Hôm nay,  

Ba Mươi Năm - Giọt Lệ Và Niềm Tin

07/04/200900:00:00(Xem: 245580)

Ba Mươi Năm - Giọt Lệ Và Niềm Tin

Tác giả: Cát Biển
Bài số 2581-16208658- vb340709

Tác giả đã nhận giải đặcbiệt viết về nước Mỹ 2008. Ông đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA., hiện định cư tại Philadelphia. Đã giữ chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS.  Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài viết mới của ông là tự truyệnkhởi từ tháng Tư, với nhiều kinh nghiệm quí.

***

Khi người ta nhập vào dòng chánh, có phải chăng bản sắc dân tộc càng lúc càng bị nhạt nhoà" Hơn ba mươi năm sống trên nước Mỹ, tiếng Anh vẫn luôn là yếu tố then chốt để người Việt thăng tiến trong nghề nghiệp. Đi làm ở các công tư sở, người kém tiếng Anh sẽ không vượt xa các đồng nghiệp. Vì vậy, dầu mang nỗi bùi ngùi nào đó khi thấy các con em mình mau mắn đối đáp bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt, chúng ta cần có sự thông cảm này. Nhìn lại, các quốc gia Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...đều trọng dụng tiếng Anh. Các quốc gia này hầu hết đều có vài nhật báo Anh Ngữ phát hành trong xã hội của họ. Phi Luật Tân có mấy chục thổ ngữ, lại dùng tiếng Anh là chính. Ấn Độ cũng coi Anh Ngữ là ngôn ngữ hàng đầu trong giao dịch. Các người Âu Châu phần nhiều đều nói thông thạo Anh ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Như vậy Anh ngữ trong thiên niên kỷ này có giá trị vượt lên khỏi tự ái và tự tôn của một dân tộc. Tiếng Anh là chìa khoá bước vào kho tàng văn hoá thế giới, và là điều kiện tiên quyết của giao thương kinh tế trong bối cảnh hoàn cầu hoá của chúng ta.
Tuy nhiên chúng ta không thể nào bỏ rơi tiếng Việt. Vì đó mới chính là tiềm lực, là sức mạnh âm ỉ mà mạnh mẽ nhất, nói lên sự thành công của người Mỹ gốc Việt. Giới trẻ Việt nay thành công trên nước Mỹ không ít thì đều nhiều dựa vào sức mạnh tiềm ẩn đó của bản sắc người Mỹ gốc Việt. Một ngày nào đó thử hỏi, nếu mất đi thành phố mang tên "Little Saigon", chúng ta còn gì lấy làm hãnh diện sự thành công vượt bực của người Việt trên nước Mỹ, mà mới ngày nào chân ướt chân ráo xếp hàng đưa tay lãnh cơm tại trại tị nạn Orote Point ở Guam, năm 1975"
Dầu có những điểm khen chê, chính văn hoá Việt đã xây dựng nên một xã hội Việt trong nước Mỹ. Công lao đó phần lớn là nhờ vào tiếng Việt. Nếu hiểu điểm này thì chúng ta mới có thể sống vững mạnh trong xã hội đa nguyên của Hoa Kỳ. Giống như một người có yêu thực sự thì mới được đáp lại bằng một tình yêu đúng nghĩa.
Có người từng nói "phải cần cả một ngôi làng để hun đúc, đào tạo nên một con người." Những ngày thơ ấu chúng ta cần bầu sữa mẹ và tiếng ru vành nôi để mình thương yêu nòi giống. Gia đình, để làm nền tảng đùm bọc. Khi lớn lên, cần tình bạn để thêm tự tin và trao dồi năng khiếu. Ra đời, chính các người chung quanh cho chúng ta những gương cao đẹp để vươn lên, và tự tìm lấy ý nghĩa kiếp người.
Thời tuổi nhỏ, trong đám học trò vỡ lòng có 1 tên bạn bé tí bằng tuổi tôi mà tôi rất thích. Giờ đây kể chuyện tôi vẫn còn nhớ rõ dáng vóc nhỏ nhắn đó của Cường, tên đầy đủ là Đinh Quốc Cường. Chúng tôi cùng chọc chung trường thầy giáo Thẹo. Thầy tên là thầy Nhiều, nhưng có 1 vết thẹo ngang nơi mắt do hồi đi kháng chiến nên ai cũng kêu là thầy giáo Thẹo. Trong lớp, chúng tôi ngồi gần nhau, tôi hay chỉ Cường làm toán. Cường lúc nào đi học cũng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, thơm tho. Chúng tôi hay mua đồ ăn và ngồi chia nhau ăn lúc ra chơi. Có hôm tôi thiếu cục gôm, Cường vui vẻ cho tôi cục gôm. Có lần tôi cho Cường cây bút mà tôi thích nhất. Quyển tập vỡ thời ấu thơ đó có in hàng chữ "Ngày Nay Học Tập, Ngày Mai Giúp Đời" ở hình bìa mà tôi vẫn nhớ mãi nằm lòng. Bây giờ vẫn còn nhớ rõ. Ngày gia đình tôi dời nhà sang ấp Đức Nghỉa, đi học trường khác tôi cứ nhớ mãi cậu bé Cường bạn tí hon cùng lớp đã cho tôi nhiều niềm vui của tình bạn. Đã bao nhiêu năm rồi nhỉ. Cường đã cho tôi một tình bạn thơ ấu đáng yêu và những nhận thức đầu đời về tính hi sinh. Người em của Cường là Đinh Quốc Tuấn sau này trở thành cây vợt tennis trẻ vô địch của Việt Nam. Tuấn chết lúc vượt biên.
Những năm trung học đầu tiên tôi có một người bạn thân khác tên là Đức. Chúng tôi thân nhau cả khi đi học lẫn sau giờ học. Anh ta lớn hơn tôi 2 tuổi, đánh đàn rất giỏi. Một hôm nọ, nghe anh hát "Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm.." tôi bắt đầu suy nghĩ và ngạc nhiên về điều mà người lớn gọi là tinh yêu. Vài năm sau Đức phải nghỉ học vì gia cảnh túng thiếu.
Những ngày lớn khôn ở tuổi vào đời, tôi và mấy tên bạn thân cùng vui đùa, tinh nghịch, đùa giỡn, trêu chọc, tâm sự, thậm chí đấu nhau về triết lý. Tuổi mới lớn đó có cả những cãi cọ, đụng chạm, và uýnh lộn với nhóm khác. Nhưng nếu tuổi ấu thơ thật êm đềm như mực nước sông Mường Giang bình dị, thì tuổi mới lớn của tôi nhiều biến động ồ ạt như các cơn sóng dữ của Thái Bình Dương. Một ngày nọ tôi ngồi thừ người hoang mang khi biết rằng, ai đó rồi cũng phải chết. Điều đó làm tôi lặng người phân vân cả 1 buổi chiều. Thật là một sự thật đầy kinh ngạc. Giờ đây ngẫm lại, đám bạn xưa gồm Diệu Lý, Cu Tân, Bá Long, Hoàng Đen, Quang, Hùng, Dũng Lọ, Nam Bò, Thân, Tịnh v.v...giờ chỉ còn sống vài người. Dũng Lọ đẹp trai, Hoàng, và Nam Bò vui tính bị mất tích. Thân và Tịnh chết vì pháo kích. Tân chết vì viêm gan. Bá Long, người hài hước có duyên nhất, sau này đi lính và tử trận. Hơn một nữa đã về với cát bụi. Có một khoảng cách giữa mình và quá khứ. Việt Nam và Mỹ. Một hụt hẫng phân chia hai bờ cuộc sống.
Qua đến Mỹ, những bạn thân xưa đều lạc loài tứ tán. Những năm đầu còn nhớ và thương bạn. Sau đó quây quần với những xô bồ thực tế. Có khi mình còn quên cả chính mình, chỉ biết lủi theo dòng đời, giống như xe chạy nhập dòng trên xa lộ. Bạn bè như tinh tú, tuy không có mặt bên nhau những hiện hữu để mình nhìn lên đó và tìm nhớ lại một phần của chính mình.
Những ngày đầu ra khỏi trại tị nạn Indiantown Gap về định cư tại thành phố Wilkes-Barre các người Việt tị nạn được học lớp ESL. Qua cô giáo trẻ tuổi Janet, tôi học một cách thích thú những từ ngữ mang ý nghĩa rất đẹp của tiếng Anh. Đại khái với các chữ rất thông dụng trong đời sống Mỹ như sau:
Blessing: Ân phúc, sự may mắn được ban cho
Lullaby: Bài hát ru con
Sophisticated: Tinh vi, sành điệu, sâu sắc
Renaissance: Thời kỳ phục hưng, đặt giá trị nơi mẫu người vẹn toàn, uyên bác
Cute: Sắc sảo, tinh khôn
Cozy: Ấm cúng, thoải mái, dễ chịu
Passion: Niềm say mê, cảm xúc đam mê mạnh mẽ
Eternity: Sự vĩnh cửu, tính bất diệt, bất tử
Fantastic: tuyệt vời, lạ thường, trứ danh
Destiny: Định mệnh, số phận
Freedom: Tự do
Liberty: Quyền tự do bình đẳng, sự công bằng trong xã hội
Tranquility: Sự thanh bình, thanh tịnh, yên tĩnh
Blossom: Thăng hoa; nở hoa
Sweetheart: Người yêu dấu, người mình thương yêu
Gorgeous: Tuyệt đẹp, lộng lẫy, tráng lệ, huy hoàng, mỹ lệ
Cherish: yêu thương trân quý
Enthusiasm: Sự hăng say, nhiệt tình
Grace: Vẻ thanh lịch, duyên dáng, yêu kiều, phong nhã
Rainbow: Cầu vồng
Twinkle: Ánh sáng lấp lánh
Serenpidity: Sự trang nghiêm cao cả, bình an trong tỉnh lặng
Khi tôi được nhập học trường đại học Wilkes, ngoài lớp Anh văn ESL đặc biệt của trường dành cho các sinh viên ngoại quốc, tôi đều có thêm một hoặc hai sinh viên Mỹ dạy kèm Anh ngữ trong các giờ học riêng. Các sinh viên Mỹ dạy kèm này rất lịch sự, thông cảm và kiên nhẫn nên cũng giúp tôi vượt qua những khó khăn. Một sinh viên này là Diane Polachek, cây vợt tennis vô địch nữ của trường. Những ngày đầu rất thẹn thùng vì mình cứ phát âm sai, nhưng sau đó tôi mạnh dạn lập lại các chỗ sai và ráng đánh lưỡi cho đúng cách phát âm. Nhìn lại, không một kết quả nào mà không đòi hỏi sự kiên trì.
Sang Mỹ năm 1975 cái gì cũng không biết, mình phải dò dẫm tự học hỏi. Những ngày lam lũ chật vật với cuộc sống mới ở Mỹ, đời sống sinh viên quá bận rộn và đầy rẫy áp lực. Gánh vác một học trình khá nặng, mỗi khoảnh khắc của giờ giấc đều quý như vàng. Tiền không có dư dả chút nào, thèm mua cây kem $1 cũng phải suy nghĩ ky. Cuối tuần đi qua con phố chính Main Street ở Wilkes-Barre, chỉ mua được lát bánh pizza $1.29 là quý lắm. Có lần tôi mời bà thầy dạy văn chương, Dr. Charlotte Lord, đi ăn cho vui. Mình chỉ kêu được dĩa steamed clams giá $3.50. Bà vẫn vui tươi cười nói. Sau đó lại còn mời tôi ghé qua nhà bà ăn trả lể.
Dr. Lord là người đàn bà thông cảm, và bà quý tôi. Phải nói là bà quý tính phấn đấu của một sinh viên gốc Việt cố vươn lên từ khó khăn của nghịch cảnh. Những bài viết môn văn chương của tôi đầy những nét viết màu đỏ của bà phê và sửa lại lời văn cho đúng văn phạm. Có lẽ bà bỏ nhiều thì giờ cho các bài viết của tôi hơn các người khác trong lớp. Vì sợ sẽ bị rớt môn Anh văn năm đó, tôi cố viết nhiều, kể lại kinh nghiệm bản thân và ý nghĩa cao quý của hai chữ tự do đối với người Việt mà người khác có thể coi thường. Các hàng chữ sửa sai màu đỏ của bà giáo sư Lord càng lúc càng vơi đi, thay bằng những lời khuyến khích và hài lòng. Môn English 101 cuối cùng tôi cũng vượt qua với điểm B. Hãnh diện, nhưng không mãn nguyện. Vì tôi nhất quyết lấy con A. Giáo sư Lord đã qua đời khoảng 8 năm sau khi tôi rời trường. Bà rất xinh đẹp khi còn trẻ, có mấy mối tình, nhưng không hề lập gia đình. Bà mất năm 72 tuổi.
Nhưng nếu không nhờ những hàng chữ màu đỏ chi chít kia, làm sao tôi có thể trao dồi, dù là rất khổ sở hằng đêm vào dạo đó. Chính những hàng chữ đỏ đó đã giúp uốn nắn tôi thành một công dân Mỹ gốc Việt.


Phải nói cho rõ, tôi đã viết các bài luận văn đó một cách gián tiếp. Tôi đã đến với Anh ngữ qua Việt ngữ. Và cũng nhờ đó mà được sự thông cảm và quý mến của người thầy, Dr. Lord. Nhờ tiếng Việt, tôi đã có cơ hội thổ lộ tâm tình một người Việt tị nạn trong các bài luận văn, trước khi cố gắng dịch chúng sang Anh ngữ. Điều này giống như những lá thư ngày xưa với tuồng chữ mộc mạc của mẹ tôi thương mến viết cho tôi khi tôi xa nhà vào Saigon trọ học. Lời mẹ tôi trong những lá thơ yêu dấu với hàng chữ nghệch ngoạc kém văn hoa nhưng chứa đầy sự khôn ngoan qua năm tháng kèm một tình mẫu tử bao la, đã luôn làm tôi nhoà mắt khóc vì thương nhớ mẹ. Các bài luận Anh ngữ của thời đó tuy kém cỏi về giá trị văn phạm, nhưng mang những tâm sự đầy trắc ẩn của lớp người tị nạn mới trên nước Mỹ. Ba mươi năm nhìn lại, chính văn hoá Việt tiềm ẩn trong những hàng chữ tiếng Anh kia đã đánh thức lòng yêu quý của vị thầy người Mỹ. Qua hình ảnh tôi, Dr. Lord đã thấy lại sự phấn đấu của các lớp người tị nạn Ý, Trung Hoa, Mễ, Ái Nhỉ Lan, Anh v.v... đã chung sức tạo nên một nước Mỹ hiện tại. Nước Mỹ đa nguyên, với dân số không đầy 6% nhân loại, đã có những phát mình và thành quả kinh tế, quân sự, giáo dục, pháp luật, văn hoá mạnh hơn 60% các diễn biến trên thế giới.
Nhắc đến mẹ, lòng tôi không khỏi quặn lên một niềm hối hận. Những ngày thơ ấu ở Phan Thiết, gia đình tôi không dư dả nhiều, nhưng được cha mẹ tôi đùm bọc nên chị em chúng tôi không thấy bị thiếu thốn. Sau này lớn khôn thêm, nghe ba tôi kể chuyện những ngày cơ cực khi cha tôi mới lấy mẹ tôi, rồi quá nghèo khổ không thuốc thang chửa trị nên anh cả tôi bị chết, nước mắt tôi tự nhiên chảy đầm đìa. Dạo còn nhỏ, tôi cứ xin mẹ sinh thêm cho tôi một người anh khác, để khỏi bị lũ con nít trong xóm ăn hiếp. Nhớ nhất là những lúc mẹ đi buôn bán chiều về nhà. Mẹ luôn kêu tôi cho trái ổi, trái quýt, trái cam. Khi thì được trái xoài, măng cụt. Tiếng yêu thương của mẹ tôi là như thế. Không phải bằng lời nói "yêu thương" mà là cái nhìn âu yếm trìu mến, cái vuốt đầu khi mẹ sung sướng. Vậy mà khi sang Mỹ rồi, ai cũng lo phấn đấu với cuộc sống mới. Chợt nhớ lại những lúc tôi cằn nhằn mẹ vì mẹ bỏ đồ giặt và đổ đầy thuốc tẩy làm hư hết quần áo, hoặc khi mẹ rang popcorn trong microwave lâu quá làm cháy khét cả nhà. Mẹ tôi đành lặng im không đáp. Trời ơi, thấy mình sao kém cỏi nhỏ mọn quá quá. Sao mình không biết lựa lời để mẹ khỏi đau lòng. Bây giờ cha mẹ đã khuất núi rồi, làm sao mình sánh với những tình thương và hạnh phúc cha mẹ đã từng ban cho trong quãng đời khốn khổ kia.
*
Trở lại chuyện Anh văn, năm học thứ nhì sau lớp Dr. Lord là kỷ niệm đáng nhớ. Lớp English 102 vào năm đại học thứ hai là do Dr. Jack Kent dạy. Jack sấp sỉ khoảng 40 tuổi, dáng người gầy dong dỏng, đẹp trai, tóc hơi quăn, mang kính và nghệ sĩ. Ông giảng bài mạch lạc và hấp dẫn. Ông là cố vấn đặc san Manuscript của trường Wilkes, do các sinh viên chuyên về ban Văn Chương biên tập. Báo có các bài phỏng vấn, tường trình, thơ truyện, và đặc biệt là tổ chức giải thơ văn có thưởng mỗi cuối năm học. Jack khởi đầu lớp English 102 của chúng tôi với lời khen ngợi 1 bài khảo luận (research paper) của một sinh viên khoá trước, đọc cho chúng tôi nghe làm mẫu. Năm đó tôi càng đọc càng rất khâm phục nhân vật Ralph Nader, tác giả sách "Unsafe At Any Speed", mà lại viết bài phê bình chỉ trích quyển sách ông ta trong bài khảo luận của tôi. Tôi rất thích bài viết của mình nên khi chép tay, cố gò từng câu từng chữ cho thật đẹp, thật vừa ý. Có khi phải viết lại cả trang chỉ vì dư thừa mấy chữ mình không đắc ý. Bài nộp xong là gần cuối niên học.
Ngày cuối của môn English 102 ông Jack nhắc với lớp là hôm trước ông cho chúng tôi nghe 1 bài khảo luận mẫu của 1 sinh viên. Hôm nay trong lớp này, có 1 bài khảo luận còn hay hơn bài đó. Và bài đó là của tôi. Môn đó tôi sung sướng được điểm A. Ông luật sư Ralph Nader ngày nay vẫn còn hay ra ứng cử chức vụ Tổng Thống Mỹ, để tranh đấu bảo vệ quyền lợi của người tiêu thụ. Sau đó là chuyện khác đáng nhớ về môn vẽ hội hoạ, mà bà khoa trưởng, Dr. D vorsion, khuyên tôi nên đổi qua môn hội hoạ, trong khi tôi rất thích ngành Điện (mà sinh viên Việt gọi đùa là "điên nặng").
Tiếp theo quãng đời học Anh ngữ trong trường, là những ngày theo đuổi ngành diễn thuyết khi đi làm việc. Vì ngành kỹ sư đòi hỏi phải thuyết trình thường xuyên diễn tiến các công việc và kỹ năng mới, nên tôi rất e ngại về vốn liếng tiếng Anh kém cỏi của mình. Rồi tôi quyết định lủi vào chỗ nào mà mình sợ hãi nhất. Tỉ dụ, tôi rất "ngán" trò chơi rollercoaster trong các amusement park của Mỹ. Vì sợ nó tôi quyết định xếp hàng đi chơi nó, và tự coi như mình đã chết rồi. Nhờ vậy mà tôi không còn sợ món chơi đáng khiếp đó nữa. Tương tự, tôi gia nhập hội thuyết trình viên Toastmasters International cũng vì ngán tiếng Anh. Hội có 1 club ngay trong sở làm.
Những tưởng chỉ gia nhập  một thời gian ngắn để học hỏi, không ngờ duyên nợ này kéo dài 14 năm theo đuổi, trau dồi ngành diễn thuyết. Các hội viên trong club tôi đa số là các kỹ sư Mỹ có bằng cấp cao. Trung tâm nghiên cứu Exxon Production Research thường tuyển các nhân viên có bằng Cao Học và Tiến Sĩ nhiều hơn là bằng Cử Nhân. Tôi nhớ năm đầu vào hội, đi dự kỳ thi diễn thuyết cấp District của Thành Phố Houston, thật thích thú không thể tả với các thí sinh diễn giả đại diện các Khu Vực (gồm nhiều hội) về dự thi. Từ cách chọn đề tài, phát âm, sử dụng ngôn từ, cách khôi hài, đến giọng lên xuống của họ, tôi ngồi xem và lắng nghe một cách say mê từng bài diễn thuyết, lòng ước ao có một ngày nào mình cũng sẽ là một diễn giả thí sinh như họ. Có ngờ đâu cơ hội dun rủi, bài thi của tôi năm sau đó được thắng hạng nhất trong club. Đó là bài có tựa đề "Một Chuyến Phiêu Lưu Kỳ Thú", nói về cuộc đời của tôi là một người Việt tị nạn, với những khổ đau sau ngày mất nước và cố gắng vượt khó khăn theo học đại học, cuối cùng tốt nghiệp kỹ sư. Câu chuyện thương tâm của người tị nạn Việt Nam làm một số người Mỹ thấy lại hình ảnh phấn đấu của các người tị nạn cha ông trước kia. Bài thuyết trình đó có đoạn cuối như sau:
"Có người bạn từng nói với tôi rằng chúng ta đều là Sản Phẩm Chưa Hoàn Tất của thượng đế... mãi cho đến, có thể nói là, hai giây cuối cùng trước khi mình nhắm mắt. Các bạn hỡi, hãy cứ mơ giấc mơ của bạn, và biến nó thành sự thật. Tất cả chỉ cần sự học hỏi. Học hỏi để đạt đến ý nguyện, bất chấp mọi giới hạn. Học hỏi để biết yêu quý cuộc sống. Dù cuộc đời không hoàn hảo, nó vẫn là một thế giới đẹp. Học hỏi cách sống đạt đến tuyệt đỉnh khả năng mà bạn có, vì cuộc đời là do chính chúng ta tạo ra nó. Không kém thảo mộc và tinh tú, bạn là một đứa con của vũ trụ, bạn có quyền hiện hữu. Mỗi người trong chúng ta là những cá thể đặc thù, những đứa con đặc biệt của tạo hoá. Hãy trân quý điều đó. Khai phá nó. Làm tốt nó. Biến nó thành những gì tuyệt nhất, từ những gì thiên nhiên ban cho bạn, và không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ, xem thường từng giây phút sống. Nếu bạn không làm được những điều vĩ đại, hãy cứ làm những điều tầm thường   nhưng làm những điều tầm thường đó một cách sâu sắc, vĩ đại. Cuộc đời không chỉ gồm những điều bạn đang có, mà gồm luôn cả những điều bạn Có Thể Có. Vì vậy, hãy mở rộng tầm nhìn và khai triển các ước vọng của bạn, hãy biến cuộc đời của bạn thành một chuyến phiêu lưu kỳ thú..."
Phải nói là tôi đã nói lên tính phấn đấu chung của người Mỹ gốc Việt. Tôi cũng chỉ là một người tị nạn tầm thường. Nhờ sức mạnh văn hoá tiềm ẩn của người Việt máu đỏ da vàng, tôi đã có cơ hội diễn bày tâm sự ấy, tính phấn đấu ấy như một đóng góp vào quốc gia Hoa Kỳ mà đã mở rộng vòng tay cứu giúp, từ định mệnh bất hạnh của dân tộc. Bài diễn văn đó thắng giải nhất kỳ thi trong Club, thắng luôn Khu Vực, rồi thắng cả ở District. Sau đó đại diện District đi thi Vùng (Regional) tại Austin TX, tôi theo luật thi, đổi bài diễn văn khác. Tôi được giải Ba kỳ thi Vùng. Mãi đến năm sau đó, khi dọn qua Long Beach CA, tôi mới thắng giải vô địch Vùng II (gồm California, Arizona, Nevada) và trở thành 1 trong 9 người dự thi chung kết giải vô địch thế giới về diễn thuyết.
Ngày mới qua trại Orote Point ở Guam xếp hàng đi lãnh thức ăn, lòng tôi đầy mặc cảm và thương tích với những chuyện buồn đau. Giờ đây ba mươi mấy năm nhìn lại,  là người Việt tị nạn, tôi hãnh diện với danh xưng Little Saigon trên đất Mỹ. Dầu tôi đang sống ở Nam Cali hay trôi dạt phương nào tôi vẫn mang niềm tự hào chung về giá trị biểu tượng của cái tên Little Saigon đầy thân yêu ấy. Nó cho tôi một đặc tính nhân bản về giá trị con người, cái gọi là personal identity. Giống như màu cờ vàng ba sọc đỏ, tên thành phố Little Saigon nói lên quá trình của một công cuộc hi sinh tranh đấu cho Tự Do của người Việt. Nó là tấm gương phấn đấu và kiên nhẫn chung của bao nhiêu người Mỹ gốc Việt. Từ con số không, những con người mất mát khổ đau ấy đã dựng lên thành phố Little Saigon với tầm hoạt động và mãi lực đáng kể về kỹ thuật, y khoa, giáo dục, văn nghệ, luật pháp v.v... ngay giữa lòng đất Mỹ.
Bài hát “Hai Mươi Năm” của nhạc sĩ Phan Văn Hưng vẫn còn vang vọng trong tim tôi "Hai mươi năm, đàn trẻ thơ nay đã lớn, và chàng trai nay đã già, những người xưa đã nằm xuống và rừng núi đã héo nhoà... Người còn yêu hãy còn nhớ, phải vượt qua những bến bờ. Phải tìm sâu trong hồn nước, những thoi thóp những mong chờ. Người còn tha thiết núi sông, thì sẽ thấy cơn mưa nguồn. Để lặn lội vẫn đi tìm, sẽ thấy đường dấu quê hương..."
Thấm thoắt đã hơn 30 năm qua. Tôi vẫn nhớ, nhớ rất nhiều, về tuổi ấu thơ thật đẹp của vùng dĩ vãng mà mình đã ngụp lặn trong văn hoá tiếng Việt. Tôi đang sống và nhớ các người bạn đã chết. Cuộc đời ở Hoa Kỳ như cách biệt với quá khứ cũ bằng một dòng sông vô hình nào đó. Một khoảng cách hụt hẫng mà mình phải vượt xuyên qua tâm thức thì mới đến được bến bờ kỷ niệm bên kia, giống như trong phim Back To The Future. Tôi luôn tự hứa là mình phải cố gắng phấn đấu trong dòng văn hoá Mỹ, nhưng sẽ không làm nhạt nhoà nguồn gốc Việt mà tạo hoá đã ban cho tôi.
Cát Biển

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến