Hôm nay,  

Đi Chợ Trời Ở Mỹ

04/08/200900:00:00(Xem: 99980)

Đi Chợ Trời Ở Mỹ

Tác giả: Nguyễn Dân
Bài số 293-16208762- vb380409

Tác giả Nguyễn Dân, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, năm 1995 định cư tại Mỹ theo diện H0-30, hiện là cư dân San Jose; Công việc: làm hãng điện tử Rackable Systems. Ba năm trước đây, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên “Đi Lượm Lon Trên Đất Mỹ” thể hiện cái nhìn tinh tế và tấm lòng tử tế. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong ông tiếp tục viết.

***

Lúc còn ở Việt Nam, bà con mình nghĩ rằng khi qua Mỹ hoặc một số nước nào đó ở ngoại quốc, cuộc sống sẽ hoàn toàn đổi khác, sẽ không có cảnh làm ruộng để ngày ngày phải ra đồng, dãi nắng, dầm sương.
Đất nước văn minh mà!  Làm gì cũng máy móc. Thức ăn cũng chế biến bằng máy. Nhà ở tiện nghi, đi đâu cũng là xe hơi, là máy bay. Một vài người quen là Việt kiều sinh sống ở nước ngoài từ trước, về nói là có khi cả năm bàn chân không chấm đất. Nghĩa là muốn lội xuống đất, xuống bùn sình cũng thật hiếm khi. Rõ là sống ở thiên đàng, đâu có cảnh tay lấm chân bùn.
Một số người là nông dân lại lo: đây rồi qua Mỹ, cuộc sống đổi đời, muốn ăn cọng rau, trái cà, trái bầu, trái bí, cây nhà lá vườn sẽ phải làm sao. Bao đời chung sống gần gũi với ao, vườn, đồng ruộng, mất đi mình sẽ nhớ lắm. Có người còn cẫn thận, ra sau nhà xới lấy một nắm đất, nhặt mấy cọng ngò om, hạt quế, hạt mồng tơi... phơi khô cất kỹ, mang theo để giữ làm kỷ niệm.
Gia đình một anh bạn, qua Mỹ theo diện HO, khi vừa đặt chân qua Mỹ là (cuộc sống) hầu như khác hẳn. Nhà ở khép kín. Hàng xóm láng giềng kế bên vách, vậy mà hầu như xa lạ lạnh lùng. Mỗi khi đụng mặt gặp nhau, tốt lắm là hé nụ cười, và gật cái đầu chào cho có lịch sự. Cuộc sống lẻ loi, khép kín hoàn toàn, dù rằng mọi thứ cái gì cũng có. Chỉ thiếu mặn mà tình nghĩa tương lân.
Tuy nhiên, dần dà rồi cũng quen. Và càng ngày càng khám phá ra là không hẳn vậy. Không hẳn ai sống mặt ai, và hình ảnh nếp sống của quê nhà VN vẫn có. Vẫn có tình bạn hữu, vẫn có tình lối xóm láng giềng. Đôi khi vẫn có "tối lửa tắt đèn" giúp nhau mỗi khi nhà hàng xóm hửu sự. Nhà có người bệnh bất ngờ, láng giềng gọi giùm xe cấp cứu. Nhà có đạo tặc, có cướp bóc, hàng xóm cũng giúp tận tình.
Ra đi mang theo quê hương. Có! Hình ảnh quê nhà vẫn hiện hữu trong tập thể cộng đồng, tại các siêu thị, tại nơi hội chợ, tại các lễ hội sinh hoạt thường niên, và đặc biệt là vào dịp tết.
Cũng  như bao sắc dân, chủng tộc khác, cộng đồng người Việt thành hình, và hình ảnh quê nhà VN rải rác khắp nơi đều có. Sau một thời gian, không cần những nắm ngò om, mồng tơi, rau quế phơi khô chắt chiu mang theo, những thứ của quê nhà đó đang hầu như có mặt khắp mọi nơi - bất cứ ở đâu có người Việt.
Hình ảnh quê hương VN như là vườn rau, vườn cây ăn trái, vườn hoa kiểng bây giờ ở Mỹ đang có ở từng nhà, và có cả ở... chợ trời.
Ở VN ta, nhất là đối với người dân quê thường hay dị ứng, không mấy thiện cảm với chợ trời. Vì nghĩ rằng chợ trời là một nơi mua bán thiếu lương thiện: lường gạt, gian manh, giả dối, chụp giật, ma mãnh v.v. và những gì ở chợ trời thì hầu như là tạp nham, vô luật pháp. Cũng từ đó mà người dân quê hiền lành, chất phác, người ta rất ngại chợ trời.
Ngại, nhưng mà lắm lúc vẫn cần, vẫn đến vì ở chợ trời có nhiều thứ dể bán, dễ mua. Mất một món đồ gì đó, không biết phải làm sao, người ta đến chợ trời. Không phải tìm đúng món đồ (đôi khi lại đúng đó!) nhưng mà có thể tìm được thứ tương tự thay thế, giá lại rẻ và về xài cũng OK   vì thế mà chợ trời luôn được chiếu cố.
VN ta trong thời kỳ chiến tranh ở miền Nam thì đã có đầy dẫy chợ trời. Những tưởng rằng cái thứ chợ xô bồ, vô luật pháp chỉ có ở những nước lạc hậu, chậm tiến. Không ngờ ở Mỹ cũng có lắm chợ trời, và chợ trời vẫn luôn tấp nập kẻ bán người mua. Có đìều là chợ trời ở Mỹ không phải là vô luật pháp.
Sau mấy ngày đến Mỹ, chưa có công việc làm, lại còn lạ nước lạ cái, một anh bạn rủ tôi đi chợ trời.
OK, thì đi cho biết.
Chợ trời Berryessa vùng Sanjose, nghe nói là (một chợ trời) lớn nhất - lớn nhất ở Mỹ mà cũng nhất thế giới. Lần đầu tiên tôi đến, trông thấy quả là to lớn và vĩ đại thật. Một khu vực rộng vô cùng, đi hoài không giáp, bán đủ thứ, và đông nghẹt mọi sắc dân. Người ta ở đó bán, ngưới ta đến đó để chơi, để mua, ngay cả du khách từ các châu lục cũng đến tham quan cho biết. Một khu chợ quá ồn ào, quá náo nhìệt quá là đông vào các ngày cuối tuần. Và trong số đó, người VN mình cũng không ít, cả bán, lẫn mua.
Dân VN mình đã chen chân tự hồi nào vào chốn đông đảo dễ làm ăn, dễ kiếm tiền này" Dường như ở đâu có chợ trời là vẫn có VN.
Hỏi ra thì được biết, một khu chợ đã thường xuyên có gần cả trăm ngàn người bán.  Vậy người mua tới lui hằng tuần độ là bao" Đông, và đông lắm.
Dù rằng chỉ có mua bán 2 ngày cuối tuần là chủ yếu (có thêm thứ tư, năm và sáu nữa, nhưng mà không mấy đông) riêng "Berryessa" đã giải quyết một số khá lớn công ăn việc làm. Trong số này có người VN định cư trên đất Mỹ - người ở lâu cũng như người mới đến.
Bán ở chợ trời, một vốn bốn lời. Không cần phải có vốn nhiều lắm đâu (có vốn nhiều thì mở mang nhiều), mà vốn ít, chỉ cần có 5-7 ngàn đô là có thể mướn một ô nhỏ mua đồ về bán. Thậm chí có người không có vốn, nhờ bà con, bạn bè giúp đở: mua giúp một ít đồ lặt vặt, mướn một ô (25 đô/ngày), chịu khó ngồi bán suốt ngày cũng kiếm được 5-7 chục đồng lời. Tích cóp mà gầy dựng và dần dần mở mang cơ ngơi thêm nữa. Một anh bạn bây giờ khấm khá, khá là giàu cũng bước đầu nhờ ở chợ trời.


Đó là muốn làm chủ, còn làm công thì quá dễ. Muốn tìm việc, chỉ cần đi dạo một vòng, thấy chỗ nào "coi được" là vào xin việc. Tiếng Anh chỉ cần bập bẹ, biết đếm, biết tính, biết chào hỏi, biết gọi mời là OK. Người ta lúc cần, vẫn mướn. Mướn trả tiền mặt. Dễ dàng và thích hợp vô cùng cho những di dân mới đến trong cơn túng thiếu, đang còn hưởng trợ cấp welfare.
Người VN mình đâu dễ gì bỏ qua cơ hội làm ăn như vậy. Chợ trời đã góp phần không nhỏ, đở đần không ít cho cuộc sống người dân xứ lạ mới đến định cư.
Dần dà, cuộc sống vươn lên, dẫu có khá, chợ trời người ta vẫn không rời bỏ. Và càng khám phá thấy rằng đối với VN mình, chợ trời còn mang sắc màu tình tự quê hương.
Ai có dịp ghé qua chợ trời - bất cứ đâu -  đến khu bán hoa màu, rau quả thì sẽ rõ. Thỉnh thoảng ta bắt gặp một quang cảnh không khác gì ở VN.
Chợ trời cung cấp thực phẩm tươi, không thiếu những thứ từ "cây nhà lá vườn" mang đến.
Chợ trời bán rau cải, hoa màu, trái cây, bán thực phẩm tươi sống như gà, vịt, cá... Và đi chợ trời như là một thói quen không thiếu được trong nếp sống và sinh hoạt của bà con VN mình.
 Người VN sống nơi ruộng vườn, ra đi mang theo quê hương, có thể nói là mang theo luống rau, liếp cải, vườn cây. Những thứ mà bao đời đã gắn bó thiết tha trong cuộc sống. Bà con VN ở Mỹ, khi đã phát triển, có nhà, có đất là hầu như có một khu trồng trọt. Trồng đủ thứ. Trồng không phải chỉ để ăn  vì nhu cầu thực phẩm không thiếu   mà trồng để có một mảnh vườn - trước tiên là để vận động cơ thể, tránh cảnh ăn không ngồi rồi đối với người lớn tuổi. Trồng để vun hoén mầm xanh. Trồng để thấy mình còn gần gũi với quê hương với những cọng rau và cây trái: một giàn bầu lã ngọn, trái xanh xỏ xuống oằn sai. Một giàn mướp trổ bông vàng sau nhà, những cây bưởi, cây chanh, cây ổi, cây mảng cầu... xanh cành,  trỉu quả. Đó là hình ảnh của quê nhà. Thân thương và quí hóa làm sao, một khi đang sống giữa quê người.
Trồng để có niềm vui, niềm vui cho mình và cho người khác. Nhiều quá ăn không hết, hái đem biếu người thân quen, cho bè bạn. Của không là bao, nhưng là rất quí   hương vị quê nhà.
Và có nhiều nữa là cắt, bẻ đem đi bán ở chợ trời. Cũng không phải bán để kiếm từng đồng mua quà cho con, mua gia vị mắm muối như hồi còn ở VN thời thuở xa xưa còn nghèo, còn khổ, mà đem ra chợ trời để bán cho vui, vừa bán vừa cho cũng được.  Cho tặng những người đồng hương. Ai cũng thích, ai cũng quí.
Ở Mỹ thức ăn thừa mứa, mà giá cả so với thu nhập hằng ngày cũng là không đắt. Nhưng mà hầu hết thực phẩm là từ xa, phải qua đông lạnh, phải qua chế biến nấu chín sẵn, hương vị, phẩm chất đã phần nào bị giảm đi. Trái nhãn, trái sầu riêng, trái măng cụt từ quê nhà khi qua đến Mỹ, mua về ăn không còn mùi vị của trái nữa, lạt đi và mất chất. Con cá ở VN qua Mỹ cũng thế, đã mất khá nhiều vị thơm ngon.
Vì thế mà dẫu thức ăn thừa mứa, thực phẩm dồi dào vẫn thấy thiếu - thiếu cái hương vị đậm đà, thiếu cái mặn mòi, thiếu cái chất quê hương.
Còn gì bằng một trái bầu trồng vườn nhà mình ở Mỹ, vừa cắt vào luộc hoặc nấu canh. Vị ngọt sớt, hương thơm lừng, đậm đà quê hương khỏi phải nói. Cũng vì thế mà ai ai cũng thích, thích hương vị tươi sống. Thích đi mua chất tươi ở chợ trời.
Mỗi buổi sáng sớm cuối tuần, khu chợ trời luôn đông đúc, tấp nập. Hình ảnh cũng thật là thân quen với từng nhóm, từng cụm, từng sạp bày bán rau quả, cây trái, thịt cá dọc bên đường. Từng sắc dân, từng chủng tộc, và cũng từng loại các thực phẩm thích hợp. Dân tộc nào vẫn có thức ăn của dân tộc đó. Thương nhất và thích nhất, mấy bà VN, cũng khăn choàng hầu, chiếc nón lá (trông chẳng giống ai) vậy mà duyên dáng, ngồi bên mớ hành, mớ đọt bí, mớ rau lang góp phần cho quang cảnh thân yêu và sinh động. Hình ảnh của quê hương, các chị, các bà đã mang theo.
Việc bán rau, quả thích hợp cho người Á Đông, có lẻ người Lào là trội nhất. Họ bày bán đủ mọi thứ - có lẻ đó là chuyên nghiệp của người Lào.
Người Lào, thật thà, siêng năng, cần mẫn. Trên đất Mỹ tha hồ mà canh tác, trồng trọt. Quanh năm, suốt tháng người Lào đều có mặt ở chợ trời với phần rau quả của mình. Không nhìều lắm, nhưng đủ cung cấp bán trong những ngày cuối tuần, đủ mang về lợi tức, sống thoải mái, đủ đầy.
Chợ trời ở Mỹ không có chuyện gian manh chụp giật. Bán, mua vẫn là sòng phẳng, tiền nào của nấy. Không phải quá tốt và cũng không quá tệ. Và cũng ít có ai bịp bợm, lừa phỉnh, tranh giành. Cung cách làm ăn cũng khá là sòng phẳüng và thật tình, dù rằng cũng phải nói thách và trả giá. Tựu trung việc mua bán vẫn đề huề, vì nói là "chợ trời" nhưng mà đâu đó đều rõ ràng, có luật lệ, có kiểm soát, có an ninh. Mọi sự gian manh tráo trở hầu như không đáng kể.
Trong một xã hội với qúa nhiều sắc dân, chủng tộc, dù rằng một khu chợ (tự phát) ai cũng có thể đến và ai cũng có thể làm ăn, mua bán tự do, nhưng vẫn nề nếp và khá là sòng phẵng, an toàn. Người ta vẫn đối xử với nhau trong tinh thần hiểu biết và tôn trọng.
Trên một đất nước văn minh, dù là chợ trời, cũng vẫn có sắc thái dáng vẻ của văn minh.
Ra đi ta bỏ lại quê hương. Bây giờ có dịp đi chợ trời ở Mỹ, những buổi sáng cuối tuần, trong an nhàn thanh thản, cảm thấy thư thả trong lòng, khi nhìn thấy những mớ rau, trái bầu, trái mướp, trái đu đủ, trái dưa gang bày bán bên mé đường do đồng hương mình trồng và đem bán   Hình ảnh của quê nhà. Bà con ta có thể một phần nào đang thấy lại quê hương.
Nguyên Dân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,074,742
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài viết mới của tấc giả đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến