Hôm nay,  

Ba Tôi Qua Đời Ở Việt Nam

17/07/200800:00:00(Xem: 148101)
Tác giả: Lê Huy (XYZ)

Bài số 2354-16208430-vb5170708

Lê Huy là bút hiệu mới của XYZ Phạm Đình Ninh, tác giả đã nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2006 với bài “Anh Đã Mừng Đưa Em Sang Đây”. Bài mới nhất của ông viết về người cha vừa qua đời tại Việt Nam, trong khi con cái người ở Úc, người ở Đức, người ở Hoa Kỳ... Việt Báo trân trọng phân ưu cùng tác giả và gia đình.

Thường thì tôi ít khi nhắc điện thoại vào buổi tối vì sẽ gặp toàn những lời quảng cáo lải nhải mà tôi chẳng thích chút nào, vậy mà tối nay, trời xui đất khiến sao tôi lại nhấc máy.

Khoảng chín giờ rưỡi tối ngày 9/6/2008 (nhằm mồng 6/5 năm Mậu Tý), chuông điện thoại vừa reo hai tiếng, tôi nhắc máy lên, tiếng Châu - em tôi - từ bên Úc:

- Anh ơi... Út Sương mới báo ba chết rồi!

Không tin vào tai mình, tôi hỏi gặng lại:

- Hả... Mày nói sao"

- Ba... Ba... chế... ế... ết rồi... Anh ơi... ! - Em tôi nói qua tiếng nấc, tôi nghe rõ tiếng khóc của nó.

Bàng hoàng sửng sốt, giọng run run, tôi hét lên:

- Ba chết rồi... Trời ơi... Ba chết rồi... !

Cali - con gái tôi ngồi học kế đó - tưởng tôi nói giỡn nên nó tỉnh bơ.

Tôi chạy qua phòng bếp, nói lớn:

- Ba chết rồi... Em ơi... Ba chết rồi... !

Vợ tôi cũng sửng sốt:

- Ba chết rồi sao... Trời ơi... Ba chết rồi sao"

Như đã hiểu chuyện, Cali chạy vào ôm hai vợ chồng tôi, im lặng, rồi phone gấp báo tin quá đau buồn này cho anh Ruby của nó trên nhà trọ gần trường học.

Tôi phone qua Đức báo cho Vĩnh - em kế tôi - thì em nói đã biết tin này rồi. Tôi lại phone tiếp về bên nhà, giọng Út Sương qua tiếng khóc nức nở nghẹn ngào:

- Anh ơi... Ba chết rồi... Chết lúc mười giờ bốn lăm phút sáng nay.

Tôi cũng không cầm được nước mắt:

- Trời ơi... Ba chết rồi... Anh đã hứa với ba là sang năm, anh, Vĩnh và Châu sẽ về mừng thượng thọ ba tám mươi lăm tuổi mà. Trời ơi... Sao không chờ tụi con... Ba ơi... !

Tôi tắt phone, lòng bùi ngùi lắm, buồn lắm. Bùi ngùi và buồn không kém như lúc má tôi qua đời vì xơ gan năm 93 khi tôi còn ở bên nhà. Lát sau, bồn chồn quá, tôi lại phone về bển tuy chẳng biết nói gì thêm ngoài những lời dặn dò các anh chị em bên đó. Lần này giọng Út Sương bình tĩnh hơn:

- Anh à... ! Chú Vị và cậu Lý đã xuống đây rồi. Chú và cậu đều nói mai táng ba vào mồng 8/5 âm lịch (tức hai ngày nữa) là tốt nhứt, anh liệu có về kịp để nhìn ba lần cuối không"

Tôi lặng người, rùng mình, cảm thấy xương sống mình chợt lạnh lên:

- Không kịp... Không kịp rồi... Út ơi... !

- Vậy thì mình sẽ xin dời lễ mai táng vào mồng mười để chờ anh về, được không anh"

Giọng tôi bình tĩnh lại:

- Đừng... Đừng đổi... Không cần đổi, em... ! Đã chọn được ngày tốt thì cứ tiến hành đi. Nếu dời đến ngày kém tốt hơn, sau này anh chị em con cháu mình lỡ gặp chuyện gì không hay thì anh sẽ ân hận lắm đó... Nghe anh đi... Đó là phong tục của người mình, mình phải giữ. Em nói lại với chú với cậu như vậy nghen!

Tối hôm đó đêm qua quá chậm, tôi không sao ngủ được, cứ trằn trọc vì nhớ ba rất nhiều, nhớ nhiều lắm. Hình ảnh và những kỷ niệm về ba cứ quay cuồng trước mắt tôi. Tôi mong sao trời mau sáng để thu xếp kịp về bên nhà nhìn ba lần cuối, nhưng đêm thì cứ dài ra thăm thẳm. Tôi đã từng thức khuya và nếm mùi đêm dài nó hành hạ mình như thế nào rồi, nhưng sao nay đêm như dài vô tận. Nằm thao thức mãi, tôi đếm từng phút từng khắc chầm chậm trôi qua. Tôi nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ, chốc chốc tôi lại mở mắt nhìn đồng hồ, cái kim đồng hồ như chẳng nhích thêm chút nào, lòng tôi nôn nao vô cùng. Tôi lại miên man nghĩ về ba và các anh em các cháu của tôi ở bên nhà.

Hôm sau, trên đường đến sở làm, đầu óc tôi khi thì quay cuồng, khi thì trống rỗng khô khốc đi. Tôi trình bày với supervisor về việc ba tôi qua đời và xin nghỉ được ba tuần. May quá, tôi mua được vé máy bay, bay ngay khuya nay và visa thì sẽ được cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vì phải bay gấp nên hành lý tôi đem theo sơ sài thôi, một cái va li kéo tay nhẹ hìu và một cái ba lô. Và tôi lo xa, trước khi ra sân bay Los Angeles, tôi phone về Saigon nhờ Chi - em vợ tôi - mua trước cho tôi chiếc vé bay tiếp về quê vào ngay chiều ngày11/6 hay hoặc sáng ngày 12/6 (VN) cũng được, nghĩa là càng sớm càng tốt.

Bay từ Los Angeles quá cảnh ở Hong Kong, nghỉ tại đây chừng hai tiếng đồng hồ rồi bay tiếp về Việt Nam, gần trưa thì đến Tân Sơn Nhất. Chuyến bay chừng hai mươi tiếng đồng hồ quá dài quá lâu này khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Tôi không sao ngủ được vì thương tiếc ba và cứ miên man suy nghĩ những chuyện bên nhà. Lâu lâu tôi lại check trên màn ảnh nhỏ ở lưng ghế trước xem mình đã bay tới đâu, nhưng đường bay sao vẫn cứ thăm thẳm, sao vẫn cứ hun hút. Những kỷ niệm và hình ảnh người thân bên nhà cứ chập chờn khi hiện khi ẩn trước mắt tôi.

Từ sân bay, đón tôi về nhà, Chi cho biết là không mua được vé bay tiếp về quê theo những ngày tôi muốn. Và ngay chiều hôm đó tôi liền đi xe tốc hành cao cấp cùng với người bạn hàng xóm tình cờ cũng về quê cùng chuyến xe này. Tôi lại bị một đêm không ngủ suốt chặng đường dài gần bảy trăm cây số từ Saigon về quê mình. Người bạn bên cạnh sao dễ ngủ quá, mới nói chuyện được mấy câu thì bạn ấy đã ngáy ngon lành rồi. Sáng ngày 12/6 tôi về đến nhà. Út Sương đến tận xe đón tôi với nước mắt ràn rụa trên gương mặt nhiều đêm mất ngủ hốc hác, thiệt tội nghiệp. Tôi xúc động lắm nhưng cố nén lòng, không cho nước mắt tuôn trào, tôi khóc thầm trong lòng như đã khóc thầm khi má tôi qua đời. Ba tôi đã được di quan mai táng lúc tám giờ sáng hôm qua rồi. Vậy là tôi về trễ, không kịp nhìn ba lần cuối và tiễn ba ra nghĩa trang, lòng tôi quặn thắt đau như cắt. Anh chị em và các cháu tôi ở Saigon đã về đông đủ vào sáng sớm sau ngày ba tôi qua đời. Châu ở Úc sẽ về chiều mai. Còn Vĩnh ở Đức thì không về được vì bận việc cuối năm của nhà trường.

Không khí gia đình tôi lúc này trầm buồn lắm. Chúng tôi quây quần bên nhau ở bộ sofa và trên chiếc đi văng để chia sẻ nhau nỗi đau, đau nhứt trong đời. Cạnh đó, bên cửa sổ là bàn thờ ba tôi với ánh sáng cặp đèn cầy lấp loáng và khói nhang lảng bảng. Giữa bàn là di ảnh ba với nụ cười hiền hòa như đang ngắm nhìn và hài lòng khi thấy con cháu mình đã tụ về gần như đông đủ. Nhìn chăm chăm vào di ảnh ba lòng tôi lắng xuống. Chợt tôi buột miệng:

- Trời ơi... Ba đó con đây mà sao nghìn trùng xa cách!

Rồi tôi không cầm được nước mắt, môi tôi mấp máy nhưng chẳng thốt lên được lời nào. Anh hai tôi bóp chặt vai tôi, vỗ vỗ, thở ra, giọng chùng xuống:

- Thôi... Tao biết... Tao biết mày thương ba lắm vì mày đã xa ba đến mười mấy năm rồi. Anh chị và các em các cháu ở đây cũng thương tiếc ba lắm chớ.

Từ nay anh tôi gánh vai "quyền huynh thế phụ", tôi xin phép anh để được thọ tang ba. Tôi mặc áo quần tang và chít khăn tang trắng toát. Trước bàn thờ ba, tôi thẫn thờ thắp ba nén nhang, môi mấp máy khấn vái ba cùng lúc với hai hàng nước mắt tuôn trào:

- Thưa ba... Xin lỗi ba... Con đã chừng này tuổi rồi mà vẫn chưa tròn bổn phận với ba má và gia đình. Xin ba tha lỗi cho con...

Rồi tôi sì sụp quỳ lạy ba không biết bao nhiêu lần. Tôi khấn tiếp:

- Chúng con kính cầu mong ba sớm về nơi tiên cảnh... Xin ba phù hộ cho anh chị em con lúc nào cũng may mắn và trên thuận dưới hòa dù gặp hoàn cảnh nào...

Tôi chỉ khấn được có thế rồi nghẹn lời. Tôi thấy ba vẫn nhìn tôi với ánh mắt nụ cười thiệt là hiền hòa và bao dung. Vậy là ba đã nhận lời khấn cầu của chúng con rồi, phải không" Chúng con xin cám ơn ba. Tôi nghĩ, xin ba phù hộ cho anh chị em tôi lúc nào cũng trên thuận dưới hòa là đủ lắm rồi. Tôi không cầu xin lắm bạc nhiều tiền làm chi, và cũng không cầu xin nhà cao cửa rộng làm chi, vì những thứ ấy thường thì có đó rồi mất đó. Chỉ có trên thuận dưới hòa là có và còn tất cả.

Đứng trước bàn thờ ba hồi lâu tôi mới để ý thấy xung quanh bàn thờ có rất nhiều nhang đèn, nhiều vòng hoa phúng điếu và quanh tường treo nhiều bức liễn phúng điếu với những dòng "Vãng Du Tiên Cảnh", "Về Miền Cực Lạc", "Thành Kính Phân Ưu", "Về Miền Miên Viễn"... do các bác bạn hàng năm xưa, bà con thân hữu hàng xóm của ba má tôi, do bạn bè cũ mới thời đi học, sinh hoạt hướng đạo, thời lính tráng, thời "mưu sinh chạy gạo cứu đói từ 75"... của anh chị em và các cháu đem đến phúng điếu. Những phẩm vật này nhiều như vậy là do ba tôi có rất nhiều bạn bè nhờ tính tình xuề xòa hiền hòa, lúc nào cũng vui vẻ tay bắt mặt mừng, khiêm tốn, không đố kỵ và tranh hơn tranh thua với ai, lúc nào cũng "chín bỏ làm mười"... Đó là những đức tính của ba mà đến giờ anh chị em tôi vẫn chưa học được. Nhớ lại năm 93, đám tang của má đã lớn, nay, đám tang của ba lại lớn hơn. Một vài người bạn nói nhỏ với tôi "Vậy là phúc đức lắm", tôi bùi ngùi đáp lời cám ơn các bạn ấy.

Tội nghiệp, những buổi cúng giỗ ba, vợ chồng em Tuyết đều lo thức ăn chay. Nó nói, dùng thức ăn chay thì hương hồn ba sẽ luôn được trong sạch thanh thản và nhẹ nhàng sớm về miền cực lạc.

Vài tháng trước ngày qua đời, ba thường bắc ghế ngồi nhìn dòng người dòng xe xuôi ngược trên đường phố chính trước nhà mình. Trước 75 đây là khu thương mại sầm uất nhộn nhịp nhứt của thành phố này mà nay lại thưa thớt kém nhộn nhịp đi nhiều. Tôi nghĩ, trước sự thay đổi lớn lao này thế nào ba cũng buồn lắm khi nhớ đến một thời hưng thịnh của khu phố và một thời ăn nên làm ra của gia đình. Có lần thấy một chiếc xe đạp chạy bằng điện chạy qua, ba nói với mấy em tôi là ba muốn có một chiếc xe như vậy để chiều chiều ba cưỡi đi dạo mát hoặc đến thăm các bạn mình. Các em tôi sợ ba cưỡi xe lỡ rủi té ngã ở đâu đó làm sao biết được, nên cứ lần lừa hẹn rày hẹn mai. Đó chỉ là mong muốn nhỏ nhoi cuối đời của ba thôi, vậy mà cũng không được toại nguyện. Thấy mà thương cho ba quá!

Chúng tôi đã biết từ lâu, van tim ba bị hẹp lại bị bệng suyễn, bác sĩ khuyên cần phải tránh các thức ăn thức uống có chất kích thích cao. Các em tôi kể lại, sáng hôm đó, sau khi ăn sáng uống trà lợt với Việt (cháu nội đích tôn), ba nấu nước sôi và pha gói cà phê sữa. Thấy vậy, Út Sương mới nhắc:

- Á... Ba... Ba đừng uống cà phê. Bác sĩ dặn rồi... Đừng uống, ba... Nguy hiểm lắm... !

Có lẽ thèm quá vì nhịn quá lâu, chịu không được nữa, ba mới lớn tiếng:

- Kệ tao... ! Tao muốn uống là tao uống... Không đứa nào được phép cản tao... !

Thế rồi ba uống tách cà phê đó, chừng nửa giờ đồng sau mạch máu bị kích thích mạnh, ba bị nhồi máu cơ tim và vĩnh viễn ra đi sau khi hai vị bác sĩ gần nhà được tức tốc mời đến, nhưng vẫn không kịp giữ lại sự sống cho ba.

Hôm sau, tôi ra nghĩa trang viếng mộ ba. Năm trước tôi về có đến viếng thăm các mộ phần của tộc họ tôi ở đây rồi. Năm đó chỉ có vài ba chục ngôi mộ thôi, vậy mà bây giờ nhiều, nhiều quá, nằm cạnh nhau. Đời người thiệt chóng vánh. Ba mới được mai táng hôm qua nên đất vun nấm mồ hãy còn mới. Đến nơi này tôi mới thiệt sự có cảm giác âm dương cách biệt. Tôi bị choáng và lại nghe lòng mình bùi ngùi quá. Tôi đốt một bó nhang thiệt to, khấn vái ba xong tôi cắm nhang trên mộ ba, còn lại khá nhiều tôi cùng người nhà cắm lên các ngôi mộ quanh đó, gọi là viếng thăm và chia sẻ cùng "hàng xóm láng giềng" của ba. Tôi gặp người trông coi nghĩa trang để bàn về việc xây mồ cho ba. Anh ấy còn trẻ, nhanh nhẹn và nhiệt tình lắm, tôi an tâm phần nào. Chúng tôi bàn kỹ về việc này. Ý tôi muốn và mọi người cũng đều đồng ý là mộ phần của ba phải trang nghiêm, kích thước vừa phải, không cần to lớn kiểu cọ làm chi.

Được biết, trong nước, ở tỉnh nọ có một nghĩa trang gọi là "Nghĩa Trang Việt Kiều", những người Việt giàu có ở nước ngoài về lo cải táng, xây lại mồ mả thân nhân đã khuất của mình thành những "ngôi nhà mồ" rất to lớn khang trang, không kém phần "nguy nga tráng lệ", đèn điện bật sáng suốt ngày đêm, lại có người trông coi canh gác thường xuyên. Thiệt là tốn kém và thấy tội nghiệp cho nhiều người trong nước hãy còn đang nghèo khổ biết bao. Theo tôi, mình chỉ cần xây mộ với kích thước vừa phải mà trang nghiêm, đủ thể hiện lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ của mình là tốt rồi. Số tiền dư giả còn lại thì giúp đỡ thân nhân và bà con hàng xóm nào đang gặp cảnh ngặt nghèo túng thiếu thì hay hơn. Biết đâu cử chỉ từ thiện này sẽ làm cho người đã khuất hài lòng, mỉm cười nơi chín suối.

Chừng một tuần sau thì chị Yến - bạn đồng nghiệp của tôi bên Mỹ - phone cho tôi nói là các bạn của hãng chân thành chia buồn cùng gia đình tôi, và rất lấy làm tiếc là không gởi vòng hoa phúng điếu đến kịp vì việc di quan mai táng của ba tôi làm gấp quá. Tôi nói: "Dạ... ! Không sao... Không sao... ! Quý bạn có lòng với gia đình tôi là quý rồi. Cho tôi gởi lời chân thành cám ơn quý bạn".

Những ngày còn lại ở bên nhà, hồi tưởng lại chuỗi ngày dài sống cạnh ba từ thuở ấu thơ, thời đi học cho đến khi ra đời, lòng tôi bồi hồi bùi ngùi vô cùng. Những hình ảnh của chuỗi ngày dài ấy đã khắc sâu trong lòng tôi.

Nhớ ngày đầu ba dẫn hai anh em tôi đi học trong cơn mưa bất chợt, mưa khá lớn, lại phải đi dọc theo con đường thấp sũng nước. Vì đâu biết trước mà đem theo áo mưa nên ba đòng đòng tôi lên vai, tôi dùng cặp táp che đầu mình, còn ba thì ướt đẫm, tay dắt anh tôi lúp xúp chạy theo cũng ướt hết. Đến cuối năm lớp Nhất (tức lớp Năm tiểu học bây giờ), tôi được lãnh phần thưởng nhờ học hành "coi được", ba mừng và hãnh diện lắm. Ôi cái phần thưởng mới to làm sao, hai tay tôi ôm không xuể, ba phải thuê xích lô chở hai ba con về. Đến nhà , bác xích lô không nhận tiền xe mặc dù ba tôi trả tiền nhiều hơn bình thường. Bác nói là bác thưởng cho tôi và chung vui cùng gia đình. Ba nói cám ơn, mời bác vô nhà uống trà thơm hảo hạng, hai người chuyện trò tâm đắc với nhau cả buổi, rồi trở thành đôi bạn thân từ đó. Sau biến cố 75, ba tôi không biết bác ấy ở nơi nào nữa.

Có một chuyện mà đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn xấu hổ. Trước khi đi coi kết quả thi Đệ Thất, giúi vô tay tôi chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn, ba vui vẻ nói:

- Nè... Con cất trong túi đi... Nếu đậu thì đeo... Còn đậu... "cành mềm" thì đừng đeo, đem về cho ba nghen!

Sau một hồi vất vả chen chen lấn lấn, tôi thấy tên mình trên bảng kết quả... Ôi... Trời thương cho tôi đậu, mà lại đậu cao nữa chớ, hạng 17 trên 200 thí sinh được chấm đậu. Mừng quá, tôi lại vất vả lấn lấn chen chen để chui thoát ra ngoài khỏi đám đông dày đặc. Sung sướng quá, tôi lấy đồng hồ từ túi quần ra, tay run run đeo đồng hồ vào cổ tay trật lên trật xuống mấy lần. Chợt có một cu cậu cạnh tôi lên tiếng:

- Đồng hồ hả... Xí... ! Tao cũng có một cái... Xịn hơn cái này nhiều...

Bất ngờ bị... chê, tôi "nóng mũi" lên giọng:

- Dzậy... Tao dzới mày... học... thi nghen...

Cu cậu kia nghe vậy, lại hiền quá chẳng nói năng gì, chỉ "Xí... !" một tiếng rồi bỏ đi nơi khác. Về nhà, tôi vừa hý hửng báo tin vui cho cả nhà là mình thi đậu vừa giơ cổ tay có đeo đồng hồ lên để... làm chứng. Tôi kể lại chuyện nói trên, nghe xong ba tôi cười cười rồi ôn tồn nói:

- Đừng con... Nói vậy không tốt đâu con... Nếu con giỏi thì còn có người giỏi hơn con nữa đó.

Tôi hiểu ra, thấm ý. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ lắm.

Khi anh em tôi lớn lên, ra đời, rồi có gia đình riêng, ba vẫn thường kể những điển xưa tích cũ cũng như những chuyện thành bại mà ba má đã trải qua để chúng tôi học hỏi và rút kinh nghiệm.

*

Trong bản di chúc để lại cho chúng tôi, mở đầu ba viết "...Nay tôi đã già, theo luật tạo hóa thì tôi cũng phải về với ông bà tổ tiên thôi... Nay tôi viết di chúc này để lại cho con cháu trong lúc đầu óc tôi vẫn còn sáng suốt và tinh thần tôi vẫn còn minh mẫn, chẳng có ai hay con cháu nào ép buộc tôi viết cả... Căn nhà tôi đang ở đây là do công sức khó khổ của vợ chồng và con cái tôi tạo dựng lên, nó phải là từ đường là nơi thờ phượng của gia tộc, là nơi để con cháu quy tụ về lúc cuối đời, nhất thiết không ai có quyền bán đi hay sang nhượng gì hết... ".

Chừng mười năm trở lại đây, ba tôi thường gởi tâm sự mình vào những bài thơ ngăn ngắn. Được vài ba bài thì ba gởi cho các anh em tôi. Bài nào của ba cũng đượm tình gia tộc, tình cha con, tình anh em... với ngụ ý là nhắn nhủ và răn dạy chúng tôi. Chúng tôi rất trân quý những bài thơ này tuy đó không phải là những vần thơ tuyệt tác.

Trong bài thơ Tìm Con kể lại chuyến đi thăm tôi ở tù "cải tạo", có đoạn dưới đây mà mỗi khi đọc lại tôi vẫn còn xúc động rươm rướm nước mắt:

"... Vai mang bị gạo nai lưng đạp

Mong ước bao giờ gặp mặt con

Con tôi tuổi trẻ hãy còn non

Ai xui chinh chiến cho nên nỗi này

... Cái cảnh rừng già ôi thảm thương

Không chăn không chiếu lại không giường

Móc võng giữa rừng đành chịu vậy

Mệt lả người mê tự lúc nào

Mất thở năm giây nào ai biết

Tưởng mình phách lạc lại hồn xiu... "

Và năm 2004, anh em tôi từ các nơi hẹn nhau quy tụ về để chúc mừng ba thượng thọ 80 tuổi. Trong ngày vui này ba có làm bài thơ Mùa Thu Đoàn Tụ (2004), có đoạn như sau:

"... Nửa vòng trời mà chẳng thấy xa

Quả đất rộng coi bằng gang tấc

Lòng hiếu thảo không ai ngăn cách

Gia đình ta vui thật vô cùng

... ... ...

Trời biển rộng mênh mông bát ngát

Nơi quê nhà hội lớn đã thành

Tám mươi năm - con mừng cha tuổi thọ

Bốn mươi người - đủ già trẻ gái trai ... "

Những mẫu chuyện thành bại, những câu chuyện vui buồn của cha con chúng tôi thì nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn sách, nhưng tôi thì chưa thể làm được việc này.

Về lại Mỹ tôi đem theo bộ DVD thu đầy đủ chi tiết diễn tiến tang lễ của ba từ lúc ba nằm nhắm mắt xuôi tay trong phòng khách tại nhà cho đến khi hạ huyệt ngoài nghĩa trang. Vợ chồng tôi chỉ coi được đoạn đầu thôi, không dám coi tiếp nữa vì xúc động quá.

"Ba ơi... Vậy là ba con mình đã vĩnh viễn xa nhau, đã vĩnh viễn nghìn trùng xa cách. Cách đây 15 năm, má qua đời đã là một mất mát lớn lao cho chúng con; nay ba lại ra đi thì sự mất mát ấy lại càng lớn lao hơn nữa. Ba má ơi... Không có lời nào nói hết được và cũng chẳng có dòng nước mắt nào khóc giùm được cho nỗi thương tiếc vô hạn của chúng con dành cho ba má. Hình ảnh ba má mãi mãi nằm sâu trong tâm khảm chúng con đó, ba má à!".

Lê Huy

(Los Angeles, July 7, 2008 - Sinh Nhật Ba )

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,124,430
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến