Hôm nay,  

Gặp Lại Trên Đất Mỹ

27/05/200800:00:00(Xem: 308989)

Tác giả: Karen N. Nguyễn

Bài số 2308-16208285-vb3270508

Tác giả sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ và nhận giải vinh danh tác phẩm năm 2004. Loạt bài mới nhất của Karen N. Nguyễn là “Đón bạn trên đất khách” của cô, kể về một tình bạn từ thời học trò trước và sau đổi đời ở quê hương cho tới khi gặp nhau trên đất Mỹ. Bài thứ ba là chuyện đôi bạn thân thiết sau 17 năm xa cách gặp lại trên đất Mỹ.

Tốt nghiệp đại học Tổng hợp khoa Anh văn, cô nha sĩ Tường Lan bắt đầu đi dạy Anh Văn ở mấy trung tâm và chỉ làm răng lai rai để không quên tay nghề.  Chắc có lẽ mình không hợp với nghề Nha, Tường Lan viết thư tâm sự với Kim.  Rồi Tường Lan kiếm được một chân trình dược viên cho một công ty dược phẩm nổi tiếng của Mỹ và bắt đầu đi các tỉnh và thành phố trong nước để chào hàng.  Chưa tới hai năm sau, Kim nhận được thiệp cưới của Tường Lan và Hoàng, cùng tin Tường Lan báo mình được chọn là người đại diện công ty ở chi nhánh phía Nam của Việt Nam.

Trong lúc Kim làm lại cuộc đời ở đất Mỹ, vất vả học thâu đêm suốt sáng ở trường pharmacy rồi sau đó ra trường đi làm, ngày ngày xoay vòng vòng đếm thuốc, gọi bác sĩ, gọi insurance, trả lời câu hỏi của khách hàng, thì Tường Lan đi dự hội nghị ở trong nước và ở ngoài nước đều đều.  Thư Tường Lan gởi cho Kim bây giờ có kèm nhiều hình chụp, hình chụp Tường Lan cạnh tháp Eiffel ở Paris, hình chụp Tường Lan ở Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc, hình chụp Tường Lan ở Vịnh Hạ Long... Kim đọc thư Tường Lan mà ngẩn ngơ ước ao có được cái job như Tường Lan, đi đó đi đây được ngồi xe hơi có tài xế hẳn hoi.

Bây giờ thì Tường Lan gởi email cho Kim, nói tên khách sạn mình và Hoàng ở tại Los Angeles.  Kim đọc hết email, không thấy Tường Lan nói là ở phòng số mấy.  Kim lấy cell phone ra, gọi lại cái số phone hồi nãy của Tường Lan và không thấy Tường Lan trả lời gì cả.  Kim gởi email lại cho Tường Lan, hỏi xem hôm nào Tường Lan bay qua, đến phi trường nào.  Hôm nay là thứ Ba, Tường Lan trong email nói là sẽ dự hội nghị bên Los Angeles mấy hôm, Kim thầm tính toán, vậy là sẽ có dư dả thời gian để Kim có hy vọng đổi ca làm việc với người pharmacist làm chung để đi đón Tường Lan ở phi trường.  Ngày thứ tư trôi qua, thứ năm trôi qua, không thấy thư hồi đáp của Tường Lan, Kim bắt đầu sốt ruột.  Kim gọi 411, lấy số phone của khách sạn Tường Lan ở, rồi gọi đến đó.  Kim cho cô nhân viên khách sạn họ của Tường Lan, vừa mới đánh vần tên của Tường Lan thì cô đã nhanh nhẩu nói là sẽ nối với điện thoại của bạn Kim ngay, cả khách sạn chỉ có một người khách có last name này, cô nói.  Kim hồi hộp chờ nghe tiếng của Tường Lan bên đầu dây bên kia.  Điện thoại reng, đầu đây bên kia có người bắt phone, giọng hơi ngái ngủ.  Kim nói tiếng Việt, xin được nói chuyện với Tường Lan, và cô gái đầu dây bên kia trả lời bằng tiếng Việt là không có ai tên như vậy ở phòng đó hết, chắc là chị nhầm rồi!  Vậy là Kim vẫn chưa liên lạc được với Tường Lan.

Tối thứ Sáu đi làm về Kim check email và mừng vô cùng khi thấy thư của Tường Lan.  Mấy ngày trước đó, Tường Lan và Hoàng đi thăm gia đình người anh của Hoàng ở bên Arizona, không có ở khách sạn.  Tường Lan cho Kim biết số phòng của mình.  Có bao giờ Kim nghĩ ra là tên của Tường Lan ở khách sạn lại là Thị-Tường-Lan-Nguyễn đâu kia chứ!  Kim gọi điện thoại cho Tường Lan hy vọng sẽ nói chuyện được với Tường Lan bởi giờ giấc bên Kim chênh lệch với bên đó 3 tiếng đồng hồ và Kim có thói quen ngủ sớm như gà lên chuồng buổi tối.

Tường Lan nói là đã nhận được message của Kim và biết là Kim bận rộn lắm (Kim nghe Tường Lan nói mà áy náy vô cùng!), nhưng Tường Lan đã quyết định đi Mỹ kỳ này là sẽ đi thăm Kim (Kim nghe mà cảm động quá xá!)  Cứ ngỡ là Kim ở tiểu bang Washington, Tường Lan vừa nói vừa cười trong điện thoại, mình kêu cô thư ký đặt vé máy bay giùm (thư ký riêng, chà, Tường Lan bây giờ là boss chức to rồi, Kim nghĩ), đến lúc có vé mới phát hiện là Kim ở tít bên Washington, DC, cách cả một chiều dài nước Mỹ!  Tiếng cười của Tường Lan vẫn như vậy, giòn giã, trong vắt.

Hoàng với Tường Lan khuya thứ Hai sẽ bay từ Los Angeles qua Washington, DC, bay đêm, đến 7 giờ sáng thì đến phi trường Dulles.  Kim đi làm ngày thứ hai đến tối chắc là mệt, để Tường Lan gọi taxi đến nhà Kim, Tường Lan nói.  Kim nghe Tường Lan bàn tính mà lại thấy bứt rứt vô cùng.  Bạn mười mấy năm mới gặp lại, mà mình không đi đón được, phải để bạn đón taxi đến nhà mình, coi không được tí nào hết!  Rồi Kim suy nghĩ lại, ừ, có lẽ để Tường Lan với Hoàng đi taxi mà tiện hơn.  Kim đi làm ngày thứ Hai về nhà thì sẽ hơn 9 giờ tối, sáng thứ Ba muốn đón Tường Lan ở phi trường Kim phải dậy từ lúc 5 giờ sáng, 6 giờ sáng lái xe đi đến phi trường Dulles, rồi thức nguyên ngày thứ Ba dẫn Tường Lan với Hoàng đi thăm Washington, DC, rồi thứ Tư Kim đi làm trở lại, làm 11 tiếng ở pharmacy, như vậy chỉ có từ chết tới bị thương mà thôi, công lực không phục hồi nổi và thứ Năm Kim chỉ có thể lết ra phi trường bay xuống Florida!

Kim vào internet, in cách chỉ dẫn lái xe từ phi trường Dulles về nhà Kim, rồi fax qua cho Tường Lan.  Thứ Ba, giá ngày thường thì ông xã Kim có thể lái xe ra đón Tường Lan và Hoàng, nhưng hôm đó ông xã Kim lại có cái hẹn làm răng buổi sáng mất rồi, đâu nhờ vả gì được.  Kim biết không đời nào ông chồng Mỹ yêu dấu của mình lại hủy bỏ cái hẹn làm răng để ra phi trường đón một cặp vợ chồng Châu Á lạ hoắc chưa bao giờ gặp mặt.  Kim thuật với ông xã là vợ chồng cô bạn thân của mình ở Việt Nam qua Mỹ, giờ sẽ ghé qua thăm Kim và chàng.  Bao lâu, ông xã Kim hỏi.  Có một ngày thứ Ba thôi hà, Kim nói, rồi sáng thứ Tư bạn em bay về Los lại rồi.  Một ngày thôi à"  Anh phải thán phục bạn em, chồng Kim nói, cái friendship của em với bạn em phải sâu đậm lắm cô ấy mới bay cả chiều dài nước Mỹ để qua thăm em như vậy đó, chồng Kim nói.  Đúng, sâu đậm lắm, Kim nghĩ, lòng nhói đau khi nghĩ tới chuyện Kim để vợ chồng Tường Lan đi taxi từ phi trường đến nhà vợ chồng mình vì Kim muốn ngủ thêm vài tiếng đồng.  Kim quả là tệ, tệ, tệ...

Một ngày đi nữa thì mình cũng phải dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, ông xã Kim nói.  Bạn em qua Mỹ ăn đồ ăn Mỹ chắc là nhớ cơm Việt Nam, để anh gọi nhà hàng Four Sisters ngoài Eden đặt cơm tối vậy nha, chàng gợi ý.  Kim nói với chồng chuyện vợ chồng Tường Lan sẽ đến bằng taxi và thấy ông xã mình gật gù tán đồng.  Đến bằng taxi vậy mà nhanh, chàng cười chọc quê Kim, anh nhớ lần vừa rồi anh để em thực tập lái xe từ phi trường đó ra em đi lạc tùm lum!

Tối thứ Hai khi lái xe về đến nhà thì Kim mệt đờ cả người.  Ngày thứ Hai, ngày bận rộn nhất của pharmacy đã đành lại có thêm mấy chuyện insurance không chạy, khách không đem thẻ bảo hiểm mua thuốc mà chỉ có thẻ bảo hiểm đi khám bác sĩ, Kim vừa gọi điện thoại giải quyết mấy chuyện đó vừa lo fill thuốc, sau mười một tiếng làm việc xăng nhớt trong người cạn kiệt đi đâu mất hết.  Kim ăn qua loa rồi đi ngủ, lòng vẫn bứt rứt không yên vì biết rằng ngay lúc Kim nằm xuống giường ngủ ngon là lúc Hoàng và Tường Lan đang ở phi trường hay đang ngồi trên máy bay bay cả một chiều dài của nước Mỹ để qua gặp Kim.

Sáng thứ Ba, Kim thức dậy, người khỏe khoắn hẳn lên.  Gần 8 giờ sáng, Kim bắt đầu nôn nao, rồi Kim leo lên mấy bậc thang ở nhà để đứng nhìn ra đường qua phần kiếng ở bên trên cánh của nhà, xem có cái xe taxi nào chạy vào hay không.  Trong lúc đợi Tường Lan và Hoàng, trong óc Kim bỗng hiện lên mấy câu thơ của Nguyễn Khuyến:

"Chẳng bấy lâu nay bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây, ta với ta."

Kim bật cười khi nghĩ đến cái tủ lạnh ở nhà mình, chỉ có bình nước cam, mấy cái bagel, hộp trứng, bình sữa, bịch xà lách.  Trong freezer có máy vỉ thịt bò, thịt gà đông lạnh, mấy hộp đồ ăn Thái... Tối hôm qua chồng Kim có chạy ra chợ gần nhà mua thêm sausage, bánh waffle, honey syrup và croissant để chuẩn bị bữa ăn sáng cho khách.  Em không biết bạn em có ăn mấy món này không nữa, Kim nhớ là mình nói với chồng như vậy.  Vậy thì tối nay mình ra Eden ăn, rồi tạt vào mua đồ ăn sáng, đủ thứ món ở ngoài đó hết mà, em đừng có lo, chàng nói chắc như đinh đóng cột.  Kim nghe chồng nói mà cười thầm, ừ, đủ thứ món ở ngoài đó hết mà, chồng Kim nói vậy chứ chàng chẳng biết tên của món nào hết bởi chàng không ăn được mấy món đó dù cho Kim đã bao lần mời chào, dụ dỗ, gạ gẫm.

Một cái xe taxi từ từ chạy vào, dừng lại trước nhà Kim.  Kim mở cửa, chạy ra, vừa đến gần xe taxi thì cửa xe bật mở, Tường Lan và Hoàng bước ra khỏi xe.  Trời ơi, không ngờ là có dịp gặp lại Kim đó nha, Tường Lan ôm chầm lấy Kim.  Không ngờ, không ngờ, bất ngờ quá xá, Kim nhủ thầm.  Mắt Kim loáng loáng nước, nhìn qua Tường Lan Kim thấy mắt Tường Lan cũng đỏ đỏ, ươn ướt.

Hai bà định đứng khóc lóc ngoài đường đến bao giờ đây, cái giọng vẫn tếu như ngày nào của Hoàng lôi Kim và Tường Lan trở về thực tại.  Ờ, có khách đến nhà, phải mời khách vào nhà chứ, Kim lăng xăng xách phụ một cái va-li rồi mở cửa mới Hoàng và Tường Lan vào nhà, căn nhà ngày thường bừa bộn đồ đạc, giấy tờ, sách vở mà mấy ngày qua hai vợ chồng Kim đã cố thu dọn, hút bụi cho tươm tất.

Khách đến chỉ nghỉ ngơi một chút xíu mà thôi.  Hồi tối tụi này có ngủ được trên máy bay, đã đến thủ đô nước Mỹ thì phải đi đây đi đó một chút để ngắm cảnh ngắm người chứ đâu có ngồi nhà được, Tường Lan nới với Kim.  Vậy là Kim chở Tường Lan và Hoàng đi ra Eden uống cà phê, ăn phở để có năng lượng đi dạo trong thủ đô.

Ba đứa vào tiệm phở Xe Lửa, gọi ba tô phở lớn.  Trong lúc ngồi đợi mấy tô phở, Kim, Hoàng và Tường Lan ngồi ngắm mấy bức tranh treo trên tường trong tiệm phở:  tranh vẽ tĩnh vật, tranh vẽ làng quê Việt Nam có lũy tre, chú bé cỡi trâu trên đồng, xa xa có cánh diều nhẹ bay, tranh vẽ những cô gái Việt Nam mặc áo dài tha thướt.  Nét cọ truyền tải sức sống trong những bức tranh với những sắc màu nóng ấm.  Hoàng đánh bạo, hỏi ông chủ tiệm phở là tránh có bán hay không, và ông chủ tiệm phở cười, trả lời có.  Họa sĩ vẽ mấy bức tranh này ngồi ở kia kìa, ông chỉ về hướng một chàng trai trẻ đang ngồi ăn phở ở cái bàn gần tủ sách của ông, cái tủ sách to thật to, cửa kiếng, bên trong có vô số sách tiếng Việt, chủ đề khá đa dạng, mà Kim mỗi lần vào mua phở cứ ao ước giá mà mình có một tủ sách như vậy ở nhà mình, văn chương, bên khảo, lịch sử, thơ phú đủ cả.

Trời ơi, tô phở bự quá xá, Tường Lan và Hoàng nhận xét.  Chưa đâu, phải qua Cali hay Texas ăn phở kìa, tô phở bên đó còn lớn hơn nữa, Kim đùa.  Ba đứa xì xụp ăn phở.  Nước dùng ngon quá, Tường Lan nói.  Thịt xắt mỏng quá, ông vua tham ăn Hoàng nhận xét.  Kim chỉ cười, trong đầu thầm nhớ lại những tô phở Pasteur ngày nào ăn ở Việt Nam, chan thêm nước béo, đập thêm cái trứng, ngày nào xa xưa lắm rồi.

Ăn phở xong, ba đứa đi dạo vòng vòng trong Eden một lát, rồi ra xe đi tiếp.  Tường Lan và Hoàng nhận xét những con đường trong khu Eden đều mang tên người Việt Nam.  Ngay giữa bãi đậu xe, hai lá cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng Hòa màu vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong gió.

Kim lái xe ra bến metro gần Eden để đi metro vào trong thủ đô.  Trên đường vào metro có mấy cây hoa đào nở đầy hoa hồng thắm.  Tường Lan rủ Kim đứng cạnh cây đào để Hoàng chụp hình.  Anh lấy cái phông thế này, chụp người từ đâu tới đâu, Tường Lan dặn Hoàng.  Kim nhìn Hoàng loay hoay với cái máy chụp hình, hạ cặp kính đeo mắt xuống rồi lại đeo lên, mắt nheo nheo, và nhận ra rằng Hoàng không còn là chàng kỹ sư trẻ ngày nào mà đã thành một người đứng tuổi, tóc bạc, trán hói, mắt hết tinh anh.  Cả Kim và Tường Lan cũng già hơn đi cả rồi còn gì.  Kim hỏi Tường Lan sao tóc bạc đâu không thấy, và Tường Lan cười hóm hỉnh, nhổ hết rồi trước khi đi Mỹ đó Kim!  Cái răng khểnh bên trái ngày nào của Tường Lan, Kim nhận xét, đã đi đâu mất biệt.

Ngồi trên xe metro chạy vào thủ đô, Hoàng nói với Kim chừng nào đến nơi thì réo một tiếng, rồi nhắm mắt lại ngủ.  Tường Lan vẫn còn tỉnh táo và tiếp tục nói chuyện với Kim.  Chuyện trên trời dưới đất mười mấy năm, có viết qua thư, có viết qua email, vẫn còn vô số chuyện để kể cho nhau nghe trong lúc metro chạy vào đường hầm, lắc lư, lắc lư, dừng ở trạm, chạy tiếp, dừng ở trạm, chạy tiếp.

Đến trạm metro gần điện Capitol, Kim đánh thức Hoàng dậy.  Ba đứa bước ra khỏi trạm metro, đi bộ về hướng điện Capitol, nơi Quốc Hội họp, ngang qua những luống hoa tulip thật tươi, xòe những cánh hoa đỏ tươi nổi trên mấy cành lá xanh duyên dáng.  Kim chỉ cho bạn Library of Congress ben kia đường, lòng thầm tiếc là không có nước phun từ những bức tượng ở cái hồ nhỏ phía trước Library.  Tường Lan lấy camera ra, bắt đầu quay cảnh thủ đô.  Kim lấy máy hình, chụp hình Tường Lan và Hoàng ở trước Library of Congress, ở trước điện Capitol.  Rồi ba đứa đi bộ trên con đường lớn nối giữa Capitol và Washington Monument.  Mấy viện bảo tàng ở hai bên đường này vào coi không phải mua vé, Kim nói với Tường Lan và Hoàng, lần sau qua đây ở lâu lâu hơn thì mới có dư dả thời gian đi coi.  Nói vậy, mà Kim nghĩ trong đầu, lần sau là bao giờ, không biết đến bao giờ kìa.

White House ở đâu vậy Kim, Tường Lan hỏi, đi đến được không.  Được chứ sao không, Kim dẫn Hoàng và Tường Lan đến một trạm đứng đợi xe chở đi tour chạy vòng vòng trong thủ đô.  Vẫn còn dư dả thời gian để leo lên xe, xe sẽ chạy ngang qua Lincoln Memorial, ngang qua bức tường đá đen kỷ niệm các binh sĩ Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, qua Jefferson Memorial, qua à và qua à Kim lấy tờ quảng cáo chỉ cho Hoàng và Tường Lan xem lộ trình xe chạy, và áy náy là Tường Lan lộ vẻ mệt rõ rệt.  Mệt là chắc, ngồi máy bay cả đêm qua đây rồi chẳng nghỉ ngơi gì, lại đi chỗ này chỗ kia, sức người có hạn đâu làm gì được.  Chừng nào đến White House thì kêu mình dậy nha Kim, Tường Lan leo lên xe bus chỉ nói được một câu rồi ngủ vùi.  Chỉ còn Hoàng và Kim ngồi ngắm cảnh hai bên đường xe chạy.

Gần đến White House, Kim đánh thức Tường Lan dậy.  Căn nhà ngay chỗ bến đậu xe tour bus có triển lãm về lịch sử của White House, Kim đưa Hoàng và Tường Lan vào xem hình chụp và một đoạn phim ngắn nói về lịch sử Nhà Trắng, rồi ba đứa bắt đầu đi bộ về hướng White House.  Tường Lan nhìn những bồn hoa tulip màu vàng, màu cam, màu đỏ ở quảng trường gần đó, thích vô cùng, trầm trồ khen hoa đẹp.  Những hàng cây trong vườn dọc theo hàng rào bọc lấy White House trở đầy hoa, những cành hoa trắng có nhụy đỏ và hồng đậm, những hàng cây kéo dài tít tắp trong tầm mắt của Kim.  Kim lấy máy hình ra, chụp cho Hoàng và Tường Lan mấy tấm ở trước những hàng cây đầy hoa này.

White House nằm ở tít phía xa, du khách đến thăm chỉ đứng ở ngoài hàng rào mà nhìn.  Có thể kiếm được vé vào bên trong White House và được dẫn đi thăm phòng này phòng kia, Kim biết vậy, nhưng gấp gáp quá, Tường Lan và Hoàng qua chỉ có chưa tới một ngày, thời gian ngắn ngủi quá.  Kim chụp hình cho Hoàng và Tường Lan, báo trước là lấy cận ảnh thì mặt Tường Lan sẽ to, còn White House trong hình có một chụt xíu thôi đó nghe, và nhận được nụ cười giòn tan của Tường Lan.

Ba đứa đi bộ trở lại trạm metro Federal Triangle.  Kim rủ Tường Lan và Hoàng đi uống nước trước khi về nhà.  Bước vào một building dối diện trạm metro Kim biết có Food Court, ba đứa gặp một người security officer chặn lại hỏi giấy tờ.  Giấy tờ" Kim đưa driver's license của mình ra.  Kim hỏi Tường Lan có đem passport không, và Tường Lan nói có, đưa passport ra.  Hoàng không đem passport theo.  Kim nói với người security officer là Kim và hai người bạn định vào Food Court mua nước uống, và ông ta đồng ý cho đi vào.  Kim định đùa nói là dáng Hoàng không có vẻ gì là terrorist nên mới được cho đi qua dễ dàng như vậy, nhưng Kim không nói.  Hồi nãy vào căn nhà xem triển lãm và phim về White House, khách vào cửa phải đưa túi xách qua máy rà, và bản thân phải đi qua metal detector, bây giờ vào đây thì phải xuất trình giấy tờ cho nhân viên bảo vệ, Hoàng và Tường Lan nói với Kim là sao bên Mỹ kiểm soát an ninh kỹ vậy.  Chỗ này là nơi nhân viên làm cho nhà nước ở mấy cơ quan kế bên vào ăn, có lẽ vậy mà an ninh kiểm soát kỹ lưỡng đó thôi, Kim nói.

Mấy tô phở ăn hồi sáng sớm đã qua cầu gió bay hồi nào mất rồi, Kim hơi thấy cồn cào trong bụng và nghĩ rắn chắc Tường Lan và Hoàng cũng đói.  Food Court bốn giờ chiều đã vắng người, căn phòng rộng mênh mông chỉ có lác đác vài người ngồi ăn, nhưng các quầy thức ăn còn mở cửa.  Ba đứa đến chỗ bán hamburgers, Kim để Hoàng và Tường Lan đọc bảng liệt kê các món ăn và tự order đồ ăn, lòng thầm nhủ Hoàng làm ở một công ty xe hơi của Nhật ở Việt Nam và Tường Lan đi nước ngoài dự hội nghị đều đều thì dư sức order mấy cái hamburgers.  Khác với điều Kim nghĩ, Hoàng và Tường Lan đứng nhìn cái bảng thực đơn lâu lắm, rồi order đồ ăn cũng mất khá nhiều thời gian, Kim phải đến và phụ đề Việt ngữ chút đỉnh để mọi chuyện được suôn sẻ.  Hóa ra là Hoàng và Tường Lan chỉ ăn đồ ăn Việt Nam và không hề ăn hamburger!

Trên đường Kim lái xe về nhà, Tường Lan gục đầu vào vai Hoàng, hai người ngủ gà ngủ gật trên xe.  Đến nhà, Kim đánh thức hai bạn.  Hoàng và Tường Lan vào nhà, lên lầu, cả hai người đều không mở mắt lên nổi, chỉ gật gật đầu khi nghe Kim nói sẽ đánh thức bạn dậy cỡ 8 giờ tối để đi ăn.  Bảy giờ tối chồng Kim đi làm về, hỏi Kim bạn em đâu rồi, và Kim chỉ lên trên lầu, nói với chồng là vợ chồng bạn em đi ngủ rồi.

Bảy giờ tối, tám giờ tối, Hoàng và Tường Lan vẫn ngủ say sưa.  Chồng Kim nói chắc mình phải gọi nhà hàng cancel thôi, em nghĩ sao.  Chắc là vậy thôi, Kim nói.  Chín giờ rưỡi đêm, bạn Kim vẫn còn ngủ.  Chồng Kim gợi ý chắc là mình phải nấu cái gì cho bạn em ăn tối, chứ không lẽ để bạn em ngủ đến sáng hôm sau hay sao.  Mười giờ đêm, Kim lấy vỉ thịt bò đông lạnh trong freezer ra, bắt đầu bỏ vào nồi xào, và nấu một nồi nước sôi để trụng spaghetti.  Mười giờ rưỡi đêm, Kim lóc cóc lên lầu, gõ nhẹ cửa phòng của Tường Lan và Hoàng, mời vợ chồng bạn xuống ăn tối với vợ chồng mình.

Buổi ăn tối diễn ra, không phải ở một nhà hàng Việt Nam ngoài khu Eden shopping center như Kim thầm tính, mà là ở tại nhà Kim, vợ chồng Kim và vợ chồng Tường Lan cùng ngồi ăn spaghetti Kim nấu dã chiến sau mười giờ tối.  Sau khi ngủ được hơn bốn tiếng Hoàng và Tường Lan đã tỉnh táo hơn lên. Tường Lan khen spaghetti sauce ngon, hỏi Kim sauce đó là sauce gì.  Chồng Kim không hiểu tiếng Việt và không nói được tiếng Việt, thành ra cả 4 người ngồi quanh bàn ăn đều sử dụng tiếng Anh.  Những câu chuyện trao đổi ở bàn ăn Kim nghe nó formal làm sao đó, bởi tiếng Anh của Kim, Hoàng và Tường Lan đều chỉ tạm đủ xài, không thể nói lanh chanh tếu tếu như tiếng Việt lúc buổi sáng này trong lúc ngồi trên xe, ăn phở hay đi dạo ngoài DC được.

Có biết bao nhiêu câu hỏi tự nhiên hiện lên trong óc Kim, nhưng Kim không thể hỏi Tường Lan trong lúc ăn tối bởi nếu Kim dịch ra tiếng Anh, nghe nó lẩm cẩm thế nào ấy.  Cái đình Sơn Trà gần nhà tụi mình, với cái miếu thở thần Hổ năm dưới gốc cây sung to thật là to, cái đình ngày xưa tụi mình còn bé mỗi năm có cúng đình lại đi ra đó xem hát bội, hai đứa nhóc ngẩn ngơ thán phục những diễn viên hát bội trên ngực có cái hoa vải tròn to thật là to, cầm trường thương, đoản kiếm múa vun vút, mũ mão uy nghi với những cái lông trĩ dài và cong vút, cái đình đó bây giờ có còn không"  Cái ngôi một của bà già Tàu trong hẻm ông Tiên Dược nằm gần nhà cô thầy Ba, căn nhà có cây mai vàng cao cả gần ba thước Tết nở vàng cả một góc sân, cứ mùa Tết là trẻ con trong xóm rủ nhau chơi lắc bầu cua từ sáng đến trưa trời trưa trật về nhà thế nào cũng có đứa ấm đầu, sốt, sổ mũi, cảm, ho, cái ngôi mộ đó còn không"  Mấy căn nhà ngoài đầu phố, căn nhà nào cũng có một tấm gạch bằng cuốn tập in hình cái hoa nhụy vàng, cánh mầu hồng, là màu xanh, lát ở tường phía bên trái của cửa ra vào, mấy căn nhà đó có còn không" Bao nhiêu nơi đã từng có dấu chân hai đứa lui tới, bao nhiêu người quen xưa, bạn bè, thầy cô, hàng xóm, bây giờ thay đổi ra sao, Kim muốn hỏi Tường Lan mà không nói được thành lời.

Ngày mai Tường Lan và Hoàng sẽ ra phi trường bằng xe taxi, Chồng Kim hỏi giờ bay, rồi chàng gọi một hãng taxi trong vùng hẹn giờ đến đón Hoàng và Tường Lan.  Cả hai vợ chồng Kim đều đi làm, Kim phải có mặt ở pharmacy lúc 9 giờ sáng, còn chồng Kim có một buổi họp ở sở lúc 11 giờ.  Vợ chồng Kim có thể đưa vợ chồng Tường Lan ra phi trường thật sớm, nhưng như vậy Hoàng và Tường Lan phải ngồi đợi đến 4, 5 tiếng đồng hồ, còn nếu dùng taxi thì vợ chồng Tường Lan có thể ngủ thêm vài tiếng.  Vài tiếng đồng hồ, nhưng quan trọng, bởi Hoàng và Tường Lan sẽ bay về lại Los Angeles, rồi tối ngày mai sẽ đáp máy bay về Việt Nam.

Ba má Tường Lan đã già, má Tường Lan trí nhớ đã sút giảm, mắt yếu đi rất nhiều, còn ba Tường Lan trí óc vẫn còn minh mẫn, ông cụ đã thôi không dạy thêm nữa và giờ chỉ kèm tại gia một đứa học trò duy nhất là cô con gái bảy tuổi của Hoàng và Tường Lan.  Tường Lan cho Kim coi hình con, bé Bảo Châu, cô bé tóc dài ngang vai có đôi mắt to trong hình giống Tường Lan hồi còn bé vô cùng, Kim nhận xét.  Hoàng đã đi ngủ, chồng kim cũng đã đi ngủ, chỉ còn Kim và Tường Lan thức và nói chuyện với nhau, những mẩu chuyện có khi không đầu không đuôi, người này nhớ chuyện này, người kia nhớ chuyện kia, nói hoài không dứt.  Ừ, email, thư từ trao đổi, nhưng cũng không bằng nghe được tiếng nói của bạn mình, thấy được bạn mình, mười bảy năm rồi còn gì nữa, gặp lại nhau mà cứ ngỡ là mơ.  Hơn một giờ sáng Kim đành phải chia tay với Tường Lan để đi ngủ, bởi ngày hôm sau Kim phải làm 11 tiếng ở pharmacy.

Kim thức dậy lúc 6 giờ sáng.  Sáu giờ rưỡi sáng, lúc Kim đang loay hoay trong bếp để ăn sáng thì Tường Lan cũng thức dậy và lò dò vào bếp.  Kim hỏi Tường Lan ăn sáng không, mở tủ lạnh chỉ cho Tường Lan mấy món chồng Kim mua để vợ chồng Tường Lan dùng.  Cám ơn Kim và ông xã nha, nhưng mà tụi mình có đem theo đồ ăn rồi.  Đem theo đồ ăn" Món gì vậy kìa, Kim hỏi, mì gói, Tường Lan trả lời.  Mì gói""" Ừ, mì gói, Tường Lan nói.  Hoàng không quen ăn đồ ăn Mỹ, thành ra tụi này có một lô mì gói ở trong va-li, qua đây sáng nào mình với Hoàng cũng ăn mì gói hết, chỉ cần Kim chỉ nồi niêu, tô chén, muỗng đũa ở đâu là tụi này OK thôi.  Tường Lan cười giòn.

Kim nhìn Tường Lan.  Vẫn còn bao điều muốn nói, mà thời gian thì không có.  Sài Gòn trong trí nhớ của Kim mười bảy năm về trước bây giờ chắc đã khác xa lắm rồi, nhưng Tường Lan, cô bạn ấu thời của Kim, Tường Lan không có gì thay đổại trong cái nhìn của Kim.  Tường Lan vẫn vậy, đơn giản, nhẹ nhàng, vui vẻ.  Tường Lan không có cái vẻ bossy của người dưới quyền có cả trăm nhân viên, đi làm có tài xế lái xe hơi mỗi ngày đưa đón.  Tiếng cười của Tường Lan vẫn như ngày nào, những lúc hai đứa ngồi ăn chè ở đường Yên Đỗ, ăn đu đủ khô bò trên đường Hai Bà Trưng gần nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, hay đạp xe trên đường Trần Quý Cáp dưới những tàng lá me xanh mướt.  Bao kỷ niệm ào ào về trong óc Kim, gợi lại trong Kim hình ảnh một Sài Gòn, một Việt Nam mà Kim đã lìa xa.  Chuyến viếng thăm của Tường Lan thoạt đầu cứ như là viên kẹo ngọt vui, nhưng bây giờ sắp chia tay với Tường Lan thì tim Kim đau nhói.

Tường Lan và Hoàng sẽ về lại Việt Nam, về lại với căn nhà ở Việt Nam, với bố mẹ ở Việt Nam, với cô con gái ở Việt Nam, với công ăn việc làm ở Việt Nam.  Còn Kim"  Kim sẽ quay trở lại với cuộc sống của mình trên đất Mỹ này, ngày ngày lái xe đi làm, vào chỗ làm thì nói tiếng Mỹ với đồng nghiệp, với khách hàng, về lại nhà thì tiếp tục nói tiếng Mỹ với chồng.  Kim là người Mỹ ư"  Trên giấy tờ, có lẽ, bởi Kim đã tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ.  Trong tâm hồn, Kim vẫn coi mình là một người Việt Nam sống ở Mỹ, nhưng mỗi lần Kim nói với chồng suy nghĩ trên thì chàng lại không đồng ý.  Em là người Mỹ, chồng Kim chẳng định.  Nước Mỹ là Hiệp Chủng Quốc, the melting pot, em là US citizen, em là người Mỹ, như anh, như bao người Mỹ khác trên đất nước này.  Giải thích làm sao đây, khi lắm lúc Kim chảy nước mắt khi ngồi coi Paris By Night, một mình ở nhà vò võ nhớ Việt Nam, nhớ Sài Gòn quá đỗi.  Giải thích làm sao đây khi Kim bao lần đem ký ức về Việt Nam, về Sài Gòn đấu vào một góc tủ của tâm hồn mình, cố lấy chìa khóa mà khóa lại để không phải nhớ thương, lưu luyến, tiếc nuối, vấn vương"

Đến giờ Kim phải đi làm rồi.  Tường Lan ra đến cửa tiễn Kim.  Kim chúc Tường Lan và Hoàng lên đường bình an.  Lát nữa đây, Hoàng tỉnh giấc, Tường Lan sẽ nấu nước xôi nấu mì gói cho hai vợ chồng.  Lát nữa đây, xe taxi sẽ đến chở Hoàng và Tường Lan lên phi trường.  Lát nữa đây, chồng Kim sẽ thay Kim tiễn Tường Lan và Hoàng lên đường.  Lát nữa đây, Kim sẽ đến chỗ làm, điện thoại sẽ reo, khách sẽ đến pharmacy fill thuốc, Kim sẽ bận rộn tất bật.  Việt Nam, Hoàng, Sài Gòn, Tường Lan, Kim sẽ quên đi trong lúc làm việc, nhưng Kim biết buổi tối hôm nay và sẽ có nhiều ngày sắp tới, Kim sẽ nhớ, sẽ nghĩ suy nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, về quê hương thân yêu mình đã lìa xa, về bạn bè ở quê nhà, nhớ và nghĩ suy rất nhiều, rất nhiều.  Không thể trở về tắm trên cùng một dòng sông bởi nước sông đã chảy bao năm nay rồi, nhưng người xa xứ vẫn nhớ khôn nguôi con sông của tuổi ấu thời.

Kim lái xe đi làm.  Lúc quay xe ra, Kim nhìn lại thấy Tường Lan đứng dựa cửa vẫy vẫy tay.  Mười bảy năm Kim và Tường Lan không gặp nhau, giờ gặp lại chưa đến mười bảy tiếng đồng hồ.

Ý kiến bạn đọc
20/06/201703:18:16
Khách
Đúng là tình bạn thân, rất cảm động, cảm ơn tác giả nhiều
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến