Hôm nay,  

Người Bạn Cũ

11/04/200800:00:00(Xem: 161971)

Tác giả: Phạm Minh Châu
Bài số 2272-16208249-vb6110408

Tác giả đang sống tại Austria, Áo quốc, Âu châu. Năm 2000, khi  còn là một sinh viên mỹ thuật 30 tuổi, ông góp bài viết về nước Mỹ năm đầu tiên, “Cuộc Phiêu Lưu Của Chiếc Xe Đạp” rất sống động với ý tưởng kết luận  “nếu trước đây tôi chịu khó để ý đến những người xung quanh một ti thôi thì...” Nhiều năm sau, khi giải thưởng đã sang năm thứ bẩy, ông góp thêm bài viết thứ hai, kể về một chàng sinh viên gốc Áo chính hiệu tại quê hương của Mozard tự chọn cho anh cái tên là “Cây Đa”. Cả hai bài viết cùng cho thấy niềm tin tốt đẹp về con người và quê hương, thế giới. Sau đây là bài viết mới của ông.

Tôi cam đoan rằng, người đàn ông trẻ có nước da ngăm ngăm đen với mái tóc bồng bềnh nhuộm màu vàng đỏ lẫn lộn, trong bộ quần áo mà giới trẻ cho là đang thịnh hành kia, không ai khác hơn là Đoàn.

Cho dù có cố tình thay đổi bề ngoài bằng cách nào đi chăng nữa, tôi vẫn có thể nhận diện ra hắn một cách dễ dàng qua cách thức nói chuyện nửa tây nửa ta không cần thiết kia. Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao hắn lại thích làm như vậy, dù trình độ tiếng Việt của hắn không thua ai... Nhưng điều thú vị nhất đối với tôi hiện giờ không phải là những vấn đề trên, mà là về cuộc hội ngộ sau hơn mười năm dài không đợi chờ này, dù cái khoảng cách giữa nơi sinh sống của chúng tôi vỏn vẹn chỉ chừng hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe lửa hay Auto thôi.

Nếu so sánh về tuổi tác thì hắn thua tôi vài tuổi nhưng so sánh về kinh nghiệm sống thì thật sự tôi lại thua hắn khá xa. Còn nếu cho rằng hắn đã lăn lộn và bươn chải nhiều nên mới có được bí quyết sống mà hắn thường tự hào thì có lẽ cũng không đúng lắm, vì trong thực tế thì tôi cũng đâu có khác xa hắn về điểm này là bao...

Nhớ thưở nào, khi còn chân ướt chân ráo với nhiều bỡ ngỡ mới lạ tại nơi đây, chúng tôi đều bắt đầu từ con số không to tướng để nhìn về tương lai cùng nhiều mơ mộng đẹp. Có những đêm mệt nhoài sau công việc, tôi vẫn dành thời gian gọi điện thoại để hỏi thăm và lắng nghe hắn tâm sự:

- Anh biết không, chỉ có mỗi mình anh khuyên em nên cố gắng chịu đựng và tiếp tục công việc. Những người khác thì hoàn toàn ngược lại. Họ nói là nên nghỉ quách đi hoặc kiếm công việc khác tốt đẹp và nhiều tiền hơn... Ngu dại gì mà để cho thiên hạ bóc lột mình. Đây là đất nước tự do, làm gì mà phải sợ hãi, tối ngày chỉ cắm đầu trong xó bếp như vậy thì làm sao mà ngóc đầu lên được chứ!
Tôi cảm thấy ấm lòng mỗi khi nghe thế, rồi hỏi lại:
- Thế còn ý em thì sao"
- Anh biết đó, em sẽ luôn cố gắng thôi, vì anh em mình hiện nay đâu có sự lựa chọn nào khác! Nghề nào cũng quý hết mà! Tại Việt Nam, bao nhiêu người phải bỏ tiền của công sức ra để tìm được một việc làm trong nhà hàng hay các quán Bar, thì tại sao mình lại chê bai... Vả lại mình chẳng còn con đường nào khác trong lúc này cả!
Đúng vậy, sự lựa chọn duy nhất của chúng tôi để được tồn tại ở đây một cách chính thức vào thời điểm bức tường Berlin vừa sụp đổ, là bằng mọi cách phải tìm được bất cứ một công việc gì đó để làm và hy vọng với thời gian, chính quyền sở tại sẽ xem xét hồ sơ và cấp cho giấy tờ sinh sống hợp lệ dù chỉ là tạm thời... Những tờ giấy như thế này, đối với bất cứ người Việt nào đến đây từ các trại tị nạn ở Châu á trước đó, hoàn toàn không còn là vấn đề để bận tâm nửa, vì họ là thuyền nhân và được hưởng quyền tị nạn. Còn chúng tôi, những người cũng chạy trốn đến đây nhưng qua trung gian từ các nước hậu cộng sản đông âu, thì dĩ nhiên không thuộc diện ưu tiên như thế, cho nên mọi người phải sống trong tình trạng hồi hộp và luôn lo sợ bị trục xuất khi nhà cầm quyền có được cơ hội...

Do ý thức được sự khó khăn như vậy, nên đa số những người cùng hoàn cảnh chúng tôi phải tự đi tìm cơ hội sống cho riêng mình tại khắp mọi nơi của đất nước tạm dung này. Nếu chỉ biết tụ tập với nhau để than thở hay chờ đợi sự hên xui, thì có lẽ ngày hôm nay, biết đâu hắn và tôi cũng không khác xa gì trường hợp của một số người không được may mắn. Họ vẫn chưa đạt được ước mơ nhỏ bé để lưu lại nơi đây một cách chính thức sau nhiều năm dài mòn mỏi chờ đợi trong âu lo.

Nơi đầu tiên tôi được may mắn nhận làm việc, sau khi liên tục bị từ chối, là một nông trại nghèo nàn trong một khu đồi núi hoang vắng. Công việc duy nhất mà ông chủ già nua giao phó, là hàng ngày phải lau chùi từng cây đinh hay từng cái bù lon rỉ sét tại một nhà kho cũ nát ẩm ướt. Trong một lần ghé thăm, hắn lắc đầu bình phẩm:
- Ông gìa này hình như không được bình thường cho lắm!
- Sao em lại nghĩ vậy" Tôi tò mò hỏi.
-  Chỉ cần một phần nhỏ từ tiền lương trả cho anh, chắc chắn ông ta có thể mua được những cây đinh mới toanh, thay vì bắt anh phải làm công việc buồn tẻ như vậy!
Qủa thật hắn nhận xét không sai, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó. Mục đích duy nhất của tôi là cần có việc làm để sinh tồn dù công việc và lương bổng ra sao.

Trách nhiệm của mình được giao phó thì phải hoàn thành, tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế thôi!

Nếu so sánh với những người đồng cảnh khác thì tôi vẫn là người may mắn hơn, nên luôn cảm thấy vui và hài lòng với những gì mình đang có. Mặc khác, công việc này tuy có đơn điệu nhàm chán thật, nhưng nó đã rèn luyện và giúp cho tôi có thêm một đức tính kiên trì chịu khó, và nhờ thế mà tôi có thể tồn tại được với cuộc sống nhiều thử thách nơi xứ lạ này. Nhưng cũng biết đâu, thay vì giúp cho tôi một số tiền, thì ông lão này muốn tạo cơ hội để cho tôi tự kiếm được số tiền đó một cách có ý nghĩa từ chính công sức của mình. Tôi vẫn nhớ lời dặn dò của một anh bạn vượt biên từ Tiệp khắc qua trước vài tháng, trong một lần tình cờ quen biết, đã nhắn nhủ:
Hãy vui khi người ta tin tưởng và giao cho mình một công việc trong lúc đang tuyệt vọng. Đừng nên đòi hỏi gì hết mà hãy tự chứng tỏ khả năng của mình trong công việc, rồi thời gian sẽ đem đến cho chúng ta những cơ hội tốt đẹp hơn. Nền tảng bắt đầu cho cuộc sống của những người trong hoàn cảnh không có giấy tờ như anh em mình là như thế! Do vậy bằng mọi cách phải cố gắng để ông bà chủ thương mà giúp cho có giấy phép làm việc chính thức. Có giấy phép làm việc rồi, thì mới hy vọng được giấy phép định cư. Nơi đây, người ta không kén chọn công việc mà chỉ có công việc kén chọn con người thôi! Không bằng cấp, không nghề nghiệp, không ngoại ngữ, thì dù muốn làm một việc thấp hèn, chưa chắc người ta đã nhận. Ở Việt Nam, có những công việc mà chúng ta cho là dơ dáy bẩn thỉu, thì ở đây điều kiện tối thiều là phải có quốc tịch và trình độ hiểu biết chuyên môn thì mới nhận được việc làm như thế đó em...


Tôi hiểu lời khuyên chân tình đó nên luôn cố gắng với chính mình trong bất kỳ một công việc nào, để có thể tự sống được một cách tử tế như bao người khác. Có những ngày đông dài lạnh lẽo, một mình đạp xe cọc cạch nhiều cây số trong băng tuyết như người điên trên những con đường đồi núi hiu quạnh để đi làm, nhưng không làm tôi nản chí bao giờ. Những lúc đó tôi luôn tin rằng mình đang là một người hạnh phúc và tôi không muốn đánh mất sự hạnh phúc nhỏ nhoi này.

Theo ngày tháng, nỗi lo sợ bị trục xuất cũng đã phai nhạt, khi chính quyền sở tại đã mở rộng lòng nhân đạo, xem xét và cấp giấy tờ cư trú cho những ai đã có thể tự lập cuộc sống được. Hắn và tôi là những người thuộc diện may mắn này, không uổng công sức sau những năm tháng mệt mỏi ngược xuôi đây đó. Kể từ hôm ấy, chúng tôi an tâm sống tự tin hơn và lựa chọn cho mình những công việc phù hợp để phấn đấu vươn lên.
Ngày cầm tờ giấy phép cư trú trên tay, hắn không thể nào dấu hết được những niềm vui thầm kín cùng nhiều mơ ước mà bấy lâu nay vẫn thường ấp ủ:
- Vài năm nữa khi vào quốc tịch rồi, em sẽ về Việt Nam để thăm gia đình ngay, sau đó sẽ cố gắng vừa đi làm và vừa theo học đại học để tương lai sẽ sáng sủa hơn. Rồi em cũng có một mái ấm gia đình, có con cái, có mọi thứ... Em không muốn bị người đời khinh khi. Em không bao giờ muốn trở lại những ngày khổ sở như trước nữa! Thật là hãi hùng...
Tôi vui theo niềm mơ ước của hắn, một thanh niên tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết như vậy, chắc chắn sẽ thành đạt được trong mọi ước mơ thôi...
Thấm thoát mười mấy năm dài cũng đã trôi qua nhanh, người thanh niên dễ mến tên Đoàn với những nỗi khát vọng đẹp mà tôi quen biết thuở nào, bây giờ không những đã thay hình đổi dạng mà thay đổi luôn cả cách sống. Hắn không còn giống như hình ảnh mà tôi vẫn luôn mang trong trí nhớ...
- Chắc là anh không thể ngờ rằng em đã thực hiện được cả trăm chuyến đi chu du đó đây khắp thế giới trong quảng thời gian vừa qua đâu" Đặc biệt là năm nào em cũng về Việt Nam và ở lại đó vài ba tháng! Có nhiều chuyện vui lắm, từ từ em sẽ kể hết cho nghe!
Tôi ngạc nhiên:


- Công việc của em hiện nay đòi hỏi phải đi đây đó nhiều như sao" Thú vị thật!
Hắn cười ranh mãnh, nhún nhún đôi vai rồi trả lời một cách kiêu hãnh:
- Dĩ nhiên là thú vị khi được đi đủ thứ nơi rồi, nhưng anh thật là qúa lạc hậu, không biết gì hết ráo! Em đi chơi, đi du lịch thôi chứ không có đi làm ăn hay công tác gì đâu. Nghĩ lại hồi xưa, tụi mình cứ cắm đầu cắm cổ đi làm ngày đêm ở các nhà hàng thấy mà ngán, nên bây giờ em chỉ biết sống để hưởng thụ những gì mà mình đã bị mất thôi. Cơ hội đang có trong tay, tại sao mình không biết tận hưởng nó"
- Sao em may mắn qúa vậy" Chắc là em trúng số độc đắc rồi chứ gì" Tôi vui vẻ đùa.
- Cần gì phải trúng số mới làm được như vậy! Tại anh không nghĩ ra thôi, nhiều người cũng làm giống em lắm mà!

Hắn úp úp mở mở, càng gợi cho tôi thắc mắc thêm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm bản thân, tôi biết rõ rằng, ở đây mọi người luôn bận rộn với công việc và cuộc sống hầu như quanh năm, trừ vài tuần lễ được nghĩ phép hay các ngày lễ hội ra, thì ít ai có được những thời gian rảnh rỗi và tiền bạc dư thừa để đi du lịch nhiều ngày đó đây, ngoại trừ làm những nghề nghiệp không lương thiện như cái mốt "Trồng cỏ" mà báo chí lâu lâu vẫn phanh phui ra và thiên hạ lên án dữ dội... Tôi thắc mắc:
- Đi chơi nhiều như vậy không sợ bị ảnh hưởng gì tới công việc của em hay sao"
Hắn cười thật to ra vẻ đắc chí lắm, rồi thản nhiên trả lời:
-Thú thật với anh, em có đi làm thường xuyên đâu mà sợ bị ảnh hưởng này nọ! Thôi để em cho anh biết luôn mà học hỏi nha. Mỗi năm em chỉ đi làm tối đa vài ba tháng rồi ăn tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp và song song đó đi làm chui. Như vậy được một lúc hai ba đầu lương khỏe re, vừa sung sướng và vừa không bị ràng buộc với thời gian nữa... Dại gì mà cứ phải cày ngày ngày đêm rồi bị đóng thuế oan uổng như vậy. Bây giờ có quốc tịch rồi, mình phải sống cho đúng nghĩa là người có giấy tờ đàng hoàng chứ! Anh nên tận hưởng quyền lợi đi, kẻo rồi hối hận đó!

Tôi bỗng thấy bị hụt hững và thất vọng về hắn. Hy vọng rằng những người bản xứ đang làm việc chung quanh đây không hiểu được hắn đang nói gì, nếu hiểu được chắc họ sẽ buồn và khinh khi những kẻ lười biếng chỉ thích sống ăn bám như vậy lắm... Đúng là, thời gian đã làm thay đổi tất cả, từ một thanh niên chịu khó với tinh thần cầu tiến của ngày nào, sau khi có đầy đủ giấy tờ rồi, thay vì phấn đấu vươn lên như hắn đã từng mơ ước, thì lại chọn một con đường kỳ cục như thế. Gía mà hắn bịnh tật hay không có khả năng làm việc, thì sao cũng được, đằng này lười biếng, ỷ lại và cố tình lợi dụng lòng nhân đạo của đất nước đang cư mang mình để trục lợi riêng, nên làm cho tôi cảm thấy hắn là một con người qúa xa lạ với mình. Chắc chắn hắn cũng biết, những số tiền mà hắn bòn mót được từ qũy xã hội hay thất nghiệp là do sự đóng góp của biết bao nhiêu người trong đó có cả tôi, chứ không phải là tiền từ trên trời rơi xuống như hắn vẫn thường bi bô:
-Sống một lúc ở hai nơi thật là tuyệt vời! Với tiền trợ cấp ở đây đem về Việt Nam sử dụng thì mình sống vẫn như Tiên! Bảo đảm không thua ai hết! Em dự tính sau này sẽ xin đi học nghề miễn phí, rồi mang mảnh bằng về nước, sẽ có khối người thèm muốn và mời em cộng tác...

Tôi thầm ước, gía đừng có cuộc gặp gỡ như thế này thì hay biết mấy. Thú thật, những lời lẽ kỳ cục như thế tôi không muốn nghe bao giờ, cho dù nó xuất phát từ bất cứ ai.
- Em không mắc cỡ về cách sống của mình như vậy sao"
- Làm gì mà mắc cỡ" Tiền của nhà nước chứ đâu phải của riêng ai. Mình không xin thì họ cũng cho người khác thôi, vả lại đâu phải riêng em làm việc này. Anh thấy đó, mấy đứa mới vượt biên qua đây hay du học tự túc gì đó, tụi nó là con ông cháu cha có nhiều tiền của mang theo rủng rỉnh mà cũng bày đặt xin này xin kia. Nếu mắc cỡ hay xấu hổ thì phải chính là những người này! Họ mới chính là người đua đòi và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người nơi đây. Em chỉ mong cho cảnh sát tống cổ tụi nó càng nhanh càng tốt thôi.

Tôi cười thầm rồi hỏi bâng quơ:
- Cùng đi xin xỏ như nhau, nhưng hình như em lại có ác cảm với họ, có đúng không vậy"
Không cần hắn trả lời, tôi cũng dư sức hiểu rằng hắn đang hoang mang lo lắng khi càng ngày càng có nhiều người cần đến sự giúp đỡ của các qũy xã hội hay từ thiện, mà trong đó có cả những thanh niên đa số là người miền Bắc mới vượt biên đến. Họ là những người mà thỉnh thoảng tôi vẫn gặp đâu đó ngoài phố, tuổi tác cũng bằng chúng tôi cách đây mười mấy năm trước, nhưng đến đây vào một thời điểm hoàn toàn không còn phù hợp nữa. Nền kinh tế của các nước thuộc khối EU đang khựng lại và tình hình thất nghiệp gia tăng mỗi ngày, nên những cái ân huệ tối thiểu mà trước đây chúng tôi có được, thì nay họ hoàn toàn không có.

Đúng ra, hắn nên thương yêu và giúp đỡ những người không may mắn thì hay biết mấy, hoặc ít ra thì cũng nên chịu khó làm một công biệt gì đó để tự sinh sống như bao người bình thường khác, thay vì bòn mót những đồng tiền ít ỏi từ các qũy xã hội kia... Không biết có bao giờ hắn ngồi suy nghĩ lại chính mình, hay tự nhìn kỹ vào gương để biết mình là ai không" Tôi nghĩ rằng khỏi cần làm như vậy, hắn cũng dư sức nhận ra được sự khác biệt giữa hắn và những thanh niên kia rao sao. Ai mới thật sự là người cần đến sự giúp đỡ"

Nếu có trách móc, thì chính hắn mới là người được nêu danh trước nhất. Việc làm của hắn đã ảnh hưởng ít nhiều đến những người không may mắn khác, mà trong đó có những người đồng hương đến sau kia. Hắn cũng có trách nhiệm một phần trong việc tại sao những thanh niên này dù có tiền bạc nhưng vẫn trốn ra nước ngoài trong thời điểm hiện nay. Nếu như mỗi lần về thăm quê hương, hắn đừng tô vẽ qúa nhiều hay đừng gieo lại những ấn tượng sai lầm về thiên đường và cách sống không thực tế của hắn tại đây... Dĩ nhiên hắn cũng dư sức hiểu rằng, để có được cuộc sống thịnh vượng trong một xứ sở thanh bình như thế này, người dân ở đây vẫn phải bỏ công sức ra để làm việc và bảo vệ cái nền tảng mà thế hệ cha ông họ đã gầy dựng nên. Họ không ngồi yên đó mà nghĩ tới việc hưởng thụ từ sự bòn mót của công như hắn đang làm...
Tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm lại khi thấy rằng chung quanh mình luôn còn nhiều người khác biết sống với lương tâm và trách nhiệm của mình. Ước gì một lúc nào đó hắn sẽ tỉnh lại!

Bây giờ, trời bắt đầu sang xuân, khắp nơi bông hoa đua nhau nở rộ thật tuyệt đẹp. Nhìn mọi người say mê đang hạnh phúc ngâm mình trong những tia nắng vàng ấm áp sau những tháng ngày gía lạnh của mùa đông u ám cũng làm cho tôi vui theo. Hạnh phúc là những gì đó thật đơn giản trong cuộc sống mà người ta đang có và hài lòng với chính nó. Mùa xuân cũng là mùa của sự yêu thương thì phải, vì đâu đó trên cành cây luôn có những tiếng chim ríu rít gọi mời nhau xây tổ ấm. Ngân nga trong gío là những tiếng chuông nhà thờ từ phía xa xa vang vọng lại xen lẫn những tiếng còi inh ỏi nhưng vui nhộn của từng đoàn xe Auto kết hoa hồng nối đuôi nhau chạy dọc theo phố...

Hắn vẫn ngồi im, đôi mắt có vẻ đăm chiêu nhìn theo đoàn xe đưa rước dâu nhộn nhịp đó. Tuy không nói ra, nhưng qua ánh mắt ấy, tôi cũng thầm hiểu được ít nhiều về ước mơ sâu kín khó mà thực hiện được.
Để phá tan đi sự im lặng, tôi hỏi:
- Em có biết báo chí tường thuật về trường hợp một người bản xứ lập gia đình với một người nước ngoài và cô vợ không được quyền lưu trú lại đây không" Lý do rất đơn giản là thu nhập của ông chồng không đạt được quy định của luật pháp đưa ra, dù đi làm hai ba Jobs...
Hắn lặng thinh như thể không chú ý gì đến câu hỏi của tôi và tôi cũng không có ý định chờ đợi sự trả lời của hắn. Chủ yếu tôi chỉ muốn gởi gấm cho hắn một suy nghĩ thôi. Chắc hắn cũng biết rằng, nếu cứ tiếp tục con đường đang lựa chọn, thì không bao giờ có thể đưa được một cô vợ nào từ quê nhà qua đây cả cho dù hắn có đi đi về về cả chục lần. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, nên luật pháp ở đó đây cũng thay đổi và khắt khe hơn với dân nhập cư. Họ luôn sẵn sàng trục xuất bất cứ ai khi có cơ hội.

Có thể sau lần hội ngộ này, mười hay hai mươi năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại nhưng cũng có thể sẽ không bao giờ nữa. Tôi nói lời nhắn gởi trước khi từ giã:
- Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao nếu như ngay ngày hôm nay, người ta vẫn chưa biết mình đang muốn gì.
Nhìn dòng người tấp nập đi dạo trên hè phố, tôi cảm thấy vui theo từng bước chân của họ. Nó gợi cho tôi nhớ lại những năm tháng đã đi qua trong cuộc đời mình, cũng chập chững từng bước lúc mới khởi đầu, đôi khi cũng vấp phải những hòn đá to, nhưng rồi những bước chân vẫn êm đềm thoải mái bước tiếp dù đôi khi cũng có lúc khập khễnh... Hy vọng những bước chân của hắn sẽ êm xuôi hơn trên quãng đường dài!

Phạm Minh Châu
Linz - Austria 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,980,701
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến