Bài số 2322-16208299-vb3100608
Tác giả đã góp bài viết về nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu và hiện là cư dân Riverside, Nam California. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông, nhân mùa Father’s Day đang tới.
Đã lâu tôi muốn viết một bài về Ba, nhưng cứ mỗi lần đặt bút xuống, lại thẩn thờ, bồi hồi, ngại ngùng không có can đảm. Chỉ nghĩ về Ba thôi là một cái gì đã dâng lên cổ nghẹn ngào, hai giọt nước mắt trào ra nóng hổi, bất cứ là đang ở đâu, lúc nào, và làm gì, lái xe, đọc sách, hay đang nói phone...
Ba mất năm tôi mới 20 tuổi, sinh viên Đại học sư phạm mới năm thứ nhì ở Huế, chưa kịp làm ra đồng nào để đền ơn báo đáp Ba, cho Ba được nghỉ ngơi, an nhàn sung sướng một ngày nào. Trong khi bên này nhiều người cha tuổi thọ bảy tám mươi tuổi, có con cái làm bác sĩ, nha sĩ ân cần đón đưa trên những chiếc xe Lexus lộng lẫy, ở trong những ngôi nhà lầu cao ngói đỏ nguy nga đồ sộ, phụng dưỡng ăn uống miếng ngon vật lạ, đi du lịch đó đây. Ba chưa hề có may mắn đó. Ba chết quá sớm, mới 46 tuổi, để lại Má và một bày con 9 đứa mà tôi là chim đầu đàn ở xa, không có mặt khi ba hấp hối. Suốt đời ba chỉ là một nhà giáo nghèo, tận tụy với học sinh bao nhiêu năm, mở trường trung học tư để đào tạo mầm non tương lai cho đất nước, mơ ước trúng số nâng cao mức sống gia đình, nhưng chẳng bao giờ trúng, bỏ vốn hùn với chủ dất trồng hành tây, nhưng củ chưa kịp lớn đã chết thảm trong một tai nạn xe, trong sự thương tiếc của bao nhiêu là bạn bè, người quen trong tỉnh.
Kỷ niệm lâu đời nhất ký ức tôi còn giữ được về ba là đứa bé 3 tuổi được Má bồng trên tay đi thăm ba ở tù quân Pháp nhốt vì tình nghi hoạt động cho Việt minh. Má kể Ba vì kẹt gia đình phải ở lại, không theo chú Châu tập kết ra Bắc chống Pháp, chỉ hoạt động lén lút trong nhóm của ông Ngô khắc Tỉnh ở Ninh Thuận. Rồi ba được thả ra, hùn hạp làm ăn với bác Sáu mở tiệm bán thực phẩm cho Tây. Khi em Chung ra đời năm 1948, sau tôi 4 năm, má suốt ngày bận rộn với em, ba lại không có anh em ruột, nên hai cha con hú hí chơi với nhau, ba giáo dục tôi từ thuở ấu thơ, kể chuyện cổ tích, chuyện đời xưa của Pháp, dạy hát các bài Thằng cuội, Chuột ăn cắp trứng, nhờ người chụp hình hai cha con khắp mọi nơi, nhất là hay dẫn tôi vào Saigon chơi bằng xe lửa. Thời kỳ đó chiến tranh Việt Pháp, có lần đường rày bị Việt minh phá hoại, hành khách phải treo võng ngủ trong rừng ba bốn ngày, vào nhà dân xin tắm rửa, mua thức ăn. Trong rừng cây xanh ven đường, Ba dạy tôi hát bài "Hoa lư ca", vinh danh anh hùng Đinh bộ Lĩnh lúc bé chăn trâu, bẻ lau làm cờ bày trò đánh giặc mà sau lên làm vua. Có lần cha con đang ngồi ăn trong toa xe thình lình hai bên Pháp và Viêt Minh đụng trận , bom nổ đùng đùng, đạn bay chí chóe, lật đật ba ôm chặt tôi vào mình, cùng đám hành khách từ trên cao nhảy xuống nằm mọp dưới sàn im thin thít.
Vào Saigon, ba hay ghé thăm nhà bà con ngoài Bắc vào, nhẹ nhàng cắt nghĩa liên hệ bà con cho tôi nghe, hãnh diện giới thiệu con trai đầu lòng, thấy ai có vẻ cũng quí ba. Nhớ những lần lẽo đẽo theo ba trên các con đường thành phố Saigon, tay cầm nguyên cái bánh dẻo Trung thu hạt sen ba mua cho, cắn nhai ngon lành thơm phức. Những lần bị đánh thức dậy 4 năm giờ khuya, trời còn tối đen, đèn bật sáng choang, mắt nhắm mắt mở chuẩn bị theo ba lên xe tải đi Đalạt mua khoai tây cà rốt, đồ "lê ghim", gà vịt về bán. Những chuyến đi với ba hồi đó diễn ra liên miên đến khi tôi 10 tuổi mới chấm dứt, vì bấy giờ ba đã chuyển qua làm thày giáo, không còn đi buôn nữa. Em Chung và những đứa em sau không bao giờ có may mắn được theo ba trong những chuyến du lịch ngoạn mục như vậy. Hồi tưởng những kỉ niệm ấu thơ đó mà chảy nước mắt, biết ba thương mình đến đâu, xa con vài ngày cũng thấy nhớ, đi đâu cũng phải mang theo con cho vui, dồn hết tình thương vào đứa con, cho nó được mở mang kiến thức, biết đó biết đây.
Năm tôi lên lớp Nhì, ba hợp tác với ông Kỹ sư Thành thuê một ngôi nhà lầu mở trường Lê Lợi, trung học tư thục đầu tiên ở Phanrang, từ đệ thất đến đệ tứ. Buôn bán chỉ là mưu sinh tạm thời, dạy học mới chính là mơ ước của ba. Đó là chí hướng của ba, muốn làm một cái gì ích lợi cho đất nước, cho dân tộc. Ba dạy Toán, Pháp văn, và Sử địa. Những buổi họp mặt của ba và các thầy khác, cười nói vui vẻ hòa hợp, hầu như đều có tôi. Ba dẫn tôi theo những buổi cắm trại trường tổ chức hai ba ngày liền ở các biển Hải chữ, Ninh chữ, Cà ná mát mẻ, cho tôi chơi với các anh chị học sinh trung học của ba. Các anh chị vui vẻ tử tế, lễ phép kính mến ba, săn sóc miếng ăn chỗ ngủ cho tôi thật chu đáo. Ba thương học trò lắm, có lần anh học sinh đệ tứ (sau này là giáo sư Triết, rồi đắc cử dân biểu Ninh thuận) dại dột viết một khẩu hiệu hô hào chống Pháp dán ngoài cổng trường bị công an bắt ở tù, ba hết lòng chạy chọt vận động cho anh ròng rã cả năm mới được thả ra đi học lại.
Nhà nghèo, mẹ đau chết, không đủ tiền ma chay chôn cất, anh đem cuốn sách tự điển dày lãnh thưởng đáng vài trăm bạc lên bán cho ba, ba cho anh một ngàn đồng đem về lo cho mẹ, sau này anh nhớ ơn, đi đâu xa về cũng ghé thăm thầy, coi như gia đình thứ hai.
Tết năm 54, trường ba tổ chức một đêm ca nhạc kịch bán vé, khán giả rất đông, thấy anh Luôn đóng vai Kinh Kha, chị Nhụy vai cô gái nước Tần, hóa trang diễn kịch "Chiến sĩ Kinh Kha" oai nghi hùng tráng trên sân khấu rạp Việt Tiến, nói lên lòng yêu nước của thanh niên thời chinh chiến, tôi say mê nghe chị Tố Hà não nùng hát bài "Ru con" của Phạm Duy, thấy hết cái hay lãng mạn của lịch sử, cuộc sống loạn ly thời chiến cha xa con chồng xa vợ trên sân khấu học trò.
Năm lên lớp Nhất, tôi giỏi nhất lớp môn luận văn, thỉnh thoảng lại được ba gà bài làm cho hay hơn. Như tả con trâu, ba dí dỏm bảo tôi viết so sánh bụng nó to tròn như thùng rượu vang "toneau", làm thày giáo cho 8 điểm, khen nức nở giữa lớp vì quá chính xác gợi hình. Năm học đệ thất ham chơi, làm toán sai be bét bị ba nổi nóng đánh cho một trận đòn sưng đít, nhớ mãi không bao giờ quên. Sau trận đó ba bắt đầu bỏ thì giờ kèm tôi học một ngày mấy tiếng, ra toán hình học đại số làm, giảng giải kèm cặp hai ba năm liền.
Cuối năm đệ ngũ, ba đưa tôi vào Saigon chơi 1 tuần, ở nhà lầu villa của cô Năm, con ông bác Vi, có chồng làm luật sư giàu lắm nhà ở đường Trần quí Cáp, có tài xế lái xe, có người chăm lo vườn tược, có hai ba người nấu ăn hầu hạ. Tôi đi theo ba ngoài phố, thấy có người bà con nghèo gầy hốc hác tới lí nhí xin tiền ba, ba ái ngại cho một trăm. Khi họ đi rồi, ba kể người đó ngày xưa nhà khá giả, chỉ vì lười biếng không chịu học hành làm ăn gì cả mà lớn lên phải lây lất đi xin như vậy, con phải lấy đó làm gương mà chăm chỉ học hành. Tôi so sánh cuộc sống vinh hoa phú quí của ông dượng luật sư và người bà con khép nép xin tiền, nhớ mãi lời ba ân cần dạy, tâm niệm luôn cố gắng học. Lên đệ tứ, tôi bắt đều lớn vọt lên, trổ mã, xuất sắc nhiều môn, đứng nhứt lớp và đỗ thủ khoa kỳ thi thử trung học đệ nhứt cấp tổ chức cho cả hai trường công và bán công trong tỉnh, ai cũng khen "con thầy giáo có khác".
Lúc đó trường Lê Lợi đóng cửa, ba được ủy nhiệm làm hiệu trưởng trường bán công Nguyễn công Trứ và dạy Sử địa cả bên công lập Duy Tân. Năm đệ tam, tóc tôi ra dày quá, phủ cả xuống trán, ba đưa tôi tới tiệm hớt tóc nổi tiếng nhất trong tỉnh, yêu cầu cắt xấy ép tóc cho gọn và mỹ thuật.. Ba hãnh diện thấy con trai đầu cao lớn, đẹp trai, học giỏi. Cả nhà đi chụp ảnh, ba cứ cầm tấm ảnh 3 anh em trai chụp chung, tấm tắc khen tôi đẹp trai nhất nhà, treo tấm hình trên bàn làm việc. Tôi giỏi văn chương sinh ngữ, không chịu học ban A và B, đòi vào Saigon học ban C. Má không chịu, sợ đi xa không có cha mẹ một bên, dễ hư hỏng, tôi giận Má mấy tháng không nói chuyện. Ba thấy tội, cho vào Saigon học hè Pháp văn hai tháng, rồi sau đó không hiểu thuyết phục Má cách nào mà mang tôi vào gửi ở trọ nhà ông bác họ ớ quận Một, học lớp Nhị C trung học tư thục Nguyễn văn Khuê. Ban C chỉ có lớp đêm, lại là tư thục, toàn người lớn học, cả năm chả có trả bài hay thi cử gì cả nên tôi làm biếng hay "cúp cua" tối thứ bảy để chưng diện áo quần, tóc tai, đi phòng trà nghe hát, hay đi xi nê với bạn, với bà cô, ông bác trong nhà, hơn tôi có bốn năm tuổi. Khi tôi đậu phần viết tú tài Một, Ba mừng rỡ vào Saigon hớn hở đãi cả nhà đi ăn một chầu thịnh soạn. Đến khi tôi hỏng cả hai kỳ vấn đáp, lủi thủi ở Saigon về, đứng ngoài cửa sau thật lâu không dám gõ cửa, ba cũng không la mắng gì, chỉ thất vọng dơ hai tay lên trời than với má một câu rồi không bao giờ nhắc tới nữa. Chẳng thà ba nổi trận lôi đình, đánh một trận đòn chí tử như ngày còn bé còn làm tôi sung sướng hơn. Ba chỉ buồn buồn, yên lặng. Dáng ba gầy gò, hiền lành, chịu đựng. Sự bao dung và yên lặng của ba chỉ làm tim gan tôi thêm xót xa tủi hổ, ăn năn hối hận. Tôi đã không xứng đáng với sự nuông chìu, lòng tin cậy mong đợi của ba, đã nuôi bầy em đông còn nhỏ dại, lại còn hy sinh tiền của cho tôi vào Saigon ăn học. Mười bảy tuổi, tôi đã hiểu thế nào là tình thương vô bờ cha mẹ dành cho con, bổn phận con cái phải làm sao cho xứng đáng với lòng hy sinh ấy.
Ra Nha Trang học lại đệ nhị C trường công Võ tánh, muốn chuộc lại lỗi lầm, tôi đạp xe đi kèm trẻ ban đêm không cho ba má hay để kiếm tiền phụ bớt tiền trọ học ba má gửi hàng tháng. Nhưng ba hay được, không cho, nói "ba má còn đủ sức lo được, con cứ lo học cho giỏi", chỉ sợ tôi lại thi rớt lần nữa. Thế là tôi đậu tú tài một, rồi qua năm sau, đậu luôn tú tài 2 với cả 2 kỳ vấn đáp một cách dễ dàng. Cuốn báo Xuân trường Võ tánh có đăng bài tôi viết cùng với các bài các giáo sư khác đem về khoe ba, ba chăm chú đọc, tủm tỉm cười không nói gì. Tôi biết tôi đang lấy lại lòng tin của ba. Ba đang chấm thi ngoài Nhatrang, hãnh diện dẫn tôi đi ăn chung với các thày cô giáo đồng nghiệp ba, vui cười hể hả. Hồi ấy nhiều thày cô là học sinh Lê lợi cũ ngày xưa của ba, cũng chỉ có bằng tú tài hay dự bị văn khoa đã đi dạy được.
Rồi ba đưa tôi lên Dalat thi Đại học sư phạm ban Pháp văn, qua hôm sau lại đưa tôi ra phi trường Liên Khương bay ra Huế thi tiếp Đại học sư phạm Huế. Tôi lo lắng chưa bao giờ tới Huế, ba dạy câu "Đường đi ở miệng" mà tôi nhớ đời. Ba đưa một lá thư tôi cầm tới người chủ trọ, do một đồng nghiệp ba viết giới thiệu. Ba nói không có chi phải lo sợ, hỏi thì thế nào cũng tìm ra chỗ, trước lạ sau quen. Tôi bước lên máy bay, ngoái cổ nhìn theo dáng ba gầy gầy nghiêng ngiêng trên đường về. Kết quả tôi đậu Đại hoc Sư phạm Huế 4 năm, sắp hạng 20 trên 30, có học bổng 1000$ 1 tháng. Ba tươi cười rạng rỡ. Ba tâm sự ngày xưa ba mới có 9 tuổi đã mồ côi mẹ, 17 tuổi đã mồ côi cha, 27 tết năm đó ba đi học ở Hànội về quê, thấy ông nội nằm liệt giường hấp hối, trong nhà túng quẫn, hoàn cảnh rất là bi thảm. Trong bóng tối lờ mờ của căn phòng ba làm việc, tôi lờ mờ hình dung ra cảnh tượng thê lương lạnh lẽo ấy trong đầu, nghe ba tâm sự được ông cậu nuôi đi học, mỗi chén cơm ăn chỉ được một miếng đậu hủ rán chấm tương chan nước rau luộc mà thấy thương ba vô cùng.
Tôi may mắn hơn ba nhiều, lớn lên ở miền Nam sung túc, ăn uống thoải mái, có cha mẹ lo cho ăn học lên đại học đầy đủ. Báo Xuân trường DHSP Huế đem về Tết đó tôi lại dem khoe ba, vì có truyện ngắn tôi viết trong đó, Ba đưa tôi lên trường ba chơi, thư ký nhân viên văn phòng ai cũng kêu tôi bằng "thầy" và kêu ba bằng "cụ". Có một lần ba đau nặng luôn mười ngày, tôi và má quanh quẩn hầu hạ thuốc men, tôi cứ lo sợ ba chết. Sau đó ba bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào. Ba đối xử với tôi như người lớn, những lúc cha con ngồi bên nhau không có ai, ba khuyên khoan sớm có bạn gái, chờ ra đi làm phụ ba lo cho các em một thời gian đã. Tôi hiểu tâm sự của ba, nghĩ đến bầy em đông ngày càng lớn mà ba còm cõi đi dạy hoài không biết bao giờ mới được nghỉ ngơi.
Ngày xưa ba hay đi đánh tennis sau giờ dạy ở trường về, rồi khám bài vở homework tôi làm ở nhà, bây giờ lớn tuổi tối tối ba hay nghe đài BBC theo dõi tin tức chính trị, chủ nhật ba xoay ra đánh bài tổ tôm để tiêu khiển với mấy người bạn thân, lười xem xét bài vở học hành mấy đứa em tôi. Có lần được nghỉ lễ mấy ngày, ba dẫn tôi ra Trại Cá ở Cam ranh chơi mấy ngày để ăn cá hấp và hưởng thú thiên nhiên nhàn nhã, tôi ở được có một ngày một đêm thì buồn chán quá. Tuổi trẻ thích ồn ào vui nhộn, tôi nhớ thành phố, bạn bè, đòi về, bỏ ba một mình trong mấy cái chòi tranh vắng ngắt trên mặt nước, ra đường cái đón xe về lại Phanrang. Nhiếu năm về sau, qua Mỹ, đêm khuya chờ cửa con trai lớn hay đi chơi đêm với bạn bè gần sáng mới về, buồn thấy con thích gần bạn bè hơn cha mẹ, tôi mới hiểu thấu tâm trạng cô đơn của ba, cần sự có mặt của đứa con lớn bên mình để an ủi lúc bấy giờ, nhớ tới ngày bỏ ba lủi thủi ở lại cái nhà sàn của quán ăn Ngọc Sương trên bờ biển Ba Ngòi đìu hiu năm nào, mà hối hận khóc chảy nước mắt. Lúc đó nhìn tôi bỏ về, chắc ba buồn lắm mà tôi nào có biết.
Có làm cha, thương con, mới hiểu hết lòng cha mẹ. Bây giờ ba còn đâu nữa mà chuộc lại lỗi lầm xưa, muốn sống lại thời gian ấy, ở lại chốn quạnh hiu ấy làm bạn với ba mười ngày đi nữa cũng không thể nào được.
Ngày 26 tháng 10 năm 1963 lễ Quốc khánh VNCH, tôi đang ở trọ học Huế thì ba tranh thủ từ Phanrang lặn lội đi xe đò ra Huế thăm tôi. Trời mưa tầm tã, thấy ba ngồi xích lô ọp ẹp đi vô ngõ hẻm ướt lầy lội nơi tôi ở mà thương. Tháng trước, đọc thư tôi viết than ở trọ ăn uống kham khổ, ba nhẹ nhàng viết trả lời 'ngoài Huế, đâu phải gia đình nào cũng có mức sống đầy đủ như nhà mình ở trong Nam, con phải cố gắng chịu đựng, nếu đói thì ra phố ăn thêm tô phở, bát mì cho có sức học", rồi bây giờ nóng ruột ba lặn lội ra thăm coi tôi ăn ở ra sao, đóng tiền cơm cho chủ nhà, cho tôi tiền bỏ túi.
Ba thường ra Huế chấm thi, nên biết ít nhiều về Huế. Ba đưa lên Gia hội ăn bùn bò, xuống cầu Đông ba ăn bánh khoái, dạo phố Trần hưng Đạo, dẫn tôi xuống đò qua sông Hương đi bộ về Cầu Nam Giao, mặt nước sông trong xanh, êm đềm, có năm bảy người khách, cô lái đò mặc áo dài cất tiếng hát, hát sao mà thê lương ão não suốt đời tôi không bao giờ quên. Ba ăn trưa ăn tối với ông bà chủ trọ, ngủ lại hai đêm. Nhớ buổi chiều hai cha con ra bờ sông trước nhà, ngồi trên cỏ, dưới mấy gốc phi lao, nhìn xuống dòng nước chảy về phía cấu Ga. Ba hỏi han chuyện học, chuyện nhà trọ, thày giáo, bạn bè, thi cử. ba kể chuyện gia đình, bà ngoại, má, các em. Rồi ba về. Mấy ngày sau thì nghe tin ở Saigon Cách mạng đảo chánh, lật đổ tổng thống Ngô đình Diệm, giết chết cả hai anh em. Đại học Huế vẫn bình thản như không có chuyện gì.
Hè năm đó tôi đậu sư phạm lên lớp đứng hạng nhì, đậu cả Dự bị văn khoa hạng bình thứ. Lớp sư phạm18 người mà chỉ có 6 đậu chính thức, về sau nhà trường phải vớt thêm 4 người có bằng Dự bị văn khoa lên thành 10. Tôi đi chơi ở Saigon với mẹ tôi về, thấy ba hớn hở cầm tờ điện tín bạn tôi báo kết quả đánh từ Huế về, dơ cao khoe với má, cưới reo lên sung sướng:
- Coi này, thắng trận vẻ vang !!!
Ba ít khi khen tôi trước mặt ai, vậy mà lần đó ông không dấu được nỗi sung sướng và hãnh diện trong lòng, phải bộc lộ ra ngoài làm Má cũng vui lây, tươi cười âu yếm nhìn tôi. Bà ngoại đang ốm cũng khều khào hai tay ôm lấy đầu tôi khen ngợi mãi. Mùa hè năm đó chưa bao giờ gia đình tôi được sống những ngày hạnh phúc như vậy. Chung qui là do cái kết quả đỗ đạt rực rỡ của tôi mà ra. Từ đây ba có quyền yên tâm về tương lai đưa con lớn, vài năm nữa sẽ ra đi làm công chức cao cấp giúp ba nuôi các em.
Tháng 9 năm đó ba má đưa tôi ra Nhatrang đón xe ra Huế đi học lại. Ba má ghé chơi nhà thầy Tuân hiệu trưởng cũ tôi thời trung học, cũng là bạn thân của ba. Ba trông khỏe ra, mập mạnh, cười nói huyên thuyên. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi thấy ba. Một tháng sau, từ Huế, tôi nhận cái điện tín của má "Ba hấp hối. Về gấp". Điện tín không đánh dấu, hoang mang không biết "bà" hay "ba". Mấy giờ sau, một cái điện thứ hai tới, rõ ràng hơn: "Ba bị tai nạn xe chở ra bệnh viện Nhatrang, về gấp".Thôi rồi, không phải bà ngoại, mà là Ba. Ba lái xe scooter đi làm mỗi ngày.
Tôi vội vàng thu xếp quần áo bỏ vô túi xách chạy ra bến xe vô Đànẵng. Phải ngủ lại đêm ở đó, vì tình hình an ninh. Sáng ra lên xe về Nhatrang, dọc đường có chỗ phải "đăng bo", đi bộ cả cây số. Đến Vạn giả cách Nhatrang 30 cây số thì trời tối mịt, xe bị chận lại không cho vào thành phố, phải ngủ đêm trên xe. Đêm rằm rạng 16 tháng 9 âm lịch, ngồi trên xe thức, ngắm mặt trăng sáng to vành vạnh lạnh lẽo trên mặt nước ruộng mà trong lòng ngổn ngang trăm mối, không biết có còn kịp gặp ba không.
Bảy giờ sáng hôm sau, vào nhà thương Nha trang, gặp cô y tá thương hại chỉ xuống nhà xác:
-Em ở Huế vô phải không" Ba chết tối qua rồi em. Ba được chuyển xuống nhà xác hồi 2 giờ khuya.
Nước mắt tôi bỗng ràn rụa chảy. Thôi rồi ba ơi. Bước xuống nhà xác tôi như kẻ mất hồn. Ba nằm đó, đắp khăn trắng che từ cổ xuống chân. Đầu ba quấn khăn trắng lốm đốm vết máu đỏ, hai mắt nhắm nghiền. Em Chung ngồi bên ba, đứng dậy nói:
-Má về hồi sớm để đưa hết mấy đứa nhỏ ra nhìn mặt ba lần cuối cùng. Trưa nay liệm vô hòm rối chiều đưa về Phan rang.
Tôi thấy một con mắt ba tím bầm, con kia he hé mở, thương cảm đưa mấy ngón tay nhè nhẹ vuốt mắt ba cho nhắm lại. Tôi nắm hai bàn tay ba, da ba lạnh ngắt. "Con về đây, ba ơi!" tôi đau đớn nói thầm. Chung kể:
- Đêm kia, có một lúc Chung nghe ba nói mê ú ớ "Gọi Chương về, gọi Chương về". Ai cũng mừng chạy tới, tưởng ba tỉnh lại, nhưng rồi sau đó ba lại im, chìm trong hôn mê.
Tôi lấy máy hình cũ ba cho tôi ra, chụp em Chung đứng cạnh đầu giường ba, nhờ Chung chụp lại tôi cúi xuống trên mặt ba mấy cái. Hai anh em yên lặng không biết nói gì trước biến cố đột ngột này, mơ hồ cảm thấy một tai họa to lớn đang chụp xuống cả gia đình và tương lai trước mắt đầy bóng tối. Rồi má dẫn một bầy em lôi thôi lốc thốc bước vô. Thấy tôi, má òa ra khóc. Tôi nghẹn ngào rưng rưng nước mắt, không biết nói gì. Má kể ngày chủ nhật, bà ngoại trở bệnh nặng hấp hối nên má cho người đi gọi ba lái xe vào Sông Mao kêu bác Hoàn (chị cùng mẹ khác cha với má) ra gặp bà lần chót, ai dè ba bị xe đò tông rồi bỏ chạy, hay ba né tránh mà ngã đầu đập vào đường nhựa bất tỉnh, máu ra lỗ tai, không ai biết rõ đích xác thế nào. Ông quận trưởng được dân cấp báo, lái xe chở xác ba về tận nhà Phanrang giao cho má. Má hỏi ba đau ở đâu, ba còn nghe hiểu, đập vào cánh tay nói "đau ở đây", rồi nói "Gọi Chương về", sau đó là mê luôn cho tới khi chở ra Nhatrang và chết ở đây.
Cô Sáu và Má đi mua quan tài, rước quí thầy ở chùa tới liệm và tụng kinh cầu siêu cho ba. Thày Tuân hay tin dữ, đạp xe tới thăm, đứng lặng nhìn xác ba hàng mấy tiếng đồng hồ. Xe chở quan tài về giữa đường thì xe bác Sáu từ Saigon chạy ra, bác tắp lên xe chở quan tài ba, ngồi chung với ba và anh em tôi, cúi đầu buồn bã. Tôi chìm đắm trong tiếng niệm A di đà Phật đều đều của vị sư, miên man trong những tư tưởng lo buồn lẫn lộn. Các em còn nhỏ quá, út Trang mới có 2 tuổi. Chung mới học đệ tam, má mới 37 tuổi. Tôi có học bổng, dạy kèm thêm đủ sức lo được thân, nhưng một bầy em 8 đứa, mất ba rồi, với tiệm buôn quần áo nhỏ hẹp của má, biết có đủ sống cho cả nhà không.
Đám ma ba được vô số bà con, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh, học trò lớn nhỏ xúm lại lo chu đáo, phúng điếu, đi tiễn đưa dài gần hai cây số, bao nhiêu là xích lô chở vòng hoa cườm, hoa tươi, bao nhiêu là học sinh, hướng đạo, đoàn thể, kẻ khiêng vòng hoa, người cầm liễn, ăn mặc đồng phục kính cẩn nghiêm trang đi yên lặng ra nghĩa trang trong ánh nắng cuối thu. Tôi trưởng nam, bơ phờ đội mũ rơm chống gậy đi đầu, chốc chốc ngoái cổ lại nhìn đám rước dài hun hút không thấy đuôi. Ba ơi, còn đâu những ngày vui hai cha con ở bên nhau.bao nhiêu người quí mến thương tiếc ba, ba có thấy không.Rồi thì tôi trở ra Huế đi học lại với vành khăn đen đeo trên áo, không cười không nói, mặt buồn đăm đăm.
Một tháng sau, bà ngoại mất. Má dấu không cho tôi biết, sợ tôi bỏ học về chịu tang, gián đoạn việc học, hai tuần sau tang lễ mới viết thư ra báo tin. Tôi ra bờ sông đọc đi đọc lại lá thư, nước mắt ràn rụa ướt đẫm hai má.
Hơn một tháng sau nữa, lại nghe tin bão lụt, đâp Đa nhim ở Sông Pha vỡ, cả thành phố Phanrang chìm ngập trong biển nước. Tôi mất liên lạc với gia đình ba tuần lễ vì đường dây điện đứt, hai tỉnh Quảng nam, Quảng ngãi cũng ngập lụt lênh láng cả tháng liền. Tôi như ngồi trên lửa, đêm đêm khấn thầm cầu nguyện chư Phật phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, có khi nửa khuya tỉnh giấc, khóc ướt gối vì nhớ thương ba, thương bà, thương má, thương 8 đứa em thơ, tức tưởi không có mặt bên cạnh để đỡ đần giúp gì được cho gia đình. Sau này Má gửi thư ra cho biết cả nhà may mắn bình yên, nhưng tiệm quần áo giày dép Má tiêu ma vì nước ngập tới 2 thước suốt một ngày đêm.
Mới 20 tuổi đầu, tang tóc dồn dập và thảm họa nước lụt làm tôi lao đao xuống tinh thần nguyên một năm học. Thi lên lớp, tôi đứng gần chót. Qua năm sau, sinh viên Huế bị Việt Cọng giựt dây biểu tình, bãi khóa chống Mỹ và chánh quyền quân nhân Thiệu Kỳ liên miên. Tôi thi lên lớp nhích lên được hạng năm. Má tôi nhờ bác Hiệp làm thứ trưởng Bô Giáo dục cho chuyển tôi vào ĐHSP Saigon học và tôi ra trường dạy ở Sóc trăng năm 67.
Biến cốTết Mậu thân ở Huế làm tôi bàng hoàng choáng váng, thương khóc cho người dân Huế nghèo khổ tôi đã từng mấy năm sống chung bị giết oan chôn sống và thành phố cổ kính bị bắn phá tan nát. Như nhiều công chức khác, tôi làm đơn tình nguyện ra Huế cứu trợ được Bộ Giáo dục chấp thuận, nhưng rồi bên Quân độ gửi lệnh nhập ngũ về cùng lúc, bắt tôi vào trường huấn luyện Quang Trung cùng với 5 đồng nghiệp cùng trường. Tôi từ đó cuốn hút vào cuộc chiến, ra trận gần hai năm, được biệt phái về đi dạy, đổi về quê lấy vợ sinh con, vào tù cải tạo năm 75, lao động nhọc nhằn ở Phanrang nhiếu năm cho đến khi vượt biên qua Mỹ năm 84. Năm 92 tôi bảo trợ vợ chồng cô em gái theo diện H.O. Em đưa tôi bức hình lộng kính của ba tươi cười hiền hòa vẫn để thờ ở nhà trước đây, hình chụp một năm trước khi ba mất.
- Má nói anh là trưởng nam, hãy giữ bức hình này thờ ba.
Tôi để hình ba và Bát Nhã, con trai đầu chết lúc mới 2 tuổi lên bàn thờ trên lầu, cạnh bàn Phật. Mỗi lần cắm hoa, thắp hương, nhìn nét mặt nhân từ, hai con mắt buồn phảng phất của ba, tôi lại chạnh lòng hồi tưởng lại cả một quá khứ 20 năm sống dưới gối ba, bao nhiêu là kỉ niệm ấp ủ tình thương vô bờ ba dành cho tôi từ nhỏ tới khi chết. Ba chưa hưởng được gì, chưa thấy các con thành đạt ra sao mà đã chết.
Thưa Ba,
Ngày xưa ba cho con cuốn tự điển bỏ túi Anh văn, ba còn nhớ không. Ba mong cho con khá tiếng Anh, ba có biết sau bao nhiêu biến cố đât nước tang thương dồn dập sau khi ba mất, giờ đây con đã qua Mỹ, giỏi tiếng Anh hơn ba mong ước nhiều, tay trắng tạo nên sự nghiệp nhà cửa, nuôi các con con ăn học thành đạt rồi không. Con không còn dạy tiếng Pháp học ở Đại học Huế nữa, mà làm thày giáo trường Mỹ, dạy tiếng Anh cho học sinh Mỹ, lái xe Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, chơi với bạn Mỹ, đi du lịch chiêm ngưỡng nhiều nơi trên thế giới mà ngày xưa ba dạy Địa lý thường hay nhắc đến. Hồi đó ba mong con muộn lấy vợ, phụ ba nuôi các em nên người, bây giờ hầu hết các em đã ra nước ngoài sinh sống, có nhà cửa công ăn việc làm đầy đủ. Con cái chúng nó học giỏi, thông minh, kiến thức rộng rãi hơn cha con mình ngày xưa nữa. Ba không cần phải lo lắng gì. Càng lớn tuổi, các cháu ở xa, con càng thấy cô đơn, càng thấy nhớ ba hơn bao giờ hết. Ba là người bạn tri kỷ, hiểu con và thương con, không ai có thể thay thế được. Ước gì có ba sống lại, ở đây với con cho con ngày đêm phụng dưỡng, lái xe chở ba đi ăn chơi đó đây, du lịch khắp nơi trên thế giới, kể lể với ba chuyện này chuyện kia, tâm sự với ba. Thế giới bây giờ văn minh lắm ba biết không, cell phone, computer, email gửi tin trong nháy mắt, máy chụp hình digital. Ở đất nước này, ba muốn thứ gì cũng có, con thừa sức mua được cho ba...
Cảnh quê người đủ muôn màu muôn vẻ, nhưng để làm gì khi mà những ngày xưa êm đềm hai cha con sống thanh bần đạm bạc bên nhau không còn nữa, không bao giờ còn...
Con bây giờ như thày Tử Lộ xưa kia, làm quan lớn mà không thích, ngồi xe đẹp mà không ham, ăn miếng ngon mà không khoái, chỉ muốn trở lại được nghèo nàn nắng mưa vất vả đội gạo nuôi cha mẹ như thời niên thiếu mà trong lòng sung sướng, mà ước mơ nhỏ đó cũng không thực hiện được. Chỉ biết rưng rưng hai hàng nước mắt nhìn hình ảnh ba, nhìn về mặt trời khuất bóng sau dãy núi xanh mờ xa xa mà trong lòng sầu thảm đớn đau không bút nào tả xiết...