Hôm nay,  

Tôi Hết Bịnh Tiểu Đường

22/05/200800:00:00(Xem: 364793)

Tác giả: Hoàng Trần
Bài số 2305-16208282-vb5220508

Tác giả tên thật là Trần Minh Hoàng, 50 tuổi, qua Mỹ được 15 năm, hiện là nhân viên bưu điện tại Minnesota. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một tự truyện linh hoạt, hữu ích về bệnh tiểu đường loại hai. Mong ông tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.


Khi mới sáng tạo ra thế gian, thượng đế đã quên ban tuổi thọ cho các loài, vì thế chỉ sau một thời gian, trái đất bị chật chội vì quá đông đúc. Ngài đã điều chỉnh sự thiếu sót này bằng cách gọi các loài lên gặp ngài để nhận tuổi thọ. Ngài qui định là mỗi ngày sẽ ban 100 tuổi thọ cho ba loài khác nhau. Theo thời khóa biểu, hôm đó loài người, khỉ và lừa cử đại diện đi nhận tuổi thọ. Khỉ nhanh nhẹn nên mới sáng sớm đã tới nơi, được ban 40 nămtuổi, lừa chậm chạp hơn nhưng vì siêng năng, thức dậy từ sớm và đi không nghỉ nên đến sau khỉ không bao lâu và cũng nhận được 40 năm tuổi. Đại diện loài người vì hôm trước liên hoan khuya nên dậy trễ, trên đường đi hay dừng lại ngắm cảnh nên đến chiều mới tới nơi, dù muốn dù không chỉ nhận được 20 năm tuổi thọ. Từ đó loài người chỉ sống được đến tuổi hai mươi, cuộc đời đang tươi đẹp lại phải chấm dứt đột ngột. Cho nên loài người kéo nhau lên gặp thượng đế để xin thêm tuổi thọ. Thượng đế bảo:

- Qui định đã rõ ràng rồi, mỗi ngày ta chỉ ban 100 năm tuổi thọ, bây giờ các ngươi muốn thêm thì hai loài kia phải giảm lại, nếu như loài khỉ và lừa đồng ý thì mới được.

Ngài cho triệu tập đại diện của khỉ và lừa, khi nghe xong câu chuyện, lừa đáp ngay không do dự:

- Chúng tôi suốt đời mang vác nặng nề, cuộc sống chẳng có gì vui, sống đến 40 năm là quá nhiều, xin tặng loài người một nửa.

Khỉ cũng nói:

- Chúng tôi ngồi bốn mươi năm chỉ để nhăn mặt nhíu mày làm trò khỉ thì quá lâu, hai mươi năm quá đủ cho chúng tôi rồi, xin tặng cho loài người hai mươi năm.

Loài người nhận được thêm 20 năm tuổi thọ của loài lừa và 20 năm tuổi thọ của loài khỉ tặng nên tuổi thọ loài người được tăng thành 60. Do đó hễ ai chết từ sáu mươi trở lên trên bia mộ mới ghi là hưởng thọ, chết trước sáu mươi chỉ ghi là hưởng dương. Mà thật ra, tuổi thọ thực sự của loài người chỉ có hai mươi do thượng đế ban cho, nên sau khi sống hết 20 năm tươi đẹp của kiếp con người, ta sống tiếp hai mươi năm của kiếp con lừa, phải mang vác trên vai nhiều trách nhiệm nặng nề. Rồi sau bốn mươi tuổi ta tiếp tục sống cái kiếp 20 năm của con khỉ. Lúc đó sức khỏe giảm sút, người đau nhức khó chịu, bịnh hoạn phát sinh, ngồi đâu cũng nhăn như khỉ.

Tôi tưởng đó chỉ là một câu chuyện vui, hóa ra là có nhiều điều đúng với mình. Mãi mê cái kiếp con lừa đến nỗi có một lúc rảnh rang ngồi bấm đốt ngón tay mới hay mình đã sống được 4 năm cái kiếp con khỉ. Cho tới thời điểm đó, tôi vẫn là một con lừa siêng năng và khỏe mạnh, việc nặng nhọc gì mà các con lừa khác làm được là tôi cũng làm được. Bác sĩ và bịnh viện chỉ là nơi tôi ghé qua để chích ngừa, thử nước tiểu mỗi khi xin được việc mới hay để kiểm tra sức khỏe mà thôi. Tôi gáy thầm:

- Ta sẽ chẳng bao giờ mang cái bộ mặt khỉ của mình trình diễn cho bác sĩ coi đâu.

*

Người tính đâu bằng trời tính. Chỉ vài tháng sau là tôi hết gáy và hết tính chuyện cãi mệnh trời. Đó là vào một ngày mùa đông lạnh lẽo, tuyết rơi dày đặt. Tuyết vừa ngưng, tôi ra xúc cho sạch đường vào nhà xe để dễ đi lại. Bình thường sau khi làm việc người phải vã mồ hôi nhưng hôm nay lại lạnh run, một ly rượu mạnh chỉ làm ấm từ cổ tới bụng và người vẫn lạnh. Cái điệu này chắc phải xài tới phương thuốc bí truyền chữa bịnh rét rất công hiệu từ hai chục năm nay. May quá hôm đó là ngày thứ bảy, Má sắp nhỏ cũng vừa lau chùi dọn dẹp nhà cửa xong, đang ngồi đọc báo ở phòng khách. Tôi bước vào, nói bâng quơ:

- Lạnh quá, có ai rảnh sưởi dùm một tí không hè!

Một điều hiếm thấy nữa lại xảy ra trong ngày là được vợ sưởi hoài mà người tôi vẫn lạnh run. Thấy vậy bà xã mới sử dụng bài thuốc thứ hai là đi lấy cho tôi hai viên tylenol.

- Chắc anh bị cảm rồi, uống hai viên thuốc rồi trùm mền ngủ một giấc. Ngủ dậy làm một tô phở nóng hổi là khỏe ngay. Bây giờ em đi nấu phở nghen.

Ngủ dậy tôi thấy có khỏe ra một chút thật, nhưng lại khát nước kinh khủng, uống hết một lon nước ngọt vẫn không thấy đã. Cả ngày hôm đó hết uống lại đi tiểu, hết đi tiểu lại uống. Ngày hôm sau cũng vậy. Tối chủ nhật, bà xã cố sưởi ấm cho tôi một chút, bắt đầu sáng mai kẻ ca sáng người ca đêm mấy khi có dịp sưởi nhau cho mùa đông đỡ lạnh lẽo. Đến khi đạn dược được phóng đi tôi lại cảm thấy đau buốt chớ không có cái khoái cảm như thường lệ. Hai đứa tôi đều mang một thắc mắc trong đầu là không biết tôi đang bị cái bịnh quái quỉ gì từ hôm qua tới nay.

Cả tuần lễ đó người tôi cứ xìu xìu và bị những cơn khát nước đến cháy cổ hành hạ. Bây giờ trong tủ riêng ở hãng và cả tủ lạnh ở nhà chất đầy các loại nước giải khát. Hệ quả của những lon nước ngọt là những lần đi tiểu liên tục, và mỗi lần gần bà xã lại bị cái cảm giác đau buốt hôm trước.

Tôi nghĩ mình bị cảm cúm như mọi khi, nghỉ vài bữa là hết nên không đi bệnh viện. Vậy mà kéo dài gần tháng không bớt tí nào. Cho đến khi bà xã nói:

- Em mới đọc một bài báo nói đàn ông trên 40 dễ bị ung thư tiền liệt tuyến lắm. Anh đang có những triệu chứng bất bình thường, hay là đi khám bác sĩ để rủi mà có bịnh, chữa sớm chừng nào tốt chừng đó!

Cả hai đứa tôi đều không biết tiền liệt tuyến là cái quỉ quái gì nhưng nghe đến ung thư thì cũng quãi, thêm nữa thấy mình có vẻ như sắp bị "liệt", không chừng có dính dáng gì tới cái tuyến tiền liệt này chăng" Vậy là tôi gọi hẹn bác sĩ.

Tại bịnh viện, tôi gặp một nữ bác sĩ người Việt còn rất trẻ và nói tiếng Việt rất sõi. Bác sĩ mở cửa vào phòng khám sau khi y tá đo nhiệt độ, huyết áp, cân, đo cho tôi xong, cô nói rành rọt bằng tiếng mẹ đẻ:

- Cháu là bác sĩ thực tập ở đây, hôm nay chú có gì cần giúp đỡ nào"

Gặp được người mình đỡ phải ấp a ấp úng, tôi khai một mạch các triệu chứng của mình kể cả việc đau buốt khi nằm với...thím, rồi thêm:

- Chú có nghe nói đàn ông trên 40 dễ bị ung thư tiền liệt tuyến, không biết những triệu chứng trên có dính dáng gì tới bịnh ung thư đó hay không nhưng hôm nay chú cũng muốn khám thêm tiền liệt tuyến.

Cô bác sĩ... cháu đọc gì đó trong tập hồ sơ của tôi, suy nghĩ một hồi, cuối cùng bảo:

- Chú nằm xuống bàn khám này rồi cháu sẽ khám tuyến tiền liệt cho chú.

Khi đó tôi chỉ mặc trên người cái áo bịnh viện, dài tới đầu gối, bên trong độc cái quần lót. Bác sĩ đeo găng vào xong, kéo luôn cái quần lót xuống tận gối rồi nắn nắn, bóp bóp, ấn ấn vào cái bộ phận chỉ có của đàn ông trên người tôi. Trời đất ơi, tôi quê hết biết, cái mặt tôi lúc đó chắc là chẳng khác củ khoai sượng là mấy. Tôi mà biết trước cái tuyến tiền liệt nó nằm ở cái chỗ oái ăm như vậy thì đâu có khai ra làm chi với một cô bác sĩ trẻ lại là người mình nữa chớ! Biết trước như vầy chắc tôi phải coi hình mấy vị bác sĩ trong khoa trước rồi làm cái hẹn với một ông bác sĩ ngoại quốc tuổi sắp về hưu cho đỡ quê!

Khám xong, bác sĩ bảo:

- Sẽ có thêm một bác sĩ khác khám lại cho chú, chú ngồi chờ một chút.

Lại một nữ bác sĩ, lần này da trắng tóc nâu, dù sao cũng đỡ quê hơn. Nhưng tôi chợt hết hồn khi nhận ra không biết có phải mình dính ung thư thiệt rồi hay không mà phải có thêm một bác sĩ nữa khám lại cho chắc trước khi...tuyên án. Suy nghĩ vẩn vơ đến khi cô bác sĩ nhắc lại lần thứ hai lệnh bắt tôi phải nằm úp sấp trên bàn tôi mới nghe được. Lại một màng kéo quần lót xuống, tôi chợt thấy khó chịu khi hai ngón tay của bác sĩ nhấn sâu vào hậu môn. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh khi cái đầu đa sự của tôi nghĩ: "Thôi rồi, đã ung thư tuyến tiền liệt và chắc bây giờ lây luôn qua hậu liệt tuyến đây, cho nên mới đè ra mà khám cả phía hậu nữa!"

Hai cô bác sĩ đi ra ngoài thảo luận gì đó với nhau, tôi ngồi một mình trong phòng chờ tuyên án với bộ mặt rất...khỉ.

Cô bác sĩ người Việt trở vào, tuyên bố ngắn gọn:

- Tuyến tiền liệt của chú tốt, không có bịnh hoạn gì hết.

Người tôi nhẹ nhàng, bộ mặt khỉ rớt đâu mất! Cô lại nói thêm:

- Căn cứ vào những triệu chứng của chú, có thể chú bị tiểu đường loại hai. Nhưng phải thử máu mới biết chắc được. Để thử máu chú phải nhịn đói ít nhất 14 tiếng đồng hồ. Cháu sẽ viết phiếu yêu cầu xét nghiệm, ngày mai chú quay lại phòng thí nghiệm để thử và làm cái hẹn ba ngày sau trở lại gặp cháu để biết kết quả.

Dạo này tôi nghe nhiều tin tức về những người quen biết, tự nhiên đi khám mới lòi ra bịnh ung thư, chỉ vài tháng sau là đi đong nên thấy những dấu hiệu lạ tôi cũng ngại. Giờ nghe bác sĩ bảo tôi không bị dính vô cái bịnh ung thư nên thấy người nhẹ nhõm hẳn ra. Còn cái tên bịnh tiểu đường mà bác sĩ nghi tôi mắc phải thì tôi đã nghe qua nhưng xem chừng chẳng nguy hiểm và làm bệnh nhân chết sớm như ung thư. Bác sĩ còn bảo là tiểu đường loại hai nữa chớ. Xưa nay cái gì thuộc loại hai, loại ba đều là thứ tầm thường cả mà, chắc bệnh tiểu đường loại hai cũng chẳng đáng kể. Tôi như một gã tội phạm chuẩn bị nghe một bản án nặng bỗng tòa chỉ tuyên phạt vi cảnh vì tội đái bậy ở bờ tường nên thấy lòng nhẹ nhõm hẳn ra. Tôi yêu cầu:

- Nhưng trước tiên bác sĩ cho thuốc gì uống để chữa cái bịnh khát nước và đi tiểu liên tục, khó chịu quá!

Cô bác sĩ viết toa thuốc đưa cho tôi và dặn:

- Trước tiên chú đừng uống nước ngọt mà nên uống nước lọc thôi; không ăn những loại thực phẩm có nhiều đường như bánh kẹo; giảm lượng cơm và ăn thêm rau quả bù vào. Nếu thấy đói, đừng ăn nhiều một lần mà chia ra thành nhiều bữa, cách nhau vài giờ; nếu như thấy vẫn còn đi tiểu và khát nước thì mới sử dụng toa thuốc này.

Tôi thắc mắc:

-Tiểu đường loại hai có nguy hiểm không hở bác sĩ"

- Lượng đường trong máu của mình luôn luôn được điều chỉnh ở một mức cố định nhờ có insulin. Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh có triệu chứng là đường trong máu tăng cao, bệnh nhân không tự có đủ insulin để hạ đường máu xuống và do vậy cơ thể không tự điều chỉnh được nồng độ đường trong máu. Loại một thường khởi phát ở trẻ em và người trẻ tuổi, tế bào sản sinh ra insulin bị hủy hoại dần làm cho bệnh nhân thiếu insulin ngày càng nặng. Loại 2 thường khởi phát sau 30 tuổi. Cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng nó không được sử dụng một cách thích đáng.

- Bịnh có dễ chữa không vậy, bác sĩ"

- Bịnh này chưa chữa được hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để điều chỉnh cho thích hợp nhờ thuốc men, ăn uống, tập thể dục hay chích insulin vào cơ thể để hổ trợ thêm.

Lạ thiệt, tim người ta còn thay được, óc cũng mổ được, vậy mà chỉ có chút đường trong máu lại chịu thua. Về đến nhà tôi báo cáo cho bà xã ngay:

- Anh khai mấy triệu chứng khát nước, tiểu liên tục và xuống cân đột ngột là bác sĩ phán ngay anh có triệu chứng của bịnh tiểu đường.

Bà xã tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, sao kỳ vậy" Anh mập ù mà xuống cân hồi nào"

- Ờ, cân tại bệnh viện giờ còn 138 lbs thôi đó. Hèn chi dạo này mặc quần thấy lưng quần hơi rộng.

Cái mặt bà xã tôi trông chưng hửng khi nhìn kỹ lại ông chồng của mình! Cô nàng đâu có ngờ đấng phu quân bị giảm cân dữ vậy mà lại không nhận ra. Tôi cũng vậy, soi gương nhìn kỹ lại mình thấy quả thật có ốm đi nhiều. Mặt tôi không còn tròn trịa nữa, cái bụng múp múp cũng biến mất từ hồi nào và 2 cánh tay nhìn cũng khẳng khiu. Hèn chi giảm cân đến gần hai chục pounds. Chời quơi, vợ chồng ở với nhau ngày nào cũng gặp mặt mà lại không nhận ra điều này thật kỳ. Làm như nhìn nhau mà không thấy vậy đó. Mà ngay chính tôi bị ốm đi cũng không tự biết nữa thì trách gì bà xã.

 Nàng hỏi thêm cho biết chắc:

- Nhưng bộ ai bị những triệu chứng như anh cũng là bị tiểu đường sao" Phải kiểm tra gì thêm để biết chắc là bị bịnh này chứ. Còn cái bịnh tiền liệt tuyến gì đó anh có bị không"

- Ờ! Cho nên bác sĩ đã làm hẹn cho anh ngày mai đi thử máu. Còn cái bịnh tiền liệt tuyến thì không bị, đỡ quá.

- Em nghe nói bị tiểu đường phải ăn uống kiêng cử dữ lắm, có gì mình lên mạng tìm hiểu về bịnh này thử xem.

Đúng là thời đại thông tin, trên mạng thứ gì cũng có. Tôi dễ dàng có được đầy đủ tài liệu bằng tiếng Việt để hiểu thêm về căn bịnh mà mình có thể sẽ mắc phải.
Hóa ra bịnh này đã được phát hiện cả ngàn năm rồi chớ chẳng phải mới mẻ gì như si đa, ung thư... nhưng vì là một căn bịnh giết người chậm chạp trong yên lặng và không lây lan nên những người bình thường như tôi coi thường cũng phải! Điều đáng buồn là bịnh không thể chữa dứt hoàn toàn được như cô bác sĩ đã nói với tôi.

Chỉ nội một cái bịnh đái đường không thôi cũng đã có nhiều loại, càng đọc tài liệu càng rối tinh rối mù, thế mới biết tại sao để trở thành bác sĩ phải học lâu như vậy. Cuối cùng tôi chỉ đọc những gì có liên quan tới bịnh tiểu đường loại hai mà mình có thể bị, bịnh của những người đang khỏe mạnh bình thường bỗng khơi khơi lăn ra bịnh mà không hiểu tại làm sao! Chính các nhà khoa học cũng không biết hết những nguyên nhân gây ra bịnh, họ chỉ liệt kê một số những nguy cơ có thể đưa tới bịnh. Những liệt kê này tôi đọc mà không phục chút nào, nhiều cái không đúng với trường hợp của tôi nếu như tôi bị bịnh, có cái họ nói nghe không thông, này nhé:

"Người dư kí quá dễ bị đái đường, nhất là loại có thân hình trái bí. Cái này ít đúng cho tôi vì tôi không dư kí lắm. Thân hình tôi chỉ cỡ trái...dưa gang thôi.

"Ít hoạt động. Cái này cũng không đúng cho tôi luôn vì công việc làm của tôi tuy không nặng nhọc nhưng thuộc loại hoạt động nhiều. Ở nhà tôi lại thường dợt bóng bàn với cậu em, cũng vã mồ hôi chớ chơi đâu.

Điều mà tôi không phục nữa là họ nói, người ăn nhiều và thích ăn vặt dễ bị đái đường. Họ lý luận ăn nhiều là do stress mà stress lại sinh ra cortisol, cortisol làm giảm tác dụng của insulin vậy là sinh ra tiểu đường. Tôi không phục là không phục cái kết luận đầu tiên. Ăn nhiều mà sao lại gọi là do stress" Người ta vẫn xếp ăn là đệ nhất khoái mà. Người có khỏe mạnh và yêu đời thì mới ăn nhiều chứ! Ca dao tục ngữ đã chẳng nói:

Ăn được ngủ được là tiên

Không ăn không ngủ, mất tiền thêm lo.

Tôi vẫn nghe mấy ông bà già than thở như vậy. Nhưng nếu chuyện ăn nhiều dễ bị tiểu đường thì tôi không chạy thoát đi đâu hết vì tôi thuộc loại "Nhân chi sơ tay sờ cơm nguội, tính bổn thiện cái miệng thích ăn". Tôi ăn nhiều và ăn ngon miệng lắm.

Những dấu hiệu để nhận biết bệnh tôi đọc tới đâu toát mồ hôi tới đó, quả là đúng gần hết. Này nhé - Khát nước; tiểu nhiều; mất ngủ; hay cảm thấy đói, thèm ăn; giảm cân; mệt mỏi; nhìn không rõ, mờ mắt; các vết đứt, vết thương, lở loét không lành miệng; đau nhói dây thần kinh ở tay và chân.

Cái cách ăn uống mà bác sĩ dặn tôi chính là tóm tắt sơ lược cách ăn uống của người bị tiểu đường, chỉ với mục đích làm sao cho lượng đường trong máu đừng tăng nhanh đột ngột khiến cho cơ thể phải bài tiết ra bằng đường tiểu tiện. Tôi làm theo lời dặn và vài hôm sau không còn thấy khát nước và đi tiểu nữa, cảm giác đau buốt khi gần vợ cũng không còn. Vậy là chưa gặp bác sĩ, đọc tài liệu xong tôi nhận thấy mình bị bịnh tiểu đường là cái chắc rồi.

Một tuần sau tôi mới đi thử nghiệm máu và căn cứ kết quả thử nghiệm, bác sĩ xác nhận tôi bị tiểu đường. Cô bác sĩ viết toa thuốc, căn dặn cách thức ăn uống và tăng cường các hoạt động thể dục để giúp cơ thể tiêu thụ bớt lượng đường trong máu. Cái bịnh của tôi chỉ tóm gọn một câu là cơ thể đã mất khả năng tự động điều chỉnh lượng đường trong máu, bây giờ phải tự điều chỉnh lấy. Cái kiểu này chắc là y như diễn viên làm xiếc đi trên dây nghiêng bên nào cũng bị té, đường trong máu cao quá hay thấp quá đều nguy hiểm. Đường thấp quá sẽ bị xỉu, có khi còn đi luôn. Khi bác sĩ giải thích những hậu quả sẽ có thể xảy ra thấy cũng ớn lạnh. So sánh này có vẻ hơi khập khiễng nhưng tôi hình dung nó giống như cái cầu chì chính của đồng hồ điện trong nhà bị hư, ta không cẩn thận mà cứ xài điện thả cửa, khi cường độ dòng điện quá lớn, bị chập mạch thì nhẹ là cháy vài thứ đồ điện trong nhà, nặng là cháy nhà vậy.

Lượng đường trong máu mà không kiểm soát được có thể gây ra nhiều hậu quả cũngghê lắm như:

- Tổn thương thần kinh do tiểu đường thường thấy ở bàn chân và cẳng chân. Khi bị tổn thương này, dường như ta không có cảm giác của một vết thương, vết trầy sướt ở các vùng đó. Vết thương này có thể nhiễm trùng và gây ra một biến chứng nghiêm trọng. Chân có vết thương thậm chí có thể phải cắt bỏ để bảo vệ tánh mạng.

- Tiểu đường có thể gây ra tổn thương và làm hủy hoại các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc. Hậu quả là làm cho thị giác bị yếu đi, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

- Bệnh tiểu đường có thể gây ra những tổn thương ở mạch máu nuôi dưỡng thận và làm cho thận bị suy yếu các chức năng vốn có là lọc thải các chất độc cho cơ thể. Người bị suy thận do biến chứng của tiểu đường cần thiết phải chạy thận nhân tạo hoặc thậm chí ghép thận mới. Bệnh nhân bị tiểu đường có kèm theo cao huyết áp càng gia tăng nguy cơ bị suy thận. Suy thận có thể dẫn đến hôn mê do ngộ độc các chất độc mà thận không thải ra ngoài hết.

- Người bị tiểu đường rất dễ bị bệnh lý tim mạch và các tai biến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Vậy là bác sĩ làm cho tôi một cái thời khóa biểu để khám định kỳ những khoa có liên quan! Tôi còn được hai cái hẹn trong tuần -  một là để đi nhận máy đo đường huyết và học cách sử dụng máy; và hai là gặp các chuyên viên lo việc ăn uống cho người tiểu đường. Cái hẹn thứ hai này cần đưa vợ theo để hiểu cách thức mà đi chợ và nấu ăn.

Mỗi ngày tôi phải đo đường huyết hai lần vào buổi sáng và buổi tối, ghi lại kết quả để giao cho bác sĩ khi đi khám và nếu đường cao quá hay thấp quá thì tự động điều chỉnh cách ăn uống cho phù hợp.

Tại cuộc hẹn chỉ dẫn cách ăn uống, nghe đến khẩu phần ăn mà phát rầu! Lâu nay mỗi bữa cơm tôi thường ăn cỡ 6,7 chén; phở hoặc bún bò dứt đẹp 2 tô bự; chè thì phải nấu thật ngọt mới đã cái miệng. Bây giờ mỗi lần ăn cơm chỉ cho phép ăn một chén cơm thì làm sao mà chịu nổi. Ăn cái kiểu hạn chế này tôi thường xuyên đói meo và thèm ăn.

Ăn uống theo hướng dẫn, đo đường huyết mỗi ngày trước và sau khi ăn thấy tốt, sau 2 tuần tôi tăng khẩu phần lên dần dần với một nguyên tắc là giữ mức đường không vượt quá mức cho phép. Mà đâu phải chỉ có giữ mức đường trong máu mà còn phải tránh cả những thực phẩm làm tăng Cholesterol. Vậy là những món khoái khẩu xưa nay như cháo lòng, bún bò giò heo cũng vắng bóng trong các bữa ăn từ đó. Chè được thay thế bằng chuối, táo vì trái cây không có cholesterol, có nhiều chất xơ và sau khi ăn, các loại đường trong trái cây chuyển vào máu từ từ nên không gây ra cao đường huyết đột ngột. Nhưng cũng không được ăn một lần mấy trái chuối hoặc cam, xoài mà cũng phải ăn ít ít mỗi lúc thôi. Tốt hơn là cứ ăn cách khoảng một vài tiếng cho cơ thể có thời gian tiêu thụ từ từ các loại đường này. Vợ tôi còn mua về các loại chocolate và bánh kẹo đặc biệt "free sugar" nên tương đối tôi đỡ thèm ngọt. Vì chất đạm và xơ được khuyến khích nên bây giờ sau khi ăn uống theo khẩu phần mà vẫn còn thấy đói tôi có thêm một món ăn dằn bụng là món bánh tráng cuốn rau sống - chỉ là rau sống và dưa leo chứ không tôm thịt gì cả. Nghĩ thật ức! Ngày nào cực khổ không có đủ đồ ăn để dằn bụng, ngày nay thức ăn thừa mứa ra đó lại không được ăn. Ông trời chơi ngẳng tôi quá.

Nghe họ dặn dò vợ tôi cách thức chọn thực phẩm thấy cũng hơi phiền cho nàng, mua thứ gì cũng phải để ý tới lượng đường, lượng mỡ, lượng cholesterol, lượng calori... May mà chợ búa ở đây thứ nào cũng có ghi rõ cả.

Ngoài thực phẩm họ còn dặn dò cả cách thức chăm sóc bản thân: Sợ hệ thống thần kinh không còn đủ nhạy cảm, họ dặn là trước khi vào bồn tắm phải đo nhiệt độ nước, phải mang vớ 24/24 để bảo vệ chân. Hằng ngày phải xoa bóp chân cho máu được lưu thông đều đặn. Mục này là mục tôi thấy đã vì bây giờ mỗi lúc rảnh ngồi coi phim bộ hay coi truyền hình, được bà nhà xoa bóp chân cẳng thấy cũng "an ủi tuổi già" lắm.

Cái bịnh này làm ta tốn nhiều công phu thật nên tốt hơn hết là đề phòng. Cách hiệu quả nhất theo nghiên cứu của Mỹ là tăng cường thể dục và có chế độ ăn kiêng đúng cách.

*

Có bịnh hoạn mới thấy cái tình của bạn bè thật là quí, ai cũng gọi đến thăm hỏi, an ủi, khuyến khích. Rồi ai cũng có một phương thuốc trị bịnh tiểu đường nghe được ở đâu đó để bày vẽ. Nhiều khi tôi nghe mà rối như mớ bòng bong vì thấy chẳng có chút lý lẽ nào cả. Nếu ta cứ tin và làm theo các phương thuốc "nghe nói là hay lắm" đó không biết sẽ đi đến đâu mà chắc chắn sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Tôi thì cái nào phù hợp với nguyên tắc của bác sĩ mới làm theo.

Một anh bạn gọi thăm, sau khi nghe qua sự tình bèn kết luận:

- Thôi, từ nay chắc tui cũng hết dám ăn đường

- Trời đất ơi, đường đâu phải là chất độc! Anh không ăn đường thì cơ bắp lấy năng lượng đâu ra mà hoạt động. Vả lại anh đâu có bịnh, cơ thể sẽ tự động điều chỉnh cho anh thôi mà. Chẳng lẽ anh thấy hàng xóm bị cướp rồi bỏ việc không đi làm vì sợ bị bọn cướp để ý là nhà có của. Vậy thì anh cũng tiêu tùng như bị cướp mà thôi.

Không biết anh chàng nghe có lọt lỗ nhĩ hay không, chỉ cười hì hì! Tuần lễ sau vợ ảnh gọi phone méc vợ tôi:

- Ông xã tui nghe nói chồng bà bị bịnh tiểu đường, ổng bắt tui phải nấu nuôi cho cả nhà ăn vì nói là cơm gạo tạo nên chất đường glucose không tốt. Ổng muốn đề phòng trước cho khỏi bị bịnh.

Úi giời ơi, người ta thường nói "mất bò mới lo làm chuồng". Còn ông bạn của tôi thì chưa mua bò đã lo làm chuồng rồi. Thật là tội cái tội lo xa của hắn. Không cần hỏi bác sĩ tôi cũng suy ra được là gạo hay nuôi cũng đều là tinh bột thì có gì khác nhau đâu. Số lượng đường sinh ra đều giống nhau khi mình ăn một gram nuôi hay một gram cơm. Có lẽ là một tô nuôi bự cân nặng xấp xỉ một chén cơm vì nuôi rỗng ruột. Vì vậy ăn một tô nuôi ta sẽ cảm thấy no hơn vì nó nhiều hơn, con mắt bị đánh lừa mà thôi.

Một người bạn khác của tôi mách nước:
- Tui nghe nói gạo lức muối mè hay lắm vì trị được bá bịnh, hay là anh thử xem sao.

Tôi cám ơn rối rít vì cái tình của anh bạn rồi quên luôn cái phương thuốc này. Cái bịnh của tôi rõ ràng là nhạy cảm với thực phẩm, cái gì bỏ vào miệng sau hai tiếng đồng hồ là hấp thụ vào máu. Biểu tôi chỉ ăn toàn tinh bột, hai tiếng sau trong máu sẽ toàn là đường, cơ thể nào có biết là đường này sinh ra do gạo lức để chữa bịnh. Có thể món này trị bá bịnh nhưng không chắc trị được cái bịnh của tôi, nghe không có lý chút nào.

Rồi lại nghe được có một thứ rong biển bên xứ mình cũng trị được bá bịnh đến nỗi người Nhật qua tận nơi để săn lùng. Người mình nghe nói họ mua để làm thuốc trị bịnh, vậy là nhiều người cũng mua uống để trị bá bịnh và quả thật anh bạn đã dẫn chứng cho tôi một danh sách dài những người quen với anh hay quen với người quen của anh đã trị dứt nhiều thứ bịnh, kể cả ung thư, đái đường. Nghe thì nghe vậy chớ đọc báo thấy có thứ thuốc gì đó đã qua bao nhiêu là thử nghiệm, kiểm tra rồi mới sản xuất, vậy mà tung ra thị trường hàng chục năm mới phát hiện ra nhũng tác dụng phụ nguy hiểm của nó và phải thu hồi. Trăm nghe không bằng một thấy, thôi thì cho qua.

Cái chuyện nghe nói rồi bày lại thì nhiều lắm, nhưng thứ nào nghe dễ dàng, thích hợp như ăn khổ qua, uống cà phê tốt cho bịnh tiểu đường thì tôi theo liền. Gì thì khổ qua là món khoái khẩu của tôi mà. Canh khổ qua nhồi thịt, khổ qua xào trứng, khổ qua sống chấm mắm ruốc từ nay tôi được bà xã cho ăn mỗi ngày. Còn cà phê thì ngày nào cũng uống không bỏ. Món này tôi cũng khoái lắm vì cà phê này là cà phê ôm đó nhé. Dĩ nhiên là ôm bà xã chứ đâu có được ôm ai khác nhưng cà phê tự nhiên thấy ngon hết ý.

Một người quen bày tôi tập thể dục theo phương pháp "suối nguồn tươi trẻ" của các nhà tu hành đâu bên Ấn Độ, chính Ba tôi cũng tập theo mấy năm nay và khoe với tôi là mấy vết nám trên da đã lặn mất. Cái này tốt đây, vì mọi cử động cơ bắp đều tiêu hao năng lượng và đốt đi một lượng đường mà. Tôi tập theo đều đặn, hơn một năm sau, không biết có trẻ ra hơn chút nào không, chỉ thấy khi tiếp xúc với vài vị cũng không trẻ lắm vẫn lễ phép kêu mình bằng anh và một điều dạ hai điều thưa. Tôi cảm thấy hơi nhột trong mình nên thú thiệt:

- Tui được 46, chắc cũng xấp xỉ anh thôi. Xin đừng dạ, thưa nghe ái ngại quá.

Người ta ngạc nhiên hết sức:

- Trời đất, tưởng anh cũng 60 rồi chớ, vậy là nhỏ tuổi hơn tui mà.

Có lẽ tôi chỉ mới tập được có nửa đường chăng nên mới chỉ tươi chớ chưa trẻ!

*

Tiểu đường đúng là một căn bịnh chơi ngẵng người ta hết sức. Những thứ bịnh khác làm người bịnh bị yếu xìu, chẳng thiết ăn uống gì hết. Khi thấy thèm ăn và ăn được là một dấu hiệu đáng mừng vì đang hồi phục. Ngược lại, người bị tiểu đường chẳng những ăn được mà lại còn thèm ăn nữa là khác. Vậy mà ăn nhiều vô là sinh chuyện liền! Ăn uống là cái đệ nhất khoái trên đời của người ta, nhưng ăn cái gì cũng phải để ý để tứ xem bao nhiêu calori, bao nhiêu đường, bao nhiêu mỡ thì quả là cuộc đời mất vui! Chính cái hạn chế này lại làm cho ta có cái tâm lý thèm ăn nữa mới là phiền. Đã bịnh rồi mà cứ nhắm mắt đớp bừa  thì chỉ có khoái cái miệng chớ tai hại vô cùng. Không phải chỉ có số đường dư mà cả những thứ bổ béo cần cho cơ thể cũng trôi theo dòng nước tiểu mà đi luôn, người càng ngày càng teo lại vì thiếu dinh dưỡng. Thận, gan...làm việc overtime mà lại chẳng được trả gấp rưỡi như ta làm ở hãng cho nên không biết đến một ngày đẹp trời nào đó chúng gọi báo bịnh xin nghỉ bù vài hôm, khi đó thì ta chỉ có mà leo lên bàn thờ ngồi hít hơi nhang!

Để thực hiện được cái đệ nhất khoái này ta phải chơi gian một chút. Ai cũng biết là hoạt động cơ bắp sẽ tiêu thụ một lượng đường đáng kể, vì vậy tôi siêng năng chạy bộ và tập thể dục hằng ngày. Chiều về tôi ngồi vào bàn ăn có thể làm thêm một chén mà vẫn giữ được lượng đường ở mức cho phép.

Tôi uống thuốc trị tiểu đường bác sĩ cho độ một tháng, một hôm đang làm việc tôi cảm thấy tay chân bủn rủn, người mệt mỏi như không còn hơi sức. Nhớ lại lời bác sĩ, tôi đoán đây là hiện tượng đường trong máu xuống quá thấp nên uống nửa lon nước ngọt rồi nghỉ một lát thì người bình thường trở lại. Sau hôm đó, khi đi làm tôi mang theo dụng cụ đo đường huyết. Hiện tượng bủn rủn này xảy ra vài lần nữa trong vòng một tuần, tôi đo đường huyết quả nhiên thấy xuống thấp. Tôi gọi cho bác sĩ biết nên bác sĩ cho ngưng thuốc không uống nữa. Tôi tiếp tục theo dõi đường huyết sau đó thấy vẫn bình thường.

Đến lần thử máu ba tháng sau ở bệnh viện, bác sĩ cho tôi ngưng luôn thuốc trị cholesterol. Vậy là cách ăn uống và hoạt động thể dục của tôi cũng có được kết quả. Đúng là gần đây tôi thấy có khá hơn lúc mới phát bịnh là làm việc được lâu hơn mà chưa thấy mệt mỏi; vết đứt ở tay cũng mau lành hơn chớ không phải cả tuần lễ mà chưa liền miệng như trước.

Mỗi lần đi khám bác sĩ thấy đường huyết tốt, làm xét nghiệm ở bịnh viện cũng vậy cho nên sau mỗi lần khám bác sĩ lại giảm số lần thử đường máu từ ngày hai lần xuống tuần hai lần rồi một tháng vài lần. Lần lần tôi thấy mình khỏe mạnh bình thường lắm, nhưng nghe nói bịnh này là bịnh không chữa được nên ăn uống vẫn phải kiêng cữ và thể dục điều đặn. Có lần tôi nằm mơ thấy về Việt nam tới nhà cô bạn gái cũ chơi. Nàng nấu chè đãi tôi. Mùi chè và mùi ngọt của đường bốc lên thơm phức làm nước miếng cứ dâng lên trong miệng. Nhưng trong mơ tôi vẫn cứ nhớ tới bịnh tiểu đường của mình mà lắc đầu ngoày ngoạy. Nàng kéo tay tôi, ấn tôi ngồi xuống cạnh nàng và âu yếm cầm muỗng múc chè đút cho tôi ăn. Tôi lúc đó chẳng những chỉ nghĩ đến việc mình đang cấm kỵ với đường mà còn lo ngại vợ mình sẽ bắt gặp cái cảnh âu yếm này nên lấy hết can đảm xô người đẹp ra và vùng chạy ra ngoài. Nàng chạy theo, chụp vai tôi lay mạnh làm tôi giật mình tỉnh dậy. Hóa ra bà xã đang lay vai tôi và hỏi:

- Anh nằm mơ thấy gì mà xô em gần rớt xuống đất vậy" Lại còn ứa nước miếng đầy ra kìa!

Tôi kể cho nàng nghe giấc mơ của mình và bị nàng thương hại bảo:

- Anh này nằm mơ mà dại quá cỡ. Tranh thủ ăn cho đã thèm đi chớ. Và em cho phép anh ôm người đẹp trong mơ đó.

Tôi đúng là bị ám ảnh nặng. Bịnh tiểu đường cứ như một cái án treo lơ lửng ngự trị trong tâm trí tôi cả ngày lẫn đêm. Thức không dám ăn đã đành mà ngủ mơ cũng phải nhịn thấy có tội tôi không" Thành thử thân hình tôi cứ mảnh khảnh và chỉ cân nặng 140 lbs, không thể nào mập lên được và thần sắc thì tiều tụy héo hon trông thảm lắm.

*

Tôi chung sống hòa bình với bịnh tiểu đường được hai năm và chỉ mong sao được tiếp tục chung sống hòa bình với nó. Một ngày nọ đi khám định kỳ tôi không gặp lại cô bác sĩ Việt mà là một bác sĩ người Nga, tôi nhận biết nhờ cái âm "r" rất nặng của ông ta. Ông bác sĩ này đọc kỹ hồ sơ, đọc kết quả thử máu của tôi rồi đột nhiên tuyên bố:

- Anh không có bị tiểu đường!

Tôi tưởng mình nghe lầm, hỏi lại lần nữa cho chắc ăn, ông xác nhận lại. Ông ta bảo là qua các thử nghiệm máu năm ngoái và năm nay tôi là một người khỏe mạnh bình thường không có triệu chứng gì của cái bịnh hắc ám đó nữa.

Tôi ravề với một tâm trạng hân hoan, mừng rỡ như tử tội được tòa tuyên án miễn tội chết và tha bổng. Chiều hôm đó vợ tôi đãi một chén chè. Chè nấu bằng đường thật hẳn hoi chớ không phải đường hóa học như trước. Tuy vậy tôi vẫn còn dè chừng, ăn uống vẫn cẩn thận tuy không phải nghiêm ngặt như trước, và thỉnh thoảng vẫn đo đường huyết. Hơn một năm nữa tôi vẫn thấy khỏe như trước, và lên được mấy pounds. Thần sắc cũng tươi tỉnh chứ không héo queo như thưở còn bị mang án bịnh tiểu đường. Mới thấy tâm bịnh cũng ảnh hưởng dữ lắm.

Vợ tôi thỉnh thoảng lại nhắc chừng:

- Anh lấy cái hẹn đi khám tổng quát lại coi, đã lâu không đi bác sĩ rồi đó.

- Có đau ốm gì mà khám.

Bà xã phải năn nỉ:

- Kiểm tra lại mọi thứ cho chắc ăn đi mà, với lại người ta đã nói bịnh tiểu đường làm sao mà hết cho được. Kiểm tra thêm lần nữa coi sao, cẩn tắc vô áy náy mà cưng!

Tôi miễn cưỡng gọi xin hẹn bác sĩ, những người mà tôi kính trọng nhưng chẳng muốn gặp mặt tí nào. Tôi lại gặp ông bác sĩ người Nga năm trước. Nghe tôi yêu cầu, ổng bắt đầu nghe tim, nghe phổi, rồi nắn, bóp, gõ khắp người tôi, chỗ nào cũng hỏi có đau không, có khó chịu không. Từ đâu chí cuối tôi chỉ trả lời có một chữ "no". Khám xong ổng nói gọn:

- Mọi thứ tốt cả.

Rồi cười cười, hỏi nhỏ:

- Có phải vợ cậu bắt đi khám không"

Đúng y chóc! Nội cái câu chuẩn đoán này khiến tôi có đủ tin tưởng và phục ông bác sĩ này rồi.

*

Một người bạn của tôi, từ khi phát bịnh cho tới khi đi khám bác sĩ để chữa trị là ba năm, quá trễ nên bịnh đã chuyển biến sang giai đoạn nặng hơn. Anh ấy phải vừa uống, vừa chích insulin mỗi ngày. Khả năng tình dục cũng suy yếu rất nhiều, không biết do ảnh hưởng tâm lý hay do sức khỏe.

Còn tôi thật là may nhờ đến bác sĩ phát hiện bịnh sớm nên chữa trị đúng lúc và nay được lành bịnh. Bà xã cứ kể công:

- Nhờ em giục anh đi khám bác sĩ hoài chứ không ngày nay anh thành Nhạc bất Quần rồi.

Từ đó tới giờ thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn không hiểu nổi tại sao mình mắc bịnh rồi tự nhiên lại hết bịnh. Không biết cơ thể có phải như cái computer có thể restart lại sau một trục trặc nhỏ hay như mấy ông thầy chùa vẫn hay nói "sắc tất thị không, không tất thị sắc". Bịnh có đó rồi không đó, biết đâu mà nói. Lúc nào khỏe thì cứ vui vẻ cái đã!

*Trích dẫn tài liệu về bịnh đái đường trong web vps.org/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,252,069
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến