Hôm nay,  

Siamese Twins: 2 Bé Song Sinh Dính Liền

05/07/200800:00:00(Xem: 285608)
Tác giả: Phương Lan
Bài số 2343-16208419-vb7050708

Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California,  đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 4 tác phẩm đã xuất bản: Tiếng dương cầm (truyện dài) ; Anh mới biết yêu lần dầu (tập truyện), Còn chờ một kiếp sau (tập truyện), Bốn mươi năm cuộc tình (tập truyện) Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2  CD độc tấu nhạc  cổ điển và tân nhạc.

Tỉnh dậy trong căn phòng hồi sinh của bệnh viện với cảm giác dã dượi, tôi khẽ cựa mình, cảm thấy đầu nặng như chì nhưng người lại nhẹ tênh , dập dềnh như đang trôi theo đám mây, có tiếng nói vang lên ngay bên tai:

-  Em tỉnh rồi à" Có nhận ra anh không"

Tiếng nói của chồng tôi nghe mơ hồ như vọng lại từ một cõi xa xăm nào đó, nhưng cũng đủ hiệu lực để gọi tri giác tôi trở về. Tôi lờ đờ mở mắt.  Vật đầu tiên mà tôi nhìn thấy là cái trần nhà trắng toát.  Ánh sáng chói chang của ngọn đèn néon trên trần làm tôi khó chịu, tôi hạ tầm mắt xuống và nhìn thấy chai nước biển treo tòn ten bên thành giường và khuôn mặt thân yêu của Nguyễn đang cúi xuống trên người tôi.  Tất cả đều mờ mờ như được bao phủ bằng một lớp sương mù.  Nhưng chỉ sau vài phút, mọi vật đều trở nên rõ ràng và tôi có thể nhìn thấy những nét lo lắng trên khuôn mặt hốc hác của Nguyễn.

Tôi nằm yên một lúc lâu, qua cơn ngầy ngật vì ảnh hưởng của thuốc mê, dần dần nhớ lại tất cả mọi việc, tim tôi bỗng nao lên những xúc động khó tả.  Lần đầu tiên trong đời, tôi vừa được làm mẹ!  Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, chảy lan trên má; tôi cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng những giọt nước mắt vẫn thi nhau tuôn chảy làm ướt hoen cả gối, không phải là những giọt nước mắt sung sướng của người mẹ mới sinh con đầu lòng, mà là những giọt nước mắt đau khổ của một người đàn bà bất hạnh, bởi vì tôi vừa mới cho ra đời một quái thai: Hai đứa bé sinh đôi dính liền nhau.

Nguyễn thở dài: 

-  Em đừng khóc nữa!  Khóc có ích gì"  Chúng ta phải can đảm lên!

-  Anh nhìn thấy con chưa"  Tôi thều thào hỏi.

Nguyễn gật đầu nhưng không nói gì cả.  Thu hết can đảm, tôi thốt lên câu hỏi xé lòng:

-  Trông chúng thế nào"

Nguyễn lảng tránh tia nhìn của tôi: 

-  Người ta sắp đem tới bây giờ, và cũng không có gì nghiêm trọng lắm đâu, em đừng quá lo!

Chàng nắm lấy tay tôi.  Tay chàng nhớp mồ hôi.  Tôi rùng mình, và không, không phải tôi sợ hãi những gì sắp được trông thấy, nhưng dù thế nào đi nữa chúng vẫn là các con của tôi, nhưng viễn ảnh của những ngày sắp tới khiến tôi lo lắng.  Liệu tôi có đủ nghị lực và can đảm để có thể đương đầu với những khó khăn trong tương lai"

Được cái may là bên tôi còn có Nguyễn, một người chồng rất tốt.  Chàng an ủi, chia xẻ với tôi mọi thứ, chia đều gánh nặng trên hai đôi vai.

Nguyễn và tôi yêu nhau từ thuở mới lên đại học và kết hôn năm năm sau đó sau khi cả hai đều tốt nghiệp ở những trường chuyên môn:  Nguyễn ngành kỹ sư hoá học, và tôi ngành kế toán ngân hàng.  Ổn định xong công ăn việc làm, chúng tôi nghĩ ngay đến việc cho ra đời những đứa trẻ.  Mặc dù cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh và không có gì trục trặc trong việc sinh con, thế mà không hiểu tại sao mãi đến hơn mười năm sau, tôi mới có thai lần đầu tiên ở vào cái tuổi 38.  Khỏi phải nói, chúng tôi đã sung sướng đến thế nào khi được báo tin kết quả thử thai positive.  Mọi việc đều bình thường; thời kỳ hôi cơm tanh cá, Nguyễn chăm sóc tôi từng ly từng tí.  Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất.  Chúng tôi suốt ngày bàn về đứa con sắp ra đời sẽ là trai hay gái, đặt tên là gì, mặt mũi chúng ra sao, giống cha hay mẹ, lớn lên sẽ làm nghề gì, v.v..  Bao nhiêu thương yêu, bao nhiêu hy vọng chúng tôi đều dồn cả cho đứa con còn nằm trong bụng mẹ.  Tôi mang thai đến tháng thứ ba thì được bác sĩ cho biết:

-  Bà sẽ sinh đôi.

-  Ồ thật vậy sao"

Chúng tôi cùng bật lên những tiếng kêu mừng rỡ.  Nguyễn có vẽ sung sướng hơn bao giờ hết.  Ngay chiều hôm đó chàng đưa tôi đi ăn khao. Nguyễn nhìn tôi cười rạng rỡ:

-  Chúng mình hiếm hoi nên trời đền bù cho gấp đôi, em có ngại vất vả không"

Tôi lắc đầu, mắt sáng ngời niềm kiêu hãnh:

-  Vất vả vì con thì có gì mà ngại hả anh" Còn hạnh phúc nào cho bằng hạnh phúc được làm mẹ"

Sau thời gian ốm nghén, tôi ăn ngủ lại được và lên cân đều hoà.  Mọi việc đều tốt đẹp cho đến một lần đi khám thai định kỳ vào tháng thứ tư, chúng tôi được mời vào gặp bác sĩ:

-  Quang tuyến cho thấy là hai thai nhi đâu mặt vào nhau.  Một việc hơi bất thường, tuy nhiên, ông bà đừng lo lắng quá.  Có thể bây giờ hãy còn hơi sớm.  Hy vọng bào thai sẽ tiếp tục phân hóa và sau này mọi việc sẽ đâu vào đó. 

Nhưng lần tái khám kỳ sau cho thấy không có tiến triển khá hơn.  Vị thế của hai thai nhi vẫn không thay đổi.  Bác sĩ buộc lòng phải nói ra sự thực:

-  Đây là tin chẳng lành.  Hai babies của ông bà sẽ là Siamese twins.

Chúng tôi còn đang sững sờ thì ông giải thích thêm:

-  Siamese twins là danh từ dùng để chỉ những đứa bé song sinh dính liền nhau, và nguyên do là phôi thai không phân hóa trọn vẹn.  Có trời mới hiểu tại sao.  Đây là những trường hợp rất hiếm khi xảy ra.  Người ta gọi như vậy là để kỷ niệm cạp song sinh nổi tiếng thế giới đã xảy ra lần đầu tiên tại Siam (Xiêm la, tức là Thái Lan bây giờ) cách đây gần hai trăm năm.  Ông còn nói thêm vài điều nữa, nhưng tai tôi ù đi.  Tôi chẳng còn nghe được gì nữa.  Trời ơi!  Có thể nào như vậy được chăng"  Tôi không tin đây là sự thực.  Tôi có làm gì nên tội đâu mà sao trời nỡ bắt phạt"  Mắt tôi hoa lên.  Tôi đứng không vững.  Nguyễn vội vàng giơ tay ra đỡ.  Chàng ôm lấy tôi vỗ về.  Ông bác sĩ nhìn hai vợ chồng tôi với cặp mắt ái ngại xong cũng không biết phải nói thế nào để an ủi, ông thở dài buồn bã tiễn chúng tôi ra cửa.

Trên đường về, hai vợ chồng cùng im lặng, không ai nói với ai lời nào, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình.  Phải làm thế nào bây giờ" chỉ còn cách là phá thai, giết chết cả hai đứa bé trước khi chúng ra chào đời.  Dã man quá.  Tôi rùng mình trước ý nghĩ ghê rợn đó.  Trường hợp này phá thai chắc sẽ không mang tội với pháp luật, nhưng làm sao khỏi mang tội với lương tâm"  Là tín đồ sùng đạo của Công giáo, tôi không dám đi ngược lại lời răn của Chúa là hủy diệt đi mạng sống của con người.  Nhưng thật ra không đơn giản là chỉ tránh mặc cảm phạm tội, mà sự thực là đã có một sợi dây tình cảm thiêng liêng ràng buộc giữa tôi và hai đứa bé ở trong bụng, đó là tình mẫu tử.  Tôi yêu các con của tôi.  Từ đầu tuần rồi, chúng bắt đầu máy.  Chúng cử động được rồi.  Chúng là những mầm sống do tôi tạo ra.  Chúng là kết tinh của tình yêu giữa tôi và Nguyễn, và chúng là các con của tôi!  Ồ không, không bao giờ tôi nỡ giết con cho dù hình dạng của chúng có quái dị thế nào đi nữa.  Như đọc được những ý nghĩ trong đầu tôi, Nguyễn nhìn sâu vào mắt tôi, nói thong thả từng tiếng một:

-  Đừng nghĩ vớ vẩn nữa em.  Hãy can đảm lên.  Chúng ta sắp làm cha mẹ; sắp cho ra đời hai đứa trẻ; chúng ta thương yêu các con của chúng ta, và sẽ làm tất cả những gì chúng ta có thể làm cho chúng.
Tôi cảm động ứa nước mắt.  Ngay sau đó, chàng đưa tôi đến các thư viện lục tìm tất cả các tài liệu, báo chí, sách vở để tìm hiểu về những trường hợp Siamese twins, và đa số những đứa bé sinh ra đều chết ngay từ khi mới lọt lòng, chỉ có một số rất ít còn sống sót với tình trạng rất bi thảm. Nhưng đó là thời kỳ mà khoa học chưa tiến bộ như bây giờ.  Những năm gần đây, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đã thành công trong việc tách rời những đứa bé dính nhau.  Hiện thời chúng vẫn sống và có những cuộc đời riêng biệt.  Với thành quả của khoa học cùng với sự động viên của các bác sĩ và các thân nhân khiến hai vợ chồng cảm thấy phấn khởi đôi chút.  Chúng tôi không cô đơn.  Chúng tôi không phải chiến đấu đơn độc, và chúng tôi có cả một tập thể mạnh mẽ đứng sau lưng làm hậu thuẫn.

Biết được ý định của chúng tôi, cả bệnh viện họp nhau lại, và ngay lập tức, một "fundraising" được thành lập đễ gây quỹ cho cuộc giải phẫu mà phí tổn dự trù có thể lên đến hơn một triệu đô la.  Rất nhiều người hưởng ứng. Các hội đoàn từ thiện, những người giàu có, các vị hảo tâm, tất cả đều sốt sắng đóng góp. Về tiền bạc, chúng tôi không phải lo lắng gì cả.  Như thế cũng đỡ đi một mối bận tâm nên chúng tôi chỉ phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận hai đứa bé, đón nhận cái số phận trời đã đành cho mình.

Những lần chụp quang tuyến sau này cho thấy hai thai nhi có hình dạng bình thường ở đầu, vai và hai tay, nhưng phần dưới thì dính chung làm một. Chúng không tách ra, không thay đổi vị trí và phân hoá gì thêm, nhưng dính nhau ở mức độ nào thì chỉ có thể biết sau khi chúng ra chào đời.

Các bác sĩ cho biết sẽ phải mổ để lấy hai đứa bé ra, vì với vị thế dính nhau của chúng, tôi sẽ không sinh được bình thường.  Thời gian chờ đợi thật là kinh khủng.  Tết năm đó là một cái tết buồn thảm nhất đời của hai vợ chồng. Chúng tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc mua bán sắm sửa hay trang hoàng nhà cửa cho ba ngày đầu xuân thiêng liêng của một năm mới. Thay vào đó, chúng tôi để thì giờ bàn về những việc sắp xảy ra.

Thế rồi cái gì phải tới đã tới.  Tôi mang thai đã được bốn mươi tuần.  Vào thời điểm này, tất cả bộ phận của thai nhi đã phát triển đầy đủ.  Tôi được đưa vào bệnh viện mỗ lấy thai nhi ra hai tuần trước hạn kỳ; bụng tôi đã lớn quá cỡ.  Cuộc giải phẫu ngắn ngủi chưa đầy một tiếng đồng hồ đã xong xuôi tốt đẹp, và bây giờ tôi nằm đây, trong phòng hồi sinh của bệnh viện, hồi hộp chờ đợi để được thấy mặt con.  Nguyễn cho tôi biết: 

-  Hai đứa bé là con gái.  Chúng cân nặng tổng cộng gần bốn kí.  Cả hai đều khoẻ mạnh và may mắn chúng dính với nhau ít hơn là người ta dự đoán, nghĩa là, chỉ dính từ phần bụng cho tới vùng xương chậu.  Mỗi đứa có một thân mình riêng với đầy đủ hai tay, nhưng phần dưới chỉ có một chân và chung nhau cái chân thứ ba.

Nguyễn được nhìn thấy con trước, trong khi tôi còn đang ở trong phòng hồi sinh.  Ba giờ sau khi tôi tỉnh dậy, người ta đem hai đứa bé tới cho tôi nhìn mặt.  Chúng được bọc trong một tấm chăn màu hồng.  Thoạt đầu tôi tưởng rằng hình ảnh mà tôi trông thấy sẽ làm tôi dội ngược trở lại. Nhưng không, trông chúng chỉ giản dị như hai đứa bé đang ôm nhau, chỉ có thế.  Sau đó, y tá đưa các con tôi về một khu riêng biệt. 

Còn lại một mình trong phòng với Nguyễn, tôi bật khóc nức nở; hai đứa bé trông thật là xinh đẹp, vậy mà trời nỡ bắt tội chúng phải mang một cái tật quái dị là dính liền nhau. Chúng tôi đặt tên con là Mai và Phượng.  Các bác sĩ cho biết là theo đúng kế hoạch thì phải đợi tới khi Mai và Phượng được hơn một tuổi mới có thể tiến hành cuộc giải phẫu để tách rời, vì khi đó chúng mới đủ lớn để có sức chịu đựng. 

Ba tuần sau khi sanh, chúng tôi được đem con về nhà.  Mặc dù cơ thể có khiếm khuyết, các con tôi vẫn lớn lên theo năm tháng.  Chúng tôi được hướng dẫn các phương cách để có thể chăm sóc cho chúng một cách đặc biệt.  Vị thế dính nhau khiến chúng không thể nằm ngửa, vì nếu nằm ngửa đứa này sẽ nằm chồng lên đứa kia.  Chúng tôi khắc phục cái bất tiện ấy bằng cách đặt chúng nằm nghiêng, thỉnh thoảng lại trở mình để cho đỡ mỏi, và chúng tôi kê dưới lưng chúng mỗi đứa một cái gối.  Mai và Phượng giống nhau như hai giọt nước với mái tóc tơ mềm mại hơi quăn, đôi mắt to tròn đen láy với những cái nhìn thật tội nghiệp và cái miệng thật là xinh xắn dễ thương. 

Các con tôi bắt đầu mọc răng và bi bô gọi mẹ.  Nhìn con, tôi như đứt từng đoạn ruột; hai khuôn mặt đẹp như thiên thần, nhưng cơ thể không phát triển bình thường.  Đã gần thôi nôi rồi mà không biết lẫy, cũng chẳng biết bò, và dĩ nhiên, làm sao đi được"  Chúng không thể nào cứ sống như vậy suốt đời!  Bằng bất cứ giá nào, chúng tôi phải cứu lấy chúng!

Các bác sĩ cho biết cuộc giải phẫu tách rời hai đứa bé sẽ thập phần nguy hiểm, có thể lấy đi mạng sống của chúng, nhưng nếu thành công thì các con tôi có thể sống cuộc đời bình thường.  Chúng tôi run tay ký giấy chấp nhận mọi sự rủi ro.  Thật là một quyết định đau lòng, nhưng không còn cách nào khác.  Các thử nghiệm cho biết hai đứa bé có hai lá gan nhưng dính làm một, hai bộ phận tiêu hoá riêng biệt, hai quả thận và chung một cái chân.

Tiến trình của cuộc giải phẫu được hoạch định như sau: 

-  Chúng tôi sẽ chia đều hai quả thận cho mỗi đứa một quả.  Bác sĩ nói tiếp. Sau đó sẽ tách rời hai lá gan, và phải hết sức cẩn thận để không làm đứt những ống dẫn mật từ gan vào ruột, sau đó, sẽ đến phần xương chậu bị hở ỏ phía trước, chỗ dính liền ở bụng dưới - mỗi đứa chỉ có nửa vòng xương chậu, nửa vòng còn lại sẽ được thay thế bằng thép.  Còn cái chân chung, vấn đề khó khăn là phải chẩn đoán xem cái chân thuộc về đứa bé nào, nghĩa là máu trong đứa bé nào đã đi vào mạch máu để nuôi cái chân đó. Sự chẩn đoán phải thật chính xác, bởi vì nếu lầm thì cái chân đó sẽ chết và không đứa bé nào được hưởng cái chân đó cả.

-  Các bác sĩ sẽ có cách chứ"  Nguyễn lo lắng hỏi.

-  Dĩ nhiên.  Khoa học ngày nay tiến bộ thì việc đó sẽ có cách giải quyết. Chúng tôi sẽ cho chích vào mạch máu một số lượng nhỏ chất phẩm phát quang, sau đó sẽ quan sát, theo dõi và xác định.

Chúng tôi cám ơn bác sĩ về những lời giải thích rất rõ ràng và dễ hiểu. Nguyễn nói:

-  Chúng tôi đặt tất cả tin tưởng vào các bác sĩ và vào khoa học.

Ông mỉm cười với chúng tôi và khuyên: 

-  Ông bà không nên lo lắng quá.

Thái độ tự tin của ông làm chúng tôi an tâm phần nào. 

Sau cùng, thì cái ngày trọng đại đó cũng sắp tới.  Ba tuần trước ngày sinh nhật đầu tiên của Mai và Phượng, các con tôi được đưa tới bệnh viện nhi đồng ở tiểu bang Philadelphia, nơi đó người ta chuyên môn về những vụ mổ xẻ như vậy. Một ê kíp các bác sĩ chuyên khoa đã sẵn sàng.  Tháp tùng hai đứa bé có bác sĩ và hai cô y tá của bệnh viện, hai vợ chồng tôi và người chị ruột của tôi cũng được đi theo để giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần. Một xe cứu thương đã trực sẵn ngay tại phi trường để đem ngay hai đứa bé vào bệnh viện.  Từ nay cho tới ngày mổ, chúng phải ở luôn tại đó để được hưởng sự chăm sóc đặc biệt.  Ba người chúng tôi thuê một phòng nhỏ trong một khách sạn gần bệnh viện để tiện việc tới lui thăm viếng. Chúng tôi có thể đi thăm chúng hàng ngày vào những giờ giấc nhất định. 

Các con tôi rất ngoan, không hề la khóc ngay cả những khi bị tiêm, chích đau đớn.  Hình như chúng hiểu người ta làm vậy là chỉ vì chúng, nhưng những ánh mắt cam chịu của trẻ thơ làm chúng tôi mủi lòng.  Lần nào cũng vậy, mỗi khi hết giờ thăm, cô y tá vào phòng bồng chúng đem đi thì tôi không sao cầm được nước mắt.  Các con tôi xoải những cánh tay nhỏ bé cố nắm níu một cách tuyệt vọng, chúng dõi những cặp mắt tội nghiệp nhìn theo cha mẹ với một vẻ quyến luyến không muốn rời, miệng chúng méo xệch đi nhưng không khóc, sau đó chúng úp mặt vào nhau, xoay lưng ra ngoài, xoay lưng lại với đời.  Nguyễn kéo tôi đi nhanh, nước mắt cũng đã lưng tròng.

Các bác sĩ có vẻ lạc quan vì cả hai đứa đều có vẻ khoẻ mạnh và cân lượng rất tốt, những điều kiện thiết yếu cho một cuộc giải phẫu lớn, họ nói chúng có hy vọng sống sót.  Trong khi chờ đợi, chúng tôi dành tất cả thì giờ để cầu nguyện; ngày qua ngày chúng tôi sống trong tâm trạng bất an, có lúc sốt ruột, có lúc lại mong cái ngày đó đừng bao giờ tới, tự mình mâu thuẫn với chính mình.  Bà chị của tôi trái lại rất bình tĩnh và lạc quan vì chị ấy được cứu sống sau một tai nạn trầm trọng nên rất tin tưởng ở khoa học.   Nhờ chị ấy an ủi, khích lệ nên chúng tôi mới giữ vững tinh thần. 

Buổi chiều hôm trước ngày giải phẫu, chúng tôi được phép vào bệnh viện thăm con và ở lại với chúng bốn tiếng đồng hồ.  Đây là những phút giây não lòng nhất; có thể không bao giờ Nguyễn và tôi còn gặp lại chúng nữa. Nước mắt rưng rưng, chúng tôi ôm các con vào lòng nựng nịu, vuốt ve hôn hít và nói chuyện với chúng.  Tôi nắm lấy những bàn tay bé nhỏ, thì thầm:

-  Ôi thật tội nghiệp cho các con của mẹ. Nhất định các con phải sống nhé" Các con phải hứa sẽ không được bỏ đi.  Ngoan nào Mai và Phượng, các con hứa đi.

Hai đứa bé giương những cặp mắt ngây thơ nhìn cha mẹ, nhoẻn miệng cười.  Tim tôi thắt lại, lòng tôi đau như xé, tôi cố nén nhưng nước mắt vẫn trào ra.  Lau vội giòng lệ, tôi mở mắt thật to nhìn như uống lấy chúng, cố thu hết những hình ảnh cuối cùng của các con vào ký ức; biết đâu đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy chúng.  Nguyễn đã để sẵn trong ví số điện thoại của nhà quàn.

Sáng sớm hôm sau, trước khi đẩy xe vào phòng giải phẫu, các nhân viên của bệnh viện dừng lại một phút cho chúng tôi hôn từ biệt các con một lần cuối.  Sau đó cửa phòng được đóng lại ngăn chúng tôi ở bên ngoài.

Nguyễn dìu tôi ngồi xuống ghế.  Chân tôi mềm nhũn, toàn thân tôi rũ liệt, bao nhiêu sinh lực biến đi đâu mất cả. Nhìn cánh cửa từ từ khép kín trước mắt tôi, tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực.  Các con tôi đang ở trong đó.  Chúng đang ở biên giới giữa cái sống và cái chết, và các bác sĩ đang dành giựt mạng sống của hai đứa con tôi với tử thần.  Phải gắng sức lên các con nhé"  Hãy chiến đấu cho tới cùng.  Đừng buông xuôi.  Đừng bao giờ bỏ cuộc! Sự sống quý giá lắm các con ạ, hãy cố mà giữ lấy, và nếu các con biết được lòng cha mẹ thương yêu các con đến mức nào, chắc chắn các con sẽ không nỡ bỏ đi. Mà đâu chỉ có lòng cha mẹ. Còn tấm lòng của những người đã đóng góp cho cuộc lạc quyên, tấm lòng của các y sĩ giải phẫu, tấm lòng của xã hội, của khoa học. Các con sẽ ở lại với mẹ, với cha, với cuộc đời, phải không Mai, Phượng" Lạy Chúa lòng lành, lạy Mẹ hằng cứu giúp, xin hãy tiếp sức cho chúng con.  Tay nắm chặt cây thánh giá bằng bạc nhỏ xíu, tôi nhắm mắt lại cầu nguyện.  Đột nhiên tôi có cảm giác như có một làn gió lạ vừa thổi qua làm tôi tỉnh hẳn người.  Quanh tôi, cảnh vật như bừng sáng, ánh sáng xanh của hy vọng, cây thánh giá trong tay tôi mát lạnh như tượng đức Mẹ làm bằng đá cẩm thạch ở trong nhà thờ, một niềm an ủi vô biên làm thần kinh tôi dịu lại, tôi thấy vững tin hơn bao giờ.

Chín giờ sáng, cuộc giải phẫu bắt đầu.  Y tá thỉnh thoảng lại ra báo tin cuộc giải phẫu tiến hành tốt đẹp, và hai đứa bé ở trong tình trạng tốt.  Vào khoảng 4 giờ chiều, một tin làm chấn động mọi người: hai đứa bé đã hoàn toàn được tách rời.  Sau đó là phần việc của các bác sĩ chuyên môn trong việc phân chia các bộ phận và ghép vòng xương chậu.

Đúng 7 giờ tối, cửa phòng giải phẫu mở toang và người ta đem hai đứa bé ra trên hai chiếc băng ca khác nhau.  Chúng tôi đứng bật dậy, chạy tới.  Các con tôi, mắt nhắm nghiền, mặt nhợt nhạt như những xác chết, băng quấn đầy mình, và những dây, những ống cắm chằng chịt, nhưng là hai thân thể đã hoàn toàn tách rời, là hai đứa bé riêng biệt.

Bác sĩ trưởng toán giải phẫu nói với vợ chồng tôi: 

-  Mọi việc đều trôi chảy.  Hai đứa bé hiện đang ở trong tình trạng nguy kịch nhưng ổn định.  Hy vọng rồi sẽ qua và mọi việc sẽ tốt đẹp.

Chúng tôi bắt tay ông và ngỏ lời cám ơn.  Ông mỉm cười và giơ ngón tay cái lên chúc may mắn.  Trán ông lấm tấm mồ hôi, trông ông có vẻ mệt nhọc và hơi phờ phạc nhưng rất vui vẻ.  Ông và toán giải phẫu đã làm việc hơn mười giờ trong tình trạng căng thẳng, dù vậy không ai tỏ ra nóng nảy hay bực bội; mọi người đều tươi cười, họ xúm quanh chúng tôi, thân mật bắt tay, nói những câu an ủi và chúc mọi sự sẽ tốt đẹp.
. . .

Bà Nguyễn kể tới đây thì ngưng lại lau mắt làm mọi người đều cảm động, sau đó bà kết luận:

-  Từ đó đến nay đã hơn bốn năm trôi qua, Mai và Phượng đã đi học lớp mẫu giáo.  Chúng có một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Mai đi hơi lệch vì một chân bị ngắn hơn chân kia, chỉ cần mang một đôi giầy đặc biệt là nó có thể đi lại bình thường.  Còn Phượng thì chỉ có một chân và phải mang chân giả.  Nhưng điều quan trọng là chúng đã sống và có hai cuộc đời riêng biệt, không còn chung chạ.  Đó là một thành công của khoa học.

Người mẹ khiêm tốn kia đã quên không đề cập đến vai trò của hai vợ chồng bà trong việc cứu sống hai đứa bé và sức phấn đấu của con người trước nghịch cảnh.  Khoa học thôi không đủ mà còn cần cả tình thương nữa.  Phải, chỉ có tình thương mới có thể dành được mạng sống của con người giữa biên giới của cõi chết.

 PHƯƠNG  LAN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,268,537
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến