Hôm nay,  

Dòng Sông Yên Tĩnh

24/01/200900:00:00(Xem: 420805)

Dòng Sông Yên Tĩnh

Tác giả: Trần Nguyên Đán
Bài số 2514-16208591 vb712409

Tác giả là nhà thơ, nhà văn, đồng thời là một mục sư tại Maryland. Năm 2007, ông làm lễ cung hiến cho giáo xứ tại đây ngôi giáo đường mới, đồng thời nhận giải Tác phẩm Viết Về Nước Mỹ. Vào mùa xuân này, ông lên đường tới một nhiệm sở mới. Bài viết sau đây là tự truyện viết trước ngày lên đường.
***
1.
Buổi sáng như thường lệ, tôi tự pha cho mình ly cà phê và ngồi vào bàn. Nhưng sáng nay tôi không làm gì cả. Tôi nhìn lên màn hình yên lặng của cái monitor trên computer desk. Mặt phẳng của monitor mầu đen nhìn lại tôi. Tôi để trí óc trống, để dòng sông tự chảy.
Mười một năm trước, tôi tình nguyện đến đây, vùng đất còn rất nhiều xa lạ, thậm chí khi được hỏi đến đã phải nhìn vào bản đồ nước Mỹ trải rộng trên counter và hỏi: nó ở đâu" Tôi tình nguyện đến, sau khi từ chối một vài cái offer mà người khác có thể ao ước ngay tại tiểu bang California chan hòa ánh nắng. Sau khi làm ngơ sự giận hờn của bà mẹ Việt Nam mười năm lượm lon nuôi dưỡng đám tàn quân còn kẹt lại. Sau khi gác ngoài tai dăm ba lời "cảnh cáo": ê sĩ quan mới ra trường, chưa biết sợ chiến trường hả"
Khi tôi đến, không gian mềm mại như một giải lụa vắt ngang cổ nàng trinh nữ Virginia, người thiếu phụ còn trẻ đẹp Maryland và nhà bác học già cỗi Washington DC. Đó là dòng sông Potomac mà sau này từ giã rồi tôi sẽ nhớ đến. Cái không gian này tôi đã sống với mười một năm, chiếm một khoảng thời gian dài trong cái sơ yếu lý lịch của một đời người. Nơi này, tôi đã đi bộ trong mùa Xuân, chạy xe trong mùa Hạ, đứng yên trong mùa Thu và nằm ngủ trong mùa Đông. Có một người trong Hội Thánh sẽ đến hỏi tôi một câu không ... ăn nhập gì tới chuyện chức vụ: khi rời khỏi Maryland, Mục sư sẽ nhớ nhất điều gì" Tôi nghĩ ngay đến cái hình ảnh vừa hiện ra trong trí, mùa Thu. Tôi sẽ nhớ Mùa Thu. Phải, tôi sẽ nhớ Mùa Thu. Vào những ngày đầu tháng 10 đã bâng khuâng, hồi hộp, chờ đợi chiếc lá vàng đầu tiên, như chờ đợi người yêu đầu đời ngây thơ trong buổi hẹn đầu, và rồi ngây ngất, đắm đuối trong cái không gian bát ngát vàng hoa, vòng tay êm ái mở, ân cần chào mời, thiết tha .. Mùa Thu, cái Mùa Thu không hề biết phản bội.
Nhưng khi tôi nhắm mắt lại, suy nghĩ thêm một chút, hình dung, tưởng tượng, tôi thì thầm với mình: không phải mùa thu, mà là những con người. Những con người chất phác, giản dị, thật thà, hiền lành, nặng tình... Những con người đã sống cùng tôi dưới một mái nhà chung, nếm trải với tôi những niềm vui nỗi buồn, sung sướng và đau khổ mười một năm qua. Phải, là người, chứ không phải là cảnh vật.
Khi tôi viết những giòng chữ này, thì Người Đẹp Của Năm 2008 Đã Chết, người ta đang dần dần đi gom xác mùa thu lại để chôn, và ngày hôm qua đã thấp thoáng những bông tuyết mỏng rơi, báo tin mùa Đông đã trở lại.
*
2.
Ngày hôm qua trong nhà thờ. Sau khi cầu nguyện khai lễ bắt đầu giờ thờ phượng, tôi thông báo rằng tôi đã nhận được những bức thư mà các tín hữu đã ký vào thỉnh cầu tôi ở lại, tôi nói rằng tôi muốn gặp họ sau giờ ăn thông công. Và tôi nhấn mạnh: chỉ những người đã ký tên vào bức thư đó.
Sau giờ thờ phượng, tôi đứng nói chuyện hơi lâu với một nữ tín hữu để tâm vấn cho cô về một nhu cầu gia đình, tôi nhìn thấy một số các tín hữu đã ngồi rải rác từng nhóm nhỏ trong nhà thờ. Tôi cười hỏi: sao không đi ăn. Một bà nghiêm nghị nói: tôi kiêng ăn hôm nay. Mục sư biết lý do mà. Tôi cười lớn, tìm cách pha trò để làm loãng sự nghiêm túc của câu nói và thái độ. Nhưng những người ngồi đó không hề cười.
Sau cùng, tôi lại đi vào trong nhà thờ để nhìn thấy tất cả những người đã ký tên vào bức thư thỉnh nguyện đang ngồi nghiêm chỉnh trong nhà thờ chờ đợi tôi. Tôi hướng dẫn họ đi vào văn phòng. Họ đi một hàng dài sau lưng tôi như một đàn chiên đi theo sau người chăn. Một bà đi ngay sau lưng tôi nói:
- Mục sư thấy những người đang đi sau lưng Mục sư như thế này không" Mục sư đành lòng nào mà bỏ chúng tôi.
Tôi bắt chước ông bác sĩ gia đình của tôi mỗi khi bước ra ngoài gặp bệnh nhân: OK, OK, OK, OK mà không biết mình OK cái gì. Thật ra không có cái gì là OK cả. Mọi điều đang không OK. Khi tôi đi vào văn phòng, các tín hữu đi vào theo, đứng chật phòng, chen chúc nhau trong căn phòng bốn thước vuông, tràn ra ngoài, trên hallway nhà thờ. Mọi con mắt hướng về tôi. Tôi nghĩ như mình sắp đọc một diễn văn quan trọng. Tôi liên tưởng đến hình ảnh những công nhân sắp bị thất nghiệp đang cố gắng kêu nài ông chủ đoái thương đến họ. Tôi nhìn lên trần nhà, nói:
- Tôi cám ơn hết thảy ông bà anh chị em có lòng thương mến tôi, thương mến chức vụ của tôi, nhưng như tôi đã nói rồi, tôi đã xin phép Chúa cho tôi đi và Chúa đã bày tỏ nhiều lần cho tôi thấy rằng Ngài đồng ý để cho tôi đi. Anh chị em biết là tôi thương mến anh chị em lắm, nhưng tôi không thể ở lại được...
Mặc tôi nói gì thì nói, khi tôi và nhà tôi đi ra. Một người tín hữu nói:
- Được rồi, phần Mục sư nói xong rồi, bây giờ đến lượt chúng tôi, chúng tôi sẽ họp lại. Chúng tôi sẽ tìm hết cách để giữ Mục sư lại.
Tôi không biết mình nghĩ gì nữa. Đây là lần thứ ba trong vòng sáu năm, tôi đã thách thức lòng yêu thương và kiên trì của các tín hữu chân chính, những người nói với tôi rằng Mục sư không đi đâu hết, đây là nơi mà Mục sư đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt ngay cả xương máu để gây dựng, không phải chỉ là cái nhà thờ, nhưng là một thế hệ con người tin kính. Đây là nhà của Mục sư, Mục sư không đi đâu hết. Khi chuẩn bị quẹo trái trước drive way, bỗng nhiên tôi ngoái đầu nhìn lại. Trước đây năm năm, không có cái gì ở đó, chỉ là khoảng đất trống. Và bây giờ, đó là một cái nhà thờ đẹp đẽ, với tháp chuông vươn cao trên bầu trời. Tôi đã nguyện sống và chết với cái nhà thờ đó, khi mọi hy vọng đã biến thành tuyệt vọng. Tôi nhìn thấy một người tín hữu già chậm rãi, cúi đầu rời nhà thờ.
*
3.
Cuộn phim đời tôi quay ngược lại những ngày trước năm 1994. Đâu vào khoảng 90-94. Tôi ngồi trước một cái máy photocopy cũ kỹ trong một cái hàng ba được che chắn lại để cho thuê trong một căn nhà ở thành phố Nha Trang. Trước hàng ba có một cái bảng hiệu viết tay: Photocopy Kim. Tôi không nhớ tại sao mình chọn cho cái "tiệm" photocopy này cái tên Kim. Cái máy photocopy cũ kỹ như căn nhà, như cái hàng ba xập xệ, như cái ghế tôi ngồi, chắt chiu mua từ những thùng hàng nhỏ gửi từ bên kia bờ Thái Bình Dương về, để làm một phương tiện sống. Tôi nghĩ mình không bao giờ có thể là một người buôn bán được, ngoại trừ những ngày tháng bắt buộc phải làm nghề bất đắc dĩ đó để nuôi sống mình, vợ và một đứa con, những túm gạo, những bao khoai mì, những lít mỡ, dấu đây đó trên xe lửa, xe đò, trên ghe qua cơn khủng hoảng. Bây giờ, phải tìm một cái nghề gì đó để sống tạm, để chờ đợi, để hy vọng, tôi nảy ra cái sáng kiến làm nghề photocopy, thời kỳ đó chưa có các máy photocopy gia đình hiện đại tràn lan như bây giờ, nhu cầu copy giấy tờ, sách báo, tài liệu phụ thuộc vào những tiệm photocopy rải rác đây đó. Tôi nhớ như in những ngày mưa ngồi bó gối trong hàng ba nhìn ra, dòng nước ngầu đục chảy dưới lề đường mang theo những vỏ chuối, xác mía, bao ni lông và những thứ rác rến không tên những người buôn bán buổi sáng vứt vội. Nhìn và mong ngóng một người nào đó, đội áo mưa, đi xe đạp, dựng vội chiếc xe đạp ngã nghiêng trên lề, bước vào bên trong ướt sũng, móc trong áo ra những tờ giấy nhầu nát. Bao nhiêu tờ. Tôi hỏi, và cắm cúi mở máy, copy những tờ giấy, nét mực nhòe nhoẹt, lem luốc xấu xí. Móc bóp, trả tiền, vài đồng bạc. Rồi lại bó gối nhìn ra ngoài chờ đợi. Đôi khi một người từ nhà thờ đến, nhờ copy một cuốn sách, cũng là cả một ngày chợ cho gia đình. Tôi đã ngồi như thế, nhiều năm trên con phố vắng buồn tẻ, chờ đợi. Hy vọng một cái gì mong manh. Những hy vọng mong manh lớn dần lên. Những ngày tiệm ế ẩm, máy hư, tôi cũng có thể nhẹ nhõm mở cuốn Kinh Thánh ra đọc, soạn bài dưới cây đèn néon sáu tấc không đủ ánh sáng. Những buổi Chúa Nhật đứng trong căn phòng nhỏ dùng làm phòng học trong nhà thờ đối với tôi là một niềm vui quá lớn. Ngày tôi nhận được giấy báo vào Sài gòn phỏng vấn, tôi đến Kim cách khác hơn bình thường. Ăn mặc chỉnh tề hơn, vì ngày đó không làm việc.Tự cho phép mình nghỉ một ngày. Người đàn ông lớn tuổi độc thân, hình như có tình ý (hay được có tình ý) với bà chủ nhà cho thuê mặt bằng, một thầy giáo dạy tiếng Anh lỡ thời, hay đến nói chuyện với tôi những buổi trời mưa, ghé đến. Tôi mua hai ly cà phê bên cạnh cái quán gần đấy, mời anh. Hai người ngồi ngó ra ngoài đường. Anh hỏi:
- Qua bên đó anh định làm gì, anh Kiến"
- Tôi sẽ đi học Thần học, tôi sẽ ...
- Tôi chúc anh đạt thành ý nguyện nghe anh Kiến. Đổi đời, quên hết đi, quên luôn cái "cửa tiệm" photocopy này.
Buổi sáng trước khi đi Sài gòn, tôi chạy ngang con đường Hoàng Văn Thụ, nhìn vào "cửa tiệm", cái bảng Photocopy Kim đã được xếp vào trong góc, cái bàn để máy đã được dọn trống. Chỗ đó, thay vì tôi, người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trong ánh sáng lờ mờ, cây đèn néon sáu tấc đã bị tắt đi cho đỡ tốn điện, với ly cà phê và điếu thuốc, dáng vẻ yếu đuối, xanh xao, bệnh hoạn. Chỗ đó, tôi đã bắt đầu một thời gian sống tương đối bình thản để ươm những hạt mầm tương lai.Tôi tự hỏi: mình có quên Kim được chăng"
Ở nơi đó, có lần, tôi đã ngồi cắm cúi viết trên một xấp giấy trắng:
một đôi lần tôi chạy ùa ra biển
ôm đại dương xanh thăm thẳm vào lòng
khi nhắm mắt chợt thấy mình tan biến
từ nghìn trùng Kim có nhớ tôi không"
Bây giờ, tôi nghe tin rằng người đàn bà chủ nhà cho thuê đã dời về Sài gòn, căn nhà đó đã được mua lại, sửa sang lại khác hẳn. Người đàn ông dạy tiếng Anh đó đã lưu lạc nơi nào, trôi nổi trên cái dòng đời nào. Những lời chúc lành cho tôi đã biến thành sự thật. Tôi không còn là ông "chủ tiệm" một "cửa hàng" photocopy chỉ rộng một vài thước vuông. Nhưng tôi, có thể nào quên được "Kim". Như hôm nay trời mưa, tôi ngồi đây và nhớ lại những ngày đó.
*
4.
Và tôi cũng không bao giờ quên được những ngày đầu tiên đến Mỹ. Bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại những tấm hình chụp ở phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó, New York, phi trường Mỹ đầu tiên đặt chân đến. Trong tấm hình ở Sài gòn, một trung niên 40 vẫn còn trẻ so với tuổi, đời sống dù quá phong trần vẫn còn giữ được cái dáng vẻ thư sinh, tóc dài, khuôn mặt xương xẩu, khắc khoải. Và tấm ở New York chụp từ phía sau lưng, đứng áp mặt vào khung kính dày của phi trường nhìn ra ngoài, những chiếc máy bay khổng lồ đậu nghênh ngang đây đó vẽ ra trước mắt một chân trời viễn mộng còn rất mới. Tôi cũng vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh thành phố Dallas ban đêm hiện ra dưới đất rực sáng ánh đèn khi chiếc máy bay lớn chao nghiêng chuẩn bị đáp xuống, đẹp như một giấc mơ đã thành hiện thực. Tôi đã đến Mỹ.
Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh một gia đình Việt Nam còn quá quê mùa, mới đặt chân đến đất Mỹ ba ngày, ngủ bù chưa đủ, áo quần lôi thôi, tiếng Anh lếch thếch dắt díu nhau lên chiếc xe bus Greyhound để về kịp California vào ngày lễ Giáng Sinh. Chiếc xe chạy qua nhiều tiểu bang mênh mông mà ngày ấy nào có biết gì ngoài nỗi sợ hãi phải đối đầu với những chuyến transfer liên tục, mỗi lần đổi xe là mỗi lần hốt hoảng chạy theo người này người nọ hỏi thăm, nói những câu tiếng Mỹ rất chuẩn về văn phạm mà không ai hiểu gì hết. Khi đến Palm Spring, thành phố California đầu tiên, gặp một người Việt Nam lên xe, có lẽ đã đến Mỹ lâu hơn mình rất nhiều, nghe kể sự tình, ông ta trố mắt: mới tới Mỹ ba ngày, đi xe bus xuyên bang từ Houston đến đây" Gan thật. Đúng là điếc không sợ súng. Đó là hình ảnh những con người bị bắt buộc phải lìa bỏ quê hương để đi tìm sự sống, đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ hoàn toàn bất đồng, văn hóa tập tục khác biệt. Tôi liên tưởng hình ảnh những người Thanh giáo trên chiếc tàu Mayflower mấy trăm năm trước, lìa quê hương Anh quốc đi tìm sự sống thật để bắt đầu hình thành một siêu cường quốc Hoa Kỳ ngày hôm nay, dù hai hoàn cảnh, thời gian và không gian không hề giống nhau, nhưng cùng chung một nỗi khát vọng đi tìm lại chính mình, tìm cái mà nhân loại ngàn năm qua vẫn khao khát đi tìm, đó là tự do và sự bình an thật, chấp nhận trả giá.
May mắn hơn rất nhiều người đồng hương khác, tôi không phải trả một giá quá đắt. Tôi đến, có một ngôi nhà đã mướn sẵn, có mẹ và các anh chị em đến trước bảo bọc thời gian đầu, dù không được chính phủ cung cấp cho một thứ gì hết, nhưng đã cung cấp cho một thứ quý giá hơn hết: hít thở không khí trong lành và nếm được mùi vị thật của tự do. Tôi cũng như bao người, ngay tức thì tìm cách hội nhập vào xứ sở mới, lấy lại quãng thời gian đã mất. Mướn một cái máy may công nghiệp về nhà, vợ may, chồng cắt chỉ, con đi học. Rồi sau đó, bước những bước kế tiếp: chồng đi làm công cho cây xăng, vợ xin được việc làm trong một hãng công nghiệp. Bước nữa: cả hai ghi danh vào một trường Community College gần nhà. Bước nữa: chồng ghi danh vào một trường Thần học.
Ba năm sau, tôi lấy được cái bằng đầu tiên ở nước Mỹ: Bachelor of Arts in Theological Studies.
*
5.
Người cuối cùng bước vào văn phòng tôi để thi học thuộc lòng Kinh Thánh Giáng Sinh hôm qua là một nữ tín hữu. Mọi năm cô là người đến sớm, thi sớm, chung với nhiều người khác, nhưng năm nay, cô là người thi cuối cùng. Khi người cuối cùng vừa thi xong bước ra thì cô bước vào, mỉm cười và bắt đầu đọc. Khi đọc xong, cô rút ngay trong túi xách ra một phong bì đã chuẩn bị sẵn, đưa bằng hai tay cách trịnh trọng: em chúc Giáng Sinh Mục sư và gia đình. Rồi đứng dậy, quay lưng bước ra, khiến tôi phải nói cám ơn cô vói theo. Tôi biết cô đã chuẩn bị giây phút đó, chuẩn bị cả giây phút bước vào và bước ra. Như mọi năm, cô vẫn làm điều đó cho tôi. Cô thường không nói gì nhiều. Nhưng năm nay, tôi biết, nó có một ý nghĩa khác. Tôi ngồi lại trong văn phòng thêm vài phút nữa, ngồi yên lặng, bần thần một chút, trong khi bên ngoài sanctuary đã lao xao tiếng cười nói của các tín hữu. Tôi nhìn một lượt văn phòng, khung cảnh quá quen thuộc. Tôi không thể nghĩ gì khác.
Sau buổi thờ phượng, trong khi các tín hữu lao xao chia nhóm này nhóm nọ để tập hát, để thông báo, để họp báo, tôi lẳng lặng đến ngồi xuống cái hàng ghế cuối cùng, chờ đợi mọi người xong việc của họ để họp lại với Ban Chấp Hành lần cuối. Tôi nghe có tiếng chân đi sau lưng, và một bàn tay đặt lên lưng ghế, tiếng nói nhỏ gần như thì thầm:
- Như vậy là Mục sư đi thật rồi phải không" Thôi thì ...
Tôi yên lặng, không dám nói gì. Tôi tự nhủ, thôi đừng nói gì.
- Mục sư đi bình an.
Lúc bấy giờ tôi mới quay lại, nhìn người tín hữu, một phụ nữ lớn tuổi, khuôn mặt nhẫn nhục, nụ cười gượng như mếu, tôi nắm tay bà:
- Chị ở lại bình an, cứ hết lòng với Chúa. Mọi điều khác Chúa sẽ lo, đừng lo lắng nhiều.
Tôi nhìn sang bên cạnh, một người phụ nữ khác, hai con mắt đỏ hoe nhìn tôi, không nói gì.


Buổi tối, sau khi đến nhà một người tín hữu để làm một cái lễ cầu nguyện cho gia đình ông bà có người cha mới qua đời ở Việt Nam, tôi đến nhà một gia đình một tín hữu ở một Hôi Thánh khác để dự sinh nhật người chồng và đứa con gái lớn, thật ra sinh nhật chỉ là để thêm một cái cớ. Cách một hai tuần, cô lại gọi: Mục sư, tối thứ tư này lên nhà con ăn tối được không" Khi tôi đến, người chồng tiếp, còn cô ở trong bếp, đem hết đồ ăn này đến đồ ăn kia ra để trước mặt tôi: Mục sư ăn đi. Khi tôi tỏ ý thích món ăn gì, lần sau cô sẽ cố gắng hết sức để mua món đó, thậm chí kiên nhẫn đứng lựa từng hột đậu phộng, về luộc sẵn, ủ cho ấm trong rổ, để sau bữa ăn tôi có thể ngồi lột hết hột này đến hột kia, nhấm nháp và trò chuyện. Cô cũng không nói gì nhiều, yên lặng chăm sóc. Cô không phải là tín hữu của Hội Thánh nhà, mà là một Hội Thánh bạn tôi hay đến giảng giúp hàng tháng bởi vì họ không có Mục sư quản nhiệm. Khi tôi và nhà tôi từ giã ra về, cô mang ra một cái phong bì hơi dày, nói: con kính gởi ông bà Mục sư, kèm theo một  bọc trái cây, cả những củ khoai lang tím mà tôi tỏ ý thích trong bữa ăn. Về nhà, dù đã khuya, tôi cũng cố gắng mở cái thư ấy ra, tôi muốn đọc những lời trong đó:
Con cám ơn Mục sư thật nhiều. Vì năm qua Mục sư đã ở gần, giảng dạy lời Chúa cho Hội Thánh Greenbelt và qua đó tình cảm của gia đình con và gia đình Mục sư thật gần gũi và ấm áp. Con thật vui và được khích lệ rất nhiều. Gia đình Mục sư đi (con khỏi cần nói nhiều) Mục sư biết là con buồn lắm. Có gì cần Mục sư và Bà nhớ liên lạc với con, để con được vui và được khóc cùng với gia đình Mục sư nhé. Mùa Giáng Sinh này con nguyện Chúa yêu thương ban thật nhiều ơn phước, sức khỏe trên gia đình Mục sư. Tụi con thương gia đình Mục sư nhiều nhiều lắm  Con....
Khi tôi có thể hình dung đến những khuôn mặt thường mang đến cho tôi sự an ủi. Bà cụ già đến nhà thờ mỗi buổi Chúa Nhật, thường chào tôi bằng một cái ôm thật chặt, rán kiễng chân lên, hôn trên má, nói: thương quá. Những người thỉnh thoảng, thụt thò rút cái bì thư trong túi, dúi vội vào tay như thể sợ người khác bắt gặp mình đang "hối lộ" Mục sư cái gì đó: Mục sư "uống cà phê" cho "khỏe". God, uống cà phê mà "khỏe"" Những người không thể cho cái gì thì cho nụ cười, lời nói, gắp cho Mục sư những món ăn trong bữa ăn thông công khi Mục sư bận rộn gì đó chưa vào kịp.
Tôi yêu họ. Đó là những người mà tôi sẽ nhớ trên quãng đời còn lại. Đâu có phải chỉ Mùa Thu.
*
-6.
Và những lúc ngồi lại một mình trong nhà. Nhìn đây đó. Những vật dụng, đồ đạc, tranh ảnh, bàn ghế, nhìn là biết có bàn tay của một phụ nữ, không phải là ba cha con vụng về, làm biếng, "dở ơi là dở" không biết mó tay vào cái gì trong nhà để làm cho nó gọn hơn, đẹp hơn.
Người phụ nữ đó những ngày ở Việt Nam không thể làm gì hết. Không thể đi làm một cái gì để có tiền. Bệnh suyễn triền miên hành hạ. Vài ngày là phải chở vào nhà thương cấp cứu trên chiếc xe đạp có thể "sút sên" bất cứ lúc nào. Đi đứng rề rề, chậm chạp, nói không dám nói lớn tiếng. Chỉ có thể cố gắng lắm vào trong bếp nấu cái gì đó cho ba cha con có cái gì ăn khi đi làm, đi học về. Những buổi chiều ở Kim về đôi khi tôi cũng phải vào bếp, vì cô đang nắm trên giường thở đứt đoạn, dưới đầu ba bốn chiếc gối chồng cao, mặt mũi xanh tái, cô thường than thở:
- Nếu Chúa cho qua Mỹ không biết có làm cái gì nổi để phụ anh không hay lại làm vướng bận thêm.
Tôi an ủi:
- Chúa cho đi thì Chúa sẽ chữa lành.
Người anh Mục sư nói tiên tri:
- Qua Mỹ, cô Hoa sẽ đi làm để nuôi chú Kiến đi học.
God. Chuyện khó tin mà có thật. Lời tiên tri ứng nghiệm một cách lạ lùng. Căn bệnh suyễn hoàn toàn chấm dứt khi đặt chân dến nước Mỹ, và người phụ nữ yếu đuối như một con nhái xanh rớt ngày xưa trở thành một "lực sĩ"  trong nhà. Khi may gia công có thể ngồi suốt ngày trên máy may không nói một lời. Khi đi làm hãng, trở về nhà là bắt tay nấu nuớng, dọn dẹp, là người đi ngủ trễ nhất trong ba cha con và dậy sớm hơn họ. Kiếm tiền nhiều hơn "chủ tiệm" photocopy Kim ngày xưa. Và quả là đã góp phần nuôi tôi ba năm trong trường Thần học. Không những thế, khi trở thành Mục sư, tiền lương của cô là một phần lớn quyết định những chi thu cho gia đình. Tôi lọt xuống vào hàng thứ yếu. Nhưng cô luôn giữ đúng cái vị trí "thứ yếu" trong gia đình như lời Chúa dạy. Nghe tôi nói, thỉnh thoảng góp ý, cách nhẹ nhàng. Hỗ trợ tôi bất cừ kế hoạch dự tính nào của "ông Mục sư". Có thể bình những truyện ngắn tôi viết, luận một số bài thơ "khó hiểu"  của tôi, chấm điểm một cách chính xác những bài hát tôi hát. Đi theo tôi, lầm lũi như một chiếc bóng, sáng nắng chiều mưa.
Có một lần, cô mời tôi đi uống cà phê Starbucks để nói một chuyện mà cô cho là quan trọng. Trước khi bắt đầu nói, cô nhìn ra ngoài cửa sổ hơi lâu, và hỏi:
- Anh có biết là H. thương anh nhiều lắm không"
Rồi cô nói cho tôi nghe điều cô nghĩ. Khi trở về nhà, tôi phải đối diện mình trong gương. Tôi nói với Chúa điều tôi nói hàng trăm lần: con biết là con có lỗi nhiều lắm với người đàn bà mà Chúa đã đặt để bên cạnh con mấy mươi năm. Xin cho con chuộc lại những lỗi đó bằng hành động.
Con số ngày chia tay bây giờ đếm chưa tới mười ngón tay và mười ngón chân. Tôi sẽ sống xa gia đình ít nhất là nửa năm nữa. Sẽ một mình làm mọi thứ. Không có người bên cạnh chăm sóc những khi đau yếu. Để không nghe lời trách móc "dịu dàng": cha con nhà này tệ đến nỗi bệnh cũng không biết lấy thuốc mà uống. Mấy ngày nay, tôi đã làm một việc tốt là "nhờ" cô vẽ cho cái bìa tập thơ sẽ in sắp tới. Được khuyến khích, "nữ họa sĩ" vẽ liền tù tì mấy bức tranh "hoa" treo đây đó trên những bức vách sơn mới mà tôi, người vẽ cây bút chì không thẳng, phải thành thật khen ngợi. Xuất sắc, có triển vọng lúc ... về già.
Tôi vốn là người nhút nhát, hay cả thẹn, không tự nhiên để bày tỏ tình cảm của mình. Thường tôi phải dùng đến cái sở trường của mình là viết. Tôi sẽ viết: Tôi mang ơn cái tình yêu lặng lẽ của người phụ nữ ấy. Nhờ tình yêu lặng lẽ ấy, tôi có thể sống, làm việc và yêu thương.
*
7.
Trước hết, tôi sẽ viết: Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng mà tôi luôn tin rằng đã, đang và sẽ hướng dẫn cuộc đời tôi cho đến ngày cuối.
Và sau đó, tôi sẽ viết thêm: Nước Mỹ, tôi tạ ơn người. Trong "Lời Ở Chân Mây," trích từ "Chữ Nghĩa Của Đán," tôi viết:
đợi tôi đến
mang những món quà của tôi đến, nước mỹ
hy vọng vẫn còn kịp
để cất tiếng chào buổi sáng, good morning america
tôi sẽ mang những thơ, truyện ngắn và lời hát đến
như lời ở chân mây...
Trần Dạ Từ viết: tôi thích chúng. Sẽ có Chữ Nghĩa Của Đán trên báo Xuân Việt Báo.
Nước Mỹ. Mười bốn năm sống trên đất nước này, ba năm ở California, mười một năm ở Maryland, và chưa biết là bao nhiêu năm nữa, ở Texas. Tôi đã đi khoảng 25 tiểu bang của nước Mỹ, có thể đếm được nhờ bộ sưu tập ly khi qua mỗi phi trường. Mỗi tiểu bang, tôi đều muốn cúi mặt xuống và hôn trên một mảnh đất của nó. Để bày tỏ lòng biết ơn. Từ những ngày kinh tế mới Nha Trang, những ngày kênh rạch Hậu Giang, từ photocopy Kim, bây giờ, tôi là tôi. Một ngôi nhà rộng đủ để ở và chưng bày cây Noel khi mùa Giáng Sinh đến. Một cái nhà thờ rộng đủ chứa ba trăm người. Một chiếc xe, không, nhiều chiếc xe để đi. Có thể tạt vào quán cà phê Starbucks bất cứ khi nào muốn.
Sau khi nhận được một giải thưởng của Việt Báo năm 2007, tôi có thêm một người bạn lớn mà tôi kính nể về tài năng, có thể thỉnh thoảng gửi một vài bài thơ, nói chuyện văn chương, thư giãn đầu óc cùng nhiều người bạn mới với những sắc mầu đặc biệt, giản dị mà linh động. Như một cái chợ trời rất thân ái bán đủ loại hàng, cần hàng gì thì đi kiếm cho bằng được hàng đó. Réo gọi nhau từ khắp nơi, từ những không gian khác nhau, thời gian khác nhau, cười những giọng cười đủ kiểu, đủ loại, và khi cần nói chuyện nghiêm trang, thì cũng nói chuyện nghiêm trang. Lái xe chạy hết tốc độ, nhưng cũng biết ngừng lại kịp trước những bảng cấm do not enter. Tôi cũng thỉnh thoảng nói vài lời, thỉnh thoảng chỉ im lặng và nghe. Và cười theo. Khi tôi im lặng hơi lâu, cũng có người còn nhớ tới và nhắc, trong cái Sớ Táo Quân ... ngẫu hứng:
Hiền như ông Bụt
Bạn Trần Nguyên Đán
Cũng là Mục sư
Thơ văn lãng mạn
Cám ơn Iris. Tôi cũng yêu các bạn. Có điều muốn đính chính: không có hiền như ông Bụt đâu. Tôi cũng là người.
*
8. 
Đây là con người của tôi, một bài viết ngắn như một nhật ký:
Bụi bay lên. Và khi mở mắt ra được để nhìn thì chỉ còn lại một mình.
Vắng vẻ đến rợn người. Khiến liên tưởng đến một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn: thuở hồng hoang đã thấy, đã xanh ngời liêu trai, còn có ai trong cuộc đời...
Tôi đến đây một mình. Tự nguyện đến đây một mình. Không sách vở, không hành lý, chỉ có cái túi xách bằng vải kaki đựng vài món đồ cần dùng tối thiểu trong hai ngày của một con người. Trong cái túi xách ấy cũng có một cây viết và một xấp giấy, cái mà có lẽ tôi cần hơn cả. Nếu làm rơi mất chúng, chắc tôi sẽ trở lại chỗ cũ. Không nói, không nghe, nhưng không thể không viết.
Tôi quay lại nhìn căn lều người ta để dành cho tôi. Không phải, tôi đã đặt nó với một số tiền. Tôi sẽ sống trong căn lều ấy hai ngày. Lác đác xung quanh nó, một khoảng cách xa đủ để lười đi bộ đến, một vài căn lều khác, có lẽ có một vài người cần sống một mình trong một khoảng thời gian giống như tôi, hoặc cũng có thể là không có ai cả. Chắc cũng không ai buồn để ý là có ai ở đó không, có ai ở gần mình không. Làm chi, đã muốn một mình thì mới đến đây. Trong lều người ta để vài món ăn khô, nước và bếp nhỏ, đủ để sống tự túc trong vài ngày. Cái gì cũng tối thiểu.
Nhìn ra xa, một bầu trời đầy nắng. Nắng chói chang. Mặt đất khô cằn như môi một người khát nước. Thỉnh thoảng đây đó mọc lên một vài gốc cây trơ trụi không biết sống để làm gì. Hoang mạc. Không biết ai đó đã có cái sáng kiến lập nên cái ngôi làng lều hoang vắng trong hoang mạc này cho những con người lâu lâu muốn chạy trốn cuộc sống bận rộn bên dưới, muốn được tĩnh tâm, muốn đối diện mình. Bên dưới, cách xa hàng chục miles đường đất là thế giới sống động của con người.
Người tài xế chở tôi đến đã chạy khuất sau những khúc quanh ngoằn nghoèo đất đỏ. Tôi cúi xuống nhìn mình. Tôi bước vào lều.
Ở đây là nơi tôi đối diện mình. Tôi muốn giải quyết một vấn đề mà nhiều năm nay tôi muốn chạy trốn. Nhưng không thể trốn. Nhiều năm qua, nhiều tháng qua, nhiều ngày qua, Đức Chúa Trời Đấng mà tôi yêu hơn hết thảy mọi thứ trên trần gian này, vẫn nhắc nhở tôi, bằng một ngôn ngữ dịu dàng mà cương quyết. Tôi không thể ra đi mà không giải quyết nó. Chúa nói với tôi "Con trai yêu dấu của ta, con có một tấm lòng rông lượng, con có thể yêu và hy sinh mình cho những gì con yêu, nhưng con vẫn không thể vượt qua điều này, như lời ta dạy: yêu kẻ thù nghịch mình.
*
9.
Trời mùa đông mau tối. Khi tôi rời khỏi Greenbelt, bài giảng cuối, Hội Thánh cuối. Mùa Giáng Sinh cuối. Năm giờ ba mươi, trời đã tối. Ngày hôm kia có lúc nhiệt độ lên đến 70, ấm như mùa xuân. Chiều nay là 30. Tôi kéo cao cổ áo jacket, quấn cho chặt cái scarf. Tay ôm Kinh Thánh và folder bài giảng. cái lạnh luồn vào bên trong, như một bàn tay ướp nước đá để vào trong da thịt. Chạy cho nhanh ra xe. Để phóng cho mau đến nơi hẹn. Lần gặp cuối. Mọi người, everyone who love me, đã tề tựu lại căn nhà của một người tín hữu, đang chờ tôi đến. Để nói lời tiễn biệt, những lời nói sẽ làm trái tim mùa đông tôi ấm áp hơn.
Nhưng điện thoại reng. Mò mẫm trong túi áo jacket, trong túi quần, mở ra kịp trước khi tiếng chuông ngừng lại:
- Anh, ông P. bị accident khá nặng, phải chở vào bệnh viện. Tiếng nhà tôi loáng thoáng
- Ai, tôi hỏi gằn lại, hy vọng là nghe nhầm
- Ông P.  Bà  P. mới báo, xin anh vào bệnh viện gấp.
- Họ cần gì tôi ... Tôi bỗng dưng muốn hét lên. Không. Nhưng tôi ngừng lại được.
- Anh...
- Cái gì"
- Anh nên vào. Cầu nguyện với Chúa, vào đó một chút đi, mọi người ở đây chờ anh.
Tôi đóng ập cái điện thoại lại. Tôi muốn ngừng xe lại trong lane emergency và hỏi Chúa vài câu. Cho đỡ tức, cho hả giận. Trong một lúc, tôi nghĩ là tôi cũng giận Chúa. Tôi sẽ vào thăm ông ta ư, kẻ đã làm cho tôi nhọc nhằn đau khổ nhiều năm qua, vẫn đeo đuổi làm nỗi nhọc nhằn tôi như nhọc nhằn hơn. Tại sao lại là lúc này, tại sao. Tại sao Chúa không để cho tôi yên, không để cho tôi những giây phút ấm áp cuối cùng bên những người yêu mình. Tôi nới rộng cái scarf trên cổ để dễ thở hơn. Tôi lại muốn nhắm mắt lại. Linh hồn tôi tranh chiến dữ dội, giằng co dữ dội. Cuối cùng, tôi muốn khóc. Giá tôi khóc được, tôi sẽ dễ chịu hơn.
Cuối cùng, tôi ngừng xe lại trong parking lot của bệnh viện. Tôi đi bộ vào bên trong, lên thang máy, tìm đúng số phòng. Và nhìn vào trong. Người đàn ông nằm thiêm thiếp trên giường, người đàn bà ngồi cạnh, đưa tay chùi nước mắt. Đó là người đàn ông đã viết một bức thư trong bóng tối, tưởng tượng ra những lời độc ác nhất để bôi nhọ tôi nhiều năm trước, những lời độc ác có thể nghe được từ một con người. Mà chính Đức Chúa Trời đã "dọn bàn cho tôi, trước mặt kẻ thù nghịch ấy" Đức Chúa Trời đã giúp tôi đứng dậy sau cú trợt té ấy, giúp tôi xây dựng nên một cái đền thờ khang trang cho Ngài để thay tôi trả lời cho kẻ đối kháng. Đó là cái câu hỏi cuối cùng mà Chúa muốn tôi phải trả lời trước khi rời khỏi nơi này. Đó là câu trả lời khó nhất cho tôi, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa muốn trả lời. Nhưng Đức Chúa Trời muốn tôi phải trả lời.
Tôi đứng bên ngoài một lát, nhắm mắt lại.
Những ngày Việt Nam hiện ra, những ngày Hoa Kỳ hiện ra. Trộn lẫn vào nhau như một nỗi đau buốt óc. Tôi không đủ tiêu chuẩn để đến đất nước này, tôi vẫn đến. Tôi lẽ ra giờ này còn loay hoay với những công việc làm vá víu để kiếm sống qua ngày ở quê nhà, làm một công dân hạng bét, với người vợ đau yếu triền miên, và những đứa con không có tương lai. Tôi đã nhận được một tình yêu ban cho không đòi giá, ngay cả khi tôi phạm tội, tôi vẫn được yêu. Tôi đã nhận nhiều quá, sao tôi không thể cho lại" Tại sao tôi không thể tha thứ" Tại sao vậy" Tôi cảm thấy xấu hổ. Trong nhiều năm, tôi nghĩ là mình đã yêu đủ, nhưng tôi chỉ làm bổn phận mà thôi.
Và Chúa Jesus mà tôi muốn từ chối không gặp mặt, đang cố ý lẩn tránh nẫy giờ, hiện ra. Trên cây thập tự, một thân thể gần như trần truồng đẫm máu, máu từ trên chiếc mão bằng gai cứng siết vào trán chảy xuống, máu từ những lằn roi da móc sắt đánh không thương tiếc vào lưng chảy ra, máu từ những mũi đinh nhọn cắm sâu vào chân tay, máu từ mũi giáo nhọn đâm vào hông. Máu từ những lời sỉ nhục, những bãi nước miếng. Máu chảy ra từ sự chạy trốn của các môn đồ. Và cũng có thể, máu chảy ra từ sự cứng cỏi của lòng tôi. Trên đôi môi đẫm máu đó, còn một tiếng nói cuối cùng "Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết mình làm gì"
Tôi mở mắt ra, kinh hoàng nhận biết đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng tôi đã quyết định bước vào bên trong phòng.
*
10.
Cái đập nước chắn dòng sông đã được tháo gỡ. Và bây giờ, dòng sông có thể yên tĩnh trôi đi. Tôi có thể yên tĩnh trôi đi.
Trần Nguyên Đán

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến