Hôm nay,  

Viết Thay Cho Ba Mẹ

13/06/200800:00:00(Xem: 356469)
Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2324-16208301-vb6130608

Tác giả đã hai lần nhận giải thưởng viết về nước Mỹ: Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose.

Sau đây là bài mới nhất của cô, viết cho mùa Father’s Day và ngày quân lực 19-6.

Thời nhỏ dại, mỗi lần đi tắm biển hay tắm hồ bơi mà có Ba đi cùng, bao giờ Ba cũng bắt chúng tôi chià hai bàn tay ra để xem xét những đầu ngón tay. Nếu những đầu ngón tay của chúng tôi nhăn lại, đó là dấu hiệu ngâm nước một thời gian dài, có thể đã bị lạnh, chúng tôi phải rời khỏi mặt nước và về nhà. Một vài lần như vậy, không được bơi lội dưới nước lâu như ý muốn, chúng tôi khôn hơn, nếu không bơi, đứng yên một chỗ trong nước biển, nước sông, hay nước hồ, bao giờ chúng tôi cũng giơ hai tay lên khỏi mặt nước để tránh những đầu ngón tay bị nhăn. Kiểu tắm này được anh cả của chúng tôi gọi là "tắm đầu hàng". Khi kiểu "khôn lỏi" này đến tai Ba Mẹ, chúng tôi đã phải bỏ kiểu tắm giơ hai tay lên khỏi đầu. Còn nhớ Ba đã dạy chúng tôi:

- Không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn. Ba không muốn trong tự điển của các con có chữ "đầu hàng".

Tháng 4 năm 1975, vì nhiều nguyên nhân, vì vận nước, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam VN, chỉ ngồi ở ghế lãnh đạo cao nhất của đất nước vài ngày, kêu gọi QLVNCH "bỏ súng". Lệnh "bỏ súng bàn giao" với một người lính hinh như đồng nghiã với "đầu hàng". Chắc là không ai muốn vậy, nhưng quân đội là nơi kỷ luật được đặt cao nhất, nên những người lính năm xưa đã "bỏ súng" dù trong lòng đầy chua xót, uất ức.

Vì nhiều hệ lụy, Ba cũng như cả ngàn đồng đội của mình bị lừa, từ một tháng đến cả một thập niên bị lao động khổ sai, sống dưới mức sống tối thiểu của con người., chừng như còn thê thảm hơn mức sống được mô tả bằng kinh nghiệm sống của chính tác giả trong "Tầng đầu địa ngục" của nhà văn người Nga đọat giải văn chương Nobel năm 1970 Alexander Solzhenitsyn .

 Trước ngày vào trình diện ở trường Don Bosco (tôi không biết chính xác trường này ở quận nào của Saigon và cũng không chắc mình viềt tên trường có đúng không vì lúc đó chúng tôi còn qúa nhỏ), Ba tập họp chúng tôi (đoàn quân cuối cùng Ba còn được chỉ huy) giao nhiệm vụ trong một tháng Ba vắng nhà. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ dại, đứa lớn nhất vẫn ở ngưỡng cửa Trung học, đứa nhỏ nhất vừa đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng chúng tôi có linh tính trước những đổi thay rất lớn, chăm chú nghe khẩu lệnh của Ba, Chúng tôi đứng hàng ngang ngay ngắn và nghiêm nghị, giống như hình ảnh trong một câu thơ của Trần Tế Xương "Bốn con làm lính, Bố làm quan"

Ba dặn dò chúng tôi phải thương yêu nhau nhiều hơn, tuyệt đối vâng lời Mẹ, bà nội, ông bà ngoại, phải suy nghĩ kỹ càng trước khi làm điều gì.

Ba muơi ngày trôi qua, rồi một trăm ngày, một ngàn ngày, rồi ba ngàn ngày, Ba vẫn ở xa nhà, mỏi mòn trong một xó xỉnh đen tối nào đó , bao quanh bởi núi rừng, bởi những cánh đồng trồng sắn khoai có những gốc được vun bón bằng chính thân xác của những người tù khổ sai không có án.

Đến khi nhận được thư đầu tiên Ba gởi về từ một địa chỉ "hòm thư" có dấu bưu điện của miền Bắc XHCN thì dù còn thơ dại, chúng tôi cũng biết chắc chắn mình sẽ phải sống không có Ba trong một thời gian rất dài không phải tính bằng ngày, tuần hay tháng, mà tính bằng năm.

Thư Ba gởi về theo đúng như khuôn mẫu "one of a kind", nội dung giống hệt nhau của các trại giam tù chính trị, chỉ khác nhau ngày tháng, và chỉ có tác dụng giúp Mẹ và chúng tôi nhận ra nét chữ của Ba vẫn còn cứng cỏi để biết Ba vẫn khỏe. Thư nào Ba cũng kín đáo nhắn nhủ Mẹ gởi chúng tôi ra ngoại quốc để chúng tôi có cơ hội được học hành thành người. Trong cơn bão lốc lớn nhất của đất nước và của gia đình, chúng tôi trưởng thành nhanh chóng, có một khuôn mặt trẻ thơ với cái đầu của một người đã trải qua nửa cuộc đời. Duy có mỗi cậu em út, chưa đến mười tuổi lúc đi thăm Ba ở trại Nam Hà miền Bắc, lần đầu tiên gặp lại Ba với cái đầu bạc trắng ở mấp mé tuổi 50, đã buộc miệng tương tự như đứa bé trong bài thơ về vợ chàng Trương trong điển tích ngày xưa của vua Lê Thánh Tôn:

- Đâu phải Ba, người này già hơn Ba nhiều!

Mẹ thương Ba nên tay xách nách mang, chịu nhiều gian khổ từ tinh thần đến vật chất mua đủ thứ dồ thăm nuôi bởi xách cho Ba mặc dù Ba chẳng bao giờ đòi hỏi vì Ba vốn sống giản dị, không hút thuốc, không uống rượu và luôn luôn "ăn để sống", chưa bao giờ "sống để ăn". Có lẽ nhờ vậy nên mãi đến bây giờ đã qua tuổi "thất thập cổ lai hy", với qúa khứ mười năm gian khổ trong lao tù cải tạo từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Trung, Ba vẫn khỏe mạnh hơn hẳn so với những người cùng trang lứa.

Chúng tôi không được may mắn ở gần Ba nhiều, không được nghe Ba dạy dỗ hàng ngày trong suốt thời niên thiếu, nhưng bằng lối sống mẫu mực của Ba, bằng sự hy sinh và chịu đựng của Ba Mẹ trong nhiều năm tháng chúng tôi biết con đường mình phải đi, để làm vui lòng Ba Mẹ.

Đầu thập niên 90 lúc Ba Mẹ được phái đoàn Mỹ ở Saigon mời lên phỏng vấn theo diện HO thì chúng tôi đã học hành xong xuôi và ổn định cuộc sống ở quê hương thứ hai, nên Ba Mẹ chỉ qua Mỹ chơi, không nghĩ đến chuyện định cư hẳn.

Qua cách tiếp đón Ba Mẹ của những người bạn cùng thời, từ hồi Ba Mẹ còn đi học hay lúc đã đi làm, chúng tôi hiểu thêm nhiều về Ba Mẹ, mặc dù Ba Mẹ không kể nhiều về những ngày còn trẻ của chính mình.

Khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi, thời gian Ba Mẹ ở chơi với mỗi chúng tôi không được lâu, vì bạn bè của Ba Mẹ ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ đã bay về nhà chúng tôi thăm Ba Mẹ hay mua vé máy bay cho Ba qua thăm họ ở nhiều tiểu bang khác nhau. Ở một xứ sở rộng lớn và bận rộn như ở Mỹ mà tình bạn từ nhiều thập niên trước, có khi cả nửa thế kỷ trước vẫn được trân trọng thì hẳn là Ba Mẹ phải sống rất được lòng người khác.

Tình cờ đâu đó ở Mỹ, trong những hồi ký của những người cùng thời với Ba, chúng tôi đọc được những giòng nhắc đến Ba, từ những ngày Ba làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm trong quân ngũ, đến những ngày bị đọa đày trong" lao tù cải tạo" từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vô Trung, chúng tôi càng hiểu nhiều về sự hy sinh vô bờ bến của Ba và Mẹ.

Ba được về thăm lại quê hương miền Bắc lần đầu kể từ chuyến di cư vào Nam năm 1954 không phải bằng máy bay, không phải bằng xe, mà là chuyến tàu Sông Hương (hình như đó là con tàu Việt Nam Thương Tín đưa cả trăm người từ Mỹ về lại VN rồi vào thẳng trong trại cải tạo sau này được đổi tên thành tàu Sông Hương và đưa các cựu Sĩ Quan QLVNCH ra Bắc đến những trại tù ở mạn ngược) đưa Ba cùng hàng ngàn Sĩ quan QLVNCH đặt chân trên cảng Hải Phòng của miền Bắc XHCN. Có lẽ chưa bao giờ, kể cả trong những giấc mơ, Ba và nhiều người Bắc di cư năm 1954 tưởng tượng được mình được "quy cố hương" tập thể trong cái còng tay số 8 với thân phận của những người tù.

Còn bi thảm hơn nữa, khi đoàn tàu lửa chở súc vật chở những cựu Sĩ Quan QLVNCH rời cảng Hải Phòng để xuôi về miền rừng thiêng nước độc của mạn ngược, những trại tù ở Nam Hà, Sơn La, Vĩnh Phú...,. họ còn bị những trận mưa sỏi đá do đồng bào miền Bắc phải làm theo chỉ thị của chính quyền địa phương thời đó, ném vào qua cửa sổ những toa tàu, rất là tương phản với trận mưa bánh kẹo, tự phát từ tấm lòng của những người dân miền Nam, ào ạt đổ lên qua khung cửa sổ của những toa tầu chỉ mở hé (để khối người trên tầu khỏi bị ngợp thở) mỗi khi đoàn tàu lửa Thống Nhất chở họ xuôi Nam , ngừng lại ở những ga nhỏ từ Huế vào đến Long Khánh. Những đau xót vật chất lẫn tinh thần từ sỏi đá ở miền Bắc hay những an ủi ngọt bùi từ bánh kẹo ở miền Nam chưa bao giờ Ba kể lại với chúng tôi nhưng chúng tôi biết được qua những hồi ký của những cựu Sĩ Quan QLVNCH phải trải qua những ngày cuối đời ở đất khách quê người. Mãi về sau này chúng tôi mới biết được điều đó, và càng thương Ba vô bờ. Ấy vậy mà điều đó ám ảnh tôi đến nỗi, có lần đi xe lửa ở Mỹ, trên ghế ngồi của toa tàu sạch sẽ, thoáng mát tri tưởng tượng làm tôi nghe vang vang tiếng chát chúa của sỏi đá chạm vào thành toa của chuyến tàu Thống Nhất năm xưa đưa Ba và những cựu Sĩ quan cấp tá cảa QLVNCH vào một giai đoạn đen tối nhất của đời người.

Là một người suốt đời chỉ làm lính, kỷ luật và tác phong quân đội ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống cá nhân của Ba và của cả chúng tôi, tất cả mọi thứ đều phải ngay hàng thẳng lối , ngăn nắp, tinh tươm, Nên mãi cho đến bây giờ ở Mỹ, nhiều người đến chơi nhà cửa chúng tôi, cứ nghĩ là chúng tôi chuẩn bị "open house" khi thấy mọi thứ đều sáng bóng, ngay hàng thẳng lối như một hàng quân. Chúng tôi học được điều đó từ tác phong quân đội của Ba. Suốt đời Ba chỉ làm lính, chưa làm một nghề nào khác, nên tác phong đó theo Ba suốt cuộc đời.

Ngày đính hôn của Ba Mẹ từ cả nửa thế kỷ qua, đã sắp xếp trước nhưng giờ chót có thay đổi đột ngột, Ba không về được, nên ngày Bà Nội bưng trầu cau sang nhà Ông Bà Ngoại hỏi Mẹ cho Ba không có chú rể. Mười ngày sau, đơn vị của Ba hành quân ngang Huế, Ông Ngoại dẫn Mẹ ra Quốc lộ I ở Huế chờ đoàn xe Ba đi qua, xe ngừng, Ba Mẹ chỉ nói chuyện được mười phút với ...... sự hiện diện của Ông Ngoại và cả một đoàn lính ngồi nhìn xuống từ xe GMC , mặc dù lúc đó Ba Mẹ đều đã có đeo nhẫn đính hôn ở ngón tay áp út. Điều đó gây một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng chúng tôi, đến nỗi ngay cả những tháng ngày sống một mình ở các trại tỵ nạn ở tuổi hai mươi, mỗi lần đi dạo bờ biển Pulau Bidong, Malaysia hay những con đường tráng nhựa dưới ánh trăng ở Bataan, Philippine với người bạn thân, tôi vẫn tưởng tượng có Ba đang đi bên cạnh để tự giữ "thân gái dậm trường". Hay sau này ở Mỹ, đứng trước biển Malibu lúc mặt trời lặn hay ngồi bên bờ hồ nhân tạo ở khuôn viên trường Đại hoc MIT rất thơ mộng một mình với anh bạn rất thân, chúng tôi vẫn chưa bao giờ vượt qua bức tường lễ giáo. Vì hình ảnh ông ngoại năm xưa dẫn mẹ ra Quốc lộ 1 ở Huế đón Ba sau khi Ba Mẹ đã đính hôn vẫn luôn rõ nét trong trí tưởng tượng của tôi. Và tôi vẫn nhớ lời Ba phải suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, vì không ai có thể quay ngược lại bánh xe thời gian để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Có lẽ Ba Mẹ, nhất là Ba không có cơ hội ở gần chúng tôi dạy dỗ chúng tôi nhiều điều như những ông bố bà mẹ may mắn khác, cho nên những điều Ba Mẹ dạy chúng tôi như một tảng bê tông cốt sắt bám dính vào trí tưởng của chúng tôi giữ chúng tôi đi trên đường ngay nẻo thẳng.

Ngày Ba Mẹ qua thăm chúng tôi, Ba Mẹ có cơ hội đến thăm những người bạn xưa, chúng tôi tất bật với nợ áo cơm, với những lo toan ở một đất nước mà tốc độ sống nhanh tưởng chừng như bằng với tốc độ của ánh sáng, chúng tôi không được dịp theo chân Ba Mẹ trên những chuyến bay khắp nước Mỹ. Nhưng một lần nữa chúng tôi thấy và học được từ hình ảnh Ba với người bạn đồng ngũ thân nhất ở Pennsylvania lúc đó, vẫn sát cánh bên nhau dưới màu áo lam trong ngôi chùa do Bác đổ nhiều công sức tạo dựng , giống như một thời xa xưa, Ba với Bác vẫn làm việc cùng nhau rất trung thực trong màu áo ô liu của quân đội. Thật ra, bây giờ, trong những ngày cuối thu, dầu dông, của cuộc đời, Bác và Ba vẫn là một "team work" rất tâm đắc, như ngày nào. Thời xa xưa "team work" đó chỉ quanh quẩn trong một góc phòng của Bộ Tổng Tham mưu hay đôi khi ở khắp bốn vùng chiến thuật, những năm gần đây, "team work" trải dài từ Mỹ đến Việt Nam, trong công cuộc từ thiện, giúp những người tàn tật, khốn khó. Bác qua Mỹ từ 1975, làm Công chức suốt 30 năm, có lương hưu từ qũy an sinh xã hội của Mỹ, nên "giàu" hơn Ba nhiều. Nghiệp nặng hơn, Ba ỏ lại, cả đời không hại ai, không làm gì sai trái mà vẫn phải sống đời tù không có án cả thập niên, đến tuổi già chỉ còn trông cậy vào các con đúng như nghiã của câu thành ngữ Việt Nam "già cậy con".

Cuộc đời rẽ ra hai hướng từ tháng 4 năm 1975, vậy mà tình bạn, tình đồng ngũ vẫn còn nguyên, không sứt mẻ. Hai người lính trẻ ngày xưa, hai Sỉ Quan QLVNCH trung niên thủa nào, đến tuổi hoàng hôn của cuộc đời vẫn còn đầy đủ tình "huynh đệ chi binh", vẫn sống giản dị, vẫn giữ kỷ luật với chính bản thân, và vẫn ngăn nắp sạch sẽ như dạo còn là một sinh viên sĩ quan ở quân trường. Không gặp nhau thường xuyên, nhưng Bác và Ba vẫn rất tâm đằc trong những việc làm từ thiện, Bác góp của nhiều hơn nhờ tiền hưu trí mỗi năm từ qũy an sinh xã hội của Mỹ. Ba không có được một ngân khoản nào ngoài sự tài trợ của các con, nên góp công nhiều hơn của.

Nhưng cả hai người lính già cùng mãn nguyện, cùng vui; niềm vui đôi khi còn lớn hơn cả niềm vui của những người kém may mắn được nhận những khoản trợ cấp đột ngột , bất ngờ mà tên ân nhân luôn luôn được giữ kín.

Gương sáng đó dạy cho thế hệ chúng tôi biết nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ đến những nhu cầu xa hoa của chính mình, và biết "thi ân bất cầu báo" như những người bán hàng rong dọc theo các ga nhỏ năm nào đã đổ cả thúng hàng, cả một vốn liếng đáng kể đối với họ, để tặng những người "tù cải tạo", vẫn bị đói triền miên, đang chuyển trại từ miền Bắc về lại miền Nam (Sau này, có dịp về VN, chúng tôi vẫn chọn đi xe lửa, để mua hết những thúng mía ghim, bánh tráng, kẹo mè xửng... của những người bán rong dọc theo các ga nhỏ; chỉ mong được thay Ba trả lại phần nào những ân tình hiếm qúy năm xưa.)

Lần đưa Ba Mẹ vào những tiệm sách nổi tiềng của Mỹ như Barnes... Noble hay Borders, Ba chỉ quanh quẩn ở quầy sách về chiến tranh Việt Nam, Ba có thể đọc hàng giờ không chán, chốc chốc lại nhìn qua khung cửa sổ bằng kính dày của tiệm sách. Quang cảnh dưới đường phố vẫn tấp nập, một đường phố bình an, tự do, giầu có của Mỹ , nhưng trong mắt Ba hình như là hình ảnh đất nước Việt Nam với bom đạn năm xưa bỗng dưng sống dậy từ những trang sách. Hình như Ba đang chìm về một quá khứ nào đó, có một thời tuổi trẻ của Ba Mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi như công nghiệp của cả một thế hệ cùng thời.

Cũng ở quầy sách đó, Ba đã may mắn được "tha hương ngộ cố tri", có dịp nói chuyện với ông Larry, một ông cụ người Mỹ đã có một thời làm cố vấn cho quân đội miền Nam, và có một thời học ở trường Bộ binh Fort Benning ở Georgia như Ba từ thập niên 60. Hai người lính già, hai mái tóc bồng bềnh ngày còn son trẻ một màu đen, một màu brunette, bây giờ cùng thưa thớt và bạc trắng phau như nhau. Cũng giông như vào đầu mùa đông, tuyết phủ trắng khắp mọi nơi, dù là đất loại nào, màu gì, cũng đều mang một màu trắng như nhau mỗi độ đông về. Những nếp nhăn trên khoé mắt của cả Ba lẫn ông Larry không phải còn là vết chân chim sẻ mà là vết chân của chim đại bàng.

Mỗi một nếp nhăn phải chăng là một kinh nghiệm máu xương, là một tấc thảm đỏ cho thế hệ con cháu an nhiên tự tại bước lên"

Hai ông cụ già hai màu da khác nhau, ở hai lục địa khác nhau mà vẫn tương đắc như tri kỷ khi nhắc đến quá khứ trong quân đội.

Dòng đời đã lướt qua từ gần nửa thế kỷ ,nhưng người lính năm xưa dù "gối đã mỏi, chân đã chồn", đã đi gần hết vòng tròn sinh tử, nhưng nhắc đến thời son trẻ, mắt họ vẫn sáng rực lên đầy tự hào về một thời đã làm hết bổn phận của mình, mặc dù đã không toại nguyện giống như một câu hát của Mỹ "I did my best but it is not good enough ...."

Lần tới, Ba qua Mỹ chơi, tôi tự hứa sẽ cố gắng đưa Ba đến tiệm sách của trường Harvard, nơi có cả một phòng sách về chiến tranh Việt Nam, dưới mắt của nhiều tác giả, nhiều khuynh hướng khác nhau. Có lẽ đọc những trang sách đó, Ba và những người lính già như Bác, như ông Larry đỡ cảm thấy ray rức hơn.

Những năm gần đây, mỗi lần có một người bạn của Ba về với hạc nội mây ngàn, theo yêu cầu của Ba, chúng tôi gởi vòng hoa phúng điếu đến tang quyến ở rải rác khắp nước Mỹ qua hệ thống gởi hoa trên internet. Mỗi lần gởi hoa như vậy. trong lòng vẫn có một chút xót xa khi nghĩ đến vòng tròn sinh tử nhiều người cùng thời với Ba Mẹ đã đi hết, thời gian chúng tôi còn được ở gần Ba Mẹ sẽ thu ngắn dần, ngắn dần.

Vài năm sau nầy, Ba cũng viết hồi ký, không phải để phổ biến đến công chúng mà chỉ in ra vài quyển để phân phát cho chúng tôi "đoàn quân cuối cùng" trong đời binh nghiệp của Ba, một đoàn quân không bao giờ đầu hàng trước mọi nghịch cảnh như lời Ba dạy lúc còn thơ dại. Nhờ vậy mà chúng tôi biết được thêm nhiều điều, biết được thế hệ cha anh của mình đã chịu nhiều gian khổ để ngày hôm nay chúng tôi được thênh thang sống dưới bầu trời tự do.

Mỗi dịp Father's Day hay Mother's Day chúng tôi vẫn lúng túng không biết phải làm gì để Ba Mẹ vui hơn trong hai ngày đặc biệt đó, vì Ba Mẹ không cần gì hết, không còn tha thiết nhiều đến vật chất. Mà những món quà tinh thần thì hơn ai hết, chúng tôi biết mình phải nỗ lực nhiều, nhiều hơn nữa vẫn chưa đền bù được tất cả sự hy sinh, nhọc nhằn của Ba Mẹ trong một khoảng thời gian dài hơn cả cuộc đời của chúng tôi.

Dù chúng ta có giỏi đến đâu, dù chúng ta có thành công đến đâu, chắc chắn chúng ta vẫn nhỏ bé dưới công ơn của núi Thái Sơn, của nước từ nguồn. Và suốt đời chúng ta vẫn cần bóng mát của núi, vẫn cần mạch nước nguồn ngon ngọt đã chở che, vỗ về chúng ta cả một thời nhỏ dại. Không có công ơn cha mẹ, không một ai lớn nổi thành người.....

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Với lòng biết ơn Ba Mẹ của 5H. Viết dịp Father's Day 08 và ngày 19 tháng 6. Xin kính cảm ơn bác Định, chú Tấn, bác Lai về một vài tư liệu trong bài)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến