Hôm nay,  

Từ Bản Nhạc “người Di Tản Buồn”

05/04/200900:00:00(Xem: 132029)

Từ Bản Nhạc “Người Di Tản Buồn”

Tác giả: Khanh Vũ
Bài số 2580-16208657- vb840509

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. từ 1992, đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Bài viết dành cho kỷ niệm Tháng Tư năm nay là câu chuyện  về từ một bản nhạc...

***
Mỗi năm đến tháng tư tôi lại nhớ đến bản nhạc Người di tản buồn (NDTB) của nhạc sĩ Nam Lộc, những lời ca đầy tình cảm của bài hát nhắc nhở tôi về tháng tư 1975 mất miền Nam, dân chúng khắp nơi rơi vào cảnh hoảng loạn, người người tìm mọi cách di tản mong đến được bến bờ tự do, kẻ không may ở lại phải chịu tù đầy hay đủ thứ khổ ải sau đó.
Đây cũng chính là bài hát tôi đã được nghe từ khi còn trong trại tù cải tạo ở VN và từ khi sang sống ở Mỹ đến nay tôi cũng đã nghe lại nhiều lần mà tôi nghiệm ra ở hoàn cảnh nào tôi đều đã có những cảm xúc sâu đậm, những suy tư miên man.
Tôi nhớ rất rõ bản nhạc NDTB đã làm tôi xúc động mạnh nhất là khi lần đầu tiên được nghe bài hát này trong nhà tù cộng sản ở Việt Bắc vào một buổi tối giá rét cách nay gần ba mươi năm. Thật là một kỷ niệm thân thương đáng nhớ.
Mùa đông năm 1980 chúng tôi bị giam ở trại VQ do công an quản lý, thuộc tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt. Trong lán tôi có anh H, một đại úy trẻ có biệt tài đàn hay hát giỏi, anh hát những bản tình ca mà VC gọi là "nhạc vàng" xuất sắc không thua ca sĩ chuyên nghiệp thời trước 1975.
Còn nhớ những năm sau khi miền Nam mất, "nhạc vàng" bị cấm chẳng những ngoài dân chúng mà còn tuyệt đối cấm ngặt trong các trại tù cải tạo. Biết thế nên H chỉ hát khi ở trong lán và sau khi được các bạn bảo đảm không còn tên lính canh nào đi xung quanh lán hay lảng vảng gần đâu đó có thể nghe được. Anh H có trí nhớ rất tốt, anh đàn hát được khá nhiều bản nhạc nổi tiếng ngày trước, những bản mà hầu hết đều quen thuộc với anh em đồng tù nên được anh em rất mến mộ. Nhưng bỗng một hôm anh em thấy anh tập đàn và hát nho nhỏ một bản nhạc lạ, hỏi ra mới biết bản nhạc vừa do một anh bạn trong lán được thân nhân đến thăm nuôi kín đáo đưa cho một anh đem vào được và trao cho H.
Sau vài lần tập dợt, tối hôm đó, một tối mùa đông lạnh giá anh muốn hát cho các bạn trong lán cùng thưởng thức bản nhạc mới mà anh thấy nội dung rất thích hợp với hoàn cảnh và tâm tình của anh em tù. Nhờ vài anh canh chừng cẩn mật không có lính tuần canh quanh lán xong, số anh em còn lại ngồi sát bên nhau vừa để đỡ lạnh vừa để nghe cho rõ, tất cả quây quần quanh anh  H. Sau khi tất cả anh em đã im lặng hẳn, anh mới bắt đầu ôm cây ghi-ta thùng  sát vào người dạo đàn và chậm rãi cất tiếng hát; tiếng đàn bập bùng hòa quyện vào giọng ca thật trầm ấm, tha thiết, nhỏ nhưng vừa đủ cho anh em vây quanh thưởng thức hết được từng lời hát câu ca:

Chiều nay có một người di tản buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và dâng dâng lệ vương
mắt nhạt nhòa

Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Và đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu

Cho tôi xin lại một ngày
Ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời
Một đời sống với quê hương

Cho tôi xin lại đoạn đường
Hàng cây vươn dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời
Bên bờ đê vắng làng tôi
                     xxx
Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng
xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong chốn lao tù

Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn rừng thưa vắng tiếng bom  
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn

Cho tôi xin lại bờ rừng
Ở nơi tôi dừng quân ngũ
Cho tôi xin lại ngọn đồi
Nơi từng chiến đấu bên nhau

Xin cho tôi một lần chào
Chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần
Bên ngàn chiến hữu của tôi
(Người di tản buồn.
Nhạc và lời:Nam Lộc)

Tiếng đàn lời ca đã dứt nhưng cả lán vẫn chìm trong im lặng. Nhiều anh  đã không nén được nỗi nghẹn ngào. Trong hoàn cảnh đọa đày khổ ải tận cùng, thử hỏi không  xúc động sao được khi biết được có người đã thoát được ra nước ngoài, nhưng vẫn còn nhớ tha thiết đến quê hương, nhớ đến anh em đồng đội cũ, đến thân phận những người trong tù như mình.
Nghĩ đến xuất xứ của bài nhạc, đến "hành trình gay go của nó" từ một đất nước xa xôi vạn dậm qua bao nhiêu chặng kiểm soát gắt gao để cuối cùng đến tay người nhận, tôi cảm thấy vui vô cùng. Khi "màn văn nghệ bỏ túi với bản hát đặc biệt" chấm dứt, anh em lặng lẽ rời nhau về chỗ nằm riêng của mình. Trong đêm tối mùa đông lạnh giá, leo lét ánh đèn dầu ở cuối lán, dư âm bản nhạc khiến tôi miên man nghĩ đến thành phó Sàigòn đã mất tên, đến gia dình, bà con, bạn bè đang trong "tù ngoài".
Hình ảnh Sàigòn ngày nào hiện dần lại trong trí tôi. Những ngày đầu đổi đời mà VC gọi là "giải phóng" cho đến hơn một tháng sau đó, trước ngày tất cả quân cán chính miền Nam trong đó có tôi lần lượt vào các trại tù cải tạo, là thời gian thành phố như biến dạng với bao thay đổi đau thương. Khắp đường phố nơi đâu cũng thấy những con người với nét mặt hốt hoảng, lo lắng xuôi ngược, bao cảnh chướng tai gai mắt của những "kẻ chiến thắng mới từ trong rừng ra", và bao nhiêu tin tức đồn đoán đầy buồn phiền...
Nhớ đến cha mẹ già sau thời gian dài xa cách bây giờ hẳn già yếu lắm, biết chừng nào mới có ngày gặp lại; vợ và bầy con nhỏ dại từ ngày thiếu vắng chồng,vắng cha sinh sống khó khăn đến chừng nào. Lần thăm nuôi đầu tiên gần đây của vợ tôi từ ngày vào tù cứ ám ảnh tâm trí tôi mãi. Tuy có là niềm an ủi rất lớn nhưng cũng để lại trong lòng tôi bao nỗi thương cảm sâu xa, nhìn người vợ năm nào nay trông héo úa xơ xác mà não lòng. Mười lăm phút gặp gỡ trước cặp mắt cú vọ theo dõi của công an sau cả năm chuẩn bị, mấy tháng chờ đợi giấy phép, mấy ngày ngồi xe lửa ngất ngư từ Nam ra Bắc rồi lặn lội vượt suối băng rừng mới đến được nơi thăm nuôi, vợ chồng đã chẳng nói năng được với nhau bao nhiêu ngoài những cái nhìn nhau ái ngại, nghẹn ngào thương xót. Ngoài một ít tin tức chung chung mà tôi chắc là không đúng sự thật lắm cốt để tôi khỏi buồn phiền lo lắng, về tình hình cha mẹ con cái ở nhà, vợ tôi có báo một tin vui là anh bạn Ch. ở xa có gởi quà thăm hỏi. Vì có công an ngồi gần canh chừng, vợ tôi chỉ nói thế nhưng tôi biết đó là anh Ch. đã qua được Mỹ vào những ngày giáp 30-4-75. Tôi mừng cho gia đình anh và cũng mừng cho chính mình vì đã còn bạn cũ nhớ đến. Thế là ngoài tác giả bản nhạc NDTB nhớ đồng đội mà tôi cứ an ủi tự cho có mình trong đó, tôi còn được Ch, một bạn học xưa từ phương xa nhớ đến thân phận tù đầy của mình, thật là một chia sẻ tình cảm thân thương vô cùng hiếm quý. Tôi liên tưởng đến các bạn bè khác, bao nhiêu người được may mắn như Ch, bao nhiêu còn kẹt lại, hay đang trong một trại tù nào đó như tôi bây giờ...


Sau buổi tối đặc biệt đó mỗi khi có cơ hội thuận tiện anh em lại yêu cầu anh H hát lại bản NDTB. Tất nhiên cảm xúc không như lần đầu được nghe nhưng những lời đầy tình cảm trong bản nhạc vẫn là nguồn an ủi lớn lao cần thiết trong hoàn cảnh tù đầy.  Tự trong sâu thẳm tâm hồn, rất nhiều lần tôi thầm cảm ơn tác giả sáng tác bản nhạc tuyệt vời và cảm ơn người ca sĩ đã  để hết tâm hồn vào lời ca tiếng hát giúp cho anh em đồng tù có những giây phút  ấm lòng, một nguồn động viên tinh thần rất cần thiết mà trước đây chưa bao giờ anh em tù chúng tôi có được.
Thế rồi sau gần mười năm lưu đầy khắp từ Nam chí Bắc tôi được thả về sống tiếp dưới chế độ cộng sản thêm mấy năm nữa trước khi đến đươc Mỹ theo diện HO, sống lại cuôc đời tự do mong đợi từ sau tháng tư đen 1975. Đấy là vào cuối năm 1992 tức là sau ngày mất miền Nam 17 năm. Thân quyến, bạn bè gần xa được tin tôi, người ở gần thì đến chia mừng khuyến khích, kẻ ở xa thì điện thoại hay gởi thư thăm hỏi an ủi, tôi hết sức cảm động và hạnh phúc. Dù vậy, những hình ảnh và lời lẽ thân thương trong bản nhạc NDTB, dường như vẫn vang vẳng trong tôi.
Từ khi đến Hoa kỳ tôi đã biết được tác giả bản nhạc là nghệ sĩ Nam Lộc, qua báo chí,TV cũng như đài phát thanh. Ông là ngưòi rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt khắp nơi, không chỉ trong lãnh vực ca nhạc mà cả trong các hoạt động xã hội giứp đỡ đồng hương. Tôi cũng nhớ nhiều đến anh ca sĩ H, dò hỏi thăm các bạn HO đến Mỹ trước thì được một hai người cho biết loáng thoáng là sau khi được thả về H đã vượt biên và mất tích; Tin này làm tôi bàng hoàng nhưng không làm cho tôi tin chắc là có thật bởi người nói ra cũng chỉ được nghe lại từ một người khác, nên tôi vẫn hi vọng anh còn sống và đang định cư trên một đất nước tự do nào đó mà tôi chưa may mắn được biết. Anh là người trẻ tuổi có tài, can đảm và giầu nghị lực được các bạn đồng tù rất cảm mến. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh gầy yếu xanh xao trông thật xót xa của anh khi anh vừa ra khỏi xà lim biệt giam sau nửa tháng chịu cực hình đói khổ hành hạ chỉ vì tội hát nhạc vàng trong lán cho anh em nghe.
Tôi đã nghe lại bản nhạc NDTB qua các làn sóng phát thanh, qua đĩa hát hay trên TV. và qua giọng hát của nhiều ca sĩ trong số tôi tâm đắc nhất là giọng hát của K.L  khi trình bày bài hát này.
Dù vậy, tôi vẫn thường thích nghe chính tác giả bài nhạc trỉnh bày tác phẩm của mình hơn. Trong những lúc trống vắng một mình trong phòng riêng tôi thường vào mạng Google/Nam Loc tìm nghe lại NDTB do chính tác giả trình bày với sự phụ họa của ban nhạc The Blue Sea Band. Mỗi lần nghe lại,  tôi đều thấy lòng mình lắng đọng, ngậm ngùi nhớ về một quê hương mà tôi đã phải bỏ lại cùng với rất nhiều liên hệ thân thương.
Năm 1992 tôi sang Mỹ thì bạn bè đồng đội của tôi còn kẹt lại ở VN rât nhiều. Tuy một số đã được tha nhưng một số lớn khác vẫn đang bị đầy đoạ trong các lao tù khắp từ Nam chí Bắc. Tôi băn khoăn không biết những anh bạn đồng tù ở chung trại năm xưa đặc biệt những anh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đẹp như anh ca sĩ H, người đã hát bài NDTB cho chúng tôi nghe, anh nhạc sĩ Đ chuyên độc tấu nhạc cổ điển tây phương, anh sửa đài N thỉnh thoảng rỉ tai cho biết tin tức nước ngoài...
Tôi nhớ sau khi được tha tôi còn phải sống nhiều năm dưới chế độ VC rồi mới sang được Mỹ, đó là thời điểm những năm cuối thập niên 1980 tôi đã chứng kiến cảnh sa sút tệ hại của một Sài gòn mất tên, về mọi mặt văn hoá, đạo đức, xã hội...
Dân chúng đại đa số nghèo nàn, khó khăn chật vật trong những hoàn cảnh khác nhau vì sự độc tài kềm kẹp, phân biệt đối xử của chế độ, nhưng nỗi đau thương nhất dưới mắt tôi là hình ảnh những người thương phế binh nguyên là những chiến binh VNCH ngày nào thì nay đang lê lết tấm thân tàn phế bán vé số kiếm sống nhọc nhằn qua ngày trên các lề đường thành phố.
Rất may những năm sau này không rõ từ khi nào Cali đã có tổ chức chuyên gây quỹ để yểm trợ cho thành phần cựu quân nhân tàn phế kém may mắn này. Đó là Hội cứu trợ thương phế binh và cô nhi quả phụ được thành lập và hoạt động rất tích cực tại quận Cam. Mấy năm gần đây lại có thêm những đại nhạc hội "Nhớ ơn anh người chiến sĩ VNCH" được tổ chức quy mô với sự tham gia trình diễn tình nguyện của rất đông đảo nghệ sĩ tên tuổi trong đó nghệ sĩ Nam Lộc, tác giả nhạc phẩm NDTB, đã đóng góp công sức đặc biệt trong vai trò MC then chốt. Kết quả những buổi văn nghệ này thật là to lớn, tất cả những số tiền thu được đã được giao cho Hội trên đảm trách việc gởi về VN giúp đỡ các anh em thưong phế binh.
Bài nhạc cũng khiến tôi liên tưởng đến các cộng đồng tị nạn VN trên khắp thế giới đặc biệt tại Hoa kỳ, Úc, Pháp ..., những nơi có đông đồng bào tị nạn mà dù ở đâu họ cũng không quên biến cố tháng tư mất nước, vẫn luôn thể hiện tinh thần chống cộng tích cực. Biết bao nhiêu đoàn thể tổ chức đã được thành lập dể biểu dương sức mạnh khi cần thiết và sẵn sàng yểm trợ các phong trào đối kháng trong quốc nội.
Mội năm, tháng tư đến  nhắc nhở ngày mất miền Nam tự do.  Riêng trong tôi, từ một bản nhạc tình cảm đầy ắp niềm thương nhớ quê hương và tình người, tôi nhớ lại tháng tư 1975 đau thương nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc mà ngoài những hồi tưởng và suy tư tản mạn, tôi còn nghĩ nhiều đến những diễn biến đang xảy ra khắp nơi với hi vọng nhiều vào một tương lai tốt đẹp sớm đến với tổ quốc VN thân yêu.  
Khanh Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Stephen Paddock, kẻ vừa xả súng tàn sát ở Las Vegas ngày 01 tháng 10, đã đặt phòng tại khách sạn Blackstone cao 21 tầng, nhắm xuống lễ hội âm nhạc Lollapalooza ở Chicago trong tháng 8 vừa qua. Đó là nội dung bài viết mới của Nguyễn Anh Nguyên. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng có hơn một năm sống tại Chicago. Bài viết mới của ông đề cập tới việc
Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Bài viết thứ ba của cô là chuyện dân Mỹ tự nguyện xếp hàng hiến máu, sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Thăm dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ ba của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Bài viết mới của tác giả nói lên đời sống chật vật của những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ, đồng thời đề cao tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với nước Mỹ. Bài nầy là chuyện tiếp nối cho tự truyện “Du Học Mỹ Năm 1975”. Tác giả tham dự VVNM năm 2015, được giải Danh Dự năm 2016 và giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả năm2017. Lúc còn trẻ tác giả là một chuyên viên kỷ thuật. Khi về hưu ông tiêu khiển với thú viết truyện. Ông đang định cư ở Orange County.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về một ngày thu, cảm tác lúc giao mùa.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Với cách viết như nói chuyện trực tiếp, bà vui vẻ tự sơ lược về mình: Đinh Nguyễn Thi ở nhà gọi là The. Có chồng hai con. Năm nay mới 61 tuổi. Học xong lớp 9 trường làng. Ở nhà được cha mẹ nuôi. Qua Mỹ năm 1985, sau đó 3 năm có người đòi rước về nuôi đến nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến