Hôm nay,  

Từ "Thằng" Lên "Ông"

20/07/200800:00:00(Xem: 201901)

Tác giả: Trần Đông Thành

Bài số 2357-16208433-vb8200708

Tác giả là cư dân San Jose, công việc: Income Tax Services. Ông đã góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt nam 2007, với bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Tôi qua Mỹ với hai bàn tay trắng. Chung quanh tôi toàn những người xa lạ. Ở một khu phố đa số là người Rạch Giá, ở Việt Nam phần nhiều sống nghề chài lưới nên ở đây tôi giao dịch với họ thật không học được một chữ Anh nào ngoài "Yes" hoặc "No" đúng với câu ông bà mình nói "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng".

 Qua Mỹ 6 năm tôi chỉ làm một nghề cắt cỏ. Nghề này đòi hỏi sự chịu khó và vận dụng sức lao động chớ không cần nói chuyện với nhau bằng Anh văn nhiều lắm. Tôi làm công cho một người Việt lãnh khoán nên có gì chỉ cần nói qua tay thầu này đủ rồi.

 Lần lần chợ búa, quán ăn Việt Nam mọc ra tấp nập, thường ngày tôi nói tiếng Việt với đồng bào người Việt mỗi lần có chuyện giao thương. Vì vậy ở Mỹ lâu mà tôi không hề biết tiếng Mỹ. Mà biết tiếng Mỹ đối với tôi cũng không cần thiết lắm! Hơn nữa cuộc sống ở Mỹ càng ngày càng khó khăn. Kinh tế của Mỹ xuống thấp qua hiện tượng người thất nghiệp nhiều. Vậy mà báo chỉ hay truyền thanh rêu rao "Thất nghiệp xuống thấp". Tôi nghỉ mà chê họ không thực tế vì người thất nghiệp lãnh tiền có thời hạn bị hết hạn. Họ chỉ thấy những con số thống kê trên giấy tờ số xuống thấp mà không thấy rằng xã hội Mỹ đang có người thất nghiệp dài dài. Trước mắt tôi và mọi người lân cận đều biết gia đình bác Hai Xiếng có tất cả 6 nhân khẩu, ngoại trừ ông bà Xiếng lãnh tiền già còn bốn người con vừa nam vừa nữ, vừa dâu vừa rễ đều thất nghiệp 8, 9 tháng ròng rã. Khi thì con Hai khi thì thằng Út qua nhà tôi mượn đong vài lon gạo. Theo sự hiểu biết của tôi người dân sống ở Mỹ mà mua sắm thứ gì cũng mác china. Các hãng xưởng lớn lần lần chuyển qua các nước Á châu như Mã Lai, Tân-Gia-Ba. Đó là một lý do, mà theo tôi, đã gây ra nạn thất nghiệp ở Mỹ. Tôi có cái nhìn thực tế càng ngày người Tàu càng di dân qua Mỹ nhiều. Họ lập nhiều cơ sở thương mãi rất trù phú lấn chiếm các việc làm của người bản xứ. Nhìn về tương lai tôi e ngại nước Mỹ sẽ tụt xuống để cho các nước khác lên nắm hàng đầu quốc tế nếu các chánh trị gia Mỹ có tinh thần vọng ngoại.

 Không còn là vấn đề trầm tư trong tư tưởng mà là diễn biến của thực tế là công việc làm của tôi nằm trong quỹ đạo bị hạn chế. Nhà thầu le lưỡi chán nản cuộc sống rất bấp bênh, một tuần lễ làm hai đến ba ngày còn những ngày kia coi như hút gió. Ở Mỹ được tiếng là danh vọng mà chúng tôi phải ăn mì gói trừ cơm. Thầu không lãnh được việc tôi bị ảnh hưởng theo cấp số cộng. Số ngày làm ít lại. Lương hạ thấp. Chủ tớ nương nhau, thông cảm nhau để sống. Tệ trạng này là do sinh hoạt quần chúng xuống thấp. Chủ nhà thất nghiệp ở nhà tự cắt cỏ lấy cho đỡ tốn tiền.

 Cảnh trạng nghèo đói có tính cách dây chuyền. Người nghèo kéo theo người khác nghèo thêm. Tốt biến ra xấu lúc nào không hay. Do đó xã hội lần lần đi đến chỗ thối nát: Kẻ trộm nhiều, cướp nhiều, các sòng bài đông đúc bày thiêu thân đốt tiền. Nhiều người bất mãn thời cuộc nhưng không còn cách nào để cứu chữa. Qua thông cáo thông tri cần nhiều cảnh sát, tôi càng đau lòng cho đó là viễn tượng của một xã hội suy đồi qua đường kinh tế không có gì lạc quan nếu không nói là nền kinh tế Mỹ xuống thấp, rất thấp.

 Một người bạn cho tôi biết ở Việt Nam sống dễ thở hơn. $400 hay $500 đô ở Mỹ chẳng có giá trị gì, khó sinh sống nhưng ở Việt Nam chỉ cần $100 đô thôi cũng tạm đủ cho một cuộc sống bình thường. Tôi nghe theo lời dẫn lối trong lúc làm ăn không ra tiền ở Mỹ, tôi bèn đánh một chuyến liều về Việt Nam thử xem cuộc sống có làm tôi nhức đầu hay không"

 Quả vậy, trong túi tôi chỉ có 200 đô mà tôi đủ trả các chi phí của tháng đó. Giá sinh hoạt rẻ, nhà cửa chỗ bình dân mướn rẽ, phương tiện di chuyển cũng không đắt, những điều đó giúp tôi đầu óc bớt khủng hoảng. Tôi tìm được một giấc ngủ yên lành.

 Tôi không ưa gì cộng sản nhưng quá khứ tôi không làm gì cho họ phải để ý theo dõi "Nợ máu nhân dân" nên tôi có đời sống bình dị không bị khó khăn ràng buộc gì lắm.

 Tôi cũng thấy như bạn tôi đã từng nói Viết Nam bây giờ rất phát triển:

 -Mày về chỗ mày ở rồi mày sẽ thấy nhà nào cũng lên cao. Phố xá nhiều, người thì chật ních như nêm.

 Ở một thời gian tôi có được một nhận xét nhà cửa ở VN lên lầu cao nhưng đa số là nhà của cán bộ hay nhà của các Việt kiều gửi tiền về cho thân nhân xây cất. Phố xá ở các đường lớn và tọa lạc mặt tiền, nhưng bạn tôi có biết đâu sau lưng là những khu ổ chuột sìn lầy nước đọng, sào huyệt của đĩ điếm, giựt tiền móc túi. Du khách ở chợ Sài Gòn cũ có vẻ lượt là, phồn thịnh nhưng nhìn kỹ có rất ít người địa phương đi lại nếu không nói là con cái họ hàng cán bộ, gia đình liệt sĩ hoặc Việt kiều về thăm quê hương. Xe cộ nhiều chạy loạn xạ không theo luật lệ lưu thông, bởi vậy mới khai sanh danh từ "Luật rừng", mà luật lệ chỉ để cho cảnh sát hay người có quyền hạn trong chế độ có dịp móc túi tiền nhân dân dễ dàng. Một bằng chứng trường hợp của tôi đi xe ôm một đàn ông tài xế bị huýt còi thổi phạt ở một ngã ba.

 Tài xế khúm núm:

 -Thưa anh em lỗi gì ạ" Đèn phựt xanh em mới qua.

 Gả công an không trả lời câu hỏi người dân thắc mắc:

 -Tao đếch biết! Mày chỉ cần biết phạt là phạt.

 -Dạ

 Viên quần áo vàng hất hàm:

 -Ê! Giấy tờ mày đâu" Xe 50 phân khối mà có bằng lái không" Coi bộ mày chui quá!

 -Dạ đây ạ

 -Còn nữa.

 Tài xế xe Honda ôm run rẩy:

 -Dạ thưa anh cần giấy tờ gì có phài anh cần giấy tờ xe"

 Hắn dữ tợn:

 -Bố mày! Ngu quá vậy mậy. Chạy xe bao lâu rồi mà còn hỏi giấy tờ gì. Này, đưa tao xem thẻ chủ quyền xe và chứng thư nhân dân.

 Hắn nạt nộ ra uy:

 -Coi chừng ông cho cải tạo bây giờ!.

 -Dạ, em trình anh giấy tờ trong có 3 kèm tờ 20 đồng để anh uống nước. Nhờ cán bộ thông cảm.

 Hắn đảo mắt nhìn qua tứ phía của một con bài sắp sửa gian lận:

 -Biết thế thì khôn

 Nhân viên công lực bậm trợn vay qua tôi hất hàm:

 -Còn thằng này đưa luôn giấy tờ tao coi. Du đãng du thực gì đây"

 -Thưa anh đây.

 Hắn nhìn tôi từ đầu xuống chân không rõ nhận định gì mà thay đổi thái độ hòa hoãn tức khắc, gã lộ nét mặt vui như bắt được vàng qua chụp con mồi ngon cơm:

 -Thế anh là Việt kiều"

 Tôi gặt đầu:

 -Thưa phải.

 -Người nước ngoài về còn hách hơn cụ Hồ,cụ Mao, cụ Mac!

 Hắn cậm cụi mò mẫm rất lâu trong cac-tap như tìm hồ sơ:

 -Ngoại kiều thì xử lý khác. Có chính sách!

 Hắn kéo vai áo anh tài xế xe ôm ra chỗ khác. Lát sau anh tài xế kề tai tôi nói nhỏ:

 -Đưa nó 200 đống mình đi. Giải quyết xong rồi!

 Tôi móc túi lấy xấp bạc 200 đồng Hồ Chí Minh đưa cho cảnh sát giao thông đang thi hành phận sự việc nhà nước. Hắn đổi ngay thái độ hòa hoãn, cười híp mắt khom lưng lòn cúi:

 -Thưa ông đi may mắn.

 Qua chuyện này bắt tôi nhớ lúc xuống phi trường Tân Sơn Nhất rất buồn cười là tôi từ tiếng xưng hô bạn bè kêu tôi là mầy này mầy nọ, thằng này thằng kia, coi thường tôi một "thằng" không ra gì bây giờ về Việt Nam gặp mấy ông Việt cộng họ thấy tôi tưởng có tiền rừng bạc bể nên tối mắt "Thấy hơi tiền chột mắt" đưa tôi lên vai vế "Ông" như là bậc cao cấp của bọn chúng. Chuyện là như vầy khi đi qua cổng xét hành lý tôi hỏi qua kinh nghiệm các người bạn về Việt Nam nhiều lần để làm theo là trong tờ passport tôi kèm theo chỉ 15 tờ giấy 1 đô-la mà các ông có nhiều sao trên cổ áo bái lia lịa:

 -Chào ông ở Mỹ mới về ạ.

 Khi ra khỏi quầy kiểm tra hành lý một vài nón cối xúm lại giành nhau xách va-li cho tôi:

 -Thưa ông để em xách hộ cho ông đỡ mệt ạ!

 Tôi từ chối:

 -Không sao, đi máy bay tôi không mệt đâu, khỏi phải phiền anh.

 Anh cán bộ an ninh phi trường trước đã từng là anh hùng vượt Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây hay đường mòn Hồ Chí Minh bây giờ khép nép trước một Việt kiều như tôi đang thất nghiệp ở Mỹ về đây.

 -Ông nói thế chứ em thấy ông cần đi một mình thì khoan thai hơn phải không ạ".

 Tôi nhìn ra đường thấy xe gắn máy chạy lềnh khênh như dây kiếng, bóp còi inh ỏi, trong thì oi bức, nóng nực thiếu điều muốn vuột áo quần cho đỡ nóng. Tôi nôn nóng về mau khách sạn để tắm một phát cho mát, liền hỏi:

 -Gần đây có khách sạn không anh"

 Gã vuốt tôi:

 -Ông gọi "Em hay con" xưng "Ông" cho có tôn ti! Em .. à..con gọi taxi cho ông về nhà trọ nhé!

 Tôi nhìn và đoán tuổi anh ta bằng tuổi tôi.

 -Không. Tôi ở khách sạn.

 -Vâng vâng. Thưa ông dạ!

 Tôi cho tên cán bộ 5 đồng tiền Mỹ hắn mừng vui ra phếch.

 Trên con đường xưa có tên là Lê Lợi bây giờ đã đổi tên tôi ghé thăm nhà sách Khai Trí lựa mua một vài quyển sách. Một rừng sách tôi xem sơ qua mội cuốn một vài trang đủ biết là sách cách mạng dề cao Kark Mark hoặc hình tên đồ tể Hồ Chí Minh đầu hói có lẫn một dựa sách cũ mà trước đây họ đã lục lạo toàn quốc tịch thu cho rằng sách Mỹ ngụy đồi trụy cần thiêu hủy. Sách chuyện Kiều của danh hào Nguyễn Du khi Cách mạng vào họ cho là loại sách dâm đãng "Đàn ông chớ đọc Thúy kiều" bây giờ bày bán khắp mọi nơi các nhà bán sách còn gọi là tuyệt phẩm. Tôi hỏi một anh bán sách đội nón cối vì chỉ có cán bộ mới được kinh doanh thương mại lớn lao như vậy.

 -Anh gói cho tôi cuốn sách loại túi khôn loài người "Đắc nhân tâm. Cám ơn anh.

 -Anh cho tôi 120 đồng.

 -Sao mà đắt vậy.

 Tên cán bộ chủ nhân gãi đâu, miệng méo xệch:

 -Sách xưa cũ thì đắt lắm ư!

 -Sách ngụy mà anh dám bán à"

 Gã bô bô:

 -Giờ này mà còn ngụy gì nữa! Mà sách ngụy mới có giá chứ lỵ!

 Hắn còn dẩu hàm răng hô ra khoe:

 -Thưa ông ở Mỹ mới về nên không rõ là chỉ có nhà sách lớn như nhà sách của chúng em mới có mà thôi. Có như thế ạ!

 -Tôi mua một cuốn để về Mỹ rảnh rang lấy ra đọc.

 Hắn có vẻ mừng vì bợ được mẻ cá lớn:

 -Thế ông là Việt kiều à.

 -Phải

 Anh ta khúm núm, bốc thơm:

 -Ông đẹp trai và nước da hồng hào không đánh phấn tự nhiên đẹp đẽ như con gái.

 Tôi đang ở tại San Jose bên Mỹ nhớ lại những ngày ở Việt Nam mà tức cười. Khi trước mới chiếm miền Nam cán bộ Việt cộng rất hách xì xằng. Họ làm mưa làm gió, ngang tàng đối với nhân dân quần chúng, kiểu cách hách dịch của người thắng trận "Thắng làm vua". Họ huênh hoang là đánh thắng giặc Mỹ "Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào" mà bây giờ lại tâng bốc kêu "Ông" kêu "Bà" các Việt kiều từ Mỹ về.thăm quê hương một cách ngọt xớt. Trước đây tôi vượt biên phải trốn lên trốn xuống. Nếu chằng may bị bắt bớ thì họ cho là phản quốc, đánh đập moi tiền. Bây dớ thì họ tôn vinh Việt kiều là giỏi giang, là chất xám, là đám Việt kiều yêu nước "Vói bàn tay ngàn dậm" nhầm lôi cuốn đồng bào hải ngoại về nước đổ đô-la về.

 Họ đã lầm to vì ở Mỹ tôi chỉ là một Việt kiều thất nghiệp, nhà ở mướn mà thôi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến