Hôm nay,  

Nhớ Bạn 15 Năm Đổi Đời

25/05/200800:00:00(Xem: 273081)

Tác giả: Karen N. Nguyễn
Bài số 2308-16208285-vb2260508

Tác giả sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ và nhận giải vinh danh tác phẩm năm 2004. Loạt bài mới nhất của Karen N. Nguyễn là “Đón bạn trên đất khách” của cô, kể về một tình bạn từ thời học trò trước và sau đổi đời ở quê hương cho tới khi gặp nhau trên đất Mỹ. Bài thứ hai kể về đôi bạn 15 năm đổi dời, 1975 - 1990.
 
Sau 30 tháng tư năm 75, ngôi trường Thiên Phước của các soeur đổi tên thành trường Hai bà Trưng, có hiệu trưởng mới, các soeur không còn được giảng dạy nữa.  Tường Lan đi học không còn mặc áo đầm hồng, mà chuyển sang áo sơ-mi trắng, quần đen.  Phần Kim, trường Kim học cũng đổi tên, từ Gia Long đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai, tên một nữ cán bộ cộng sản.  Năm học mới, Kim mặc áo dài cũ đi học một thời gian, sau đó áo dài Kim cũ, rách, Kim cũng đổi sang mặc áo sơ-mi trắng, quần đen.

Kim không còn tập Cogido để xài, Tường Lan cũng không còn tập có bìa trước in hình mấy cô gái và bìa sau in truyện tranh nữa.  Thoạt đầu hai đứa còn có tập giấy trắng khá tốt để viết, mua ở cửa hàng bách hóa của phường.  Bìa tập có hình cô gái nông dân đầu quấn khăn mặc áo bà ba ngồi trên cái máy cày, một tay gác lên vô-lăng, một tay đưa lên cao vẫy chào, cười thật là tươi.  Một thời gian sau, Kim để ý thấy mấy cuốn tập có hình cô gái ngồi trên máy cày bỗng nhiên có mấy hình gì nho nhỏ ở trên đất dưới máy cày bị bôi đen thui.  Tường Lan nghe lóm người lớn nói chuyện, rồi thì thào nói lại với Kim là không thấy sao, trên mặt đất cạnh cái máy cày có mấy cục đá, nhìn tới nhìn lui giống y như cái sọ người, thành ra bị "nhà nước" lấy mực đen bôi đi đó thôi.  Rồi giấy trắng cũng hết, Tường Lan và Kim bắt đầu viết bài trên những cuốn tập giấy tái sinh, gọi như vậy vì giấy tập vàng khè, lẫn trên mặt giấy đôi khi còn có cả một cọng rạ to tổ bố.

Những cây bút Bic Kim và Tường Lan dùng ngày nào bây giờ hết mực.  Không còn tiệm nào gần nhà bán viết Bic nữa.  Ngoài chợ bắt đầu có những người ngồi bơm mực vào viết Bic, một nghề mới sau 1975.  Viết bơm mực rồi dùng lại, có khi mực quá lỏng chảy tèm lem khỏi cây viết, có khi mực đặc quánh đông cứng ngắc trong cây viết, lắc mãi mà mực vẫn không chảy và cây viết trở thành "cây bút bi bị bít".  Kim và Tường Lan bắt đầu chuyển sang xài bút máy quốc doanh hiệu Hồng Hà và mua mực ở chỗ mà theo lời người bán thì đó là "mực Trung Quốc, tốt lắm", lúc rót từ cái can nhựa thật to ra cái bình mực nhỏ của tụi Kim.

"Chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy" bùng lên, Kim phải đốt bỏ nguyên tủ sách Tuổi Hoa thân thương của mình.  Nhà mình là nhà có người đi học tập, mẹ nói với Kim như vậy, mẹ biết con quý mấy cuốn sách lắm, nhưng giữ mấy cuốn sách này không tốt cho nhà mình đâu con.  Kim lòng đau như cắt xé mấy trang bìa của tập san và sách Tuổi Hoa, những bức hình của họa sĩ Vi-Vi vẽ những cô gái tóc dài, mặc áo dài, mắt to thật to, đem giấu dưới gầm tủ, còn lại đem đốt, nước mắt Kim chảy không chỉ vì khói xông cay mắt, mà còn vì Kim thấy cả một phần tuổi thơ yêu dấu của mình, một góc trời mơ mộng trẻ con thuở nào của mình bị đốt bỏ chẳng tiếc thương.  Giã từ sách Spirou, giã từ chuyện Mickey, giã từ tập san Lisette, giã từ truyện Tintin, giã từ à

Ba Tường Lan là giáo sư trung học dạy Toán, sau 75 ông vẫn tiếp tục đi dạy.  Má Tường Lan sau 75 không còn làm dược sĩ cho một hãng bào chế trên đường Hai bà Trưng nữa, tiệm thuốc tây của bà cũng bị đóng cửa, giờ bà trở thành hội viên của một tổ hợp mây, tre, lá.  Kim đến nhà Tường Lan chơi thấy ngổn ngang những sợi mây, những bó lá, và một lô khay, giỏ đan rồi chất đống ở góc phòng.

Sau 75, Kim và Tường Lan bỗng thấy mình có nhiều thời gian để rong ruổi phố phường Sài Gòn trên hai chiếc xe đạp mini.  Cuối năm lớp 8, một ngày cuối tuần nọ, Tường Lan với Kim đi ra chợ Sài Gòn chơi.  Gởi xe đạp xong, hai đứa tung tăng đi coi sách ở nhà sách Khai Trí cũ, giờ đổi thành một nhà sách quốc doanh, rồi băng qua đường đi coi những món hàng lèo tèo bán ở cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố, chủ yếu là coi mấy cái hộp viết bằng gỗ thông thon dài có chạm lửa hình mấy cô bé tóc dài mắt to trên nắp hộp.  Kim có đeo theo người cái túi xách nylon màu xanh nước biển sậm, có hình con mèo màu trắng mũi đỏ trên nắp túi.  Đeo làm điệu, chứ cũng chẳng có gì đáng giá trong túi ngoài một cái ví da rỗng tuếch có chút tiền còm và hai cái phiếu gởi xe đạp của Kim và Tường Lan trong đó. 

Đến chiều, chuẩn bị về lại bãi gởi xe, Kim sờ túi mới hay cái túi đã bị đâm toạc một đường dài, cái ví đã không cánh mà bay!  Không có phiếu gởi xe, Kim với Tường Lan không lấy được xe đạp ra khỏi bãi!  Kim ngồi lại ở bãi gởi xe để giữ hai chiếc xe đạp, còn Tường Lan chạy bộ từ chợ Sài Gòn về nhà để báo hung tin cho má Kim và má Tường Lan.  Tìm hóa đơn mua hai chiếc xe đạp mini của Kim và Tường Lan là chuyện mò kim đáy biển, hai bà má lặn lội đạp xe ra chợ Sài Gòn để phân trần, giải thích chuyện con mình bị rọc túi xách, mất phiếu gởi xe.  Phải đến tối, xe đạp gởi lấy hết, bãi giữ xe đóng cửa, chỉ còn lại hai chiếc xe của Kim và Tường Lan, người giữ bãi xe mới cho lấy xe ra.  Về sau nhắc lại chuyện này, Tường Lan hay cười nói với Kim là kỷ lục chạy bộ từ chợ Sài Gòn về chợ Tân Định của mình chắc khó mà có người phá nổi!
Kỷ lục chạy bộ đó ngay cả Tường Lan cũng không phá nổi bởi năng lượng tích trữ trong người chỉ có đi xuống chứ không nhích lên được khi thức ăn không được dồi dào.  Một dạo, mỗi buổi sáng mỗi đầu người trong nhà được nửa ổ bánh mì, cứ xách sổ hộ khẩu ra nhà của bà tổ trưởng phụ nữ ngoài đầu xóm mà lãnh.  Bột mì viện trợ của nước bạn Liên Xô, nghe đồn như vậy.  Rồi bánh mì gết.  Rồi chất lượng gạo mua hàng tháng tệ hơn, ngày càng thêm nhiều bông cỏ, nhiều con sâu gạo mập ú bò lổm ngổm trong gạo.  Rồi gạo cũng ít đi, thay thêã bằng bo bo, bằng khoai mì, bằng khoai lang, bằng mì sợi.

Lên lớp 9, cuối năm Kim vàTường Lan phải thi chuyển cấp, thi 2 môn Văn và Toán, đủ điểm thì mới được vào cấp ba.  Kim học Toán rất bết, Tường Lan cũng không thích thú gì với môn học này.  Ba Tường Lan những lúc rảnh rỗi quyết định kèm Tường Lan học Toán, và ông nói với Tường Lan là nếu Kim muốn thì đến học cho Tường Lan có bạn.  Những bài toán hình học khô khan, những bài đại số nhức đầu, dưới lời giải của ba Tường Lan, bỗng chốc trở nên dễ dàng, dễ hiểu vô cùng trong trí óc của Kim.  Kỳ thi chuyển cấp đến, Kim và Tường Lan đều làm Toán khá tốt.  Từ 2 đứa học trò là Kim và Tường Lan buổi ban đầu, ba Tường Lan sau đó nhờ đóng mấy bộ bàn ghế và gắn cái bảng đen thật to ở nhà, bắt đầu dạy Toán luyện thi tại gia ngoài giờ đi dạy.
Tình cờ, Tường Lan được chuyển vào học lớp 10 cùng trường với Kim!  Lớp 10 bắt đầu chia bạn A, B, C, D.  Ban A chuyên về Văn, Sử, ban B chuyên về Văn, Sinh Ngữ, ban C chuyên về Toán, Lý, ban D chuyên về Hóa, Sinh Vật.  Xếp vậy thôi, chuyên về môn nào thì mỗi tuần có thêm vài giờ học môn ấy, còn lại thì học giống nhau cả.  Tường Lan học bên ban C lớp Pháp văn, Kim học bên ban C lớp Anh văn, nhưng hai đứa bây giờ có thể cùng đi học chung buổi sáng, cùng đạp xe về chung buổi trưa.  Những câu chuyện Kim kể về cái hồ bơi thật to ở gần thư viện, những hàng cây hoa sứ trắng dọc hàng rào trường, hai cái bàn bóng bàn ở gần sân thể thao, mấy cây mít trĩu trái trong sân trường, cây phượng thật to đến mùa hè thì hoa nở đỏ ối cả một khoảng trời.  Bây giờ thì đến phiên Tường Lan thấy tận mắt.  Hông chùa Xá Lợi với những xe bán bò bía, đậu đỏ bánh lọt, ổi, xoài, cóc bây giờ lâu lâu lái có bóng của Kim và Tường Lan ghé qua.  Lâu lâu ghé qua, bởi hai đứa không có tiền túi rủng rỉnh như ngày nào.
Học sinh ngoài giờ học có thể tham gia vào nhiều tổ lao động khác nhau ở trường, tổ sửa máy may Sinco, tổ mộc, tổ đan móc, tổ may, tổ đồ dùng dạy học, tổ thư viện v.và Kim và Tường Lan xin vào làm ở thư viện của trường vì hai đứa đều thích đọc sách.
Thích đọc sách, nhưng thư viện cũng chẳng có nhiều sách để hai đứa đọc.  Đại đa số sách trong thư viện là sách giáo khoa.  Đầu năm học, dưới sự hướng dẫn của hai cô phụ trách thư viện, học sinh trong tổ thư viện bắt đầu xếp sách ra từng nhóm, phân chia theo cấp lớp, để phát cho học sinh.  Học sinh từng lớp, theo thời khóa biểu xếp ở thư viện, đến ngày đó giờ đó sẽ xếp hàng đi đến thư viện để lãnh sách, mỗi đứa lãnh một bộ sách để học trong năm, tụi Kim nhận lại sách, loại bỏ những cuốn quá rách, quá hư hao, rồi chất những sách còn dùng được vào kho theo từng khối lớp để chuẩn bị cho năm học tới.

Năm 1978, thành phố mở chiến dịch "cải tạo tư sản mại bản", Kim đang ngồi học trong lớp thì cả lớp được kêu ra tập hợp cùng các lớp khác ở sân trường để nghe về chiến dịch này.  Đạp xe về nhà sau giờ tan học, Kim và Tường Lan đi ngang qua chợ Tân Định, thấy vô số tiệm ở chợ có người ở phường bắc ghế ngồi ngay trước cửa tiệm, nội bất xuất, ngoại bất nhập.  Ngang qua tiệm trà Tăng Thục Ký, tiệm kem Bạch Tuyết ngày nào, cũng có người "đóng chốt" ở đó.  Những người làm ở phường "đóng chốt" nhiều ngày ở các tiệm ngoài chợ để kiểm kê hàng hóa trong đó.  Mấy ngày sau, Kim gặp Tường Lan, Tường Lan thuật cho Kim nghe là căn nhà ba tầng khang trang trên đường Lý Trần Quán đã bị ủy ban nhân dân tịch thu.  Ba anh em họ Vũ ở đó, Kim và Tường Lan có biết sơ sơ qua những lần họp tổ thanh niên, bỗng chốc trở thành người vô gia cư, căn nhà trở thành một trụ sở của ủy ban nhân dân phường.  Giấy gói trà của tiệm Tăng Thục Ký trở thành nguồn giấy in ronéo chủ lực của phường trong cả mấy năm dài, má Kim nhận xét và kể lại cho Kim nghe sau những lần lên phường xin giấy tờ để đi thăm nuôi ba Kim ở trại cải tạo ngoài Bắc.

Mùa hè, học sinh trung học như Kim và Tường Lan phải về sinh hoạt hè ở địa phương, chịu sự quản lý của địa phương, hết hè thì có đại diện chi đoàn ở địa phương nhận xét, phê bình, ký tên, đóng dấu vào sổ sinh hoạt hè.  Có năm thành phố tổ chức diệt chuột, Kim với Tường Lan đến một địa điểm phát thuốc diệt chuột trong phường thì thấy một núi thức ăn được đổ ra sàn nhà, cơm, mì bo-bo đủ loại.  Cả Kim với Tường Lan đếu không dám đảm nhận phần trộn thuốc chuột vào mớ thức ăn tạp nham này.  Có một cô gái Kim và Tường Lan có quen cùng học ở Thiên Phước ngày nào, nhà ở trong hẻm bán chuối gần cây đa thật to ở ngoài chợ đứng ra đảm nhận trọng trách đó.  Cô đeo khẩu trang, mang găng, ngồi xuống đổ gói bột thuốc chuột đen xỉn vào mớ thức ăn, rồi lấy tay trộn đều.  Sau đó nhóm thanh niên chia ra múc thức ăn tẩm thuốc chuột vào giấy, gói lại, mang đi gõ cửa phân phát cho từng nhà, mỗi nhà được 3 gói nho nhỏ.  Xin ông bà, cô bác, anh chị mở mấy gói này ra, để một ít nước bên cạnh, chuột buổi tối ra ăn thức ăn tẩm thuốc chuột, khát nước, uống nước vào sẽ chết ngay, Kim nhớ là tụi Kim được căn dặn phải nói như vậy.  Sáng hôm sau tụi Kim lại phải đi từng nhà để thu hồi mấy gói thuốc chuột.  Nhiều nhà đưa mấy gói thuốc chuột ra, còn y nguyên như lúc tụi Kim đem tới.  Những ngày sau đó, xác chuột chết xuất hiện đầy dẫy trên đường, công nhân vệ sinh hốt dọn không xuể.

Năm khác, về phường sinh hoạt hè, Kim, Tường Lan và các học sinh khác được giao công tác đi đến các nhà người Việt gốc Hoa sống trong phường để thăm hỏi.  Từng nhóm 2, 3 đứa được giao danh sách của một số nhà, rồi cứ theo đó mà đến.  Thăm hỏi"  Kim, Tường Lan và những người dân mở cửa nhà ra gặp tụi Kim đều biết chắc chắn phải trả lời như thế nào.  Không, làm gì có kỳ thị, phân biệt đối xử, chúng tôi rất là cám ơn Đảng và nhà nước đã hết sức quan tâm, giúp đỡ chúng tôi, ai cũng nói như vậy.  Một thời gian sau, Kim nhận xét, tiệm bán mì hoành thánh, bánh bao xíu mại ở gần nhà đóng cửa, một thời gian sau thì đổi chủ hoàn toàn.  Một căn nhà khác ngày xưa là tiệm chạp phô cũng một hôm khóa cửa im ỉm, mấy tuần sau cũng có chủ mới.  Những người từng ở đó đi rồi, đi bán chính thức, về sau Tường Lan nghe người lớn nói chuyện rồi thuật lại cho Kim nghe.

Năm Kim và Tường Lan học lớp 12, hai đứa ngoài giờ học ở trường bắt đầu đi học thêm để chuẩn bị thi vào đại học, trước nhà bao giờ cũng đông nghẹt xe đạp của học sinh.  Nhét thêm Kim và Tường Lan vào lớp là chuyện dễ dàng đối với ba Tường Lan.  Ngoài môn Toán, Kim và Tường Lan còn đi học thêm mấy môn khác để chuẩn bị thi vào đại học.  Tường Lan chọn thi vào Y khoa nên đi học thêm Hóa và Sinh Vật.  Kim chọn thi vào Bách Khoa nên đi học thêm Hóa và Vật Lý.  Đại đa số học sinh trong lớp 12 của Kim và Tường Lan đều đi học thêm như vậy.  Cứ sau giờ tan học buổi sáng ở trường là đứa nào cũng cắm đầu chạy về nhà lo ăn cơm để rồi chạy đến nơi học thêm, có khi một buổi chiều đi học đến 2 lớp, về nhà buổi tối mệt nhoài nhưng vẫn chong đèn học đến khuya lơ khuya lắc.

Phải cố học Kim tự nhủ, bởi chỉ có một cơ hội duy nhất trong một năm để vào trường đại học mà thôi.  Đến kỳ thi đại học, học sinh phải làm đơn ghi rõ trường đại học mình muốn vào, một trường duy nhất mà thôi, coi như nguyện vọng thứ nhất.  Nếu điểm không đủ vào đại học, nguyện vọng thứ nhì là trường cao đẳng nào, và nếu điểm tháo hơn nữa, nguyện vọng thứ ba là vào trường trung học chuyên nghiệp nào.  Nhìn danh sách các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, Kim và Tường Lan không có khái niệm gì hết, ghi đại.

Kỳ thi đại học đến, Kim lóc cóc đạp xe đạp đến trường Bách Khoa để thi, gia tài đem theo là cái phiếu báo danh có hình của mình, cục gôm, và mấy cây viết.  Lúc làm môn Toán, có một câu Kim phất hiện là ba Tường Lan đã dạy tụi Kim cách giải một bài tương tự như vậy mấy tuần trước.  "Bói đề", ba Tường Lan hay nói với Kim và Tường Lan là ông hay nghiên cứu bài thi những năm trước, rồi cố dạy cho học sinh cách giải các dạng bài đã cho, bên cạnh việc ôn tập kiến thức Toán lớp 12.  Kim đến nhà Tường Lan, khoe với ba Tường Lan là Kim nhớ lời ông dạy, Kim làm được môn Toán.  Trong nỗi hân hoan vì làm được bài của mình, Kim không để ý là Tường Lan không vui, không cười lộ cái răng khểnh phía bên trái như mỗi ngày.

Mấy tháng sau có kết quả thi đại học.  Kim đậu, còn Tường Lan thì không.  Kim bước vào cuộc đời sinh viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, còn Tường Lan ở nhà, tiếp tục đi học thêm quyết chí năm sau đi thi đại học tiếp.  Trường cao đẳng sư phạm gởi giấy nhận Tường Lan nhưng Tường Lan quyết định không trở thành cô giáo.  Má Tường Lan dạo về sau làm bánh bông kem cho sinh nhật, cho đám cưới, khách đặt hàng khá đông, và bây giờ thì bà có thêm người phụ tá khá đắc lực là Tường Lan.  Y khoa khó vào quá, Tường Lan nói với Kim, năm sau mình nhắm thi vào Nha hay Dược.
Con bé đó ký giấy từ cha nó, thành ra nó mới vào đại học được.  Mấy tháng sau khi vào đại học Bách Khoa ngành Hóa thì Kim được một người bạn cùng lóp nói nhỏ tin đó cho Kim hay.  Hóa ra là có tin đồn như vậy về Kim.  Không biết nguồn tin phát xuất từ người nào trong lớp, trong khoa, nhưng Kim không màng cải chính.  Cây ngay không sợ chết đứng, Kim nghĩ vậy, người ta nói xấu mình, mình chỉ có cách là ráng học để không rớt môn nào hết, để mỗi năm mỗi lên lớp.  Kim thuật cho Tường Lan nghe chuyện này, và nhận được cái nhìn đầy cảm thông của Tường Lan.

Trong môi trường mới, Kim không tìm ra được một người bạn thân thiết như Tường Lan để xẻ chia những niềm vui, những nỗi buồn.  Những người sinh viên ở trong khoa của Kim đại đa số cố lý lịch gia đình và bản thân tốt hơn Kim nhiều:  có người là đảng viên, bộ đội phục viên, có người là con cán bộ ngoài Bắc vào, có người gốc gia đình cách mạng đã từng nuôi dấu cán bộ hoạt động nội thành và dùng cơ sở in ấn của mình để in căn cước giả cho cán bộ trước 75.  Cả khoa chỉ có hai đứa là có bố đang học tập cải tạo, về sau Kim phát hiện.  Cùng hoàn cảnh gia đình, hai đứa đi học bắt đầu ngồi cạnh nhau, ra về đạp xe đi cùng đường, nhưng cô bé kia khá trầm lặng, không láu táu nhiều chuyện trên trời dưới đất như Kim với Tường Lan.  Chưa đến một năm sau, cô bạn mới của Kim một ngày nọ không đến lớp nữa.  Một ngày kéo thành một tuần, hai tuần.  Kim ghé nhà cô bạn hỏi thăm thì gặp mẹ của cô, bà nói nhỏ với Kim là cô đã đi vượt biên và đã tới một đảo nào đó, rồi đưa hết mấy cuốn sách giáo khoa của cô cho Kim.

Môn Triết Mác Lê-nin, ông thầy giáo dạy tụi Kim ra câu hỏi trong kỳ thi giữa học kỳ:  "Khi nhà tư bản trả lương cho công nhân đúng với sức lao động của người công nhân bỏ ra, nhà tư bản có bóc lột công nhân hay không""  Kim suy nghĩ, suy nghĩ.  Chà, sức lao động bỏ ra đáng giá bao nhiêu mà được đánh giá đúng mức, trả lương đúng mức như vậy, thì quả là lý tưởng rồi, vậy là nhà tư bản đâu có bóc lột công nhân, Kim nghĩ như vậy, rồi viết ngay chữ Không trả lời câu hỏi trên.  Nộp bài rồi, lúc ra về đạp xe đạp trên đường Kim mới nghĩ lại, rồi vò đầu bứt tóc tức tối vì mình mắc bẫy ông thầy.  Tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng đi đôi với áp bức và bóc lột, sao Kim không nhớ mấy giờ học chính trị ở trường mấy năm nay kìa"

Bài thi môn Triết Mác Lê-nin giữa học kỳ có mấy câu hỏi, Kim trả lời sai câu hỏi đó, nhưng chắc mấy câu khác Kim trả lời không đi lệch khỏi bài giảng của ông thầy nên cuối cùng Kim được tổng cộng 5 điểm, 5 trên 10, cơi như không rớt, hú vía!  Về sau Kim thuật cho Tường Lan nghe chuyện ông thây giải thích là sức lao động của con người có một giá trị thặng dư, thành ra nhà tư bản trả đúng sức lao động của công nhân thì vẫn là bóc lột, bóc lột.  Tường Lan cười quá xá, cảm ơn Kim về thông tin này, nói là nhờ vậy sẽ có cơ sở để lý luận với má Tường Lan xin lên lương, thêm tiền tiêu vặt sau khi phụ má trong dịch vụ làm bánh cưới.

Sau một năm học tới học lui Toán, Hóa và Sinh Vật, đầu quân ở mấy điểm dạy luyên thi và học ở nhà với ba mình, Tường Lan đậu vào trường Nha.  Hai đứa giờ học hai trường khác nhau, thời khóa biểu khác nhau, nhưng lâu lâu vẫn hẹn nhau đi coi xi nê, đi ăn chè.  Ngoài giờ học ở trường Nha, Tường Lan đi học thêm Anh văn buổi tới và bắt đầu chép nhạc trở lại.  Kỳ này trong cuốn sổ nhạc của Tường Lan là mấy bài hát của ban Beatles, Bee Gee, Boney M.

Dạo rạp Văn Hóa ở Đakao chiếu một cuốn phim bungari với người thủ vai chính là anh chàng diễn viên khá điển trai, người hùng Đê-a-nốp trong bộ phim truyền hình nhiều tập "Trên từng cây số" cũng của Bungari  chiếu trên tivi, Kim với Tường Lan gia nhập một dòng người dài ngoằng xếp hàng ngoài cửa rạp để mua vé coi.  Rạp chiếu bóng lấy dây kẽm gai ngăn thành một hàng dài dọc theo vách tường bên ngoài, ai đứng giữa vách tường và hàng rào kẽm gai này thì mới coi là hợp lệ để mua vé!  Người ở trong hàng xô đẩy nhau đã đành, người ở ngoài hàng lại muốn nhảy vào hàng ngang xương không phải xếp hàng lâu lắc.  Kim và Tường Lan trải qua bao nỗi gian nan mới mua được vé vào xem phim và về sau vẫn tự hỏi sao hôm đó bị đẩy vào hàng rào kẽm gai vô số lần, tay trầy mấy vết, mà không đứa nào về sau bị phong đòn gánh hết!
Lần khác hai đứa lặn lội ra Saigon đến rạp Rex, nay là rạp Bến Thành, để cố mua vé coi một cuốn phim Đông Âu có tựa đề là "Cánh Cửa Mở Rộng".  Nghe đồn là có vài cảnh tương đối "thoáng mát" trong phim, một điều hiếm thấy trong phim ảnh dạo đó, bà con chen mua vé đông khủng khiếp, chen lấn đến mức độ làm méo cả một cánh cửa sắt của rạp chiếu bóng.  Phải đổi tên phim thành "Cánh Cửa Mở Hẹp" mới phải, Kim với Tường Lan bàn với nhau khi thấy cửa rạp chiếu bóng mở he hé cho khán giả vào, và hai đứa bỏ ra về không chứng kiến được chuyện khán giả xô đẩy đến mức nào mà vẹo cửa rạp.  Về sau hai đứa cũng coi được cuốn phim đó ở một rạp chiếu bóng khác gần chợ Bến Thành và thấy là thiên hạ đồn đãi thổi phồng về cuốn phim này quá đỗi!

Mệt mỏi với chuyện chen lấn mua vé coi phim, Kim và Tường Lan bỏ chuyện đi coi phim qua một bên, mãi đến khi nhà hát Hòa Bình ở quận 10 khai trương, hai đứa mới đi coi phim trở lại.  Qua dịch vụ làm bánh đám cưới và bánh sinh nhật, má Tường Lan có mấy người khách quen hay biếu bà vé coi phim ở nhà hát Hòa Bình và một số nơi khác.  Nhờ vậy Kim và Tường Lan mới có dịp được thưởng thức phim "tư bản".  Vé coi phim loại này là phân phát trong nội bộ các cơ quan nhà nước chứ không có bán ra cho dân thường đâu,  Tường Lan nói với Kim.  Vé phân phối, lần đi coi phim Mỹ "Apocalypse Now" ở nhà Văn Hóa Pháp, hai đứa coi một lát thì đèn bật sáng, buổi chiếu phim kết thúc mà không có phần kết, cốt truyện lửng lơ con cá vàng không biết sẽ đi tới đâu.  Ban tổ chức chiếu phim không có nguyên cuốn phim hay muốn tự ý dục bỏ phần kết của cuốn phim mà vẫn tổ chức chiếu, Kim với Tường Lan bàn với nhau.  Đó là lần đầu tiên Kim với Tường Lan đi coi phim mà không coi được đến phần kết.
Rồi từ từ, Kim với Tường Lan coi được mấy phim Disney, phim "The Jungle Book" màu xam xám, xanh xanh, phim "Sleeping Beauty" cũng vậy.  Mãi đến khi qua tới Mỹ Kim mới phát hiện mấy cuốn phim đó ở Mỹ là phim màu, coi đẹp vô cùng, còn lúc ở Việt Nam Kim cứ nghĩ đó là phim đen trắng!  Những phim như "Vô Gia Đình", "Đắc Kỷ Trụ Vương", "Cuốn Theo Chiều Gió", hai đứa đi coi vào rạp chiếu bóng hay vào hội trường rộng mênh mông nhưng phải dán mắt coi phim trên một cái màn hình TV nhỏ xíu, nhìn từ xa hình ảnh và âm thanh mờ mờ ảo ảo, nhìn hoa cả mắt nhưng vẫn cố căng mắt ra mà coi, căng lỗ tai lên mà nghe.  Lần rạp Văn Hóa Đakao chiếu phim "Ben-Hur" của Mỹ, Kim với Tường Lan đi coi, hai đứa xem xong cuốn phim dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ thích quá ở lại coi thêm một lần nữa rồi mới chịu về bởi rạp cho vào bất kể giờ chiếu và vào được rồi thì không có ai soát vé hết!

Một số sách ngày xưa bị quăng bỏ, xé, đốt, bây giờ lại được xuất bản trở lại, bày bán ở các cửa hàng sách quốc doanh.  Quyển truyện dịch "Bố Già" từ tác phẩm Mỹ "The Godfather", năm lớp 10 có người bạn trong lớp có, Kim và Tường Lan muốn đọc, phải dấm dúi giấu trong cặp rồi lấm la lấm lét chuyền tay nhau, bị phát hiện là ra hội đồng kỷ luật vì coi sách cấm, bây giờ lại được bán trở lại.

Kim được Tường Lan dẫn vào trường Nha chơi, rồi được dắt qua trường Y, xem cái hồ nước có dạng như cái bao tử người ở trong trường.  Đến lượt Kim, hôm trường Bách Khoa tổ chức cắm trại ở trong trường, Kim rủ Tường Lan vào chơi.  Hai đứa đi coi văn nghệ ở bên khoa Hóa.  Mấy ngày sau, một anh học cùng khoa với Kim đến gặp Kim, hỏi dò Kim chứ cô bạn đi cùng với Kim tên gì, có cây si nào trồng trước cửa hay chưa.  Vậy là Tường Lan quen Hoàng, sinh viên Hóa Thực Phẩm năm cuối.

Kim ra trường với điểm khá cao.  Điểm cao, lý lịch xấu, kiếm việc làm không có.  Trường đưa ra danh sách những công ty cần người, Kim nộp đơn, chẳng thấy cơ quan nào kêu.  Kim trở thành người thất nghiệp, ở nhà ăn bám má.  Rồi Kim bắt đầu đi dạy kèm con cái của vài người quen cho qua thời gian.  Đến lúc Kim định chuyển sang học nghề làm bánh đám cưới với má Tường Lan thì một người bạn cùng khoa đến, nói là cơ quan của anh ta cần người có chuyên môn như Kim, Kim đến gặp thủ trưởng của anh ta và được nhận vào làm.  Cơ quan này, hóa ra là chỗ tạm dừng chân cho rất nhiều cán bộ nghiên cứu, họ đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh hay đi theo học bổng này kia một thời gian, trở về, rồi lại kiếm xuất đi nước ngoài để học và làm việc tiếp.  Xếp của Kim là đảng viên, tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp, tính tình khá dễ chịu và rất miệt mài với các công trình nghiên cứu muốn thực hiện, nhiều ý kiến muốn thử nghiệm, nhưng quân sĩ dưới quyền ông cứ thay đổi liền liền.  Với lý lịch như Kim, Kim sẽ không đủ tiêu chuẩn để tranh giành mấy xuất đi nước ngoài, mà Kim sẽ là người ở lại làm việc cho thủ trưởng.  Vậy cũng được, Kim nghĩ trong đầu, bởi muốn có bằng kỹ sư, phải đi làm cho cơ quan nhà nước 2 năm, thủ trưởng chứng nhận là làm việc tốt, đem giấy đó về trường mới được lãnh bằng.

Đến phiên Tường Lan tốt nghiệp trường Nha, Tường Lan phải khăn gói đi về tỉnh phục vụ ở phòng nha của một bệnh viện ở đó một năm.  Khóa trước đó, theo lời Tường Lan kể ai lập gia đình thì được miễn đi tỉnh phục vụ, các nữ sinh viên làm đám cưới quá xá cỡ trước khi tốt nghiệp để khỏi đi tỉnh.  Đến năm của Tường Lan, ai có gia đình vẫn phải đi, cô nào có con hay sắp có con mới được miễn.  Từ một tỉnh giáp ranh với biên giới Campuchia, Tường Lan viết thư cho Kim kể về chuyện mình về bệnh xá ở đó làm việc cùng một nữ sinh viên khác trong lớp.  Bệnh xá không có điện, Tường Lan kéo cái ghế cho bệnh nhân ngồi ra sát cửa sổ để thấy đường mà làm mấy cái răng bên ngoài.  Răng ở tít bên trong thì Tường Lan dùng đèn pin để soi.  Chỉ toàn nhổ răng thôi hà, Tường Lan kể, mấy trường hợp khó thì Tường Lan và cô bạn cùng làm, đứa cầm đục, đứa cầm búa để cạy lấy răng ra!

Đến lúc Tường Lan mở phòng mạch ở Sài Gòn và có bệnh nhân thường xuyên thì Kim nghỉ việc để nộp đơn xin đi theo chương trình HO.  Nộp đơn, nhưng bao giờ đi thì không biết được.  Kim đi học Anh văn buổi tối ở đại học Tổng Hợp, và tiếp tục cuộc đời đi dạy kèm trẻ em tại tư gia cho qua ngày.  Đại học Tổng Hợp có chương trình đại học khoa Anh văn buổi tối, tuần học 3 ngày, sau khi Kim ghi danh học một thời gian thì Tường Lan cũng ghi tên đi học.

Tết đến, Tường Lan với Kim năm nào cũng đi ra Sài Gòn xem chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ.  Thời trung học, hai đứa chụp hình ở chợ hoa chỉ đủ tiền đặt mua những tấm hình đen trắng nhỏ xíu xiu bằng nửa bàn tay.  Mùa xuân cuối cùng Kim còn ở Việt Nam, hai đứa mặc áo dài đi ra chợ hoa chụp hình kỷ niệm.  Đó là lần đầu tiên hai đứa mặc áo dài trở lại sau 1975.  Tường Lan mặc áo dài trắng có vẽ những chùm lan tím, Kim mặc áo dài xanh lá cây đậm có hàng dây leo vẽ chạy dài theo thân áo.  Kim cố thu vào trí óc mình hình ảnh những chậu mãn đình hồng hoa màu đỏ thắm, những chậu cúc đại đóa vàng tươi, những chậu hoa mồng gà ngất cao đầu kiêu hãnh, những chậu tắc trĩu trái uốn đủ kiểu công phu.  Trong nỗi buồn sắp phải xa rời Việt Nam, Kim vẫn còn nhận ra rằng Hoàng, người chụp hình cho Kim và Tường Lan hôm đó, Hoàng đứng cạnh Tường Lan mới xứng đôi làm sao.

Đêm cuối cùng trước khi Kim rời Việt Nam, Tường Lan chạy qua nhà Kim, rồi ngủ đêm ở nhà Kim.  Nhà trống hoác, bàn ghế giường tủ không còn gì cả, hai đứa nằm trên sàn nhà nhìn ánh trăng chiếu qua cây mận ở trong sân, nói chuyện trên trời dưới đất một hồi lâu rồi ngủ quên đi.

Bốn giờ sáng, nhà Kim ai nấy lục đục thức dậy để đi ra phi trường.  Cả nhà chất lên cái xe taxi chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất, Tường Lan chạy xe Honda theo sau.  Đến phi trường, làm thủ tục giấy tờ xong xuôi, Kim được phát một cái bảng tên đeo ở trước ngực.  Còn chút tiền trong túi, Kim nhờ một người thợ chụp hình ở sân bay chụp hình Kim với Tường Lan.  Trong tấm hình về sau Tường Lan đến phi trường lấy rồi gởi qua cho Kim, Kim mặc sơ-mi trắng sọc xanh nhạt, quần đen, tóc cột sau gáy, mang đôi giày nâu, còn Tường Lan tóc ngang vai, mặc quần tây màu xám nhạt có hai sợi dây đeo quàng qua vai, áo thun màu tím, mang đôi giày trắng.  Đó là hình ảnh cuối cùng của Tường Lan mà Kim còn nhớ khi rời Việt Nam.

Kỳ tới: Gặp Lại Trên Đất Mỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,617,258
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến