Hôm nay,  

Tình Yêu, Chiến Tranh Và Hòa Bình

24/04/200800:00:00(Xem: 88048)

Tác giả: Đào Như
Bài số 2282-16208259-vb5240408

Đào Như là bút hiệu của  Bác sĩ Đào Trọng Thể, tác giả đã được trao tặng giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005,  với các bài "Tự Khúc", "Dấu Chân Người Lính." Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại Oak Park, IL (vùng Chicago) Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Sau đây là bài viết mới của ông nhân dịp 33 năm ngày Saigon xụp đổ 30 Tháng Tư.

Vào một ngày cuối Thu, cách nay hơn 23 năm, một ngày vào tháng 11 năm 1984 tại Chicago, cô thư ký từ phòng ngoài, điện thoại vào cho Trọng hay "có hai người cảnh sát muốn gặp". Liền sau đó có tiếng gõ cửa. Trọng mở cửa. Thạch Hùng đứng chóang ngay trước cửa! Mặt anh ta hầm hầm, miệng lẩm bẩm hình như anh ta đang chửi thề
với ai. Sau lưng Thạch Hùng là hai người cảnh sát Mỹ.
 
- Chúng tôi thấy anh ta từ trong duỡng-trí-viện, halfway house, bước ra, vừa đi vừa chửi thề vung vít, hai người cảnh sát nói. Trên đường đi đến đây, anh ta găp cái gì cũng đập đổ. Anh ấy vừa lật tung các thùng rác mà anh ta gặp trên đường Broadway và Wilson! Anh ta không hành hung ai, anh ta cũng không hề nhìn thẳng vào mặt ai, miệng chửi tục liên hồi.
 
Nghe đến đây, Trọng chưa kịp hỏi, Thạch Hùng nhảy bổ vào anh, đấm mạnh tay xuống bàn, vừa chỉ trỏ vào mặt anh, trong giọng nói nặng và đặc sệt, giọng của người Khmer khi họ nói tiếng Việt:
 - Tụi bây không cấp thẻ khám bịnh cho tao! Trễ hạn hơn 10 ngày rồi!
 Thấy thế, một người cảnh sát chạy lại đứng chắn giữa anh và Thạch Hùng. Người cảnh sát hỏi:
 - Anh ấy la hét về chuyện gì vậy" Liệu anh ta sẽ hành hung ông không" Ông liệu có cho anh ấy đi cấp cứu không" Chúng tôi chỉ có thể chờ quyết định của ông trong vòng 15 phút.
 Trọng chưa kịp trả lời, Thạch Hùng quát vào mặt cảnh sát:
 - Shut up!
 Trọng nhìn vào hai người cảnh sát như tỏ ý muốn họ thông cảm cho Thạch Hùng. Người cảnh sát thản nhiên bảo:
 - Anh ta phát âm chữ 'Shut up' đúng giọng nhà binh của chúng tôi! Tôi cũng từng tham chiến ở Việt Nam! Tôi thuộc sư đoàn Kỵ binh - First Cavalier.
 - Các anh đã từng gặp người bịnh này nhiều lần" Anh hỏi 2 người cảnh sát, không ngờ Thach Hùng vụt trả lời:
 - Mấy thằng này nó còng tay còng chân tui hoài!
 Người cảnh sát bảo:
 - Oh! Những lúc tỉnh táo, anh ta bảo với tôi là anh ta đã là học viên trường quân sự Westpoint-Việt Nam! Chúng tôi đã đưa anh ấy nhiều lần vào cấp cứu tại trung tâm tâm thần Chicago Read cũng như đưa anh ấy hầu tòa mấy lần. Anh ta có vấn đề tâm thần nhưng anh ta là người tốt!
 
Trọng cám ơn hai người cảnh sát và anh thân mật bảo Thạch Hùng ngồi xuống. Thạch Hùng coi như không nghe vẫn vắt tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng miệng liên tục chửi thề, có khi anh hét tướng lên bằng tiếng Khmer, dường như anh ta đang cãi vã với một ngưởi đàn ông nào đó. Trọng thân mật nói với Thạch Hùng:
 - Xin lỗi anh, nếu tôi hoặc những người cảnh sát có làm điều gì phật lòng anh. Bây giờ anh ngồi xuống nói chuyện với chúng tôi, thử xem chúng ta có thể giúp nhau được những gì!
 
Thạch Hùng vẫn tiếp tục đi đi lại lại, lẩm bẩm một mình, hình như anh đang phàn nàn người cán bộ xã hội, social worker! Trọng thấy khó nói chuyện hay thương lượng với Thạch Hùng khi anh ấy ở trong tình trạng thác loạn như thế này. Anh gọi điện thoại cho Bác sĩ Foưrnier, trưởng phòng cấp cứu của bịnh viện tâm thần Chicago Read và cho bác Fournier hay là ông ta chuẩn bị đón nhận Thạch Hùng. Trọng cũng cho ông ta hay, hai người cảnh sát sẽ đưa Thạch Hùng đến Chicago Read trong một squad car, xe cảnh sát, chớ không phải xe ambulance! Chỉ cần nói như vậy, bác sĩ Fournier biết ngay Thạch Hùng là ai, và ông phải làm gì khi gặp Thach Hùng! Ông ta là người đặc biệt chăm sóc Thach Hùng trong mấy năm qua. Trọng viết vội vài lời giới thiệu Thạch Hùng với bác sĩ Fournier cho hợp lệ. Không ngờ trong mấy phút qua Thạch Hùng nghe rõ câu chuyện, anh ta liền hét vào mặt hai người cảnh sát:
 - Oh! No more Chicago Read! Tui không chịu đâu! Tui không vào Chicago Read nữa đâu! Họ chích thuốc gì mà tui ngủ mê mệt suốt cả ngày! Khi tỉnh thì y như bại xụi đi không nỗi nữa! Họ ác lắm! Ông Fournier! Ông ác lắm! Ông ác lắm!

Vừa nói Thạch Hùng vừa xô hai người cảnh sát cố chạy thoát ra ngoài! Thạch Hùng đấm đá túi bụi cố chạy thóat cho bằng được. Sau cùng Thạch Hùng bị thúc thủ và hai người cảnh sát còng hai tay của Thạch Hùng ra phía sau. Hai người cảnh sát không hề phản công hay làm đau Thạch Hùng. Lúc ấy Thạch Hùng van khóc thảm thiết:
 - Tui sợ lắm! Đừng đem tui vô Chicago Read, họ chích thuốc! Tui ngủ mệt chết! Mệt Chết! Đau nhức lắm!
 Trọng đến xuýt xoa xin lỗi hai người cảnh sát. Họ thân mật nói:
 - Không sao cả. Chúng tôi biết trước, anh ta cũng có học võ TeakonDo khi anh theo học tại trường Westpoint-Việt Nam. Ông đừng có ngại! Chúng tôi đã từng chiến đấu bên cạnh quân đội Nam Việt Nam!

 Trọng theo hai người cảnh sát đưa Thạch Hùng xuống lầu và dẫn anh ta đến xe cảnh sát. Khi người cảnh sát đến tháo còng tay và mở cửa xe để dúi Thach Hùng vào khoang xe sau, Thạch Hùng chạy đến áp đầu vào ngực anh, khóc nức nở! Không hiểu tại sao lúc ấy anh ôm lấy Thạch Hùng áp mạnh vào ngực mình! Anh nghe tiếng nấc của Thạch Hùng truyền sang lồng ngực anh! Anh không sao cầm được nước mắt!
Sau đó, từ lầu cao, ngồi nhìn nắng chiều chiếu sáng rực rỡ cả một vùng rộng lớn nóc phố Chicago và đỉnh tháp Sears Tower, anh suy nghĩ về Thạch Hùng, một bịnh nhân mà anh vừa gửi đến bác sĩ Fournier cách đây mươi phút! Anh nhớ lại trong buổi hội chẩn với bác sĩ Fournier về Thạch Hùng cách đó mấy tháng. Bác sĩ Fournier nói:
 - Trong mùa Đông vừa rồi, cảnh sát nhặt anh ta trong hầm của bến xe đò Greyhound, ở Down- town Chicago. Lần đầu tiên tôi gặp Thạch Hùng, anh ấy nói chuyện với tôi nửa tiếng Pháp nửa tiếng Mỹ. May mà tôi cũng có vài năm học tại viện đại học Lyon (Pháp), tôi hiểu được anh ấy. Ngay những phút đầu gặp gỡ, anh nói chuyện với tôi có sức thuyết phục lắm! Anh ấy bảo anh ấy đến Mỹ từ phi trường quốc tế của Pháp, Orly, Paris. Anh miêu tả mùa đông Paris lạnh. Mùa Thu Paris đẹp! Anh đã sống nương náu, trong phi trường Paris nhiều năm, như một kẻ vô gia cư! Anh miêu tả người Pháp nói tiếng Pháp nghe hay, lảnh lót và âm điệu. Anh ấy cũng đi thăm Provence của nước Pháp. Anh xác định Provence là vùng đất miền Nam của Pháp, có nhiều di tích lịch sử văn học, quê hương của Alphonse Daudet! Anh đã viết những bài thơ ngay dưới cái cối xây gió, Moulin, ở đó Alphonse Daudet đả viết truyện ngắn trữ tình "Les Etoiles". Anh bảo với tôi, anh đi thăm Provence với cô bạn gái của anh, chính cô ấy mua vé máy bay cho anh một mình đi thăm nước Mỹ! Bây giờ thì anh nhớ cô bé ấy và anh khóc, anh than vãn: "Oh! Brigide Bardot, người em gái nhỏ bé của tôi ơi! Em xinh đẹp làm sao! Đôi môi em lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi anh..." Đến đây thì tôi mới vỡ lẽ ra là anh ta bị hoang tưởng quá rôi! Anh còn nói thêm có cả Cathérine De Neuve tiễn đưa anh lên máy bay đi Mỹ!..Đọc lại hồ sơ, Cảnh sát Chicago khi nhặt anh ấy trong hầm xe bus Greyhound, họ tìm thấy trên ngực áo của anh ấy có một túi nylon trong đó có giấy giới thiệu của Trung Tâm Tâm Thần dành cho người Châu Á Thái Bình Dương tại Sacramento, gửi anh ấy đến Chicago để tìm bà con và để điều trị bịnh tâm thần theo lời yêu cầu của anh ấy!

 Nói đến đây, bác sĩ Fournier ngừng lại, nhìn Trọng một chập, ông nói tiếp:
 - Lối gửi bịnh nhân đi nguy hiểm như vậy gọi là Greyhound Therapy! Vì chính họ mua vé xe đò Greyhound cho bịnh nhân, một lối tống bịnh nhân đi khỏi trách nhiệm của mình của một vài tiểu bang mà chúng ta đã phản đối! Đó là một hành sử sai, vô trách nhiệm.
Nói đến đây, bác sĩ Fournier quay lại hỏi Thạch Hùng:
 - C'est vrai" Hung"
 - Oh! Absolument!..Thạch Hùng vừa nhún vai vừa trả lời, sau đó anh ngồi im lìm và quan sát buổi hội chẩn về anh.
 
Bác sĩ Fournier kể tiếp:
- Tôi gọi Trung Tâm Tâm Thần dành cho người Châu Á Thái Bình Dương ở Sacremento để moi thêm lý lịch của anh ta. Tôi được biết anh ấy trốn sang California cách đây một năm từ binh viện ở Boston, nơi mà cộng đồng người Khmer đông nhất. Ở Cali anh gặp rắc rối với cảnh sát là anh say rượu, đứng đái trên đường phố. Sau đó họ tìm trong túi anh có thẻ tùy thân chứng nhận anh là một người bị bịnh tâm thần! Cảnh sát đưa anh đến Trung Tâm Tâm Thần ở Sacremento để điều trị, và giúp đỡ anh về mặt xã hội! Nhưng theo lý lịch anh ấy trốn đến Boston từ Chicago. Tôi hy vọng, ông về tìm hiểu thêm chắc có vấn đề nên anh ấy mới bỏ Chicago tìm đến Boston...
 
Sau này về tra cứu lịch sử và nguồn cơn của bịnh tâm thần của Thạch Hùng, Trọng mới hay Thạch Hùng, người Việt gốc Khmer, sanh tại Neakluong, một thị trấn sung túc ở biên giới phía Đông Campuchia. Gia đình Thạch Hùng, vì giặc giã, nên dọn về Trà Vinh và sau dời về Saigon. Thạch Hùng theo học chương trình Pháp tử hồi nhỏ, đậu xong lớp 12 chương trình Pháp tại Saigon vào năm 71. Thạch Hùng có học Dự bị Y-khoa-Saigon, nhưng đến năm 72 anh lại đăng kí vào học trường Võ Bị Quốc Gia - Đalạt. Trong một dịp tư vấn, Trọng hỏi:
 - Tại sao đang học Dự Bị Y khoa Saigon ngon lành, lại bỏ và thi vào Võ Bị Quốc Gia Dalạt"
 - Võ bị Quốc Gia Đa lạt cũng ngon lành lắm chớ! Cũng khó lắm mới được nhận vào! Tôi được nhận vào Trường Võ Bị theo "quota", nhờ chính sách của chính phủ Viêt Nam Cộng Hòa, ưu tiên dành cho dân thiểu số Khmer, Chàm và Radé!


 Qua những lần tư vấn tiếp sau đó, anh được biết Thạch Hùng đến Mỹ vào năm 75 sau khi Saigon mất! Gia đình của anh và người yêu, một người Việt Nam, cô giáo dạy Việt văn và cũng là sinh viên Văn khoa Saigòn, tất cả bị kẹt lại! Anh mất liên lạc với cha mẹ, gia đình, và người yêu của anh, hơn 8 năm! Có tin đồn, anh chưa kịp kiểm chứng, là gia đình và cha mẹ anh bị Khmer rouge giết sạch khi họ trở lại nhà cũ ở Neakluong, 1975! "Điều lo âu lớn nhất của tôi", có lần Thạch Hùng nói trong giọng ngậm ngùi: "Khi chia tay với Thục Oanh, người yêu của tôi vào đêm 29/4/75 lúc ấy tôi biết nàng đang có thai, chúng tôi chưa kịp làm đám cưới! Nói đến đây, bất giác Thạch Hùng đổi giọng tha thiết: "Nhưng tại sao Em! Em! Em nhất quyết đẩy anh đi để cứu lấy mạng sống của anh trước nhất "!.Thạch Hùng hai tay bưng mặt khóc rưng rưng, than khóc thống thiết: "Con tôi..! Vợ tôi..!"....
 Đọc lại và nghiên cứu hồ sơ của Thạch Hùng, Trọng biết Thạch Hùng có ra hầu tòa nhiều lần! Anh muốn biết rõ hơn, cách đây vài tháng anh hỏi Thạch Hùng:
 - Làm sao trong tháng Giêng, tháng 2 và tháng 4, năm 82 anh ra hầu tòa cả thảy 3 lần, và cuối cùng được tha bổng"..Trọng rất ân hận sau khi hỏi câu hỏi ấy!  Anh nhìn thấy những nét xốn xang, những vết hằn trên trán của Thạch Hùng có vẻ thâm đen hơn, sâu hơn! Thạch Hùng trình bày:
 - Tôi đến Mỹ vào tháng 7 năm 75, cuối 75 tôi có job và đi làm ngay, không nhận wellfare mà! Tôi phụ sửa xe hơi! Ở trong nước tôi cũng biết chút ít nghề này vì cha tôi là thợ máy của hãng Renault ở Saigon. Ông chủ rất quí tôi! Tôi làm được 4 năm coi như khá tay nghề! Lương hậu hĩ. Tôi sống được! Tôi bắt đầu nghĩ đến vợ con tôi và gia đình tôi. Càng tìm hiểu tôi càng thấy mình thêm khốn đốn! Toàn những tin buồn, những tin khốn nạn cho đời mình! Không một tin vui! Nói đến đây mặt Thạch Hùng chan hòa nước mắt!
 - Mùa Thu 79, Thạch Hùng tiếp tục nói, không hiểu tại sao tôi buồn! Cảnh sắc lãng mạn trữ tình của mùa Thu Chicago làm quay quắt lòng tôi chăng! Ôi là nhớ! Không rõ mình nhớ gì! Nhớ nước, nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ cha mẹ, nhớ anh em, nhớ buổi sáng đầu làng, nhớ buổi chiều cuối bãi! Tiếng chó sủa khuya, tiếng gà gáy sáng!..Khuya hôm đó tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn trăng Thu, không sao ngủ được!  Tôi thấy Thục Oanh! Thục Oanh của tôi! Ôi nàng! Nàng tay bế con, tay lái xuồng! Con trai tôi! Ôi! Thục Oanh! Nàng cố chèo thuyền vượt sóng ra cửa sông ông Đốc! Thuyền bềnh bồng! Gió! Gió! Ôi là gió! Khốn nạn ông trời không thương vợ con tôi! Cuồng phong, hất tung, thuyền lật! Vợ tôi! Vợ tôi cố bế lấy con tôi đưa con tôi lên cao réo gọi tôi "Thạch Hùng! Giữ lấy con! Giữ thật chặt đừng để tuột con! Mất con! Em chết. Em chết đây!..Tôi liền tung người nhảy xuống nước, cố cứu lấy vợ tôi, con tôi!...
 Sáng hôm sau thức dậy tôi nghe người đau đớn nhức mỏi, mở mắt ra thấy mình nằm trên giường bịnh trong bịnh viện, hai chân bó bột. Bác sĩ Kaplan đến thăm tôi. Ông hỏi tôi tại sao tôi nhảy lầu tự tử hồi nửa khuya đêm qua! Tôi sững sờ, tôi không biết, không hay điều gì hết. Thế giới trở thành xa lạ! Và bắt đầu từ đó tôi nghe hằng ngày lời réo gọi của vợ tôi! Tiếng khóc của con tôi. Tôi hứa với em, anh giữ con! Anh sẽ nuôi con!..Người chung quanh tôi nghe tôi nói họ không biết tôi nói gì... Họ sống trong một thế giới khác!  Hoàn toàn khác! Sau khi xuất viện bác sĩ Kaplan gửi tôi đến gặp bác sĩ tâm thần Mark Heinderman. Tôi biết từ đó thế nào là tư vấn tâm thần, điều trị tập thể, group therapy! Bác sĩ Heinderman bảo tôi là nạn nhân của bịnh tâm-thần-phân-liệt, schizophrenia! Nhưng tôi nhất định cải ông ta, và bảo ông ta sai! Tôi nhất quyết với ông ta tôi không phải là nạn nhân của schizophrenia! Tôi là nạn nhân của chiến tranh! Tôi là nạn nhân của Chuyên Chinh Vô Sản! Ông ta há miệng, hai tay ôm đầu, sửng sốt nhìn tôi! Ông ta nói thật nhỏ: "Probably, you are right!". Nói đến đây, Thạch Hùng dừng lại một chập để thở. Anh tiếp tục:
 - Mùa Thu năm 1981! Lại cũng mùa Thu! Đêm hôm đó tôi đem về phòng một con "Poule! Blonde"!
 - Anh muốn nói sao" Một con điếm tóc vàng"
 -Vâng! Một cô điếm tóc vàng! Anh ngạc nhiên sao" Lúc đó coi vậy mà làm ra tiền dễ dàng hơn bây giờ! Người Mỹ ai cũng thương hại mình! Ai cũng muốn mướn mình làm cho họ! Mấy cô điếm lậu ở vùng Uptown này cũng tốt nữa! Họ lấy tiền rẻ hơn! Họ biết mình là "refugee". Tất cả đều nghèo với nhau! Nhưng cô em này thật đặc biệt! Giọng nói em trầm bổng, da trong trắng như Thục Oanh! Vâng! Em đẹp như Thục Oanh! Em đẹp và sang trọng như Thục Oanh của tôi! Đến khuya em đòi về! Tôi năn nỉ em ở lại với tôi! Em không chịu ở! Tôi quì xuống chân em, van xin em ở lại với tôi đến sáng! Tôi sẽ trả tiền cho em gắp 10 lần! Tôi khóc! Không hiểu sao, em cũng bậc khóc! Em ôm tôi nức nở! Em gọi tôi là Paul! "Oh! Paul! Oh! Paul!..I miss you now!  What's the hell! Our life!". Tôi thấy cô em cũng buồn! Nhưng em đâu có biết càng thấy em buồn, tôi càng nhớ Thục Oanh! Tôi thương cô em quá chừng! Sáng hôm sau em đánh thức tôi dậy. Em từ giã tôi. Tôi cho tiền em nhiều như tôi hứa. Tôi nắm chặt tay em. Tôi hôn em tha thiết. Tôi trao cho em chìa khóa và giấy chủ quyền chiếc xe Park Avenue, tôi mới mua! Tôi bảo với em: "tôi xin biếu em chiếc xe này để làm kỷ niệm! Chúng ta đã một lần gặp nhau trên cõi trần này!". Và tôi nói thêm: "Em hãy dùng chiếc xe này để chở con đi học hàng ngày nghe em."! Tôi thấy Em kinh hãi! Em nhìn tôi! Há hốc miệng, Em nói lớn:
 - Oh! No! No!..Và em có ý thoát chạy! 
 Tôi nắm chặt cánh tay em mặc cho em vùng vẫy! Tôi chụp cái dao trên bàn ăn, tôi dí vào ngực em! Tôi nói:
 - Nếu em không nhận chiếc xe này, tôi sẽ giết em và sau đó tôi sẽ tự vận tôi chết!..Tôi buông dao, tôi quì xuống ôm hai chân em tôi khóc!.. Tôi thấy mặt em tái xanh nhợt nhạt, giống như gương mặt của một người bị chìm tàu, bị chết đuối!
 Em nói vào tai tôi:
 - Ok! Ok! I'll have your car! Và em bước ra khỏi phòng!
 Tôi sung sướng mình đã làm một nghĩa cử! Tôi hy vọng, biết đâu ai đó ở Việt Nam cũng làm một nghĩa cử như vậy cho Thục Oanh. Tôi ngủ lại lúc nào tôi không hay... với niềm vui sung sướng trong lòng!
 Gần 1:00 giờ trưa, có tiếng ai đấm vào cửa phòng tôi. Tôi vừa mở cửa, hai người cảnh sát hùng hổ ụp vào phòng tôi. Đè tôi xuống còng tay tôi và họ bảo tôi là kẻ phạm tội! Kẻ có ý giết người. Họ chở tôi đến cảnh sát cuộc, gần nhà! Hai người cảnh sát áp tải vào phòng giam. Sau đó một người cảnh sát cho tôi hay là tội can tôi hăm dọa giết người. Ông bảo là cô bé tóc vàng thoát chạy ra khỏi phòng tôi, đã gọi cảnh sát và tường thuật mọi việc xảy ra lúc sáng sớm giữa tôi với cô gái tóc vàng. Nói xong ông ta đưa chia khóa xe và giấy chủ quyền lại cho tôi. Ông gọi điện thoại đến hội Khmer Project và ông yêu cầu hội Khmer Project đến bảo lãnh tôi về, và chờ ngày ra tòa. Những người cảnh sát ở đây họ đều biết tôi, họ đã nhiều lần đưa tôi vào bịnh viện Chicago Read cấp cứu...
 - Chuyện nghe đơn giản! Nhưng tại sao anh phải ra hầu tòa đến ba lần" Trọng hỏi.
 - Chuyên nghe đơn giản là vì ở cảnh sát cuộc ai cũng biết tôi. Nhưng việc truy tố phải tiến hành đúng thủ tục. Chính họ cũng nói như vậy với ông Sanari, chủ tịch của Khmer Project khi ông này đến đóng tiền "bail" cho tôi về!...Sau biến cố đó, tôi bỏ Chicago, đi Boston, vì ở đó có nhiều bạn bè của tôi!  Không bao lâu tôi lại xung đột với tụi nó, tôi bỏ đi Cali... Rồi tôi lại về Chicago! Mới biết Chicago, đất lành chim đậu!..
 Kể lại chuyện xưa, Thạch Hùng không hề tỏ vẻ một tí gì ân hận việc mình làm. Anh có vẻ trầm mặc, suy nghĩ mông lung. Ngừng một hồi lâu, Thạch Hùng nói:
 - Nghĩ cho cùng cũng tại tôi! Khi một em bé xin tôi một miếng cam, tôi cho em một trái cam em ấy sẽ kinh ngạc! Đàng này tôi cho em một thúng cam! Em chạy trốn là phải! Tôi nghe ông Xuân Diệu nói như vậy!
 - Anh cũng đọc văn của Xuân Diệu "
 - Có chứ! Tôi có đọc "Phấn Thông Vàng" của ông ta, Thục Oanh mua cho tôi nhiều sách lắm!..Sau câu nói ấy, mặt Thạch Hùng trông buồn đau đáu!  Anh thầm lặng đứng dậy, bắt tay Trọng ra về... 
Sau đó chừng mươi ngày, bác sĩ Fournier gửi Thạch Hùng trở lại Trọng. Lúc này tình trạng tâm thần của Thạch Hùng khả quan hơn. Thạch Hùng rất ngoan ngoãn hợp tác, biết lắng nghe anh nói. Thạch Hùng uống thuốc đều đặng, không bao giờ anh sai hẹn trong việc tư vấn. và chủ động tham dự nhóm điều trị tập thể! Khi thấy Thạch Hùng phục hồi tốt trí nhớ, Trọng gửi Thạch Hùng đến học Hội họa tai trường Truman College, hay học vũ cổ truyền của Khmer tại Trung tâm Khmer Project. Thạch Hùng rất thích và rất tự hào về vũ cổ truyền Khmer!..
 Một buổi sáng Trọng đang loay hoay soạn các files của bịnh nhân để xem lại để làm tổng kết hằng tháng, một bàn tay đặt trên vai anh. Anh quay lại, Thạch Hùng vui vẻ chào anh. Thạch Hùng hớn hở báo cho anh hay là còn hai ngày nữa anh ta "lên đường về thăm nước, thăm nhà"!
 Trọng bảo:
 - Hạnh phúc nhỉ!
 - Nhất định rồi! Thạch Hùng sung sướng cười ngoặt-ngoẹo!
 Anh thấy mừng và thương Thạch Hùng! Hôm đó là ngày 19 tháng 12 năm 1996! Tính đến nay hơn 12 năm qua, lúc nào Thạch Hùng cũng được anh tận tình chăm sóc, giúp đỡ, khi thì đề bạt Thạch Hùng làm hội viên danh dự của Trung Tâm bịnh Tâm thần, khi thì cho Thạch Hùng làm trưởng toán trong buổi điều trị tập thể...
Trong những năm đầu với Trọng, từ năm 84 đến năm 89, tình trạng tâm thần của Thạch Hùng khi co khi giãn, khi trầm khi bổng, nhưng lúc nào anh cũng giữ đúng hẹn với Trọng.  Có lẽ nhờ cái thiện cảm nồng hậu, empathy, mà Thạch Hùng tìm thấy ở Trọng đối với anh ta, như sau này Thạch Hùng có đôi lần thổ lộ, nhờ đó mà anh đã gắng bó và tin tưởng ở Trọng. Có lúc Thạch Hùng tự nguyện làm em nuôi của Trọng! Trọng cảm thấy hạnh phúc và kiêu hãnh về những thành quả của khả năng tư vấn tâm thần của mình. Anh đã phục hồi chức năng xã hội và tâm thần của biết bao nhiêu người, trả lại cho họ đời sống bình thường, lao động và sản xuất!

(còn tiếp một kỳ)
ĐÀO NHƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến