từng nghe nói nước Mỹ sẽ cho bạn tất cả, nếu bạn là người cần cù, siêng năng và tự học hỏi vươn lên vượt qua những khó khăn. Tôi đã nghe và tin điều này. Đến một lúc nào đó, cơm gạo áo tiền giảm nhẹ bớt đôi chút, đứa trai út được vào đại học. Tôi sẽ thu xếp lại thời khóa biểu của mình, để ghi tên đi học lại ESL chẳng hạn! Đi Học! Đó là điều mơ ước, ấp ủ trong lòng tôi suốt bao năm ở Mỹ. Hoa Kỳ là quốc gia hợp chủng , trường học Mỹ luôn mở rộng cánh cho mọi lứa tuổi. Ăn thua mình có kiên nhẫn và khả năng để theo đuổi việc học không" Làm Nails và đi học ở Mỹ đối với tôi là tìm kiếm cơ hội phát triển, đấu tranh để tồn tại và thăng tiến trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Dẫu sao, tôi cũng cám ơn đất Mỹ đã cho ba mẹ con tôi cuộc sống tương đối đầy đủ mà bao người ao ước. Tôi chỉ mong được sống bình thường và bịnh tật đừng rủ nhau đến là hạnh phúc biết bao!
Sau cùng cám ơn Tòa Soạn Việt Báo đã có chương trình Viết Về Nước Mỹ để riêng tôi và mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào- được trải lòng ra trang giấy, chia xẻ để nhẹ lòng và tiếp tục đi tới.
Tuyết Bùi –Virginia

Ý kiến bạn đọc
01/04/201112:43:25
Khách
Tôi không thấy nghề nào hạ tiện hết, nhất là trên xứ Mỹ nầy. Nhưng hạ tiện nhất là phần đông (not all) những người làm nail không thật sự khai thuế đầy đủ, rồi xin trợ cấp của chính phủ, không mua bảo hiểm, xài phiếu medicare, medicaid, đồng tiền mồ hôi nước mắt của công dân Hoa Kỳ đóng thuế, thậm chí có người còn lợi dụng medicaid lấy thuốc gởi về cho thân nhân bên VN. Cái đó mới tồi!!!!!!
nguoi thu c/s
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến