Hôm nay,  

30-4, Và Một Ngày Ở Phía Tương Lai

03/05/200800:00:00(Xem: 127516)

Tác giả: Nhà văn Đặng Thơ Thơ

Bài viết đặc biệt không dự giải

Từ năm 2011 sắp tới, sách giáo khoa lịch sử tại California sẽ có phần học về ngày 30 tháng Tư. Chỉ ba năm nữa thôi. Vậy từ bây giờ, nghĩ gì nói gì với con với cháu về ngày tương lai ấy. Đó là đề tài của bài viết đặc biệt này. Nhà văn Đặng Thơ Thơ là môt  trong những vị khách quí của Việt Báo trong buổi họp mặt phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2007. Do sự yêu cầu trong tình thân, bài viết được cho phép trích đăng lại trong Viêt Về Nước Mỹ, không phải để tham dự để giải thưởng.

   Sinh năm 1962 tại Saigon, Đặng Thơ Thơ từng biết ngày 30 tháng Tư và 10 năm sau đó ra sao, vì mãi tới 1992 cô và gia đình mới tới được Hoa Kỳ. Hiện sinh sống và làm việc tại Orange County - California, nhà văn từng cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề. Tác phẩm Đặng Thơ Thơ đã xuất bản: Phòng Triển Lãm Mùa Đông, tuyển tập truyện ngắn (Văn Mới 2002) Tác phẩm mở: Khi Phong Linh Vỡ - truyện dài. Hiện nhà văn cùng bạn hữu chủ trương tạp chí văn chương Da Màu trên mạng. Có thể đọc thêm nhiều bài viết giá trị khác của tác giả tại địa chỉ internet: http://damau.org

1

Tôi bắt đầu nghĩ đến 30 tháng 4 như một ngày ở phía tương lai, tuy thời điểm đó đã xảy ra vào 33 năm trước. Trên biểu đồ của hai trục thời gian và không gian, ngày 30/4 là một khái niệm di động và tương đối. Có lúc triệt tiêu, có lúc thặng dư. Nó đi lại giữa những cặp thái cực như trong nước và ngoài nước, chiến thắng và quốc hận, giải phóng và xâm lăng, cộng sản và quốc gia, chính nghĩa và trá ngụy, lịch sử và sự bôi xóa lịch sử...

Với nhiều người khác, việc chấp nhận 30/4 như một trang sử cần khép lại là điều bất khả. 33 năm vẫn chưa giải quyết được gì. Tuy chúng ta vẫn nói với nhau, rằng không còn gì để bàn nữa; nhưng rồi chúng ta lại tiếp tục viết và nói và tranh luận về nó. Thì tôi cũng vậy. Cũng nghĩ mình đã nói hết, đã rút ruột trút vào những truyện ngắn đã viết, với Mở Tương Lai là kinh nghiệm cá nhân, với Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản là suy nghiệm từ góc độ của một miền Nam bại trận và những người đã chết. Nên chấm hết đề tài này. Đã trả xong món nợ với quá khứ. Đằng nào thì cũng đã xong một tang lễ và một đám giỗ, và tôi cũng đã góp phần bánh trái nhang đèn trên bàn thờ văn học cho ngày ấy.

Đến gần cuối tháng tư, tôi yên tâm. Ngày 30/4 năm nay sẽ qua đi như mọi ngày. Trừ việc ra Tượng-đài Việt-Mỹ xem thiên hạ năm nay làm lễ. Ra Tượng-đài quanh quẩn ngắm những vòng hoa tang vây quanh ngọn lửa buồn vĩnh cửu, đọc những bài thơ tưởng niệm đặt trên bàn thờ, ngắm chân dung các quân nhân/ các vị tướng miền Nam đã tuẫn tiết. Sẽ là một ngày 30/4 rất riêng tư, chỉ để nhớ đến ngày này của 33 năm trước. Cũng có thể không cần nhớ, nếu không biết nhớ để làm gì.

Nhưng đến 27 tháng 4 thì tôi không yên tâm nữa. Đó là khi Cookie đặt cho tôi một câu hỏi. Cookie là con tôi, năm nay mười hai tuổi.

2

Cookie đang học lớp 6 trường Việt ngữ Hồng Bàng. Nó học chăm chỉ và tự nguyện. Mỗi cuối tuần nó ngồi cặm cụi làm bài tập tiếng Việt. Về điểm này nó hơi lạ so với những đứa bé Việt Nam cùng tuổi, tự hào về nguồn gốc, thích nói tiếng Việt. Nó khó chịu khi những người bạn Việt của tôi dùng tiếng Anh với nó. "Họ coi thường con. Họ nghĩ con không biết nói tiếng Việt. Họ coi thường cái thế hệ này." Đấy là nguyên văn, không thêm không bớt.

Và tôi để ý: Cookie nhấn mạnh cụm từ "cái thế hệ này".

Vào ngày 27/4 Cookie bảo tôi:

"Con phải viết về 30 tháng 4 để làm homework cho trường tiếng Việt. Mẹ kể cho con nghe ngày 30 tháng 4 đi. Mẹ nghĩ gì""

30 tháng 4 - hòa bình - nghĩ gì, nói gì" Tôi băn khoăn suy nghĩ như Nguyễn Mạnh Côn. Tất nhiên là nói được, nhưng biết chọn điều gì để nói. Tôi sợ bị ngộp giữa những ý tưởng đủ loại và cảm xúc bất chợt về ngày này. Tôi lên internet tìm vài trang mạng tiếng Anh có cái nhìn khách quan, tôi bảo Cookie:

"Con đọc đi, trong này có nhiều information lắm, con lấy ý để viết."

Cookie lắc đầu:

"Nhưng cô giáo nói mình phải hỏi bố mẹ mình rồi mình viết xuống. Mình phải viết một trang."

"Vậy thì con hỏi bố đi.

Bố biết nhiều về ngày này hơn mẹ."

Tôi đang bán cái 30/4 cho chồng tôi. Ngày 27 tháng 4 anh ấy còn trong không quân, còn điều khiển một toán trực đóng trong sân bay Biên Hòa. Quân miền Bắc lúc đó đã chiếm Long Thành. Anh ấy không nghĩ đến chuyện rút quân hay bỏ chạy: "Mình còn đất, còn căn cứ thì phải giữ chứ." Câu nói làm tôi muốn khóc. Tối hôm đó cộng sản pháo kích, hơn ba ngàn trọng pháo chung quanh căn cứ. Sáng ra phi trường không còn chiếc trực thăng nào. Quá nửa quân số biến mất như nước bốc hơi.

"Đúng, con nên hỏi bố, vì lúc đó mẹ còn nhỏ lắm, mẹ không nhớ gì nhiều. Bố đã đi lính. Bố đã là người lớn, bố sẽ nhớ nhiều hơn."

3

Tôi nhớ một câu nói của F. Scott Fitzgerald: "Một nhà văn cần viết cho tuổi trẻ của thế hệ mình, các nhà phê bình cần viết cho (tuổi trẻ của) thế hệ kế tiếp, và nhà giáo dục thì viết cho (tuổi trẻ của) mãi mãi về sau." (1)

Câu hỏi của Cookie bắt tôi suy nghĩ. Tuổi trẻ của tôi hay của con tôi" Tôi là nhà văn hay nhà phê bình" (tôi không muốn và cũng không đủ khả năng làm nhà giáo). Ngày 30/4 đã bị quốc hữu hóa trong nước. Ở ngoài nước ngày 30/4 đang bị cá nhân hóa đến độ khủng hoảng. Mỗi người Việt đều có một ngày 30/4 làm của riêng. Mỗi người viết đều muốn để lại một dấu ấn của mình trên nó. Cũng có những người muốn đồng hóa mọi ngày 30/4 cho phù hợp với ý niệm riêng của họ. Thử tưởng tượng, nếu bảo chúng ta chọn một hình ảnh - và chỉ duy nhất một - để làm biểu tượng cho ngày 30/4, chắc chắn không có tấm hình nào làm vừa lòng tất cả.

Làm sao có thể viết về ngày 30/4 trong giới hạn của một trang giấy" Nếu Cookie tiếp tục hỏi, tôi sẽ nói gì với nó về ngày này"

Có thể tôi kể chuyện cả gia đình đã trữ sẵn độc dược để tự tử khi cần thiết" Về những cơn trầm cảm của mẹ tôi" Về sự tuyệt vọng và bất lực của bố tôi" Về những người thân của tôi lần lượt bị còng tay bắt đi" Về tiếng đập cửa khủng bố ban đêm" Về cảm giác kinh hoàng của một đứa con gái 13 tuổi bị đẩy ra khỏi ngôi nhà của mình" Về khả năng mình sẽ chết đói ngày mai" Về việc bán trà đá ngoài bến xe và ngủ nhờ cầu thang cư xá" Về sự tàn bạo của đời sống có thể làm con người hóa điên" Tôi sẽ kể không dứt về những bi kịch của mình" Tôi sẽ nạn nhân hóa chính mình trong tư cách một chứng nhân" Tôi không muốn làm điều đó.

Nhưng thế hệ con tôi đang đối mặt với nó. Không chỉ từ những trung tâm dạy tiếng Việt. Dự luật AB 2064 sẽ được Quốc-hội Tiểu bang California thông qua. Các sách giáo khoa lịch sử và các tài liệu giảng dạy trong nhà trường sẽ phải nhắc đến chiến tranh Việt-nam, đặc biệt là Cuộc Chiến Mật ở Ai-lao. Dự luật cũng đòi hỏi tài liệu giáo dục phải ghi nhận vai trò của người Đông Nam Á trong chiến tranh, lịch sử và tiến trình của họ từ việc bị đàn áp, tù đày đến việc bỏ nước ra đi thành người di dân/ tị nạn trên đất Mỹ, như là hệ quả của cuộc chiến Việt-nam.

Bộ sách giáo khoa sẽ hoàn thành vào năm 2011. Từ lúc chiến tranh chấm dứt năm 1975 đến 2011 là 36 năm, thời gian để một đứa bé sơ sinh trưởng thành. Nhưng muộn còn hơn không. Năm 2011, lúc đó Cookie học lớp 10. Một ngày nào đó Cookie sẽ mở sách sử Mỹ và đọc về ngày 30/4. Cookie bây giờ cũng học sử Việt Nam đến đời nhà Trần ở trường Việt Ngữ. Từ đây đến năm 2011 Cookie sẽ đi từ nhà Trần đến năm 1975, bằng tiếng Việt và tiếng Anh trộn lộn.

Trong niềm hy vọng, rằng càng ngày lịch sử sẽ càng bao quát hơn và khách quan hơn; tôi sẽ chọn nói gì với cái thế hệ sau, thế hệ rất thương yêu, tập tành nói tiếng Việt, và sau này học lịch sử Việt do người Mỹ viết" Tôi sẽ chọn biểu tượng nào, tôi muốn tường thuật với mục đích gì, không kể việc viết một phiên bản mới về ngày 30/4 của chính mình trên các thế hệ sau"

Tôi sợ mình không nói hết, hay không nói đủ, hay nói mà không chạm được vào điều muốn nói. Luôn luôn có một khoảng trống giữa các thế hệ. Nhưng khoảng trống này quá lớn. Mà chỉ là khoảng trống của một ngày - một ngày mang tên 30/4.

4

Một ngày mà định mệnh xoắn lại, đột biến, và từ đó bắt đầu sự bành trướng những cơn đau. Đó là một ngày đã trở thành di sản dù muốn dù không. Cái ngày di sản mà thế hệ chúng tôi, ông bà, cha mẹ, và các thầy cô trường Việt ngữ muốn truyền lại cho thế hệ sau. Di sản đó là gì"

Tôi nghĩ đến điều tôi đã viết trong Mở Tương Lai:

Thế giới sau 30 tháng 4 không rõ ngày tháng nữa. Ngày 30 tháng 4 sẽ kéo dài rất lâu, nối mãi về sau, qua nhiều thập kỷ. Nếu chúng tôi sống lâu trăm tưổi thì nó cũng kéo dài hàng thế kỷ.Nó đi theo ký ức con người.

Tôi nghĩ đến độ mở của ngày 30/4. Nó khởi đầu như một cái chấm hết. Rồi từ từ cái chấm hết ấy lan tỏa ra những hướng đi vô tận vào tương lai. Rất nhiều định mệnh đã được thiết lập và xiết lại từ ngày ấy. Người thắng trận, kẻ chiến bại, người bất khuất, kẻ a dua, người lý tưởng cách mạng, dân kháng chiến nằm vùng, thành phần giải phóng miền Nam và tập kết, "bọn tàn dư Mỹ-Ngụy", thành phần phản động, những kẻ "phản quốc", tù cải tạo, đánh tư sản, kinh tế mới, vượt biên, thanh niên xung phong, di dân, tị nạn, hồi hương, biểu tình, trù dập, tranh đấu, đàn áp, phản kháng& Một chuỗi mắt xích liên tục trong 33 năm liền. Bài toán 30/4 chưa tìm ra đáp án. Đáp án không có ở ngoài nước. Đáp án càng bế tắc hơn trong nước.

Đối với những người không dễ quên; 30/4 là một bành trướng nhức nhối của thời gian, một phát tán khốc liệt của bệnh di căn. Trong Mở Tương Lai, tôi kể chuyện bà ngoại tôi bị ung thư nhưng chọn cái chết tự tử bằng thuốc độc. Vào đúng ngày 30/4 bà phân phát độc dược "cyanide" cho con cháu, để con cháu lấy đó làm vật giữ mình. Thuốc độc trở thành hình thức bảo hiểm nhân cách hữu hiệu nhất. Các khái niệm tương lai, cyanide, cái chết, ung thư là những ẩn dụ về một ám ảnh sẽ còn hoành hành mãi tận về sau. Nó dai dẳng bám vào ký ức và ăn loang như a-xít. Độ mở của nó tăng trưởng cùng vận tốc với sự tăng trưởng các tế bào ung thư. Và bệnh ung thư chỉ chấm dứt cùng cái chết.

Ngày 30/4 là căn bệnh ung thư tai ác nhất.

5

Chúng tôi xem lại cuốn phim Vượt Sóng (2) để Cookie lấy ý viết bài. Tôi in bài viết Về Một Ánh Mắt ngày 30 tháng 4 của Phùng Nguyễn, rồi hai mẹ con cùng ngồi đọc. Bài này ngắn, chủ đề tập trung và cách viết trong sáng, tôi nghĩ tương đối dễ hiểu đối với Cookie. Thỉnh thoảng tôi giải thích các khái niệm Quân Đội Nhân Dân, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Y Viện & Cookie có vẻ băn khoăn về số phận của bảy người lính Biệt Kích Dù trong bài.

"Họ có bị chết không"

Chắc là họ định tự tử."

"Mẹ không biết. Khi nào gặp bác Phùng Nguyễn con nên hỏi. Có thể Phùng Nguyễn biết."

"Ngày 30 tháng 4 mình có ra Tượng-đài không""

"Có chứ."

"Cô Hương có đi với mình không""

(trong 3 năm liên tiếp từ 2004 đến 2006 Nguyễn Hương và tôi đều ra Tượng đài vào dịp 30/4. Tôi dẫn Cookie theo. Chúng tôi không hẳn tham dự, mà phần lớn chỉ quan sát buổi lễ và trao đổi với nhau vài cảm nghĩ. Cookie mang gameboy ra chơi giết thì giờ. Ký ức về ngày 30/4 của Cookie sẽ luôn có Nguyễn Hương trong đó)

6

Tôi nhớ đến một vở kịch đã xem có nhan đề “Quê Hương Trong Tôi.”

Người phụ trách chương trình Trâm Lê và và đạo diễn Uyên Huỳnh, hai sáng lập viên nhóm kịch Club O'Noodle đều thuộc thế hệ 1.5 - nhưng các diễn viên của Quê Hương Trong Tôi đều đã lớn tuổi, họ là những người của thế hệ thứ 1. Họ không phải diễn viên chuyên nghiệp. Vậy mà vở kịch lại gây xúc động mạnh. Có lúc tôi quên mình đang xem kịch, tôi tưởng họ đang diễn chính cuộc đời họ. Các tường thuật về những chấn thương, những kinh nghiệm, những thất vọng, những nghi vấn đã làm nên loại kịch mà tôi tạm gọi là kịch "sống", vì yếu tố đời sống của diễn viên đã hoàn toàn lấn át yếu tố kịck, và buổi kịch đã tràn ra ngoài giới hạn của sân khấu trình diễn. Một vở kịch tôi sẽ nhớ mãi vì sự độc đáo của nó.

Uyên Huỳnh muốn khai phá ý niệm quê hương trong lòng những người di dân, vì vậy cô tìm đến họ - những người thuộc thế hệ trước, và mời họ cộng tác. Như nhan đề của vở kịch, đây là một cách định nghĩa lại khái niệm quê hương. Mọi tiểu phẩm đều có chung một điểm xuất phát, ngày 30/4. Những người di dân lìa bỏ quê hương, đánh mất quê hương, đi tìm quê hương và dựng lại một quê hương mới cho riêng mình. Khái niệm về quê hương đã vượt khỏi giới hạn của không gian địa lý. Quê hương của họ không còn là mảnh đất Việt-nam hình chữ S. Hay nếu còn, cũng trở nên mơ hồ. Một nhân vật nói, quê hương tôi là người mẹ của tôi. Một nhân vật nói, quê hương tôi là tuổi trẻ của tôi. Một nhân vật nói, quê hương tôi là hội họa của tôi - người họa sĩ già cứ vẽ mãi những bức tranh phong cảnh. Một nhân vật nói, quê hương tôi là nơi tôi đang sống, có thể Hoa-kỳ hay bất cứ nơi nào dung chứa tôi và cho tôi được quyền làm chính mình... Quê hương bây giờ đã quy về một người nào đó, một tình cảm nào đó, một khoảng thời gian nào đó trong đời chúng ta. Quê hương bây giờ đã thu về một ảo ảnh nào đó, một dạng vô hình nào đó, bao la hơn và mơ hồ hơn.

Tất cả bắt nguồn từ ngày 30/4, cái ngày như một thứ một lỗ đen, hút quê hương vào lòng chúng ta. Đứng trước đe dọa của chuyển dời và ly tán, trong nỗi lo sợ bị mất mát - như trong một cơn động đất hay một cuộc cháy nhà - chúng ta hốt hoảng gom góp cho vừa tay nải để làm hành trang. Nhưng còn vô số những điều không mang theo được, những thứ quá lớn phải bỏ lại. Những mất mát này đi theo chúng ta lâu nhất. Chúng ta cất giữ chúng trong ký ức đầy hối tiếc. Và cuối cùng, những ký ức về mất mát này đã bảo quản điều mất mát khỏi sự mất mát vĩnh viễn. Chúng đã trở thành quê hương của chúng ta. Mỗi con người tha hương trở thành chính quê hương của mình. Ngày 30/4 đã trở thành một thứ quê hương trong khái niệm quê hương trừu tượng nhất.

7

Năm 13 tuổi tôi sống trong một thành phố đã mất. Tôi cũng xấp xỉ tuổi Cokie bây giờ. Khi những người Sài-gòn còn lại nghe lén đài phát thanh VOA hay BBC và mê mệt bài hát "Sài-gòn ơi ta đã mất người trong cuộc đời&", tôi nói với mẹ tôi: "Những người ấy đâu có mất Sài-gòn, họ đã mang theo hình ảnh Sài-gòn đẹp nhất qua Mỹ, qua Pháp, qua Úc. Chính mình mới là những người thật sự mất Sài-gòn." Mẹ tôi đem câu nói của tôi kể cho những người bạn thân. Họ khen tôi sâu sắc. Ở tuổi 13 tôi vừa tự hào vừa thấy mình cay đắng. Ở tuổi 13 tôi đã chọn đứng bên lề trong khi phần lớn bạn bè tôi phấn đấu và phấn đấu không ngừng trong trường học và tại địa phương để trở nên "con người tiên tiến xã hội chủ nghĩa" (dù chỉ là ngoài mặt và họ sẽ vượt biên bất cứ lúc nào).

Ở tuổi 13 tôi sống trong một xã hội với tất cả những giá trị tinh thần bị tước đoạt. Đó là lúc tôi mất quê hương.

8

Chiều 30/4 tôi đón Cookie ở trường sớm hơn mọi khi.

Nó có vẻ vui hơn thường lệ khi thấy tôi.

"Hôm nay là ngày buồn nhất của con."

"Tại sao vậy con. Nói cho mẹ nghe."

"Vì con hỏi bạn con có biết hôm nay là ngày gì, chúng không biết, chúng nói I don't care." (3)

Có vẻ như Cookie đang tức bực và ấm ức. Chúng tôi vòng ra Tượng -đài ngay sau sân thể thao trường Cookie đang theo học. Vắng ngắt. Người ta đã làm lễ từ cuối tuần trước. Những cánh hoa còn vương vãi trên nền đá. Chưa đến cuối ngày mà gió chiều đã lồng lộng. Nơi đây gió lúc nào cũng lạnh khác thường. Tiếng cờ bay phần phật nghe gần hơn mọi ngày. Một thanh niên đứng yên lặng trên lối đi, anh đã đứng như thế rất lâu trước khi chúng tôi đến" Một phụ nữ đặt chậu cúc vàng dưới chân tượng hai người lính Mỹ-Việt và chắp tay khấn vái. Chỉ có bốn chúng tôi giữa trưa mênh mông với 2 bức tượng trên cao nhìn xuống.

Tôi gợi chuyện:

"Con kể lại cho mẹ nghe.

Con nói gì với các bạn, nói với ai""

"Con hỏi Anthony, con hỏi Khải, con hỏi Hưng. Con hỏi Do you know what day it is (4). Chúng nói Thứ Tư. Con bảo chúng you don't even know what day it is today (5), hôm nay là 30 tháng 4. Con nói nhiều lần, chúng không để ý. They're so ignorant. (6)"

"Vì vậy nên con buồn đúng không""

Cookie gật đầu.

"Có một lúc con hơi khóc."

Tôi ôm vai nó. Tôi hình dung mẩu đối thoại và thái độ của những đứa nhỏ. Tôi hiểu cảm giác của Cookie, cảm giác này tôi đã từng trải qua, từ nhỏ, và thỉnh thoảng bây giờ vẫn còn. Nếu nó bị thương tổn, đây là trách nhiệm của tôi.

"Chúng có nói gì làm con buồn không""

"Con nói Hưng hôm nay là the fall of Saigon. Hưng nói who cares we still have Little Saigon (7). Còn Khải nói I'm going to bomb the Memorial (8), he means bỏ bom cái tượng đài, và nó sẽ nổi tiếng."

Cookie im lặng một lát rồi nói tiếp:

"Nhưng con chắc là Khải nói đùa.

Con nhìn mắt nó, con biết nó nói đùa."

Khi chúng tôi trở ra bãi đậu xe, người thanh niên vẫn đứng đó, giữ nguyên một tư thế. Anh hơi thoáng nhìn chúng tôi rồi quay đi. Cái nhìn anh trống rỗng. Lúc lái xe vòng qua bãi cỏ tôi thấy anh ta vẫn đứng yên như thế trong nắng. Tôi giải thích với Cookie, khi người ta không biết thì người ta dễ có thái độ đùa giỡn như thế, không hẳn là bạn con coi thường điều con nói. Có thể vì bố mẹ chúng bận nên không nói cho chúng nghe. Không ai nói cho chúng nghe. Bây giờ chúng chưa biết nhưng lớn lên chúng sẽ biết. Vài năm nữa con và các bạn sẽ học về chiến tranh Việt Nam trong chương trình lịch sử. Con cần tìm hiểu để biết thêm và đừng để ai biết thay mình. Mẹ không tạo một quê hương cho con được. Quê hương của con nằm trong hiểu biết của con.

Cookie giờ đã nguôi ngoai:

"Lúc đó con đã ở trong High School. 2011 1à ba năm nữa."

Tôi nhìn con đường đầy nắng trước mặt và nghĩ đến một khoảng trống lịch sử, từ đây đến ba năm nữa, hay lâu hơn thế. Như thể ngày 30/4 đang ở trước mũi xe tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nó về phía tương lai. Thế hệ sau sẽ nhìn ngày này bằng một tầm nhìn rộng thoáng hơn và bình tĩnh hơn. Họ sẽ không đi lại nỗi đau của thế hệ trước. Họ sẽ đi trên những con đường lịch sử thênh thang với một bản đồ chỉ đường đứng đắn.

Đặng Thơ Thơ

Chú thích:

1. Nguyên văn: An author ought to write for the youth of his own generation, the critics of the next, and the schoolmaster of ever afterwards.

2. Vượt Sóng phim của đạo diễn Hàm Trần, nói về một gia đình quân nhân miền Nam, qua các cảnh tù đày, vượt biển và hội nhập.

3. Tôi không cần biết.

4. Bạn có biết hôm nay là ngày gì không"

5. Ngay cả hôm nay là ngày gì mà bạn không biết à"

6. Tụi nó thờ ơ lắm.

7. Cần gì, mình vẫn còn Sài-gòn Nhỏ mà.

8. Tôi sẽ bỏ bom cái Tượng đài

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.