Hôm nay,  

Tình Chị Duyên Em

21/03/200800:00:00(Xem: 142009)

Người viết: Trần Thanh Vân

Bài số 2255 -1629-32-vb6210308

Trước 1975, tác giả là sĩ quan hải quân VNCH. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một chuyện tình vui vẻ với hai chị em cô láng giềng xinh đẹp. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

Các bạn nhìn thoáng qua tựa đề sẽ cho rằng đây là vở tuồng cải lương hay bài hát sến "ma-ri phông-tên", nhưng thực tế trong cuộc sống hàng ngày tôi phải làm diển viên chánh bất đắc dĩ cho vở tuồng này.

Số là, kề bên nhà tôi (ở Việt Nam, ngày xưa) có cô láng giềng dễ thương xinh đẹp nhưng đau khổ thay, lại cách nhau  bức tường kiên cố với phần trên cao được gắn thêm hàng song sắt nhọn lởm chởm. Có lẽ ba nàng sợ thằng ma-cà-bông tôi đêm đêm trèo qua quyến rủ cô con gái rượu. Vì bản tánh nhút nhát và mặt mũi không được "ăn khách" nên tôi chỉ có ước mơ lãng mạn với nhà thơ Nguyễn Bính, đêm đêm vách tường cùng song sắt được biến thành dậu mồng tơi, còn tôi hóa thân làm bướm bay sang thăm nàng... Thú thật, tôi rất nhát gái, những khi phải đối diện các cô, mặt tôi đỏ bừng như vừa uống vài ba chai rượu, miệng lấp bấp không ra tiếng, tay chân quều quào thảm hại, thân người cứng đơ như vừa được đem ra từ phòng đông đá.

Chẳng như đám bạn cô hồn của tôi, thằng nào cũng khoe đã từng trãi qua dăm ba mối tình ướt át. Chúng còn thách đố nếu tôi đưa được cô hàng xóm đi ăn hủ tiếu tiệm ông Chệt đầu phố thì bọn chúng sẽ chi hết. Thật sự, tôi có lá bài tẩy mà đám bạn "trời ơi" này đâu có biết. Cô hàng xóm dể thương có cô em học cùng lớp với em gái tôi nên thường ngày vẫn sang chơi và đôi lúc nhờ tôi chỉ dẫn những bài toán khó. Tuần trước, em nàng mang sang bài toán của cô chị và nhờ tôi giúp dùm. Sau đó nàng nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ "có đuôi" khó hiểu. Nhờ vậy, tôi hoàn tất sứ mạng cao cả, đưa được nàng đến tiệm Chệt ăn hủ tiếu với sự trợ giúp đắc lực của cô em  nàng. Đám bạn từ đó đối với tôi nhiều vị nể và rêu rao "lù đù vác cái lu chạy!". Đúng là bọn này ganh tị, người nàng nhỏ nhắn ẻo lả, thế mà dám bêu rếu tôi "vác lu". Theo tôi biết, có vài ba đứa trong đám bạn, trước đây cố gắng làm quen với cô hàng xóm, nhưng bị nàng chê con nít, mặc dù đám bạn tôi đều lớn tuổi hơn nàng.

Dần dà, cô hàng xóm và tôi "yêu" nhau tự lúc nào chẳng hay. Nhưng nói yêu là qua sách vở  tiểu thuyết, thật sự hai đứa chưa bao giờ dùng tiếng yêu, quá lắm chỉ là "thương" hay "nhớ". Những lúc đi chơi, lúc nào cũng có hai cái rờ-mọt kỳ đà cản mũi, em gái nàng và cô em tôi. Ba mẹ nàng luôn luôn cho cô em kèm theo giám sát, phần tôi phải mua chuộc cô em của tôi đi theo với mục đích tách cô bạn ra riêng hầu hai đứa tôi có dịp tâm sự. Bình thường lúc chỉ có hai đứa, nàng mắc cở hai tay giữ chặt chiếc nón lá che mặt, phần tôi dù quen nhau khá lâu, đã là sinh viên đại học, nhưng bản tánh nhát gái vẫn không bỏ được.

Một lần hai đứa ngồi trong vườn Tao Đàn, nàng luôn dấu mặt sau nón lá vì sợ những người bạn cùng lớp bắt gặp đi chơi với bạn trai, còn tôi vụng về không biết làm gì khác hơn là hết nhìn trời rồi nhìn đất, tiếp đến ngắm ông đi qua bà đi lại... Tôi cảm thấy thua xa con ong xấu xí nhởn nhơ trên những cánh hoa xinh tươi rực rỡ vừa hé nhụy đong đưa theo gió, đàn chim đang líu lo tán tỉnh trên cây hay đôi bướm âu yếm bay lượn quanh tôi như thầm nói sao trên thế gian có anh chàng cả đẫn kề bên người đẹp mà trơ mắt ếch nhìn trời đất. Lúc đó sao tôi thán phục đám bạn quái quỷ của tôi quá mức; thằng thì thố lộ rằng đã nâng niu mái tóc cô bạn gái, đứa thì khoe đã cầm được tay và ôm được eo, đứa còn bạo gan hơn bật mí hai đứa đã "mi" nhau. Nghe chúng kể, tôi thầm nghĩ sẽ thực hiện khi có dịp. Giờ đây bên nàng, người tôi cứ như khúc củi, tay nặng như chì... đã vài lần cố đưa tay lên để gở vài sợi tóc của nàng bị gió đưa lạc lối sang châm châm vào mặt gây ngứa ngáy khó chịu mà bàn tay vẫn không nhấc lên nổi.

Gió trời đưa đẩy thế nào không biết, một con sâu màu xanh lá cây "rơi rụng" trên vai nàng, lúc đó cóc tôi mới thốt được hai tiếng "con sâu" thì tịt ngòi. Đang cười khúc khích sau chiếc nón lá, nghe tiếng kêu hoảng hốt "con sâu", nàng run lẩy bẩy như người bệnh kinh phong, miệng há to muốn la nhưng chẳng tạo được âm thanh nào. Không rõ tôi hất con sâu khỏi vai nàng lúc nào... nhưng khi hai đứa "tỉnh giấc nam kha" thì tay trong tay, khuôn mặt ngây thơ xinh xắn của nàng đã tựa vào ngực tôi, mặt tôi cũng đã vùi vào mái tóc mượt mà của nàng tự bao giờ. Thế là nhờ con sâu nhỏ bé, tôi đã vượt qua đám bạn thiên lôi, làm được tất cả những điều mà ba bốn đứa kết hợp lại.

Mỗi lần nhớ lại, tôi thầm cảm ơn tạo hóa ban cho tôi con sâu dễ thương nhất trên đời, giúp tôi chữa được bệnh nhát gái mà bao năm qua đã tạo khó khăn trở ngại và thường là đề tài đàm tiếu trong đám bạn cô hồn. Nói nào ngay tôi cũng sợ sâu như nàng, vì thuở nhỏ tôi cùng đám bạn chơi trốn trong vườn dưa sau nhà để thưởng thức những trái dưa non dòn ngon ngọt vào những trưa hè oi bức, người lớn đe nếu bị sâu đo từ vai xuống đến bàn tay thì sẽ chết yểu! Đến giờ này, tôi không biết tại sao "con sâu trời cho" đã biến mất khỏi vai nàng. Cũng có thể lúc đó mắt tôi quáng gà, nhìn chiếc lá xanh thành con sâu chăng, nhưng dù sao từ đó chông gai đã san bằng nên mỗi khi hai đứa bên nhau, tay nàng và tay tôi đã quen hơi tự động tìm đến.    

Đang học đại học thì chiến tranh bùng phát dữ dội, tôi xung phong vào Hải Quân mộng làm người hùng biển cả. Ngày từ giã, hai đứa tay trong tay hẹn ngày mãn khóa tốt nghiệp Hải Quân, nàng sẽ cho tôi nụ hôn đầu trên môi. Vì những lần đi chơi trước đó, qua những lời than thở ĩ ôi của tôi, cố gắng chìu lắm chỉ cho "mi" trên trán, phần từ mắt trở xuống hai tay nàng che kín.

Trong thời gian huấn luyện Hải Quân tại Nha Trang thì nhận được thư em gái nàng báo hung tin, cô hàng xóm đi lấy chồng! Qua lá thư cô em, ba nàng đã hứa làm sui gia với ông bạn nối khố cùng quê có đứa con trai lớn vừa tốt nghiệp kỹ sư công chánh, mà tôi gọi trại là kỹ sư cầu cống. (Lời xin lỗi bạn nào theo ngành này). Nàng là chị cả nên phải vâng lệnh cha mẹ, bỏ lời hẹn ước bước lên xe hoa làm bà kỹ sư.

Thư từ qua lại một thời gian, tôi chẳng còn phân biệt chị hay em. Lúc đầu, em nàng thư an ủi khuyên tôi quên cô chị, nhưng dần dà thư này đến thư khác, những lời an ủi lúc đầu đã biến thành chuyện nắng mưa là bệnh của trời... và thêm nữa, con đường cô em tan trường về có nhiều bóng mát đầy lá vàng... nhưng buồn vì cô đơn một mình! Dĩ nhiên, tôi đâu còn cả ngố như ngày xưa, hiểu ý cô em muốn gì, thế là tôi quăng lưới cuốn gọn.

Ngày tốt nghiệp Hải Quân, em nàng cùng em tôi đến tham dự lễ mãn khóa. Cô em nàng rạng rỡ thướt tha trong chiếc áo dài màu xanh nước biển, chiếc áo ngày xưa tôi tặng cô chị trước ngày lên đường thụ huấn tại Nha Trang và hẹn ngày mãn khóa, nàng sẽ đến để trao cho nhau nụ hôn đầu. Trong  đêm dạ vũ mãn khóa tốt nghiệp, cô em với chiếc áo xanh kỷ niệm, e thẹn duyên dáng tựa vào người hùng biển cả, tay trong tay, môi biết tìm nhau mà chẳng cần con sâu nho nhỏ làm mai mối như cô chị. Chàng thủy thủ vừa ra trường đang viễn du trong biển tình êm ái.

*

Chuyện tình đẹp thế nào cũng đến hồi kết cuộc, người hùng biển cả  chìm đắm trong con tàu tình, cô em đã trở thành mẹ đàn con 3 đứa của tôi. Mỗi lần vợ tôi ra vườn gặp con sâu là nàng hét to như người đánh ghen, dù bận tay cách mấy, tôi cũng chạy ra o bế đưa con sâu dễ thương đến một nơi an toàn khuất mắt nàng. Vợ tôi ngạc nhiên tự hỏi sao ông chồng quái đản có thể nâng niu êm ái  những con sâu lông lá gớm giếc như thế, nhưng tôi chẳng đủ can đảm kể chuyện "con sâu định mệnh" ngày xưa nối tình với chị nàng.

Dù trải qua bao nhiêu năm, mỗi lần gặp chị vợ, hai đứa vẫn "như như" thế nào! Tôi cố gắng gọi chị xưng... tôi, nhưng sao quá nhiều ngượng nghịu nên chúng tôi tránh gọi tên chỉ nói trỏng không. Vợ tôi cũng thông cảm nên chẳng phiền hà, nhưng khổ nhất là lúc gia đình bên vợ sum họp vào những ngày Tết, nàng ở nhà trước thì tôi kiếm cớ ra nhà sau hay lẩn tránh ngoài sân. Đối đế lắm khi phải xuất hiện trước mặt mọi người thì chúng tôi theo sách lược "ngậm miệng ăn tiền" hay như chẳng nhìn thấy nhau!

Hôm qua vợ tôi vừa cho biết, tuần tới chị nàng sẽ sang thăm và cùng đón Xuân Mậu Tý với gia đình tôi, còn "thằng anh cột chèo cầu cống" đang bận công tác xa nên nàng đến một mình. Dù thừa biết xưa nay tôi đã diễn "vai trò giao cho" một cách hoàn hảo không có gì chê trách, vợ tôi vẫn cẩn báo nếu lợi dụng năm chuột với ý tưởng "làm mèo bắt chuột" hay lạng quạng nhìn dọc ngó xiên với bà chị thì tôi trở thành thái giám ngay. Đàn bà thật khó hiểu! Tôi là người vô tội, chính hai chị em nàng đã đưa đẩy tôi làm kép chánh cho vở tuồng cải lương éo le này.

Hỏi bạn, tôi phải diễn xuất sao cho vừa lòng vợ nhưng vui lòng tôi trong những ngày sắp tới đây"

Ý kiến bạn đọc
17/08/202201:56:14
Khách
Tôi muốn mua sách này ở đâu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,318,756
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến