Hôm nay,  

Bức Tường Trên Cánh Đồng Xanh

30/04/200800:00:00(Xem: 171967)

Tác giả: Anthony Hung Cao

Bài số 2286-16208263-vb3290408

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Bài đầu tiên của Anthony Hung Cao viết về nước Mỹ là "Con Búp Bê", một câu chuyện cho thấy tấm lòng của người viết: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ. Bài viết thứ năm của ông là một truyện tâm tình giữa đời sống hiện tại và những hồi ức sau ngày Saigon xụp đổ, và sự quan tâm hướng về những thương phế binh VNCH đang rất khó khăn tại quê nhà. 

..."Đồng xanh là chốn đây, thiên đường cỏ cây..."

Ngón tay Xuân lướt nhẹ trên phím đàn. Từ những khung cửa kiếng của căn phòng đặt chiếc đàn Grand piano, Xuân có thể vừa chơi đàn vừa dõi mắt theo những chiếc lá đang lăn nhẹ trên thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà. Ở phía bên trái của mảnh vườn là một hồ nước lớn được xây một cách công phu với những cột nước phun lên cao, tỏa từng làn hơi nước mỏng phản chiếu những sắc cầu vòng trong ánh sáng ban mai.

Căn nhà của vợ chồng nàng nằm trên sườn đồi, phía sau là bãi biển Huntington Beach với những ngọn sóng nhấp nhô không dứt như đang đùa vui trên bờ cát trắng. Xuân cùng chồng và hai con dọn vào đây cũng đã gần ba năm nay. Căn nhà đẹp và sang trọng lại ở một vị trí thật lý tưởng này có thể coi như là một trong những thành đạt mà vợ chồng Xuân vốn từng mơ ước đã trở thành sự thật.

Xuân nhớ lại những ngày đầu khi mới đến Mỹ với bố mẹ theo diện H.O. với những năm tháng đầu tiên sống trong căn apartment chật hẹp. Cả gia đình bố mẹ và năm anh chị em phải sống chung trong một căn apartment chỉ có hai phòng ngủ. Đôi lúc nghĩ lại Xuân cảm thấy buồn cười với những lời chọc ghẹo của mình tới anh chị vào lúc đó.

"Sao anh hai với chị ba không lấy vợ, lấy chồng mau mau để dọn ra ở chỗ khác để em có chỗ rộng hơn để...ngủ và khỏi phải chờ... restroom""

Nhưng rốt cuộc Xuân lại là người dọn ra trước nhất. Không phải nàng lấy chồng trước hai anh chị mà chỉ vì lúc đó Xuân được trường UCLA nhận vào học ngành Computer Engineering nên nàng phải rời thành phố Santa Ana thân quen để ở nội trú trong trường cho tiện việc học hành. Cũng ở nơi đây, Xuân quen Thanh, bạn học cùng lớp và nàng đã phải "xiêu lòng" với hai năm dài đeo đuổi dai dẳng của chàng.

 "Tại anh hết, vừa làm kỳ đà cản mũi, lại vừa làm cái đuôi đeo theo dai dẳng nên em đâu có cơ hội quen anh chàng nào khác đâu! Đàn ông gì mà mặt dày hơn cái... bánh xe."

Sau này khi đã lập gia đình với Thanh, thỉnh thoảng Xuân nói đùa với chồng. Thanh thì cũng không vừa, chàng lúc nào cũng lặp lại một điệp khúc cũ rích.

"Thì ông bà mình có dạy 'đẹp trai không bằng chai mặt' mà em."

Sau khi ra trường, Xuân và Thanh cùng được nhận vào làm chung một hãng lớn. Được mấy năm sau hãng sa thải nhân viên và dọn qua tiểu bang khác, nên vợ chồng nàng cùng bị thất nghiệp một lúc. Lúc này vợ chồng Xuân đã có hai đứa con, một trai, một gái. Chán cái cảnh phải đi tìm việc, Thanh bàn với Xuân nhân lúc đang lãnh tiền thất nghiệp, vợ chồng nàng đi học lấy bằng địa ốc vì Cali lúc này đang lên cơn sốt nhà. Có lẽ nhờ tài lanh lẹ của cả hai vợ chồng nàng mà chẳng bao lâu sau khi lấy được bằng địa ốc, Xuân cùng chồng gầy dựng được một tài sản khá lớn.

Không như phần lớn nhiều người "ôm hận" khi thị trường địa ốc đi xuống, vợ chồng Xuân đã đoán trước nên đã bán hết những căn nhà đầu tư trước khi giá bắt đầu đi xuống. Thanh bây giờ đang làm chủ một văn phòng địa ốc chuyên giúp vay nợ và tư vấn cho những người muốn giữ lại nhà. Xuân thỉnh thoảng ra văn phòng để phụ trông coi sổ sách cho chồng, nhưng phần lớn nàng dành nhiều thời gian cho việc dạy dỗ con cái. Xuân luôn khiêm tốn coi những gì mình có được ngày hôm nay chỉ là nhờ sự may mắn, chẳng qua nhờ "thời thế tạo anh hùng". Nhưng đó cũng là cái cơ may để Xuân có thể tìm lại được với niềm đam mê ấp ủ từ bé trong lòng nàng: âm nhạc. Tình cờ được một người bạn giới thiệu, Xuân đưa hai con đến học piano với cô Hiền, một giáo sư tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam. Sau vài lần đưa con đến lớp nhạc và cảm phục trước tài năng và sự dạy dỗ tận tình của cô Hiền, Xuân nảy ra ý định học nhạc cùng với các con.

 "Khi nào em học xong chắc lúc đó trung tâm Paris By Night hay Asia muốn mời em ra đánh đàn phải mua thêm bảo hiểm... nhân thọ cho em."

Thanh đùa với Xuân khi nàng cho biết quyết định theo học nhạc của mình, nhưng Thanh không ngăn cản vì biết tính của Xuân khi quyết định làm việc gì, nàng sẽ bỏ tất cả tâm huyết để làm cho bằng được mới thôi.

..."Đồng xanh giờ lãng quên ...dưới trời lãng quên..."

Lời nhạc thật buồn với những ngón tay Xuân tiếp tục lướt nhẹ trên những phím đàn. Cứ ngỡ rằng một khung trời kỷ niệm ngày xưa đã chôn vùi vào quên lãng, nhưng những nốt nhạc như làm sống lại trong Xuân những kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi học trò ngày nào ở Việt Nam...

Bố Xuân bị thương trong một trong những trận chiến ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Với một mảnh đạn còn sót lại ở trong vai, bố Xuân phải rời đơn vị tác chiến về đảm nhiệm công tác dân sự, nhưng ông vẫn không thoát khỏi cảnh lao tù trong những trại "cải tạo" sau tháng tư năm 1975. Người sĩ quan oai hùng ngày nào từng chỉ huy cả tiểu đoàn trong những trận đánh quyết tử giờ đây phải lầm lũi trong bộ đồ tù, vác trên đôi vai tê buốt những bó tre, thanh nứa đốn từ trên rừng về. Trong khi thân phận ông bị muôn vàn đọa đày trong nhà tù nhỏ, ở ngoài một nhà tù lớn hơn, như người ta thường ví von một cách mỉa mai cho xã hội Việt Nam sau biến cố tháng 4 đen, vợ con ông trong đó có Xuân phải sống trong những ngày tháng không kém phần cơ cực. Mẹ của Xuân đã phải buôn tần bán tảo mọi thứ bà có thể gom góp được để đắp đổi qua ngày và chắt góp mua quà để tiếp tế cho chồng. Riêng cô bé Xuân, dù là đứa học trò lúc nào cũng đứng đầu lớp, nhưng cái lý lịch "đen" của bố luôn mang lại những bất công của xã hội dành cho cô bé. Từ những lời chọc ghẹo của đám bạn bè dành cho cô bé có cha mà cũng như không, đến sự hắt hủi của một số thầy cô. Xuân tự ý thức được hoàn cảnh của mình và cố gắng vươn lên bằng chính khả năng của mình để làm cho đám bạn phải khâm phục con bé "con sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo" nhưng lúc nào cũng học đứng đầu lớp, hơn hẳn một số đứa dù có cha mẹ đưa rước và được đi học thêm ngoài giờ học.

Rời ngôi trường tiểu học nhỏ bé để theo học trung học ở thị xã, ngôi trường mà ngày xưa từng là nơi được nhà thờ dùng để đào tạo các cha trong dòng, sau này bị chính quyền lấy làm trường học, hàng ngày Xuân phải gò mình trên chiếc xe đạp cũ kỷ thường hay bị sút dây sên nên đôi khi vào đến lớp, đôi tay cô bé còn lấm lem những vết nhớt. Tan giờ học, Xuân thường đứng nép sau cánh cửa ở phòng tập nhạc của ngôi nhà thờ phía sau trường để mải mê theo những tiếng dương cầm du dương của những dì sơ. Có một lần một con nhỏ bạn thân của Xuân bắt gặp đã chọc Xuân:

"Mày mê nhạc như vậy sao không xin đi tu đi để làm sơ, rồi tha hồ được học đàn..."

Xuân chỉ cười buồn mà không nói gì. Xuân biết mẹ của mình có làm suốt cả ngày cũng còn chưa đủ miếng ăn thì nói gì đến việc sắm nổi một cây đàn để cho Xuân được tập dợt. Đâu đó có tiếng hát của người thương phế binh bị cụt cả hai chân đang dùng hai tay lết những "bước" nặng nhọc trên hè phố để xin những đồng tiền bố thí của những kẻ qua đường. Thỉnh thoảng anh dừng lại, đưa tay cầm chiếc harmonica nhỏ treo lủng lẳng trên cổ thổi một bản nhạc buồn. Tiếng kèn du dương đưa những âm thanh lạc lõng như bị nhận chìm trong cái ồn ào của nhịp sống hối hả, bon chen xung quanh. Một cơn gió thổi qua kéo theo đám bụi đường mù mịt. Xuân đưa tay lên quệt mắt. Xuân chợt nhận ra mắt mình đã long lanh những giọt lệ tự bao giờ. Xuân đang nghĩ đến bố, chắc giờ này cũng không hơn gì anh thương phế binh này...

... "Ta yêu đồng xanh như đã yêu thương con người..."

Xuân thích nhất câu nầy trong bản nhạc "Đồng Xanh". Lần đầu tiên Xuân được nghe khi nàng còn học ở trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Xuân được tuyển thẳng vào Đại Học Sư Phạm khoa Anh ngữ với thành tích đoạt giải Anh ngữ toàn quốc năm đó. Trong những thầy cô giảng dạy ở trường, Xuân thích nhất những giờ học với thầy Nhân. Thầy dạy về lịch sử văn hóa của nước Anh và Mỹ. Nghe nói thầy đã từng đi du học trước đây. Thầy Nhân có một kiến thức thật uyên bác. Những bài giảng của thầy mở ra cả một chân trời, một cái nhìn mới về một xã hội khác, bên ngoài cái "thiên đường xã hội" giả tạo mà đám học trò như Xuân thường bị nhồi nhét vào đầu mỗi ngày. Xuân còn nhớ mãi buổi học hôm đó khi thầy mang theo cây đàn guitar vào dạy cho lớp Xuân hát bản nhạc "Green Fields-Đồng Xanh". Trong tiếng đàn trầm bổng, thầy Nhân cất tiếng hát. Giọng thầy thật trầm buồn như lời của bản nhạc như nuối tiếc cho một khung trời thanh bình hạnh phúc nào đó đã qua.

..."Once there were green fields kissed by the sun. Once there was valley where river's used to roam..." 

Ánh nắng chiều đổ dài trên hàng phượng vĩ đã bắt đầu nở đỏ thắm trong sân trường, một tia nắng tinh nghịch nào đó cố len qua khung cửa sổ của lớp học, rồi chiếu sáng như ánh đèn trên sân khấu lên mái tóc để khá dài của thầy đang lắc lư lên xuống theo điệu nhạc. Trông thầy như một người nghệ sĩ phong trần hơn là một nhà mô phạm. Trong tâm hồn cô sinh viên đang vào tuổi biết yêu và say mê âm nhạc như Xuân, nàng cứ ngỡ thầy Nhân đang hát tặng bản nhạc tình ca cho riêng mình. Sau khi tập cho cả lớp hát đến mấy lần, thầy mới nói bằng một giọng mà Xuân cảm thấy thật lạ cho mãi đến sau này nàng mới hiểu nguyên do tại sao.

"Thầy chỉ ước gì được dạy các em thêm nhiều những ca khúc bằng tiếng Anh của các nước khác để các em có dịp tìm hiểu nhiều hơn về tình yêu cuộc sống, tình cảm giữa con người với con người ở những xã hội mà mình hay nghe là "đồi bại" hay chỉ đầy dẫy những thứ "văn hóa đồi trụy"..."

Đó cũng là lần cuối cùng Xuân được học với thầy Nhân, vì ít lâu sau, Xuân nghe đồn thầy đã vượt biên đi tìm tự do, bỏ lại sau lưng lũ học trò mà thầy biết xã hội đang hằng ngày làm cho băng hoại trong suy nghĩ và cách sống của các em. Có lẻ thầy biết một mình thầy không thể nào dùng những bài giảng của mình hay những bản nhạc đầy nhân bản với tiếng đàn lạc loài có thể làm lay chuyển cả một dàn đồng ca đang bị kích động hàng ngày với những sáo ngữ "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Nhưng có một điều thầy Nhân không ngờ là những lời dạy của thầy và bản nhạc "Đồng Xanh" đã để lại một dấu ấn trong lòng Xuân cho mãi đến hôm nay.

Mấy năm sau bố của Xuân được tha về từ trại "cải tạo" cùng lúc với chương trình H.O đang được bắt đầu ở Việt Nam. Gia đình Xuân phải chạy đôn chạy đáo để lo hoàn tất các giấy tờ đòi hỏi, lại một phen phải lo lót cho đủ các cấp chính quyền. Bố Xuân cũng thấy được một phần nào an ủi và niềm vui vì mình có thể mang gia đình đến một đất nước tự do với đầy đủ ý nghĩa của nó.

..."Sao ta còn đứng mãi, như người tình mong đợi ai"

 Sao ta còn đứng mãi để nghe tâm hồn tê tái!

 Và đã bao năm rồi ta đứng chờ giữa cánh đồng..."

Xuân giật mình vì điệu nhạc "Đồng Xanh" được phát ra từ chiếc kèn saxo khi nàng và Thanh vừa đẩy cửa trong nhà hàng bước ra. Người thổi kèn đứng co ro trong buổi chiều se lạnh với vài giọt nắng tháng tư còn đang sót lại. Khuôn mặt của ông trông thật khắc khổ với những nếp nhăn của thời gian và đôi mắt trái bị nhắm nghiền có lẽ do một thương tích khá nặng. Mỗi lần lấy hơi, ông cúi gập người xuống để lộ những sợi tóc bạc lơ phơ trên đỉnh đầu. Một vài đồng tiền để vương vãi trong chiếc nón để phía trước nơi ông đứng. Không biết bản nhạc hay hay dáng vẻ tiều tụy của người nghệ sĩ đã làm chùn bước chân Xuân khi nàng đi ngang qua chỗ của ông.

"Anh đưa các con ra xe trước đi. Chờ em một chút nhé!"

Xuân nói nhanh với chồng và quay bước trở lại trước cái nhìn ngạc nhiên của Thanh. Đến bên người thổi kèn, dưới ánh đèn ngoài parking vừa mới được mở lên, Xuân có dịp nhìn kỹ người đàn ông. Trông ông có vẻ hơn 60 tuổi với dáng người Á Đông. Chờ cho ông chấm dứt bản nhạc, Xuân mới lên tiếng bằng tiếng Anh:

"Ông chơi bản nhạc vừa rồi hay quá."

"Cám ơn cô." Ông đáp lại bằng tiếng Việt.

 "Ông là người Việt Nam à" Xin lỗi cháu không biết." Xuân bẽn lẽn đáp lại. "Ông sống ở gần đây không" Trước giờ cháu không thấy ông thổi kèn ở đây."

"Tôi ở bên Santa Ana. Nghe nói vùng này nhiều người giàu nên tôi qua thử bên này, xin tiền coi có khá hơn không." Ông trả lời với giọng thật từ tốn.

"Cháu hỏi cái này nếu không phải xin ông bỏ qua cho." Xuân ấp úng nói.  "Ông có gia đình ở đây không mà phải đi làm cực khổ như vầy""

"Có gì đâu mà cực cô." Ông vẫn trả lời với giọng từ tốn như cũ, tay mân mê mấy phím bấm trên chiếc kèn. "Bạn bè của tôi ở Việt Nam còn cực khổ gấp mấy trăm ngàn lần như vầy. Bao nhiêu người đang sống dưới gầm cầu hay trong xó chợ. Tôi chỉ hy vọng kiếm được số tiền còm này gởi về giúp họ. Chế độ bây giờ đâu mấy ai quan tâm đến những thương phế binh của chế độ cũ đâu cô. Chẳng bù lại khi xưa khi đơn vị tôi còn đóng trên đảo Phú quốc, những tù binh của Việt cộng ở đó được chúng tôi đối xử thật đàng hoàng. Mỗi sáu tháng họ được lãnh một chiếc mùng mới như tiêu chuẩn của một sĩ quan trong quân đội Quốc gia. Trong khi một người lính thường mỗi năm chỉ được lãnh có một lần..."

Thì ra ông không quản công đứng đây trong buổi chiều se lạnh, cố lấy chút hơi tàn để thổi những bản nhạc chỉ mong sao gom góp được những đồng tiền ít ỏi gởi về cho những người mà ông gọi họ với cái tên thân thương là "những chiến hữu bất hạnh" còn sót lại sau cuộc chiến đang bị những kẻ thắng cuộc, những người đồng loại cùng chung một nòi giống Lạc Hồng, hất ra bên lề xã hội.

Đêm hôm ấy Xuân không ngủ được. Những tiếng rên rỉ non của những côn trùng ở ngoài vườn như những tiếng thở dài thê lương của những thân xác ê chề của những người thương phế binh đang cố kéo lê cuộc sống từng ngày. Tiếng đàn harmonica của anh thương phế binh cụt cả hai chân ở vỉa hè ngày xưa nghe như văng vẳng bên tai. Tiếng kèn saxo của ông lão thương binh mù một mắt nhưng vẫn còn nghĩ cách giúp cho những người bạn chiến hữu của ông vẫn nghe như ngân nga đâu đây. Và ngoài kia, tiếng sóng biển như mang theo cả hồn thiêng sông núi vượt ngàn biển khơi đang vỗ mạnh vào bờ như những hồi trống thúc giục những người con xa quê phải làm một cái gì đó cho những người với số phận kém may mắn còn đang ở lại quê nhà. Xuân tự trách mình sao quá vô tình. Bao nhiêu năm qua, nàng và chồng vẫn thường tham dự những công tác thiện nguyện hoặc đóng góp cho hội American Red Cross, hay các nạn nhân của khủng bố 9/11, của cơn bảo Katrina và gần đây nhất là của cơn bão lửa ở San Diego, nhưng nàng ít khi để ý đến những hoàn cảnh sống thật khốn khổ của những thương phế binh bất hạnh ở Việt nam.

Xuân ngồi bật dậy giữa đêm khuya. Nàng mở chiếc computer mà lâu nay Xuân chỉ dùng để check email hay chat với bạn bè, để viết xuống những dự định của mình. Nàng sẽ nhờ cô Hiền, người có nhiều quen biết trong giới ca nghệ sĩ để giúp nàng tổ chức một show nhạc với chủ đề ủng hộ những thương phế binh ở Việt Nam. Xuân cũng dự định xin thành phố nơi có đông người Việt Nam cư ngụ cùng với sự vận động của các vị dân cử và cư dân Việt nam trong vùng để dựng một bức tường hình chữ V như bức tường đá đen ở Washington. Nằm trong một khu công viên nào đó đầy cỏ non như trên một cánh đồng xanh, bức tường khi xây xong sẽ có màu vàng, màu của lá Quốc kỳ thân thương và sẽ được đặt tên là bức tường "Đền Đáp", với tên của những người thương phế binh còn đang sống sẽ được khắc trên đó bằng chữ đỏ như máu của họ đã đổ xuống cho quê hương. Đã có nhiều tượng đài được xây dựng trước đây để tưởng niệm cho những vong linh của những chiến sĩ đã nằm xuống, riêng bức tường "Đền Đáp" này chỉ dành để khắc tên cho những thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, những người đã hiến một phần thân thể của mình cho đất nước, và cho lý tưởng dân chủ tự do. Những người chiến sĩ nầy xứng đáng được đền đáp và ghi công ngay cả trong lúc họ còn sống, một cuộc sống sao cho đáng với kiếp con người. Bức tường sẽ giúp cho du khách viếng thăm biết những người thương phế binh này là ai và đang ở đâu để tìm cách giúp đỡ họ.

Ngày hôm sau trong lúc đến lớp nhạc, Xuân nói những dự định của mình và những kỷ niệm về bản nhạc Đồng Xanh cho cô Hiền nghe. Cô thật vui và cảm động sau khi nghe những lời tâm sự của Xuân. Cô hứa sẽ giúp Xuân tổ chức một Đại nhạc hội với thật đông số ca nghệ sĩ tham dự. Cô nhìn Xuân trìu mến nói:

 "Em chuẩn bị dợt lại bài "Đồng Xanh" cho thật nhuyễn nhe. Bây giờ cô mới biết tại sao em thích và cứ đòi cô dạy bài nhạc này. Trong buổi Đại nhạc hội hôm đó, cô muốn em đánh dương cầm bài này. Cô có thể mời một vài người bạn để cùng trình tấu chung với em."

Xuân thật cảm động với sự nhiệt tình của cô Hiền và lời đề nghị Xuân trình diễn bản nhạc "Đồng Xanh" dù nàng học nhạc với cô chưa được bao lâu. Xuân chợt nói:

"Thưa cô. Nếu được cô cho phép em mời bác Tài, bác thương binh thổi kèn saxo mà em vừa kể cho cô nghe đó, cùng tham dự luôn. Chắc bác ấy sẽ rất vui khi được góp sức trong buổi Đại nhạc hội đầy ý nghĩa này, nhất là khi mình tổ chức đúng vào dịp tưởng nhớ ngày mất nước 30 tháng 4 năm nay."

"Xuân còn chờ gì nữa. Em mau chạy ra coi bác ấy còn ở đó không để còn mời bác tham dự. Thứ bảy này mình bắt đầu dợt là vừa rồi."

*

Chiều thứ bảy Xuân hẹn trước với bác Tài để đón bác đến lớp nhạc của cô Hiền cùng tập dợt.

Vừa bước ra khỏi xe, Xuân chợt nghe lòng bâng khuâng với một cảm giác thật khó tả khi nàng nghe tiếng đàn guitar dạo bản nhạc "Đồng Xanh" từ trong lớp nhạc vọng ra. Xuân biết cô Hiến không đàn guitar, chắc là tiếng đàn từ người bạn cô mời đến cùng trình diễn với nàng và bác Tài. Xuân đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ để bước vào. Nàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy người đang ngồi đàn guitar không ai khác hơn chính là thầy Nhân. Xuân buông rơi quyển tập nhạc. Nàng cất tiếng gọi:

"Thầy Nhân! Thầy có nhận ra em không""

Thầy Nhân thoáng chút bối rối khi có người gọi mình bằng "thầy". Dĩ vãng của gần 20 năm trước khi còn đứng trên bục giảng chợt kéo về thật nhanh.

 "Em là...""

"Em là Xuân nè thầy. Thầy còn nhớ thầy đã hát và dạy cho lớp tụi em bài này ngày cuối cùng thầy dạy ở trường Sư Phạm Ngoại Ngữ không""

"Xuân đó hả" Thầy nhận không ra. Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đó đã gần 20 năm rồi. Thầy vẫn còn nhớ ngày đó chứ. Thầy rất mừng vì còn có những em học trò nên người như em. Thầy có nghe cô Hiền kể về những dự định của em cho những người thương phế binh ở Việt Nam. Thầy không ngờ người định làm những công việc đầy ý nghĩa nầy là một học trò cũ của mình."

Thầy quay sang bắt lấy tay bác Tài, rồi nói tiếp.

"Xin lỗi, còn ông anh đây là anh Tài phải không" Xin thành thật nghiêng mình cảm phục trước những việc làm cao cả của anh. Chắc chắn những người thương phế binh ở Việt Nam lúc nào cũng tri ơn tấm lòng tốt của anh."

Lẩn trong tiếng gió chiều Santa Ana đang thổi từng chập mang theo cái nóng hanh hanh của tháng tư, tiếng đàn dương cầm, tiếng guitar và tiếng saxo như đang quyện vào nhau tạo ra những âm thanh hài hòa đến tuyệt vời mà Xuân chưa bao giờ được nghe trước đây.

"Đồng xanh là chốn đây, thiên đường cỏ cây...

Ta yêu đồng xanh, như đã yêu thương con người..."

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,305,992
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.