Hôm nay,  

Tiểu Thơ Ở Tù

02/07/200800:00:00(Xem: 352317)
Tác giả: Thanh Mai
Bài số 2341-16208417-vb4020708

Hình bên: Thanh Mai nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài viết “Ép Con Học Hành Quá Sức.” Đây là một hồi ký kể về tấm lòng của người mẹ dành cho một đứa con bệnh tật. Nhân vật chính trong bài viết, em Lộc Trần, nhờ sự chăm sóc của cả gia đình và xã hội, sặc biệt là hệ thống y tế giáo dục tại Mỹ, từ một thiếu niên chậm phát triển và kém thị lực, đã trở thành một nhạc sĩ dương cầm. Nhân dịp theo bố mẹ từ Minnesota về Little Saigon họp mặt Viết Về Nước Mỹ,  em Lộc Trần đã có dịp lên sân khấu biểu diện nhạc phẩm "Turmoil 2" (hay Cơn Hỗn Loạn sồ 2) do chính em sáng tác và rất được tán thưởng.

  Sau đây là bài viết mới viết của Thanh Mai kể chuyện các tiểu thư vượt biên, đi tù và rồi gặp lại trên đất Mỹ.

*

Sau 1975, miền Nam Việt nam bị thua trận. Thế hệ trẻ chúng tôi là con cháu của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều như đàn ong bị vỡ tổ, bay tứ tán. Lớp nào theo gia đình chạy được ra nước ngoài thì còn có tương lai. Số còn lại trong nước đều hoang mang, sợ hãi. Trước mắt chúng tôi, tất cả mọi con đường đều mịt mờ vô định. Học hành lên cao thì không được vì lý lịch, kiếm việc làm thì chỉ có cầu đường, thủy lợi, đạp xích lô, bán chợ trời... hoặc là đi kinh tế mới, đi thanh niên xung phong.

Khắp nơi trong nước các phong trào tổ chức vượt biên, vượt biển dần dần lên cao; đâu đâu thiên hạ cũng lén lút bàn chuyện trốn đi. Bên cạnh đó biết bao câu chuyện đắm tàu con người phải bỏ thân trong bụng cá; biết bao câu chuyện về hải tặc Thái bắt giết, cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ; nhiều, nhiều lắm nhưng cũng không làm chùn lòng những người có ước vọng ra đi tìm tự do, và tìm một tương lai tươi sáng. Người ta nói lúc đó cột đèn biết đi nó cũng bỏ đi mà.

Dì tôi ở Sài gòn móc nối được với người tổ chức vượt biên. Họ bắt mối với người chủ ghe ở Lương sơn nên dự định sẽ cho người ra đi từ bãi biển này. Đa số khách đi chuyến này là dân Sài gòn, cần có một số nơi chuyển tiếp nên nhà tôi được Dì giới thiệu với người tổ chức cho trú tạm vài người. Bù lại hai chị em tôi sẽ được cho đi miễn phí. Chuyến đi này Dì tôi cho cả năm đứa con ra đi. Chồng Dì cũng như Ba tôi trong thời gian đó đều đang ở trong trại học tập cải tạo nên không tham gia.

Chúng tôi bảy chị em ăn mặc như những người dân quê, đứa đội nón lá đứa đội mũ rơm lụp xụp, tay xách giỏ lát đựng ít quần áo và vài món ăn khô theo người dẫn đường đi xe lửa ra Lương sơn. Đây là chuyến tàu chợ nên tới Lương sơn nó dừng lại một lúc rồi mới chạy tiếp. Cả nhóm chúng tôi leo xuống, lếch tha lếch thếch theo người dẫn đường đi qua một cái chợ nhỏ. Lúc đó khoảng tám giờ sáng nên chợ cũng đông người lắm, kẻ mua người bán nhộn nhịp ngược xuôi. Đang đi bỗng dưng có một cô gánh rau đi theo và xáp gần tôi nói nhỏ:

- Đi vượt biên phải không" Lộ rồi! Về đi.

Sao cô ta biết" Có phải cô ta là công an giả dạng hù chúng tôi" Chờ nếu chúng tôi quay lại tức là tự khai tẩy họ sẽ bắt ngay. Mà cũng có thể họ là dân địa phương biết được tin gì nên thương tình báo cho chúng tôi biết mà quay về" Tôi nói nhỏ cho con em họ biết nhưng đầu óc cả bọn như mụ đi, chân cứ bước theo người dẫn đường đi tiếp. Sau này nghĩ lại thấy mình thật dại. Đã được người ta thương báo động mà không biết quyết định dứt khoát quay về để cứ đút đầu vô thòng lọng. Rút kinh nghiệm, hễ đánh hơi thấy nguy hiểm thì không nên nhắm mắt làm liều lao tới.

Đi được một lúc, quanh qua quẹo lại không nhớ nỗi là đi hướng nào nữa, cuối cùng chúng tôi tới một ngôi nhà nhỏ lợp tranh nằm trong một khu vườn vắng vẻ. Họ dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ đó. Từ ngoài sáng vào, đứa nào đứa nấy như mù không thấy gì cả. Họ bảo chúng tôi ngồi đây ráng giữ im lặng chờ đến tối sẽ dẫn ra biển để lên ghe.

Ngồi được ít lâu, chúng tôi mới biết là trong nhà đã chứa sẵn rất nhiều người. Thầm thì hỏi chuyện mới biết nhiều người tới đây chờ từ hai ngày trước. Trời ơi! Ngồi im lặng mới chút xíu đã thấy căng thẳng hồi hợp hết sức mà họ lại ở đây từ lâu! Tôi còn nhớ cảm giác lúc đó, cứ như cá đang nằm trên thớt chờ chết. Không gian như lắng đọng lại. Mọi tiếng động dù nhỏ cách mấy cũng được phóng đại lên, vang dội. Tiếng duỗi chân thì nghe như tiếng gõ mõ, tiếng nuốt nước miếng nghe như tiếng thạch sùng kêu. Thời gian như kéo dài ra vô tận, cho đến một lúc chúng tôi nghe tiếng đập rầm rầm ngoài cửa và tiếng la to:

- Tất cả người trong nhà ngồi im. Bỏ vũ khí xuống.

Thôi rồi! Dao đã chặt xuống thớt. Cả bọn chúng tôi gần ba chục người già có trẻ có đều bị tó hết và bị áp tải về đồn công an của xã. Lúc này hết bị hồi hộp căng thẳng mà thay vào đó là bị khủng bố, đánh đập, hành hạ, tra hỏi. Cũng may mấy chị em chúng tôi là con gái và con nít nên không đứa nào bị đánh mà chỉ bị nạt nộ quát tháo thôi. Họ cứ tra đi tra lại coi ai có mang theo vòng vàng nữ trang để tịch thu. Tôi biết được là có nhiều người bị mất của ở cái ải đầu tiên này lắm. Tối đó, xe bít bùng chở hết chúng tôi từ trạm Lương sơn vào trại giam Trần Phú ở Nha trang.

Về tới đây, sau khi hỏi cung chớp nhoáng, nam nữ được phân ra. Tôi cùng hai con em họ và một số đàn bà con gái cùng nhóm được dẫn vào phòng giam nữ. Căn phòng nhỏ và chật kín người. Không khí đầy ngập mùi mồ hôi và mùi khai ngây ngấy rất khó chịu. Chúng tôi là lính mới nên bị xếp nằm gần phòng vệ sinh, mùi khai càng nồng nặc hơn.

Tôi rất mệt, nhưng buồn và lo nên cả đêm thao thức không làm sao ngủ được. Chỉ cách nhau một bức tường và một hàng rào kẽm gai, mà ngoài kia là một không gian khoáng đãng với biển, với không khí thơm lành, với những người thức khuya đang dạo biển cười nói nhởn nhơ. Họ có bao giờ biết đến rất gần với họ, cùng một thời gian nhưng không gian hoàn toàn khác hẳn - một đám người bất hạnh đang nằm xếp lớp như cá mòi hít thở cái mùi ngột ngạt khai ngấy này chăng" Đúng là sai một ly đi một dặm. Tôi đã vì không tính toán quay lại đúng lúc nên đã từ tầng đầu địa ngục rơi xuống một tầng nữa, sâu hơn. Thật là ngu!

Sáng ngày, lại hỏi cung. Khai tới khai lui cũng mấy chuyện biết ai là người tổ chức, ai chứa chấp, ai còn giấu của phải giao nộp. Tụi tôi đâu biết gì mà khai.

Cả ngày trừ lúc hỏi cung và ra ngoài tắm giặt mười lăm phút, còn thì cả đám tù nữ chúng tôi khoảng năm chục người bị nhốt hết trong căn phòng nhỏ chật chội đó. Tất cả cửa sổ bị cài chặt, không được nhìn ra ngoài. Đa số bị bắt vì tội vượt biên, chỉ có một số ít là tội hình sự, chính trị. Có nhiều cô ở đây hơn hai ba tháng rồi mà vẫn chưa biết được số phận sẽ ra sao.

Hai bữa cơm trưa, cơm chiều được cung cấp vào tận phòng và dĩ nhiên là đồ ăn tù thì làm sao nuốt trôi. Mấy ngày đầu, chị em tôi ăn không vô. Ráng ăn giữ sức nhưng chỉ ăn được một nửa, phần còn dư có A Giang, một cô nàng bự con người Tàu Chợ lớn thầu hết. A Giang ăn khỏe lắm. Cô nàng bị bắt vì tội vượt biển và vào đây trước chúng tôi một tháng. Nó nói tiếng Việt lơ lớ, thân thiện và tự nhiên với tất cả mọi người nên ai cũng mến nó.


Mỗi chiều đều có họp phòng. Trưởng phòng tóm tắt sinh hoạt, nội qui rồi báo cáo sơ qua về sự việc xảy ra trong phòng ngày hôm đó như có ai mới gia nhập, ai mới được tha. Rồi thì nửa tiếng đọc báo cho bà con biết tin tức. Tôi nhìn cô nàng trưởng phòng mà liên tưởng đến Trưng Trắc hoặc Trưng Nhị vì có một cái gì đó rất uy nghi và oai hùng trong dáng vẻ của cô ta. Mặt cô nàng rất đẹp - mũi cao, cằm chẻ, miệng trái tim, và đôi mắt to với một tia nhìn mạnh mẽ, cứng rắn; dáng người cũng hết ý - một dáng đẹp khỏe mạnh, sport chứ không ẻo lả thướt tha. Cô nàng ăn nói gãy gọn, đanh thép. Tôi nghĩ con nhỏ này ngoài đời chắc là nữ chúa một đảng cướp nào đó nên mới làm trưởng phòng có uy điều khiển đủ mọi loại tội phạm như thế này. Người đẹp như vậy mà làm nữ tướng cướp thì uổng quá. Nếu sinh nhằm thời xưa thì chắc phải là nữ tướng chứ chẳng chơi. Cô nhỏ trưởng phòng này tên Thu Thủy, sau này là bạn thân của tôi. Hóa ra nó cũng là dân Nha trang, nhỏ hơn tôi hai tuổi, và bị bắt tội vượt biên.
Ở trại giam Trần Phú được vài ngày thì ba đứa em họ nhỏ của tôi được thả vì còn nhỏ. Còn tôi và thằng Bảo em ruột, cùng hai chị em bạn dì Bội Trà và Dũng thì bị chuyển đi trại giam A30 Tuy Hòa gần một tháng sau. Cùng bị chuyển đi có khoảng ba chục tù cả nam lẫn nữ, trong đó có Thu Thủy nhỏ trưởng phòng và A Giang.

Ba tôi bị đi cải tạo ở trại A30 từ năm 75 nên chúng tôi vừa xuống xe là có Ba đứng chen lẫn trong đám tù đứng nhìn bên vệ đường. Lợi dụng lúc mấy người công an không để ý, Ba nhờ mấy chú lén lút chuyển cho chị em chúng tôi một lon guigoz đựng thức ăn nấu sẵn. Ba làm trong đội mộc nên đi lại có hơi thoải mái. Sau này Ba thường xuyên tiếp tế củi cũng như thức ăn để chúng tôi ăn thêm đỡ đói.

Bọn con gái chúng tôi khoảng hơn chục người được chuyển về phòng giam nữ. Phòng này dài và thoáng hơn phòng giam nữ ở Trần Phú nhiều. Vách phòng đan bằng lá, dọc hai bên vách là những cái phảng bằng tre nứa, bên trên là kệ để đựng giỏ đồ. Mỗi người được phát một cái chiếu đơn, trải sát nhau để ngủ. Mùng mền tự túc, ai không có mùng thì muỗi cắn ráng chịu. Chúng tôi được Dì thăm nuôi hồi ở trại giam Trần Phú nên có sẵn mùng mền. Tôi và con em họ Bội Trà dùng chung.

Phòng giam nữ này tính luôn đám mới chúng tôi tổng số hơn bảy chục người, cũng đủ loại tội vượt biên, hình sự, nữ quân nhân, và chính trị. À, có thêm mấy người nữ tu nữa chứ.

Ngay hôm đầu tiên, chúng tôi đã bị "đại bàng" của phòng là con Lý hăm dọa:

- Tụi mày mà không nghe lời tao là tối ngủ tao đổ nước sôi vô tai!

Mấy người tù trước thì thầm cho chúng tôi biết:

- Có đồ ăn mà không chia cho nó là nó đổ chì nóng vô tai luôn chứ không phải đổ nước sôi đâu.

Trời ơi, nghe mà hết hồn. Nhìn mặt nó đã thấy ớn rồi, tóc tai thì xù ra như cái tổ quạ, mắt to đen hoang dã, môi thâm xì, tướng tá thì như con beo cái. Con Lý này nguyên là trẻ mồ côi, lớn lên đi ở đợ giữ em cho người ta. Nghe nói vì muốn cướp sợi dây chuyền của đứa nhỏ nên nó bực mình quăng em bé xuống giếng chết ngắt và bị xử ở tù chung thân. Có một lần sau này tôi chính mắt thấy nó bực con chó tới chôm đồ ăn, cầm con dao nhọn phóng con chó. May sao con dao chỉ sợt sát cạnh con chó nên cắm cái phụp xuống đất thấy mà rợn da gà. Thế mới thấy cái tánh man dã hung dữ của nó. Hồi xưa nó còn man di mọi rợ nhiều hơn nữa kìa, nhờ đám tù vượt biên vào bày cho nó chải đầu, cột tóc và cho quần cho áo nên lúc tụi tôi mới vào trại tướng tá hung dữ của nó mười phần chỉ còn có tám thôi đó.

Vậy mà con Lý lại làm tổ phó trật tự của đội nữ. Nó chơi ác phân chỗ ngủ chị em tôi nằm sát với nó nữa chứ. Tối đó ngủ mà cứ chập chờn thức đề phòng lỡ nó khùng lên lấy nước sôi đổ vào lỗ tai thì tiêu tán đường.

Sáng sớm mới năm giờ đã có kẻng báo thức. Cửa phòng được mở ra để tù ra sân làm vệ sinh rửa mặt đánh răng. Được ra khỏi phòng hít thở không khí trong lành đỡ hơn bị giam trong phòng kín như hồi ở trại giam Trần Phú nhiều. Đám tù nữ đã được phân công sẵn, hai người trực phòng phải đi gánh nước, hai người khác đi gánh đồ ăn trưa về phân ra cho mỗi người để ăn lúc đi lao động, và hai người khác phải gánh hai thùng phân đi đổ. Bọn chúng tôi trước giờ đâu bao giờ đụng đến quang gánh, cả tuần đầu tiên phải lót khăn trên vai, gánh nặng không nỗi đi liểng xiểng thảm lắm.

Mỗi ngày từ sáng sớm đến chạng vạng tối, đội nữ phải ra đồng làm việc. Cấy lúa, nhổ cỏ lúa, cuốc đất, trồng rau đủ cả. Vì đội đông người nên chia làm mấy tổ nhỏ mỗi tổ cỡ chục người để dễ quản lý. Thu Thủy trưởng phòng ở trại giam Trần Phú, Bội Trà em họ của tôi, và tôi được phân chung một tổ, chị Mai nguyên ngoài đời là ma-sơ làm tổ trưởng.

Đội nữ có hai nữ công an canh giữ mỗi khi đi lao động. Một người là cán bộ Cơ và người kia là cán bộ Phẳng. Cán bộ Cơ không đến nỗi hung dữ lắm, ngược lại cán bộ Phẳng chỉ nhìn sơ mặt đã thấy gian ác rồi. Mắt bà ta trắng dã, môi mỏng và giọng nói the thé nghe chua nhu giấm. Bà cán bộ này không biết tại sao rất ghét bọn tiểu thơ chúng tôi, cứ bắt tổ chúng tôi cấy lúa ở những chỗ ruộng sâu nhất, có nhiều chỗ bùn sình cao lên tận thắt lưng. Đến lúc giải lao mười phút nhiều khi không cho chúng tôi nghỉ nữa.

Đi cấy lúa thì phải bị đỉa hút máu rồi. Đang lom khom cấy lúa thấy chân ngưa ngứa, giơ cẳng lên coi thì thấy có mấy con đỉa đen thui bám vào, cô nào cũng hết hồn la chói lói. Không ai dám thò tay bắt ra cả, phải chờ một hai chị ở lâu và dạn dĩ tới bắt dùm. Chẳng lẽ cứ phải nhờ vả người ta hoài, nên mấy ngày sau tôi học được cách bắt đỉa và từ đó không những tự bắt cho mình mà còn bắt cho mấy người bạn trong tổ nữa. Khi bị đỉa cắn, nhổ nước miếng và bôi vào hai đầu chỗ con đỉa hút máu, nắm cái mình của nó giật mạnh là nó sút ra liền.

Con gái sợ đỉa là chuyện thường, đàn ông con trai cũng sợ đỉa nữa kìa. Đang làm, nghe tiếng mấy ông con trai bất thần rú lên và cong cẳng nhảy tưng tưng ở ruộng bên cạnh ai cũng mắc cười. Có người sợ quá té bệch ngồi xuống sình, giơ hai cẳng lên trời, tếu không chịu được.

Nhiều hôm, chúng tôi thấy hai thằng em ở ruộng bên cạnh đang còng lưng è cổ kéo cày thế trâu, thảm và tội quá. Chắc tụi nó thấy hai bà chị đang lội lõm bõm trong bùn mà cũng xót thương cho chúng tôi.

Hai đứa em trai sau này được Ba tôi xin vào làm chung đội mộc. Hai đứa ở tù tám tháng thì được tha về.

Làm lao động được cỡ hai tuần thì ông bang trưởng của trại (danh xưng của tù nhân gọi trại trưởng, xếp của các giám thị trại) kêu vài người trong nhóm nữ mới tới vào đội văn nghệ trại, trong đó có Thu Thủy và tôi. Thu Thủy xinh đẹp được tuyển thì có lý, còn tôi lúc đó ốm nhom ốm nhách như con cò ma, kêu làm chi cho tôi bị rắc rối, vì Ba tôi khi nghe tin ấy đã nhờ người truyền lịnh xuống con gái:

- Con của sĩ quan quân lực Việt nam cộng hòa, không được lên sân khấu múa may cho V.C coi.

Tôi nghĩ Ba tôi lấy cớ về chính trị chỉ là một phần thôi, vấn đề chính là ông rất khó tính đối với con cháu trong nhà, không muốn con gái ra sân khấu ca hát cho đàn ông con trai xem. Hồi còn đi học, mấy con bạn của tôi tới chơi nghịch mấy ông cũng cười tươi đón tiếp tụi nó. Còn tên bạn trai nào tới nhà chơi là ông đổi thái độ ngay, mặt lạnh như băng giá chàng nào cũng khiếp. Nghĩ thì thế nhưng Ba nói phải nghe lời. Tôi "tuân lịnh" Ba từ chối không vào đội văn nghệ.

Không ngờ nhỏ Thu Thủy bỗng đứng về phía tôi, cũng từ chối theo. Thế là hai đứa bị kêu lên viết bảng kiểm điểm, bị cùm cẳng một ngày rồi bắt đi xay lúa. Từ lúc đó, Thu Thủy và tôi thân nhau. Cô nàng khỏe hơn tôi nên thường hay làm đỡ những việc nặng dùm tôi. Càng quen với Thủy tôi càng thương và thích vì tính tình nó rất dễ thương, và rất thẳng thắn. Tôi kêu Thủy là Rô bô, còn nó kêu tôi là Xì ke hoặc Xi cà que.

(còn tiếp một kỳ)

THANH MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến