Hôm nay,  

Thi Quốc Tịch, Kỷ Niệm Dễ Thương

23/12/200800:00:00(Xem: 244710)

Thi Quốc Tịch, Kỷ Niệm Dễ Thương

Tác giả: Ái Huyền Kim Cúc
Bài số 2489-16208566-vb3231208

Tác giả tên thật là Hồ thị Kim Cúc  sinh năm 1943, cựu học sinh trường Đồng Khánh, Huế, hiện sống ở San Jose cùng chồng và các con. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là kỷ niệm đi học và đi thi quốc tịch. Mong bà sẽ tiếp tục viết thêm.

***
"Ai ăn khoai lang, khoai mì, bắp luộc không"" Đó là tiếng rao lanh lảnh quen thuộc  của một bà cụ già  ngót 70 tuổi bán hàng rong vang lên  mỗi sáng đi ngang qua xóm tôi lúc tôi còn ở Việt nam. Tự nhiên tôi nhớ lại  mà  lòng  cảm thấy xót xa... Ở đây sống trên đất Mỹ này những người già như vậy đều được nhà nước giúp đỡ, hưởng trợ cấp an sinh xã hội, tiền khám bệnh, tiền thuốc, kể cả nằm bệnh viện, khỏi phải dãi gió dầm mưa kiếm miếng ăn nuôi miệng. Nhưng lúc này muốn được hưởng trợ cấp đó  thì người già phải  là công dân Mỹ. Vì lẽ đó tôi phải nộp đơn xin thi quốc tịch và đây chính là những tháng ngày tôi không thể nào quên được.
Vào một buổi sáng đầu năm trời thật lạnh, tôi đến văn phòng Asian Law thiện nguyện xin giúp đỡ làm đơn thi quốc tịch. Đến đây tôi được một cô nhân viên Việt nam còn trẻ tên Dương chỉ vẽ chu đáo và chụp cho tôi hai tấm hình kẹp vào đơn. Xong cô giữ lại tất cả để nộp giùm cho tôi và nhỏ nhẹ nói "Bác yên tâm về nhà chờ đợi" và cho tôi một tập tài liệu để học.
Tôi ra về lòng hân hoan vui vẻ. Mấy tháng sau đó tôi được gọi đi lăn tay và thầm nghĩ  thế là từ đây mình phải ráo riết  "dùi mai kinh sữ đề chờ kịp khoa". Ngày hôm sau ông xã tôi hướng dẫn tôi xin vào học lớp ESL và luyện thi quốc tịch tại trung tâm VIVO. Kể từ  đây, mỗi buổi sáng tôi  sẽ "cặp sách đến trường" sống lại tuổi học trò, chỉ có khác là không phải  tuổi học trò mộng mơ nhí nhảnh mà là học trò tuổi lục tuần nhiều lo âu.
Hôm đầu tiên mới 7:30 sáng tôi đã thúc dục ông xã tôi chở đến trường mặc dù lớp học bắt đầu lúc 9 giờ và nhà  chỉ cách trường 10 phút đi bằng xe hơi, bởi lẽ nếu có ngồi ở nhà thì lòng tôi cũng nôn nao hồi hộp không yên.
Khi đến nơi, cô thư ký văn phòng trắc nghiệm trình độ Anh văn của tôi rồi dẫn tôi vào một lớp học. Tôi cúi đầu chào cô giáo và được xếp vào chỗ ngồi. Cô giáo  còn trẻ, khoảng ngoài 30, xinh xinh dễ thương. Cô dịu dàng hỏi thăm tôi về English và khái niệm ban đầu 100 câu hỏi thi quốc tịch. Sau khi nghe tôi trả lời, cô nói với tôi nhỏ nhẹ: "Cháu thấy bác khá lắm, bác đừng lo lắng quá, nhất định bác sẽ đậu". Nghe thế lòng tôi nhẹ nhàng vui vẻ.
Rồi những buổi học kế tiếp cô thường gọi tôi lên bảng làm bài tập. Có lần tôi viết được cả một đoạn văn tả gia đình tôi. Cô và các bạn trong lớp đều ngợi khen. Cô còn dạy viết tên vị tổng thống đầu tiên, tổng thống thời nội chiến, hiện tại và tôi lo nhất là cái tên của vị thống đốc Cali Arnold Schwazenegger, sao mà dài lê thê khó phát âm quá!
Rồi.. một buổi sáng tôi không thể quên được, cô giáo  vào lớp sớm hơn thường lệ, gương mặt buồn buồn nói "Các bác ơi! Cháu không còn được hướng dẫn các bác nữa vì cháu phải chuyển qua công tác khác." Cả lớp bàng hoàng sửng sốt cố năn nỉ cô ở lại dạy. Nhưng cô bảo cô không thể. Sau đó cô từ giã lớp  ra về. Cả lớp học sinh buồn rầu nhìn theo cô và riêng tôi nghẹn ngào, cúi đầu, thấy mắt mình nhòa lệ...
Hôm sau thầy giáo mới vào lớp. Thầy tự giới thiệu tên, tuổi- trên 35 dưới 40- hiện đang dạy lớp vi tính buổi chiều tại đây. Thầy nói "Cháu rất vui được hướng dẫn các bác về ESL và luyện thi quốc tịch. Các bác đừng ngại ngần, đừng mắc cở, thắc mắc gì cứ hỏi cháu."
Thấy thầy vui vẻ, cởi mở, cả lớp bớt lo lắng, cười nói  "Già cả sắp xuống lỗ rồi mắc cở chi nữa thầy ơi".
Qua những giờ học đầu tiên, đúng, quả thật thầy là người vui tính và rất tếu, có lẽ đó là một bí quyết để cho lớp học trò gìà khỏi ngủ gục và mệt mỏi. Thầy còn dạy cả lớp đọc thơ và hát những bài hát ngắn gọn. Mỗi buổi sáng khi vào lớp thầy trò good morning xong là cả lớp đọc thơ theo thầy:

Buổi sáng thức dậy,
Nhớ thở nhớ cười.
Hơi thở là cuộc sống
Nụ cười là đóa hoa
Là pháp thân mầu nhiệm
Là quê hương thanh bình.

Sau khi "mở hàng" bằng những câu thơ và bài hát vần ABC cả lớp thấy vui vẻ và thoải mái đi vào tiết học.
Vào những giờ ESL thầy đem ra một túi vải lớn. Cả lớp xì xầm "Thầy bày đồ nghề ra rồi." Rồi thầy thò tay vào túi lần luợt lấy ra từng thứ đưa lên cao.
Thấy cái kéo thì cả lớp phát âm scissors, viết chì thì đọc pencil, rồi đến viết xóa, keo dán vv... những thứ mà thầy bảo khi vào thi quốc tịch giám khảo có thể vui miệng hỏi thêm những vật dụng văn phòng để trên bàn. Cả lớp trả lời thật lớn. Dĩ nhiên có một số nói thật nhỏ vì không nhớ, sợ sai thì mắc cở. Thầy dạy rất vui và hấp dẫn đến nỗi cả lớp sợ giờ học chóng hết.
Vào những buổi học 100 câu lịch sử, thầy dạy đọc, tập viết và trả lời. Có buổi thầy mở máy cho xem băng Video cảnh  phòng thi giám khảo đang sát hạch thí sinh.


Tôi còn nhớ lúc đầu tiên khi đọc 100 câu vấn đáp lịch sử, tôi cứ ngỡ mình không thể nào học thuộc được. Cứ mỗi buổi chiều ở nhà trong lúc làm nội trợ cho gia đình, tôi thường nhẩm đọc các câu hỏi đó và tên các vị tổng thống George Washington, Abraham Lincold, tên hai vị thượng nghị sĩ, tên vị thống đốc tiểu bang. Mỗi lần nghe tôi lẩm nhẩm như vậy, các con tôi đùa "Má gọi thầm tên người yêu hả má""
Những tháng ngày làm học trò già thật vui dù có nhiều lo lắng. Trước giờ học tôi và các bà bạn thường kể cho nhau nghe về chuyện gia đình, chuyện giận chồng, chuyện bực mình con dâu con rể, chuyện sinh nhật cháu nội cháu ngoại, và chỉ cho nhau những mặt hàng bán sale, bày cho nhau  nấu các món ăn ngon.
Có một buổi sáng chúng tôi đang chuyện trò râm ran, cười nói vui vẻ thì thầy ôm cặp vào, mặt nhìn nghiêm trang tỉnh bơ hỏi cả lớp "Xong chưa"" Cả lớp hỏi lại "Dạ xong gì thầy"" Thầy bảo "Tôi hỏi cả lớp nói chuyện đã xong chưa, nói gì mà nói quá trời quá đất. Tui đứng bên văn phòng mà nghe ồn như cái chợ." Cả lớp như sực nhớ ra mắc cỡ ,xấu hổ vì đã già đầu mà nói chuyện ồn ào như con nít. Tôi lanh trí xí xóa cho bớt quê bằng cách nhắc "Đọc thơ thầy ơi, hát thầy ơi!" Thầy cười cười.
Cách vài hôm sau thầy  vào lớp mặt vênh vênh tự đắc hớn hở vui vẻ khác thường, thầy bảo " Bửa ni tui có thuốc chữa rồi"" Cả lớp hỏi "Dạ chữa gì vậy thầy"" Thầy trả lời "Chữa bệnh." Cả lớp lại hỏi "Bệnh gì vậy thầy"" Thầy cười bảo "Bệnh nói chuyện của các bác." Nói xong thầy mở cặp lấy ra một cái chuông đồng nho nhỏ lắc lắc kêu reng reng. Chúng tôi chợt hiểu. Cũng từ hôm đó mỗi lần khi thấy chúng tôi  vui miệng chuyện trò trong giờ học thì thầy lấy chuông ra lắc lắc kêu reng reng reng là chúng tôi im thin thít liếc mắt tinh nhịch nhìn nhau, còn thầy thì mỉm cười coi bộ khoái chí vì thắng cuộc.
Những tháng ngày học luyện thi, mặc dù cũng tự tin vào sức mình nhưng lòng tôi vẫn cứ phập hồng lo sợ vì đã là thi tất nhiên có sự may rủi "học tài thi phận". Tôi đã cố gắng và căng thẳng vì thấy bạn trong lớp có người thi đến ba bốn lần mà vẫn chưa đậu. Bài học 100 câu hỏi bao giờ cũng nặng trĩu trong trí óc tôi, ngay cả khi đi bộ ở công viên tôi cũng nhắc ông xã tôi hỏi để tôi tập trả lời cho thật trôi chảy.
Học được ba tháng  thì tôi nhận được thư báo ngày thi quốc tịch. Tôi vui mừng tin cho thầy và các bạn hay.  Thường lệ, những học trò, trước ngày thi hai tuần, đều được thầy "dợt riêng" vào mỗi buổi sáng tại văn phòng trrước giờ vào học. Tôi cũng được đặc ân đó.
Sau hai tuần gò bài cho tôi, thầy bảo " Không còn là cháo mà đã thành xúp rồi, bác yên trí đừng lo gì cả." Nghe thầy nói tôi thấy yên tâm và lòng rộn ràng vui.
Rồi ngày thi đến, tôi " lên đường ứng thí" vào một buổi sáng cuối tháng 10 trời mưa thật lớn. Ông xã tôi nói " Em đừng lo, khởi đầu làm gì mà gặp mưa là hên lắm nghe.Hôm nay tự nhiên trời mưa, em chắc chắn thi đậu" Nghe vậy lòng tôi cảm thấy bớt lo âu hồi hộp.
Đến nơi, trong khoảng thời gian ngồi  chờ đợi gọi tên vào phỏng vấn, tôi thấy có bốn người từ phòng thi đi ra: một cô vui vẻ chạy đến ôm người thân, một bà gần cở tuổi tôi vừa đi vừa dụi mắt, một anh thanh niên mặt hớn hở tươi cười, một ông mặt buồn buồn mím mội lắc đầu với cô con gái. Như vậy người thi rớt cũng nhiều . Tôi cảm thấy quá lo âu và lẩm nhẩm cầu nguyện "Xin Trời Phật phù hộ cho con gặp được vị giám khảo hiền lành dễ dãi".
Rồi cánh cửa phòng số 4 mở, một ông Mỹ cao lớn trắng trẻo, phúc hậu kêu tên tôi. Tôi đứng dậy dơ cao tay nói lớn "Yes, I’m here." Ông ta có vẻ hài lòng nhìn tôi bảo "Very good ." Bằng ánh mắt thiện cảm của ông, tôi lấy lại tự tin và bớt hồi hộp lo lắng.
Vào phòng thi, sau khi tôi tuyên thệ chỉ nói toàn sự thật, vị giám khảo mời tôi ngồi xuống và bắt đầu sát hạch. Trước hết ông ta hỏi tôi về Form 400 tôi trả lời rất trôi chảy. Vị giám khảo gật đầu khen "Very good" và tiếp theo trao cho tôi một bảng 10 câu hỏi về lịch sử nước Mỹ. Tôi đọc to  rõ ràng  và trả  lời chính xác từng câu, vị giám khảo lại  liên tục khen "Very good, very good!" Tiếp theo ông đọc một câu để tôi viết  "I have four children, two  sons and two daughters" Tôi viết đúng, ông ta gật đầu cười hài lòng. Cuối cùng ông đưa tôi một phong bì lớn và nói "Congratulation!" Tôi biết tôi đã thi đậu nên mừng quá mắt rớm lệ. Có lẽ thấy tôi quá vui mừng ông ta nói "Have party with your family!" Tôi mỉm cười nhìn lại ông, cảm ơn rối rít "Yes, thank you, thank you so much  so much."
Vị giám khảo tiển tôi ra cửa says good bye. Tôi lưu luyến chào lại vị giám khảo khả kính và cũng khả ái  nữa. Từ chỗ ngồi  chờ đợi xa xa, có lẽ ông xã tôi đã thấy được ánh mắt reo vui của tôi, nên khi tôi vừa đến, ông đứng dậy cười nói "Em đậu rồi!" Tôi gật đầu kiêu hãnh và trông mau về đến nhà để khoe kết quả mỹ mãn với các con tôi.
Giờ đây, những tháng ngày vui buồn về luyện thi quốc tịch đã qua, nhưng cứ mỗi lần nhớ lại lòng tôi vẫn bồi hồi xao xuyến và tôi biết chắc chắn rằng  đó là những kỷ niệm không bao giờ quên, sẽ ở  trong lòng tôi mãi mãi... trong những năm tháng còn lại của cuộc đời!.."
Ái Huyền Kim Cúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,706,698
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến