Hôm nay,  

Nói Chuyện Tử Sinh

21/12/200800:00:00(Xem: 371401)

NÓI CHUYỆN TỬ SINH

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2488-16208565-vb2221208

Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết và mới nhất, năm 2008, ông nhận giải Việt Bút, dành cho những tác giả đã “vượt được chính mình.”

***
Không phải đến bây giờ ông Điền Sơn mới nghĩ đến bệnh và tử. Cách đây 10 năm, lúc vừa đúng 65, trong một buổi tiệc họp mặt các cựu sĩ quan cùng khóa, khi nghe cô ca sĩ uốn éo hát "Anh ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời... ", ông nói đùa với bạn:
- Moa lời được 5 năm. Đáng lẽ moa chết 5 năm trước rồi. Không những moa chết mà hơn phân nửa các toa cũng đã biến thành ma. Hay tất cả đã là ma, đang ngồi dưới âm ty nghe hát.
Ông thấy ác cảm với cô ca sĩ và Y Vân, tác giả bản nhạc. Hèn chi lão ấy chết hồi 60 tuổi. Quả là "Thần khẩu buộc xác phàm". Hồi đó khóa của ông có 12 người "ra đi", kể cả tử trận và bạo bệnh. Ai cũng đùa:
- Con số 12 là con số của tụi mình. Tụi mình nhập học ngày 12 tháng 12, vậy thì nhất định chỉ có 12 mống bỏ anh em. No more! Don't worry about that! Còn lại 80 mống, họp mặt dài dài, tán dóc dài dài.
Họp mặt dự trù chỉ có 3 ngày nhưng họ kéo dài thêm 3 ngày nữa để du lịch Mễ, du lịch biển hay đến nhà nhau tán dóc. Các bà hầu hết quen nhau, rủ nhau đi mua sắm. Riêng ông Điền Sơn và một số bạn thuộc loại chịu chơi, tụ tập tại một tiệm cà phê. Họ nói đủ thứ chuyện, xưng hô "mày, tao" với nhau như hồi còn ở quân trường. Ông đem theo một sưu tập hình Playboy. Các bạn "chịu chơi" này chia nhau xem, trằm trồ, cười, nói tục tĩu. Họ ôn lại chuyện xưa, ước gì được sống lại thời ấy, dù chỉ một ngày rồi lăn đùng ra chết cũng được.
Con số 12 không linh, 3 tháng sau một bạn chết. Hắn già nhất khóa, thể chất không được tốt, ăn chơi trụy lạc ngay từ nhỏ, uống rượu hút thuốc lá liên tu bất tận, chăm ngôn của hắn là "Thà bỏ mình vì rượu chè hơn bỏ mình vì tổ quốc". Hắn chết sớm là phải. Ai cũng nói với nhau như vậy, để trấn an nhau. Tiếp theo có cáo phó báo tin một vị niên trưởng cấp tướng và một cựu thủ tướng vừa từ trần. Một năm sau có thêm hai cựu bộ truởng và một cấp tuớng vừa về với Chúa. Anh em bắt đầu lo, vừa lo vừa đùa: "Rõ ràng ai có cấp bậc cao thì ra đi trước. Khóa mình có bốn đại tá, cấp bậc cao nhất khóa, chuẩn bị hành trang cho kịp. Họ đùa vói nhau như vậy, rôi đem thần chết ra chế giễu. Có người còn dọa thuê sát thủ giết "lão ta" để trừ hậu họa. Có anh còn cảm khái, ngâm thơ:

Lá vàng sau trước cũng rơi
Có ngày đến lượt ta thôi sợ gì

Hồi đó ai cũng nghĩ đến chuyện chết giống như hồi còn ở quân trường nghĩ đến việc tham dự một cuộc hành quân nguy hiểm sau này. Cũng dễ sợ thật nhưng đâu cần phải sửa soạn ba lô ngay.
Bây giờ nghĩ đến ngày đó thấy vui quá. Ước gì sống lại thời ấy, dù chỉ một ngày. Bây giờ bạn cùng khóa trẻ nhất cũng đã 70. Mười năm rồi chẳng có ai bỏ bạn bè ra đi. Nhưng ngày họp mặt hai năm trước chỉ có 50 mống, kể cả vợ và con cháu. Tụi trẻ tham dự để làm vui lòng người lớn. Tụi nó nhìn nhau xa lạ, rồi chuồn đâu mất. Người lớn còn lại ngồi nói chuyện với nhau, về thuốc thang, bệnh viện và bác sĩ. Có kẻ nói về hậu sự.
- Moa muốn về "nằm" với ông bà già moa. Nghe nói bây giờ có dịch vụ "Trở Về Mái Nhà Xưa". Chỉ cần 10, 000 là người ta lo hết, đem mình về bất cứ nơi đâu ở Việt Nam.
- 10, 000 là về Sài Gòn. Ở tỉnh phải thêm 200. Tính trọn gói, kể cả tiền típ ít nhất cũng 10, 500.
- Mình thì chỉ thích đốt. Vệ sinh, ít tốn.
- Thôi đi mấy ông ơi, họp mặt vui vẻ, nói chuyện gì đâu! Hèn gì tụi trẻ bỏ đi hết- Một bà lên tiếng.
Trên sân khấu cô ca sĩ vừa chấm dứt bản nhạc "Nghìn trùng xa cách", giọng như đưa đám. Một cô khác, ăn mặt như bà Eva vừa bước lên sân khấu "Anh ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời... ". Anh MC vừa lắc cái mông xẹp lép vừa nói lớn:
- Mời quý ông, quý bà, các anh, các chị. Twist! Twist!
- Anh MC ơi, tụi này chết lâu rồi mà twist cái gì.
Vài cặp bước ra sàn nhảy, được nửa bản thì trở vào, vừa thở vừa chuyện trò. Lại dược thảo, lại bác sĩ và hậu sự.
Cuộc họp mặt năm nay chỉ có 10 mống ghi tên. Vậy là dẹp bỏ.
Đã 3 ngày nay ông Điền Sơn thấy hai bên đầu gối nhức nhối. Từ nhỏ đến lớn, ông chưa hề mắc phải một bệnh gì trầm trọng, ngoài các bệnh như đau đầu, đau bụng, sổ mũi, cảm cúm. . . Ông nghĩ chắc chắn đây là dấu hiệu của già lão, mà con đường từ lão đến tử cũng chẳng xa xôi. Cái đầu gối này sẽ vĩnh viễn nhức như vậy cho đến lúc không đủ sức làm đòn bẫy nâng thân hình đồ sộ của ông. Thuốc men chẳng giúp gì được đâu. Vậy là xong. Đời người trôi qua nhanh thật. Ông than thở với vợ ông. Ông nói chắc chắn sức khỏe ông đã bước sang một giai đoạn xấu. Ông nói đầu gối ông đã hết chất nhờn. Bà cười nói:
 - Không răng mô, tui là vợ ông mà không biết ông còn hay hết xíu quách sao. Ông lái xe đến Costco mua một chai Glucosamine 1,500 mg, uống 2 viên một ngày. Bảo đảm 3 ngày là hết nhức. Thuốc này tui hay mua cho bà già, quên rồi hả.
Vợ ông nhỏ hơn ông 15 tuổi. Năm nay bà 60 nhưng trông rất trẻ. Năm 44 tuổi bà vẫn còn sinh cho ông một đứa con gái rất xinh đẹp.
- Đầu gối tôi thế này mà bà bảo tôi lái xe. Rủi đạp thắng không được thì sao.
Nghe chồng nói, bà Điền Sơn bật cười:
- Đạp thắng không được thì...  chết. Sao ông đổ đốn vậy. Trước đây vào sinh ra tử, xông pha trận mạc, tù tội rừng thiêng nước độc mà ông không sợ, nay lại sợ ...  cái thắng xe. Tôi mà biết vậy, chẳng ưng ông mô.
Máu tự ái nổi lên, ông lái xe đi mua thuốc đem về. Quả nhiên hai ngày sau khi uống thì đầu gối hết nhức. Bắt đầu từ đó ông để ý tới thuốc men, nhất là thuốc bổ. Ông đọc báo, ông tìm trong internet. Nhiều lọai thuốc quá, không biết nên uống thứ nào. Có lẽ nên dùng thảo dược, dù có uống quá liều cũng không đến nỗi nào. Ông vào Costco mua đủ lọai thuốc bổ đem về nhà. B- complex C thiên nhiên, nhàu noni, bạt quả ginkgo biloba, thuốc tỏi viên, sinh tố E thiên nhiên, thuốc trà xanh viên.... Bà nói sao ông mua nhiều thứ quá vậy, khuyên ông nên gặp bác sĩ, hỏi bác sĩ thử ông nên uống lọai thuốc bổ nào. Theo bà, cứ ăn trái cây đều đều là được, cần gì phải uống nhiều thảo dược như vậy. Ông ít thích đi bác sĩ vì một lý do buồn cười như sau. Mấy tháng trước đó ông đến gặp một bác sĩ để khám tổng quát. Khám cho ông xong, anh bác sĩ trẻ người Việt nói tiếng Việt lơ lớ:
- Bác còn à... nhiều khỏe lắm, chưa hề gì đâu. Cũng... à 10 năm nữa.
- Doctor nói sao" Mười năm gì"
- Mười năm nữa mới... à... chết.
- Không đâu. Có khi tôi mới bước ra khỏi chỗ này thì chết. Báo đăng ở Việt Nam có anh bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân hấp hối, lại lăn đùng ra chết trước bệnh nhân 3 phút.
- Ở Việt Nam, chứ ở đây làm gì có.
- Doctor sợ hả" Ai mà không chết. "Tất cả mọi người đều phải chết. Socrates là người, Socrates phải chết"- Ông cười, đọc một câu tam đọan luận học hồi nhỏ.
- Socrates là ai vậy" Bệnh nhân của tôi không có Socrates nào cả
Sau đó anh bác sĩ giảng giải đủ thứ rồi nói:
- Bác về bảo mấy em nhỏ dịch chữ Anh trên hộp thuốc để biết rõ thêm.
Ông Điền Sơn chẳng bao giờ trở lại gặp anh bác sĩ này nữa. Thằng dở hơi. Nó ngu mà cứ tưởng mình dốt. Nó tưởng ai già già như mình qua đây cũng không đọc được tíeng Anh.
Một hôm bà về thấy ông nằm trên giường, có vẻ mỏi mệt.
- Phần đầu bên phải của tôi lâu lâu lại nhói lên một cái. Mấy hôm nay tôi thấy khó thở. Nghe nói người già dễ bị tai biến mạch máu não- Ông nói.
Bà lo lắng:
- Phải, khi hôm tôi nghe ông ho hơi nhiều. Ông phải đi bác sĩ.
- Hôm nay thứ ba, David Nguyễn nghỉ. Đợi đến mai.
David Nguyễn là bác sĩ, cháu gọi ông bằng cậu.
Nguyên cả một ngày ông nằm trên giường, nghĩ đủ thứ chuyện. Bây giờ mà mình chết thì bỏ dở nhiều việc lắm. Thứ nhất là chuyện ba đứa con.
Thủy Tiên, con gái út mới 16 tuổi. Nghĩ đến nó, ông thấy thương làm sao. Hồi mang thai nó bà đã định đi phá, ông cũng hùa theo. May quá, bà sợ đau nên cứ để cái bụng như vậy cho đến hơn 9 tháng thì con bé rúc ra, khỏe mạnh, mặt đẹp như ngọc. Không những nó đẹp mà còn thông minh nữa. Chỉ có điều đến năm 13 tuổi nó không thích cha mẹ săn sóc. Thấy ông đến trường đón, nó mắc cỡ. Có lần nghe ông nói chuyện với mấy người quen trước cổng trường học, nó nhăn mặt: " Ba đừng nói tiếng Việt ở đây". Sau đó nghe ông nói tiếng Mỹ, nó cũng nhăn: "Ba nói tiếng Mỹ gì mà nghe như người...  ở đâu". Ông nói: "Ba đâu có sanh ra ở Mỹ mà nói như người Mỹ". Chắc nó tưởng ông dốt lắm. Nó hầu như không biết ông đã tốt nghiệp đại học và là một sĩ quan cao cấp trước kia. Nó không biết hảnh diện về ông. Vì vậy ít khi nó cho lời khuyên của ông là đúng. Nó chỉ nghe lời người chị lớn và người anh. Việc này làm ông cảm thấy hơi bực mình. Ông đang tìm cách "chiêu hồi" nó về với ông.
Tú, đứa con trai giữa thì ông không cần phải lo lắm. Nó chững chạc, to con, đẹp trai nhưng lại có quá nhiều bạn gái, mà không phải người Việt, toàn là Phi, Đại Hàn, Nhật, Tàu...  Đứa nào vào nhà gặp ông cũng chỉ "Hi" một cái. Ông thích có một con dâu Việt Nam hay ít ra là một con dâu người Á Đông gặp ông phải biết cúi đầu chào.
Bảo Trâm, đứa con gái lớn nay 25 tuổi, cựu á hậu. Bạn trai nó là một cậu Việt Nam hơi xấu trai, phục phịch như một đứa trẻ, nhưng được cái học giỏi và hiền. Tụi nó quen nhau từ nhỏ. Ông không thích thằng này. Ông cho nó không xứng đáng với con gái ông nhưng ông không biết phải can thiệp cách nào.
Về vợ ông, nếu bây giờ ông chết chắc bà buồn lắm. Bà không còn ai để cùng ngồi xem phim Việt Nam và nghe nhạc trong lúc đêm hôm, có khi xem những phim rất ướt át. Ông mới vừa mua một mớ tape đủ lọai, rất hay, xem cả tuần không hết. Nếu ông chết, bà sẽ cùng xem những phim này với ai, chẳng lẽ lại xem chung với thằng cha hàng xóm đáng ghét.
Nói đến thằng cha này ông lại bực mình. Hắn nhỏ hơn ông vài tuổi và chỉ là một anh lính kiểng trước đây ở cùng xóm, nhưng trong những buổi họp hội đồng hương hắn thường ra vẻ như ta đây là một ông gì lớn lắm của Viêt Nam Cộng Hòa. Tướng đi của hắn bệ vệ, gặp ai cũng nhếch mép cười, nghĩa là cái mép cười chứ không phải cái bụng cười. Lần nào gặp vợ ông hắn cũng cười như vậy, nhưng trong cái cười của hắn như có một âm mưu. Hắn cười với vợ ông xong, nhìn theo bà cho đến khi bà vào khuất trong xe. Có lần ông ngồi trong xe đợi bà từ nhà đi ra nhưng hắn không thấy ông. Hắn nhìn bà soi mói, hạ thấp mắt nhìn toàn những "chỗ cấm".


Không phải ông chỉ có những ưu tư như vậy, còn biết bao nhiêu cái khác nữa. Tiền nợ thẻ visa của US Bank chưa trả hết, truyện dài The Caine Multiny (Cuộc Nổi Lọan Trên Tàu Caine) chưa dịch xong, cái computer đời mới nhất của hảng Sony chưa mua kịp. . . Nghe nói có Windows gì tân kỳ lắm. Chỉ cần sống thêm 5 năm nữa thôi là ông giải quyết hết những việc cần giải quyết. Bây giờ Trời cho ông chết là làm một việc tắc trách, hại ông và hại cả vợ con ông, hại luôn cả US Bank và ông Herman Wouk, tác giả The Caine Multiny. Ông Herman Wouk sẽ không có dịp giới thiệu cho độc giả Việt Nam tác phẩm nỗi tiếng của mình. Ông Điền Sơn tin rằng ông dịch hay và sát với nguyên bản hơn ai hết.
Sáng hôm sau ông Điền Sơn đi gặp bác sĩ David Nguyễn. Khi David xê dịch cái ống nghe trên ngực ông, ông hồi hộp quan sát vẻ mặt của anh ta, xem có biểu hiện gì khẩn trương không.
- Cậu thấy đau một bên đầu hả" Lạ thật!
David nhíu mày. Tim ông như muốn vỡ ra. David bảo ông há miệng ra, rồi anh ta cho hai ngón tay vào trong đó. Ông ú ớ, định la: "Bộ mày cũng dở hơi hả"" Nhưng ông ngừng lại kip, dù gì nó cũng là bác sĩ, "lương y như từ mẫu" mà, nói nặng với nó cũng kỳ. Nhưng khi David lấy hai ngón tay bóp mạnh cái răng cấm của ông thì ông la lên:
- Á, đau quá, mầy đâu có phải nha sĩ.
David cười:
- Cậu bị nhức răng, thỉnh thoảng cái răng làm cậu nhói trong đầu
Anh ta lấy miếng giấy nhỏ ra, hí hoáy viết. Ông Điền Sơn nhìn cái toa, chỉ thấy vỏn vẹn một hàng chữ: "Tylenol 500 mg. Two caplets every 4 or 6 hours".
- Còn... ung thư phổi thì sao"
David cuời ngất:
- Ôi chao, ung thư phổi hả. Cậu uống Telynol cũng hết. Để con chích cho cậu môt mũi thuốc cảm cúm. Cậu nhớ mai đi khám răng.

***
Trời đã không tắc trách, đã cho ông Điền Sơn sống thêm 10 năm nữa, chứ không chỉ 5 năm. Trong 10 năm có 3 người bạn cùng khóa ra đi, cả ba đều lớn tuổi hơn ông.
Về gia đình, Thủy Tiên đã có chồng, một bác sĩ người Việt dễ thương y như một ... người Viêt mới định cư tại Mỹ. Thủy Tiên đã hết chê ông nói tiếng Mỹ dở, nó thích ông kể chuyện chiến tranh Việt Nam, nó đem tất cả hình ông mặc quân phục ra làm mới lại. Nhưng nó vẫn quấn quýt Bảo Trâm và Tú. Điều này làm ông Điền Sơn vô cùng an tâm và thích thú. Ông ra đi thì đã có anh chị nó lo.
Tú là sĩ quan hải quân Mỹ. Nó đã có vợ. Vợ nó người Đại Hàn, biết cúi thấp chào ông, chứ không "Hi". Con gái của nó tức cháu nội ông cũng chào ông y như mẹ nó. Suốt ngày nó quấn quýt bên ông, lại nói rành cả tiếng Việt.
Bảo Trâm đã dứt tình với người bạn trai cũ từ lâu, đã có chồng, một anh kỹ sư xây dựng người Tàu rất đẹp trai. Chúng nó có hai con. Nghĩ đến thằng bạn cũ của Bảo Trâm, ông không khỏi bùi ngùi. Hai đứa quen nhau từ hồi còn rất nhỏ. Thằng bé thỉnh thỏang đem cho con bé vài cây kẹo, vài cái bánh, môt món đồ chơi mà có lẽ nó phải cố gắng dành dụm lắm mới mua được. Từ nhỏ, ngoài những người ruột thịt, có ai tốt với Bảo Trâm như thằng bạn này đâu nên Bảo Trâm cảm động, đem lòng yêu mến người bạn nhỏ. Dần dần lớn lên Bảo Trâm cảm nhận được thế nào là một thanh niên đẹp trai, thêm bạn bè nói ra nói vào, nên nó không ngại ngùng gì mà không dứt tình để kết hôn với một anh chàng đẹp trai, có địa vị. Có lẽ khi nghĩ đến những món quà của người bạn cũ, Bảo Trâm chỉ buồn cười, thương hại. Nghe bà Điền Sơn nói Bảo Trâm muốn dứt tình lâu rồi nhưng vì thương hại nên chần chừ. Có bao nhiêu cuộc tình buồn như vậy. Ông cũng đã có một mối tình đầu dở dang. Thỉnh thoảng ông vẫn gặp thằng bạn cũ của con gái. Hắn đưa đôi mắt buồn gần như thảm thiết nhìn ông. Có lần hắn định nói với ông một lời gì đó, hình như muốn hỏi thăm Bảo Trâm, nhưng rồi hắn bỏ đi. Vợ ông nay đã 70 tuổi. Anh hàng xóm đáng ghét đã chết trong một tai nạn giao thông. Tiền visa của US Bank ông đã trả hết lâu rồi. The Caine Multiny đã được dịch xong, được báo giới và bạn bè khen một dạo, rồi chìm vào quên lảng. Những ưu tư của ông chỉ là vô ích. Ông chẳng giải quyết được gì.
Ông đã hết tất cả những mối ưu tư rồi chăng"
Không, vẫn còn.
Ông đã nói nhiều lần với đứa con trai là phải nhớ những ngày cúng giỗ của ông bà nội nhưng nó vẫn quên, con vợ nó là người Thiên Chúa Giáo nên không để ý việc này. Ông bảo mấy đứa cháu ngọai lớn đi học thêm tiếng Việt nhưng nó rất lười việc này. Còn hậu sự của ông nữa, khi thì ông muốn được an táng ở Mỹ, khi thì ông muốn an táng ở Việt Nam. Không ai tiện bàn bạc với ông việc này. Ôi chao, có biết bao nhiêu nỗi ưu tư mà nếu nhắm mắt ngay bây giờ thì sẽ không giải quyết được. Có biết bao nhiêu việc phải làm mà không lẽ trời lại không cho làm. Ông chỉ cần sống ba năm nữa thôi.
Một hôm gần ngày Tết nguyên đán ông Điền Sơn dắt thằng Alex, đứa cháu ngoại, ra Chùa Bà Thiên Hậu chơi. Chùa Bà Thiên Hậu do người Triều Châu Cà Mau thiết lập. Người Triều Châu Cà Mau nói tiếng Việt giỏi, có khi còn giỏi hơn cả tiếng Triều Châu, nên không khí Tết ở đây giống như bên Việt Nam.
Năm nay ông Điền Sơn đã trên 85 tuổi. Mọi người có vẻ kính trọng ông, nhường lối đi, nhường ghế. . . Ông cảm thấy rất hài lòng. Kể ra già lão cũng thích thật. Ông Điền Sơn để ý thấy có một ông lão, lâu lâu lại nhìn ông. Ông ta đi cùng với một cô chừng 35, hình như cháu. Bỗng ông lão tới đứng trước mặt ông Điền Sơn nói lớn:
- Có phải Lê Điền Sơn đây không"
Ông ngạc nhiên nói phải. Ông lão chộp vai ông một cái:
- Lâm Chấn Quang đây. Quang Tiều, không nhớ sao.
Ông moi óc một lúc mới nhớ ra đây là người bạn cùng khóa gốc Triều Châu, mà các bạn hay gọi là Quang Tiều, để phân biệt với Nguyễn Văn Quang. Quang Tiều là người rất vui tánh và khỏe mạnh. Hồi ở quân trường Quang Tiều hay rủ ông đi "bậy bạ". Ông cũng chộp Quang Tiều một cái:
- Lâu lắm rồi moa không gặp toa.
- Lần họp khóa vừa rồi có moa mà. Sao toa... già quá vậy"
- Moa cũng thấy toa già,
- Phải, ai cũng tưởng mình trẻ. Không sao, mình tự đánh lừa mình cho yêu đời hơn.
- Ồ, moa rất mừng thấy toa có nhận xét hay. Tụi mình chưa đến nỗi lẩm cẩm. Năm nay toa bao nhiêu tuổi quên mất.
- Mình ba muơi tuổi ... nửa thế kỷ trước đây.
- À, thua mình 5 tuổi, Có phải cháu đang đứng sau lưng là cháu mà toa đem theo hồi họp khóa không"
- Toa thật lẩm cẩm. Bà xã mình đó. Mới đem từ Việt Nam qua.
- À, à... moa xin lỗi.
- Xin lỗi gì... Bỏ đi.
Vợ Lâm Chấn Quang bây giờ mới lên tiếng:
- Dạ, chào anh
- Chào... chị.
Họ ăn uống, chuyện trò với nhau hàng giờ. Sau đó ông mời họ về nhà chơi. Trước khi đến nhà, ông đã gọi điện thọai báo tin "sự cố" này và bảo mọi người phải xưng hô thế nào cho tế nhị. Sau hôm đó cả nhà, kể cả bà nữa, đều chọc ông, nói ông nên về Việt Nam rước một dì qua. Ông được một buổi tối vui. Sau này các con ông tạo điều kiện cho ông có những cái vui khác như cùng ông đi nhảy đầm, đi du lịch . . . Có lẽ vì thế mà cho mãi đến năm 95 tuổi ông vẫn cảm thấy sức khỏe mình không sút giảm nhiều như ông đã lo sợ. Với một cây gậy ông vẫn đi bộ được ra phố Tàu chơi, không cần ai giúp đở.
Một hôm ông thấy khó thở và mệt mỏi trong người. Ông nói với bà:
- Chắc đã đến lúc rồi. Tôi quyết định nằm ở đây cho gần con cháu. Bà muốn nằm chung với tôi không"
- Đừng nói bậy. Nhưng đương nhiên ông nằm mô thì tui nằm đó.
- Tốt lắm. Con vợ thằng Tú sinh trai hay gái.
- Trai. Đã nói hai, ba lần rồi mà ông quên.
- Phải, phải. Trí nhớ tôi hơi kém. Nhưng tôi không lẩm cẩm đâu. Phải nghe tôi mới được. Giỗ kỵ phải làm chung một lần cho tiện, làm chung với ông bà nội mấy đứa nhỏ. Như vậy gọi là hiệp kỵ.
- Được rồi. Sao lúc nào cũng lo, làm như không có ông thì nhân loại bị tiêu diệt. Ông còn khỏe lắm, có điều hơi lẩm cẩm.
- Không đâu. Con Quỳnh đâu" Tôi nghe nói nó muốn gia hạn visa. Nói nó là du học sinh không cần gia hạn visa. Người ta chẳng bao giờ gia hạn visa cho du học sinh cả. Học đàng hoàng là xem như visa được gia hạn. Dù visa còn hạn nhưng không học cũng out status. Bảo nó phải học theo đúng quy định. Có vậy mới dễ kết hôn sau này.
Quỳnh là du học sinh, cháu nội của chị ruột bà. Bà thấy ông cũng không đến nỗi lẩm cẩm.
- Này, có việc này khó nói quá. Con Quỳnh muốn ở lại Mỹ thì phải kết hôn. Nhưng tôi thấy thằng bạn trai nào của nó cũng...biến mất. Hình như tụi nó chê con Quỳnh. Bà biết tại sao không"
- Chuyện tụi nhỏ mình khó biết lắm.
- Vậy là bà không bằng tôi
- Sao"
- Bà có thường ngồi gần nó không"
- Lâu lâu có ngồi. Mà sao"
- Hơi thở của nó nặng mùi lắm. Nó phải đi gặp bác sĩ, không thì ế chồng.
- À, tui cũng thấy như rứa. Nhưng làm răng mà nói với nó thẳng thừng được. "Sự thật mất lòng". Chỉ có chồng mới nói với vợ những việc như rứa được nhưng nó đã có chồng mô.
- Bảo con bé Julia nói. Không ai giận con nít đâu. Nhưng bảo Julia đừng cho biết mình nói.
- Tôi biết rồi. Ý ông thật hay. Rứa mà tôi nghĩ không ra.
Ba tháng sau ông Điền Sơn thấy người mình mỏi mệt, không muốn làm gì cả. Một tuần sau ông nằm liệt giường không ngồi dậy được. Tuy nhiên trí óc ông vẫn còn minh mẫn. Ông cảm thấy mình vẫn còn một nỗi ưu tư nào đó nhưng không nhớ là gì. Ông được đưa vào bệnh viện. Một hôm có cô y tá người Mỹ trắng vào săn sóc ông, hỏi ông cảm thấy trong người ra sao. Ông nhìn cô, thấy giông giống ai đó, rồi chợt nhớ ra cái mà ông ưu tư. Đó là bộ sưu tập Playboy dấu trong va- li. Nếu bây giờ ông chết, chắc chắn cái va- li này trước sau cũng sẽ bị mở ra. Con cháu ông sẽ cười ông. Như vậy thì xấu hổ lắm. Việc này ông phải nhờ bà mới được. Ông kể chuyện này với bà. Ông bảo bà đem bộ sưu tập đốt đi. Bà rơm rớm nước mắt nói:
- Ông khỏi lo. Xem như cái va- li là của tui. Đề tui làm kỷ niệm, từ từ tính sau
- Rủi bà ...có hề gì thì sao. Bà đem đốt đi cho tôi an tâm.
- Được. Sáng mai đốt. Nhưng ông đừng có nói gở. Ngủ đi. Hôm nay tôi ở đây với ông.
Không biết bao lâu sau những lời này của bà, ông thấy ông đến một nơi rất đông người. Ai cũng có vẻ trầm tư mặc tưởng. Có người còn bồn chồn lo lắng. Họ di chuyển xuyên vào nhau, xuyên qua cả ông. Phải chăng đây là thế giới bên kia, mà những hồn ma này đang chờ xét hỏi để lên Thiên Đàng, Niết Bàn, xuống địa ngục, đi đầu thai, hay đi đâu đó" Và có lẽ ông cũng sắp được thông báo về việc này. Ông đang thắc mắc thì nghe tiếng nói:
- Ngươi nghĩ không sai.
Ông hỏi:
- Xin lỗi, ai đó"
- Thần Chết đây.
- Thần Chết ơi! Ông cho tôi sống thêm một năm nữa. Tôi không thể an tâm nhắm mắt được khi còn những điều cần dặn dò con cháu.
- Dù sống cả triệu năm cũng không hết lo đâu, ngay cả chết rồi cũng vậy. Có thấy mấy hồn ma kia không"
Ông Điền Sơn mơ hồ nghe tiếng Thần Chết, khi nhỏ khi to. Rồi ông tự hỏi không biết ông đã chết thật rồi hay đây chỉ là một giấc mơ.

BỒ TÙNG MA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,745,874
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến