Tác giả: Tấn Quân
Bài số 2427-16208504-vb6101008 Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân, 44 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông cho năm 2007 là những hồi ức về phi trường Tân Sơn Nhất trước và sau ngày 30 tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết thứ tư.
***
Mùa hè năm 1977, trước khi chuẩn bị vào lớp 11 cho niên học mới, những lúc rảnh rỗi tôi và vài người bạn học thường hay kéo nhau đến phòng sinh họat của trường trung học tỉnh lỵ, nơi chúng tôi đang học để chơi bóng bàn.
Đây là môn thể thao được nhà trường và xã hội lúc bấy giờ khuyến khích, có lẽ vì muốn bắt chước Trung Quốc. Lúc ấy môn quần vợt (tennis) được xem là môn thể thao của tư bản vì không có tính đại chúng, hay có lẽ vì phải có tiền bạc rủng rỉnh, sắm sửa quần áo và mua vợt mua banh, nên được gán cho là môn thể thao nhà giàu, hay chỉ dành riêng cho thành phần tiểu tư sản thành thị.
Cái ao ước lớn nhất của tôi bấy giờ là có riêng được một cây vợt bóng bàn để có thể chơi mà không phải mượn của người khác. Đồng thời giúp cho quen tay cầm của mình để tập luyện hàng ngày cho nhuần nhuyễn, và không bị tự ti mặc cảm mỗi khi phải mượn từ bạn bè.Gia đình tôi lúc ấy kinh tế rất chật vật, Ba tôi hiện đang ở tù ở Miền Bắc (có người thích dùng chữ "học tập cải tạo" nghe văn hoa hơn) Chúng tôi còn đi học và có được hai bữa cơm mỗi ngày đã là một sự cố gắng hết mình của Mẹ tôi, do đó dù rất muốn có riêng cây vợt bóng bàn, tôi cũng không thể mở miệng xin tiền Mẹ mua, đó là một sự xa xỉ không cần thiết trong thời buổi bấy giờ.
Trong những người thường chơi bóng bàn hàng ngày tại phòng sinh họat của trường trung học tỉnh lỵ có vài người bạn gái tham gia. Trong đó có một chị học trên tôi một lớp, năm đó tôi vừa học xong lớp 10, còn Chị học xong lớp 11. Chị khá nổi tiếng trong trường, lý do là có bốn chị em gái cùng học chung trường, có cùng chung một tên Mai nhưng khác chữ lót, theo thứ tự bắt đầu là Thanh Mai, kế là Thúy Mai, Xuân Mai, và Tuyết Mai. Cả bốn chị em đều đẹp, tuy chưa đến nỗi chim sa cá lặn, nhưng quả thực mỗi người một vẻ, làm ngơ ngẩn biết bao chú học sinh trường trung học tỉnh lỵ.Gia đình các cô Mai nói trên thuộc lọai khá giả, trú ngụ tại một căn phố mặt tiền trên đường phố chính của tỉnh lỵ.
Thân mẫu làm nội trợ, thân phụ làm một nghề tương đối không được thanh nhã cho lắm, đó là nghề lái heo. Vì công việc phải tiếp xúc với heo thường xuyên, nên chúng tôi thường gặp ông mặc quần đùi, áo may-ô (có người gọi là áo thun ba lỗ), chạy xe Honda kéo theo cái rơ-moọc lên xuống giữa lò heo và nhà lồng chợ nơi bán lẻ thịt heo, hoặc đi ra ngoại ô tỉnh lỵ tìm mua heo. Đám bạn trai chúng tôi vì ngưỡng mộ các cô Mai, nên hay để ý đến thân phụ của mấy cô.
Nói chung ai cũng có cùng một suy nghĩ, tại sao ông lại sinh ra được những đứa con gái xinh đẹp thùy mị đến thế, dù rằng ông không có làm chuyện gì sai trái hết, chỉ phải cái tội là chúng tôi bao giờ cũng gặp ông ta với cái quần đùi và chiếc áo may-ô muôn thuở. Nghề lái heo thực sự cũng đơn giản, chỉ cần có vốn kha khá và một ít kinh nghiệm. Mỗi ngày chạy xe Honda vòng vòng trên những con đường làng trong xã ấp, hoặc có khi đi xa một chút đến các huyện lỵ chung quanh tìm mua heo đứng, hoặc heo hơi, có nghĩa là con heo còn sống, đã đến tuổi hoặc đủ trọng lượng và người nuôi heo muốn bán ra. Khi đó lái heo sẽ đến cân, trả giá, thuận mua vừa bán, xong xuôi rồi đem phương tiện đến chở về lò heo (có người gọi là "công-xi" heo).
Sau khi giết mổ xong, số thịt heo sẽ được cung cấp cho các sạp thịt heo tại chợ tỉnh lỵ để bán ra cho người tiêu dùng.Xin trở lại chuyện bóng bàn của tôi. Trong phòng sinh họat của trường có hai bàn bóng bàn, mỗi lần đến lượt tôi chơi, tôi phải mượn cây vợt của một bạn nào đó để sử dụng. Vì tập luyện chung gần như hàng ngày nên chúng tôi khá thân nhau, nam cũng như nữ. Đối với dân chơi bóng bàn thì cây vợt là vật bất ly thân, thứ nhất vợt càng mắc tiền càng có độ nẩy bóng chính xác, trọng lượng cân đối, và cán vợt được thiết kế thật chuẩn, để có thể kết hợp hài hòa với những cú xoay cổ tay khi giao bóng, đỡ bóng, hoặc đập bóng.
Do đó, trong khi tập luyện hoặc thi đấu ít có ai thích cho người khác mượn cây vợt của mình, vì dễ bị hư hoặc trầy sướt mặt vợt, Mọi người ai cũng biết là tôi không có vợt riêng, nhưng hoặc vì thích tập luyện chung, hoặc vì thông cảm cho hòan cảnh nghèo của tôi, nên có vài bạn luôn sẵn sàng cho tôi mượn vợt sử dụng khi tập luyện. Thói đời được voi đòi tiên, dù tôi luôn có người cho mượn vợt để tập luyện, nhưng tôi đặc biệt thích được sử dụng cây vợt bóng bàn của chị Thanh Mai, vì có lần tôi được sử dụng qua. Mỗi khi cầm cây vợt của Chị trên tay là tôi chơi khá tốt so với các cây vợt khác.
Cây vợt bóng bàn của chị Thanh Mai hiệu Butterfly, style Kenny, made in Japan. Gia đình Chị tương đối khá giả nên việc làm chủ một cây vợt made in Japan không phải là điều ngạc nhiên. Không biết thực sự có phải cây vợt tốt và đắt tiền, hay do cây vợt của người đẹp, khiến cho tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên mỗi khi cầm nó trên tay.Tôi và chị Thanh Mai chơi ngang ngửa với nhau, vì cả hai cùng một trình độ chơi bóng. Có khi tôi thắng hai ba ván liền, ngược lại, có khi Chị cũng vậy. Đây cũng là một đặc điểm của môn chơi bóng bàn, nếu mình chơi với người có trình độ cao hơn, mình sẽ tiến bộ rất nhanh, và ngược lại nếu mình chơi với người có trình độ thấp hơn, kéo dài một thời gian trình độ của mình sẽ giảm xuống.
Do đó khi tập luyện thông thường ai cũng thích tập luyện chung với người chơi hay hơn mình, hay ít nhất cũng ngang ngửa với mình. Tôi có "may mắn" cùng trình độ với chị Thanh Mai, nên mỗi khi tập luyện chúng tôi thường bắt cặp đấu chung với nhau, có khi say mê chơi liên tục ba bốn giờ đồng hồ là chuyện thường.Có thể Chị cảm nhận và biết rõ tôi muốn gì, cho nên mỗi khi tập luyện chung, Chị thường viện cớ cây vợt của Chị hơi nặng tay, Chị đưa cây vợt của Chị cho tôi sử dụng, còn Chị thì mượn cây vợt của người khác. Điều này đến giờ tôi cũng không dám khẳng định, biết đâu Chị cảm thấy cây vợt của Chị nặng thiệt, chỉ có tôi mơ mộng hão huyền và suy diễn ẩu. Những người bạn bóng bàn của tôi thường nhăn nhó hay không được vui những khi tôi hỏi mượn cây vợt, miễn cưỡng phải đưa ra. Nhưng đến khi chị Thanh Mai hỏi tới, ai nấy tranh nhau mời Chị sử dụng cây vợt của họ một cách vui vẻ.
Có thể chị Thanh Mai thông cảm hòan cảnh của tôi, và Chị cũng dễ dàng mượn được vợt của bất cứ ai, cho nên Chị ưu tiên cho tôi sử dụng cây vợt của Chị thường xuyên.Lúc đó dù chưa đến tuổi trưởng thành, và còn đang sống tại quê nhà, nhưng tôi đã thấy được cái sức mạnh và ưu thế của phái nữ, nhất là về nhan sắc. Phụ nữ càng đẹp, cái ưu thế đó càng lớn.Giống như mấy ông bây giờ đi làm chung sở, gặp bà nào sồn sồn xin đi nhờ xe, đều làm mặt buồn, tìm cách thoái thác. Nếu gặp giai nhân liễu yếu đào tơ, hỏi xin quá giang, mặt mày hớn hở, gật đầu cái rụp muốn gãy cổ, còn thòng thêm câu "rất hân hạnh " hoặc "My pleasure". Một trong những kỷ niệm làm tôi nhớ hoài, một lần lúc luyện tập cùng với Chị Thanh Mai, trong một pha đập bóng dứt điểm, thay vì quả bóng bàn phải rơi trên mặt bàn phía Chị, do cú đập mạnh nhưng thiếu chính xác, khiến quả bóng bay thẳng vào à ngực Chị. Đúng là tai nạn nghề nghiệp, khi chơi bóng thỉnh thỏang chúng tôi thường bị như vậy, trái bóng bàn tuy nhỏ, nhưng những cú đập rất mạnh, khi chạm vào ai cũng đều cảm thấy đau rát, những lúc như vậy chúng tôi hay đưa tay xoa ngực hít hà. Lần này khi quả bóng bay thẳng vào ngực Chị, tôi vừa bối rối, vừa ngại ngùng, không dám nhìn thẳng Chị, nhưng hình như Chị vẫn thản nhiên không bày tỏ, hay có một cử chỉ nào lộ vẻ khó chịu.
Hoặc Chị cũng ngượng và cố tình làm tỉnh, hoặc có thể do Chị à mặc áo ngực dầy nên không thấy đau"Sau lần đó mỗi khi tập luyện chung với Chị, tôi cố gắng chơi bóng thận trọng, và chính xác hơn, nhất là những khi đập bóng dứt điểm, tôi phải chắc chắn quả bóng cần được rơi thẳng trên mặt bàn chứ không được bay à trên người Chị.Mùa hè trôi qua khá nhanh, có thể do chúng tôi không làm được chuyện gì nhiều, ngọai trừ phần lớn thời gian tập luyện bóng bàn. Năm học mới tôi vào lớp 11, chị Thanh Mai vào lớp 12. Do phải tập trung học để cuối năm thi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị thi đại học, nên những buổi tập luyện bóng bàn của chúng tôi giảm hẳn đi. Tôi cũng lo học hành đàng hòang hơn để chuẩn bị năm sau vào lớp 12.
Cuối niên học Chị Thanh Mai vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học dễ dàng. Chị nộp đơn thi vào trường Đại học Kinh Tế ở Sài Gòn, hơn tháng sau Chị đi thi và trúng tuyển luôn. Trường trung học tỉnh lỵ của chúng tôi chỉ một số ít đăng ký dự thi ở Sài Gòn, đa số đều rớt, thí sinh đậu đếm được trên đầu ngón tay. Số học sinh còn lại, phần lớn tự lượng sức nên chỉ ghi danh thi vào các trường đại học tại thành phố Cần Thơ, vì khả năng trúng tuyển cao hơn.Gia đình chị Thanh Mai rất vui mừng và hãnh diện vì cô con gái lớn đã tốt nghiệp phổ thông trung học và trúng tuyển vào Đại Học Kinh Tế Sài Gòn, nên có làm một buổi tiệc mời vài thầy cô giáo trong trường, vài anh chị học cùng lớp, và vài người bạn chơi bóng bàn chung với Chị, trong đó có tôi. Sau khi trúng tuyển đại học, trước khi rời tỉnh lỵ đi học xa, Chị dẹp hết sách vở sang một bên, bắt đầu cùng chúng tôi trở về phòng sinh họat của trường chơi bóng bàn trở lại. Khi ấy chiến tranh biên giới phía tây nam với nước láng giềng Campuchia bắt đầu lan rộng, vài anh bạn bóng bàn của chúng tôi bị kêu đi thi hành nghĩa vụ quân sự.
Những cuộc tập luyện bị ngắt quãng, chứ không được liên tục mỗi ngày như trước. Chị Thanh Mai mất hẳn sự say mê khi chơi bóng, lúc ấy tôi cứ nghĩ có thể Chị đang chờ đợi ngày vô đại học ở Sài Gòn, nên không còn tâm trí chơi hết mình như trước.Vài tuần sau đo,Ô sau một buổi tập luyện, trong lúc lúi cúi mở khóa xe đạp ra về, Chị đứng bên cạnh nói với tôi rằng, có thể Chị sẽ ít có thời gian tập thường xuyên như trước. Chị đưa cho tôi cái túi kaki đựng cây vợt của Chị và vài trái bóng bàn trong đó, Chị dặn nếu lần sau đi tập mà không thấy Chị đến thì đừng chờ và cứ việc lấy cây vợt của Chị sử dụng, khỏi mất công phải mượn của người khác.
Chị nói thì tôi chỉ biết vậy thôi, chứ không có suy nghĩ hay hỏi han gì thêm. Quả nhiên lần tập sau, và những lần kế tiếp không thấy Chị đến. Vài tuần sau đó mọi người trong tỉnh lỵ đồn với nhau là gia đình Chị đã vượt biên rồi.Tò mò tôi đạp xe ngang thấy cánh cửa sắt được đóng kín, một ổ khóa to tướng khóa bên ngoài, phía trên chỗ giao nhau giữa hai cánh cửa sắt được dán một tờ giấy niêm phong. Tuy ở xa tôi nhìn vẫn thấy có đóng dấu mộc đỏ, chắc của công an hay một cơ quan nào đó làm nhiệm vụ tiếp thu chờ xử lý.Không bao lâu có người đồn thêm là tàu vượt biên của gia đình Chị bị hải tặc Thái Lan cướp, riêng Chị bị bắt đi theo tàu hải tặc, số phận không biết ra sao. Lần đầu nghe đồn, tôi rất dửng dưng, cho rằng có thể người ta thấy Chị đẹp nên suy diễn thêm, chuyện hải tặc gặp gái đẹp bắt đi là chuyện đương nhiên. Sau đó tôi còn nghe vài người nói y như vậy, còn đồn rằng gia đình ông X, bà Y trong tỉnh lỵ, có con đi chung chuyến tàu đó viết thư về kể lại.
Đến lúc đó tôi mới bắt đầu tin là sự thật.Mặc dù tự nhiên được sở hữu một cây vợt đắt tiền, nhưng tôi không còn hăng hái tập luyện bóng bàn như trước nữa. Có những buổi trưa hè, tôi lấy cái túi kaki đựng cây vợt bóng bàn của Chị, đi tha thẩn ra sau nhà, tìm một góc vắng vẻ ngồi xuống mở túi ra, cầm cây vợt của Chị trong tay mà ngẩn ngơ, cảm giác như vừa đánh mất một cái gì đó không bao giờ tìm lại được.
Năm học mới, bài vở và áp lực thi cử cuốn hút tôi vào vòng xoáy. Tôi không còn tập luyện bóng bàn như xưa, chỉ lo học và học. Cuối năm, sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi nộp đơn thi vào trường Đại Học Sư Phạm Cần Thơ. Một tháng sau, tôi nhận được giấy báo từ trường Đại Học Sư Phạm Cần Thơ. Giấy báo thực ra là một cái thư, bắt đầu bằng một lô căn cứ theo quyết định, quyết nghị, chỉ thị, thông tư xếp một dọc gần nửa trang giấy, sau đó thông báo cho biết trường Đại Học quyết định không tuyển sinh tôi vào trường. Có nghĩa là họ không đồng ý cho tôi thi, vì tôi không đủ tiêu chuẩn nào đó. Cuối thư, họ đề nghị tôi ở lại địa phương tham gia sản xuất, hoặc thi hành nghĩa vụ quân sự hay nghĩa vụ lao động, sau khi hòan thành nghĩa vụ xong, nếu muốn tôi có thể nộp đơn xin thi và họ sẽ cứu xét lại.Mặc dù không nói rõ ràng trong thư, nhưng sau khi đọc xong, tôi và mọi người trong gia đình, ai cũng biết lý do chính là Ba tôi đang đi "học tập cải tạo", nên trường đại học không tuyển sinh.Lá thư đó vẫn còn giữ cho đến trước ngày sang Mỹ định cư, tôi đã vất bỏ khi thu xếp hành lý vì nghĩ sẽ không còn cần tới nữa.
Bây giờ mới thấy tiếc, phải chi còn tôi có thể scan lại, gửi cho bạn bè, hoặc con cháu tôi còn sống ở Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ bây giờ biết rõ hơn, tại sao có những người như chúng tôi rời bỏ quê hương, để họ hiểu rõ hơn rằng, chính quê hương đã từng chối bỏ hoặc có một sự đối xử không công bằng đối với họ.Sau một năm "lao động sản xuất" tại địa phương, tôi được "vinh dự trúng tuyển" nghĩa vụ quân sự. Sau mấy tháng huấn luyện tân binh, tôi được bổ sung về một đơn vị công binh phục vụ cho chiến trường Campuchia. Hai năm sau, tôi được đưa trở về chính đơn vị huấn luyện tân binh năm xưa, để trở thành cán bộ khung huấn luyện cho đơn vị.
Thời gian này tương đối nhàn nhã, một năm huấn luyện hai đợt tân binh, mỗi đợt kéo dài ba đến bốn tháng, sau đó số tân binh được đưa sang Campuchia phục vụ cho cái gọi là "Nghĩa Vụ Quốc Tế". Sau khi đưa quân sang Campuchia giao cho đơn vị bạn, chúng tôi trở về doanh trại nghỉ ngơi, chờ đợi cho đợt huấn luyện sau.
Trong ban chỉ huy đơn vị có một cái bàn bóng bàn, rảnh rỗi tôi bắt đầu cầm vợt trở lại. Một thời gian lấy lại phong độ xưa, tôi nhắn gia đình gửi cho người quen đi phép, cầm cây vợt của Chị Thanh Mai mà gia đình còn giữ, mang lên đơn vị cho tôi.Kể từ đó cây vợt trở thành vật bất ly thân, luôn nằm trong ba lô. Những ngày tháng sau đo,Ô phải nói nhờ nó mà tôi rủng rỉnh có được những điếu thuốc đầu lọc, những ly cà phê, thậm chí những chầu rượu miễn phí.Nó đã giúp tôi làm nhiêm vụ huấn luyện cho những bạn trẻ muốn chơi bóng bàn, các bạn này thường hay mời tôi điếu thuốc, ly nước để trả công, đồng thời giúp tôi thắng được không biết bao nhiêu trận đấu giao hữu có cá độ lớn nhỏ trong đơn vị. Vài năm sau tôi được xuất ngũ, xin được nói thêm thời gian đó theo qui định bắt buộc thanh niên phải thi hành nghĩa vụ quân sự ba năm, nhưng do chiến tranh với Campuchia, nên thời hạn phục vụ không được thực hiện đúng, tôi được xuất ngũ sau hơn bốn năm trong quân đội. Năm năm sau, khi đi định cư tại Hoa kỳ, trong hành trang mang theo, có cây vợt bóng bàn của chị Thanh Mai.Khi vào đại học ở Mỹ, một lần nữa tôi lại có cơ hội sử dụng lại cây vợt trong các buổi tập luyện hay thi đấu trong trường, sau đó còn giúp tôi đạt thêm một số giải đơn và giải đồng đội khi thi đấu tại trường, cũng như ở các trường đại học lân cận khác trong tiểu bang.
Phải nói những phút vinh quang chiến thắng hay cay đắng trong chiến bại trong cuộc đời cầm vợt bóng bàn, đều từ cây vợt của chị Thanh Mai để lại cho tôi.
Sau khi đi làm và lập gia đình, có con cái, bận rộn với nợ áo cơm, tôi không còn thời gian và điều kiện để chơi bóng bàn nữa, phải dùng từ đã thực sự "gác vợt" là đúng nhất. Cây vợt bóng bàn style Kenny, của hãng Butterfly bên Nhật đã ngưng sản xuất khỏang mười năm về trước. Trên E-bay đôi lúc tôi thấy có đăng bán, tình trạng tốt với giá từ 120-150 USD. Tuy không phải là đắt, nhưng so với ba mươi năm về trước ở trong nước, nhất là khỏang thời gian sau năm 1975, giá trị thật không nhỏ.
Bây giờ, thỉnh thỏang nhìn thấy cây vợt bóng bàn nằm trên kệ sách trong phòng học của tôi, cây vợt tuy đã cũ, có nhiều vết trầy sước, lớp nhựa trên mặt vợt đã đổi màu và chai cứng, nhưng cái cảm giác bồi hồi xao xuyến trong tôi vẫn còn nguyên. Hình ảnh chị Thanh Mai, thật đẹp, thật nữ tính, vẫn còn nằm sâu tâm tưởng.
Ước gì Chị đang còn sống ở một nơi nào đó trên thế gian này, để tôi có thể mang cây vợt trả về chính chủ nhân xưa của nó. Với tất cả lòng biết ơn chân thành và sâu xa nhất trong cõi lòng, xin cảm ơn Chị với cây vợt bóng bàn đã giúp tôi vượt qua được bao sóng gió và thăng trầm trong cuộc đời.
Tấn Quân<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />