Tham Khảo Tại Các Thư Viện Mỹ.
Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 2550-16208627- vb630609
Tác giả là một luật gia và môät nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm Giáp Tuất 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên viên nghiên cứu luật pháp tại Quốc hôi Việt nam Cộng hòa (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại Saigon (1972-74) (World Council of Churches); Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon (1969-75); Giáo sư sinh ngữ Anh và Pháp tại tư gia (sau 1975). Họat động văn hóa xã hội: Phong trào Trí Thức Công giáo Pax Romana (1961-65); Tham gia Ban Cố vấn (Advisory Board) cho các tổ chức IVS, ACS, SBF tại Việt nam từ 1968-75 (International Voluntary Service, Asian Christian Service, Shoeshine Boys Foundation); Tham gia Ban Sáng lập INODEP, Paris (Institut Oecumenique au service du developpement des peuples) (1970-75); Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee (2001-2009).
***
Thư viện ở nước Mỹ là cả một hệ thống đồ sộ, một định chế văn hóa đã ăn rễ lâu đời tại khắp các cộng đồng địa phương, từ miền nông thôn hẻo lánh, đến các khu đô thị đông đúc. Đây là cơ sở phục vụ công ích, là trung tâm sinh họat văn hóa và học tập nghiên cứu chuyên môn cho nhiều tầng lớp quần chúng. Bất cứ trường học nào, từ sơ cấp, trung tiểu học, cho đến bậc đại học, đều có thư viện được trang bị đủ lọai sách báo, băng nhựa, phim ảnh, máy computer v.v... Còn thư viện công cộng (public library), thì cũng có nhiều lọai, tùy theo sự phồn thịnh của mỗi thành phố, mà được trang bị rất phong phú, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một lớn lao của bạn đọc.
Là người có sự đam mê với sách vở, chữ nghĩa, tôi thật có duyên với các thư viện của Mỹ cho đến nay tính ra đã trên 50 năm. Hồi còn học tại trường Chu văn An Hanoi trước 1954, tôi hay đến thư viện của Phòng Thông Tin Mỹ ở góc phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ, gần Hồ Hoàn Kiếm để coi sách báo. Di cư vào miền Nam theo học ở trường Luật, tôi hay tới mượn sách của Thư viện Mỹ, đặt tại đường Hai Bà Trưng Saigon, sau này dọn ra đường Lê Lợi và đổi tên là Thư Viện Abraham Lincoln. Cũng tại Saigon, còn có một thư viện khác của Học viện Quốc gia Hành chánh, do Đại học Michigan bảo trợ (MSU Michigan State University), có rất nhiều sách báo Mỹ hấp dẫn cho lớp sinh viên chúng tôi thời đó. Phải nói là việc học tập của chúng tôi thời Đệ nhất Cộng hoà, được nhờ rất nhiều từ nơi hai thư viện này.
A/ Thư Viện Quốc Hội Mỹ.
Năm 1960, thì tôi được cử đi tu nghiệp tại Quốc hội Hoa Kỳ để trau dồi nghiệp vụ chuyên môn về nghiên cứu luật pháp cho Quốc hội Việt nam thời Đệ nhất Cộng hòa, là nơi tôi đã bắt đầu vào làm việc từ năm 1958, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật khoa. Phần lớn thời gian ở thủ đô Washington năm 1960-61, tôi dành vào việc tập sự tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Đây là một lọai thư viện đặc biệt, có nhiệm vụ chính yếu ban đầu là phục vụ riêng cho ngành Lập pháp trong chánh phủ Liên bang Hoa Kỳ. Nhưng lâu rồi, cơ sở này phát triển lớn mạnh thêm mãi lên, để phục vụ cho giới nghiên cứu chuyên môn về chánh trị, luật pháp tại Mỹ và cả trên thế giới nữa. Có thể nói cơ sở này là niềm tự hào cho ngành Lập pháp nói riêng và cho tòan thể nước Mỹ đối với thế giới nữa.
Vào năm 1960, Thư Viện Quốc Hội chỉ có một tòa nhà chính là Jefferson Building, tọa lạc về phía đông nam của Điện Capitol là trụ sở chính của Quốc Hội. Sau này có xây thêm hai cơ sở nữa, đó là Madison và Adams Building. Cả ba cơ sở này đều có đường hầm ăn thông với nhau. Vào năm 2000, thì tổng số nhân viên của Thư viện đã lên tới gần 5000 người. Và so sánh với hồi 1960, thì bây giờ Thư viện đã khuếch trương, phát triển gấp bội, cả về số lượng công việc, cũng như về phẩm chất các công trình nghiên cứu. Từ mấy năm gần đây, cơ sở này đã được một nhà hảo tâm nhận đứng ra quyên góp đến hàng trăm triệu mỹ kim để tiếp tục phát triển thêm các hoạt động rất đa dạng cuả thư viện vốn đã từng được xếp vào loại hàng đầu trên thế giới này.
Trong việc nghiên cứu chuyên môn của tôi hiện nay, thì kể từ năm 2000, tôi hay đến tham khảo với các đồng nghiệp chuyên viên gọi là "legal analyst" làm việc lại Law Library là một bộ phận trong tòan bộ của Thư viện Quốc Hội. Đề tài mà tôi bắt đầu theo đuổi nghiên cứu từ năm 2000 đến nay là "Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu 1989-2009", nên tôi phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các luật gia gốc tại Đông Âu như người Nga, Balan, Tiệp khắc v.v... Tất cả đều rất tán thành và yểm trợ việc nghiên cứu này và đã chỉ dẫn, cũng như cung ứng mọi thứ tài liệu cần thiết liên quan đến đề tài nói trên.
Mỗi năm cứ vào mùa hè nắng ấm, thì tôi lại từ miền tây bay qua miền đông nước Mỹ, để vừa tham dự các khóa hội thảo tại các viện đại học, vừa tiếp tục công việc nghiên cứu tại cơ sở này.
B/ Các Thư viện địa phương.
Ngòai Thư viện Quốc Hội ở thủ đô Washington, tôi đã có dịp tham khảo tại nhiều thư viện của các Đại học cũng như của các thành phố lớn như New York, San Francisco, San Jose... là nơi tôi hay có dịp lui tới để hội họp hay gặp gỡ bạn bè. Đó là chưa kể đến hàng chục thư viên trong phạm vi quận hạt Orange County là nơi tôi đến cư ngụ kể từ năm 1996 tới nay.
Gần như lúc nào thì các thư viện cũng có rất đông người đến đọc sách báo, xử dụng computer hay mượn sách, băng CD, DVD... Ai ai đến thư viện, thì cũng hăm hở, chăm chú tìm kiếm kiến thức, trau dồi bồi bổ thêm cho cái vốn trí tuệ của mình. Có khi cả một gia đình với cha mẹ dẫn dắt lũ con đến khu dành riêng cho trẻ em đọc lọai sách được minh họa bằng nhiều hình ảnh với màu sắc rất sinh động, vui mắt. Có lần tôi dẫn anh bạn Earl Martin từ tiểu bang Virginia đến thư viện của thành phố Milpitas gần San Jose, để xài internet, thì anh rất đỗi ngạc nhiên, thích thú trước quang cảnh náo nhiệt, linh động của bao nhiêu độc giả lui tới tham khảo, hay mượn sách báo tại đây. Anh nói: "Là một người phải nộp thuế (taxpayer), tôi thấy số tiền tôi đóng góp cho ngân sách đã được xử dụng đích đáng cho các dịch vụ như ở thư viện này".
Theo tôi biết, thì ít nhất có hai lọai thư viện công cộng: Một là của riêng cho từng thành phố. Hai là hệ thống thư viện cho tòan thể một quận hạt. Cụ thể như các thành phố lớn hay phồn thịnh như San Francisco, New York, San Jose... hoặc Huntington Beach, Newport Beach, Anaheim, Santa Clara... đều có thư viện khá là phong phú, hiện đại. Có thành phố lại có hàng chục chi nhánh, được phân bố tuỳ theo các khu vực dân cư khác nhau. Hay là hệ thống thư viện chung cho quận hạt như Orange County, Santa Clara County Public Libraries ..., thì mồi hệ thống có rất nhiều chi nhánh rải rác trong nhiều thành phố trong quận hạt. Độc giả chỉ cần có một thẻ cuả thư viện quận hạt, là có thể mượn sách tại bất cứ chi nhánh nào thuộc về hệ thống thư viện này.
Nói chung, độc giả có thể tự do thoải mái tham khảo sách báo, tra cứu các loại sách thuộc loại để tham khảo (reference books), xử dụng computer hay tìm kiếm danh mục các sách cuả thư viện đã được cài sẵn trên computer, mượn sách đem về nhà v.v... Nhiều thư viện được trang bị với máy tự động, giúp cho độc giả tự mình làm thủ tục "check out sách" (mượn sách đem ra khỏi thư viện) một cách đơn giản, mau lẹ, mà khỏi cần phải thông qua sự kiểm soát cuả nhân viên. Điển hình như thư viện Martin Luther King tại San Jose, có đến 8 máy tự động loại này, khiến cho độc giả mượn sách đem ra khỏi thư viện một cách thoải mái. Vì tất cả các khâu ghi chép thông tin về tình trạng thư viện đều được điện toán hoá toàn bộ (computerised), nên độc giả có thể dùng internet mà tự động giao dịch với thư viện trong các dịch vụ liên hệ đến việc tìm kiếm sách trong bảng thư mục, hay xin gia hạn mượn sách, khỏi cần qua trung gian cuả nhân viên phụ trách cuả thư viện.